Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Lê Vân - Yêu và Sống

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14590 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lê Vân - Yêu và Sống
Bùi Mai Hạnh – Lê Vân

11 (B)
Cuộc đối thoại đầu tiên ngừng lại. Chàng bỏ nhà đi đâu không rõ. Bụng tôi lớn dần lên. Với thiên hạ, chưa có gì đáng ngại, bởi tôi đang có chồng. Mãi đến khi tôi gần sinh, chàng bất ngờ trở về. Và một lần, chàng đã khiến tôi vô cùng cảm động.
Do quá căng thẳng và cô đơn, tôi thường đi bộ ra ngồi nghỉ ở ghế đá vườn hoa. Cảm giác cô liêu buồn bã ào tới. Sao mình bất hạnh thế! Những lúc thế này, nếu người ta có chồng bên cạnh, chắc hẳn người chồng sẽ yêu người vợ lắm. Mặc dù hình thù người vợ thay đổi rất nhiều bởi cái mầm sống của họ đang lớn dần lên, nhưng người ta sẽ vô cùng hạnh phúc. Nếu mình có chồng ở đây, người đó sẽ đưa mình đi dạo, dưa mình đi tập, chứ không bao giờ để mình ngồi một mình như thế này. Ngồi đó, nhìn dòng đời, dòng người tấp nập ngược xuôi cười cười nói nói, càng thấy cô quạnh làm sao! Một người đàn bà cô đơn trong chiếc váy bầu rộng thùng thình. Đông người thế kia mà sao tôi chẳng thể chia xẻ với ai được, ngay cả với những người thân, người ruột thịt, về cái sự thật mà tôi đang mang trong lòng. Sẽ không ai hiểu được và không ai chấp nhận được sự thật này.
Đang miên man như thế: chàng lãng tử của tôi xuất hiện như từ trên trời rơi xuống. Chàng vô tình đi đâu đó qua đây, chợt nhìn thấy tôi, hay là chàng đi tìm tôi? Tôi không biết. Chỉ nhớ như in lời chàng nói: "Nhìn em, anh thương em quá! Nào, để anh đưa em về" . Tôi lên xe của chàng, lòng tràn ngập mêm biết ơn. Có lẽ, chàng là người duy nhất hiểu thấu được nỗi cô đơn hoang hoải của tôi lúc này.
Gần đến ngày sinh, bụng tôi to lắm. Lặc lè bảy mươi cân, nom tôi xù ra như một con voi xấu xí. Da gần như là muốn nứt vỡ, mặt mũi sưng phồng. Không ai nhận ra tôi nữa.
Abraham tính đến ngày tôi sắp sinh thì bay về Việt Nam. Anh muốn là người đưa tôi đến bệnh viện sinh con.
Những ngày sắp sinh, chúng tôi hay đi cùng nhau. Có ngày anh đưa tôi đi bác sĩ ba lần. Hôm đó, tôi như bị biến chứng, huyết áp tăng vùn vụt. Bác sĩ bảo: "Nghe nói ở bệnh viện Việt Pháp có dịnh vụ sinh con rất tốt, chị phải đến đó ngay để người ta xử lý, nếu còn muốn sống nhìn thấy mặt trời". Ông bác sĩ nghĩ mình hoàn toàn có khả năng tài chính để đến bệnh viện Việt-Pháp, chứ đâu có biết rằng mình còn có khúc mắc gì đây. Thành thực mà nói, tôi rất sợ. Không bao giờ dám nghĩ sẽ xuất hiện ở bệnh viện Việt Pháp. Mọi người nghĩ thế nào, rồi ở nhà sẽ tung tóe ra, ai sẽ đưa minh đi viện Việt Pháp đây khi mọi thứ còn chưa chính thức. Người ta sẽ nghĩ, làm sao một mình tôi có thể vào được Việt-Pháp?
Tôi bảo anh đưa tôi về, chuẩn bị chút hành lý rồi sáng mai vào bệnh viện Việt Nam. Ít nhất nó sẽ không xâo trộn lên. Anh bảo: "Tuỳ em, đâu cũng được, nhưng như bác sĩ đã nói, em phải quay lại bệnh viện ngay hôm nay, Tôi không chịu. Vẫn ngoan cố lắm. Nhưng đến chiều, bỗng thấy lo lắng không yên. Không hiểu có gì bất thường mà mặt cứ phù lên. Cuối cùng, khoảng năm, sáu giờ chiều, tôi quyết định: Thôi thì bệnh viện Việt Nam cũng được. Và anh đưa tôi đến bệnh viện C. Bác sĩ khám xong bảo: "Cho bệnh nhân thay quần áo làm thủ tục nhập viện".
Cứ ngỡ nhập viện bình thường thôi, ai ngờ, tôi vừa ngồi lên xe đẩy kiền bị đẩy vào thang máy, cách ly luôn. Lúc bấy giờ, anh mới làm thủ tục bên ngoài. Rất may là bác sĩ nói được tiếng Anh và hướng dẫn anh khai tên tuổi địa chỉ. Ở bệnh viện, ai cũng nghĩ chúng tôi là hai vợ chồng đưa nhau đi đẻ. Họ không nghĩ đến một trắc trở gì. Anh ghi tên mình vào mục người chồng như bất cứ người chồng nào đưa vợ đi đẻ phải làm. Sau đó, anh không biết làm thế nào để gặp được tôi, hoặc chí ít là biết được thông tin về tôi. Bồn chồn lo lắng. Mãi đến 10 giờ đêm, anh mới lần ra số phôn của người phiên dịch cũ, gọi điện cho anh ta. Hai người tìm được đến nhà Khanh.
Lúc này, anh buộc phải nói với Khanh tất cả sự thật về đứa bé tôi sắp sinh. Lúc ấy, không thể nói dối được nữa, vì muốn nhờ cô ấy giúp. Trong nhà, chẳng ai biết tôi đi đâu.
Không thể nào liên lạc với mọi người ở nhà vì ngại, anh chẳng biết cầu cứu ai, ngoài cô em gái. Chỉ cô ấy mới có thể giúp được. Một tiếng Việt bẻ đôi anh không biết, người ta không cho vào làm anh vô cùng hoang mang, chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra với tôi. Trong khi đó, tôi "bị trói" luôn trên bàn, đo huyết áp liên tục. Tăng huyết áp như vậy có thể dẫn đến ngộ độc thai nghén. Bác sĩ theo dõi sát sao suốt từ chiều đến đêm mà vẫn bất ổn. Họ cố chờ xem tôi có thay đổi hay ổn định lại huyết áp không. Nằm trên bàn đẻ, tôi cứ lo cho anh, không biết một mình anh ở ngoài xoay sở ra làm sao. Chắc anh cũng rối bời vì không nhận được tin tức gì của tôi Đang lo lắng thì nhìn thấy anh và Khanh đến, mừng ơi là mừng. May sao, Khanh lại quen với một cô y tá, xin cho anh lên được phòng cách ly. Khanh bảo: "Chị đừng lo, em đã nhờ cậy các bác sĩ ở đây hết rồi". Tôi đọc thấy sự ngạc nhiên trong mắt Khanh. nhưng vào tình huống này, cô ấy chỉ biết làm tất cả những gì có thể để bày tỏ tình cảm ruột thịt.
Không phải lúc nào Khanh cũng rảnh rỗi để chầu chực ở bệnh viện, chỉ có anh là người thân duy nhất lo lắng cho tôi lúc này. Để giúp anh vào gặp tôi dễ hơn, tôi viết cho anh một mẩu giấy, dặn anh khỏi phải nói, cứ đưa mẩu giấy này cho bất kỳ ai là y tá bác sĩ, hi vọng thấy anh là người nước ngoài, họ sẽ nể mà cho anh vào. Nội dung của mẩu giấy là: "Chị làm ơn cho tôi lên thăm người nhà ở nhà đẻ". Hết giờ, anh và Khanh phải đi về. Còn lại mình tôi trong phòng cách ly. Anh ra ngoài, cử quanh quẩn mãi ở sân bệnh viện rồi mới về khách sạn chờ đợi. Mọi tin tức bây giờ là phải thông qua Khanh.
