Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Giấc mơ hoa

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 500 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Giấc mơ hoa
Thu Hà

 Có lẽ chúng tôi sẽ quên Cương nếu một ngày Thi không trở lại vùng đất này. Thi gọi điện báo cho mười đứa chúng tôi đến nhà Cương vào ngày mai. Tất cả nháo nhác gọi điện cho nhau nhắc: Ngày mai giỗ Cương.

Tuấn đến đón tôi từ sớm và chờ tôi làm mấy việc linh tinh rất lâu mà không phàn nàn gì. Hắn ngồi xem vô tuyến bình tĩnh như một vị chủ nhà. Bọn tôi hẹn nhau ở quán Ngày xưa.

Quán vẫn tên cũ nhưng đã đổi chủ. Những bộ bàn ghế bọc vải ngồi lún mông, êm êm cho một cảm giác mới. Không còn ghế mây, bàn mây và tiếng đàn ghi ta bập bừng của chàng trai trẻ, mắt lúc nào cũng nhắm nghiền theo dòng nhạc lãng du. Chỉ có sáu đứa nhớn nhác nhìn nhau, lặng thinh chờ người phục vụ mang đồ uống. Bốn đứa vắng mặt: đi công tác, về quê chồng…

Tôi khoe với cả nhóm: “Con Thi oách thật đấy. Sắp tới nó về làm Giám đốc đại diện cho chi nhánh ngân hàng ngoài Bắc. Đứa nào nhiều tiền nhờ nó giữ hộ”. Cứ như chỉ chờ có ai nhắc đến Thi là bật ra câu hỏi: “Có ai dám lấy Thi không?” Câu hỏi ấy tự dưng làm tôi thấy sượng sùng. Tuấn ngồi đối với diện với tôi ơ hờ rít thuốc, có vẻ sốt ruột về điều gì lắm.

Từng giọt cafê rỏ tách tách, lan tỏa xuống chiếc ly có sữa trắng, hòa quyện vào nhau thành nỗi buồn chảy vòng quanh. Tôi im lặng để giữ yên lòng mình. Đêm trước, tôi với Thi trò chuyện trên mạng đến gần sáng mới ngủ qua cái tên của những loài hoa màu tím: Oaihương và luuly

Luuly: Mày thấy anh Hoan thế nào?

Oaihuong: Tốt. Nhưng không biết gia đình anh ấy có chấp nhận tao không.

Luuly: Cái chính anh ấy có yêu mày thật lòng hay không thôi. Mày mà lấy anh ấy, tao mừng.

Oaihuong: Có thể…

Luuly: Sao lại có thể?

Oaihuong: Chả biết. Đôi khi tao vẫn mơ thấy Cương. Cương đứng bên cửa sổ đầy hoa tím cười với tao. Khi với tay ra thì Cương lại tan biến chỉ còn tấm rèm trắng phấp phới. Nhiều đêm tao sợ một mình lắm.

Luuly: Mày thử đi gọi hồn Cương xem.

Oaihuong: Tao thử rồi, nhưng người ta bảo chưa là vợ chồng, hồn không lên đâu.

Luuly: Chả nhẽ mày cứ sống thế mãi! Mày phải thực tế và thương bố mẹ  chứ. Quá khứ rồi cũng chỉ là kỷ niệm mà.

Oai huong: Qua một người bạn, tao đã biết anh Hoan đã từng có mối tình cay đắng. Cô người yêu của anh ấy mở chung công ty rồi cuỗm cả chì lẫn chài, bay ra nước ngoài cùng một Việt kiều. Vì thế  anh ấy  căm ghét  đàn bà.

Luuly: Đôi khi hai trái  tim đau khổ gặp nhau thành hạnh phúc thì sao?

Oaihuong: Nhưng tao sợ rằng  đàn ông mà hận thì dứt khoát phải găm nỗi hận ấy vào ai đó.

Luuly: Mày cảnh giác quá đấy. Tao không nghĩ anh Hoan lại là người như thế.

Oaihuong: Tao cứ phấp phỏng sợ.

