Người ở bến tầm xuân
Phan Quế
Mặt giấy ngổn ngang chữ và loang lổ những giọt nước mắt. Mẹ vừa đọc thư vừa khóc. Thầy mặt tím lại như vết máu tụ của người vừa bị đánh. Cơ thể ông đau nhức, bầm giập, lắm lúc muốn cồn lên như chảo mật đang già lửa. Bà lẳng lặng hơn nhưng cái dáng cứ mỗi lúc một xác xơ như tàu chuối khô trước gió mạnh…
Bà lão đã ngót tám mươi. Tóc trắng cước và dày như mái rạ. Màu thời gian rất rõ nhưng lượng thời gian vẫn đầy. Nhìn bà, từ đôi mắt vẫn còn trong tới vầng trán nhăn nhưng rộng thoáng ta cảm như con người này chỉ có những suôn sẻ, viên mãn…
Tôi nói:
- Thưa bác, quả đúng như lời đồn.
- Chị đẹp phải không?
- Còn hơn thế…
Bà lão cười. Nụ cười răng đen, lâu lắm chưa nhuộm lại nhưng vẫn nhánh màu thuốc. Cái màu thuốc nhuộm răng của tổ tiên truyền lại, chất liệu thủ công mà bền lâu đến thế.
- Dào ồi, cái cậu này. Khen gì mà khen mãi. Trẻ đẹp đâu đến tuổi già. Móm hết cả rồi em ơi.
Tôi cười. Nụ cười nghệch ngờ của tuổi sáu mươi trước người chị nuôi đã gần bát thập:
- Ai thế nào chứ còn với em thì… chị lúc nào cũng vậy.
Bà lão tít mắt, tay xua xua:
- Lại mơ mộng rồi… Chả trách đến bây giờ con vẫn còn đi mẫu giáo.
Câu nói vui cũng là câu nói thật. May nhờ có bà lão mà tôi có vợ. Vợ trẻ hẳn hoi. Bà lão thật mát tay. Một gã phóng viên tuổi ngoại tứ tuần, thuộc dạng hâm như tôi, vậy mà sau mấy chuyến về làng Tầm công tác đã lấy được cô vợ nhỏ hơn mình những gần hai giáp, lại ngoan ngoãn nữa.
Tôi chân thành:
- Nhà em lúc nào cũng nhắc tới cô Xuân.
- Chị thôi - Bà lão vỗ vào vai tôi thân tình - Đã là vợ cậu thì gọi tôi bằng chị cho nó gần gũi chứ cứ cô mãi nó xa cách lắm…
- Dạ vâng…
Tôi ậm ừ trả lời. Vợ tôi chắc chẳng bao giờ chịu. Bà lão còn hơn tuổi bố mẹ vợ tôi, gọi thế sao tiện.
- Thế tết này cậu mợ mừng chị cái gì nào?
Loanh quanh rồi cũng đến chuyện chính. Tết này, theo tuổi mụ là bà lão tám mươi, tuổi thượng thọ của làng. Tôi đến thăm bà cũng về việc đó.
- Tết này chị định hôm nào tổ chức ra lão.
- Mùng bốn cậu ạ! Đúng tục lệ của làng. Thằng cháu Vọng đã chuẩn bị cả rồi. Toàn thực phẩm sạch cả. Nó là chủ trang trại mà. Cậu mợ và cháu phải về với chị từ hôm mùng ba đấy.
Tôi hứa, sẽ đủ mặt cả nhà để mừng thượng thọ bà lão đúng ngày mùng bốn tết. Cũng là chuyện đương nhiên, vì gia đình tôi còn về chúc tết bên nhà vợ tôi nữa.
Chị nuôi tôi có tên là Xuân. Làng Tầm có nhiều người tên Xuân. Con sông Tầm chảy qua làng với đôi bờ sỏi ong khúc khuỷu mọc rất nhiều bụi cây gai hoa trắng tạo nên cái bến đò trữ tình từ bao đời với tên gọi bến Tầm Xuân. Hoa làm nên tên sông, tên làng, tên người, lại làm nên tên cái bến đò thoai thoải lối sỏi nhưng gập ghềnh với bao nhiêu cuộc đời qua lại, tiễn đưa trong đó có chị Xuân.