Quãng mười giờ đêm, mạch của tôi vẫn trong tình trạng bất ổn. Tôi không cần được theo dõi nữa mà về phòng chờ các bác sĩ hội chẩn xem tôi có phải mổ hay không? Ở trong phòng, có mấy sản phụ cũng đang chờ đợi quyết định của bác sĩ. Đêm đã khuya, họ khoá cửa, tắt bớt đèn. Tôi không làm sao ngủ được. Bệnh viện có một hành lang dẫn đến các phòng nhưng hành lang này bị khoá chặt không cho người nhà vào. Bệnh nhân và bác sĩ nếu cần thiết thì đi thang máy. Tôi bồn chồn đi đi lại lại ở ngoài hành lang ấy. Bỗng nhiên, vang lên một giọng đàn ông lo lắng hớt hải: "Em ơi, em ơi" tít phía đầu hành lang bị khoá. Tôi ngạc nhiên vô cùng, không biết ai gọi mình vào cái giờ này! Tôi lê về phía cuối hành lang. Chàng lãng tử! Chồng tôi đang đứng ngoài song cửa sắt. Anh sốt sắng hỏi han: "Anh đi chơi về, nghe Khanh báo ở nhà là em phải đi cấp cứu bệnh viện rồi. Thế em có làm sao không?" Trong lúc chàng thảng thốt lên như vậy, tôi cũng kịp trấn tĩnh để nhận ra chàng là ai? Tại sao chàng lại ở đây? Oái oăm thay, chồng tôi đấy, người đang thắt ruột lo lắng cho tôi nhưng lại không phải là bố đứa con sắp chào đời của tôi? Bình tĩnh lại, tôi bảo chàng: "Có lẽ là em phải mổ, họ đang hội chẩn xem em có phải mổ đêm nay không. Giờ anh cứ về đi". Dường như đã yên tâm phần nào vì thấy tôi vẫn bình an, chàng ra về.
Khoảng mười hai rưỡi đêm, bác sĩ chính vào. Ông hỏi tôi có sẵn sàng để mổ không, có lẽ các nghệ sĩ thường ngại mổ vì sợ xấu. Huyết áp của tôi không ổn định, nếu chờ đợi, với tuổi này, rất có nguy cơ nhiễm độc thai nghén, sợ không can thiệp kịp. Theo ý hội đồng bác sĩ thì nên mổ. Tôi quyết định ngay: "Đối với tôi bây giờ, không có gì quí bằng sự an toàn của cả hai mẹ con, tất cả là đặt sự tin cậy vào các bác sĩ, các bác sĩ thấy nên thế nào thì làm như thế. Không sợ xấu đẹp gì cả". Bác sĩ bảo thế thì mổ nhé. Một lát sau, bỗng thấy đau dồn rồi nước ối bục ra, tôi gọi y tá. Họ cho tôi ngồi vào xe, đẩy vào thang máy, thẳng đến phòng mổ trên tầng ba.
Vào phòng mổ, một nỗi sợ bỗng nhiên dâng lên. Tôi vốn sợ bác sĩ, đến tiêm tôi cũng chẳng bao giờ dám nhìn, cứ phải nhắm tịt mắt lại. Bây giờ phải mổ, mà lại có một mình, không người thân bên cạnh. Chỉ những bóng người trắng toát xung quanh trong đêm im phăng phắc. Tôi nghe rõ cả tiếng bước chân của các bác sĩ. Không khí căng thẳng. Tôi chẳng có người nào để bấu víu. Sợ lắm, nhưng nào dám ho he gì. Nằm trên bàn mổ, nghe tiếng họ loay hoay chuẩn bị dao kéo lanh canh phía dưới, rồi thấy họ căng một tấm vải trắng to như màn ảnh chiếu phim ngang người. Tôi nghĩ, chắc họ ngăn vậy vì không muốn mình nhìn. Cũng không dám hỏi. Thế rồi, từ phía đầu tôi, tiếng một người đàn ông dịu dàng vang lên: "Hôm nay, bọn anh quyết định cho em đẻ "kiểu Pháp". Tức là gây tê tuỷ sống, chứ không phải bằng thuốc mê. Bây giờ em ngồi dậy". Ông bác sĩ. người từng tu nghiệp ở Pháp về, là một bác sĩ gây tê giỏi. Gây tê thì đỡ mệt cho bệnh nhân hơn là gây mê. Nhưng gây tê tuỷ sống rất nguy hiểm, chỉ cần chệch một li là có khi người bệnh liệt luôn.
Tôi ngồi dậy, họ cởi cái nút buộc ở lưng áo sản phụ ra, gây tê cho tôi, sau đó bảo tôi nằm xuống. Tôi nằm xuổng và nghĩ, bây giờ họ sẽ chờ cho mình mê man không biết gì rồi mổ đây. Nằm mãi, chẳng có cảm giác tê gì cả. Họ lại bảo: "Thế nhé, cứ nằm yên, không phải lo lắng gì cả, mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi". Tôi nghe vậy thì nằm yên chờ đợi cái cảm giác mê man để thiếp ngủ. Chưa thấy mê man gì, chỉ cảm giác có một lưỡi dao sắc lạnh đưa ngang bụng. Tôi rú lên: "Ối các anh ơi, đừng mổ bây giờ, đợi cho em mê đã, em sợ lắm. Các anh đừng mổ vội". Mặc cho tôi rú lên, ông bác sĩ nói tỉnh queo: "Không, đã ai làm gì đâu". Lạ thật, rõ ràng có lưỡi dao đặt vào bụng. Lại giọng bác sĩ thao thao hỏi chuyện: "Thế em đã đóng những phim gì rồi nhỉ? Đã ai làm gì đâu. Bao giờ mổ thì phải bảo em chứ." Tôi tin sái cổ, cứ thao thao bất tuyệt trò chuyện với người bác sĩ gây tê. "Thế à, em cứ tưởng các anh phải cho em mê chứ nhỉ. Sao mâi chưa thấy mê gì cả".
Hoá ra, gây tê tuỷ sống để mổ đẻ tức là nửa người trên hoàn toàn tỉnh táo, nửa người dưới liệt hoàn toàn, người ta mổ xẻ gì cũng chẳng có cảm giác. Thế là bên trên cứ say sưa trò chuyện "Thế phim Đêm hội Long Trì là phim cuối à, còn phim Chị Dậu em đóng hồi bao nhiêu tuổi nhỉ?"; còn bên dưới thì họ vẫn đang mổ xẻ. Chuyện chuyện trò trò khoảng hai chục phút, nghe mơ hồ như người ta lạch xạch cái gì phía dưới. Bỗng một giọng bác sĩ khác hân hoan nói: "Nào, bây giờ có muốn xem không". Tôi kêu lên: "Không, em sợ lắm. Em sợ đau lắm". Tôi cứ đinh ninh bác sĩ doạ tôi có muốn xem ông ấy mổ không. Ai ngờ, họ đã mổ xong rồi và hỏi có muốn xem mặt con không. Hoá ra, trong khi tôi còn mải mê chuyện trò, các bác sĩ đã lấy con ra và khâu lại xong rồi. Tất cả chỉ mất hai mươi phút. Hay thật. Trút cả cái bụng như thế đi rồi mà chẳng có tí cảm giác gì. Sau này, tôi cứ ân hận mãi vì không hiểu ý bác sĩ. Thế rồi, họ đeo cho tôi một sợi chỉ có miếng sắt đánh số của em bé. Lúc đó họ mới bảo: xong rồi nhé. Tôi ngơ ngác hỏi: thật hả anh? Và cứ ân hận mãi là không được xem mặt con lúc nó vừa ra đời.
