Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Mỹ Duyên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 600 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mỹ Duyên
DK Loan

Nàng tên Duyên. Trần thị Mỹ Duyên. Tôi quen nàng lúc nàng tròn mười tám tuổi. Còn tôi lúc ấy, đã gần bốn mươi, đã ly dị được hai năm và có một đứa con trai sáu tuổi.


Tôi còn nhớ, hôm đó là ngày thứ bảy. Buổi sáng, chiếc xe của tôi đột nhiên bị hư nên tôi phải nhờ thợ máy đến kéo đi. Không có xe, tôi đành nằm nhà đọc sách vu vơ cho qua một ngày nghỉ. Buổi chiều, một người bạn cũ đến chơi. Rồi tôi theo lời rủ rê của người bạn, cùng đi dự một buổi tiệc sinh nhật vào tối hôm đó. Nhưng tối hôm đó tôi lại không vui. Tôi cảm thấy chán nản và mệt mỏi vì buổi tiệc sinh nhật quá tẻ nhạt, mà tôi không có xe để có thể ra về cho sớm. Tôi chọn một góc, ngồi lầm lỳ uống bia. Đúng lúc đó thì nàng đến bên tôi. Nàng cười với tôi, rồi nhỏ nhẹ hỏi:
- Duyên thấy hình như chú không được vui?
Tôi đã ngà men rượu, đáp lại nàng bằng một câu hỏi cộc lốc:
- Tôi già lắm sao mà gọi bằng chú?
Nàng cười, hai mắt long lanh sáng. Nàng lễ phép nói với tôi:
- Duyên không có ý như vậy đâu. Thôi thì Duyên xin phép được gọi chú bằng anh nhá!
Cách nói năng lịch sự và lễ phép của nàng khiến cho tôi thấy ngượng. Tôi gật đầu, cố cười với nàng. Và để khoả lấp cho sự cáu gắt vô lý của tôi đối với nàng lúc nẫy, tôi kể cho nàng nghe chuyện tôi bị hư xe sáng nay. Tôi cũng cho nàng biết là hai ngày sau, tôi sẽ đại diện cho công ty tôi đang làm để tham dự một buổi đấu thầu rất lớn tại một thành phố miền nam. Nàng chăm chú lắng nghe tôi kể lể. Thỉnh thoảng, nàng hỏi một đôi câu để biết thêm về công việc tôi đang làm. Rồi câu chuyện đưa đẩy, tôi kể về những khó khăn trong cuộc sống của tôi sau khi tôi đã ly dị, cũng như chuyện tôi phải một mình trông nom đứa con trai sáu tuổi. Cho đến lúc người bạn đến giục tôi ra về, tôi quay lại nói với nàng:
- Hôm nay tôi đến ăn ké sinh nhật nên không có quà cho Duyên. Lần sau tôi mang quà đến bù lại nhá. Chúc Duyên một sinh nhật vui vẽ.
Rồi tôi cùng người bạn ra về.
o0o
Tôi giữ đúng lời hứa. Sau chuyến đi xa trở về, tôi mang một gói quà đến nhà nàng. Nàng nhìn tôi ngỡ ngàng, hai tay giữ chặt gói quà như sợ nó vụt bay đi.
- Duyên cứ ngỡ là anh không bao giờ trở lại nữa!
Tôi làm bộ nghiêm nghị, nói với nàng:
- Người lớn khi nói thì phải giữ lời chứ, phải không cô bé!
Nàng cuối mặt, cố dấu nụ cười. Tôi thấy má nàng đỏ hây hây.
Tôi ở lại chơi với nàng suốt buổi chiều hôm đó. Tôi kể cho nàng nghe về chuyến đi vừa qua, kể về những khó khăn mà tôi phải đương đầu để dành được mối đấu thầu về cho công ty. Cho đến khi trời bắt đầu nhá nhem tối, tôi đứng lên nói với nàng:
- Nếu trúng được mối đấu thầu nào khác, tôi sẽ mang quà đến cho Duyên.
Nàng tươi cười nói với tôi:
- Người lớn khi nói thì phải giữ lời nhá!
Khi tiễn tôi ra cửa, gói quà của tôi nàng còn giữ trên tay, vẫn chưa mở ra.