Ngày Thi báo vào  Nam nhận công tác mới. Bọn tôi tiễn Thi trên sân ga vào buổi chiều mùa đông u ám. Từ phía xa, tôi nhận ra anh Hoan trong xóm cũng đang xách va-li đi lại cửa của chuyến tầu đó vào Nam. Anh là kỹ sư xây dựng cầu đường, nên trong Nam ngoài Bắc đi như con thoi. Anh Hoan là học trò cũ của mẹ tôi.

Tôi níu tay anh Hoan mà rưng rưng: “Anh ơi,  em có đứa bạn vào đó nhận công tác mới, anh em đồng hương với nhau, có gì anh giúp đỡ Thi nhé.”. Nghe đến tên Thi, anh Hoan ờ một tiếng, rồi vui vẻ bảo: “Bạn bè anh trong đó nhiều, yên tâm. Rồi quen hết thôi”…

Mấy lần anh về đều mang quà của Thi đến cho tôi và bố mẹ Thi. Tôi ngồi nói chuyện với anh rất lâu về Thi. Tôi cũng nói rõ hoàn cảnh của Thi cho anh biết. Anh bảo: “Anh đã biết rồi. Chuyện cũ của Thi chả có gì đáng ngại. Người ta chứng minh được mọi thứ bằng khoa học. Nhưng Thi là người khó gần nhỉ? ”. “Đó chỉ là vỏ bọc thôi anh ạ. Thi sống tình cảm và cũng yếu đuối lắm. …”

Hai đứa con gái đi tìm tình yêu mà lại sợ tình yêu thì thật kỳ lạ. Tôi hồi hộp thay cho Thi, bởi anh Hoan nói yêu Thi. Yêu thôi chưa đủ. Đã bao lần, tôi và những đứa bạn gái cùng nói về chuyện này khi nghe thấy từ ấy ở những chiếc miệng thơm tho hoặc những hàm răng xỉn thuốc lá.

Yêu thôi chưa đủ! Tốt thôi chưa đủ! Thế còn gì nữa mới đủ? Tuấn cáu kỉnh nói như thét lên trong cuộc tranh luận về cuộc sống của hai người yêu nhau rồi lấy nhau.

Tôi không biết. Cứ từ cuộc sống của mấy cặp vợ chồng sống thử thuê nhà trọ của nhà tôi mà suy ra thì yêu thôi chưa đủ. Chả ngày nào không có đôi giận dỗi, ghen tuông. Nhẹ thì sùi sụt khóc lóc, nặng thì dọa bỏ nhau.

Có điều đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, những cánh cửa đóng lại. Ánh trăng chiếu thênh thang khắp sân thượng, lại thấy chính mình dơ dáo làm sao khi chiếc áo trên vai cô gái buông trễ một nửa, còn chàng trai thì hà hít. Lúc ấy, không gian thênh thênh này đối với tôi thật quá ngột ngạt.

Tội nghiệp Thi! Chúng tôi đều không tin Thi yêu Cương mà chờ nguôi ngoai. Cương chết vì HIV vào thời điểm dân trong thị trấn này còn mù mờ chưa hiểu HIV là gì, chỉ nói rằng : “Thằng đó chết vì si-đa”.

Mẹ Cương vật vã bên quan tài. Nhiều người khóc nhưng họ lại oán than Cương. Trong đầu họ lúc đó chỉ vành vạnh một điều: Chắc Cương đi chơi bời gái gú nên mới rước họa vào thân, không khéo lại vạ lây sang Thi rồi cũng nên. Bọn trẻ bây giờ chưa gõ kẻng đã ăn cơm là chuyện thường tình.

Ngày ấy, Cương và Thi đang cầm thiếp mời đi phát cho bạn bè. Thi bảo tôi phải đến sớm để làm phù dâu cho nó. Loan phải kết hoa cho phòng cưới. Tuấn phải đến từ hôm trước để dựng rạp.

Kế hoạch đám cưới của Cương và Thi đang được chúng tôi bàn tán vui vẻ. Đúng hôm ăn hỏi, Tuấn đến nhà Cương giúp việc rất sớm thì nhận được tin Cương bị sốt phải đưa ra Hà Nội chữa.

Tuấn thông báo ngắn ngọn với mọi người. Hình như có gì không ổn trong gia đình Cương. Chúng tôi đến chỉ biết nói theo nhau: “U ơi, chắc là sốt virút, chỉ một tuần rồi khỏi”.