Sau cuộc phẫu thuật, tôi kiệt sức, lả đi vì đói, ngủ lịm đi Không biết họ đưa mình về thế nào, chuyển giường ra làm sao. Khoảng ba giờ sáng, tỉnh dậy vì thấy mình mẩy đau ê ẩm. Có lẽ thuốc tê đã hết. Tỉnh dậy vì vết mổ rất đau, nó cắn rút rất khó chịu, không thể ngủ tiếp được. Xung quanh tối đen, chỉ có ánh đèn bên phòng trực. Tôi gọi bác sĩ xin thuốc ngủ. Tôi nuốt mấy viên Seduxen cùng bao nhiêu là cảm xúc vui sướng, lo toan, bề bộn tràn về. Cứ thế trằn trọc tới sáng…
Sáu giờ sáng, bệnh viện mở cửa cho phép người nhà vào thăm sản phụ. Cô Khanh và anh đã chầu chực sẵn ở bệnh viện từ bao giờ. Khi tôi mở mắt ra, nhìn thấy anh, thấy đúng người của mình rồi. Mừng quá. Mừng không thể tả xiết. Cứ như thể sẽ không được gặp nữa mà nay được gặp lại. Anh nhìn tôi đầy thương xót. Anh bảo tôi không cần phải lo lắng gì nhiều, mọi thứ đã có Khanh thu xếp. Tôi tỉnh lại là yên tâm rồi. Tôi đưa anh xem miếng sắt có số của con trai, bảo anh nhớ lấy số 940, rồi xin họ cho đi gặp thăm con. Tuy chưa đến giờ thăm, Khanh vẫn xin được cho anh đi gặp con. Anh là người được nhìn thấy con trai Avi trước tôi.
Con trai chúng tôi đặc biệt giống bố ở mái tóc dầy đen kịt. Mũi nó khoằm không lẫn đi đâu được. Cu cậu phải nằm cách li mẹ vì mẹ mổ nên chưa có sữa cho con bú. Họ phải cho con bú bằng bình sữa bột. Xem mặt con xong, anh ra về, hẹn đến giờ thăm con buổi trưa sẽ quay lại. Tôi thở phào.
Cám ơn các bác sĩ. Cám ơn Trời Phật. Anh đã được xem mặt con trai của chúng tôi rồi. Mẹ tròn con vuông.
Khoảng tám giờ, một cô hộ lý uỳnh uỳnh đẩy băng ca đến hỏi: "Ai tên Vân? Tôi sẽ đưa chị về khu điều trị sau mổ. Tôi là người trông nom khu ấy". Tôi ngạc nhiên: "Làm sao mà tôi chuyển từ giường sang băng ca được, phải có người khiêng tôi chứ nhỉ"! Rất lạnh lùng, cô ta bảo: "Làm sao mà tôi khiêng được chị. Chỉ có tôi với chị thôi". Tôi nhìn cái băng ca, một cỗ máy phát ra tiếng ồn ã chói tai, thấy nó cao hợn hẳn cái giường tôi nằm đến hai mươi phân. Tôi không thể hình dung mình có thể lăn sang cái "cỗ máy" ấy được khi mà đôi chân tôi vẫn chưa thể nhúc nhích, chưa có cảm giác.
Nó nặng tựa cái cối đá. Cô hộ sinh thản nhiên: "Vết mổ không bục ra đâu mà lo!". Cô ta nói như một cái máy vô cảm, không chút thông cảm, an ủi hay chia sẻ. "Nào, cứ theo hướng dẫn của tôi. Đầu tiên, gác chân lên đây, tôi sẽ xốc chị, rồi chị đu người lên nhé". Tôi gắng sức làm theo lời chỉ dẫn của cô ta vì chẳng có cách nào khác. Vật vã đau đớn một hồi, tôi thấy mình cũng nằm gọn trong cái băng ca thật!
Sau khi gồng người lên được cái băng ca, tôi lại được đẩy đi long sòng sọc dọc hành lang, cảm thấy đau buốt nơi vết mổ. Thấy tôi nhăn nhó, cô ta giãi bày: "Chị thông cảm, công việc thì nhiều mà người thì ít. Khổ lắm chị ạ". Tôi được chuyển về căn phòng chưa đến hai chục mét vuông mà kê đến gần chục cái giường. Họ bảo, vì tôi mổ đẻ nên may mắn được nằm một mình một giường cá nhân. Những người đẻ thường bị ghép đôi hết. Giường kê sít sịt vào nhau. Đúng là tôi may mắn thật. Buổi chiều, bác Dần vào thăm rồi ở lại chăm sóc tôi. Tôi bèn ghép bác Dần vào giường của mình.
Chỉ sau một ngày, mọi việc loang ra khi chồng tôi vào thăm và thản nhiên bảo: "Tôi là chồng Lê Vân". Các bác sĩ y tá ở đó cứ ngớ ra không hiểu có chuyện nhầm lẫn nào không. Ban đêm đưa đi đẻ là một ông Tây không biết nói tiếng Việt nhận là chồng, sáng ra là một ông lai Tây lạ hoắc vào cũng nhận là chồng! Kể cả các sản phụ nằm cùng cũng ngạc nhiên. Họ thấy rõ là tôi cư xử với hai người đàn ông khác hẳn nhau. Chồng tôi, chàng xông đến để chứng tỏ một điều: ta mới thực là chồng nàng đây! Tôi cố ngậm bồ hòn làm ngọt. Chàng lãng tử còn ngồi ngay cạnh giường sản phụ của tôi mà rằng: "Anh đề nghị với em một việc, em phải cố gẳng giữ thể diện cho anh, em không được để cho ông kia ngang nhiên vào đây như thế". Và chàng cứ ngồi đấy, rối bời, chẳng nói năng được gì. Tôi cũng rổi bời, nhưng cũng không thể cấm chàng vào thăm. Thái độ của chàng rất ngang tàng. Tôi biết, chàng muốn hành mình đây. Đến nước này thì tôi như hoá đá. Đằng nào người ta cũng biết. Tôi có hai người đàn ông đến thăm, cả hai đều nhận là chồng, vậy thì đứa bé là con ai?
Suốt ba ngày sau khi sinh con, tôi vẫn cứ có hai người đàn ông thay phiên nhau đến thăm nom. Cũng may, bố Avi nhanh trí nghĩ ra mua cho tôi một cái điện thoại di động để tôi có thể gọi điện cho anh bất cứ lúc nào tôi muốn. Và cũng để tôi báo cho anh biết lúc nào tiện để vào thăm tôi, lúc nào nên tránh. Có điện thoại thật là tiện lợi.
Một ngày rưỡi sau, tôi mới được bế thằng bé lên cho con bú để kích thích tia sữa. Nhân lúc chàng lãng tử của tôi không ở đó, anh vào và chụp ảnh khoảnh khắc hai mẹ con tôi gặp nhau lần đầu tuyệt diệu ấy.
Bác sĩ dặn, chừng nào ruột chưa thông thì chưa được ăn. Nhìn thấy giường bên cạnh ăn mà tôi thèm quá. Nhớ lại tối hôm qua, tôi tình cờ nghe được câu chuyện giữa một phụ sản và ông bác sĩ. Cô ấy được người nhà gửi gắm một người quan trọng trong bệnh viện. Ông ta đến thăm cô, dặn dò cô rất nhiều. Tôi tranh thủ lắng nghe để học lỏm. Ông bác sĩ bảo: "Cháu đừng lo, không bao giờ vết mổ bị bục cả. Cháu phải cố gắng vận động càng sớm càng tốt, đừng ngại đau.
