Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Nhân xả ngã dụng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 596 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nhân xả ngã dụng
Nghiêm Lương Thành

     Ông sếp của toà soạn đặt tách cà phê xuống trước mặt tôi:
- Uống đi cho nóng. Cái thứ này chỉ nguội một chút là mất cả thú.
           Phảng phất phong vị tình cảm. Một cử chỉ chưa từng thấy. Hình như có chuyện gì đặc biệt. Công việc cơ quan ? - Không phải. Theo như lệ thường, ông chỉ việc gọi người ông cần, giao việc, thế là xong.
Thăm dò nhân sự ? Không thể có chuyện đó bởi tôi là một gã có lối sống phóng túng, thích bông phèng và ham chơi. ấy là nhận xét của đám bạn bè, còn dăm ba đồng nghiệp, mà vừa mới gần đây thôi, chả ai bảo ai, nhất loạt "sì tốp", thôi không mặc những chiếc áo bốn túi nữa và len lén ra hiệu sách mua vội mấy cuốn giáo trình English có "tựa đề" là Streamline, ngấm ngầm tự "nâng cao trình độ", thì bảo là "có lối sống hơi tự do". Đấy là chưa kể, ma xui quỷ khiến thế nào, tôi rặt viết về những cái, tuy chưa thấy ai chê, nhưng thực khó mà lọt mắt lọt tai. "Cái gai bồ kếp non ấy, để lâu rồi không chừng còn sinh phiền". Cũng có người nghĩ như thế và chỉ muốn vặt đi cho rảnh, nhưng hiềm một nỗi nó lại ở ngành ngôn luận, một ngành đang rất được lòng đám công chúng mẫn cảm và khá bảo thủ; Bằng chứng về cái sự này là lúc nào họ cũng khư khư thích ba cái thứ mà nhiều trăm năm nay vẫn bị coi là xa xỉ: Sự công bằng và trung thực.
Nhờ vả chăng ? Có họa nước chảy ngược ! Mà tôi thì, một gã mới tập tọng vào nghề được dăm năm; tiền: không, tài cán: không, quan hệ: không, thậm chí một cuốn sổ tay có ghi dòng chữ "nhỏ và đẹp" [1] cũng không nốt. Với một tư trang (hay là "hành trang" gì đó, theo thời ngôn) như thế, thử hỏi, ở vào cái thời buổi này, liệu tôi có thể giúp được ai đây ?!. Nếu đúng như vậy thì chả hoá ra sếp của tôi là một hài hước gia có "đẳng cấp" !
Tôi chịu, không đoán được, đành ngồi nhấm nháp chay tách cà phê thơm phức mà kiên nhẫn chờ đợi (trong phòng có biển báo hiệu "No smoking" mà ! Chà, giá như các quốc gia cũng treo biển "No cigarette manufacture" ở cổng các nhà máy thuốc lá !).
- Cậu có biết một công ty trách nhiệm hữu hạn tên là Nhà Nông, chuyên sản xuất, kinh doanh vật tư  và thiết bị nông nghiệp ở Hải Phòng không ?
- Em không biết ... Lại một trường hợp có vấn đề ?
- Đấy là một công ty được nông dân cả mấy tỉnh vùng Đông Bắc biết đến như một người bạn làm ăn bền vững. Tôi cho rằng đấy là một mẫu mực, cần tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm rộng rãi.
- Vâng - Tôi kín đáo ấn ngược trở lại phế quản một tiếng thở dài.
- Khốn một nỗi, thằng cha giám đốc của cái công ty đó lại có vẻ dị ứng với báo chí. Một số báo đã cử người đến tìm hiểu để viết bài đều phải về không. Cũng phải thôi: Người ta là người làm ăn. Đây là một trường hợp rất khó tiếp cận.
- Vậy là anh muốn cử em đi ? Liệu anh có nhầm khi giao việc không ?
-  Cậu nghĩ thế là theo cái lý thường: Mới ra trường, mới vào nghề và đương nhiên là trẻ và thiếu kinh nghiệm. Không sai ! Nhưng tôi cũng có cái lý của tôi: Tuy thế, cho đến tời điểm này, tôi nhắc lại: thời điểm này (nói thế cho nó biện chứng), cậu là người có một chút cái gì đấy, nói như thế nào nhỉ ... na ná như anh chàng giám đốc kia và, có lẽ, cũng có chút tâm với nghề. Tôi nói vậy, chớ vội đắc ý mà hỏng người ! Cái lý ở đây là "đồng thanh" thì "tương ứng". Vì vậy, cậu, chứ không phải ai khác, sẽ làm việc này !
