Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Trăm năm bến cũ con đò

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 649 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Trăm năm bến cũ con đò
Nguyễn Ngọc Tư

Cửa sau nhà tôi trông ra sông. Tôi thường ví đó là một khung tranh, và bức tranh biến đổi không ngừng, có lúc nó hiện lên những chiếc tàu cao ngệu, hùng hục đi qua, che khuất cả dãy nhà sàn bên kia sông, có lúc hình ảnh lại xa vắng với vài chiếc vỏ lãi dài nhằng, bé teo mong manh chở đầy nhóc dừa, chuối... Nhiều khi bức - tranh như bị trĩu xuống khi buộc phải vẽ mấy chiếc xà lan ngược nước è ạch khẳm lừ, gầm gừ... Nhưng cảnh có chuyển động thế nào, trong bức tranh cửa sau của tôi, vẫn luôn có hình ảnh một chiếc đò thầm lặng chờn vờn trên sóng nước.
 
Bến đò nằm cạnh nhà. Có thể nghe được tiếng bước chân người xoèn xoẹt lại qua, nghe mũi đò chạm lịch kịch vào bến, và tiếng chèo chém ngọt vào mặt nước những lát cắt dày. Và nhiều khuya nghe tiếng gọi đò xao xác, tôi đã nghĩ, phải mình là đạo diễn, thể nào cũng làm phim về cái bến, con đò.
 
Trong hình dung, đó là bộ phim giàu hình ảnh hết biết.
 
Trèo lên một chỗ thật cao, tôi sẽ bắt đầu "bộ phim tưởng tượng" của mình bằng cảnh các con sông giao nhau cắt thành phố bằng năm ba mảnh, gặp chút đó rồi lại thao thiết chảy đi. Nằm rải rác dọc theo những khúc sông, khúc kinh có hàng trăm bến đò ngang dọc. Mỗi bến có một cái tên khác nhau như Đậu Đỏ, Cầu Chùa, Rạch Rập, Công Chánh... nhưng giống hệt ở lối đi xuống hẹp và hơi tối. Bậc lên xuống bằng bê tông bị sóng mài mòn phô lớp đá nhỏ bên trong, nhờ vậy mà đỡ trợt chân. Những người phụ nữ đi chợ sáng về, rôm rả chuyện trò trong lúc chờ qua sông, tôm cá quẫy trong giỏ lách tách.
 
Và con đò, nó tới kia. Một đám trẻ con vai quàng khăn đỏ đứng ngồi lóc nhóc đang qua bờ bên này. Những chiếc đò đóng theo kiểu tam bản vững chãi, ít chao lắc. Hai bên be, đằng mũi đều được bọc vỏ xe để khỏi sờn khi va vào bến. Có chiếc còn đỏ au lớp dầu trong, có chiếc đã nhiều năm dầm mưa nắng sạm đi, khô rốc, nứt nẻ. Chiếc đò cũng già đi như người chèo nó. Cũng buồn, cũng mệt mỏi, cũng làm công việc nặng nhọc, chở người đi, về.
 
Nhưng dòng chảy của sông đã làm công việc người chèo đò bớt đơn điệu. Sông quê tôi không rộng nhưng sâu, đôi khi nước đứng lờ đờ, lúc ròng lại nôn nao chảy xiết. Khéo lèo lái, chỉ cần khẩy nhẹ vài lát chèo là đã qua bờ, nên ngoài sức mạnh của đôi tay còn phải nương theo nước, theo gió. Cái "nghệ thuật" chèo đò cũng lắm công phu, đừng có ai dại dột cậy mình biết chút đỉnh chèo chống hồi còn ở quê rồi xung phong chèo đò thử, coi chừng quê độ à nghen.
 
Đôi lần, thử gồng mình thót lên đôi chèo dưới cái nắng Cà Mau rát, gió Cà Mau khô, tôi lại thương người chèo thêm một chút. Và hình ảnh họ trong "phim" tôi luôn mạnh mẽ, tươi tắn, dù khuôn mặt có đen sạm, dù đôi tay vồng lên những đường gân guốc, dù họ chỉ khoác một manh áo bạc, và lai quần xoắn tít vì không được ủi, lâu ngày.
 
