Thầm Lặng
Trương Đức Thủy
Con đường Hoàng Diệu chạy từ Ngã Năm lên, bị con đường Trưng nữ Vương chận họng ngay mặt tiền Chợ Mới, tạo thành ngã ba Chợ Mới, cái ngã ba được khách giang hồ vảng lai đặ tên nghe rùng rợn: Ngã ba Tử thần, vì nổi tiếng tai nạn lưu thông nhiều nhất thành phố Đà Nẵng, lưu lượng xe cộ rất cao, nhất là từ khi phi trường Đà Nẵng trở thành căn cứ không quân bận rộn nhất nhì ở Đông Nam Á. Suốt ngày đêm, từng đoàn xe nhà binh, xe tải chở hàng quân dụng từ hải cảng Tiên sa về Phi trường và ngược lại, khói, bụi, cảnh chợ búa bát nháo, người mua kẻ bán tấp nập, tạo thành một cảnh sinh hoạt rộn ràng, tất bật …..
Bên trái cổng chợ là tiệm cà phê, hủ tiếu, mỳ Quảng – bán theo giờ giấc trong ngày: sáng cà phê hủ tiếu, chiều mì Quảng. Khách vào ra ăn uống nhộn nhịp, đa phần là giới nhà binh. Bên cạnh là ngôi nhà khá lớn hai tầng lầu, mái bằng, tường quét vôi màu vàng nhạt, trước ban-công treo tấm biển lớn chữ màu vàng đậm, trên nền đỏ:
Nhà sách MAI HOA - bán sách báo và bút chỉ văn phòng.
Kế bên là cửa hàng bán quan tài, ngổn ngang hòm gỗ, bên kia đường đối diện là tiệm bánh mì thịt nguội Tiến-Thành, nổi tiếng với món patégan heo gia truyền, kế là tiệm chụp hình Xuân Ảnh, trong đó có giai nhân Minh Xuân, tóc huyền óng ả, đẹp kiêu sa, đêm đêm tiếng dương cầm của nàng làm cho bao trái tim thổn thức, nghe đâu, cũng là nguồn cảm hứng cho nhà thơ Luân Hoán, sáng tác một bài thơ tình rất hay, phổ biến rộng rãi trong giới học sinh Đà Thành, tựa đề : Qua ngõ mỹ nhân.
Rập rình qua ngõ Minh Xuân
Liếc cho đỡ nhớ dãi lưng lụa vàng
Nhìn ngiêng nắng gác hành lang
Nhìn xéo nắng giữ hai hàng sứ xanh
Long lanh mắt vượt qua thành
Vén màn hỏi nhỏ bức tranh trên tường
Âm thầm gởi tặng mùi hương
Lên bàn tay rải tiếng dương cầm buồn
Lòng tôi phiêu lãng mười phương
Bỗng về ở trọ trên trường túc hoa
(Luân Hoán )
Từ những ngày đầu chân ướt chân ráo về trọ học ở Ngã ba Thịt chó (Trưng nữ vương và Phan châu Trinh) và kết bạn với Định quắn, Qúy lép để trở thành ba thằng Ngự- lâm- pháo- thủ. Chìều nào cũng như chiều nào, dù mưa hay nắng, chúng tôi có thói quen tà tà đi lên chợ Mới và ghé nhà sách Mai Hoa đọc sách báo cọp, nói cho tiêu tội, đọc báo cọp là cái bệnh ghiền của Định quắn và tôi mà thôi, còn Qúy lép thì hình như nó đi theo cho có bạn, thật tình nó không rờ đến tờ báo, có thể đọc báo cọp làm nó mắc cỡ, vì dù sao nó cũng là con nhà giàu, nó giữ sĩ diện hay sao đó, thường đứng trước tiệm nhìn kẻ qua người lại, sau nầy quen với Lâm Phương thì bỏ chúng tôi ở tiệm sách, mò qua quán ngồi ăn chè, tán chuyện. Chủ nhà sách Mai Hoa là người đàn bà khoảng hai bảy, hai mươi tám tuổi, người thon thả, tóc dài quá mông, đen tuyền, nụ cười hiền, giọng nói nhẹ và thanh, dáng đẹp qúy phái. Người em gái kém chị vài tuổi, ở chung nhà và làm thư ký dân chính cho sở Quân cụ. Chúng tôi đoán người chị tên là Mai và cô em là Hoa, nhưng không tiện hỏi và quen gọi chị Mai Hoa chị và chị Mai Hoa em. Cô em chưa chồng, còn chồng chị Mai Hoa chị là anh Quân, đang là lính không quân, đóng trong phi trường. Nghe đâu anh Quân đã có bằng tú tài đôi Pháp, nhưng không đi sĩ quan mà đăng lính binh nhì không quân để gần nhà, vừa chu toàn trách nhiệm người trai, vừa lo gia đình. Anh Quân cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai, tính tình hiền lành và luôn luôn chúi mũi vào sách vở. Chị Mai Hoa nói anh Quân đang học hàm thụ để lấy bằng cử nhân luật. Trong nhà còn có bác Sáu, khoảng gần năm mươi, thấp người, vui tính, có nhiệm vụ buổi sáng lo quét dọn và sắp xếp các kệ sách, buổi chiều đạp xe xuống trụ sở Air Việt nam, ở đường Độc lập, nhận nhật báo, nguyệt san và sách truyện từ Sài gòn đưa ra, về tiệm lo xếp báo và sau đó đạp xe đi đưa báo từng nhà có đặt trước. Với từng ấy nhân sự và công việc, nhưng đôi khi làm không kịp, do đó Định quắn và tôi thường tự nguyện làm giúp trong tinh thần hướng đạo, vui vẻ và tự nhiên. Dần dà anh chị Mai Hoa xem chúng tôi như em út trong nhà, có việc anh chi cần là chúng tôi hăng hái làm giúp. Trái lại, trong nhà có hàng quà, bánh trái gì cũng để dành cho chúng tôi, nhiều khi có sách, truyện hay, chúng tôi tự nhiên khiêng lên lầu, nằm vắt chân chữ ngũ trên sô pha đọc quên ăn, khi đói bụng lại xuống bếp lục tìm cơm nguội, tự nhiên như người Hà lội. Những ngày trong nhà anh chị có kỵ giỗ, chúng tôi lu bu lau dọn bàn thờ, và sắp xếp cỗ bàn, tiếp khách như là em của chủ nhà, sau đó lại tự nhiên xơi cỗ. Định quắn cũng tham gia cật lực, có lần tôi hỏi nó :
- Nghe nói đạo Thiên chúa cấm ăn đồ cúng, răng mi xực láng hết rứa Định ?”
