Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> HỒI KÝ PHAN-VĂN-VỊNH

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 11598 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HỒI KÝ PHAN-VĂN-VỊNH
Phan Vinh

Chương 4

BÀI 7. NGƯỜI DÂN CHƯA ĐƯỢC THỪA NHẬN
Trước giờ phút đánh dấu bước ngoặt của lịch sử, chấm dứt thời kỳ đen tối, chuyển sang thời kỳ vinh quang sáng lạng của đất nước được độc lập.
Hai cha con của tôi còn ở trên lầu 2 bệnh viện Nhi đồng, con tôi nhờ ơn Bác sĩ cả hai nơi chữa trị nay đã được phục hồi sức khỏe. Trong giờ phút giao thời nầy, các Bác sĩ và y-tá làm việc trong bệnh viện cho các em nhi đồng đang điều trị và thân nhân thăm nuôi ra khỏi bệnh viện đóng chặt cửa khóa lại để bảo vệ cơ sở vật chất, phòng kẻ xấu thừa cơ hội vào cướp bóc phá tán.
Tôi hiểu rõ lời Bác sĩ và ý thức liền, ẳm bé Phú con tôi ra khỏi bệnh viện, cuốc bộ về nhà ông anh vợ tại Hòa-Hưng ở bên cạnh Bộ chỉ huy Biệt động quân chế độ cũ. Thời gian nầy khoảng 11 giờ ngày 30/4/1975, tôi rất lo lắng cho vợ đang mang bầu gần ngày sinh đến đầy đủ với hai anh bạn lính cùng đơn vị họ đã bị thương xuất viện về nghỉ dưỡng bệnh tại trại gia binh, dắt dìu giúp đỡ gia đình tôi cùng chạy loạn, tìm đến nơi đến chốn bình yên vô sự.
Trước ngày giải phóng vợ tôi đã biết địa chỉ nhà của ông anh. Giờ đây hai vợ chồng bốn đứa con đã được sum họp, mừng mừng tủi tủi cứ ngồi yên trong nhà nhìn ra ngoài đường trông thấy một số ngưỡi xấu bụng, tham lam chạy đi hôi của từng đoàn ngoài phố. Súng trẻ con cứ bắn nghịch họ cứ đi thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Thấy họ mang về hàng quân tiếp vụ quân đội Sài gòn. Nào là gạo đường sữa rượu bia thuốc lá, nước ngọt lẫn cả của cải thường dân họ sợ chết bỏ nhà trốn đi nước ngoài, tôi vô cùng chán nản chẳng ham muốn gì cả.
Tôi nghĩ bụng đi làm lính 14 năm đã vào sinh ra tử mà không chết, chỉ có bị thương, đừng nên có lòng tham lam đi theo họ làm việc phi nghĩa, phi pháp xui xẻo bị tụi trẻ con bắn nghịch lạc đạn chết bỏ vợ con thì lãng xẹt. Ông anh cũng bảo bây giờ ngoài đường phố tình hình chưa ổn định, cô dượng cứ tạm ở lại đây một vài ngày chờ yên tiếng súng rồi hãy về, bây giờ mà về gấp là nguy hiểm, cũng chưa có xe nào dám chạy về Hố-Nai đâu.
Tôi nghe lời anh chị ở lại ba hôm tình hình đã yên ổn, vợ chồng dắt dìu con cái đón xe về Hố-Nai. Về đến nơi thấy anh chị em bạn lính ở cùng doanh trại họ đã trở về gần đầy đủ, vào căn nhà thấy cạy cửa đập khóa tanh bành, rinh hết đồ đạc trong nhà rỗng tuyênh từ trước ra sau vơ vét sạch sẽ, chẵng còn cái gì đáng giá một xu. Gia tài sản nghiệp của tôi lúc nầy chỉ còn được mụ vợ bốn đứa con thơ dại. Anh chị em cùng ở chung trong trại ai có bà con gia đình ở gần, họ cũng mướn xe chở đồ đạc về quê sinh sống, dần dần họ từ giả đi gần muốn hết. Chỉ còn lại gia đình của tôi và Hai Cưu quê hương quá xa tại Đà-Nẳng và Huế chẵng đủ tiền bao nổi chuyến xe để về quê, nên còn nấn ná ở tại đây.
Vợ chồng bàn bạc khi sinh nở xong tìm cách về làng sinh sống cùng cha mẹ và quê hương. Cứ ở lì tại trại được 10 ngày thì quân giải phóng đến tiếp thu khu vực quân sự đuổi ra khỏi trại, tôi dắt dìu vợ con ra đến gia đinh bác Hạp xin trú ngụ tạm ít hôm để che mưa nắng cho vợ con tạm thời rồi sẽ lo liệu. Hồi đó gia đình của bác có một căn nhà tranh vách đất lụp xụp kê được hai chiếc giường để cho vợ lính mướn ở, bây giờ đang bỏ trống, Bác cho ở nhờ chẵng phải thuê mướn gì. Hai Cưu thấy tôi còn ở đây cũng mướn của bác Cương anh bác Hạp mấy mét vuông đất để che tạm một cái lều nhỏ xíu kê được chiếc giường để ở tạm rồi đi kiếm việc làm ăn, quen biết ông Chuẩn xin được đất mới dỡ lều ra Tây-Lạc.
