Chiếc lá bàng
Khánh Văn
Sân trường mình có 1 cây bàng.
Mùa thu, những chiếc lá bàng từ màu xanh chuyển sang màu tím thẫm, thả mình từ trên cây xuống mặt đất. Những chiếc lá rơi bao giờ cũng nhẹ. Ở nơi này, nghe những tiếng trống rộn rã ngày khai trường hay tiếng ve xốn xang những học trò lớp cuối cấp, mùa phượng nở, ít ai để ý đến những chiếc lá màu giản dị kia .
Mười năm về trước. Tôi với em đi bên nhau như những đôi lứa bây giờ. Chỉ có điều, họ ăn mặc đẹp hơn, tiêu tiền bạo hơn và có lẽ khôn ngoan hơn chúng ta nhiều. Em đã nhặt một chiếc lá bàng đẹp nhất đặt vào tay tôi. Chiếc lá ấy bây giờ vẫn vẹn nguyên trong cuốn sổ học trò.
Những bữa cơm sinh viên đạm bạc. Em nhăn mặt nuốt những miếng cơm nhão được nấu từ thứ gạo ngả màu. Buổi sáng, lên thư viện, 2 mắt hoa lên vì đói. Chúng mình đọc "Nửa chừng xuân" tác phẩm văn học lãng mạn, chỉ sinh viên văn khoa mới được đọc Hồi ấy, "Tự Lực Văn Ŀoàn" vẫn còn là vùng cấm kỵ. Mơ ước của em là viết một chuyên luận văn, văn học thời kỳ này. Vậy mà đành bỏ dở.
Thời gian đi qua những nỗi lo tiền thuê nhà, tiền sách vở, học phí. Những nỗi âm thầm của sinh viên nghèo nối tiếp nhau. Một đêm, nơi "công viên rau muống", tựa vào vai tôi, em nói tới mơ ước "một ngồi nhà nhỏ, trong nhà được trang trí bằng sách theo ý muốn".
Cuộc sống sách vở càng thơ mộng bao nhiêu thì cuộc đời thực càng nghiệt ngã bấy nhiêu. Khát vọng về một cuộc sống bình yên không đủ sức trụ lại bởi những dự cảm đầy lo âu và sự tan vỡ mất mát. Chúng mình chẳng ai nói với ai nhưng cả hai đều nghĩ về điều ấy. Ngàn lẻ một nỗi lo toan của cuộc sống đói thương chèn ép và bóp nghẹt những giấc mơ và cuộc sống bình yên.
Không có sự phản bội như những câu chuyện tình trong tiểu thuyết mà chúng mình vẫn đọc. Nhưng những trái đắng của đời cứ nhỏ giọt theo thời gian. Thời gian biến hôm nay thành quá khứ của ngày mai. Thời gian níu con người vào những bến bờ xa lạ, nơi ấy, mỗi kẻ phận mang cánh chuồn như hai ta đâu có thể xót xa, nuối tiếc. Thời gian xoa dịu những rung động đầu đời. Ŀể rồi chúng ta lặng lẽ chia tay. Không một ai nói ra điều cần nói. Bởi chẳng ai muốn phải nói ra. Cuộc sống nghiệt ngã quá. Em đã lặng im trước cái nhìn của tôi . Vẫn cái dáng khép nép, cẩn trọng và đôi mắt thì xót xa đến nao lòng.
Những giờ học văn vẫn trôi qua. Tranh luận, thuyết trình, hội thảo, diễn đàn... Công việc chồng chéo và những nồi niềm xuyên suốt. Tôi như kẻ mộng du, chơi vơi giữa đám bạn bè thân quen và xa lạ. Heo may về, lật ngược những sợi tóc xòa trên trán. Tôi cảm nhận sâu sắc cái mất, cái còn của mùa đông. Cây bàng trên sân trường, cây bàng kỷ niệm. Lá theo mùa rụng xuống nỗi niềm màu tím thẫm vụng dại và xót xa. Trên thân cây, những cánh tay gầy guộc, khẳng khiu đau đáu nỗi mất còn. Những gì có rồi lại mất, thực ra chưa bao giờ là có. Cái có thể sẽ khẳng định sự đích thực.