- Cảm ơn anh đã quá khen ! Nhưng em dứt khoát có một điều kiện.
- Nói đi ! - Sếp chờ đợi, vẻ khó chịu hiện rõ vì có lẽ ông đồ rằng đấy là một yêu sách có thể gây phiền nhiễu cho người quản lý.
- Riêng bài phóng sự này, em xin lấy một bút danh khác.
- Đồng ý ! - Ông thở phào nhẹ nhõm.
*
Đã ăn lương thì phải làm thôi. Chứ, thú thực, tôi thấy không mấy hứng thú khi phải làm những phóng sự kiểu này; Một việc mà giới báo chí, truyền thông đã làm cả nửa thế kỷ nay rồi: Người xấu việc xấu chỉ có vẽn một nhúm, như lá mùa Thu lắt lay hiu hắt chỉ chực rời cành; còn người tốt việc tốt và những đơn vị điển hình thì năm nào cũng hằng hà sa số như lá mùa xuân bừng bừng nhựa sống. Báo chí chẳng đã không tiếc lời ngợi ca công ty này, "lăng xê" công ty nọ (có trời mà biết được tại sao) và rồi, loanh quanh thế nào, các người hùng "táo bạo", "sáng tạo" và đầy "tâm huyết", đầy "đam mê" cùng rất nhiều điều "tâm đắc" ấy chẳng phải đã đưa các con tàu công ty của họ cập thẳng tới bến "Hoả Lò" đó sao ?
           Xuất hành lúc năm giờ sáng, bằng chiếc xe máy mang biển kiểm soát màu xanh dương, tôi phóng thẳng xuống Hải Phòng. Tiếp cận bằng cách nào đây ? Câu hỏi đó cứ lơ lửng trong đầu trên suốt chặng đường hơn trăm cây số mà tôi vẫn không có được câu trả lời. Thôi, tuỳ cơ mà ứng vậy !
           Công ty nằm trên một phố vắng, xa trung tâm thành phố bởi khu này mới chỉ được qui hoạch gần đây. Thay vì tấm biển đề tên công ty, luôn đảm bảo hai tiêu chí hoành và  tráng, bắc ngang cổng ra vào như vẫn thường thấy ở các đơn vị khác là một chiếc biển nhỏ bằng đồng, gắn trên trụ cổng. Sau khi xem giấy giới thiệu, ông bảo vệ ngó qua cửa sổ của cái "chòi" thường trực bảo tôi: "Anh gặp may rồi đấy, ông giám đốc mấy hôm rồi đi kiểm tra chất lượng phân bón bán cho nông dân, hiện đang trên đường về, chắc nửa giờ nữa có mặt tại công ty" - ông trả lại tờ giấy cho tôi và ái ngại - "Thôi, đã mất công đến đây rồi thì cứ thử xem, biết đâu lại chả gặp may hơn những ông phóng viên trước đây !".