Thời gian gia đình tôi tá túc tại căn lều Bác Hạp để đợi vợ sinh xong về quê chẳng biết có việc gì mà đi làm, thất nghiệp ngồi nhà ăn không cả một tháng, gia đình lớn nhỏ có sáu người mà kéo dài không làm gì có thu nhập, ngồi không mà ăn thì sông cũng cạn núi cũng mòn, cả nhà sắp chết đói đến nơi. Khi vợ đến ngày sinh bé Phúc đưa đến trạm xá Bùi-Chu nhờ cô Huê giúp đở chẳng phải tốn kém, vợ sinh phải ở nhà nuôi đẻ giặt giũ, vì lúc ấy con còn bé chưa nhờ được.
Sau một tháng nữa vợ tròn con vuông được khỏe mạnh cứng cáp, giao cho bà xã ở nhà coi con nấu nướng mà ăn, tôi theo Hai Cưu đi tìm việc làm, cuốc cỏ tranh cho bà Quan một ngày được 500$ bạc của chế độ cũ, mua được ký gạo đủ cho một mình, nhưng vẫn đi làm với nhau vô lẻ ngồi nhà hoài, đi vào sâu trong rẩy trong đồng ruộng mới thấy công ăn việc làm của bà con, anh em đổi ý về quê, rủ nhau đến Trưởng Ấp xin đăng ký tạm trú.
Vợ chồng cũng bàn lại bỏ ý định về quê. Bây giờ mà mình mang một bầy con lóc nhóc về chỉ báo đời cha mẹ đôi bên, bây giờ thì cha mẹ đã già yếu kinh tế khó khăn, có một điều nữa xấu hổ với bạn bè làng xóm. Tôi mang sổ gia đình và giấy căn cước của hai vợ chồng đến Văn phòng Ấp Bùi-Chu nộp hết cho Ấp xin được đăng ký nhập cư thường trú, ông Thận làm Phó ấp trực tại Văn phòng nhận hồ sơ cho được tạm trú để đi lao động nuôi con, được yên chí nhận nơi nầy làm quê hương thứ hai để sinh sống. Vợ mới sinh còn yếu chưa đi làm được ở nhà chăm bầy con dại năm đứa. Tôi phải đi tìm việc làm thuê cuốc mướn để kiếm tí tiền mua gạo sống qua ngày, ngày nào tìm không có việc thì bé Quang với tôi hai cha con đi mót củ mì trong Long-Bình Cầu Cháy để đem về ăn độn, ngày nào cũng phải đi lao động không việc nầy thì kiếm việc khác làm để có lương thực nuôi con.
Thời ấy người ta thường nói lao động là vinh quang, bây giờ tôi suy nghĩ kỹ mới thấy câu văn hay và đúng lý.

BÀI 8. TỪ NGÀY ĐƯỢC NHẬP HỘ KHẨU, ĐƯỢC HỌC CẢI TẠO TẠI ĐỊA PHƯƠNG.
Tôi làm lính 14 năm mới bò lên cấp bậc Trung sĩ I chức vụ Hạ sĩ quan Quân số Tiếp liệu Đại đội 4/52 Biệt động quân, nên cách mạng cũng khoan hồng gọi tập trung cải tạo tại địa phương, vì Ấp Bùi-chu đông nguỵ quân nguỵ quyền, mà cán bộ quản giáo chỉ có hai ông Trung uý bộ đội, nên phải chia ra làm ba bốn ca, cải tạo từng đợt ca một cải tạo một tuần, cho về đi lao động làm ăn, đến ca hai, rồi đến ca ba luân lưu tuần tự cho đến hết chương trình thì cho nghỉ.
Sau thời gian cải tạo có quyết định được phục hồi quyền công dân.
Hôm nay tôi mới được chính thức làm phó thường dân Nam bộ.
Thất nghiệp vô tài bất tướng chẳng có nghề nghiệp chuyên môn gì, chỉ biết đi làm thợ đụng, đụng việc gì cũng làm, có tiền công là được. Có thời gian đi bốc xếp gỗ cho bộ đội, sáng bới một lon gô cơm ra đường lộ chờ đợi xe, có ngày đợi hoài không thấy, mất toi cơm một ngày về không, có bữa chỉ vào đến rừng, cưa máy bị hư hỏng không làm được lại về không mất công chẳng được gì. Thấy công việc làm rừng nầy khó ăn tiền, nghỉ đi nghề rừng, về tìm việc nghề nông làm mướn tuy ít tiền công hơn nhưng dễ kiếm việc thường hơn.
