Nỗi buồn không dám gọi tên
Nguyễn Văn Vinh
Tôi gặp em trong đêm Trung Thu, khi các cô chú thiếu niên tung tăng tiếng trống gọi bầy, tung tẩy đầu Lân, phởn phơ ông Địa, cõng chú Cuội về rôm rả phố thị.
Em cười chào tôi qua đầu các cô, chú thiếu niên; nụ cười rạng rỡ lấp loá sáng cả khuôn mặt vành vạnh, mơ hồ cái lúm đồng tiền, như nốt nhạc lẻ loi, ngân trên làn da ngà... Còn tôi? Tôi biết đời tôi chỉ ôm đầy gió, loài gió ai cũng ngại vì quen báo bão cho đời. Hơn bốn mười tuổi với chút nghiệp bé con mà dám cả gan yêu em đang danh tiếng.
Đoàn múa lân rút qua dãy phố khác. Tôi thấy quanh tôi bỗng trống trải đến ngần ngại:
- Em đi chơi Trung Thu à?
- Vâng. Anh có đi cùng thì đi cho vui.
Tôi sung sướng vì được em mời, vội vàng dắt xe đạp tìm chỗ gởi xe để chở em bằng xe Cúp của em. Đâu đâu cũng rậm rịch vui. Đất nước càng thanh bình, người dân đón những ngày lễ, Tết càng tưng bừng, náo nhiệt. ánh trăng hoà lẫn ánh đèn điện, thấm vào dòng sông, sông càng mộng mị và huyền ảo hơn.
Tôi ước có vuông lụa sông trăng này may áo tặng em. Dù cho ao ước phi lý và siêu thực, nhưng đo được tình tôi đối với em tha thiết nhường nào. Em bảo tôi tìm quán chè, chạy "hít bụi như vậy đủ rồi!". Tôi dáo dác tìm..... Chẳng có quán chè nào. Tôi đưa em vào đại quán "Cà phê tình". Quán được lập trong vườn cây lá biệt lập, gần bờ sông, càng tĩnh mịch càng đắt khách. Quán luôn trang bị thiếu sáng, thừa tối. Khách vào quán đa phần những cặp lòng thòng, hẹn hẹn, chờ chờ, lén lút. Cũng có đôi trai gái tìm chỗ vắng để tâm sự, nhưng chỉ thiểu số. Bởi vậy quán luôn có không khí bất minh!
Em rụt rè đi bên tôi.... rồi ngúng nguẩy đòi ra:
- Quán chi "dễ sợ" tối tối là, người ta đánh giá chết!
- Tốt, xấu ở tâm mình, đôi khi giữ gìn quá lại trễ nải việc đời mình. Nhà văn như em phải lao vào tận cùng để có tận cùng, sống tới mới viết tới, hoà nhập mà không hoà tan, mới có những tác phẩm đắc ý.
Khu vườn nhờ nhờ tối, sáng, những lều tranh núp dưới tán cây lá um tùm. Chỗ chúng tôi ngồi dưới ánh trăng thu, người ta chê sáng, nhưng có ưu thế nhìn được thiên hạ đang hôn nhau quên trời đất! Cảnh này xui tôi thêm phần dạn dĩ. Tôi thơm đại vào má em một cái. Đây là lần thứ hai. Lần trước, cách đây gần ba mươi năm. Lần trước vì tò mò, lần này nồng nàn và ăm ắp giới tính. Hồi nhỏ nhà tôi ở gần nhà em. Em tên Huyên, chúng tôi đặt là "Huyên nhọn mồm" vì Huyên hay chu chu cái mỏ nhòn nhọn vào những cuộc chơi con trai chúng tôi những lời chao chát, chanh chua. Có đêm tôi và lũ bạn trai gái trong xóm chơi "Đạp mạng trốn tìm". Tôi nấp dưới gốc đào tối thui, bất ngờ Huyên hổn hển chạy đến nép sát vào tôi, tôi nghe cả mùi mồ hôi trinh trắng của Huyên làm cho tuổi mười lăm, mười sáu của tôi cũng tập tành làm người lớn. Tôi thơm dại vào má em một cái. Huyên thơ dại cũng im re. Lần hôn ấy có dư âm cho tôi nhớ suốt đời.