Văn phòng công ty là một dãy nhà cấp bốn, trông không được bảnh lắm, nhưng được cái gọn ghẽ, chắc chắn. Phía sau dãy nhà văn phòng là khu thí nghiệm sinh hoá và kết thúc bằng một cái nhà kho; cả hai đều được xây cất cẩn thận, thoáng gió và sáng sủa. Một gã trai mặt mũi sáng sủa, cung cách khá đàng hoàng dẫn tôi vào một phòng có chiếc bàn dài và khá nhiều ghế. "Đây là phòng họp, cũng là nơi tiếp khách của công ty, mời anh ngồi tạm". Theo thói quen của những kẻ đến chỗ lạ, tôi bắt đầu đưa mắt quan sát: Phía cuối phòng là một chiếc bàn nhỏ, trên đặt một bộ máy vi tính màn hình rộng. Tường nhà trống trơn, không hề có một thứ bằng khen hay huân huy chương hoặc những lá cờ hình tam giác có viền tua như vẫn thường gặp ở những chỗ tương tự, ngoại trừ một dãy những khung ảnh được định vị cẩn thận. Tôi tò mò bước lại gần: Chân dung toàn bộ các thành viên của công ty. Bên dưới từng thành viên đều có ghi rất rõ họ tên, bộ phận làm việc, cấp bậc và những thành tích đã đóng góp cho công ty. Tôi lần tìm ra ảnh của ông giám đốc và tròn mắt ngạc nhiên: Chính là Nguyễn Hữu Lương, "Lương Khướt !", thằng bạn học phổ thông với tôi, một gã trai mặt đầy trứng cá, chuyên đời húi tóc móng lừa, mặc quần ống thấp ống cao, rất khoái huýt sáo miệng bản nhạc Con chim xanh của nhóm The Shadows và nổi tiếng với cái triết lý "Nhân xả ngã dụng", không hiểu do đọc hay nghe được từ đâu đó. Đặc giọng cụ non, một lần nó tâm sự với tôi: "Lao vào những cái mà ai cũng thích thì chỉ có mệt mỏi, toi công, chả bao giờ đến lượt mình. Tao thì tao cứ xài những gì người ta bỏ, một mình một khoảnh, tha hồ mà tự tại, việc gì mà cứ phải đua tranh vật vã, khác gì lấy vồ mà tự ghè vào chân !". Tôi đang cố gắng tưởng tượng bộ dạng mới của hắn trong tư cách ngài giám đốc thì chợt có tiếng nói to từ phòng bên vọng sang:
-  Chị làm lại toàn bộ hồ sơ quyết toán đi, thế này không ổn đâu ! - Giọng ồm ồm, lộ rõ vẻ không bằng lòng của một người đàn ông có vẻ như cấp trên.
- Các công ty khác, thậm chí có cả một số công ty nhà nước cũng tìm cách trốn thuế ... mà làm như thế cũng chỉ cốt tăng thêm thu nhập cho anh em thôi ... - Một giọng phụ nữ, chua đến xoắn tai, nhẫn nại phân trần - vụ này chả ai biết đâu mà lo !
-  Chết là chết ở cái lối nghĩ tối tăm, vòng vèo, được trang trí bằng cái áo khoác "vì anh em" sặc sỡ nhưng đã tả tơi theo dòng thời sự ! Chết là chết ở cái chỗ lúc nào cũng tự cho mình là sáng suốt, còn những người khác thì như cừu dê, cỏ rác cả - giọng nói càng lúc trở nên giận dữ, gay gắt - Mọi sự khốn nạn, chị có nghe rõ không, mọi sự khốn nạn đều bắt đầu từ cái chỗ cứ nghĩ rằng "không ai biết" hoặc cố gắng làm cho "không ai biết" ! Thôi, không bàn cãi, làm lại và đừng bao giờ quên là lúc nào cũng có hàng vạn cặp mắt ưu tú đang nhìn vào ta !
Chà, chẳng phải là khẩu khí của một thứ "Tân xã luận" đó sao ? - Tôi thoáng nghĩ - có thể đưa vào bài viết ... !
    -  Đúng là cái đồ thần kinh không giống ai, bị cơ quan nhà nước thải ra là phải !
Tiếng lầm bầm và có cánh của một phụ nữ mặt đỏ bầm, thoát ra theo từng bước đi bập bầm, chúi về phía trước của một đôi giày cao gót - mõm dài ngoẵng và mảnh như đuôi quả ớt khô - ngang qua cửa phòng họp. Thay vì phải nhẹ lướt vào tai cái gã "Tân xã luận" kia lại rơi huỵch vào tai tôi. Có lẽ cánh của nó có cùng kiểu cấu tạo với cánh của một giống chim vốn chung thân thực hiện việc di chuyển bằng chân ở xứ Bắc Cực tứ thời băng giá.
Cùng lúc ấy, gã trai ban nãy quay trở lại, ngồi xuống ghế, mỉm cười nhã nhặn, nói với tôi: "Công ty chúng tôi làm ăn cũng chỉ làng nhàng. Anh biết rồi đấy: hàng núi thủ tục cùng các loại ứng xử "tế nhị" phải thực hiện ... vì vậy, anh thông cảm cho !". Mở cái kẹp giấy khổ A4, gã lấy ra một cái phong bì, chìa ra phía tôi: "Cũng chẳng có gì đáng đưa vào báo chí, nhưng đã mất công vất vả từ Hà Nội xuống đây, anh cầm tạm một chút để uống nước, cũng gọi là tấm lòng của công ty ... !". Vẫn biết là cái kiểu này đâu phải mới mẻ gì, nhưng tôi vẫn thấy đau thắt nơi vòm xương sườn. Đang chưa biết phải từ chối thế nào cho người ta đừng hiểu là mình đang lên gân lên cốt thì một giọng đàn ông ồm ồm cất lên sau lưng tôi:
- Phải đấy, anh đừng ngại ... - người đó tiến vào phòng, nhìn tôi, sững lại vài giây, rồi chộp lấy hai vai tôi mà lắc - ối, thằng chó ... "Sơn còi", mày đấy à ... đã chục năm rồi chứ ít à !