Phải tập ngồi dậy, đứng dậy, lần giường tập đi thì mới mau bình phục, mau được ra viện. Nhiều người nhát, sợ đau, càng phải nằm viện lâu". Nghĩ bụng, mình phải cố gắng thôi. Nhờ bác Dần nâng lên để ngồi dậy nhưng bác chỉ làm mình đau đớn hơn, thế là tôi cố gắng tự ngồi dậy. Lết, thở phì phò, thế nào mà cũng ngồi dậy được. Vì nghe lỏm được lời dặn của bác sĩ nên không sợ ảnh hưởng vết mổ. Dựng được người dậy một lúc, y như rằng, cái hơi trong người mình ra hết, ruột tự động sắp sếp lại "đội hình" của nó.
Thông ruột rồi! Cảm giác nhẹ nhõm hẳn, tôi reo lên: "Cho tôi ăn đi nào, tôi đói lắm rồi. Mấy ngày chưa được ăn". Cô bên cạnh thấy mình kêu đói, mà bác Dần chưa đem cơm vào, cô ấy sẻ cho tôi ít cơm của cô, bảo: "Nhà em mang vào nhiều quá, em chẳng ăn hết đâu, chị đói quá thì lấy mà ăn tạm một chút". Tôi vồ lấy. Cám ơn cô. Cơm canh bà đẻ rất đơn giản mà sao ngon thế?
Ngày chia tay anh thật là bịn rịn, hoảng hốt. Anh đi, để lại cho tôi cả một mớ bòng bong rối bời. Không biết sẽ phải lặn ngụp ra sao trong cái mớ tơ vò này, biết đường nào ra. Mọi thứ mới kinh khủng làm sao! Rồi cái gì đến cũng phải dển? Anh phải ra đi, không có cách nào khác. Con trai tôi, sau khi được đưa về cho mẹ cho bú một tí, buổi chiều hộ lý lại đưa cháu về phòng cách ly. Chỉ còn lại mình tôi. Anh, chỗ dựa tinh thần vững chắc của tôi, lúc này đã ra đi. Con trai, sợi dây nối tôi với anh, cũng bị cô y tá mang đi nốt.
Sao mà cô đơn, trống trải thế! Cứ cảm thấy như mình bị bỏ rơi. Hẫng hụt. Sợ hãi. Lo âu. Tôi không biết phải làm gì bèn cố gắng lê lết ra hành lang sau của khu nhà, gọi điện cho anh. Anh đang trên đường ra sân bay. Nghe giọng anh, tôi oà lên tức tưởi: "Sao mọi người bỏ em đi hết thế này Con người ta vừa mang đi, anh cũng đi mất rồi, em không biết làm sao đây?"
Làm sao đây? Tôi chỉ biết cay đắng khóc một mình.
Tám ngày sau, tôi được ra viện. Cũng chẳng cần ai đón. Tôi bồng con xuống cổng bệnh viện, gọi taxi vào tận nơi. Bác Dần tay xách nách mang, đón tay thằng bé. Ba mẹ con bác cháu ra về.
Suốt thời gian đầu tôi nuôi con một mình, chồng tôi tránh mặt bỏ đi đâu không rõ. Có lẽ, chàng sợ ở lại Hà Nội, người ta đàm tiếu hoặc là chàng sợ giáp mặt với sự thật: tôi đòi li hôn. Thế là tôi một mình thui thủi nuôi con.
Lúc đó, tôi với mẹ vẫn đang trong cơn giận hờn vô cùng căng thẳng. Bà không hề bước chân vào bệnh viện hỏi thăm con gái và cháu ngoại. Thường thì trong cơn hoạn nạn, người ta sẽ dễ dàng xoá bỏ những cái khó vượt qua để đến với nhau. Nhưng không hiểu sao, nhất định bà vẫn cứng lòng không nhìn mặt cháu. Thời gian đó, mẹ đang ở Thuỵ Khuê với tôi. Phòng bà ngay cạnh phòng hai mẹ con, chung nhau phòng tắm, vậy mà sao như xa cách nghìn trùng!
Căn phòng của hai mẹ con tôi không nhiều ánh sáng, có lẽ vì nuôi người đẻ nên phòng lúc nào cũng tôi tối. Hai mẹ con ngồi ôm nhau, nhìn đêm xuống trong bao nhiêu là lo âu, không biết phải làm gì. Hơn lúc nào hết, tôi hiểu giá trị quí báu của bác Dần. Chị gắn bó với tôi hơn cả người ruột thịt.
Mọi thứ tôi đều trông cậy vào bác ấy. Bác Dần cũng chưa chăm sóc bà đẻ bao giờ, cả hai chị em đều không có kinh nghiệm gì. Cứ theo cảm giác, nghe người ta bảo nên thế này nên thế kia rồi làm theo. Thấy bảo thịt thăn tốt cho người đẻ thì cứ mua ngày nửa cân rim lên ăn hai bữa với canh rau ngót. Rồi lại thấy Khanh và Vi bảo hai cô phải ăn cháo chân giò cho có nhiều sữa, ngấy đến nỗi bây giờ nghĩ đến cháo vẫn thấy sợ. Cũng may, tôi bốn mươi tuổi mới sinh mà con bú không hết sữa.
Người ta vẫn nói, trông dáng dấp tôi trước sau như một, dân múa làm gì có ngực, thế mà sinh con xong, không biết làm sao mà sữa về trông to như hai cái bình tích. Tôi nuôi Avi rất nhàn. Bé toàn bú sữa mẹ và không bao giờ khóc quấy đêm. Hàng xóm chẳng ai biết trong nhà có trẻ con mới sinh. Bạn bè đến thăm, cho sữa thì toàn tôi uống. Vì cứ nghĩ dù sao, khi chất sữa ấy lọc qua người mình, có thêm chất đề kháng tốt hơn cho con và cũng an toàn hơn nữa. Tôi luôn có ý thức như thế. Tuy thực đơn cơm bà đẻ rất đơn giản, nhưng cứ nghĩ phải ăn cả cho con nữa, nên dù chán vẫn cứ ăn băng băng. Tuy sinh con chỉ có hai cân sáu, nhưng thằng bé trộm vía cứ tăng cân vù vù đến bác sĩ cũng phải ngạc nhiên. Bé tăng cân ở mức lý tưởng. Cái đồ thị tăng cân của bé là một đường thẳng dốc.
Cám ơn cuộc đời, Trời Phật thương con tôi, bù lại cho hoàn cảnh éo le của bố mẹ. Và cũng cảm ơn Trời Phật đã gửi đến cho tôi một người bạn, người chị như bác Dần. Nhiều lúc tôi thảng thốt tự hỏi, đời tôi sẽ ra sao nếu thiếu người đàn bà này!
Sau này, trong một lần trò chuyện về chuyến vượt cạn, Abraham loáng thoáng kể, hồi ấy, chàng lãng tử của tôi và anh cũng đã có một cuộc chạm trán ngay cổng bệnh viện.
Họ nói những gì với nhau, anh không kể chi tiết. Nhưng anh đã nhấn mạnh cho chàng hiểu một điều: "Hãy hỏi Vân xem cô ấy yêu ai?". Nói lại với tôi câu ấy, mắt anh sáng rực lên, nhìn tôi đầy tự tin và trìu mến làm sao!
***
Khi con trai tôi được khoảng mười tháng tuổi, tôi và chồng tôi mới quyết định ra toà ly hôn, một quyết định không dễ dàng.
Một lần, đưa con đến khám vị bác sĩ nay đã trở thành chỗ thân thiết, ông khuyên tôi, nếu lúc này tôi quyết định sai lần, nó sẽ kéo theo một loạt hậu quả về sau. Nghĩa là, tôi phải chọn người bố đứa bé. Nếu tôi quyết định không liên hệ gì với người bố của cháu, vẫn sống với chồng tôi, người không phải bố cháu, sẽ cực kỳ sai lầm cho tương lai. Phải quyết định ngay, không thể sống thế này được, đau thần kinh lắm.