Mẹ Cường cứ khóc mãi, lắc đầu quầy quậy. Thi xin nghỉ làm hai tuần ra viện trông Cương. Đám cưới hoãn lại đã đành, nhưng cái tin Cương bị nhiễm HIV như mạch nước ngầm rỉ ra từ người này sang người kia không sao ngăn lại được.

Cả lũ chúng tôi ngồi như mặc niệm trong một quán nước. Bọn con trai lặng lẽ đi qua nhà Cương, ngập ngừng chờ vắng người mới dám vào nhà. Ngoài ngõ người ta cứ lao xao lên cả. Chỉ cần bất cứ một thông tin, một lời nói nào về nguyên nhân dẫn đến bệnh của Cương là lập tức cả xóm biết, cả khu biết, cả thị xã đều biết.

Chúng tôi xót Cương bao nhiêu thì càng buồn cho những lời đồn tung tẩy kia. Chính Cương cũng không biết mình lây bệnh từ bao giờ, bằng con đường nào.

Chỉ có Thi lùi lũi ngày ngày đến chăm bẵm, xoa nắn chân tay cho Cương. Thi vẫn cười, vẫn nói rất vui mỗi khi chúng tôi đến. Tấm ảnh cưới trên đầu giường trong căn phòng chuẩn bị cho cặp vợ chồng sắp cưới vẫn để thế.

Cái bàn gỗ cạnh cửa sổ rèm trắng mà Thi thích, ngày nào cũng có một bó hoa tím ngan ngát. Mặt Cương ngày càng nổi nhiều mụn trắng, mụn đỏ. Mới chỉ sau một tháng phát hiện ra bệnh, Cương nằm bẹp dúm như một con dán dính xuống cái đệm.

Nhìn Thi bón từng thìa cháo cho Cương, bọn con gái chúng tôi đứa nào cũng phục. Nhà Thi suốt ngày đóng cổng. Bố Thi làm Giám đốc một Ngân hàng đã đi công tác đâu đó một thời gian. Có lần tôi đến nhà Thi, mẹ Thi dộc người đi, đôi mắt trũng sâu, bà bấu lấy tay tôi mà hỏi: “Bác không biết làm sao bây giờ. Sao tai họa lại ập lên đầu nhà bác thế. Biết thằng Cương nhiễm bệnh, con Thi đã làm xét nghiệm ngay. May qúa, bác sĩ bảo nó không sao. Nhưng ai tin được nó cơ chứ. Thằng Cương chết là một nhẽ, đời con Thi nó sống thế nào đây? ” . Lúc ấy, tôi thực sự lúng túng, chỉ biết ôm lấy mẹ Thi cùng khóc.

Ngày Cương ra đi. Chúng tôi dọn dẹp phòng thấy trên giường rất nhiều sách báo về căn bệnh này, có cả truyện tiếu lâm đang đọc dở. Tôi hiểu, Thi đã làm tất cả cho Cương vui những ngày cuối cùng, để rồi tự buồn những ngày sau.

Tưởng Thi sẽ ngất lên ngất xuống như mẹ Cương nhưng không nhìn Thi nhỏ bé, gầy guộc trong chiếc áo đen lặng lẽ bước sau quan tài, càng làm chúng tôi hoảng sợ vì con người đã đau đến kịch cùng thì sẽ không còn cảm giác nữa.

Chúng tôi lo sợ vì điều đó. Thi xin gia đình Cương được mặc tang phục như một người vợ . Mẹ Cương ôm Thi mà lắc đầu: “Con còn tương lai phía trước. Các con chưa kết hôn”.

* * *

Chúng tôi bàn tán một hồi. Tiếng điện thoại trong túi reo lên, tôi bảo mọi người: “Đi thôi, Thi gọi đấy”.

Cả lũ lịch kịch, leo lên xe.Tôi ngồi sau Tuấn cầm bó hoa huệ và mấy thẻ hương. Hoa huệ cứ nồng nàn quẩn quanh lên khứu giác, tôi thích nhưng không dám hít mạnh mùi hương ấy vì có cảm giác thứ hương này chỉ dành cho những linh hồn.