Chị Xuân của tôi có thân phận đặc biệt hơn những người có tên Xuân khác. Chị là con gái nhà giàu, có học. Nhưng học để biết chữ và ngồi nhà nội trợ chờ người phải duyên đẹp lứa đến rước đi làm vợ. Bố mẹ chị tự hào về con gái vì hai cái lẽ trên. Thuở ấy chữ nghĩa đối với phụ nữ như không quan trọng bằng đức hạnh. Chị Xuân của tôi vui lòng trong nếp ăn ở và cắt đặt ấy của gia đình, làng xã. Vậy mà… chưa kịp đón hòa bình về với làng Tầm bố mẹ chị đã bàng hoàng nhận tin dữ về chị. Hai cụ chỉ muốn chết vì con gái. Gia phong nền nếp của một đời ông bà, bố mẹ tu tạo đã thì bị chị đổ bùn, trát đất vào mặt.
Chị Xuân đang tươi tỉnh bỗng sinh ốm vật vờ. Lúc khỏe lúc yếu. Cơm không chịu ăn chỉ ăn sung chát chấm muối. Mẹ thấy da con gái xanh, thỉnh thoảng lại nôn khan đâm lo rồi sinh nghi…
- Con có chuyện gì nói cho mẹ nghe hết xem nào?
Chị Xuân chỉ biết lắc đầu và lặng lẽ khóc.
- Mẹ đau lòng quá Xuân ạ!
- Mẹ tha tội cho con…
- Cũng phải có gốc rễ chứ. Làm sao cứ im như thế được. Con nói ra đi có gì mẹ gỡ rối cho…
- Mẹ ơi…
Chị Xuân chỉ biết gọi mẹ, kêu mẹ. Còn thầy nữa. Cứ trông thấy thầy là chị lánh mặt. Cũng may, nhà có lệ ăn cơm dọn làm hai mâm nên chị không phải giáp mặt với người đẻ ra mình. Chị sợ nhất đôi mắt thầy. Khi đôi mắt ấy quắc lên nhìn thẳng thì hồn vía kẻ có lỗi chỉ việc run lên mà thú nhận.
Một lần chị nghe thầy hỏi mẹ:
- Con Xuân ra làm sao mà người cứ xanh lướt ra vậy?
- Tuổi con gái mà ông. Sức khỏe thất thường là đương nhiên…
- Mấy đứa bạn nó có thế đâu.
- Máu mỗi người một khác, so làm sao được.
Mẹ cứ cầm chừng như thế cho chị. Nỗi đau ngấm vào da thịt bà khiến bà cũng đau ốm theo con.
Rồi một ngày chị Xuân bỏ làng ra đi. Chị không dám nói trước với thầy mẹ. Trời chưa mờ đất chị đã đi. Khi mẹ trở dậy thắp đèn đun nước đã thấy mảnh giấy vuông vức, đầy chữ chị để ngay ngắn trên mặt bàn:
“Xin thầy mẹ tha tội cho con. Con là đứa con bất hiếu của thầy mẹ. Con đã làm khổ thầy mẹ và các em. Con chả biết nói gì trước gia đình bây giờ. Con tự gây ra con xin tự chịu. Thầy mẹ cho con được phép xa gia đình một thời gian. Ai có hỏi, thầy mẹ cứ nói là con đi công trường xây dựng hay đi nông trường trồng chè, trồng cà phê cũng được. Con đi con vẫn nhớ đường về. Xin thầy mẹ thương con để con mãi là con bé Xuân của thầy mẹ.”