- "Lương khướt !" - Cùng lúc, tôi cũng sung sướng gào lên - sao mày lại phiêu lưu xuống tận đây làm ăn ?
- Kiểu gì thì cũng trong khuôn khổ Hiến pháp thôi: Tự do cư trú, tự do hành nghề; thế mà cũng hỏi, mà lại là một nhà báo rất được cảm tình của công chúng hỏi kia chứ ! - trề môi giễu cợt, hắn hỏi tôi - Mày ăn sáng chưa ?
Rồi, không đợi tôi trả lời, hắn kéo tuột tôi ra một hiệu ăn gần đó.
- Hồi thi đại học, thấy mày đột nhiên mất tăm rồi bỏ thi, thế là làm sao ? - Tôi hỏi Lương.
- Thằng nào cũng lấy việc học đại học làm ước vọng, làm lẽ sống thì thử hỏi còn đâu chỗ cho tao, một thằng học lực chỉ vào loại trung bình ? Cứ thi cho sòng phẳng thì tao cũng đã rất ít hy vọng rồi, bởi đời này, mày thấy đấy, nhiều thằng cao thủ lắm. Đã thế lại còn cái bọn phao bè, quay cóp có bảo trợ, chạy chọt, mua bán ... nó chèn vào, làm tao hầu như tắt hẳn cái "chí bằng cấp". Bao giờ người ta nhìn nhận việc giáo dục đại học giản dị cũng như một bậc học phổ thông, tức là yêu cầu kiến thức tối thiểu của người vào bậc đại học thế nào thì thi đúng như thế, ai thi đỗ cũng được học, không khống chế số lượng, tao sẽ đi học đại học.
- Không khống chế số lượng ... Vậy lấy đâu cho đủ chỗ mà học ?
- Học tập theo năng lực là quyền của bất cứ ai. Vấn đề là ở chỗ xin đừng nghĩ đến việc hạn chế mà nên khuyến khích và tạo điều kiện. Tất nhiên, đấy là việc của những cái đầu anh tài !
- Dùng đâu cho hết cái số lượng khổng lồ cử nhân, kỹ sư ấy ?
- Tại sao lại cứ phải ôm đồm thế ? Xin thưa, thứ nhất: còn một cuộc thi nữa, một cuộc thi thực sự khách quan, đó là xin việc làm. Những người bỏ đồng vốn mồ hôi nước mắt ra kinh doanh sẽ không bao giờ à ơi trong việc tuyển người đâu ! Thứ hai: những người không xin được việc làm theo cái bằng của mình sẽ tự điều tiết sang các công việc khác. Lúc ấy, tao hỏi mày, một kỹ sư cơ khí nông nghiệp lái máy cày có tốt hơn là một nông nhân không ? Lao động là một năng lực trời ban, nhưng lao động đúng năng lực mới là vinh quang !
- Nhưng nếu không học thì lấy đâu kiến thức mà kinh doanh ? Thế, kiến thức tự nó bay vào đầu mày chắc ?!
-  Kiềm chế đi mày ! - Hắn hạ giọng, xoè đôi bàn tay, úp xuống làm điệu bộ can gián và nhìn bộ mặt bức xúc của tôi mà giễu - Sách bây giờ bán đầy rẫy, ê hề, ai cấm tao mua, đọc và ngẫm nghĩ ? Đúng là cái đồ biết một mà không biết hai nhà mày !
- Xin bái phục ! Xin bái phục ! - Tôi chuyển từ bức xúc sang cười tít, pha chút xíu ngượng nghịu - Được đại nhân ban lời mắng mỏ, kẻ tiểu sinh lấy làm vinh hạnh, vinh hạnh !
- Thế mày đến thăm tao, hay để lấy tin viết bài ? - Hắn bỗng nghiêm nét mặt.