Nó giải thích :
- Mi đừng nghe xuyên tạc,thờ phụng ông bà và thảo kính với cha mẹ là một trong những điều răn của đạo Công giáo, nhất là sau Công đồng Vaticanô II, những giới luật của giáo hội La Mã rất thoáng, hợp với tinh thần hiếu đạo của người Á đông, bên Công giáo đến ngày ông bà cha mẹ mất cũng tụ họp con cháu cầu nguyện và tưởng nhớ công ơn sinh thành, sau đó cũng ăn uống, có khác chăng chỉ là nghi thức mà thôi. ….
Trong ba đứa, có lẽ chi Mai Hoa thương tôi đặc biệt, tôi nhớ ngày đầu mới quen gia đình chị, chị tò mò hỏi tôi, lí do tại sao không học ngoài Huế mà vào học trong nầy và ở với ai ? Tôi đã cho chị biết hoàn cảnh kém may mắn của tôi và tôi bắt gặp trên đôi gò má trắng hồng của chị vệt nước mắt chảy dài, đôi mắt chị đỏ hoe, chị là con người nhiều tình cảm, và từ đó chị dành cho tôi những tình cảm dịu ngọt của người chi dành cho thằng em côi cút.
Đến năm chúng tôi lên Đệ tứ, nhân sự trong gia đình chị Mai Hoa có thay đổi. Đầu năm chị Mai Hoa em lấy chồng, chồng chị là anh chàng cầu thủ mang aó số 7 của đội bóng tròn Liên đoàn 81 yểm trợ Quân cụ, sau đám cưới, dọn về nhà chồng ở đường Khải Định, gần Cầu vòng. Bác Sáu, sau một lần té xe đạp, trật bánh chè, công việc nhận báo và phân phối báo được trao cho anh Lạc, một anh thanh niên vui tính, có nụ cười có vẻ man dại, đồng bóng. Anh Lạc chỉ làm việc vào buổi chiều, đi đưa báo xong là về nhà luôn. Đến giữa năm, chị Mai Hoa chị sinh bé gái, đây là một biến cố quan trọng, anh chị kết hôn đã mấy năm và trông ngóng mỏi mòn, nay mới toại nguyên, đứa bé gái ra đời mang lại cho gia đình anh chị đầy ắp tiếng cười đùa hạnh phúc. Anh chị Mai Hoa đặt tên là Tha La, cái tên nghe ngồ ngộ, nghe phảng phất cái họ đạo Công giáo Tha La, trong bài thơ Tha La xóm đạo của Vũ Anh Khanh, điều đáng nói là gia đình chị lại thờ Phật và thờ ông bà, có lần tôi không nén được tò mò, hỏi chị, chị cười hiền và nói thoái thác :
- Ít nhất em cũng để cho chị giữ kín một điều gì đó riêng tư chớ !
Tôi hỏi anh Quân, anh cũng nói :
- Có giao ước, đẻ con gái thì chị đặt tên, anh cũng chịu.
Bé Tha La mũm mĩm, dễ thương, hay cười, ít nhè. Tính tôi thích ẵm bồng và đùa giỡn với trẻ con, nên bé Tha La thấy cậu T.. là với tay đòi bồng. Từ khi có em bé, trong nhà lại có thêm một nhân sự mới, đó là dì Mót, trong quê ra coi sóc ẳm bồng bé, dì khoảng trên bốn mươi, cơ khổ là dì hay húng hắng ho và ghiền ăn trầu, miệng luôn nhai trầu và phun nước trầu vô tội vạ. Anh chị Mai Hoa có ý không bằng lòng, và đang nhờ người bà con trong quê kiếm cho một em gái, nhỏ tuổi để bồng em và sai vặt.
Buổi chiều mùa đông ở Đà Nẵng trời mau tối, vừa đi học về, Định quắn hối thúc tôi lên nhà sách Mai Hoa, tìm xem bài nó viết đã được đăng trong tờ Văn nghệ Tiền phong mới ra chưa, hai đứa kéo nhau đi không kịp rủ Qúy theo. Đang khi hai đứa hí hửng đọc bài của Định quắn, có tiếng bé Tha La kêu ơ.. ơ.. cuối phòng (tiếng kêu quen thuộc của bé khi đòi bồng ). Tôi đưa mắt về hướng đó, cô bé lạ mặt khoảng mười ba, mười bốn tuổi đang ẵm bé Tha La, tôi bước tới, bé nhoài người qua, tôi đưa tay đón và nhìn cô bé, nước da hơi tái sạm đen, tóc kẹp cháy nắng, bộ đồ đen bạc màu, duy đặc biệt đôi mắt hơi bỡ ngỡ, nhưng sao mà đẹp và u buồn đến thế, khuôn mặt trái soan, tự nhiên tôi buột miêng :
- Chào em, lính mới hả?