Em đã có người bạn mới . Anh ta không đẹp trai nhưng ăn vận cũng ưa nhìn. Anh ta không hiểu gì về nguyên lý tảng băng trôi của Hemingway nhưng biết chia xẻ với em những dư vị lẽ ra không đáng có, không nên có của đời sinh viên. Một chiếc xe máy không đến nỗi cà tàng, một bộ đồ "sịn", môđden thời thượng, cử chỉ thân thiện, để để em lên xe, ngồi ở phía sau. Tiếng máy nổ êm tai hứa hẹn những điều thú vị. Thì đúng lúc ấy, em nhìn thấy tôi. Ánh mắt của em thăm thẳm. Dường như bể buồn trên thế gian này dồn vào đôi mắt ấỵ
Chúng mình cố gắng tránh nhau. Tôi không muốn nhìn thấy đôi mắt thăm thẳm của em. Và em thì không muốn nhìn thấy vẻ mặt thẫn thờ của tôi. Một lần, trong hội thơ, vô tình tôi ngồi cạnh em. Em ngồi cạnh người bạn gái. Không hiểu sao người bạn trai của em không đến hội thơ.
Em đã run run nói với tôi:
- Sơn ơi! Hãy hiểu cho em. Đừng trách em, Sơn nhé!
Người ta bảo: khi yêu, một ngày không được nhìn thấy nhau một lần là không chịu nổi. Vậy mà tôi đã nhìn vào khoảng không hư vô ấy suốt ngày qua ngày, tháng qua tháng và qua cả một thời sinh viên.
Cỏ sân trường vẫn xanh mát những chân trần đôi lứa. Mùa đông, những chiếc lá bàng vẫn tím thẫm, tím đến dại dột. Nếu không vô tri, vô giác, những chiếc lá bàng có nhớ tay em. Và rồi, những chiếc lá rơi cũng cuốn theo chiều gió. Qua phố, đài nhà ai vọng ra: "Lòng người như chiếc lá, thoảng trong cơn gió vô tình". Lá bàng vẫn rơi. Em mặc một chiếc áo thụng đỏ, cái nhìn đã bạo dạn và mái tóc để kiểu bất cần. Những thiếu nữ bây giờ thích những kiểu tóc như thế.
Những ngày cuối cùng.
Ánh mắt của em khẩn khoản. Dòng lưu bút ở trong mắt ấy như lắng lại trong tôi tất cả những rung động đầu đời. Hiểu nhau lắm mà rồi cứ phải chia xa. Không còn thảo luận, thuyết trình, diễn đàn, văn nghệ Không còn những niềm vui khơi dựng từ những gương mặt thân yêu. Màn mưa xối xả ngoài trời như chìm lấp lời thầy chủ nhiệm khoa đêm cuối cùng của hành trình tri thức giảng đường:
- Mong sao những cơn mưa đời, đừng làm ướt áo các em.
Ŀôi mắt buồn của tôi! Em đứng trong góc lớp, kiềm nén xúc động. Các bạn lần lượt nói lời giã từ. Em nhìn tôi. Sự im lặng đã nói lên tất cả.
.......
Ra trường, tôi lao vào kiếm sống. Bằng mọi nghề: vẽ tranh cổ động, đánh máy chữ, may quần áo, làm hàng gia công... để nuôi nghiệp dạy học. Thời gian và công việc cứ cướp đi sự trai tráng của tôi. Bù lại, tôi có tiền mua được ngôi nhà nhỏ xinh xắn. Trong nhà, một bức tường xếp bằng sách, đủ những tác phẩm mà em yêu thích.
Đêm về, gấp trang giáo án, tôi giở cuốn sổ học trò ngắm chiếc lá bàng khô. Ly ơi! Bây giờ, em ở đâu ?