Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Sương Muộn

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 450 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Sương Muộn
Trúc Phương

 Năm năm của một thời con gái đã qua đi. Bây giờ thì… Thật là nghiệt ngã. Cô gái bướng bỉnh ngày nào đang ngồi một mình trong phòng điều trị của Trung tâm chẩn trị HIV, AIDS với mẫu xét nghiệm dương tính. Mọi cái sụp đổ? Không! Thượng đế đã ưu ái cho Uyên tính kiêu ngạo của một người khôn thích ân hận, không thích ăn năn, chê cười sự sám hổi. "Đau khổ à?", "Có thấy đã muộn rồi không? Uống thuốc đi!". Anh y tá bận bịu, lạnh lùng bước lại chỗ xe thuốc với cái nhìn vô cảm để lại. Uyên trừng mắt nhìn anh y tá rồi lấy viên thuốc bỏ vào bọc nilon. Một nữ công bước vào với lời lẽ trách móc. "Sao không gọn gàng giùm chút. Quần áo phơi móc lung tung. Giấy, hộp sữa xài rồi sao không cho vào sọt. Đàn bà con gái gì mà bừa bộn, bầy hầy", "Bà cút đi cho tôi nhờ", "Cô, cô…?" "Tôi là người được các người năn nỉ đưa vào đây, tôi có quyền được phục vụ, không thích thì tôi về…". "Cô, cô…?" "Cút đi!". Sáng sớm. Bác sĩ đến khám. Uyên lấy từ góc giường ra một bọc thuốc, trả lại. "Bác sĩ mang thuốc về giùm. Tôi không thích uống thuốc. Tôi muốn được trả tự do!" "Tự do!?" "Chưa có luật nào bắt ép chúng tôi trị bệnh cả. Tôi muốn được cư xử công bằng. Bệnh của tôi, bệnh của cá nhân tôi, tôi chịu. Tôi không muốn nhờ vả ai" "Nhưng cô không được nhởn nhơ gieo rắc mầm bệnh cho người khác". "Tôi không gieo, không rắc. Ai đến với tôi thì họ phải nhận chịu". "Nhưng cô có biết căn bệnh quái ác này nó không từ ai. Cô biết chứ?". "Người cần biết bây giờ không phải là tôi nữa…".

Một bác sĩ tâm lý được điều tới cùng với một nhân viên bảo vệ. "Cô có học, cô phải biết tự trọng. Đừng để người khác bị làm phiền vì mình nữa. Cô có bệnh, căn bệnh nguy hiểm nhất thời đại. Vì nghĩa vụ với cộng đồng, chúng tôi chữa trị cho cô, với mục đích là khống chế sự phát triển của bệnh giúp cô, cũng nhằm ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Cô phải hỗ trợ chúng tôi thực hiện điều cần thiết này chứ. Được như vậy, chúng ta có quyền hy vọng về một ngày mai tốt đẹp hơn". Đến lượt Uyên phản kháng bằng sự im lặng. Bác sĩ khám, hỏi Uyên, cũng không hé răng nói nửa lời. Tới giờ tắm thì tắm, tới giờ ăn thì ăn, tới giờ chích thuốc thì chích. Bác sĩ tâm lý, bác sĩ điều trị, ai nói thì nói, Uyên cứ lặng thinh như đã hóa thành cây gỗ. Phải đến khi tình cờ phát hiện ông thầy giáo lên lớp dạy cho hàng trăm bệnh nhân kiêm trại viên môn đạo đức học với đầu đề "Nhân phẩm, nhân cách trong đời sống phụ nữ", Uyên mới gầm lên như một con cọp khiến cả hội trường căng mắt, ngoác mồm, nín lặng. "Hắn là tên đầu trộm đuôi cướp, là tên bịp bợm, một gã sở khanh, một tên điếm đực,… Tẩy chay hắn… phải tống cổ hắn vô tù…". Tên thầy giảng trá hình bất ngờ bị lật tẩy liền ôm giáo án tháo chạy. Cũng từ đó sự sụp đổ về tinh thần, sự tàn tạ về thể xác đến ngày một vội vàng hơn với Uyên cùng bóng đen của thần chết. Một con quỷ, rồi nhiều con quỷ cứ xuất hiện trong những cơn ác mộng cả ngày lẫn đêm. Và có một con ma dễ thương đã tìm đến Uyên, kêu "Mẹ… mẹ" như thể nó chính là đứa con ngày nào bị Uyên ruồng rẫy, bỏ đi… Tiềm thức về thiên chức làm mẹ như một bản nháp vụng về, ngờ nghệch của đứa trẻ quê chơi nhà chòi còn lưu lại đâu đó trong tăm tối đời người cứ ẩn hiện cùng lũ ma con khiến Uyên thành kẻ điên loạn bên những cơn gào thét hãi hùng. Uyên chìm vào cơn mê thiếp trầm luân của luật nhân quả, quờ quạng nhặt từ rác rưởi nhân gian những điều sám hối tật nguyền. Có lẽ nào… có lẽ nào Phật Trời lại đi bắt tội chúng sinh chỉ vì nó muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn người…?