Đồ nghề nông cụ của tôi chỉ vỏn vẹn có hai chiếc, một cái mã tấu, một cái xẻng cá nhân của Mỹ, tôi lấy trong kho khi còn làm lính, để vợ chẻ củi và dọn cỏ chung quanh nhà trại gia binh. Khi đi chặt mướn mía đường thì mang theo mã tấu, xẽng gấp tháo bỏ cán ngắn thay thế cái cán dài để cuốc đất mướn, mỗi ngày công chỉ được 500$ tiền chế đôï cũ, mua được một ký gạo, có đôi lúc mua không có gạo, thì mua bo bo về nấu ăn cũng ngon lành.
Chiếc mã tấu dùng đi chặt cây làm nhà ở và phá rừng làm rẫy. Đã quyết định chọn ấp Bùi-chu làm quê hương thứ hai thì phải kiếm miếng đất cất cái lều nho nhỏ để gia đình trú ngụ che mưa che nắng không lẽ ở nhờ ở đậu mải như thế nầy coi sao được. Lúc nầy anh em cựu lính rủ nhau đi làm mướn, gặp anh Vầy hỏi thăm khu vực của anh ở có còn chổ nào chỉ cho tôi cất cái lều ở với cho vui, anh trả lời cứ vào nhà tôi chỉ cho mà làm, hai ngày sau đi vào anh dắt đến chỉ cho, anh bảo miếng đất nầy của thằng Hoa nó xí nhưng không ở bỏ đi nơi khác rồi, anh cứ ra đây làm mà ở với anh em cho vui, tôi cũng thích rồi, nhưng sang hỏi ông Út Một cho chắc ăn. Vì ông là người ở đây trước ngày chưa giải phóng, để tránh sự rắc rối về sau. Sang nhà ông Út Một ông cũng bảo đất hoang vu vô chủ cứ ra làm mà ở, thằng nào nói gì có tôi, mới vững bụng, vác cuốc ra đắp một cái nền xí để đó. Có đất rồi phải lo vật liệu, xách mã tấu vào rừng cầu Ba chặt cây.
Năm ấy rừng thiên nhiên còn bao la tha hồ mà chặt, vào rừng cứ thấy cây thẳng vừa ý là đốn hạ rồi vác dồn lại một đống róc sạch vỏ, về ấp mướn xe bò vào chở. Hồi đầu nhờ Bác Tỳ bác nói rừng cấm khai thác, để tôi hỏi ông Hai Hà cho phép mới dám chở, tôi nghĩ mình đã đi chặt trộm mà ông bảo hỏi Hai Hà Chủ tịch xã lúc bấy giờ. Tôi sợ năn nỉ với ông, Bác không giúp em được thì em đi nhờ người khác Bác đừng báo Xã họ bắt tội nghiệp em. Em chỉ lén chặt một ít đủ che túp lều để gia đình che mưa nắng, em hứa không làm việc phi pháp, ông lặng yên, tôi tạ từ ông về, đi mướn xe bò ông Bảy Ép, ông nhận lời ngay, đánh xe vào bốc chở về, khỏi trình báo ai cả, ông chở về đường đi tự nhiên chẳng thấy ai hỏi han gì, đến nơi đỗ xuống tôi trả tiền công song phẳng và cám ơn Bác Bảy, ông đánh xe về.
Đã có cây đầy đủ, tôi vào dốc đồng ruộng chặt tre chẻ hom vác về, vợ đi vào Phú-Sơn cắt tranh phơi khô mang về xếp đống, ngày nào không có việc làm ở nhà soạn tranh ra đánh thành tấm lợp bằng hom sáu, chuẩn bị đầy đủ vật liệu, một mình tự cưa ngàm đục lổ sàm vài để sẳn, đi nhờ hai ông bạn Bác Vấn và Hai Cưu đến phụ giúp, ba anh em vừa dựng vừa lợp mái làm một ngày là xong, ngày sau một mình đóng bổ vách tấp tranh vào cho kín đáo. Nay đã có cái lều tranh kê được hai chiếc giường, chái thêm một khúc phía sau để nấu cơm.