Cô bé cười bẽn lẽn, hàm răng không được trắng nhưng đều riến.
Chị Mai Hoa ngồi ở quầy tính tiền nói vọng sang :
- Nó không nghe đâu em, đừng tra hỏi lý lịch nữa.
Tôi bồng bé Tha la đi về phía chị.
- Em nói giọng Quảng chớ có nói giọng Huế đâu mà không nghe hiểu !
Chị Mai Hoa chép miệng nói lảng qua chuyện khác :
- Con bé dễ thương qúa, trong quê mới đem ra cho chị, không biết làm sao mà nó dỗ bé Tha La ngủ đây. Công việc nhẹ nhàng thôi nhưng sợ nó không làm được, mà gởi trả về thì chị không đành lòng.
Tôi ngạc nhiên :
- Có gì đâu mà làm không được, nó coi bộ lanh lợi và sáng láng đó chớ, vài ba tháng gội hết bùn là thành cô gái thành phố ngay, có chi mà chị lo cho mệt.
Giọng chị Mai Hoa trầm xuống và thật buồn :
- Tội nghiệp! Nó bị câm điếc bẩm sinh em ạ.
Tôi như bị điện giựt, ngơ ngác đưa mắt qua cô bé, có lẽ nó biết hai người đang nói về nó, nên có vẻ e thẹn, tôi vội mỉm cười để trấn an.
- Em cũng thấy con bé dễ thương quá, không biết anh chị có cách gì giúp nó không ?
Chị Mai Hoa chép miệng :
- Chị đã bàn với anh Quân, thôi Trời Phật đã trao cho mình thì mình cũng cưu mang để lấy đức cho con cái, anh chị giữ nó lại tập tành cho nó làm việc và dậy chữ cho nó nữa, khi nào em rảnh rỗi, giúp anh chị một tay, bày cho nó học, làm ơn làm phước em ạ.
Năm đó ba đứa chúng tôi lo học để cuối năm thi Trung học đệ nhất cấp, thời gian lên nhà sách Mai Hoa đọc báo cũng bị hạn chế. Chúng tôi đóng đô trong vườn nhà Qúy để ôn bài, vài ba ngày chi Mai Hoa sai anh Lạc xuống nhắn tôi lên, lý do bé Tha La nhớ cậu T…
Bé Tha La nhớ tôi thật, thấy tôi là nó nhoài người ra đòi bồng và cười toe toét. Chị Mai Hoa thường nói đùa:
- Tha La thấy cậu T… như mèo thấy mỡ.
Mỗi lần lên thăm, chị Mai Hoa đều để dành cho vài món ăn, hoặc hộp bánh, hộp kẹo gọi là bồi dưỡng đêm khuya học bài. Chỉ mới vài tháng trôi qua, mà da dẻ cô bé đã nhả bớt nắng, tươi tắn ra … Những lúc Tha La ngủ, cô bé ngồi vào chiếc bàn góc bếp học đánh vần, chăm chỉ, tôi mừng thấy cô bé có chí và đã thích nghi với cuộc sống mới.
Sau kỳ thi Trung học đệ nhất cấp với kết quả khả quan, chứng tôi có một năm dưỡng sức, Qúy đã cặp bồ với người đẹp Tàu lai Lâm Phương, Định cặp với Hồng Vân, tôi vẫn mình trần thân trụi, trong khi hai đứa nó đi chơi riêng với bồ, tôi dành hết thì gìờ cho bé Tha La và bày cô bé học, đến độ một ngày kia Định quắn có nhận xét :
- Lúc nầy thằng T… ăn dầm ở dề nhà sách Mai Hoa, hay là nó bị con nhỏ câm mê hoặc rồi, mà con nhỏ lúc nầy trổ mã xinh đáo để, trong xóm mình có đứa nào sánh bằng nó đâu.
Nghe Định quắn gọi cô bé bằng con nhỏ câm, tự nhiên tôi đâm ra giận, gọi chi mà tàn nhẫn và có vẻ khi dễ, miệt thị vậy. Tôi đề nghị với Định và Qúy :
- Từ nay, tau xin hai đứa bây gọi cô bé là Thầm Lặng, đừng gọi con câm nghe tàn nhẫn quá, tội nghiệp nó.
Hai đứa nó biết tính tôi và có lẽ cảm nhận được tình cảm của tôi dành cho cô bé, nên vui vẻ chấp thuận. Dù giữ bí mật tuyệt đối, thời gian về sau nầy anh chị Mai Hoa cũng phát hiện ra cái tên nầy, và cho ba đứa chúng tôi là những thằng quỷ lãng mạn.
Có lẽ ông Trời có luật bù trừ, Thầm Lặng rất thông minh, nhạy cảm, học không có phương pháp nào đặc biệt dành cho người câm điếc, nhưng cô bé lãnh hội rất nhanh, đọc được sự suy nghĩ hay yêu cầu của người khác rất chính xác. Chỉ một cái lắc đầu, nháy mắt, hay khoát tay nhẹ, Trầm Lặng đã biết tôi muốn nói gì với em. Trầm Lặng như cây khô lâu ngày thiếu nước, bây giờ gặp tiết muà xuân, môi trường sinh hoạt đầy đủ vật chất làm thể xác em phát triển rất nhanh. Mới ngày nào đây là một cô bé quê muà rám nắng, xanh xao, thế mà bây giờ là cô bé dậy thì mơn mởn, khuôn mặt trái xoan hồng hào, điểm lông tơ phơn phớt, hàng lông mi cong và đôi mắt bồ câu buồn vời vợi xa vắng, tóc đen huyền thơm hương thơm con gaí và bồ kết.