- Nhiều năm nay mày biệt tăm, biết ở đâu mà thăm mới hỏi. Cho qua đi, mày phải giúp tao có bài nộp đúng hạn !
- Tao bảo không thì sao ?! - Mặt lạnh như kim loại đã được gia công thành tiền tệ, hắn đưa tách cà phê lên, nhấp một nhấp, thách thức .
- Thôi mà, giúp tao đi. Nghe nói, chỗ mày làm ăn khá lắm.
- Khá cái chó gì ! Hiện thời thì cũng chỉ gọi là tàm tạm. Cái được lớn nhất mà tao có thể nói với mày là nông dân tin chúng tao; Chúng tao chăm chỉ, không lừa ai cả ... và gặp may trong công việc. Với lại cuộc đời đâu phải lúc nào cũng là nụ cười ! Bây giờ, gặp may mắn, được thế. Sau này không gặp may nữa, kém đi. Có cái gì nhất thành bất biến đâu ? Nếu đưa lên báo thì chả hoá ra sẽ có lúc trở thành tiếu tượng và, vô tình, tạo việc làm cho cái đám vô công rồi nghề ư ?
- Chẳng lẽ lại không có bí quyết gì ?! - Tôi vẫn ngờ vực - Mày không muốn người khác cũng được như mày sao ?
- Cái giống "Chim bách thanh" [2] nhà mày ! - Hắn đai giọng nhại tôi - Bí quyết ... bí quyết !... Bí quyết chỉ có bốn điểm thôi. Cả thiên hạ này, ai mà không biết !
- Quả thật là kẻ "tiểu sinh" này chưa biết, xin được nghe.
- Một: có Tâm. Hai: Lao động chăm chỉ. Ba: Công nghệ tốt. Bốn: May mắn. Có được hai trong bốn cái ấy thì cũng có cơ đứng vững rồi. Vậy thì ông còn định sáng tạo thêm cái gì nữa đây, hở ông nhà báo đáng kính ? Mà ai khiến ông định biến tôi thành "điển hình", bạn bè mà thế à ?! - Hắn ngừng lại, kiềm chế và chừng như đợi cho hạ hoả, rồi nhoẻn miệng cười - Thôi, chẳng mấy khi mày xuống với tao, để tao gọi mấy thằng bạn, cùng đi Đồ sơn, xả hơi một chút cho nó sướng.
- Tao không đi ! - Tôi lợi dụng ngay tình thế, làm cao để rồi chờ dịp thuận lợi sẽ "bẽn lẽn" mà đưa ra yêu sách.
- Sao không đi ? Mà mày là đứa ham chơi lắm kia mà !
- Có đi thì cũng mất cả "ngon", rồi lại làm hỏng cuộc chơi chung - Tôi vờ bồn chồn, lo lắng.
- Thôi được, thằng "chó còi", rồi tao sẽ đáp ứng, chỉ sợ mày không dám viết thôi !
Được lời như cởi tấm lòng, tôi theo đám bạn của "Lương khướt" nhằm hướng Đồ Sơn thẳng tiến. Chiếc xe mười hai chỗ chạy dọc theo con đường ven biển lộng gió, giữa một bên là biển cả chói loá ánh bạc, một bên là cây núi xanh tươi, đưa chúng tôi đến một biệt thự một tầng có bao lơn chìa ra biển, bên rẻo rừng thông đang reo vi vu trong nắng gió. Sau khi thoả thuận giá thuê, tôi không khỏi ngạc nhiên: "sao không tìm chỗ khác cho rẻ ?". "Vì những chỗ như thế này là cao tiền nên rất ít người lui tới - Lương khướt giảng giải - Mày quên phương châm của tao rồi sao: "Người bỏ" thì "ta dùng". ấy là mua lấy cái vắng vẻ tự tại mà chơi cho nó hồn nhiên, thoả thích. Thôi đi mày, đừng có cấn cá; nếu không, tao hỏi, trần lưng ra lao động để làm gì ?".
