Cha Huismans không có đó khi tôi bước vào trường trung học cùng với cuốn sổ. Chỉ có một người Bỉ trẻ tuổi ở phòng thường trực, anh ta nói với tôi là cha Huismans thỉnh thoảng thích đi vắng vài ngày. Ông đi đâu? "Ông đi đến vùng cây bụi. Ông đến tất cả các ngôi làng ở đó", người đàn ông trẻ tuổi nói, rất nóng nảy – anh ta có thể là thư ký hoặc thầy giáo. Anh ta còn nóng nảy hơn khi tôi đưa anh ta cuốn sổ quyên góp.
Anh ta nói "Chúng nó đến và cầu xin để được nhận vào trường. Ngay khi cho chúng vào là chúng bắt đầu ăn cắp. Chúng có thể làm sạch cả cái trường nếu anh đi vắng. Chúng đến và cầu xin trông coi con chúng. Thế rồi trên phố chúng xô đẩy anh để anh thấy rằng chúng chẳng thèm quan tâm đến anh". Anh ta trông không được khoẻ. Anh ta trông tái nhợt, nhưng lớp đa dưới mắt anh ta lại đen, và anh ta toát mồ hôi khi nói. Anh ta nói "Tôi xin lỗi. Sẽ là tốt hơn cho anh nếu nói với cha Huismans. Anh phải hiểu là không hề dễ dàng cho tôi ở đây. Tôi sống bằng bánh mật và trứng".
Điều này vang lên như thể anh ta đang có một chế độ ăn kiêng phong phú. Rồi tôi hiểu thực sự anh ta nói với tôi là anh ta đang chết đói. Anh ta nói "Cha Huismans kỳ này có ý định cho bọn trẻ châu Phi đồ ăn. Có vẻ là tốt đấy. Có một bà châu Phi tại thủ đô làm được rất nhiều điều kỳ diệu với tôm pandan và tôm cua. Nhưng ở đây lại có sâu và bánh chân vịt trong nước xốt cà chua. Trông chỉ giống nước sốt cà chua thôi. Ngày đầu tiên! Dĩ nhiên, chỉ là để cho lũ nhóc thôi, nhưng hình ảnh ấy làm dạ dày tôi cồn cào cả lên. Tôi không thể đứng lại trong cảnh nhìn chúng nhai. Giờ thì tôi không thể buộc mình ăn bất cứ thứ gì của nhà bếp nữa cả. Tôi không có đồ làm bếp trong phòng, và ở xe của Weyden có mùi cống bốc lên từ hiên. Tôi phải đi đây. Tôi phải ra đi. Cha Huismans thì ổn thôi. Ông ấy là người tu hành. Tôi thì không phải là người tu hành. Ông đi vào vùng cây bụi. Tôi không muốn đi vào cây bụi."
Tôi không thể giúp anh ta. Thực phẩm là vấn đề với tất cả mọi người ở đây. Tôi cũng chẳng khá hơn là mấy; hôm đó tôi ăn trưa với một cặp vợ chồng Ấn Độ, trong cái mùi khủng khiếp của a nguỳ và khăn trải bàn mùi dầu. Một tuần sau trở lại trường tôi được biết rằng chỉ hai ngày sau khi gặp tôi, anh chàng người Bỉ trẻ tuổi đã lên tàu thuỷ đi mất. Chính cha Huismans báo cho tôi tin đó, và cha Huismans, da rám nắng và khoẻ khoắn sau chuyến đi của mình, có vẻ như không lấy gì làm lo lắng về chuyện mất đi một giáo viên. Ông nói ông rằng mừng thấy cuốn sổ quyên góp trở về. Đó là một phần của lịch sử thị trấn, những đứa trẻ từng ăn cắp sách có thể nhận ra điều này vào một ngày nào đó.