Ngày xưa đó… cái ngày xưa vừa xa vừa gần còn núp đâu đó trong nỗi đau đời người vì cuộc mưu sinh. Ngày đó…

Khu nhà trọ bẩn chật, nhớp nhúa "phố sinh viên" càng nhầy nhụa hơn sau những ngày mưa dầm. Mùa đông ở bên kia chân mây mù và những tiếng sấm rền. Thu phương Nam ngắn ngủi như những ngày con gái, nhắm mắt lại với dăm ba điều tưởng tượng là hết. Uyên thở dài nuồn nuột, bất giác cất lên tiếng rên ư ử như tiếng của một loài côn trùng. Bài hát về mộ địa có giai điệu vọng về từ cõi âm của nhạc sĩ họ Trịnh vừa kết thúc với những điệp khúc thê lương còn rớt lại trong lòng cô sinh viên năm thứ hai khoa văn đang trốn nợ. Tiền thuê nhà, tiền điện, tiền học phí, tiền mấy bộ váy dạ hội, tiền mỹ phẩm cao cấp, tiền vay nóng cho những cuộc chơi thâu đêm… cứ loạn lên trong đầu cũng những điệu nhảy bất lương của những con số. Mọi thứ khủng bố! Vậy mà anh ta vẫn bỏ mặc Uyên cho chủ nợ: "Cô muốn giật những đồng tiền mồ hôi nước mắt của vợ chồng tôi à? Năm tháng rồi, một triệu cô biết chớ! Tôi phải làm phải ăn". "Hàng tao là hàng hiệu, mầy tưởng đồ sida chắc. Liệu mà trả sớm cho tao, không đừng có trách. Tao hẹn cho mầy hai ngày nữa. Đó là ân huệ cuối cùng!". Bao nhiêu lời đe búa ấy cũng chưa đáng bằng một câu của bà cho vay nóng - chủ "ngân hàng chợ đen" ở khu phố này. "Hết tuần này mà mầy chưa trả đủ vốn lẫn lãi thì tao sẽ xin mầy tí tiết!". Lại mưa. Lại những giai điệu đưa hồn người ta ra nghĩa địa. Uyên buông thõng tay xuống gầm bàn, vô tình chạm lên bụng mình: một món nợ chưa được tính!? Uyên nấc lên, rồi đổ gục xuống cùng với cơn tuyệt vọng, sự hung hãn yếu đuối vật vợ thật đáng nguyền rủa mình. Thiên đàng ở đâu? Thiên đàng ở đâu? Một người khách trẻ vừa rũ mưa bước đến bên Uyên, ân cần: "Uyên, mình đây". Uyên ngước lên, nước mắt ràn rụa nhưng gương mặt lại toát lên vẻ cáu gắt, bướng bỉnh. "Bạn đến làm gì?…" "Mình đến thăm Uyên. Vào nhà trọ, người ta bảo thấy Uyên ngồi ngoài này. Có gì cho mình chia sẻ với. Mình vừa về quê lên. Có thư của bác trai gởi, Uyên đọc đi". "Tôi cần thứ khác, không cần cái lãng mạn nhà quê lượm thượm, cải lương nầy". Uyên quệt nước mắt, mạnh mẽ như một cú giật chỏ, cố bảo vệ phong cách cứng cỏi trước người bạn trai thời phổ thông của mình. "Xóm mình vừa có điện. Mỗi hộ phải đóng ba triệu đồng. Quê bây giờ vui lắm. Ai cũng nhắc Uyên, cứ hỏi sao hè rồi Uyên không về". "Về làm gì ở cái xứ khỉ ho cò gáy ấy". Anh bạn nhìn Uyên, vẻ ái ngại, nhưng chợt nhớ đến tình cách của cô bạn gái, bèn nhẫn nại vỗ về. "Mình đi ăn cơm bụi đi". Như một sự xúc phạm, Uyên lồng lên. "Cơm bụi? Bạn đi đi! Cảm ơn lòng tốt của bạn. Đi đi! Tôi muốn được yên. Nghe chưa…?" Biết mình lỡ lời, anh bạn vụng về. "Xin lỗi Uyên. Mình có thể ăn cơm ở cái quán nào kha khá … cũng được". Mấy người trong quán nhìn chàng trai e ngại. "Cho mình xin lỗi. Lâu ngày không gặp, mình muốn ăn cơm với Uyên thôi mà". Uyên lại gầm lên: "Tôi không ăn, bạn đi đi. Cút đi cho tôi yên". Chàng trai lặng lẽ bước ra trong cơn mưa bong bóng phập phồng nhập nhòa sương bụi.