Những lần sau đó, không cần đợi trúng mối đấu thầu nào cả, tôi vẫn đến thăm nàng. Thỉnh thoảng, trong những lần đến thăm ấy, tôi mang cho nàng một món quà nhỏ.
Gia đình nàng ở trong một ngôi nhà hai tầng thật bề thế với lối kiến trúc cổ điển của tây phương. Trước nhà là mái hiên rộng với những trụ cột chạm trổ công phu và nổi bật hơn cả là hai hàng chậu trồng phúc bồn tử, ra hoa rực rỡ gần như quanh năm. Người nhà nàng đón tiếp tôi bằng sự e dè pha lẫn với một chút nghi kỵ. Nhưng tôi cứ vờ như không biết. Trừ phi gia đình nàng ra mặt cấm cản, bằng không thì tôi vẫn cứ lui tới để thăm viếng nàng.
Cha nàng hơn tôi khoảng mươi tuổi. Người ông cao lớn, dáng đi vững chải. Tôi gặp mặt ông một đôi lần, nhưng chưa bao giờ có dịp để tiếp chuyện cùng ông. Vì lần nào cũng vậy, ông chỉ gật đầu chào tôi rồi lẳng lặng bỏ đi. Mẹ nàng là một phụ nữ ít nói, có gương mặt thanh tú và một đôi mắt buồn. Tôi nhận thấy nàng có nét giống mẹ nhiều hơn là giống cha. Giống ở gương mặt thanh tú, ở giọng nói hiền thục.
Tôi thường trò chuyện với nàng trong một góc của gian phòng ăn sang trọng và rộng thênh thang. Chúng tôi ngồi đối mặt nhau trên hai chiếc ghế bành nhung màu lam, trước khung cửa sổ lớn nhìn ra vườn hoa phía sau nhà. Người vú già thường mang ra cho chúng tôi một chút gì đó để nhâm nhi cho vui câu chuyện. Bà bày ra chiếc bàn nhỏ, khi thì một ít bánh tráng kem, khi thì một ổ bánh mì nướng bơ, và luôn luôn có kèm theo một ấm cà phê Ý Đại Lợi, thứ mà cả nàng và tôi đều ưa thích.
Nàng duỗi người, thoải mái ngồi trong chiếc ghế bành nhung, vừa nghe tôi kể chuyện, vừa thích thú nhâm nhi ly cà phê nóng. Thỉnh thoảng, nàng ngẩn lên ngắm nhìn những chú chim đang mon men đến gần bên khung cửa sổ để tranh nhau những mẫu bánh mà nàng đã ném ra. Còn tôi, tôi kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất cho nàng nghe, chứ không chỉ quanh quẫn trong những mẫu chuyện đấu thầu nhàm chán như trước kia. Và bao giờ cũng vậy, nàng luôn chăm chú lắng nghe tôi kể, rồi thỉnh thoảng nàng phá lên cười trong những câu chuyện không đầu không đuôi của tôi. Trong những khoảnh khắc đó , tôi thấy mắt nàng ánh lên niềm vui sướng, hay muốn gọi đó là niềm hạnh phúc thì có lẽ cũng không sai.
o0o
Một lần tôi phải đi một chuyến thật xa, tận nam Mỹ. Ba tháng trời chật vật, tôi trở về tay không. Tờ hợp đồng béo bở mà tôi hằng hy vọng đã bị một công ty khác dành mất. Tôi buồn rủ người. Tôi tránh xa những cuộc vui chơi cuối tuần của đám bạn cùng sở. Và tôi cũng không màng đến thăm nàng, dù tôi đã có một món quà nhỏ dành sẵn cho nàng.
Nhưng một hôm, tôi nhận được thiệp của nàng gửi cho tôi qua đường bưu điện. Tôi lặng nhìn chiếc thiệp một hồi lâu. Bên trong thiệp, nàng viết một câu thật dí dỏm để chúc mừng sinh nhật thứ bốn mươi của tôi. Tôi buồn phiền gấp tấm thiệp lại rồi đi ra phố. Tôi vào một quán nhỏ, gọi một bữa ăn chiều thật xoàng xỉnh, gọi là để chúc mừng sinh nhật cho chính tôi. Một sinh nhật mà tôi đã suýt quên đi nếu không được nàng nhắc đến.