Từ ngày Qúy cặp bồ với Lâm Phương, mỗi lần chúng tôi đi lên Chợ Mới, có cảm tưởng như có một sự gì bất an sắp xảy ra, nhất là khi nghe thằng Dục tung tin đe dọa Quý :
- Thằng Qúy léng phéng lên nhà con Phương có ngày bị què giò.
Dục ở cạnh nhà Lâm Phương, đô con, da ngâm ngâm đen, có đứa em gái là Trâm Anh, khá xinh, đặc biệt có bộ ngực rất bề bộn, phì nhiêu, chúng tôi đặt cho cái tên : Marilin-Muốn Rờ (Mariline-Monroe), anh em nó cùng học trường Tây Hồ. Tôi biết nó hận thằng Qúy vì phỗng tay trên Lâm Phương, nhưng không làm gì được, vì bên cạnh Qúy luôn luôn có tôi đi kèm. Vùng Chợ Mới lẫn Ngã ba thịt chó, tôi nổi tiếng là vua đánh lộn, không phải du đãng gì, nhưng thấy ai bị hiếp đáp, hay có sự bất bình là tôi nhào vô can thiệp, dù đôi khi cũng lãnh sẹo, nhưng nhằm nhò gì, cuộc chơi nào mà không có kẻ thắng người bại. Có lần đi ngang trước mặt Dục, tôi nói lớn, cố ý cho nó nghe :
- Thằng nào cả gan đụng đến thằng Qúy, phải bước qua xác tao trước.
Từ đó mỗi lần lên nhà sách Mai Hoa, ngang qua nhà Dục tôi đều thấy nó đứng trước cửa, nhìn tôi với đôi mắt nẩy lửa Tôi biết thằng Dục thế nào cũng tìm cách hạ tôi, rồi mới có thể dứt điểm thằng Qúy được, và tôi trong tư thế sẵn sàng chờ đợi. Và sự chờ đợi không lâu. Buổi chiều, ba thằng Ngự lâm pháo thủ lửng thửng thả bộ lên Chợ Mới, khi đi ngang qua nhà Dục, tôi thấy nó và ba đứa bạn đứng trước cửa, chúng tôi băng qua đường, đến trước trại hòm, bất ngờ Dục chạy nhanh qua chận tôi lại, chỉ mặt nói lớn :
- Tại sao mày dám nói “muốn rờ em tao ?”
Vừa nói nó vừa rút chiếc vợt đánh bóng bàn trong lưng quần ra, nhanh như cắt, nó rờ- ve một phát vào trán tôi. Bất ngờ lãnh đòn, tôi đau như bị điện giựt, tôi nhào vào khóa tay nó, chiếc vợt rơi xuống đất, tôi bẻ tay nó quặp sau lưng, đè nó xuống đất, nắm lấy tóc gáy và dập đầu nó xuống đường liên tiếp bốn, năm cái. Vừa lúc người trong trại hòm nhào vô kéo hai đứa ra, trán tôi rách một đường, máu chảy xuống mắt, trán thằng Dục cũng bị bầm dập máu tuôn ra, chị Mai Hoa la ơi ới, cùng Định và Qúy đưa tôi đến nhà sách, trong màn máu lờ mờ chảy xuống mắt, tôi thấy Thầm Lặng mặt mày tái ngắt, nước mắt ran rụa, vuốt vuốt mặt tôi, đôi bàn tay run run đến tội nghiệp, tôi cố mỉm cười cho em yên tâm, lòng rất xúc động. Thì ra bên cạnh cuộc đời cô độc của tôi còn có một tâm hồn thương xót và âm thầm lo lắng cho tôi. Sau trận đánh lộn với Dục, thằng Dục hèn hạ trả thù tôi, bằng cách xúi bọn trẻ con khu chợ Mới gặp tôi là réo lên “Ê, ê.. lêu, lêu …cầm con cu, cầm con cu …”, tôi biết chúng nó châm chọc tôi, nhưng “Cù con câm” thì đã sao, tôi chỉ giận vì chúng dùng hai tiếng con câm đầy khi dễ mà thôi. Sau một vài lần bị ăn đòn, chúng mới chịu dẹp cái trò tiểu nhân đó.
Năm chúng tôi lên Đệ nhị, Thầm Lặng đã thành cô thiếu nữ duyên dáng, có những đường cong khêu gợi, đẹp mặn mà, đôi mắt càng đượm nỗi buồn u ẩn hơn. Tôi có đọc một quyển sách nói về người câm điếc, đại khái đó là những mảnh đời đau khổ nhất vì không diễn đạt, bày tỏ nỗi lòng mình cho người khác được, nên có đời sống nội tâm luôn luôn day dứt, buồn phiền, có phải vì vậy mà phát tiết ra đôi mắt qúa u sầu chăng ? Mỗi lần bắt gặp ánh mắt Thầm lặng nhìn tôi, tôi thấy một cái gì vừa thiết tha, vừa giận hờn, vưa khổ đau … thật khó diễn tả, và tôi thường quay mặt đi. Chúng tôi có thể nói chuyện với nhau bằng cách viết lên giấy, ngồi bên em, mùi hương con gái làm tôi ngây ngất, nhiều khi em trao bé Tha La cho tôi bồng, sự đụng chạm vô tình làm cho cả hai đứa cùng thẹn thùng, bối rối …
Chị Mai Hoa thường khoe, Thầm Lặng rất đảm đang, bé Tha La đã chập chững đi, khỏi bồng bế trên tay, cho nên Thầm lặng quán xuyến mọi chuyện trong khâu bếp núc, chợ buá. Hằng ngày chị Mai Hoa đưa tiền cho cô bé với một mảnh giấy, ghi chi tiết những thứ cần mua, Thầm Lặng ra chợ mua sắm rất sành sõi, thật thà, ai ai cũng thương.