Trời chập choạng. Các ngõ hẽm dẫn vào khu nhà trọ lầy lội nước đen. Đám sinh viên chen nhau ra phố khi mưa vừa ngớt hạt. Bên nầy một đám trai gái đang nằm vật vựa sau những liều hêrôin giải sầu. Bên kia một đám nhậu với đủ thứ ngôn ngữ. Chỗ nọ một đám chửi nhau vì mất người tình. Bên đây một bọn vun vút vào mặt nhau những lời lẽ của chợ trời vì một vụ mất cắp. Đằng kia một đám xã hội đen đi đòi nợ mướn với lưỡi lê, mã tấu trong tay cùng những tiếng chửi thề. Bên phải là một sòng bạc. Bên trái một ổ đánh đề. Cà phê đèn mờ. Karaoke ôm. Nhà nghỉ cho thuê giờ. Quán cơm. Quán phở. Quán mát xa. Hiệu cho thuê quần áo. Cầm đồ… Một nhà chứa đồng tính luyến ái nam. Mấy con chim đêm nhấp nhổm bên vườn hoa chào hàng bằng những nụ cười và những lời tiếp thị. Những tiếng huýt sáo vu vơ. Những tiếng nói sạch sẽ trôi vào bóng tối. Những số phận rữa ra bên những nụ cười ngây dại.

Uyên về đến phòng và quăng mình lên giường. Bà chủ nhà trọ xuất hiện và bất ngờ cho Uyên biết một tin vui: Bà đã nhận đủ tiền trọ từ một người nhà của Uyên. Uyên trố mắt như không tin vào tai mình: "Bà nói… có phải anh Thịnh…?" "Không, cậu con trai đó có tên là Hòa, hiện học Cao Thắng Sài Gòn". Hóa ra là chàng trai bị Uyên tống cổ bữa trưa. "A lô! Có phải Hòa đó không? Cho Uyên xin lỗi. Hòa đến với Uyên ngay bây giờ đi. Đêm nay Uyên cô đơn lắm. Đến với Uyên nghen…". Lọ dưa bồn bồn ai để trên kệ ăn làm gợn lên lăn tăn những cảm xúc quê nhà. Chắc là chàng trai hàng xóm đã mang nó từ nhà lên cho Uyên. Một chút huyền diệu của tuổi học trò thời phổ thông vừa theo gió theo mây trở lại. "Hòa còn nhớ cái đêm hè cuối cùng bên bến sông không? – "Đêm ấy mình bị đánh, bị nhéo, bị cắn tơi bời. Nhớ cả nồi chè đậu khét và mấy củ khoai lang nướng nữa" – "Không phải, nhớ chỗ đống rơm cạnh cây cau có hoa rụng trắng… Đêm nay Uyên muốn Hòa không còn trẻ con nữa, được chứ…?. Ngọn lửa từ đôi mắt ấy, từ câu nói ấy đã đốt cháy sự lo sợ không đâu của chàng trai trẻ quê mùa có đôi tay chai sần của anh "nông dân nải" và người thợ cơ khí chưa kịp lành nghề. Uyên với tay tắt đèn. "Nào mình trả công cho Hòa đây…!".

