1. Giấc Mơ Hồi Hương Cũng giống như phần lớn những người Việt ở hải ngoại, tôi đã cưu mang giấc mơ hồi hương từ lâu, trên hai chục năm, và giấc mơ đó mỗi ngày mỗi lớn, chứa ngập cả hồn tôi . Riêng đối với tôi, niềm nhớ quê hương đã len lén đi vào thơ và nhạc.Vâng, với thơ và nhạc là hai phương tiện mà tôi đã mượn để gửi gấm hồn mình, mong làm dịu bớt nỗi nhớ nhà và nhớ quê hương. Tôi đã viết lên ca khúc "Giấc Mơ Hồi Hương " Cách đây trên mười năm, bài ca đó có phần điệp khúc như sau:
Giấc Mơ Hồi Hương
Dk1:
Quê hương ơi
Ruộng đồng ơi
Tôi sẽ về.. tôi sẽ về
Tôi sẽ về với mẹ mong con,
Với cha già mừng mừng tủi tủi,
Với đàn em reo mừng trước ngõ
Với vợ hiền ngấn lệ rưng rưng
Dk2:
Quê hương ơi !
Ruộng đồng ơi..
Tôi sẽ về..tôi sẽ về
Tôi sẽ về với đồng lúa chín
Với thôn làng ngày vui ngày hội
Với ngàn cờ tung bay trước gió
Với hòa bình an lạc nơi nơi
NhatVu
1983
Giấc mơ trên tuy chưa thực hiện được đúng mức như lòng mong muốn, nhưng vì lý đo nào đó, tôi phải về để gặp lại những người thân và để nhìn thấy quê hương của mình đã bao năm xa cách. Tôi đã để ra hơn một năm chuẩn bị cho chuyến đi này, như xắp xếp công việc, chuẩn bị tài chánh và vô internet thâu thập tin tức liên quan đến du lịch Việt Nam, để biết giá cả và phương tiện di chuyển, cũng như nơi ăn chốn ở tại Việt Nam. Sau cùng là việc làm passport và xin giấy nhập cảnh Việt Nam. Phần lớn bà con đi VN mang theo tiền mặt, riêng tôi vì sợ nếu rủi bị giựt hoạc đánh rớt bóp, thì sẽ không còn tiền tiêu, nên tôi chỉ mang theo 3 ngàn Mỹ kim tiền mặt, số còn lại tôi mua American Traveler Check, tốn chút tiền service charge nhưng chắc ăn hơn. Sở dĩ tôi làm vậy vì biết, bên Việt Nam hiện có nhà băng liên doanh Viêt-Mỹ gọi là VietCom Bank. Quả tình khi về đến VN, tôi thấy ở tỉnh lớn như Hà-nội, Đà-Nẵng, Ban Mê Thuật, Sài Gòn đều có VietCom Bank. Việc đổi tiền tương đối dễ dàng. Chúng tôi về Việt- Nam bằng chuyến bay China Air bay từ Los Angeles đến Đài Loan, và kế đó được chuyển qua hãng Hàng Không Việt Nam bay từ Đài Loan về Nội Bài, Hà-Nội. Nhìn lên sơ đồ đường bay, chúng tôi được biết từ Los Angeles tới Taipei phải bay liên tục mất khoảng 13 giờ đồng hồ. Rồi từ Taipei về Hà Nội mất thêm 3 giờ bay nữa, tổng cộng là 16 tiếng đồng ngồi trên máy bay, nghĩ mà phát ớn. Được cái trên chuyến bay China Air họ cho ăn uống liên miên nên cũng đỡ nhàm chán. Toán phi hành đoàn của China Air rất hùng hậu, Ít nhất là 25 người. Tôi đã thấy họ đi ngang qua khi chúng tôi ngồi chờ máy bay. Các phi công, ông nào cũng to con, cao ráo. Còn các nữ tiếp viên thì cô nào cũng đẹp như là người mẫu vậy. Suốt hành trình bay, họ tiếp đãi rất ân cần, chu đáo. Từ Đài Loan tới phi trường Nội Bài, Hà-Nội, tôi rất hồi hộp, cứ chốc chốc lại nhìn đồng hồ. Khi phi cơ đảo vòng cuối cùng để chuẩn bị cho việc hạ cánh, tôi sực nhớ tới chiếc camera của mình đã vô ý bỏ nó trong thùng hành lý. Tôi chỉ sợ khi xuống phi trường sẽ không có máy để thâu hình ảnh đầu tiên khi trở lại quê hương. Nhưng đến khi máy bay hạ cánh, nhìn qua khung cửa sổ, Hà- Nội dưới kia mưa phủ trắng xoá, giả như có máy cũng chẳng lấy được hình tốt. Cuối cùng máy bay hạ cánh an toàn và chúng tôi bồi hồi biết bao, vì lần đầu tiên lại được đặt chân trên giải đất quê hương thân yêu sau hai mươi sáu năm xa cách. Chúng tôi tìm đến cổng hải quan hồi hộp trình giấy tờ nhập cảnh và chính mình làm cái công việc phải làm như nhiều người đã nói là biết cách "bắt tay giao dịch" với công an tại cổng hải quan phi trường. Sau khi trình giấy tờ, tôi ghé quầy lấy hàng lý, nhưng chờ hoài chẳng thấy hành lý của mình đâu, hoảng quá, tôi chạy lòng vòng, ( khoảng 20 phút), để tìm kiếm. May quá, nhờ tôi đã cẩn thận dùng giây vải màu vàng cột đánh dấu tất cả va-ly hành lý nên dễ dàng nhận ra từ xa. Chẳng biết ai đã xách bỏ hành lý của tôi xuống sàn nhà. Nếu để lâu chút nữa e rằng hành lý của tôi có thể mất thì thật là phiền. Vì bao nhiêu giấy tờ và máy quay phim của tôi để cả ở trong đó.