Thế là cuối cùng, đám tang ông Hoàng Minh Chính đã diễn ra êm xuôi và có phần lặng lẽ. Trước thời điểm này, tôi giở sách cũ đọc lại những câu chuyện về đám tang Phan Châu Trinh [1] , đồng thời không ngừng nghe ngóng thông tin thời sự kia trên thế giới blog để có những đánh giá riêng về cái gọi là phong trào dân chủ Việt Nam.
Quả thật sẽ rất đáng buồn cho những người tự xưng là lực lượng dân chủ Việt Nam hiện nay, nếu họ đọc những dòng trích dẫn sau đây trong sách:
“… đám tang của Phan ở Sài Gòn có tới 14 vạn người đi đưa và lễ truy điệu của nhà chí sĩ được cử hành suốt từ Nam chí Bắc.”
“Phan Châu Trinh thực sự là một nhà Nho yêu nước thành thật… Nhân dân không thể xét lầm, cả một tập thể khi được quyền nhận định thì không thể sai! Nhân dân suốt từ Nam đến Bắc đã đánh giá sự nghiệp của nhà chí sĩ suốt đời hy sinh vì nước, và do đám tang lớn này đã gây nên phong trào đấu tranh, như vậy chỗ đứng trong lịch sử của Phan Châu trinh đã được đặt rồi.”
“Đối với chính quyền thực dân, những ai đã dự đám tang Phan chí sĩ là kẻ ấy đã có một nhãn hiệu chống đối, một cử chỉ chính trị đáng để ý, mà thực dân đã coi như một kẻ có tội rồi.”
Vâng, đám tang ông Hoàng Minh Chính đã lặng lẽ một cách không thể lặng lẽ hơn. Người ta có thể biện bạch này nọ, chính quyền ngăn cản chẳng hạn. Nhưng bình tâm mà xét, đám tang ấy cùng vận động của các nhóm dân chủ đồng sàng dị mộng từng vây quanh ông Chính, chẳng gây ra một sự chú ý đáng nói nào đó trong nhân dân. Phải chăng phương pháp dân chủ ấy đã sai lầm một cách cơ bản từ những người như ông Chính, Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam, đến các “anh em dân chủ” tự phát và đầy dẫy bất mãn trên blog.
Xin dẫn hai ý kiến không đồng tình với ông Chính trên mạng mà tôi quan tâm:
1. Giáo sư Ngô Thanh Nhàn, Đại học New York [2] : “Ông không có lý luận, chỉ có kết luận, ông thiếu trung thực... trên cả những điều lẽ ra ông là người có chuyên môn, biết nhiều: chính trị Mác - Lênin mà ông đã học và những năm chiến tranh tàn khốc nhất ở Việt Nam mà ông đã sống qua.”
Đặc điểm này không phải của riêng ông Chính. Cũng chính vì không có lý luận, chỉ có kết luận cho nên “các anh em dân chủ” học rất thuộc bài “chửi”. Công thức 1: Cái gì xấu và ngu đều qui về chính quyền cộng sản. Công thức 2: Chính quyền cộng sản tất phải xấu và ngu.
Trích blog của một cựu sĩ quan công an, hiện đang “hoạt động cùng anh em dân chủ” [3] : “Quý vị nếu ngu quá thì nên đi học lại, há chẳng biết tôi có thể ủy quyền cho văn phòng luật sư lo mọi việc, kể cả việc tham gia phiên tòa khi xét xử mà không cần sự có mặt của tôi hay sao?... Nhắc cho quý vị nhớ, tôi về Bạc Liêu, nếu có lấy xe đụng tôi thì lấy xe 4 bánh mà đụng, đừng lấy xe 2 bánh đụng chưa chắc thằng nào hơn thằng nào à. Coi chừng quý vị mang đầu máu về nhà mà không được bồi thường xu nào đó.”
Trích blog của một doanh nhân kiêm luật gia (tự xưng) [4] : “khốn nạn thay ở đất nước Việt Nam sự giả dối đang thống trị dân tộc, đang thống trị đất nước, đấy là một bi kịch đau khổ nhất của dân tộc.”
Trích blog của một đạo diễn có tâm trong nghề và rất năng nổ dân chủ [5] : “Nhà nước buông tay khỏi cái gì là cái đó khá lên thôi”. Đó là câu nói của một trong những người bạn tôi, dịch giả PVP, trong một lần ngồi quanh bàn nhậu và như thường lệ, câu chuyện muôn thuở giữa tất cả bạn bè tôi bao giờ cũng xoay quanh thực trạng chính trị-xã hội-văn hóa văn nghệ ở Việt Nam”. Loại “lý luận bàn nhậu” đó rất có lý và thực tế, chỉ với những bộ óc chuếnh choáng men bia rượu mà thôi.
