Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Mẹ Còn Trở Lại Để Hát

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 372 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mẹ Còn Trở Lại Để Hát
Trịnh Thanh Văn

Trịnh Thanh Văn - bút danh Trang Viên, Cốc Lam, là người huyện Đài Bắc, tỉnh Đài Loan, sinh ngày 16.9.1932. Đã xuất bản tiểu thuyết các loại và tản văn gồm 30 cuốn, từng đoạt giải thưởng văn học lần thứ tư, giải văn nghệ Ngô Tam Liên, giải văn học của Thời báo ở Đài Loan. Văn của ông hàm súc, giản dị, thuần phác tự nhiên, mang phong cách độc đáo. Truyện "Mẹ còn trở lại để hát" được Tạp chí Văn học Đài Loan và Hồng Kông (Tờ tạp chí hàng đầu của tỉnh Phúc Kiến), Tạp chí ưu tú (Khu Hoa Đông, Trung Quốc) chọn đăng lại.

Mẹ chồng Thái Phượng hai tháng trước tới Đài Bắc để trông nom cháu nội là Viên Viên. Sau một tuần, thấy Viên Viên đã hết sốt, bệnh khỏi rồi, bà chỉ muốn trở về quê. Trước đây, bà lên Đài Bắc chỉ ngủ lại hai đêm là nhiều nhất. Thái Phượng đã nghĩ đủ mọi cách để giữ mẹ chồng ở lại. Cô đưa bà đi coi hát nhưng bà không thích; đưa bà đi xem cửa hàng bách hoá, bà kêu hàng ở đấy bán đắt; đưa bà đi nhà hàng, bà chỉ ăn rất ít. Bà chỉ thích mỗi một việc là đưa Viên Viên đi chơi. Thái Phượng đang lúng túng, chưa biết làm thế nào thì một đồng nghiệp ở trường báo cho cô biết, anh có người bạn đệm đàn cho một dàn hợp xướng, ở đó cũng có một đội hợp xướng của người già, đội viên đều năm, sáu chục tuổi, cô có thể đưa mẹ chồng đến xem thử. Nghe lời khuyên, Thái Phượng đưa mẹ chồng đến xem, quả nhiên vừa nhìn thấy, bà cụ đã thích mê. Bà cụ nói, ở Đài Bắc ngoài đoàn hợp xướng ra, chẳng có một thứ gì hơn được quê bà.
Trước kia, Thái Phượng theo Chính Hoằng về quê, cô có nghe mấy cụ bề trên nói, mẹ chồng cô trước đây thích hát lắm và hát cũng rất hay. Cô từng hỏi bà về chuyện này nhưng bà không thừa nhận. Chính lúc đó, Thái Phượng cũng thoáng trông thấy nét u buồn trên mặt bà. Lần này, mẹ chồng cô lên Đài Bắc, cô không nghĩ tới chuyện có đoàn hợp xướng, lại càng không ngờ mẹ chồng đâm mê. Khó khăn lớn nhất đối với bà là lời hát, còn nhịp điệu thì không thành vấn đề, đủ thấy hồi trẻ bà thực sự đã có kỹ thuật hát vững vàng.
Thỉnh thoảng bà còn ngồi trước đàn dương cầm, gõ phím bằng một ngón tay để ghi nhớ âm điệu cho chuẩn. Thái Phượng thực sự không ngờ mẹ chồng lại thích âm nhạc đến thế, càng không hiểu trước kia khi cô hỏi bà về chuyện này, vì sao bà còn chối.
Từ khi mẹ chồng tham gia đội hợp xướng, Thái Phượng thường bắt gặp bà ậm ừ hát một mình lúc đang xào rau trong bếp, hoặc đang quét nhà, thậm chí có lúc còn đang tắm nữa. Lúc đầu bà hát rất khẽ và có vẻ e dè, nhưng về sau, càng hát càng vang. Tuy bà đã già rồi thế mà giọng vẫn còn trong trẻo, hơi còn ngân dài phải biết. Một lần Thái Phượng tỉnh giấc giữa đêm khuya, cô thấy đèn trong phòng mẹ chồng vẫn sáng. Cô tưởng bà ngủ quên không tắt đèn nhưng khi mở cửa, cô thấy bà đang cặm cụi chép lời bài hát. Về việc này, Chính Hoằng cũng lấy làm lạ và bất ngờ.
- Chúng mình mãi không nghĩ được cách nào giữ mẹ ở lại, lần này dù có nhắc mẹ về, chưa chắc mẹ đã chịu về!