Chân thành, say đắm, những cảm nghiệm phút chốc về sự trưởng thành của bậc nam nhi trong ái ân hương lửa và một chút xót xa vì những điều chưa trọn. Hòa chia tay Uyên khi trời chưa kịp sáng, khu nhà trọ chìm khuất dưới bóng mây mưa bên những ánh đèn đỏ lự, dáng khụm khọ của những người phu quét rác, những cái ngáp ngủ của các cô gái vui đêm.

Thịnh – anh chàng sinh viên năm thứ ba khoa Triết - vừa về đến căn phòng trọ với thân hình nhầu bã, nhem nhuốc nhục dục, vứt một nắm tiền cùng cái hợp đồng sống thử mà anh ta đã ký với Uyên mới được tròn 6 tháng 8 ngày. "Cô hãy giữ lấy. Tôi thanh lý hợp đồng với cô. Tôi không còn trách nhiệm gì với 5 tháng 22 ngày còn lại. Thử bao nhiêu đó đủ rồi. Tôi chán ngấy cái thói moi tiền, ăn vạ của cô. Ra đường mà kiếm, có thể khá hơn đấy. Với cô, xem như tôi đã "ăn bánh trả tiền". "Còn cái nầy… Anh định sao?". "Cái gì?". "Cái bầu". Thịnh cười khẩy "Điều 5 của hợp đồng có ghi rõ: trong thời gian sống thủ, bên A phải bảo đảm không được có thai, không được lợi dụng việc có thai để vòi vĩnh gây ra khó khăn cho phía đối tác. Cô thích thì cứ ra tòa". "Anh là một thằng đểu". "Tôi hay là cô? Cô khéo mồm khéo miệng lắm, cứ đi mà gạ thằng khác hoặc gặp bác sĩ mà giải tỏa". "Đồ khốn nạn, bất lương…".

… Cái thư của gia đình bị ném trên bàn chợt gây cho Uyên cảm giác khó chịu. Uyên bước tới, xé toạc nó ra. "Chị Ba ơi! Ba má nhắc chị cố tập trung học để ra trường với điểm cao, xin việc dễ. Ba má rất tự hào về chị. Tháng rồi, ba má phải bán 20 giạ lúa để gởi tiền lên cho chị đấy. Ai đến nhà mình ba má cũng khoe: "Con Uyên nhà tôi nó học tới Đại học Văn lận đó. Ba má cứ lấy chị ra làm gương để bắt em noi theo. Em vừa làm ruộng, làm rẫy, tối phải học bài, cực lắm. Nói nhỏ này nghe: Chị có mấy bộ quần áo giạt nào không, gởi cho em đi. Sao hè chị không về, cả nhà trông. Ba định lên Sài Gòn thăm chị, nhưng ra bến xe thì bị móc túi mất tiền hết trơn, đành quay về. Ba sẽ lên thăm chị sau khi thu hoạch hè thu. Vài lời cho chị. Em dừng bút (hỏi riêng chút nghen: chị còn "iu" anh Hòa không hay đã cho ra rìa rồi. Anh Hòa ghé, cả nhà vui. Ăn bồn bồn nhớ công em nhổ nghen).

*

Ba tháng sau, đang trong giờ thực hành môn thiết kế máy gia dụng nông nghiệp. Hòa được ông bảo vệ chạy vào báo tin hệ trọng: Bố dưới quê lên! Hòa thu xếp ra phòng trực thì bất ngờ bắt gặp bộ mặt đằng đằng sát khí của ba Uyên: "Thưa bác…?". "Ra quán uống nước, nói chuyện". Hòa khẩn trương đi theo mệnh lệnh với linh tính chẳng lành. "Mầy có biết mầy đã làm hại đời con gái nhà tao…" "Dạ ai…?". Hòa há hốc mồm như đang bị mắc xương. "Nếu mầy không tính cho xong thì sao sẽ kiện mẹ con mầy…". Hòa ngồi ngất ngứ trước những đòn tra tấn dành cho tên tội phạm. "Nó có bầu rồi, mầy liệu mà nói với mẹ mầy đi cưới! Tao… tao… (bất ngờ ông già gân giọng cổ khóc rống). Nó là đứa con gái tao thương, tao quý nhất… Nó là con cậy con nhờ… Vậy mà mầy nỡ làm tan nát đời nó… Hu. Hu. Hu…". Người Hòa nhão ra như bột sau những giây phút sững sờ. Mãi sau Hòa mới định thần. "Bác ơi… cháu xin lỗi… Để rồi cháu thu xếp. Cháu không ngờ sự thể đến nỗi như vậy…", "Mầy… mầy… nghĩa là mầy…", "Cháu … không biết… nhưng mà cháu yêu Uyên thật… cháu hứa…" – "Về, mầy phải về quê với tao để ba mặt một lời… với má mầy…".