Huyên thanh mảnh và cứng cỏi như nhánh mai gầy guộc giữa phong sương. Chính bản lĩnh ấy đã giúp em có nghị lực, dũng cảm đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ muôn vàn gian khổ, hiểm nguy!
Thuở nhỏ chúng tôi thường hờn giận nhau, làm lành nhau như chuyện mưa nắng hằng ngày. Mùa hè năm ấy tôi trèo phượng bị té rạn não. Được đưa vào bệnh viện tỉnh, sau chuyển tiếp vào trung ương. Tôi xa bạn bè và Huyên không lời từ biệt.
Chiến tranh phủ chụp xuống thị xã của tôi. Trường học của tôi cũng bị chôn vùi dưới nhiều tầng bom đạn. Lớn lên bạn bè tứ tán mỗi người mỗi nơi mưu sống, những chùm kỷ niệm nhỏ dại của tôi cũng bị lấp trong dòng chảy tháng năm, miệt mài trôi mà có sức phôi phai. Thanh niên tôi lưu lạc vào nam bôn ba cơm áo, có nghe em đi bộ đội giải phóng năm bảy mươi mốt. Sau thống nhất mười năm, tôi trở về sống lặng lẽ và nguôi yên trong cái nôi thơ ấu của đời ông tôi.
Tình cờ tôi gặp lại Sơn học trường Nam Sơn nhắc cho tôi nhớ nhung lần rong chơi trên triền sông Thạch Hãn những buổi trưa hè chúng tôi bơi qua Nhan Biều bẻ trộm bắp non và những cục kẹo gừng cay ngọt của ông Cai. Chợt Sơn hỏi:
- à, cái con nhanh nhách người, nghe đi bộ đội không biết sống chết ra sao. Nó rọm rọm mà dữ tợn, cắn tao một miếng thành sẹo, tau ghét....
- Mi nói chi tệ! - Sơn e hèm tiếp - Mi bị ngã trên cây phượng xuống, không có Huyên đi chợ, thấy mi nằm chết trân, đầu vai máu, nó gọi xe lôi cho mi đi cấp cứu, hôm ni chắc chi mi còn sống mà ngồi đó ghét nó.
Sương khói ban mai và không gian lành lạnh vây quanh tôi thành cái võng tình lặng ru tôi vào nỗi nhớ xa xưa. Từ giã Sơn tôi tìm tới nhà Huyên theo lời chỉ của Sơn.
Huyên gặp tôi không giấu niềm vui lấp lánh trong mắt. Mặt hồng hào mượt mịn căng ra những chùm cười thân tình. Chúng tôi tíu tít như trẻ thơ. Tôi ngạc nhiên khi Huyên đã gần bốn mươi tuổi mà vẫn "lính phòng không" lẻ loi chiếc bóng. Hỏi điều ấy, Huyên lại lặng lẽ và buồn xa vắng!"
Lần gặp lại ấy, tình bạn cũ giúp tôi vượt qua mặc cảm tự ti, dần thân thiết hơn cũ. Cho đến đêm Trung thu vừa qua, tôi mới can đảm đặt nụ hôn thứ hai lên má em, nối lại sợi tình tưởng đã thành xa lạ gần ba mươi năm qua.
Tôi đã có đời vợ, vợ bỏ. Tìm tới em trước hết là tình bạn. Tôi đang cần sự an ủi của bạn bè. Còn em đi làm cách mạng nhiều người thiệt thòi về chuyện chồng con. Thời thanh xuân hơ hớ của họ, thời họ cần yêu và đáng được yêu nhất, thì họ đã bị dập vùi trong bom đạn, trong mưa nguồn, nắng núi, họ đã cống hiến thanh xuân của chính họ cho sự nghiệp vẻ vang, cho hôm nay và mai sau. Hiện em đang biên tập mảng văn xuôi cho một tạp chí. Dù có uy tín, tên tuổi, nhưng em cũng khó lấy chồng. Người đồng trang lứa đa phần đã yên ấm bên vợ đẹp con ngoan, lủ khủ gia thất. Thanh niên cách biệt tuổi tác, trẻ trai mà lấy vợ gần bằng dì, thì đa phần là những thanh niên bất tài, muốn ký sinh trên sự nghiệp hoặc tiền của bà vợ già mà thôi, hiếm có tình yêu chân thật. Bởi vậy em mãi mãi cô quạnh giữa bao hạnh phúc của bạn bè.