Tạm thời đã có nơi trú ngụ che mưa nắng, tôi từ giả ông bà Hạp dọn về cái lều mới làm để ở. Tôi thưa với ông bà rằng : Dạ em kính thưa hai bác, thời buổi chiến tranh ly loạn, em buộc phải đi lính tráng vào đến đây, nay bị lỡ đường giữa chốn xa xuôi không có người thân thuộc, chẵng biết nương tựa vào đâu, may mắn gặp gia đình bác mở rộng lòng thương, cho gia đình em được tá túc trong căn lều của hai bác đợi cho vợ sinh nở cứng cáp tìm đường về quê, ở đây vợ em đã sinh nở mạnh khỏe mẹ tròn con vuông, thời gian thấm thoát đã bốn tháng trôi qua, vợ chồng em quyết định không về quê nữa, em đã xin Aáp cư trú tại đây làm ăn nuôi con. Bấy lâu vợ chồng em đã lo liệu che được một túp lều tranh phía ngoài sân bóng đá kế nhà ông Út Một, xin hai bác cho em dọn về ngoài ấy để trú ngụ, vợ chồng em trả lại căn lều cho hai bác. Dạ thưa hai bác một đêm nằm hơn năm ở, dù gì em cũng ở nhờ nhà hai bác hơn bốn tháng nay ơn nghĩa nầy quá lớn biết bao giờ em đền đáp được. Em cầu xin ơn trên ban phước lành cho toàn thể gia đình bác. Bác Hạp gái cũng nói lại : Không có gì đâu, biết giúp nhau lúc hoạn nạn mới là phải, rồi bác cũng chúc lại vợ chồng con cái vào trong ấy ở được mạnh khỏe, làm ăn mau khấm khá. Tôi cám ơn bác rồi dọn nhà vào đây ở kể từ tháng 8 năm 1975 cho đến ngày hôm nay.

BÀI 9 : AN CƯ LẬP NGHIỆP
Được chính quyền địa phương chấp nhận cho cư ngụ, kiếm được miếng đất dựng lên cái lều tạm che mưa nắng cho gia đình trú ẩn. Lúc nầy rất bi đát kinh tế gia đình đã cạn kiệt có ngày không gạo nấu, con cái phải ăn củ mì bo bo mà sống. Tôi ngày nào cũng đi làm mướn xạc cỏ lúa rẫy cho ông Chuẩn hai tháng, xong việc cỏ đi cuốc ruộng cho ông Chánh Tôn, cuốc rẩy nhặt cỏ tranh cho bà Quang con gái bác Khương, đắp bờ phát cỏ ruộng cho cụ cố Phác, ai bảo làm gì cũng làm, miển trả công mỗi ngày tương đương một ký gạo là được, để nuôi bầy con sống qua ngày. Ăn thì đều mà đi làm chẳng đều, có đôi lúc hết việc không ai mướn thất nghiệp ở nhà cũng phải ăn.
Khoảng trong tháng 9/1975, lúc nầy kẹt quá, gạo hết tiền chẳng làm gì có, con đói phải mang số nữ trang của bà xã, tiết kiệm sắm một chút để phòng cơ, còn 8 chỉ vàng 24 cara, một sợi dây chuyền có quả tim 5 chỉ, 3 cái nhẫn mỗi cái một chĩ. Vợ giữ kỷ trong người khi chạy loạn nên vẫn còn. Vợ chồng bàn với nhau mang đi bán, hỏi hết các nhà có tiền chẳng ai thèm mua tôi mang một cái khâu một chỉ ra bà Giáo Luyện nhờ bà mua giúp cho, trả bao nhiêu cũng được miễn có tiền về đong gạo cho con ăn là cám ơn. Đây là nơi thân chủ quen biết đã từng mua bán với bà trước ngày chưa giải phóng, tôi nghĩ bà chỉ sợ mình khốn đốn quá, có khi đem vàng dổm để lường gạt, nên bà không dám mua.
Bí quá không biết làm sao, bà xã rỉ tai thổ lộ sự thật nhờ bác Hạp bán giúp cho, nhà em đã mang đi hỏi bán mà chẳng ai mua. Bác nhận lời giúp đỡ mang tận Saigòn mới bán hết được, đem tiền về đưa cho vợ chồng tôi, mừng quá cám ơn bác, có tiền đi đong gạo gia đình ăn, gạo lúc nầy đắt lắm, bán 8 chỉ vàng mà tính ra cả trước sau đong cả tạ gạo là sạch tiền. Có gạo ăn cứu nguy cơn đói. Tôi tự suy nghĩ để kinh nghiệm. Vàng bạc ngọc ngà châu báu chẳng quí bằng hạt gạo của trời. Khi bụng đói cồn cào không thể ăn vàng ăn bạc vào bụng mà sống được.
Sau đó một thời gian có tình trạng vượt biên sang Mỹ, vàng lên giá vùn vụt nhiều người đi tìm mua, lúc này còn mà bán một chỉ có thể mua được hơn tạ gạo, 8 chỉ tính ra gạo cở 10 tạ, tôi đã bán sạch sẽ từ lâu, tôi cũng chẳng có tiếc nuối làm gì. Tôi tự nghĩ một miếng khi đói bằng gói khi no, may mắn có người giúp bán được để cứu đói là tốt rồi. Thế là của Tây trả lại cho Tàu, sạch trơn sạch trụi của cải vàng bạc tích luỷ cả 14 năm làm lính nguỵ, hôm nay đã tiêu tán sạch sẽ theo cát bụi của thời gian.