Trường có danh sách những sinh viên phải thi lại. Hằng hà sa số những cái tên. Uyên là một trong những cái tên đặc biệt nhất: Thi lại 5 môn! Đang cố tai ngơ mắt điếc cái sự đời "lềnh khênh con bọ nhúc" để ôn thi trả nợ thì một người đàn bà có dáng vẻ mệnh phụ phu nhân, mắt xanh mỏ đỏ chẳng thua dân sành điệu đã dừng xe con trước cổng trường, bước sầm sầm vào lớp trống "Cô có phải là cô Uyên?" – "Phải, tôi đây. Có chuyện gì?" - Chuyện gì… chuyện gì à?" Bốp! bốp. Uyên quay choáng rồi ngã vật ra nền gạch, mặt đỏ như tôm bị hơ lửa. "Ai cho phép cô giật kép người khác". "Tôi… Tôi…". "Thằng Thịnh… Nó là kép của bà nghe chửa? Đây, hợp đồng có chữ ký của nó đây, vén mắt lên mà đọc rồi tránh xa nó ra, nghe chửa!?". Đức phu nhân ném bản photocopy vào mặt Uyên rồi vênh váo trở ra xe. Trong xe lờ mờ hiện ra khuôn mặt khả ố của gã sinh viên họ "đểu" cùng với tiếng: "Bye, bye!" Như vừa trải qua trò chơi "Cảm giác mạnh", Uyên bất thần tháo cúc áo ngực, lằm mằn dưới lưng rút ra sợi dây nịt bo bản, rồi chạy lao theo chiếc xe du lịch nghĩa địa vừa để lại một vệt khói đen cợt bỡn với cô gái lõi đời tự vỗ ngực sống với triết lý: "Ngày mai luôn ở phía sau một đêm tối". Uyên đến ngay chỗ xăm mình! Uyên xăm lên ngực, lên mông và lên nơi tôn quý nhất giành cho giống đực những hình ảnh của sự phỉ báng đích thực từ một giống cái kiêu ngạo. Ấn tượng là bức tranh tiền sử: nơi bắt đầu của kiếp người, với rốn là tâm điểm, được điểm xuyết bằng mấy nét hoa văn rằn rện, một cái đầu của gã đàn ông vừa nhú ra với khuôn mặt hao hao mặt của "công tử" Thịnh (biệt danh ngày nào cô đặt cho người con trai hào hoa của mình). Rồi Uyên đến một trong những quán bar sang trọng tự thưởng cho mình một chai Wishky. Khi liểng nghiểng về đến phòng, Uyên bấm điện thoại di động gọi vào máy nhà trọ của Hòa, giọng đặc quánh "Nếu thích thì đến, tui chờ… Còn sợ thì trốn luôn đi…" – "Tôi nói với cô không có cậu Hòa ở nhà… " – "Không có à… lại trốn… lại một thằng hèn…".