Mặt giấy ngổn ngang chữ và loang lổ những giọt nước mắt. Mẹ vừa đọc thư vừa khóc. Thầy mặt tím lại như vết máu tụ của người vừa bị đánh. Cơ thể ông đau nhức, bầm giập, lắm lúc muốn cồn lên như chảo mật đang già lửa. Bà lẳng lặng hơn nhưng cái dáng cứ mỗi lúc một xác xơ như tàu chuối khô trước gió mạnh…
Rồi câu chuyện chẳng biết từ đâu loang ra khắp ngõ xóm. Người bảo cái Xuân chửa hoang phải bỏ làng đi. Người nói, cô Xuân mê anh thuế vụ người miền Nam tập kết nên theo nhau ra Hà Nội ở cho sướng. Có người đoán chắc rằng, lúc sắp hòa bình Xuân có đi lại gì đó với gã hạ sĩ ngụy trên quận, giờ thằng ấy tếch vào Nam để lại cho nàng cái bụng, xấu hổ quá phải bỏ làng ra đi…
Toàn những tin xấu cứ dồn dập, dồn dập đổ vào gia đình những ngày đầu Xuân trốn khỏi nhà. Thầy mẹ lạnh giá hết cả gan ruột. Hai cụ ra ngõ chẳng dám ngẩng mặt nhìn ai. Nếu không vì đàn em dưới Xuân đang còn nhỏ có lẽ hai người đã tìm đến đoạn dây thừng…
Ngày Xuân sinh con, sau ở cữ, mẹ tròn con vuông chị viết thư gửi về cho ông bà:
“Con đã sinh cháu rồi thầy mẹ ạ! Con đặt tên cháu là Nguyễn Vọng. Con xin gia đình nơi con đang ở nhờ cho cháu được làm con nuôi và lại xin được cho cháu cái họ mà con muốn. Thầy mẹ thương con tức là thương cháu. Xin ông bà nhận ở mẹ con cháu trăm ngàn lạy…”.
Thư viết không đề địa chỉ. Thầy mẹ thầm trách con gái vô tình. Nỗi đau nguôi ngoai thì nỗi nhớ lại dồn đầy. Giận con, trách con lại càng thương con. Thư con gửi về chẳng ra vẻ ân hận mà như có phần vui vẻ nữa. Tính tình ấy, thay đổi ấy khiến bố mẹ như mớ bòng bong trong nghĩ suy, phỏng đoán.
Bà bảo ông:
- Cái chuyện này ấy mà..
- Bà bảo cái chuyện gì?
- Chuyện về con Xuân ấy, tôi thấy nó lạ lắm.
- Lạ cái gì? Hư đốn thì có.
Ông giận dữ nhìn bà. Bà thở dài, từ tốn:
- Nuôi con ngần ấy năm trời tôi biết chứ.
- Biết ấy có biết bằng cái việc nó ưỡn bụng ra không?
- Thế mới lạ.
Ông giận, nói dỗi:
- Bà cứ coi như là tôi không có nó.
Vậy mà chỉ mấy hôm sau ông lại bảo bà:
- Giá biết được địa chỉ của mẹ con nó gửi cho cháu được yến gạo với đôi gà thì tốt biết mấy.
- Thầy em để tôi đi thăm dò.
Và rồi mẹ cũng tìm ra được chỗ con gái ở. Chị Xuân ra Hà Nội, khi bụng còn nhỏ gánh cát thuê ở bãi sông Hồng. Ngày gần ở cữ chị đun nước chè, nước vối bán rong ở phố. Chị được một đôi vợ chồng bốc vác ở ngoài bãi cho ở nhờ, lại còn nhận đứa con sinh ra là con nuôi để cháu có hộ khẩu.
Mẹ ở với con gái được một tháng. Lúc về, bà ngoại ôm cháu vào lòng nói với cả hai:
- Hôm nào đưa con về thăm ông bà. Cháu là cháu ông, cháu bà, có lỗi gì ông bà, mẹ cháu chịu hết cho Vọng nhỉ. Mẹ nói thế con có nghe ra chưa hở Xuân.