Cha Huismans trạc bốn mươi tuổi. Ông không ăn vận theo lối tu sĩ, mà thường mặc quần bình thường và áo sơ mi khiến ông có vẻ như không phải người ở đây. Ông có khuôn mặt "dài ngoẵng" mà tôi nhận thấy là một số người châu Âu – người A rập hay người Ba Tư và Ấn độ thì không bao giờ - cũng có. Trên những gương mặt đó có cái gì đó trẻ con ở cái môi chẻ và cái trán dô ra. Có vẻ như là những người đó đẻ thiếu tháng, họ có vẻ như đã phải trải qua những tháng trầm tư rất sớm. Một số người trong đó đúng là yếu ớt như vẻ ngoài của họ, một số rất cứng rắn. Cha Huismans rất cứng rắn. Ấn tượng ông tạo ra là cái gì đó chưa hoàn thành, sự yếu ớt và cứng rắn. Ông rời khỏi bờ sông, đi thăm những ngôi làng ông biết, và ông mang về nhà hai thứ - cái mặt nạ và bức chạm gỗ cũ kỹ. Ông thường xuyên muốn nói về những thứ đó hơn là nói về người giáo viên đã bỏ đi hoặc về cuốn sổ bị mất cắp.
Bức chạm gỗ thật tuyệt. Nó cao khoảng năm feet, một khuôn mặt người rất gày gò, chỉ có những đường viền, cổ và đầu, rất chân phương, được chạm trên một mẩu gỗ chu vi không lớn hơn sáu đến tám inch. Tôi biết về bức chạm – đó là một trong những thứ chúng tôi buôn bán ở bờ biển, chúng tôi tạo ra công việc cho một vài gia đình của một bộ lạc làm nghề chạm khắc. Nhưng cha Huismans chẳng buồn để ý đến thông tin tôi nói với ông, mà chỉ nói về điều ông thấy trong khuôn mặt ông mang về nhà. Với tôi nó là một mẩu gỗ cường điệu quá mức và quá thô tháp, một trò đùa của người đã khắc ra nó (những người thợ khắc thỉnh thoảng cũng làm những việc như thế), Nhưng cha Huismans hiểu khuôn mặt gầy gò nói gì, và với ông nó là thứ đầy tưởng tượng và ý nghĩa. Tôi lắng nghe, và cuối cùng ông mỉm cười nói "semper aliquid novi". Ông đã dùng câu khẩu hiệu của trường để nói đùa. Những từ này đã cổ lắm rồi, ông nói với tôi, và có nguồn gốc châu Phi. Một nhà văn La Mã cổ đã vật câu đó về châu Phi rằng nơi đó "luôn có cái gì đó mới mẻ" – semper aliquid novi. Và khi đề cập đến mặt nạ và chạm khắc, những từ đó vẫn hoàn toàn đúng. Mọi tác phẩm chạm khắc, mọi mặt nạ đều phụng sự một mục đích tôn giáo cụ thể, và chỉ có thể làm được một lần. Bản sao thì chỉ là bản sao, không có cảm giác hay sức mạnh huyền bí nào trong chúng hết cả. Ông thấy trong những cái mặt nạ và đồ chạm trổ một tính chất tôn giáo, không có tính chất đó mọi vật đều sẽ chết cứng chẳng hề có vẻ đẹp gì hết. Thật lạ là một giáo sĩ Cơ đốc lại có cách nhìn nhận như thế đối với các tín ngưỡng châu Phi, những cái mà trên bờ biển chúng tôi chẳng hề mảy may để ý đến. Và dù cha Huismans biết nhiều đến vậy về tôn giáo châu Phi và lao vào cuộc biến động lớn đến thế để tìm những mẩu đó, tôi chưa bao giờ cảm thấy ông quan tâm đến người châu Phi theo bất kỳ cách hiểu nào, ông có vẻ thật bàng quan với thực trạng của đất nước. Tôi ghen tị với ông về sự bàng quan này, và tôi nghĩ sau khi tôi từ chỗ ông về ngày hôm ấy, châu Phi của