Tôi biết con gái tuổi đang lớn, có nhiều nhu cầu lặt vặt, nhưng những đồng tiền công ít ỏi hàng tháng, Thầm Lặng phải gởi về cho cha mẹ, cho nên dù cuối năm thi Tú tài I, tôi cũng quyết định đi dậy kèm trẻ em, kiếm thêm tiền. Mỗi ngày tôi bỏ ra hai giờ, từ bảy đến chín giờ tối, đạp xe lên cư xá Thanh Lịch, kèm con ông Trung uý Công binh làm bài tập, mỗi tháng được bốn trăm đồng, dùng số tiền nhỏ nhoi nầy chia xẻ cùng em, mua đồ dùng cho con gái hay may áo quần. Để khỏi bị chị Mai Hoa nghi ngờ, tôi đã thưa thiệt chuyện nầy với chị. Một hôm, chị Mai Hoa ngồi nói chuyện với tôi và hỏi nhỏ :
- Em nghĩ thế nào về Thầm Lặng, em yêu nó hay thương hại, mà chị thấy em dành cho nó tình cảm đặc biệt vậy ?
Chị hỏi đột ngột qúa, tôi ngồi thừ người ra một lúc lâu, không biết trả lời ra sao, trong lòng tôi nhiều ý tưởng trái ngược nhau, tôi là một thằng học trò, có nhiều tự ái, nếu nói yêu thì xấu hổ quá, bạn bè ai cũng có bồ nữ sinh, mà mình lại đi yêu một Marisến, mà lại bị câm và điếc, ai mà tin được, nhưng lòng tôi qủa tình thương em đặc biệt. Em là con người bất hạnh nhất thế gian, trong em còn có một trái tim biết hy sinh cho cha mẹ và vươn lên trên mọi nghịch cảnh. Hoàn cảnh tôi có gì hơn em đâu để tự hào, để xấu hổ khi yêu một người con gái như vậy. Suy nghĩ cho cùng tôi chỉ hơn em là còn được cắp sách đi học, còn xét về hoàn cảnh thì hai mảnh đời đều rách nát như nhau. Nhưng tôi biết dù yêu em, thì rồi cũng không đi đến đâu, giữa cái xã hội nhiều thành kiến nầy, sẽ không đi đến đâu mà chỉ mang lại cho em nhiêu tủi thân và tuyệt vọng.
Thấy tôi ngồi ngồi thừ người ra không trả lời, chị Mai Hoa nhỏ nhẹ :
- Chị xin lỗi đã làm em khó nghĩ.
Tôi ngẩng đầu, nhìn vào mắt chi nói rất thành thật :
- Em không muốn dấu chị một điều gì, như chị đã biết, đời em có quá nhiều bất hạnh, em thiếu thốn mọi thứ tình yêu từ lúc còn nhỏ dại, nên em rất thông cảm với nỗi khổ đau bất hạnh của người khác, chị hỏi em có yêu Thầm Lặng không ? Vậy em xin hỏi chị : Nếu em yêu Thầm Lặng thì liệu tình yêu đó sẽ đi về đâu ? Yêu nhau là phải mang lại hạnh phúc cho nhau, iệu em có được trái tim Bồ tát để mang lại hanh phúc cho Thầm Lặng không ? Giữa cái xã hội ganh đua, xồ bồ, thị phi nầy. Vậy em xin trả lời chị : em thương Thầm Lặng như thương thân phận cô đơn của em, nếu chị thương em như thế nào thì xin anh chị cũng thương Thầm Lặng như vậy. Không bao lâu nữa, khi học xong Trung học ở đây, chắc chắn em sẽ rời bỏ thành phố nầy để đi xa, xin anh chị tạo công ăn việc làm và lo gia đình cho Thầm Lặng lại thành phố, cứ nghĩ đến ngày cô bé về lại trong quê, ngày ngày ra đồng cấy lúa, bắt ốc, hái rau, cũng đủ làm cho lòng em quặn đau …..
Chị Mai Hoa nắm bàn tay tôi, và tôi thấy nước mắt chảy dài trên má chị, tự nhiên tôi cũng muốn khóc.
Việc đi dậy kèm, tôi giữ bí mật tuyệt đối, nhưng rồi thằng Định quắn ma-lanh cũng biết, tôi yêu cầu nó đừng cho Qúy biết, không phải không tin bạn, nhưng sợ vui miệng, Qúy sẽ cho Lâm Phương biết và rồi chuyện sẽ đồn ầm ĩ lên.
Ngày tôi thi đậu Tú tài I, người vui mừng nhất có lẽ là Trầm Lặng, tội nghiệp cô bé. Chưa bao giờ tôi thấy được nụ cười rạng rỡ, tươi tắn hơn nở trên môi, trên mắt cô bé, tôi cảm động vô cùng. Lâu lâu tôi xin phép chị Mai Hoa cho phép đưa Thầm Lặng đi ciné, hay đi ăn, tôi muốn cô bé làm quen với nếp sống văn minh ngoài xã hội. Nhưng khốn nạn, tôi sợ bạn bè bắt gặp, chúng tôi thường đi lén lút như hai kẻ tội đồ chạy trốn, tôi ích kỷ, sợ xấu hổ, vẫn cố giữ thể diện hảo của mình. Đôi lúc ngồi suy nghĩ một mình, tôi thấy con người tôi hẹp hòi và ích kỷ qúa, không xứng đáng với những tình cảm không nói ra thành lời nhưng vô cùng mãnh liệt của Thầm Lặng.