Tuấn hỏi tôi: “Mùi hoa này thơm nhỉ”. “Hoa huệ. Nhưng ngày xưa Cương còn sống, nó thích hoa gì tim tím ấy gọi là hoa oải hương. Cái Thi và nó thường rủ nhau lên đồi Vả chơi và hái bao nhiêu hoa tím ấy về”. “Giống hoa sim à?”. “Không, hoa gì bám trên một cành dài như là viôlét ấy, hắc lắm. Thế mà chúng nó cùng thích…”.

Bất chợt cả tôi và Tuấn đều im lặng sau một đoạn đường dài. Không biết Tuấn đang nghĩ gì mà lao xe nhanh hơn, tôi phải giật áo bảo đi chậm thôi. Hình như Tuấn cũng như tôi muốn chạy trốn kỷ niệm buồn đang lấn át. Nhưng mọi thứ đã qua rồi cơ mà.

Nhà Cương vẫn như xưa. Nền sân cũ kỹ và rêu mọc đầy chân tường. Mái ngói thâm nâu và hình như thấp hơn ngày trước. Hay tại chúng tôi lớn hơn mà cảm thấy thế? Mùa này, cây ổi mỡ đầu hiên nhà vẫn trĩu trịt quả, rụng đầy, chả ai buồn nhặt.

Ngày trước, hôm nào lũ chúng tôi đi học về cũng trèo lên hái ổi. Cây ổi cứ xác xơ lá vì  lũ chúng tôi trèo lên, trèo xuống, bứt lá, chọc quả. Thấy bọn tôi thích ăn ổi, mẹ Cương không nỡ chặt đi, bà cứ để thế cho đến lúc bọn tôi vào đại học, ra trường, đi làm thỉnh thoảng lại về bên cây ổi tíu tít với nhau những lần họp nhóm.

Thi từ trong bếp bước ra.  Từng sóng tóc hoe vàng phất phơ trên vầng trán lấm tấm mồ hôi, và đôi mắt đượm thăm thẳm. Trông nó sang trọng và rắn rỏi như một quý bà.

Anh Hoan cao to, lừng lững bưng một chiếc mâm sắp đủ thứ đi sau. Mấy đứa con gái vừa cắm hoa và sắp mâm quả thắp hương vừa thì thầm điều gì đó. Xong. Cả bọn chắp tay yên lặng vài giây trước ban thờ. Trên ban thờ, ảnh Cương nhìn chúng tôi buồn bã lại có vẻ oán thán. Tôi hơi rùng mình.

Niềm vui nỗi buồn cứ lẫn lộn, làm đứa nào cũng thộn cả mặt ra, đứng ngồi không mấy tự nhiên. Chúng tôi vẫn cứ sợ rằng, mỗi lần đến thăm mẹ Cương, bà nhìn thấy chúng tôi mà lại nghĩ về Cương, nên nhiều khi ngại.

Hôm nay, bà có vẻ thanh thản hơn. Bà kể về những kỷ niệm xưa của chúng tôi mà cả bọn lại bật lên cười. Mắt bà ngân ngấn nước, miệng lại nhoẻn cười: “Số phận các con ạ. Ai rồi cũng sẽ chết. Cương về thế giới bên kia là số phận của nó. Mẹ mừng là các con vẫn nhớ đến bạn, đến mẹ mà về đây. Hôm nay, con Thi nó về cũng có chuyện để thưa. Mẹ mừng cho nó. Mẹ thương nó quá. Nó là đứa có tình, có nghĩa nên thằng Cương phải phù hộ cho nó…hự hự…”. Bà bật khóc, làm chúng tôi cũng khóc theo.

Tuấn giật tay tôi, bảo chuẩn bị đi thắp hương trên mộ Cương. Tôi ừ à, chân thấp chân cao leo lên xe Tuấn. Đường lên chỗ mộ Cương, đi qua một đoạn đường mòn đầy vạt hoa tím. Đúng là thứ hoa này ngày xưa Thi và Cương thích đây: Hoa oải hương.

Loài hoa tim tím bám líu chíu trên cành dài mềm mại, có mùi hăng hăng của đồi cây, của đất sỏi gan gà, mà Thi cứ thích cắm thành một bình lớn trên bàn. Nó ngắm nghía bình hoa rồi đặt bên cạnh cửa sổ có rèm trắng. Lúc ấy, chúng tôi cùng nằm dài trên giường ngửa mặt lên nhìn bình hoa tím ngát trước khung cửa sổ đầy mây trắng.