- Dạ…
Nhưng phải sau 1975 chị Xuân mới chính thức đưa con trai về làng. Lúc này Vọng đã 22 tuổi đang là sinh viên Trường đại học Nông nghiệp. Cùng đi với chị Xuân có một người đàn ông cũng trạc tuổi chị. Cả ba người quỳ trước bàn thờ tổ tiên vái lạy ông bà, cụ kị rồi quay ra vái sống bố mẹ. Người làng biết chuyện kéo đến xem. Họ vỡ dần chuyện nhà chị Xuân. Ai cũng chỉ chỏ vào người đàn ông có tên là Nguyễn Tín mà trầm trồ, mà lắc đầu thán phục. Chị Xuân lúc này mới thật xởi lởi giới thiệu bố cháu Vọng với dân làng…
Còn sau đó, phải gần chục năm sau, khi mọi người truyền tụng nhiều về mối tình của họ tôi mới tìm về làng Tầm. Mới đầu chị Xuân lắc đầu không kể sau đó thấy tôi kiên trì chị mới bảo:
- Bổn phận mà cậu. Bao nhiêu người lúc ấy… ai người ta cũng có việc cả.
Anh Nguyễn Tín nhấn mạnh thêm:
- Thế hệ các anh, các chị lúc ấy không làm việc cho dân cho nước mới là chuyện lạ cậu ạ.
Và rồi tôi cũng biết cụ thể về mối tình của họ. Tôi lấy câu “Năng mưa thì giếng năng đầy” để khai thác dần mối tình sử đặc biệt này. Rồi tôi được chị thương, chị tin, cho làm em nuôi và bảo:
- Hồi sắp hòa bình, anh ấy là người bí mật, chị lại là cơ sở của anh ấy. Lúc biết phải xa nhau, thương nhau quá, chả biết cho nhau cái gì, nói ra cậu đừng cười, đành liều cho nhau cái ấy. Duy nhất cậu ạ. Cái bến Tầm Xuân này này, sau gốc đa ấy. Chị nhớ lúc ấy là gà gáy sáng, sắp ly biệt rồi. Thương quá, thế là….Cũng duy nhất chỉ có một lần trong đời vợ chồng chị!
Anh vào Nam làm việc. Biền biệt và thầm lặng. Vì lý tưởng sống cũng là vì tình riêng nữa nên anh chỉ biết có chị. Chả hiểu vì thuốc men hay kìm hãm gì đó mà khi được gặp lại nhau, được làm người đàn ông lần thứ hai anh chỉ biết ôm chặt lấy chị mà rũ ra khóc… Nhưng họ vẫn là vợ chồng với nhau cho đến ngày anh giã từ chị ở tuổi 75 bằng căn bệnh quái ác ung thư tiền liệt tuyến.
Đã 5 năm chị mất anh. Lúc đầu chị nghĩ sẽ suy sụp. Ai đến chia buồn, an ủi chị cũng nhếch miệng cười, nói lời “cảm ơn” nhưng đôi mắt cứ trĩu nặng những nước.
Tôi nói với chị:
- Chị phải nghĩ đến Vọng và những đứa cháu nội của mình.
Chị thở dài:
- Chị thương anh ấy quá. Người tốt đến như vậy mà khổ đến chót đời. Giá chị chết được thay cho anh ấy.
Buồn vui là lẽ đời. Ai thay được cho ai. Cuộc đời của anh chị là để anh chị sống chứ không phải để đem khoe. Nhiều người giục chị, giục anh làm thành tích, anh chị cứ khất lần…
Bây giờ thì âm dương cách biệt. Năm năm rồi chị vắng anh.Việc lên lão của mẹ, Vọng dập dình từ lâu nhưng chị vẫn khất lần. Chị chỉ đồng ý cho làm khi Vọng xây xong lăng mộ cho bố. Vọng đã làm được điều thiêng liêng này ngay sau đó.
Chị bảo con:
- Nghĩa tử là nghĩa tận con ạ. Quan trọng trong cuộc đời của mẹ con mình là có bố.
Bà lão của tôi là thế đấy. Chị Xuân của em ơi, chị có nghe đêm qua Vọng nó điện cho em thế nào không? Nó hỏi em thế này: “Chú ơi, làm thế nào cháu có thể đáp đền được hết công lao này của bố mẹ mình?”.
Chị Xuân ơi! Nghe cháu hỏi câu này mà em mừng đến chảy nước mắt!
Phan Quế
Trại sáng tác Văn học CAND
Vũng Tàu 28/9/2005[/b]