Cuối năm Đệ nhất, tôi quyết định dứt aó ra đi, dù ngày thi đã gần kề, dù rất nhiều sợi giây vô hình níu kéo chân tôi lại, dù kẻ ở lại rơi nhiều nước mắt và người ra đi cũng tái tê lòng. Hôm tiễn tôi lên đường, anh chị Mai Hoa mời tôi ăn bữa cơm gia đình lần cuối, không khí thật ảm đạm. Bé Tha La như linh cảm được cậu T.. sắp đi xa nên đòi ngồi vào lòng và luôn luôn rướn người hôn lên má cậu.
Tôi ngỏ lời cảm ơn anh chị Mai Hoa, thời gian ở Đà Nẵng đã ban cho tôi những tình thương, và săn sóc an ủi quý giá Trước mắt, con đường chinh chiến không thể biết trước cái gì sẽ xảy ra. Nhưng dù ở nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, tôi cũng nhớ về gia đình anh chị, như là một nơi chốn thân thương, tổ ấm cho cánh chim miệt mài trong giông bão, cũng không quên xin anh chị thương yêu đùm bọc, xây dựng mái gia đình cho Thầm Lặng.
Anh chị Mai Hoa khuyên tôi giữ gìn sức khoẻ và hứa sẽ không phụ lòng tôi.
Chị Mai Hoa trao cho tôi chiếc phong bì, bên trong có năm trăm đồng, gọi là “Em cầm lấy mà tiêu, trong những ngày đầu nơi quân trường.” Dù tôi quyết liệt từ chối, nhưng cuối cùng khi thấy nước mắt chị sắp trào ra, tôi đành cảm ơn chị và bỏ vào túi. Tôi xin phép được dắt cháu Tha La và Thầm Lặng đi dạo một vòng lần cuối.
Đà Nẵng vào hè, vầng trăng mười sáu nhô lên cao, bầu trời không gợn chút mây, trong vắt như pha lê. Tôi một bên, Thầm Lặng bên kia, dắt tay bé Tha La đi châm chậm xuống Ngã ba thịt chó (từ trước, tôi rất ngại đi với cô bé về hướng nầy, tôi sợ người ta thấy, dị nghị đàm tiếu, nhưng hôm nay tôi đếch cần, tôi cóc sợ. Tôi muốn cô bé hiểu: tôi công khai đi với em mà không sợ cóc khô gì cả). Đến trước cổng nhà Qúy thì Tha La mỏi chân, tôi một tay bồng Tha La, tay kia nắm tay Thầm Lặng, chầm chậm đi qua đường Võ Tánh, hướng lên Bộ tư lệnh QĐI, quãng đường nầy không có điện, ánh trăng chan hoà, ếch nhái, giun dế hai bên ruộng rau muống thi nhau trổi khúc nhạc buồn thấm thía, đến gần nhà ông cụ Trúc Mai (nhà in Trúc Mai, cụ thân sinh của bạn Nguyễn văn Hải), tôi dìu em rẽ xuống con đường đất nắp theo tường của ngôi chuà, qua một khu rợp bóng những cây dưà nước, ánh trăng vạch những lằn sáng, chao qua đảo lại trên đường, tự nhiên hai đứa dừng lại, tôi kéo em nép sát vào lòng và tôi hôn lên tóc, lên má em, lần đầu tiên sau gần bốn năm trời quen em, và rất nhiều lần tôi kềm chế và tự chủ, nhưng lần nầy tôi đã không làm chủ được mình, em run rẩy trong vòng tay của tôi, ánh trăng xuyên qua kẻ lá, tôi thấy trên má em loang loáng giòng nước mắt, em đã khóc tự bao giờ, em khóc vì hạnh phúc hay em khóc cho số phân nghiệt ngã của em, hay khóc vì khoảnh khắc chia tay sắp đến. Tôi dùng mu bàn tay quẹt nước mắt cho em và dìu em đi. Đến trước cổng trường Tiểu hoc Hoà vang, chúng tôi dừng lại, lấy chiếc phong bì của chị Mai Hoa cho lúc chiều, trao cho Thầm Lặng, em nhất quyết từ chối, nhưng tôi ra dấu dọa, nếu không nhận, tôi không trở về Đà Nẵng nữa, lúc đó em mới miễn cưỡng để cho tôi bỏ tiền vào túi áo. Không biết chuẩn bị từ lúc nào, em lấy trong túi ra một mảnh giấy xếp rất gọn gàng trao cho tôi, cẩn thận bỏ vào túi, tôi đưa bàn tay em lên môi hôn, tỏ dấu cảm ơn. Đến trước nhà sách Mai Hoa, tôi hôn Bé Tha La và ra về, không vào nhà.
Sáng hôm sau tôi vào trại nhập ngũ số I sớm, và ở lì trong trại cho đến ngày lên phi cơ về Sài gòn nhập quân trường.