Nhân một lần chồng tôi đảo qua nhà, tôi mời anh vào để nói chuyện ly hôn. Anh vẫn níu kéo, nhắc lại điều kiện cũ: "Nếu em hứa sẽ không bao giờ gặp và liên lạc với người đó nữa, anh sẽ coi đứa bé như con anh. Chúng mình sẽ đi khỏi đây, càng xa càng tốt"
Bản "giao kèo" của chàng như tiếng chuông làm thức tỉnh đầu óc u mê rối bời nơi tôi. Thật may, như được Trời Phật phù hộ độ trì, tôi mở mắt bừng thoát khỏi cơn quẫn trí. Một cơn quẫn trí mang màu sắc lãng mạn: "Chúng mình yêu nhau và có với nhau một đứa con, như là một kỷ niệm chẳng thể nào quên được. Giờ anh hãy quay về với bổn phận làm chồng làm cha của anh đi, thỉnh thoảng chúng mình gặp nhau, thế cũng là đủ cho em rồi. Hãy tạm bằng lòng với số phận vậy…"
Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu quyết định sống với chồng, tôi sẽ kéo theo hàng loạt sai lầm lớn trong suốt quãng đời còn lại Trước tiên, tôi sẽ là người có tội với con tôi.
Cuộc đời tôi và con sẽ trở nên lệch lạc, méo mó. Chúng tôi sẽ suốt đời phải sống dưới sự ban ơn rộng lượng của chàng. Ai mà biết được, lúc nào đó quẫn trí lên, chàng lại không moi móc chuyện xưa, làm khổ đứa bé.
"Không, mẹ không thể nào hành động như vậy được con ơi! Con không có tội. Tội là do mẹ, mẹ phải chịu. Con có cha, con phải được gọi cha. Con sinh ra bởi tình yêu của cha mẹ, con có quyền được hưởng tình yêu của cả cha lẫn mẹ"
Như gạt bỏ được đám mây đen bao phủ bấy lâu, tôi quyết định: Phải dũng cảm lên Vân ơi. Dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật. Dũng cảm chấp nhận sự trừng phạt của lương tàm, của dư luận người đời. Vân đã yêu thì Vân phải biết chấp nhận.
Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh của mình, một bà mẹ hiếm muộn cô đơn nuôi con trong lúc không chính thức, lòng tràn ngập mâu thuẫn. Vừa xót xa thương cảm cho chồng (giá anh phũ phàng thì mọi chuyện lại dễ dàng), vừa hoang mang bối rối giằn vặt mình, lại vừa thấy tội nghiệp đứa con bé bỏng vô tội. Thêm vào đó là nỗi nhớ thương khắc khoải người đàn ông đã cho mình đứa con của đam mê. Ru rú trong căn buồng nhỏ dành cho bà đẻ, ôm con trai trong ánh sáng lờ mờ, tôi phát điên đầu lên vì bế tắc. Lắm lúc tặc lưỡi, kệ thây đời. Nghĩ mãi chẳng biết đi lối nào.
Cuối cùng, tôi ngộ ra, con đường sáng duy nhất là hành động vì quyền lợi của đứa bé vô tội. Gạt những thứ như tình yêu, tình nghĩa, danh dự, lòng sĩ diện… của đám người lớn tăm tối hão huyền chúng tôi sang một bên. Không thể vì muốn che dấu một lỗi lầm này mà phải bắt đầu một lỗi lầm khác. Cứ luẩn quẩn loanh quanh, tôi sẽ phải sống cả đời trong dối trá thì thật kinh khủng. Vâng, tôi đã sẵn sàng chấp nhận. Tôi đủ sức để chịu đựng tất cả sự trừng phạt.
Nhìn con trai bé bỏng ngây thơ ngủ ngon lành vô tội thế, tại sao tôi lại có thể đẩy bé đến một tương lai sai lầm! Tại sao bố đẻ không được gặp con? Tại sao lại bắt bé phải nhận một người dưng làm bố? Bé phải được hưởng tình yêu chính đáng của bố đẻ. Lẽ đời đơn giản thế, sao tôi cứ tự đẩy mình vào cơn khủng hoảng u mê loạn trí này!
Tuy thế, chàng nhẩt định không chịu viết đơn. Hay có lẽ, chàng cũng chẳng có khả năng viết một lá đơn cho đủ ý, gẫy gọn, đàng hoàng. Chàng buông một câu dằn dỗi: "Anh không viết, nếu em muốn h hôn thì em đi mà viết". Tôi đành cầm bút thảo lá đơn li hôn với chàng. Một lá đơn đẫm nước mắt.
Cầm bút, tôi ngẫm nghĩ, viết thế nào đây? Có hai cách: Một là, thôi thì sự việc đã vậy, chẳng cần vạch áo cho người xem lưng, sẽ viết như tất cả mọi người vẫn viết với lý do chúng tôi không hợp nhau, không yêu nhau nữa nên cùng nhau đi đến quyết định chia tay. Đó là cách đỡ bêu riếu nhau nhất. Nhưng tôi lại nghĩ viết như thế, nhỡ lúc ở toà, chàng lại cười khẩy rằng cô ta nói dối, cô ta lừa cả toà đấy, cô ta đi ngoại tình rồi về đòi bỏ tôi, chứ không phải vì hoà hợp hay không hoà hợp gì cả. Cho nên tôi chọn cách thứ hai là nói hết sự thật. Không có gì thuyết phục hơn sự chân thành. Thường thường, người ta hay đồng cảm với thân phận người phụ nữ cho dù họ có lỡ lầm. Tôi đoán vậy. Cho nên, mình phải viết một cách chân thành nhẩt. Có thế nào nói đúng như thế.
Không sợ bị đánh giá, chắc người ta sẽ thương cảm, giải quyết cho ly hôn, chứ không cố gắng hoà giải, hàn gắn. Tôi thảo lá đơn ấy trong nước mắt bởi tôi viết nó bằng tất cả sự chân thành từ trái tim.
Vào lúc thuận tiện, tôi đưa anh đọc lá đơn để ký. Chàng buột miệng: "Sao em đại thế. Nói thế nào chả được. Sao em lại đi nói thật hết thế này?"
May làm sao, chàng vẫn "ngoan ngoãn" cùng tôi ra toà án nhân dân thành phố Hà Nội. Bản chất của chàng là người tốt, hiền lành, không thủ đoạn. Có lẽ chàng cũng nghĩ ngợi, đau khổ đến đờ đẫn đi rồi. Khi biết chẳng còn đường nao lùi nữa, bị đặt vào tình huống dở khóc dở cười như thế, chàng đành phải ký vào đơn ly hôn.
Hôm chia tay, hai chúng tôi đến toà từ hai ngả khác nhau, như hai kẻ xa lạ. Lặng lẽ, chúng tôi ngồi đối diện với vị thẩm phán, nghe họ đọc lá đơn. Tôi vô cùng hồi hộp và lo lắng. Bỗng tiếng người thẩm phán cất lên:
"Anh có nhất trí với những điều chị Lê Vân trình bày trong đơn không?"
"Có đúng đứa con trình bày trong đơn là con riêng của chị Vân không?"
"Đúng".
"Như vậy khẳng định cháu bé không phải là con của anh đúng không?"
"Đúng. Nó không phải là con tôi"
Tôi ngồi như bất động, nín thở.