ông, châu Phi của dòng sông và cây bụi này, đã khác với châu Phi của tôi. Châu Phi của ông là một chốn đẹp đẽ, đầy ắp những điều mới mẻ. Ông là một giáo sĩ, là người một nửa. Ông sống bằng những lời thề tôi không thể nói và tôi tiếp cận ông với sự kính trọng của những người như tôi kính trọng những con người thiêng liêng thánh thiện. Nhưng tôi bắt đầu nghĩ về ông như một cái gì đó khác nữa. Tôi bắt đầu nghĩ ông là một người thuần tuý. Sự có mặt của ông tại thị trấn làm tôi thích thú. Những thái độ của ông, những mối quan tâm của ông, hiểu biết của ông thêm cái gì đó vào nơi đây, làm cho nó bớt phần cằn cỗi. Tôi không thấy phiền gì khi ông chỉ quan tâm đến bản thân ông, ông hờ hững với sự ra đi của một giáo viên của ông, rằng ông chẳng coi tôi là cái thá gì khi nói chuyện với tôi. Với tôi điều đó là một phần của bản chất tôn giáo đặc biệt ở ông. Tôi tìm kiếm ông và cố hiểu những quan tâm của ông. Ông thường xuyên sẵn sàng nói (luôn nhìn xa vắng) và chỉ bảo những gì ông vừa tìm thấy. Đôi khi ông cũng đảo qua cửa hiệu của tôi và mua một số thứ cho trường. Nhưng sự rụt rè – không thực sự là rụt rè – không bao giờ rời bỏ ông. Ông không bao giờ dễ dàng với chính mình. Ông vẫn mãi là một người lạc lõng. Ông giải thích cho tôi khẩu hiệu thứ hai của thị trấn – những từ La tinh khắc vào toà nhà đổ nát gần cầu tàu: Miscerique probat populos et foedera jungi. "Ngài tán thành sự hoà trộn các dân tộc và những mối dây ràng buộc của họ". Đó là nghĩa của những từ đó, và chúng cũng là những từ hết sức cổ, từ mãi thời Rome cổ xưa. Chúng được trích từ một bài thơ về sự hình thành Rome. Người anh hùng đầu tiên của Rome, đến Italy để xây dựng thị trấn cho mình, dừng lại ở vùng đất bờ biển châu Phi. Nữ hoàng tại đây đem lòng yêu chàng, và có vẻ như là chuyến đi Italy đã bị huỷ bỏ. Nhưng rồi các vị thần chứng kiến đã giúp một tay, và một torng số các vị thần nói rằng vị thần Rome vĩ đại không đồng ý định cư ở châu Phi, không đồng ý với sự hoà trộn các dân tộc ở đây và những hiệp ước liên minh giữa người châu Phi và người Rome. Những từ đó mang ý nghĩa như vậy trong bài thơ cổ tiếng La tinh. Tuy vậy, trong lời khẩu hiệu, những từ được khắc vào đá granit bên ngoài những cánh cửa cầu tàu, rõ ràng một công trình đã được dựng lên ở châu Phi, vị thần Rome vĩ đại đã đồng ý với sự hoà trộn các dân tộc những mối dây ràng buộc ở châu Phi. Miscerique probat populos et foedera jungi. Tôi phân vân. Những từ ngữ xoáy tròn hai nghìn năm tuổi được dùng để kỷ niệm sáu mươi năm có tàu thuỷ từ thủ đô! Rome là Rome. Nơi này là cái gì đây? Khắc những từ ngữ lên một công trình bên cạnh dòng sông châu Phi hẳn nhiên là để mời chào xây dựng thị trấn. còn lại chút gì lo lắng, như trong câu thơ nguyên gốc nữa không? Và gần như là ngay khi được dựng lên công trình đó đã bị phá huỷ, chỉ để lại vài mảnh đồng và những từ đầy mỉa mai, lắp bắp với người dân, những