Tôi và em đang cô đơn, cần nhau vì một lực hút. Tình tôi đối với em rất chân thành, đã thấm vào em một dòng phù sa, mà em là cánh đồng đang khô cạn, dưới nắng quái xiên khoai của số phận đang cần dòng nước mát. Em bỏ qua cho tôi một đời vợ và thông cảm với sự nghiệp bé con của tôi. Chúng tôi đi đến hôn nhân.
Sau đám cưới với em hơn nửa tháng, em không cho tôi động phòng!? Tôi cho đó là thái độ xúc phạm quyền làm chồng của tôi. Buồn đời, tôi tìm Sơn cà phê vỉa hè. Hai đứa bù khú nhậu nhẹt tâm tình. Tối mịt tôi ngất ngưởng về đòi em quyền làm chồng! Em nói:
- Em không hề ảo tưởng hay siêu thực hoá vấn đề, nhưng em dễ dị ứng với những gì thô nháp, cũng không phải có khuynh hướng thăng hoa chay tịnh. Chúng ta vẫn yêu nhau mà không có chuyện ấy không được sao anh?
- Thôi cô đừng nguỵ biện. Hay cô không nguyên vẹn khi cô thường khoe với tôi, cô sợ tôi phát hiện rồi khinh cô chứ gì.
- Tôi chưa nói dối anh điều gì, tình yêu giúp người ta sống tốt hơn với nhau, có điều tôi chưa muốn nói ra, chưa nói không nghĩa là nói dối. Tôi vẫn nguyên vẹn, sự nguyên vẹn đáng cho anh trân trọng và tự hào.
Tôi thấm rượu, thừa hung dữ để làm những hành động thô bạo. Tôi lao vào em toan xé nát những gì em làm thành trì bảo vệ điều không quyền bảo vệ, mà phải hiến dâng. Không ngờ em như gái mười bảy, lăn thân thể tròn lẳn và chắc nịch khỏi vòng tay vũ phu của tôi và tức tốc chạy về nhà mẹ đẻ.
Sáng mai, Ngân - em gái của Huyên tới nhà tôi đưa cho tôi một lá đơn xin ly hôn có chữ ký của Huyên. Nội dung không có khả năng làm vợ, làm mẹ và không phù hợp nhau. Tôi thật khó hiểu, âu sầu hỏi Ngân:
- Ngân à, anh thật không hiểu nổi chị Huyên em. Lấy chồng mà không muốn sinh con. Phụ nữ được làm mẹ mới thay da đổi thịt và đẹp lộng lên chứ.
- Vì thương hoàn cảnh của anh, và vì thân quen với anh hàng chục năm trời chị Huyên mới đến với anh đó chứ. Anh biết không, dạo ở Trường Sơn chị Huyên bị thương. Vết thương đó có dạng dị hợm lắm, chị mất khả năng thiêng liêng làm mẹ, làm vợ và không thể đem lại hạnh phúc cho chồng vì thương tật! Chị Huyên rất sợ ai thấy vết thương đó. Chị đau đớn lắm anh à, một nỗi buồn không thể nói ra, nỗi buồn không dám gọi tên, dành nỗi đau riêng cho mình chị chịu, không thể chia cho ai, kể cả chồng. Thôi em xin phép anh, em về. Em nghĩ... anh nên cư xử với chị Huyên khác trước là hay hơn. Em về đây.
Tôi gục đầu vào chăn gối tân hôn nức nở...
Huế, ngày 23 tháng 5 năm 1997
Nguyễn Văn Vinh