Hết năm 1975 qua năm 1976 ăn Tết Ất Mão âm lịch xong, tháng giêng nhìn thấy bà con trong ấp rủ nhau đi phá rừng làm rẫy, cũng vác mã tấu đi theo vào cầu ba phát đưòng ranh khoanh vùng một mẫu rừng xí để đó, về đi làm mướn kiếm gạo nuôi con, ngày nào không có việc đi làm mướn, thì bới cơm nước xách mã tấu vào phát rừng, cứ vừa đi làm mướn vừa phá rừng, một mình cũng phát xong 5 sào, còn 5 sào để qua năm sau phá tiếp.
Tháng 12 năm 1975 cụ cố Phác cho mướn 2 sào ruộng cấy lúa thần nông giống 732, cày cấy xong bỏ đó đi phát dọn rẫy, lâu lâu ghé thăm đắp nước vào, chẳng vải phân, không xịt thuốc, chỉ có làm vài ngày cỏ mà thôi, thời tiết tốt không sâu bọ phá, qua tháng 3 năm 1976 thu hoạch được 20 bao lúa tính ra cả tấn, mừng quá còn hơn trúng số độc đắc, chở về phơi khô khén vây gót đổ vào dự trữ để ăn đi phá rẩy dọn rẩy, khỏi lo chạy gạo hàng ngày, nên bây giờ tôi vẫn nhớ ơn ông cố cho đến muôn đời. Từ đây tôi chỉ đi làm việc nhà hết đi làm mướn.
Chỉ có bà xã đến mùa bà con trong ấp cấy lúa nước, đi cấy mướn, lúc mới giải phóng ít có người biết cấy, đi cấy là nghề nghiệp của bà xã, đến vụ cấy bà con mướn đi làm liên tục.
Mùa cấy năm 1980 mang bầu thằng con trai út, tên nó là thằng Đức bây giờ, đến ngày gần sinh tôi bảo ở nhà, đi cấy nữa coi chừng đẻ giữa ruộng, tôi đi làm ở lại trong rẩy, bà xã ở nhà ông Thiệp vào kêu đi cấy, nể nang cũng ra đi vào làm được nửa buổi, chuyển bụng đẻ ngay giữa bờ ruộng như vịt.
Gặp chú Hùng Rô có xe bò làm kế bên, bỏ mẹ con lên chở về trạm xá cô Huê, đồn ra trên làng dưới xóm ai ai cũng biết, tin vào rẩy tôi chạy về gấp, vào trạm xá bà xã vẫn tỉnh táo sức khỏe mẹ tròn con vuông, tôi hú hồn hú vía hết hồi hộp. Nghĩ lại có lẽ Trời Phật ở trên cao nhìn thấu, phù hộ cho mới được như vậy. Ngày sau đem về nhà giao cho con gái lớn chăm mẹ, cha con vào rẫy làm tiếp, cứ theo bà con học hỏi mà làm cho đúng mùa vụ, thấy bà con trồng trỉa giống gì cứ theo mà làm, có làm là có thu hoạch mới có lương thực mà ăn, hết thứ nầy thu hoạch thứ khác.
Nhưng cũng vất vả vô cùng, làm việc bằng hai cánh tay chẳng có năng xuất, phải làm hết sức lực may ra đủ ăn. Đi làm phải lội bộ 10 cây số đường rừng mới đến nơi, qua sông Lạnh còn đi vào tới đồi đất phá rẩy, cha con che trại ở làm tại chỗ, có khi hai tuần lễ hoặc cả tháng mới về thăm nhà một lần.
Mang lương thực về nhà nuôi con phải đi ban đêm tránh trạm kiểm soát, nếu xui bị bắt là không xin lại được. Sảu xuất cầm chừng vừa đủ ăn, không thể mang đi thành phố bán đổi để bà con tiêu thụ được, kinh tế gia đình xã hội thời bao cấp khó phát triển, đời sống của nông dân còn vất vả hơn.
Nam 1977 qua phá rẫy bên kia sông Thao thuộc ranh giới huyện Vĩnh cữu, rừng nguyên sinh còn nhiều, cây to nhỏ còn rậm rạp, cây chò chai, cây dầu cả hai người ôm vẫn còn nhiều, ông Hải ròn mướn thợ cưa vào xẻ về làm nhà ở, xẻ được ít nhiều có chở về bớt một vài xe bò, số còn lại có lẽ kẻ nào xấu bụng báo cáo du kích Vĩnh cửu sang tịch thu bắt dân vác về Đồng lu một số, gỗ còn lại chất đống nổi lửa đốt cháy sạch sẽ, xui cho hai anh đẩy xe thồ đi chặt cây rừng, bị đốt cháy xe còn phải bị bắt vác một chuyến cây về đến Đồng Lu mới thả cho về.