Trong cái phim tưởng tượng đó, tôi ao ước được vào vai người ngồi trên bến thu tiền, một bà cụ còng queo, như hầu hết người làm công việc này đều già (nhận xét này cần được kiểm chứng lại, cả câu hồi trước tôi hay nói là tất cả cây cỏ dại mọc trên đất quê nhà đều trổ hoa màu tím biếc, tôi cũng không chắc đâu à nghen). Chỗ tôi ngồi có một chiếc võng con giăng ngang căn chòi de ra mép nước. Cái thùng đựng tiền đã lên nước bóng ngời đặt trước mặt, thùng ngăn làm nhiều ngăn nhỏ, mỗi ngăn đựng một loại giấy bạc hai trăm, hoặc năm trăm...
 
Không khó để tôi vào vai nhỏ đó, bởi buổi chiều nào giữa đời, tôi cũng nhìn thấy bà cụ ngồi thu tiền đò bên kia sông. Quen thuộc, đến nỗi nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy rõ cái cười móm mém và ánh mắt hóm hỉnh, tinh quái của bà. Hai mươi năm đưa đò, cái ngày không còn quạt nổi mái chèo, bà lên bến (chứ làm sao xa được khúc sông này). Ngày ngày, bà ngồi nhìn cuộc đời cuồn cuộn đi qua, chứng kiến biết bao nhiêu thay đổi cuộc đời, người già già đi, bọn nhỏ lấy nhau sinh ra nhiều thiệt nhiều đứa trẻ. Và những đứa trẻ lớn lên ... Có người qua đò rồi quay về, có người không trở lại. Bến đò, cũng là nơi nhiều đứa con gái qua sông lên thành phố rao bán mình trong những "chợ vợ", để lại mấy thằng con trai chiều chiều ra bến đón đã đời mới ngơ ngác, trời ơi, mình đang chờ ai đây. Bến đò, cũng là nơi anh cán bộ phường ngày xưa thường qua, rồi anh lên thị xã, ai đó mừng, "thằng chả mà làm lớn thể nào cũng bắc cây cầu qua xóm mình. Thì kinh nghiệm, ông lớn nào đường vô nhà cũng ngon hết". Ai dè, lúc anh "lên" tới tỉnh, anh qua đò rồi đi luôn một nước. Xóm bên sông nghèo vẫn hoàn nghèo, ọp ẹp và buồn hiu.
 
Mới lấy ví dụ có vài khuôn mặt người mà đã thấy cái bến đò sinh động biết bao. Và vai bà cụ tóc trắng ngồi miên viễn trên bến đáng cho tôi hoá thân vào biết bao (dù có một chút thiệt thòi là sẽ rất... xấu xí). Tôi mà được ngồi ngay cái võng đó, không cần diễn, sẽ ngấm ngay nỗi vui của một người lương thiện, vui vì không làm gánh nặng cho cháu con, vui vì được làm nhân chứng cho đời... Khi đôi bàn tay gầy guộc của tôi vuốt lại những tờ bạc lẻ nhàu nát lem luốc mồ hôi, dầu nhớt.. để nộp thuế cho đằng phường, nghĩ tới mấy vụ tham nhũng động trời ngay tại quê mình, nghĩ tới những bữa tiệc vung vinh tiền triệu, chắc cái mặt tôi buồn hết biết, mà tôi còn khóc, hỏng chừng...
 
Cửa sau nhà tôi vẫn ngó ra sông, tôi vẫn ngày ngày ghi vào lòng mình bộ phim tưởng xong mà hoá ra dang dỡ mãi. Người qua đò mỗi ngày mỗi khác, có người tốt lên, có người xấu đi. Làm sao ghi hết những hình ảnh đó ?
 
"Phim" chưa xong, vì bến đò vẫn còn, vì cầu xây lâu mà vẫn chưa xong. Để đêm đêm tiếng gọi đò lại cất lên, những âm thanh ồn ào của đô thị lập tức ngưng phắc, chết ngắc, dường như một nửa thành phố - mấy rẻo đất buồn bên kia những dòng sông vừa lên tiếng...
 
9/2005



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 586

Return to top