Chàng có thể thay đổi ý kiến vào phút chót, không đồng ý thì sao? Ngẫm lại, đời tôi may mắn toàn gặp những người tử tế. Trong trường hợp này, chàng đã rất sững sờ, chẳng kịp phản ứng trước nỗi đau bàng hoàng. Chàng không bao giờ có thể tưởng tượng nổi đến một ngày lại phải đưa nhau ra toà như thế này. Cuối cùng, vị thẩm phán tuyên bố: "Tài sản đã tự thoả thuận, con chung không có, nếu sau mười lăm ngày không ai kháng án, không cần phải lập phiên toà nữa, chúng tôi sẽ ra quyết định ly hôn".
Tôi và chàng ra khỏi toà án, mỗi người rẽ đi một lối, lặng câm.
Hai tuần sau, toà gọi chúng tôi lên đưa quyết định ly hôn. Chàng chẳng thiết nhìn thấy nó. Tôi giữ cả bốn tờ cho tôi và cho chàng. Hi vọng một lúc nào đấy chàng sẽ cần đến nó.
Và thế là tôi được tự do.
Được tự do, tôi như người trút được một cái gánh nặng trĩu, cái gánh tôi mang từ lúc có bầu cho đến lúc sinh con, cái gánh làm tôí căng thẳng thần kinh, rời rã thể xác.
Cảm giác tự do thanh thản từng chút một trở về, từng chút một trả lại cho tôi sự an bài, tĩnh tâm, tĩnh trí. Có được điều này là nhờ có con trai tôi. Chỉ có con trai tôi là hiện thực. Bận bịu với con, vui đùa với con, hạnh phúc đó bù đắp cho tôi tất cả những thứ trìu tượng, hão huyền như danh vị, sự nổi tiếng hay thậm chí là phẩm giá. Con trai ruột thịt của tôi thực sự đã làm tôi biến đổi.
***
Tôi đã khao khát biết bao có một gia đình hạnh phúc, một mái ấm đi về, nơi có người vợ chăm chỉ thảo hiền, có người chồng trách nhiệm thương yêu và những đứa con ngoan đẹp thiên thần… Tôi đã mơ về ngôi nhà ấy trong suốt tuổi thơ bơ vơ, câm nín. Tôi thầm gọi tên ngôi nhà ấy, đau đáu nghĩ về nó trong mười năm bóng tối của mối tình vụng trộm tội lỗi. Tôi cật lực làm lụng như con ong cái kiến hàng ngày chắt chiu tình yêu cho gia đình mơ ước ấy trở thành hiện thực. Và hiện thực ấy đã đến, vào một ngày đẹp trời, khi hai mẹ con đáp máy bay xuống thành Rome cổ kính xinh đẹp, nơi có người đàn ông mạnh mẽ dang rộng cánh tay đón chúng tôi vào lòng che chở.
Để đón hai mẹ con sang, anh đã cực kỳ chu đáo, sắp đặt mọi kế hoạch, mọi tình huống giúp tôi hoà nhập với cuộc sống xa quê hương. Anh tìm thuê căn hộ gần công viên cho tôi dễ dàng đẩy bé ra vườn hoa cây xanh gặp gỡ những người mẹ khác, những đứa trẻ khác. Phòng khi anh đi làm xa, tôi vẫn có thể đưa con đi chơi được chứ không đến nỗi phải chờ anh về. Nơi chúng tôi ở thật đẹp và tiện nghi. Từ nhà, tôi chỉ cần đi bộ một dãy phố là đến khu chợ đầy những rau quả tươi của những người nông dân mang đến bán. Tìm được một nơi như thế không dễ vì thông thường người ta đi siêu thị mua đồ ướp lạnh. Anh biết, ở Việt Nam, tôi rất thích mua rau quả tươi. Hàng ngày, anh đi làm sớm, sẩm tối mới về. Hai mẹ con ở nhà chơi với nhau. Đến gần giờ anh đi làm về, hai mẹ con lại đẩy nhau từ công viên về chuẩn bị đón bố. Chiều xuống, đó là lúc không khí gia đình ùa về rất rõ, rất ấm cúng, là khoảnh khắc mọi người sau một ngày làm việc lại mơ ước trở về tổ ấm của mình để sum vầy, nghỉ ngơi. Và đó cũng là cái không khí tôi ao ước thèm khát bao nhiêu năm…
Giờ đây, tôi đang có một mái ấm thân thương của mình. Chiều chiều, hai mẹ con lại ra đứng ngóng bố từ cửa sổ tầng ba. Nhìn xuống sân, chốc chốc lại thấy một chiếc xe con tiến vào len lỏi tìm chỗ đậu, rồi một người đàn ông bước ra cùng tiếng cửa xe đóng sầm mạnh mẽ. Đã có một người đàn ông trở về. Nhiều chiếc xe trở về như thế mang theo những người chồng, người cha về với mái nhà ấm cúng. Hai mẹ con chờ một lát rồi cũng nhìn thấy màu xe xanh sẫm của nhà mình trở về. Người đàn ông của nhà mình bước ra. Tiếng cửa xe của nhà mình đóng sầm. Anh bao giờ cũng về muộn. Anh bao giờ cũng ngẩng lên ngay sau đó. Anh bao giờ cũng cười thật tươi với hai mẹ con đã chờ ở ngoài hành lang vẫy bố rồi. Những cử chỉ nhỏ thôi nhưng vô cùng trìu mến mà bao nhiêu năm tôi mơ ước, thèm khát. Bây giờ tôi đã được đúng như thế, thậm chí còn hơn thế.
Thời gian sống ở Ý, tôi được chứng kiến một sự kiện đặc biệt: Ngày Nhật thực, một hiện tượng bốn mươi năm mới có một lần. Họ thông báo, vào ngày 11 tháng 8 năm 1999, đúng vào lúc 11 giờ 30 phút sáng, bầu trời sẽ trở nên tối đen như ban đêm, nhật thực sẽ kéo dài khoảng hai tiếng, mọi người sẽ được chứng kiến cảnh mặt trời bị che khuất. Thông tin này còn đi kèm với một lời đồn đại. Có một nhóm cực đoan hồi giáo nào đó tiên tri giờ đó chính là ngày tận thế! Tôi không tin nhưng cứ bị ám ảnh bởi lời đồn thổi và không tránh khỏi nỗi lo lắng hồi hộp. Tờ báo còn nói rõ: Có một tổ chức những nhà khoa học tiên tri nhóm họp tại Hà Lan về ngày tận cùng của thế giới?
Tôi bị "nhiễm" tin đồn đến nỗi cái đầu óc hay bị tiểu thuyết hoá của tôi mới tưởng tượng, nếu điều đó là sự thật, nếu trong tích tắc, mọi thứ bị xoá sổ, biến mất thì kinh khủng quá? "Có nghĩa là chúng ta có thể không bao giờ gặp lại nhau nữa hả anh? Và em sẽ mãi mãi ở lại nơi này ư?" Tôi lo lắng hỏi anh. Anh nghĩ tôi nói đùa. Anh không biết rằng, trong cái sự đùa ấy, chắc hẳn phải có hơn một phần trăm là nỗi lo lắng thật.