- Anh Cả dưới quê đã lên nhắc mẹ mấy lần rồi đấy....
***
- Cháu Viên Viên của bà hát hay quá! Bây giờ đến lượt hát bài của bà nhé!
- Vâng ạ.
- Bà hát bài gì nào?
- Hoa đêm mưa, bà chỉ thích nhất bài Hoa đêm mưa thôi mẹ ạ.
Thái Phượng dạo mấy nốt đầu. Bà đứng bên đàn dương cầm, hai chân chụm thẳng như mọi lần, một tay để lên đàn, bàn tay dường như run run. Bà hít một hơi thật dài như căng thẳng lắm. Hiện tượng này trước đây chưa thấy bao giờ.
- Mưa...
Mới hát có một chữ mà âm điệu đã biến đổi, giọng bà trở nên nghẹn ngào. Thái Phượng ngước mắt nhìn, thấy bà cúi đầu xuống, mắt hoe đỏ. Bà lấy kính xuống, dùng mu bàn tay quệt mắt.
- Mẹ làm sao thế?
- Mẹ, mẹ muốn về quê.
- Bà ơi, bà đừng về! Viên Viên cũng chạy ngay tới, nắm tay bà lắc lắc.
- Viên Viên, bà phải về cháu ạ.
Thái Phượng ngạc nhiên trước quyết định thay đổi của bà. Bà đang mê đội hợp xướng đến thế kia mà... Nghĩ vậy, cô vẫn ướm lời:
- Mẹ ơi, mẹ không về không được thật sao?
- Ừ.
- Thế thì mẹ đợi Chính Hoằng về đã!
- Đợi chồng con về, e muộn mất.
- Chính Hoằng dặn con sáng mai mua đồ về làm giỗ bố ở nhà mà!
- Mẹ phải về một chuyến con ạ.
- Thế thì con đưa mẹ ra ga.
Thái Phượng dẫn Viên Viên đưa mẹ chồng ra ga. Trong khi chờ tàu, cô mời bà ăn chút đồ lót dạ. Bà kể cho cô nghe, hồi trẻ bà thích hát lắm. Cha Chính Hoằng cũng vậy, hai người vừa hợp một đôi, nhưng ông nội, bà nội Chính Hoằng đều là nông dân, hơn nữa vẫn giữ lề thói cổ, không tán thành con gái hát hò. Một lần, có một đoàn hát về thị trấn, cha Chính Hoằng đưa bà đi xem rồi cả hai người cùng lên sân khấu hát. Ông bà nội Chính Hoằng biết được chuyện thì giận lắm, nói con gái mà lên sân khấu hát thì còn ra thể thống gì nữa! Lại nói, chỉ có ăn mày, con hát, gái giang hồ và đào hát mới lộ đầu lộ mặt như vậy. Hai cụ cấm bà không được lên sân khấu hát, nếu không sẽ đuổi về nhà cha mẹ đẻ. Bà rất sợ hãi, từ đó ngay ở nhà cũng không dám hát nữa, nhưng những bài hát ấy vẫn luôn muốn trào ra khỏi cổ họng bà.
Một hôm, bà không nhịn nổi nữa, liền hát thật khẽ ở trong buồng mình. Lúc ấy là lúc sắp đi ngủ, bà vừa dợm giọng đã giật mình bưng vội lấy miệng. Nhưng cha Chính Hoằng đã nghe thấy, ông muốn vợ hát tiếp nhưng bà không dám. Sau ông nghĩ ra được một cách là trùm chăn bông lên bà và ông cũng chui vào chăn. Bà khe khẽ hát. Tuy không được tận tình cất cao giọng mà hát nhưng bà đã rất lấy làm thoả mãn, bởi vì có một người hát là bà và cũng chỉ có một người nghe là ông. Thỉnh thoảng ông cùng hát theo bà, có lúc hát song ca, có lúc hát đối đáp, họ coi được hát là một niềm vui lớn nhất trong cuộc sống thường ngày, suốt ngày họ chờ đợi thời khắc này mau đến. Chiều tối là họ mau mau làm cho xong công việc, khi nào thấy bà còn chưa xong, ông lại giúp bà, sau đó cả hai vào trong phòng cài cửa lại, chui vào chăn mà hát.