Lúc nầy tôi cũng vào đây để lựa chặt một nếp nhà, cứ kiếm cây khế, cây dấp cứ cây nào thẳng thử rựa thấy cứng vừa ý là hạ, dứt đúng thước tấc róc mặt đẻo vỏ, tính đủ làm, vác hết qua sông.
Buổi chiều du kích sang bắt cây ông Hải, hai anh em tôi đang chuyển cây qua sông. Tôi biết trước nên trốn thoát khỏi bị bắt vác cây. Người em chuyển dùm cây với tôi là vợ của cậu Quý, ở ngoài quê vào Saigòn thăm chồng là sinh viên Đại học bách khoa lúc mới giải phóng, mợ về thăm ở lại nhà tôi, nhờ mợ đi vác giúp.
Hai anh em chuyển cả ngày mới qua hết bên kia sông, đi mướn xe bò chở hết về nhà chất lại, vào rừng chặt tre chẽ rui, mè, hom tranh, lạt buộc vác về mấy chuyến đầy đủ. Vợ chồng vào dốc đồng ruộng cắt tranh, năm ấy tranh mọc quá nhiều, tha hồ mà cắt, chải chuốt đàng hoàng sạch sẽ, phơi khô bó chặt lại từng bó, dồn lại một đống kêu xe bò ông Trầm Ninh Tây lạc vào chở, chất hết lên một chuyến quá nhiều, không nặng nhưng nó cồng kềnh, tranh khô trơn, đường ổ gà xe bò kéo đi bị lắc lư tuột đỗ mấy lần, phần trời tối đói bụng khát nước, hai anh em sắp xếp lại mệt muốn đứt hơi, nhờ ông Ninh hồi ấy rất khỏe, chịu khó làm nhiệt tình, xếp lại xong ràng rịt kỷ lưỡng cũng đưa được xe tranh về đến nơi.
Tôi mừng quá cám ơn, uống nươc xong bỏ tranh xuống trả tiền xe cho ông về cũng hơi muộn. Làm sàng chất hết lên đậy lại che mưa nắng kỹ lưỡng.
Đầu tháng 10/1980 về quê thăm cha mẹ anh em. Về xe lửa bước xuống ga Thừa-Lưu xách gói rảo bộ về làng, đi đến một quảng đường cở cây số, gặp một toán trẻ em đi lên xã học tiểu học. Tôi hỏi các em ở thôn nào đi học xa rứa ? Các em trả lời ở thôn Phú-Gia, các em có biết ông Đính không ? các em trả lời có biết, ông đã chết chôn hôm qua rồi. Một cú xốc bất ngờ đầu óc choáng váng bước hết muốn nổi vừa đi vừa khóc, bụng bảo dạ phải chi mình về sớm được vài ngày cha con nhìn mặt nhau lần cuối, đi đến nhà nhìn thấy bàn thờ bát nhang bài vị, đứng khóc than một lát cho vơi bớt nổi lòng, tôi tự trách mình là người con trưởng bất hiếu, sống xa quê hương cũng vì tương lai của con cái, khi cha qua đời chẳng lấp được một lát đất, thật là vô dụng, cầm nén hương ra mộ thấy đống đất mới, thắp ba cây nhang xá nấm mộ ba xá khóc một lát rồi ra về nhà với mẹ. Bà con đến thăm họ cũng góp lời an ủi.
Ở lại với mẹ đến ngày 9/9 âm lịch là ngày chạp mã lúc ấy, bây giờ dời lui ngày 8/8 âm lịch, chạp mả cúng bái xong. Rủ mẹ vào Nam sống với con cháu, bà chịu đi theo vào đến nơi nhìn thấy hoàn cảnh nhà cửa của con cháu ở như cái ổ chuột chẳng giống ai, bà rưng rưng nước mắt, mẹ ở được hơn tuần lễ thì vợ chồng đi thu hoạch lúa rẫy, nhờ rẫy mới nên lúa tốt cũng trúng mùa, thu hoạch 5 sào được 25 bao 50, chở về chuyến xe bò đầy, mẹ thấy cũng mừng, vợ chồng phải đi làm liên tục, bà ở nhà với cháu bỏ tranh ra đánh hom sáu cả hai tuần lễ mới hết đống tranh, tôi sắp lại đếm được 400 tấm, mỗi tấm dài 1m20, tấm lợp đã đủ. Công việc hơi vãn, tháng 10 trời hết mưa, nhờ ông Khiêm một tay với tôi dỡ đống cây ra làm thợ mộc cưa ngàm đục lổ ráp 4 vài kèo làm nhà ba gian dài 6m ngang 4m làm mộc xong, buổi sáng sớm nhờ ít anh em trong xóm đến phụ dựng lên bỏ đòn dông chống chỏi vững vàng, anh em về nhà ăn cơm đi lao động.