Khi cái ngày đặc biệt ấy đến, bầu trời đang sáng sủa bỗng tối đen, tôi bế ngay con ra hành lang xem. Một màn đêm đen kịt bao phủ toàn thành phố. Tôi ôm chặt con trai vào lòng với bản năng che chở. Tôi nghĩ đến anh. Giờ này anh đang ở mãi tận châu Phi. Nghĩ đến lá thư viết cho anh ban sáng. Tôi miêu tả cảm xúc của mình, nó bồn chồn, bồi hồi, lo lắng, cứ như là chuẩn bị cho một cuộc chia tay vĩnh viễn. Tôi bày tỏ nỗi nuối tiếc, không lẽ, vừa mới được hưởng niềm hạnh phúc lớn lao thế này, nay tôi lại phải biến mất cùng ngày tận thế, không bao giờ nhìn thấy anh nữa hay sao!…
Hết Nhật thực, anh gọi điện về nhà, mọi thứ trở lại bình thường. Nếu đọc lá thư đó, anh sẽ thẩy tôi thật là điên rồ. Điên vì đau khổ đã đành, đôi khi người ta còn điên vì hạnh phúc nữa. Anh không biết, suốt hai tuần anh đi vắng, tôi và con chiều nào cũng vẫn ôm nhau đứng ở ban công đợi. Biết rằng, chẳng có cái xe màu xanh ấy của nhà mình về đâu, nhưng cứ ngóng đợi thế thôi Như một thói quen, một niềm hạnh phúc lặng lẽ. Mà biết đâu đấy, một phép lạ sẽ đến, anh bỗng trở về…, một phép lạ dành cho những người biết chờ đợi.
Có con, sống với anh, tôi thực sự được làm người đàn bà đúng nghĩa. Hàng ngày chỉ quẩn quanh chăm lo nhà cửa, con cái, cơm nước… Hoặc ở Việt Nam hoặc bế con sang thăm anh, ở với anh nhiều nhất là ba tháng. Trong suốt nhiệm kỳ ba năm của anh ở Ý, hai mẹ con cứ đi đi về về như thế.
Rồi chúng tôi có thêm một con trai nữa. Việc nhà dường như nhiều lên gấp ba. Khoảng thời gian sống ở nước ngoài, không có người giúp việc, tôi phải luôn chân luôn tay từ sáng tới chiều tối. Trẻ con không được chạy nhảy ra ngoài chơi nhiều nên chúng thả sức nghịch ngợm phá phách trong phòng. Một cậu lên năm, một cậu lên ba, chúng chưa tự ăn được. Tôi phải cho chúng ăn. Chơi với chúng. Mãi đến mười giờ tối, khi chúng đi ngủ, tôi mới được thở phào, rồi lại tiếp tục dọn dẹp.
Tôi muốn, sáng hôm sau, khi anh thức dậy, đã thấy nhà cửa gọn gàng rồi. Sau đó, mới đến lượt mình đi tắm giặt thay đồ, ngồi xả hơi xem một chút gì đó giải trí. Đó là khoảng thời gian tự do rất ngắn cho riêng mình.
Tôi luôn ý thức thu xếp nhà cửa tươm tất gọn gàng, để khi anh đi làm về, nhìn thấy một căn phòng sạch sẽ ngăn nắp, anh sẽ hết mệt mỏi. Và cả nhà sẽ quây quần bên mâm cơm đơn giản nhưng hợp ý… Nhưng cứ vừa dọn xong chỗ này thì hai ông tướng con lại bầy ra chỗ khác. Lắm lúc cứ choáng váng cả người. Loáng cái đã sáu giờ chiều. Bỗng tiếng chuông cửa réo lên. Anh đã về rồi ư? Tôi phát hoảng thấy công vịệc nhà cửa chưa đâu vào đâu cả… tôi chẳng biết làm gì trước làm gì sau nữa. Chỉ cảm thấy đuối sức, buồn bã và mệt đứt hơi. Cứ thế này thì chết mất. Tôi ngồi thừ người, bất lực. Anh về, thấy tôi im lặng chẳng chạy ra đón, đoán chắc có chuyện gì, bèn hỏi han. Tôi bỗng oà ra nức nở. Bọn trẻ con trố mắt nhìn không hiểu sao mẹ lại khóc. Anh bật ti vi cho trẻ con xem, kéo tôi ra ghế, bảo tôi ngồi vào lòng anh và dỗ dành: "Em ngồi xuống đây anh nói cho em nghe, anh rất hiểu và chia sẻ với công việc của em ở nhà. Nếu cho anh làm một phút thôi chắc anh phát điên lên chứ đừng nói gì làm từ sáng đến tối quần quật như thế. Em đừng bao giờ nghĩ rằng, anh là người đi làm kiếm tiền nuôi vợ con nên công việc của anh mới là quan trọng. Đừng bao giờ quan niệm như vậy. Nếu bắt anh ở nhà, làm công việc của em, anh khẳng định là anh không thể làm được. Đây cũng là cách em hi sinh tất cả để chăm con, anh không bao giờ dám coi thường". Cũng may, anh là người tâm lý, hiểu ngay được sự khủng hoảng của tôi để mà chia sẻ, thông cảm. Nghe anh nói, cơn xúc động của tôi dịu di. Rõ ràng, anh có thiên chức của người bố và tôi có thiên chức của người mẹ, không ai làm hộ ai được.
Hạnh phúc chỉ đến khi người ta biết tôn trọng nhau và giúp đỡ nhau thực hiện cái thiên chức của mỗi người. Hết nhiệm kỳ làm việc ở Ý, anh nhận công tác ở nước CHDCND Triều Tiên. Ở đó, điều kiện sống khắc nghiệt, nhưng may là gần Việt Nam. anh được về thăm mấy mẹ con tôi nhiều hơn. Lần đầu tiên đón ba mẹ con đến Triều Tiên chơi, anh lo tôi có thể bị sốc nặng. Tôi bảo, không sao đâu, tôi đã trải qua cái thời kỳ bao cấp khó khăn như vậy ở Việt Nam rồi. Anh dặn tôi phải cẩn thận, có nói thì chỉ nên nói những chuyện thông thường, tốt nhất là đừng đả động gì đến chuyện chính trị. Ở đây, người nước ngoài bị quản lý rất chặt, đi đâu cũng phải xin phép, hệt như một thời ở Việt Nam, nhìn thấy người nước ngoài nào cũng bị ám ảnh họ là gián điệp. Ở Triều Tiên, tôi gặp lại bầu không khí quen thuộc như ở Việt Nam cách đây mấy chục năm. Không điện đóm, đường phố tối om. Người dân ăn mặc toàn quần áo sẫm màu, chắc là không có đủ xà phòng. Trong cái thành phố không ánh sáng ấy, dân chúng vẫn phải đi lại dò dẫm chậm chạp, thành thử trông họ như những bóng ma không trọng lượng. Nếu mình không quen, không cẩn thận, mình sẽ đâm vào họ. Còn họ thì quen rồi, họ hoà mình vào bóng tối. Hoạ hoằn mới có một luồng sáng vút qua từ một chiếc xe hơi.
Cứ cuối tuần, đồng nghiệp của anh lại bay qua Hồng Kông giải trí. Đã có một số người nước ngoài làm việc ở đó bị phát điên vì quá căng thẳng. Giống như Việt Nam ngày xưa, sự căng thẳng luôn bao trùm lên bầu không khí xã hội. Dân chúng bị biến thành những con người sống chẳng giống ai, có lẽ giống như người ngoài hành tinh. Không bao giờ đủ điện thắp sáng. Mùa đông chắc là rất khó để chống chọi với những cơn giá buốt. Người dân sống trong những căn hộ cao mười mấy tầng không thang máy, là hình bóng xa xôi còn lại của cái thời được Liên Xô bao cấp. Khó khăn, thiếu thốn và bị kìm hâm nhiều bề. Đến đây rồi ngẫm lại, ở Việt Nam bây giờ thời mở cửa, mọi thứ thay đổi đến chóng mặt, được thoáng đãng hơn nhiều. Chính người Bắc Triều Tiên đã nhắc nhở tôi biết quí giá những gì tôi đang có hôm nay.
***
Nhờ thỉnh thoảng bồng bế con ra nước ngoài sống với anh, tôi khám phá thêm nhiều điều mới mẻ của chính tâm hồn mình.