Hôm đó, lần đầu tiên trong đời, tôi được một chầu vui chơi thoả thích và thực sự ấn tượng. Lương gọi loại rượu ngon và vài ba thứ thức nhắm. Cả bọn uống rượu, nói chuyện và đàm luận vui vẻ. Tôi, thật bất ngờ, được mở rộng tầm mắt bởi những kiến giải mới mẻ, khúc chiết và giản dị từ mấy nhà buôn, nhà sản xuất này, loại người mà trước đây, tôi vẫn cho rằng trong đầu họ chỉ có rặt những con số và những thuật tính tài chính khô khốc. Khi rượu đã đến độ, và đề tài đã lạc sang địa hạt thế thái nhân tình từ lúc nào không rõ, Lương Khướt, mặt mày rầu rĩ, lấy tay trỏ lên đỉnh núi: "Các ông có trông thấy cây thông đương sừng sững giữa trời kia không ?". Tất cả cùng nhìn theo hướng tay của hắn. "Cụ Nguyễn Công Trứ đấy ! - một người cất tiếng trả lời". "Đang reo với gió đấy ! - người khác hóm hỉnh nhận xét". "Đang đọc thơ đấy !". "Thơ gì ?". Tức thì một giọng cất lên:
"Đ ... mẹ nhân tình đã biết rồi 
Lạt như nước ốc bạc như vôi
Tiền tài hai chữ son khuyên ngược
Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi ..." [3]
           "Cảm ơn các ông đã gợi cho tôi một cái tứ ... tôi đọc nhé" - Lương nói, rồi đưa chén, nhấp một nhấp, khà một cái rõ dài, trầm ngâm ... rồi hướng về phía cây thông cương cường đó, giọng quánh hương rượu, cảm khái:
Cái nết nhân tình vẫn thế thôi !
Trải bao dâu bể mấy sụt trồi
Thương ngài Khổng tử làm ra Đạo
Khéo lúc vãn trò lấy đọc chơi.
Phong nguyệt, cầm thi, tang bồng chí
Thiên sơn, thiên ý lọ hổ ngươi.
Lên non ? Cũng muốn lên theo cụ
Ngại nỗi thiên phong lúc đầy vơi !
Khúc ngẫu hứng đã chốt. Tất cả ngồi im, nhìn lên cây thông già, nét mặt đầy suy tư. "Xin lỗi các ông - lúc sau, một người quay sang Lương, hỏi - Thiên sơn và Thiên phong ở đây phải chăng là hai quẻ Độn và Cấu trong Dịch ?". "Phải !". "Vậy là ông muốn an ủi cụ Nguyễn ? - một người khác nhận xét - Kể, thì cũng hơi hỗn, nhưng ... chắc cụ cũng đang cười xoà  ... ". "Mà chừng nào còn cái khoản Thiên phong lúc đầy lúc vơi ấy - người thứ ba, mắt hấp háy, tiếp lời - thì liệu có hậu sinh nào đủ dũng khí để theo cụ đây ?!". Những câu bình làm tất cả cùng cười vang. Thừa lúc không khí vui vẻ trở lại, Lương Khướt hồn nhiên cất giọng: " ... Nhìn mấy cánh hoa trắng rơi, ngập ngừng nghe trái tim bồi hồi ..." và tất cả cùng hoạ theo: " ... Này cành thuỳ dương mến yêu, biết chăng vì cớ sao buồn ...". Nhìn mấy chàng doanh nhân say sưa, hồn nhiên hoà giọng, bất giác tôi nhớ tới những khuôn mặt no đủ, uể oải cùng những cái ngáp phản phúc cứ thập thò nơi miệng mấy vị  được mời tới nghe nhạc ở Nhà hát thành phố.
Sớm hôm sau, đúng bảy giờ, tôi đến công ty. Lương đã có mặt ở văn phòng từ lúc nào không biết. Kéo ghế cho tôi ngồi, gã chủ động nói:
- Nào, tóm lại, bây giờ mày muốn biết về cái gì ?
- Tất cả những gì khiến công ty Nhà Nông được như ngày nay.
- Thì tao chả nói rồi là gì: có bốn yếu tố. Tất cả những ai hội đủ bốn yếu tố đó đều thành công. Công ty của tao mới chỉ được yếu tố cuối cùng. Các cái còn lại, còn phải vật lộn chán.
-  Nói như mày thì ai cũng nói được và tao ngồi nhà cũng có thể viết được ! Cái tao muốn biết là cái bí quyết riêng của mày !