Ngạn ngữ Tây phương có câu “Partir c’est mourìr un peu”. Còn riêng tôi, ra đi là chết cả cõi lòng, dù quyết chí dứt áo ra đi. Mồ hôi đổ từng ngày trên thao trường nắng cháy, nhưng nỗi nhớ cứ đeo đuổi triền miên, dù chỉ một khoảnh khắc nghỉ ngơi ngắn ngủi, dù đang phơi mình giữa nắng hè trên đồi Tăng- Nhơn- Phú, dù đang di hành trong đêm, dù đang trườn bò chiến thuật trong vườn cao su, nỗi nhớ từng lúc trổi dậy trong lòng. Tôi nhớ về bạn bè, nhớ trường lớp, nhớ hàng cây bóng mát Ngã ba thịt chó, nhớ những đêm trăng trên bãi biển Thanh bình, những chiều nô đùa cùng sóng nước Mỹ khê, nhớ quãng đường chiều ngắn ngủi lên nhà sách Mai Hoa, nhớ bé Tha La … Nhưng trên hết các nỗi nhớ là nụ cười hiền lành câm lặng, ánh mắt buồn xa vắng, nhớ nét giận hờn trẻ thơ của Thầm Lặng. Mảnh giấy em trao cho tôi đêm chia tay nay đã vàng ố, nhàu nát, đẫm mồ hôi, nét chữ nhòa đi, “Em thương anh nhiều lắm, đừng quên em”. Tôi cũng thương em nhiều lắm, cũng nhớ em nhiều lắm, em biết không ? Nhiều lúc tôi muốn viết thư gởi về Đà Nẵng thăm, nhưng rồi tôi bỏ ngay ý định, tự hỏi để làm gì ? Tương lai mù mịt, chuyện tình nhiều trái ngang, ngăn cách, thà quên đi, thời gian qua sẽ đưa mọi chuyện vào quên lãng, hãy để cho mặt hồ yên tĩnh, viên sỏi ném xuống chỉ làm nước gợn sóng mà thôi. Tôi nhớ có đọc đâu đó câu nói của một triết gia “Phúc cho ai có người vợ ít nói.” mà thầm trách : sao không nói “Phúc cho ai có người vợ không nói” để tôi có thể chiến thắng được sự tính toán hơn thiệt và ích kỷ hẹp hòi trong tôi.
Gần hai năm sau ngày ra đơn vị, tôi về lại thành phố cũ giữa một buổi chiều, Đà Nẵng vừa hứng chịu cơn bão thổi qua, đường phố phủ đầy những cành cây gẫy đổ, ướt sủng nước, cây ven đường xơ xác, cảnh vật ảm đạm và lòng tôi cũng nặng trĩu nổi buồn. Định quắn và Qúy lép đã đi xa. Gần hai năm mà bé Tha La cơ hồ không nhận ra cậu T. đen bóng trong bộ đồ lính rằn ri. Chị Mai Hoa buồn buồn cho biết :
- Bốn tháng trước, mẹ Thầm Lặng trong quê ra, cho biết : cha cô bé bị trực thăng Mỹ bắn nhầm chết, trong lúc đang dắt trâu ra đồng, và xin đem cô bé về. Dù thương nó nhưng anh chị phải để cho nó về trong quê. Con bé càng ngày càng đẹp, chú Hi làm bên tiệm bánh mì Tiến Thành mê nó như điếu đổ, nhờ chi mai mối nhưng nó nhất định lắc đầu. Trong đơn vị anh Quân cũng có một chú, ngày nào cũng ra rề rề bên nó mà nó cũng không thương, hình như nó thương cậu lắm, (lần đầu tiên chị Mai Hoa gọi tôi bằng cậu thay vì tiếng em ngọt ngào lúc trước). Nó hay thẫn thờ ra vào như trông ngóng ai, lâu lâu chị bắt gặp nó ngồi khóc một mình.
Tôi buồn qúa, hỏi chị Mai Hoa :
- Qưê cô bé ở đâu vậy chị ?
Chị Mai Hoa ngạc nhiên nhìn tôi.
- Bộ cậu muốn làm Thạch Sanh xuống hang cứu công chúa sao ?
TôI gượng cười :
- Biết đâu được chị ơi.
- Quê nó là quê ngoại chị, thuộc xã Kỳ sơn, miền núi phiá tây Tam Kỳ, nhưng nay vùng đó đã mất an ninh, dân chúng về các trại định cư gần phi trường Quảng Tín.
Tôi trở về đơn vị mà lòng buồn như trấu cắn.
Nhân chuyến đưa toán về Chu-lai, phối hợp với toán recon (reconnaissance) của Thủy quân Lục chiến-Mỹ, chuẩn bị nhảy biên giới Lào -Việt, tôi chợt nhớ đến thằng bạn thân đang làm chỉ huy trưởng Cảnh sát tại quận Lý-tín (Tam Kỳ). Tôi vội vàng tranh thủ đến thăm nó, với mục đích nhờ tìm tin tức Thầm Lặng. Cò Trần kiêm Đảm (xin đừng nhầm với nhà văn Trần kiêm Đoàn) là thằng bạn nối khố ngày còn học tiểu học, tính tình rất vui nhộn, phóng khoáng. Tôi có nhiều bạn bè làm ông cò, như cò Võ Thiệu, cò Nguyễn sĩ Phú, cò Hà Thức, cò Phan văn Ngữ…. nhưng cò Đảm có nhiều kỷ niệm và nhiều giai thoại về nó. Mỗi khi nhớ đến, cười ra nước mắt, ví dụ : trong điạ bàn quận của Đảm có đồn bót của lính Mỹ, do đó đội ngũ "chị em ta" thường tập trung về hoạt động. Mỗi lần cảnh sát bố ráp, bắt về bóp, cò Đảm bắt nằm sấp xuống và đánh năm hèo vào đít rồi tha về, không quên dặn theo :
- Nhớ lần sau mang áo mưa và đừng chơi giữa đất, cát sau nầy về già bị phong thấp nghe chưa ?
Thật hết sẩy, hết nước nói, chưa có ông cò nào chăm lo sức khỏe cho nhân dân như cò Đảm.
Có báo trước, xe vừa dừng là Đảm đã ra đón tôi trước cửa văn phòng, vẫn cái giọng bỡn cợt, bông đùa như ngày nào :
- Mụ nội mi, mấy năm ni không chộ mi, tưởng mi bỏ bú mô rồi.
Tôi nắm chặt tay nó trả đũa :
- Mụ cô mi, mi ăn nói chi mà vô hậu rứa.