Trích blog của một “mầm non dân chủ” [6] : Đã có nhiều bạn thanh niên là thành viên Tập hợp Thanh niên Dân chủ nói với tôi rằng họ quyết định gia nhập vào Tập hợp là nhờ đọc blog của tôi, biết được tiểu sử của tôi và thấy những suy nghĩ của tôi cũng rất ‘người’, cũng tràn đầy tình cảm, cũng có những ước mơ và những niềm vui, nỗi buồn như họ.” Đọc đến từ “tiểu sử” mà tôi phì cười. Vị “nhân tài [7] ” sắp đi bộ đội này có lẽ đang bắt đầu xây dựng huyền thoại cho mình chăng?
2. Ông Hà Văn Thịnh, giảng viên Khoa Sử, Đại học Khoa học Huế, cũng là tác giả của nhiều loạt bài phê phán ông Chính, trong thời gian qua trên báo chí trong nước, cho rằng ông Hoàng Minh Chính sai về phương pháp, cách thức, đường đi và là một người dựa vào ngoại bang [8] .
*
Tôi không mong mỏi và cũng không đủ khả năng trình bày các loại lý thuyết chính trị dân chủ, bởi công việc chính hiện tại của tôi là viết văn và biên khảo độc lập. So sánh phong trào Duy tân của Phan Chu Trinh và hiện tình phong trào dân chủ ở Việt Nam hiện đại, xin rút ra mấy điều gạch đầu dòng nho nhỏ:
* Nên phân biệt rạch ròi thể chế chính trị và thể chế văn hóa Việt Nam. Thể chế văn hóa chính là yếu tố quyết định căn tính cho thể chế chính trị. Ví dụ: Huyền thoại Hồ Chí Minh, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Điều 4 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam bắt nguồn từ đặc thù văn hóa phong kiến tiểu nông [9] . Phan Châu Trinh từng biết rất rõ điều này, cho nên ông chọn con đường đả phá triều đình Nguyễn, vạch ra sự hủ lậu của xã hội và con người Việt Nam, đồng thời kêu gọi hợp tác với thể chế chính trị thực hữu đó là nhà nước bảo hộ Pháp. Một khi đã thành công ở cuộc cách mạng thể chế văn hóa, nâng cao dân trí thì việc thay đổi thể chế chính trị là tất yếu. Một nền tảng dân trí cao, một nền văn minh đô thị mới sản sinh ra nền văn hóa dân chủ. Chính nền văn hóa dân chủ sẽ tạo tiền đề ra đời một nhà nước dân chủ.
* Thể chế chính trị hiện tại của Việt Nam là con đẻ của thể chế văn hóa Việt Nam. Phan Châu Trinh đã từng muốn hợp tác với Pháp, kẻ xâm lăng đất nước Việt Nam, dẫn đến việc có ý kiến cho rằng ông hoang tưởng, thậm chí không ít người xuyên tạc sự nghiệp của ông. Như vậy tại sao những người “dân chủ” luôn quảng cáo lòng yêu nước mơ hồ vô bờ bến của mình không thể đặt ra mục tiêu hợp tác và kiên trì đối thoại với Đảng Cộng sản Việt Nam, những người cùng văn hóa, cùng máu mủ với mình.
* Không có sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng và các tầng lớp trí thức Việt Nam thì mọi phong trào dân chủ đều chỉ là hình thức và sớm có tang lễ lặng lẽ. Quan tâm lớn nhất của đại bộ phận dân chúng hiện nay là xã hội ổn định để làm ăn. Đó cũng là đặc tính cố hữu của cư dân một nền văn minh nông nghiệp. Bất cứ cá nhân hoặc hội nhóm “dân chủ” nào toan tính gây bất ổn xã hội để đầu cơ chính trị đều không tưởng. Một đường lối và chủ trương nâng cao dân trí, xây dựng nền văn hóa dân chủ trong hòa bình, ổn định, chắc chắn sẽ gây được thiện cảm của nhân dân. Nếu vì lý do nào đó, có sự nghi ngại và bất hợp tác của Đảng ạông sản Việt Nam thì chính nhu cầu của nhân dân sẽ thúc ép sự hợp tác ấy một cách tự nhiên trong bình đẳng.