người giờ đây đang sử dụng khoảng không gian trước nó để làm một cái chợ và để dựng lều ngủ buổi tối, với những con dê và những chuồng gà cùng khỉ bị xích (khỉ cũng là thực phẩm như dê và gà), khoảng hai ngày trước khi tàu thuỷ khởi hành. Nhưng tôi mừng vì không nói ra, vì với cha Huismans những từ đó chẳng có gì là dương dương tự đắc hết cả. Chúng là những từ giúp ông tự nhận mình ở châu Phi. Chỉ đơn giản là ông không tìm thấy chính mình tại nơi nào đó trong vùng cây bụi, ông thấy bản thân mình như là một phần của đợt sóng lịch sử khổng lồ. Ông thuộc về châu Âu, ông dùng những từ La tinh để nhắc đến chính mình. Ông chẳng buồn để ý người châu Âu ở thị trấn chúng tôi đều thất học hoặc có sự khác biệt giữa cái ông bảo vệ trong cuộc đời chính ông và cái mà khu ngoại ô đổ nát gần những ghềnh nước bảo vệ. Ông có ý nghĩ riêng của mình về châu Âu, có ý nghĩ riêng về văn minh. Đó là cái nằm giữa chúng tôi. Không có cái gì giống vậy ở giữa tôi và những người mà tôi gặp ở Câu lạc bộ Hellenic. Và cha Huismans nhấn mạnh vào Âu châu tính của mình cũng như sự tách biệt của ông với người châu Phi hơn là những người đó với nhau. Xét theo khía cạnh nào ông cũng được an toàn hơn. Ông không hề cảm thấy bực bội, như một số người đồng bào của ông, về những gì xảy đến với thị trấn châu Âu. Ông không bị tổn thương bởi những lời sỉ nhục mà người ta ném lên các toà nhà và những bức tượng. Không phải bởi vì ông sẵn lòng tha thứ hơn người khác, hoặc hiểu hơn về những gì đã được làm cho người châu Phi. Với ông sự phá huỷ thị trấn châu Âu, thị trấn mà những người đồng bào của ông đã xây dựng, chỉ là một bước lùi tạm thời. Những cái đó xảy đến khi một cái gì đó lớn lao và mới mẻ được tạo ra, khi mà dòng chảy lịch sử đã được biến đổi. Đó vẫn luôn là một công trình bên khúc quanh của dòng sông, ông nói. Đó là một địa điểm gặp gỡ tự nhiên. Các bộ lạc có thể thay đổi, quyền lực có thể thăng trầm, nhưng người ta vẫn quay lại đó để gặp gỡ và buôn bán. Thị trấn A rập có thể chỉ đáng kể hơn những công trình châu Phi một chút, và về mặt công nghệ mà nói thì không hơn là bao nhiêu. Người A rập, ở rất sâu trong nội địa, có thể phải xây dựng bằng các vật liệu của rừng, cbsn tại thị trấn của họ chắc phải hơn nhiều một kiểu cuộc sống ở rừng. Người A rập chỉ chuẩn bị con đường cho nền văn minh mạnh mẽ của châu Âu. Với mọi thứ gắn liền với quá trình thuộc địa hoá của châu Âu, sự mở rộng dòng sông, cha Huismans có một sự sùng kính có thể làm người dân thị trấn kinh ngạc, những người này coi ông là người yêu quý châu Phi và do đó, theo cách nghĩ của họ, là một người đã vứt bỏ quá khứ thuộc địa. Quá khứ này từng thật đắng cay, nhưng dường như cha Huismans coi sự cay đắng là một thứ quà tặng, ông nhìn nhận bên trên cái đó. Từ sân khu sửa chữa tàu gần trạm hải quan, bị bỏ quên rất lâu, đầy những thừng chão và gỉ sắt, ông lấy đi những mảnh của những chiếc