- Sao mày nghĩ đơn giản thế ? Thời buổi kinh tế toàn cầu ... những cái đó là có, nhưng nói chung, có khi bỏ tiền ra cũng không chắc đã mua được. Chớ có phí công mà khăng khăng rằng trí tuệ là tài sản chung của con người ! Chớ có nổi đoá, tao nói, cái kiểu viết phóng sự của mày, chẳng qua là một thứ sáo mòn, ngồi tại nhà cũng phịa ra được. Thực tế, "mỗi cây mỗi hoa", có ai dạy được ai. Mà bí quyết để kiếm sống, từ thượng cổ đến giờ, nếu không có nguyên nhân đặc biệt, ai người ta nói ra ?!
- Vậy là mày giữ lấy một mình. Cao cả nhỉ ! - Tôi cố tình kích động.
- ấy là nói chung như thế. Tao chả có bí quyết mẹ gì cả. Có chăng, đó là cái câu phương ngôn tao nghe được từ hồi còn đi học. Mà nói thực: Có nói ra, mày cũng chẳng dám viết; mà có viết, rồi chẳng bõ người ta lại cười vào mũi cho ! - Lương cũng bắt đầu nóng mặt.
- Sao thế, một việc có ích sao tao lại không dám ?!
- Thôi được, nghe đây, mày biết rồi đấy: "Nhân xả, ngã dụng" !
- Cụ thể luôn đi. Trong việc làm ăn, câu phương ngôn đó được vận dụng thế nào ?
- Rất đơn giản, trong hai khâu cốt tử: Nhân sự và Nguyên liệu đầu vào.
- Tốt, bắt đầu từ "nguyên liệu".
- Rác thải !
- Là thứ ai cũng bịt mũi tránh xa. Để làm gì ?
- Phân loại theo chất liệu, bán cho các cơ sở sản xuất làm vật liệu tái sinh. Phần lớn còn lại: làm phân vi sinh, bán cho nông dân bón ruộng.
- Tuyệt ! Còn vấn đề nhân sự ?
- Đây là cái chìa khoá. Tốt đẹp hay xấu xa, thành công hay thất bại, đều là do con người tạo ra. Quanh năm tiếp xúc với rác rưởi, tao ngộ ra một điều: Trong cái đám "hạ cám", hỗn tạp và bốc mùi ấy, có lẫn cả "vàng ròng". Vì lẽ đó, tao rất quan tâm đến cái bãi rác nhân sự.
- Tiếp tục !
- Thế thôi ...
- Hôm qua, khi vào đây, tao cảm thấy có cái gì đấy, khang khác với những chỗ tao từng đến, nhưng không biết là cái gì. Mãi đến lúc ngồi uống rượu, tao mới nghĩ ra, đó là: Mọi nhân viên của mày đều rất đường hoàng, ngay cả khi tiếp xúc với "ngài giám đốc". Tại sao vậy ?
- à ... - Gã nhìn tôi, cười khoái trá - Hệ quả của câu phương ngôn ấy đấy: "Ngã" đây lại "xả" ra những cái mà "nhân" ... vốn ưa "dụng" ! ... Cái đám "Yes-man" [4] ấy mà, buồn nôn bỏ mẹ !
- Liệu cái đám rác mà mày xả ra, có lẫn vàng ròng không ?
- Tao không chắc lắm ... nhưng có một điều: Khi người làm công có khả năng sinh lợi chính đáng và vẫn muốn làm việc cho công ty và không có vấn đề gì về đạo đức thì, về mặt cá nhân, dù không ưa gì nhau, cũng chả có ông chủ nào lại dại dột tìm cách làm cho người đó phải ra đi. Mà nếu chẳng may người ta chán mình mà muốn ra đi thì cũng phải cố tìm cách mà níu lại ! Tiền bạc, đối với những ông chủ lương thiện, chính là mồ hôi nước mắt, đâu có phép cứ hành động theo ý thích, theo cái lòng yêu ghét của mình được !
- Và ông chủ cứ thế mà ngồi thu lợi từ cái đám người lao động ấy ?!