Hôm sau tôi đến thăm nàng. Nàng ra đón tôi tận cửa, mắt nàng vẫn long lanh sáng, nụ cười tươi tắng vãn nở trên môi. Tôi đưa ngay cho nàng món quà tôi đã chọn mua từ vùng nam Mỹ xa xôi. Một chú khỉ nhỏ làm bằng vỏ dừa, trên đầu đội chiếc nón tí hon bệnh bằng rơm. Nàng cười, nói như reo:
- A, một chú khỉ xấu xí nhưng rất dễ thương!
Tôi nhìn nàng, hỏi nhỏ:
- Duyên có khỏe không?
Nàng khẽ gật đầu với tôi.
- Buổi tối, Duyên ngủ có ngon không?
Nàng lại khẽ gật đầu thêm một lần nữa.
- Anh đi xa, Duyên có nhớ anh không?
Nàng không đáp lại, chỉ đưa chú khỉ lên che lấy mặt. Tôi thấy đầu chú khỉ khẽ gật gù, với ngón tay trỏ của nàng đặt sau gáy nó. Tôi nói ngay:
- Nếu anh phải đi xa, chú khỉ xấu xí nầy sẽ làm bạn cùng Duyên nhá.
Nàng cười, hai tay ôm sát chú khỉ nhỏ vào lòng. Hôm đó tôi không nói gì đến việc tôi đã để mất mối đấu thầu. Tôi chỉ kể về những cảnh quang kỳ thú của vùng nam Mỹ xa xôi, kể về những món ăn lạ lùng mà tôi đã thử qua và những lễ hội tưng bừng mà tôi đã tham dự. Nàng vẫn thích thú lắng nghe câu chuyện của tôi, cho đến lúc tôi sắp ra về thì nàng nói với tôi:
- Anh hơi gầy đấy. Anh đừng để những phiền não trong công việc làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhá!
Tôi đứng lặng đi một lúc lâu. Rồi khó khăn lắm tôi mới nói được một câu ngắn:
- Chuyến đi vừa qua thật thất bại!
Nàng nắm tay chú khỉ nhỏ vẫy nhè nhẹ, nói trong tiếng cười trong trẻo:
- Chỉ một lần nầy thôi, rồi anh sẽ gặp may mắn hơn trong những lần sau. Chú khỉ xấu xí nầy bảo em như thế đấy!
Tôi ra về, thấy lòng vơi đi ít nhiều nỗi muộn phiền. Như nàng đã nói, tôi sẽ còn nhiều cơ hội khác, và tôi sẽ cố gắng hơn nữa để không bị thất bại.
o0o
Một thời gian sau, tôi nhận được lá thư của cha nàng. Tôi không lấy làm ngạc nhiên vì tôi biết việc đó rồi cũng sẽ đến, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Lá thư ông viết cho tôi rất ngắn, vỏn vẹn không đến nữa trang giấy. Với lời lẽ lịch sự nhưng cứng rắng, ông không đưa ra lý do mà chỉ yêu cầu tôi chấm dứt việc đến nhà ông để thăm viếng nàng. Ông còn nói, vì lòng thương con nên ông viết thư nầy cho tôi, dù ông biết có thể sẽ làm tôi phật lòng. Dĩ nhiên, tôi rất thông cảm cho nỗi khổ tâm của ông và để cho ông được yên lòng, tôi biên cho ông một lá thư ngắn, hứa là sẽ làm như ý ông mong muốn. Rồi tôi cẩn thận xếp lá thư của ông cùng với thiệp sinh nhật nàng đã gửi cho tôi vào chiếc hộp gỗ dùng để lưu giữ những món đồ kỷ niệm của riêng tôi.

 
Mùa thu lặng lẽ trôi qua, trong khi tôi vẫn bôn chảy với công việc của mình. Thỉnh thoảng tôi lại có dịp đi xa, nhưng khi thấy một món đồ lạ mắt để có thể mua về làm quà thì tôi chợt nhớ là tôi sẽ không còn dịp để tặng cho nàng nữa. Tôi thấy một thoáng buồn dù tôi dư biết, đối với nàng, tôi chỉ là một áng mây. Và như một áng mây có thể đem lại, ngoài bóng mát còn là mưa bão. Không gặp nàng nữa, tôi sẽ cất đi mối hoài nghi trong lòng, để tôi chắc rằng mình sẽ không bao giờ có cơ hội làm một áng mây mang đến mưa bão cho đời nàng.