tàu thuỷ cũ và các mảnh máy móc bị dỡ tung từ cuối những năm 1890 và để chúng – giống như những thánh tích của một nền văn minh sớm – tại sân trong của trường trung học. Ông đặc biệt thích thú với một mảnh có trên mình một tấm thép hình bầu dục và trên đó có tên những người đã làm ra nó tại thị trấn Seraing nước Bỉ. Ngoài những sự kiện đơn giản bên ngoài dòngsông rộng đầy bùn này, ngoài sự trộn lẫn của những dân tộc, những điều lớn lao đang đến vào một ngày nào đó. Chúng tôi chỉ mới bắt đầu chúng. Và với cha Huismans những vết tích thực dân cũng quý giá như những gì thuộc về châu Phi. Châu Phi thực sự ông thấy đang chết hoặc sắp sửa chết. Điều đó giải thích tại sao lại rất cần thiết, trong khi châu Phi còn đang sống, phải hiểu và tập hợp cũng như lưu giữ những gì thuộc về nó. Những cái ông thu thập được từ châu Phi đang chết đi này được đặt ở phòng để súng của trường trung học, nơi những khẩu súng trường cổ lỗ sĩ của đội bảo vệ trường thường giữ lại từ những ngày xa xưa. Căn phòng rộng bằng lớp học và tư~ GOÃI nhĩn vão trông chẳng khác gì một lớp học. Nhưng nó không có cửa sổ mà chỉ có những cửa ra vào đóng ván ô cả hai bên, và chỉ có ánh sáng của một bóng đèn để trần treo trên một sợi dây dài. Khi cha Huismans lần đầu mở cửa căn phòng cho tôi, và tôi cảm thấy cái mùi nồng ấm của mỡ, đất và chất béo cũ, và có một cảm giác mơ hồ về những mặt nạ nằm trên những cái giá, tôi nghĩ: đây chính là thế giới của Zabeth. Đó là thế giới mà cô trở về sau khi rời khỏi cửa hiệu của tôi. Nhưng thế giới của Zabeth thì sống động, còn nơi đây thì chết. Đó là hiệu ứng của những cái mặt nạ đặt nằm trên giá, nhìn lên không phải khu rừng hay bầu trời mà là mặt dưới của giá phía trên. Chúng là những cái mặt nạ đã bị đặt thấp, theo nhiều nghĩa, và đã mất đi sức mạnh của mình. Tuy nhiên đó chỉ là cảm giác đến trong một khoảnh khắc. Bởi căn phòng tối, nóng với những mặt nạ bốc mùi ngày một nặng này, cảm giác kính sợ của tôi tăng dần lên, cảm giác của tôi về những cái nằm quanh chúng tôi ở bên ngoài. Điều này cũng giống với nằm trên sông buổi tối. Cây bụi ngập tràn linh hồn, trong bụi cây lan toả sự có mặt bảo vệ của tổ tiên loài người, còn trong căn phòng này mọi tinh thần của những cái mặt nạ chết đó, những sức mạnh chúng có, và sự khiếp sợ mang tính tôn giáo của những con người bình thường, dường như được tập trung hết lại.
Những chiếc mặt nạ và hình chạm khắc trông rất cổ. Chúng như thể đã một trăm tuổi, một nghìn tuổi. Nhưng chúng được đánh dấu niên đại, cha Huismans đã ghi niên đại của chúng. Chúng khá là mới. Tôi nghĩ: cái này mới chỉ năm 1940 thôi mà. Tôi sinh vào năm đó. Hoặc cái này chỉ năm 1963. là năm tôi đến đây. Trong khi nó được làm ra thì tôi đang ăn trưa cùng Shoba và Mahesh. Thật cũ, thật mới. Và ngoài cái ý nghĩ kỳ cục về tương lai, cha Huismans còn tự coi mình là tận cùng của tất cả, cuối cùng, chứng nhân may mắn.