Một mình tôi cắm cúi đóng hết đòn tay, làm hai mái rui tre đóng đinh buộc dây cưa tề bằng phẳng ngắm mấy hàng cột sửa lại cho thẳng nện cứng. Đóng bổ vách cột sườn vào để vắt vách đất.
Dở đống tranh ra tề đầu bằng phẵng chải sạch sẽ sắp có hàng lối tưới nước lên, cho tấm tranh nở cứng khi lợp đưa lên mái nhà khỏi tuột ra.
Tôi chuẩn bị sườn nhà sườn vách tiêm tất, đi cậy nhờ anh em bạn bè cũ và anh em trong khu vực có ông Hải, ông Yến, ông Một ông Khiêm tập trung lại giúp cho, người lợp mái kẻ vắt vách ai biết việc gì làm việc ấy, làm một ngày là xong, buổi trưa nghỉ dùng cơm làm lại buổi chiều là hoàn tất, rửa tay chân bồi dưỡng một chầu nhậu xã giao, vui vẻ, anh em không tính công cán gì, chỉ giúp đở nhau mà thôi, tôi cũng có lời cám ơn tất cả. Hôm nay có cái nhà tranh vách đất chắc chắn cao ráo rộng rãi hơn, cái ở cũng tạm ổn, chỉ còn lo cái ăn.
Bắt tay vào làm kinh tế vô sông Lạnh xẻ núi lấp suối làm ruộng lúa nước ngắn ngày, ngăn đập sông Lạnh làm thuỷ lợi, đứng ra hô hào bà con cùng làm. Sửa sang lều trại chắc chắn, cha con ở làm có khi hai ba tuần khi một tháng mới về thăm mẹ, thăm nhà một lần, vợ sớm đi bộ vào làm một buổi chiều đường xa lo về sớm với con, tôi có về thì nghỉ tại nhà qua đêm sáng mai cũng đi ngay. Bà ở nhà với cháu bé, con dâu đi làm liên tục, ít khi được ở nhà mẹ con chuyện trò, thấy vắng vẻ phần nữa xa lạ bà buồn quá nhớ quê, nhớ hai đứa con còn ở ngoài xứ bà đòi về, tôi giữ lại không cho, cầm chân bà được sáu tháng, có dượng Sinh con rễ của bà vào thăm, bà quyết một đòi về với dượng Sinh, tôi cũng phải chịu để mẹ về quê sống với hai em được bảy năm, rồi bà cũng đi theo ông.
Kể từ năm 1987 tôi mất hết cả cha lẫn mẹ, cha thọ 70 tuổi, mẹ thọ 72 tuổi.
Kể từ khi miền Nam được giải phóng, hơn 10 năm sau nhà nước có chính sách đổi mới, bỏ việc ngăn sông cấm chợ cho đi lại buôn bán tự do, ra lệnh dẹp bỏ các trạm kiểm soát không cần thiết, nông dân tự do sản xuất làm ra của cải muốn bán cho ai cũng được, không thu mua ép giá, cho chở lương thực đi lại tự do, nông dân mới vui vẻ ham làm, tôi chăm lo sản xuất dồi dào lương thực, gia đình xử dụng không hết, đem bán lấy tiền tích luỹ dần dần, mới có vốn mua trâu cày bừa ruộng, mua góp vật liệu để chuẩn bị xây nhà.
Lúc nầy vật liệu xây dựng vẫn còn khan hiếm, hai thứ xi măng và sắt, có tiền mà tìm mua cũng khó. Gạch có là của hợp tác xã Tây lạc do ông Minh quản lý bán cho, gỗ xuống trại cưa nhà ông Hạnh mua của ông Chiến Khàn, ngói mua Tân Vạn nhờ xe kéo ông Hoang râu chở, sắt mua gom sắt phế liệu Long-Bình, xi măng mua lại xi măng bồn của mấy mụ buôn mánh, về đổ vào thùng phuy bịt kín miệng để dồn chừng nào đủ vật liệu thì mướn thợ làm. Tôi mua sắm các thứ vật liệu trước sau một thời gian 4 năm mới đầy đủ. Năm 1989 mướn thợ mộc thợ xây khởi công làm. Nhờ hai ông Quang thợ cả, một mộc một xây, thợ phụ có ông Thành, ông Hưng, ông Thạch lãnh khoán làm cho.
Theo truyền thống của xứ Huế sống cái nhà thác cái mồ, ăn ở nhà cửa xập xệ bạn bè khinh bĩ, làng xóm cười chê. Nên tôi quyết chí phải xây cái nhà tương đối để ở. Lúc nầy con trai trưởng và con gái thứ nó cũng đã lớn đi lao động tốt, siêng năng ngoan ngoãn, biết tiết kiệm, đôïng viên phải giúp mỗi người một tay, mới làm nổi cái nhà nầy. Để cả gia đinh trú ngụ cho đến hôm nay. Tính từ ngày làm thời gian đã 15 năm trôi qua, vẫn chưa được hoàn chỉnh theo ý muốn, còn nhiều việc phải tu bổ, nhưng vì già yếu, thiếu kinh tế đành chịu thua.