Đến giữa mùa đông, tôi đón đứa con trai từ trường nội trú về nhà. Sau đó hai cha con chúng tôi làm một chuyến du lịch thật xa. Lúc trở về, tôi rất ngạc nhiên khi thấy thư của mẹ nàng gửi cho tôi. Thư đã đến trong thời gian tôi đi du lịch. Trong thư, mẹ nàng dùng lời lẽ ôn tồn, xin tôi dành chút thời gian để đến thăm nàng.
Sau vài hôm đắn đo, tôi quyết định đến thăm nàng. Tôi gặp cha nàng ở cửa. Ông lẳng lặng đưa tay ra dấu mời tôi vào nhà, rồi quay lưng bỏ đi. Nhưng tôi thấy ông không còn nhìn tôi với vẻ lạnh lùng như những lần gặp gỡ trước đây. Người vú già cho biết nàng đang bị bệnh nên không thể ra tiếp tôi được và bảo tôi theo bà đến phòng riêng của nàng. Tôi theo người vú già lên lầu, rồi đi băng qua một hành lang dài và rộng. Cuối cùng, người vú già dừng lại trước cửa một căn phòng ở cuối hành lang. Khi cánh cửa vừa mở ra, tôi thấy nàng đang nằm thiêm thiếp ngủ trên chiếc giường trải đệm hoa ngay giữa phòng. Tôi đến bên giường, lay nhẹ tay nàng và gọi thật khẽ:
- Duyên! Anh đến thăm Duyên đây!
Nàng hé mắt nhìn tôi. Rồi thật lâu, nàng mới cất tiếng, giọng yếu ớt:
- Cám ơn anh.
Tôi thấy chú khỉ nhỏ, món quà nam Mỹ của tôi, nằm dưới lớp chăn bên cạnh nàng. Tôi thoáng thấy chạnh lòng. Tôi đặt tay lên tráng nàng. Nàng hảy còn sốt cao. Tôi nói nhỏ với nàng:
- Duyên nằm nghỉ nhá.
Tôi ngồi lại bên giường của nàng một khoảng khá lâu, cho đến lúc nàng chợp mắt ngủ thì tôi đứng lên ra về.
Một tuần sau, tôi đến thăm nàng và mang theo một giỏ phong lan. Nàng đã khỏi bệnh, nhưng vẫn còn vẽ xanh xao. Tôi treo giò phong lan bên cạnh khung cửa sổ trong phòng ăn, nơi mà nàng và tôi vẫn thường ngồi trò chuyện. Nàng chăm chú ngắm những cánh hoa lan trắng muốt, điểm những đài hoa tim tím nhỏ. Một lúc sau, nàng quay lại hỏi tôi:
- Hoa phong lan đẹp quá phải không anh?
Tôi gật đầu:
- Chẵng những đẹp mà còn tinh khiết nữa. Phong lan bám vào một cội cây khô, chỉ nhờ gió và nước mà trổ hoa. Thật là kỳ thú!
Nghe tôi nói xong, nàng cuối xuống, mắt chớp nhè nhẹ. Rồi đột nhiên nàng ngước lên nhìn tôi, nói thật khẽ:
- Em ước gì mình được như một cành phong lan, chỉ cần bám vào một cội cây khô mà sống!