Rồi hai đứa cùng cười xoà, mặc cho mấy viên cảnh sát đứng nhìn nhau ngơ ngác. Bỗng tôi khựng người lại há hóc mồm, cách đó khoảng sáu bảy mét, dưới tàn cây vú sữa, Thầm Lặng - không nhầm vào đâu được – trong bộ bà ba đen bạc màu, tóc tai rối bù, đang nhẫn nại quyét sân, gom lá vào gốc cây. Đảm kéo tôi vào văn phòng, ngạc nhiên hỏi :
- Bộ mi có quen với con nhỏ câm VC đó à ?
Tôi sửng sốt :
- Việt cộng ?
- Thì giao liên hay VC thì cũng như nhau, nó bị Nghĩa quân bắt tuần trước tại vùng cận sơn Phú ninh với thuốc tây, đá lửa, Pin con ó, thư từ trong người, mi quen ra răng mà coi bộ mi thất thần rứa ?
Đợi cho người cảnh sát mang nước giải khát và thuốc lá bước ra khỏi phòng, tôi bắt đầu kể cho Đảm nghe về chuyện tôi và Thầm Lặng. Không khí trầm hẳn xuống, Đảm chăm chú nghe, sau đó không còn lý do gì để ở nán lại, tôi từ giã Đảm, dù nó cố giữ lại dùng cơm. Tôi buồn buồn nói với nó :
- Đảm à ! Vì tình bạn, xin mày nương nhẹ tay với cô bé, thế thôi, hẹn dịp khác gặp nhau vui hơn.
Tôi bước lên xe, Đảm xiết chặt tay tôi và trở lại bản tính khôi hài cố hữu :
- Mi nhớ cẩn thận giữ gìn bộ đồ nghề nghe, đừng quan tâm đến chuyện nhỏ, tau sẽ cho nó về ngay chiều nay.
Xe rồ máy chạy ra cổng, hình như Thầm Lắng nhận ra tôi, tôi thấy cô bé chống chổi nhìn theo cho đến khi xe chạy khuất sau bờ tường.
Chiến sự càng ngày càng trở nên khóc liệt, tôi bị cuốn hút vào cơn lốc bom đạn, gót giày qua nhiều chiến trường như Tam Biên, Khe sanh, Hạ Lào, Thường đức …. và tôi trở về Đà Nẵng hơn một năm sau.
Đà Nẵng tràn ngập xì nách ba, xe nhà binh, và tiếng gầm thét của phản lực cơ. Đà Nẵng của tuổi học trò trong tôi nay đã đổi thay.
Bé Tha La đã đi học, chị Mai Hoa đang mang thai cháu thứ hai, trong nhà có thêm hai người mới, đó là dì Năm lo bếp nước, dọn dẹp nhà cửa, và nhỏ Ti sai vặt, chuẩn bị bồng em bé sắp sinh.Chị em gặp lại nhau sau thời gian xa cách, có nhiều chuyện để nói, chị mời tôi ở lại ăn cơm tối và tâm sự cho đến khuya. Chị bùi ngùi báo cho tôi một tin sét đánh :
- Thầm Lặng đã chết cách đây ba tháng, trong một đêm mưa gió, VC về tấn công khu định cư phiá tây phi trường Tam kỳ, chúng đốt phá sạch, giết nhiều người và bắt đi cô bé, ngày hôm sau người ta tìm thấy xác cạnh đồi 55, đầu gần lià khỏi cổ, trên ngực aó có gim mảnh cáo trạng “Phản bội.”. Cậu biết không, trước đó có thời gian nó bị VC dụ dỗ và gây căm thù là cha nó bị trực thăng Mỹ bắn chết, nên nó làm giao liên cho VC (chuyện nầy tôi đã biết nhưng không nói với chị Mai Hoa), nhưng sau khi bị Cảnh sát bắt và tha cho về, ở luôn trong khu định cư và hàng ngày đi đổ bao cát cho lính Mỹ (quân đội Mỹ dùng bao đựng cát -sandbag- để xây hầm trú ẩn, bunker), kiếm tiền nuôi em, không làm giao liên hay du kích nữa. Không ngờ bọn chúng trả thù em một cách dã man như vậy, thật tội nghiệp !
Trời đã khuya, tôi buồn rầu từ giã chị Mai Hoa. Vầng trăng đã chếch bóng về tây, nước mắt muốn trào ra, lòng tôi nặng trĩu niềm đau. Tôi cảm thấy mình ít nhiều có trách nhiệm về cái chết của Thầm Lặng. Chưa bao giờ tôi nói với em, tôi yêu em. Nhưng trong lòng tôi có một tình yêu thầm lặng nhưng dai dẳng, thiết tha với em. Và chắc chắn em cũng thầm lặng, âm thầm nuôi dưỡng tình yêu vô vọng trong lòng. Tôi như người mộng du, đi qua Ngã ba thịt chó, qua cổng nhà Qúy và xuống đường Võ Tánh, theo đưòng đất men theo bờ tường ngôi chuà, và ruộng rau muống, trăng thật sáng. Sương đêm lạnh, lũ côn trùng vẫn muôn đời réo rắt điệu nhạc buồn. Qua khoảng tối sáng chen nhau của các tàu dừa nước, nơi đây, hôm tôi từ giã Thầm Lặng, lần đầu tiên tôi hôn em. Qua ánh trăng soi rọi, dòng nước mắt loang loáng lăn dài trên má em hiện rõ trong tiềm thức tôi. Bên kia bờ tường, trong sân chuà, bức tượng đức Phật bà Quan âm, hiền từ, đứng yên, bất động dưới trăng khuya. Vài ánh hỏa châu bung lên le lói ở cuối xa xa, tiếng đại bác rời rạc vọng về. “Ngày mai con trở lại chiến trường, xin Ngài mở lượng từ bi, ban cho Thầm Lặng sự bình yên và thanh thản ở thế giới bên kia …”
Trương đức Thủy