Thi nhắm mắt, ngực phập phồng thở nhịp đều đều, miệng nói lảm nhảm:  “Đây là thảo dược của tình yêu ! Còn có tập tục đặt những cành hoa oải hương trong bàn tay người phụ nữ đang đau đớn vì điều gì đó để cho họ sức mạnh can đảm;

Những bó hoa oải hương cũng được trao cho các cặp vợ chồng mới cưới để mang lại may mắn. Và rắc tung những bông hoa oải hương khô trong nhà để mang lại bình yên, hòa thuận; Loài hoa này còn mang một điều huyền bí nữa là nếu cầm oải hương và hít nó sẽ khiến người ta nhìn thấy những hồn ma".

"Khiếp! Kinh quá!" - Tôi thét lên.

Hai đứa cười rúc rích. Oải hương là một trong những loài thảo mộc thiêng liêng giữa mùa hè để cầu chúc yên bình trong cuộc đời. Thi đọc nhiều sách nên cũng tưởng tượng nhiều.

Trần đời này, tôi chưa nghe và thấy hoa oải hương bao giờ. Chắc đó là một cái tên hoa ở một cuốn truyện cổ tích nào đó, mà Thi thích nên gán cho đồi hoa tím của mình.

Dẫu sao lúc ấy, tôi thầm phát ghen với nụ cười lóng lánh trên môi và mắt Thi. Vì nó đang yêu và được yêu trong sóng sánh mật ngọt của cuộc đời. Rốt cuộc, đi làm tôi  cũng có vài người yêu và rồi chia tay.

Mỗi lần như thế, tôi gọi điện cho Tuấn như sắp cháy nhà. Tuấn đến, nhìn tôi lạ lẫm. Thở dài. Tôi không thể phân biệt được cảm giác là Tuấn khinh bỉ hay cảm thông, bởi sau những cuộc chia tay tôi đều là người bị bỏ rơi.

Lý do mà tôi biết được là quá điệu và kiêu, nên chả ăn nhập gì với thực tế của họ. Thỉnh thoảng, Tuấn cùng mấy cậu bạn ghé chơi, thấy tôi có bạn trai ngồi đấy, hắn ngồi một lát, nhấp nhổm rồi đi.

Tuấn vẫn bảo tôi: “Kiêu thế, định thành bà cô ôm cột nhà à?”. Tôi ghét nhất tính châm chọc của hắn. Mỗi lần có dịp tặng hoa, hắn đều kèm theo một câu: “Hoa ế. Thấy bà chả ai tặng, tôi thương tình tặng vậy”. Những bó hoa hắn tặng, nếu là ế thật thì cũng không sao vì rất đẹp, cách gói cũng cầu kỳ, lạ mắt.

Mọi người đi hết phía đằng trước chỉ còn tôi và Tuấn đi sau cùng. Tôi bảo Tuấn: “Này, đỗ lại, hái một ít hoa tím để thắp hương cho Cương đi”. Bọn tôi hái một bó to.

Thi cầm lấy bó hoa, run run, mắt nhìn xa xăm. Anh Hoan bật lửa châm hương, đặt mâm hoa quả trước mộ. Thi rì rầm khấn. Tuấn và tôi cũng đứng sau mọi người.

Bất chợt, Tuấn khẽ nói hình như đủ cho tôi nghe thấy: “Cương ơi phù hộ cho tao lấy Thuý nhé”. Tự dưng tôi thấy bối rối, nhỏ bé bên cậu bạn hàng ngày vẫn cứ mày mày, tao tao. Hình như tôi thấy Cương đang nhìn chúng tôi cười trong di ảnh. 

Những vạt đồi hoa tím rung rinh, ngả nghiêng theo vòng xe lượn những khúc quanh. Người con trai đèo Thi đi giữa mầu hoa tím thấp thoáng như vạt sóng nhấp nhô chìm nổi những vui buồn.

Có phải Thi luôn mang bên mình hoa oải hương? Tôi cũng cầm một nhành hoa  hái từ trên triền đồi này, ngồi sau xe Tuấn mà cảm thấy bình yên…

 

Thu Hà
Hội Văn học - Nghệ thuật Bắc Giang



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 289

Return to top