Tôi cố dấu một tiếng thở dài. Tôi biết nói gì với nàng đây, khi trái tim tôi đã khô cạn, khi tình yêu đối với tôi, xa vời như lạc mất giữa một chốn mù sương của dĩ vãng. Không, nàng không cần phải ước muốn. Vì chính nàng đã là một cành phong lan. Có chăng là tôi, còn tệ hơn cả một cành cây khô, vì đã quá rệu rã để có thể giữ nổi một cành phong lan khi bám vào.
o0o
Mùa đông lạnh lẽo rồi cũng trôi qua. Một sáng mùa xuân tôi đến thăm nàng. Vừa bước vào gian phòng khách rộng thênh thang, tôi rất ngạc nhiên khi nghe được tiếng vĩ cầm réo rắc vọng lại từ một góc. Đây là lần đầu tôi thấy nàng chơi vĩ cầm. Tôi rón rén đến ngồi trên chiếc ghế da, lẳng lặng ngắm nhìn nàng. Nàng ngồi hướng mặt vào lò sưởi, đầu nghiêng nghiêng trên chiếc vĩ cầm, mái tóc mềm xoã qua vai. Tay nàng nhẹ kéo những cung bậc, khi thì thánh thoát, khi thì trầm lắng của một khúc nhạc buồn. Tôi lặng người với những xúc cảm do tiếng vĩ cầm của nàng mang lại. Tôi thấy mình như lạc vào một vùng mênh mong và xa lạ. Nơi ấy, có những khắc khoải đợi chờ, có những luyến nhớ mông lung và có cả những muộn phiền thổn thức. Tôi thấy trái tim của tôi hình như tan chảy. Rồi một nỗi buồn man mác xen lẫn với một nỗi xót xa vô bờ bến, tràn ngập lấy hồn tôi.
Tôi vẫn ngồi bất động trên chiếc ghế da, dù tiếng vĩ cầm của nàng đã dứt từ lâu. Nàng quay lại nhẹ nhàng cất tiếng:
- Anh đến từ khi nào thế?
Tôi đến bên chỗ nàng ngồi. Cố dằn xúc động, tôi nói với nàng:
- Anh không ngờ Duyên chơi đàn hay như vậy!
Nàng cười, nhưng ánh mắt đượm buồn và nhìn xa xăm. Tôi ngồi xuống, dịu dàng hôn lên đôi môi hé mở của nàng. Nàng buôn rơi chiếc vĩ cầm, choàng tay ôm lấy vai tôi. Tôi hôn lên cổ, lên ngực nàng với nỗi đam mê chất ngất. Trong tay tôi, nàng run rẩy như con chim nhỏ bị cuốn vào cơn lốc xoáy. Khi tay tôi lần xuống đặt lên đùi nàng, thì nàng hoảng hốt giữ tay tôi lại. Tôi nghe tiếng nàng thản thốt kêu lên:
- Đừng anh ơi, em xin anh!
Tôi choàng tỉnh khỏi cơn mê. Tôi rút một tay về, nhưng tay kia vẫn không buông người nàng ra. Tôi ôm ghì lấy vai nàng, gấp gáp nói:
- Xin lỗi Duyên!
Nàng cuối đầu nghẹn ngào:
- Không đâu anh, anh không có lỗi gì đâu!
Rồi nàng đưa hai tay che lấy mặt. Tôi không nghe thấy tiếng khóc, nhưng tôi thấy đôi vai nàng run lên từng chập, từng chập. Tôi chợt thấy lòng xót xa. Xót xa như chính tai tôi được nghe lại tiếng vĩ cầm réo rắt của nàng khi nẫy!
o0o
Tôi ngồi lặng im bên nàng cho đến lúc người vú già bước vào phòng khách. Người vú già dang tay vén rộng hai tấm màn nhung, mở tung khung cửa dẫn ra khu vườn sau nhà, vừa vui vẽ hỏi nàng:
- Hôm nay trời đẹp lắm, cô Duyên ra ngoài dạo chơi nhá?
Nàng khẽ gật đầu với người vú già, sau đó nàng nhìn sang tôi. Tôi lặng lẽ đưa tay bế nàng lên. Hai tay nàng khéo léo giữ lấy chiếc váy lụa đang loà xoà bay, cố che đi đôi chân nhỏ bé tật nguyền, đôi chân mà suốt đời nầy tôi nguyền sẽ không bao giờ trông thấy.
Tôi đẩy nàng ra dạo chơi quanh khu vườn rộng phía sau nhà. Mùa xuân, trong vườn hoa lá tươi thắm, cỏ cây xanh tốt, và thoáng đâu đó trên những ngọn bạch dương, tiếng chim gọi đàn ríu rít vang lên!

Melbourne, tháng 9 năm 2005.
© DK Loan 2005
 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 759

Return to top