BÀI 10. TUỔI TÁC CON CHÁU SẢN NGHIỆP HIỆN HỮU
Tính đến ngày 16/10/2003 tôi tròn 65 tuổi, vợ 64 tuổi, con tổng số 8 người, 4 nam, 4 nữ, đã lập gia đình 2 trai, 2 gái, còn chung sống với cha mẹ 2 trai, 2 gái chưa có gia đình.
Con gái đầu lòng 41 tuổi, con gái út 21 tuổi, cháu nội ngoại tổng cộng 11 đứa.
Đất ruộng nằm bên sông Lạnh ấp 6 xã Tân An, huyện Vĩnh-Cửu và tại đồng Tân Bắc thuộc xã Bình-Minh do tay tôi khai khẩn, vẫn còn giữ nguyên để cho con cháu làm ăn sinh sống, những đứa nối nghiệp cha, còn các đứa khác, nếu có thất cơ lở vận cũng có đất để làm mà sống.
Gia đình thường trú số 213 thôn Nam-Hòa, Ấp Bùi-Chu, xã Bắc-Sơn, huyện Thống-Nhất, tỉnh Đồng-Nai.
Nhà cửa cũng có để che mưa nắng tạm ổn tuổi gìa, trông lên thấy chẳng bằng ai, vẫn còn khó khăn thua kém bạn bè trang lứa, nhưng nhìn xuống cũng có người khó khăn hơn mình. Tôi tự an ủi cho cuộc sống của mình khi đã đến tuổi gìa yếu, gần đất xa trời để bớt lo nghĩ bon chen, tinh thần được thoải mái hơn.
Tôi xin cám ơn, xin đa tạ Trời Phật, Tổ Tiên Ông Bà phù hộ mạnh khỏe cả gia đình chúng tôi.
Cám ơn Bác, cám ơn Đảng đem lại độc lập tự do cho đất nước.
Riêng gia đình tôi cũng được cơm no áo ấm, con cháu học hành tương đối, có nghề nghiệp làm ăn để sống. Nói chung toàn thể nhân dân được nhiều nhà hạnh phúc, xã hội văn minh.
Tôi mong rằng : các thế hệ hậu sinh phải ăn ở cho có đạo đức, noi gương các bậc tiền bối học hỏi không ngừng, để nâng cao trình độ kiến thức. Biết cần kiệm liêm chính mới tiến thân làm nên sự nghiệp cho bản thân, gia đình và xã hội.
Biết trung, hiếu, lễ, nghĩa, trí, tín, không nên đua đòi bắt chước kẻ xấu tham lam, gây tội ác, ăn chơi truỵ lạc, làm mất đạo đức văn hóa con người, đối với bản thân và gia đình của xã hội đất nước Việt-Nam.
Trải qua đoạn đường đời mà tôi đã đi, trong một thời kỳ chiến tranh ly loạn, gặp biết bao nhiêu sự nhục nhã gian nan, nguy hiễm đủ điều thử thách quật ngã cuộc đời. Nếu không có tinh thần nhẫn nại, dũng cảm, hy sinh bền chí gượng dậy làm lại cuộc đời cho bản thân, gia đình để đóng góp với xã hội và đất nước. Làm sao mà có ngày hôm nay đang được sống vui, sống khỏe, hạnh phúc với vợ con.
Tôi nghĩ trên đời có ai biết được chữ ngờ, đời tôi đã sắp qua, đời con cháu tiếp nối, nên nhớ rằng : Lúc thắng chớ kiêu khi bại chớ nản, thua keo nầy bày keo khác, sông có khúc, người có lúc, cuộc đời được thua vinh nhục là thường tình. Sau cơn mưa trời lại sáng, do đầu óc của mình biết tuỳ cơ mà ứng xử. Là người quân tử, không nên tham lam, gian trá, xu thời, nịnh bợ, bè phái ăn hiếp kẻ yếu, cao ngạo, hoặc cố chấp, phải hiểu biết thông cảm mở rộng lòng thương nhân loại, đừng nên tự ty mặc cảm là có hại cho tinh thần, gây thất bại mọi mặt.
Dù có cực khổ đến ngần nào cứ vui vẻ thoải mái, cố găng siêng năng lao động, ăn ở đối nhân xử thế cho phải đạo. . . là sống bất cứ nơi nào cũng tốt.
Trời nào phụ kẻ có nhân
Người mà có đức muôn phần vinh hoa
. (ca dao)

Tác giả : PHAN VINH

Viết bản thảo hoàn tất, Bùi-Chu, ngày 23/9/2003
Nhằm ngày : 27 tháng 8 năm Quí Mùi

<< Chương 3 | PHỤ TRANG >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 631

Return to top