Không ít lần, tôi băn khoăn, liệu tôi có thể định cư ở nước ngoài được không khi mà thởi điểm đó đến? Nếu buộc phải theo chồng con đến sống nơi đất khách quê người, tôi sẽ bị cô đơn như thế nào? Cứ nghĩ đến cái ngày phải đi khỏi Việt Nam thì thấy hoảng sợ. Bởi tôi biết, tôi không thể nào hoà nhập được với cuộc sống ở nước ngoài. Ở đó, tôi sẽ buồn lắm. Sẽ không biết trò chuyện với ai. Con mình sẽ hoà nhập vào cuộc sống ở đó, thành những con người ở đó. Chồng mình và con mình sẽ không còn là đồng loại của mình, sẽ có một khoảng cách mà họ không thể chia sẻ hết với mình được.
Họ sẽ không hiểu tại sao mẹ lại có thể nhớ đến thẫn thờ cái heo may của mùa thu Hà Nội, vị chua của bát nước rau muống luộc dầm sấu, hay là vị cay đặc biệt của một bát bún riêu cua của bà già đầu ngõ. Sao mẹ lại khóc khi nghe một bài hát xưa, một giọng ca cũ… Chưa gì tôi đã hỏi anh, nếu sau này, em và con đi theo anh rồi, khi em chết, anh sẽ chôn em ở đâu? Nếu mang em về Việt Nam, anh và con sẽ không được năng lui tới thăm em, nếu để em lại một cái nghĩa trang xa lạ nào đấy, thì em sẽ mãi mãi cô dơn ư? Thật là lạc lõng nơi đất khách quê người cả khi sống lẫn khi chết. Đây là điều mà tôi có thể khẳng định. _
Sống với người nước ngoài có cái thiệt thòi là mình không thể rút ruột rút gan mà nói cho họ hiểu và thông cảm hết những điều vui buồn của mình. Người ta có thể mường tượng thôi chứ không bao giờ biết được mình buồn ra sao, cô đơn thế nào, tủi hận thế nào. Đấy là một thiếu hụt lớn, bù lại, mình được một điều khác. Chính vì người ta không thể tìm hiểu cặn kẽ mình được, nên không thể đào sâu vào cuộc đời mình. Như vậy, mình còn có một bức ngăn nào đó, khoảng cách tự do nào đó cho riêng mình. Mình không thể thổ lộ hết bởi có nói người ta cũng không thể hiểu được. Như vậy mình lại giữ được một điều gì đó chỉ thuộc về riêng mình thôi.
Không biết những người khác lấy chồng nước ngoài hay sống ở nước ngoài cảm thấy thế nào, nhưng tôi, còn cả vì đứng chữ Mậu, tôi biết tôi sẽ phải cô đơn. Nói cái nghĩa cô đơn ở đây nó không hoàn chỉnh không đúng, vì bên cạnh vẫn có chồng và hai con trai ruột thịt thì tại sao lại bảo là cô đơn.
Nhưng con người có bao giờ chịu dừng lại, biết đâu nó lại còn khao khát những gì nữa còn hơn cả chồng, hơn cả con.
Ví dụ như khao khát đồng loại, thèm nghe tiếng đồng loại mình chẳng hạn! Ngay từ bây giờ, tôi đã có ý thức sưu tầm những cuốn sách tiếng Việt, những băng đĩa nhạc Việt tôi thích để dùng cho mai sau. Để trong cái không gian lạc lõng ấy, tôi vẫn nghe thấy đâu đây tiếng mẹ đẻ của mình bằng cách tua đi tua lại cái bài hát ấy, băng nhạc ấy… Trong những cuốn sách mang theo, nhất định phải có hai cuốn Doctor Jivagor và Nỗi buồn chiến tranh. Đó là hai cuốn sách mà tôi có thể đọc đi đọc lại nhiều lần, lần nào cũng vẫn cảm thấy đau một nỗi đau thăm thẳm kéo dài, một nỗi đau nâng tâm hồn con người vượt thoát lên trên những nỗi buồn đau vụn vặt hàng ngày. Hình như, khi tâm hồn càng hướng nội, càng giầu có thì càng cảm nhận sự cô đơn sâu sắc hơn. Sống giữa Roma, thành phố đẹp như một bảo tàng nghệ thuật, vậy mà tôi, một người mê kiến trúc, lúc nào cũng chỉ muốn nhìn ngắm, học hỏi về kiến trúc, sao vẫn thấy thiếu vắng…
Thành thực mà nói, tôi vẫn chưa dám mở to mắt để nhìn thẳng vào cái kết cục đời mình: nhiều phần sẽ bị cô đơn nơi đất khách quê người. Những điều tôi nói đây không hề vội vàng bởi tôi đã có ý thức thừ nghiệm cảm giác của mình.
Tôi không thể hiểu hết được tại sao người nước ngoài lại xử sự như vậy, tại sao lại sống như vậy. Họ có một nền văn hoá khác, mình bị đặt vào đó, làm sao mình tránh khỏi cảm giác lạc lõng bơ vơ? Hiển nhiên, mình là một kẻ xa lạ giữa đồng loại của họ. Vô hình chung, tự mình sẽ khép mình lại, thế là rơi vào khoảng cô đơn của riêng mình. Sẽ rất khó giao tiếp với người khác khi mình đang phải sống cuộc sống khác hẳn với đồng loại của mình. Giống như một cái cây bị đào lên đem trồng vào một vùng đất khác, cây càng lâu năm, càng to bao nhiêu thì càng khó sống ở vùng đất mới bấy nhiêu… Đó là điều tôi thấu hiểu sâu sắc mà chưa dám nói ra với anh.
Xa nhau thì khao khát gặp nhau, mong bồng bế con đi đoàn tụ gia đình, không có gì vui bằng được ăn với nhau bữa cơm hàng ngày như thứ hạnh phúc gia đình giản dị nhất, nhưng chỉ được hai tuần đầu, đến tuần thứ ba, tôi hoảng hốt nhận thấy, hình như chồng không đủ và con cũng không đủ. Như đọc được tâm hồn tôi, nhiều lần, anh ướm hỏi: "Em có chắc chắn rằng em sẽ không bị hẫng hụt như Vi không?". Cô Vi hăm hở theo chồng đi Pháp cho một cuộc sống đoàn tụ gia đình. Cũng xác định thế nọ thế kia, mà rồi chỉ được một thời gian, lại như điên như rồ, cô gào lên trên điện thoại: "Đừng ai khuyên ngăn gì em hết, cả bố mẹ và các chị, em phải về đã, muốn khuyên gì thì khuyên sau, nếu cứ để em ở đây em sẽ phát điên mà chết". Anh nhìn thấy cái gương đó nên lo lắm. Ai biết trước được cái gì sẽ xảy ra?
Anh bảo, nếu xác định định cư ở Hà Lan thì phải lên một kế hoạch từ bây giờ. Phải suy nghĩ thật chín chắn, chứ không thể một sớm một chiều mà di chuyển ngần ấy con người về lại Việt Nam được. Tôi an ủi anh rằng: "Ở tuổi này, từ khi có con em thay đổi rất nhiều, làm cái gì lớn hay nhỏ, đầu tiên là em nghĩ đến lợi ích của hai con. Và em phải xác định một cách không bồng bột, em sẽ hi sinh nốt quãng ngày còn lại của đời mình cho hai con. Chắc chẳn là như vậy, bản năng người mẹ mách bảo em thế. Người mẹ nào cũng có cái bản năng ấy. Con nó còn nhỏ như thế, nó cần một chỗ dựa, cần người chở che dẫn dắt, vậy thì mình còn tiếc gì cái tuổi già của mình mà không hi sinh nốt cho hai đứa con thơ dại! Em muốn được tự nguyện dâng hiến nốt". Đương nhiên, chẳng ai đòi hỏi sự hi sinh này. Cho dù sau này, chính những đứa con tôi bảo, nó không dám đòi hỏi điều đó.

<< 11. | 11. ( C) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 627

Return to top