- "Tiên sinh" thứ lỗi ! - Gã nhìn tôi như nhìn một cậu học trò cấp hai, lắc đầu thương hại - Thu nhập của người chủ dứt khoát phải cao hơn nhiều so với những người làm công ! Tại sao ? Đối với họ, thu nhập đó được đưa lại bởi hai loại lao động. Một là: lao động quá khứ; Được thể hiện bằng đồng vốn đưa vào sản xuất. Hai là: lao động hiện tại. Đây là loại lao động phức tạp, được thể hiện bằng các quyết định định hướng kinh doanh chiến lược và chiến thuật, bằng hoạt động tổ chức và điều hành sản xuất. Thu lợi ư ? Giàu có ư ? Tao lấy ví dụ: Một doanh nhân có trong tay dăm chục tỷ. Thử tính xem, nếu có hoang tàng lắm thì cũng chỉ chi phí cho việc ăn ở, đi lại và các tiện dụng khác cho mình đến dăm tỷ. Phần còn lại, tuy là sở hữu tư nhân, nhưng thực ra nó đã mang tính xã hội rồi. Sao vậy ? Bởi nó vẫn được ném vào việc kinh doanh và phát triển công nghệ. Nếu có một lượng vốn nào rỗi, gửi ngân hàng, thì đến lượt ngân hàng lại cho các nhà sản xuất khác vay để phát triển sản xuất ... Tất cả những cái đó góp phần thúc đẩy sản xuất xã hội đi lên và kết quả là hàng hoá ngày càng phong phú, tiện ích, ngày càng tốt, càng rẻ. Cuối cùng, ai là người được hưởng cái kết quả đó ? ... Vì thế, nếu có ai đó lấy làm bức xúc khi thấy người ta ăn trắng mặc trơn, lên xe xuống ngựa thì xin hãy nghĩ lại: Họ cũng vất vả lắm, cũng hao tâm, cũng tổn thọ lắm !
- "Ný nuận" kể cũng tinh vi đấy ! Thế còn cái máy vi tính mày cho đặt ở góc phòng họp ?
- Để công khai hoá nội bộ tất cả các thông tin cơ bản của công ty, tạo điều kiện cho người lao động thực hiện quyền thành viên của mình.
- Xin cứ nói tiếp ! - Tôi nói, pha chút đùa vui cho đỡ căng thẳng.
- Hết ! - Gã nhìn tôi, gật gù khiêu khích và không mấy tin tưởng - Bây giờ tao phải đi làm mấy việc. Còn mày, về mà viết đi. Nếu không viết được thì ... tao cũng không trách đâu ! Lúc nào thực sự có hứng, lại xuống chơi với tao. Chơi mà không có bạn, nhạt lắm !
*
Tôi trở về, hăm hở bắt tay vào viết.
Ông giám đốc tươi cười đón lấy bản thảo tôi đưa và bắt đầu đọc. Tôi ngồi ở bộ sa lông vẫn dùng để tiếp khách, chờ ông đọc xong, góp ý sửa chữa và yên trí sẽ nhận được một lời khen. Nhưng kìa ... mặt ông đã chuyển sang sắc đỏ từ lúc nào  ... rồi lại chuyển từ từ sang tái nhợt. Rồi ông đứng phắt dậy, vò túm mấy tờ bản thảo tội nghiệp lại, hầm hầm ném phụp vào sọt giấy loại và quay sang tôi, gay gắt: " Thần kinh à !". Tôi chột dạ. "Lỗi nghiêm trọng đây ! Nhưng là cái gì chứ ?" - Thật nhanh, tôi cố nghĩ, cố nghĩ ... nhưng không nghĩ ra.
- Cậu có biết cụ nhạc của tể tướng Lưu gù dạy con rể thế nào không ?
- Dạ, không. Em xin được nghe.
Em ... xin ... được ... nghe ... ! - cái vĩ thanh của câu nói dường như vẫn bay liệng đâu đây, nghe vừa đểu đểu vừa sởn cả gai ốc. Ông bước ra khỏi bàn, hai tay chắp sau lưng, đi đi lại lại trước mặt tôi. Sau một hồi lưỡng lự, cân nhắc, ông dừng lại, nét mặt đầy độ lượng, cảm thông và (rất) hạ giọng:
- "Biết, thì bảo là không biết ! ... Còn không biết, thì cũng bảo là không biết !"
Tuy không hiểu lắm, nhưng tôi biết cụ là bậc tín giả, hóm hỉnh, cực kỳ sành rượu, và câu nói đó, cụ nói vào những năm cuối của một đời người.
 
Tháng 10 năm 2004

Chú thích:

[1] Những người thích đùa của Azit Nêxin
[2]  Mượn chữ của Hoàng Phủ Ngọc Tường

[3]  Nguyễn Công Trứ

[4]  Loại người chỉ biết và thích vâng dạ.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 671

Return to top