Ông bà nội Chính Hoằng tuy cũng cảm thấy lạ và có thể cũng biết nhưng họ không căn vặn hỏi han. Thế là hai vợ chồng chui vào chăn, hát mãi không thôi. Vào mùa đông, trong chăn thật ấm, nhưng hễ đến mùa hè thì thường là họ hát đến nỗi mồ hôi đầy mình, đầy mặt. Họ lau khô mồ hôi xong lại tiếp tục hát, hát cho đến khi cha Chính Hoằng ốm rồi mất. Sau khi cha Chính Hoằng từ trần, có lúc bà cũng chui vào chăn hát nhưng bây giờ không còn ai nghe, ai hát cùng với bà nữa. Tất nhiên có lúc bà như thấy ông vẫn ở bên bà, bà liền hát thêm vài bài; song có lúc bà biết ông đã rời khỏi bà rất xa rồi. Có khi bà hát rất trang nghiêm, có khi tiếng nức nở thay thế tiếng hát. Ngày lại ngày, hình bóng ông mờ dần, tiếng hát của bà càng ngày càng nhỏ rồi đến một hôm, cả bà cũng không nghe thấy tiếng hát của mình nữa. Dần dần, bà quên cả lời hát, quên cả điệu hát. Khi ông bà nội Chính Hoằng cũng quy tiên, hoàn cảnh đã thay đổi, không còn ai can thiệp đến chuyện hát của phụ nữ nữa thì bà đã không còn hát nữa rồi. Thái Phượng lẳng lặng nghe mẹ chồng kể chuyện của bà, hai mắt cô cũng hoe đỏ, nhưng cô vẫn đăm đăm nhìn bà. Mặt bà lúc này đỏ lựng, Thái Phượng cảm thấy mẹ chồng cô lúc này trẻ lại đến hàng chục tuổi. Nhưng hễ ánh mắt cô chạm phải ánh mắt bà là bà lập tức cúi xuống, mặt càng đỏ hơn nữa.
Thái Phượng rất cảm động. Cô thầm nghĩ trong lòng, những chuyện như thế này thì cả đến mẹ đẻ của bà, chưa chắc bà đã kể cho nghe. Cô đưa tay kéo tay bà lại bên mình.
Viên Viên cũng mở to mắt nhìn bà nội và im lặng lắng nghe. Lẽ nào cô bé con cũng hiểu được điều gì đó?
- Bà ơi, bà về thật hả bà? - Viên Viên cất tiếng hỏi.
- Ừ, nhưng bà còn trở lại mà!
- Mẹ ơi, mẹ muốn về để hát cho bố con nghe ư?
- Ừ.
- Cũng vẫn hát trong chăn chứ?
Thái Phượng lấy hết can đảm mới mở miệng hỏi một câu như thế. Thoạt tiên, cô cảm thấy hơi quá lời, mặt cũng đỏ lên. Sau rồi cô cảm thấy mẹ chồng đã thổ lộ những điều bí mật với cô, việc gì cô còn phải giữ kẽ nữa.
- Ừ, bây giờ mẹ tuy có thể tự do hát rồi nhưng mẹ vẫn muốn chui trong chăn để hát. Tối hôm qua ngủ với Viên Viên, hai bà cháu cùng học hát. Sau cháu mỏi, bảo mẹ hát cho nó nghe. Mẹ vừa hát cho cháu nghe, mặt khác cũng muốn hát cho ông nội nó nghe. Mấy hôm nay, có lẽ vì gần đến ngày giỗ bố, mẹ nghĩ nhiều đến bố lắm. Sau mẹ thấy Viên Viên đã ngủ, liền chuyển sang hát những bài cũ. Một số bài đã quên cả lời, mẹ chỉ ậm ừ hát theo điệu, rồi một số bài cũng quên cả điệu. Mẹ hát rất lâu nhưng vẫn cảm thấy bố không về với mẹ vì mẹ đã quên quá nhiều bài, hát không trọn bài, và giọng mẹ cũng kém trước nhiều. Có thể mẹ chưa quen với căn phòng ở đây, vì thế mẹ muốn về quê. Mẹ sẽ nằm trên cái giường có tám chân theo kiểu cũ, chui vào trong chăn bông mà trước kia mẹ và bố đắp cùng và hát cho ông ấy nghe. Mẹ nghĩ, có như thế thì bố mới nghe thấy.
Bà nói, mắt càng hoe đỏ, nước mắt rỏ xuống. Thái Phượng vội vàng đưa khăn tay cho bà.
- Bà ơi, bà sẽ trở lại đây thật chứ? - Mắt Viên Viên cũng đỏ hoe, lẽ nào con bé cũng hiểu?
- Ừ.
- Mẹ, mẹ sẽ trở lại đây thật chứ? - Thái Phượng cũng cảm thấy nghèn nghẹn trong cổ, cô gắng gượng lặp lại câu hỏi của con gái.
- Mẹ không nói dối con và cháu đâu. Mẹ sẽ còn trở lại để hát. Mẹ sẽ học hát bài mới và ôn lại bài hát ngày xưa để hát cho thật thuộc. Lần này về quê, may ra có thể còn tìm được những bài hát ngày xưa đấy!


Hết



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 328

Return to top