Sau mấy ngày hè mất tích vào các môn thi, đồ án tốt nghiệp, người khô rọp, mắt thụt, môi thâm. Hòa lại tìm đến nhà trọ để bàn chuyện cưới xin, nhưng Uyên đã biệt tăm. Tên Thịnh xuất hiện: "Mầy muốn tìm con chim cút ấy à? Nó đi làm bồ bao cho các đại gia rồi. Hãy phôn vào máy này sẽ rõ". Hòa buộc lòng phải cảm ơn gã tình địch của mình. "Alô… Hòa muốn gặp Uyên. Mình sẽ cưới nhau. Mẹ Hòa vui lắm. Sao Uyên cố tình lánh mặt Hòa.. Hòa muốn biết tình trạng… ". Hòa thập thò ngoài khách sạn, nhẫn nại chờ đợi. Phải quá 12 giờ đêm Uyên mới nghiêng ngả lần từng bước ra taxi trong dáng điệu rã rượi sau một cuộc truy hoan với người đàn ông hạng VIP. Hòa cố nhấn ga chiếc đam cũ chạy theo chiếc taxi đưa Uyên về một nhà trọ tồi tàn ở khu Hòa Hưng.

"Hòa về đi. Tôi không cần bạn" – "Nhưng chúng mình sắp là vợ chồng?" – "Bạn chỉ là phương án hai, à không, giải pháp hai của tôi thôi" – "Uyên hãy bình tĩnh lại. Gia đình ba má hai bên đã đồng ý cho mình…" – "Tôi không cần mối tình nhà quê, cả đám cưới nhà quê của mấy người đâu. Tôi cần đi bác sĩ… Tôi phải trả thù… phải trả thù…!". Hòa cố dỗ dành Uyên, lấy khăn mặt nóng chăm sóc để Uyên tỉnh lại, nhưng Uyên vấn lắc đầu trừng mắt giận dữ. "Con mụ khốn nạn ấy… Tôi sẽ đi bác sĩ để giải quyết cái oan nghiệt này…". Bất giác Uyên thét lên, không còn khóc được nữa, chừng tiếng khóc đã đi khỏi bản năng, cảm xúc của Uyên rồi. Chiều ý Uyên, Hòa hẹn chiều mai sẽ đưa Uyên đi bác sĩ để phá thai.

"Cô cứ về uống hết số thuốc mua theo toa nầy, cái thai sẽ "tự xử", không có gì phức tạp. Nhớ, không được uống thuốc trôi nổi ngoài toa". Mười ngày, nửa tháng… Vẫn chưa thấy điều gì xảy ra. Cái hình xăm trên bụng Uyên vẫn nguyên vẹn đứa hài nhi có gương mặt gã đàn ông nằm co giật từng hồi. Mỗi đêm chừng như hài nhi lớn ra một chút, cố bò ra khỏi cái lỗ hổng định mệnh và buồn cười ấy. Thỉnh thoáng nó nghe tiếng cười sặc sựa của Uyên hoặc của một gã VIP già nào đó. Mặc! Uyên phải lo trả thù.

Nhà của đại gia liên doanh xuất khẩu hóa chất công nghiệp. Lão VIP nghiêm giọng nói với vợ như kẻ bề trên. "Bà biết người ta thổi vào tai tôi những chuyện thối của bà không? Bà lượm đâu được con bò tơ hoang đó?" – "Còn ông, ông nhặt từ hố xí nào một con đĩ mén ấy? Xì, cao đạo quá ha, đồ một lũ chuột cống!" – "Nhưng tôi là đàn ông, tôi là trụ cột trong cái nhà nầy, tôi có quyền!" – "Quyền của ông là quyền của kẻ cướp ngày, quyền của kẻ lừa đảo…". Lão VIP chồm tới với một cái tát uy lực được guộn lên từ cánh tay phải. Một giọng nói đanh điệu vọng vào tai ông bà VIP. "Thưa giám đốc, đến giờ làm việc với đối tác rồi, giám đốc quên sao?". Bà VIP giật người, cằm bạnh ngược khi nhận ra cô gái ở thư viện hôm nào. Không để cho đối thủ kịp phản ứng, cô "thư ký" yêu kiều kia sấn vào rồi hiên ngang khoác tay dẫn lão chủ đi ra. Bà chủ chạy theo nắm áo cô thư ký kéo ngược lại. "Bốp! Bốp". Đúng hai cái tát nợ nần "Bà biết tôi là ai không? Đây, hãy nhìn bản hợp đồng nầy". Bà chủ mặt đỏ lựng như heo lên sởi liếc thấy chữ ký của ông nhà mình rồi run rẩy chửi với. "Đồ… đồ…" "Tôi là gái trẻ, bà là gái già…!". Một chiếc taxi vừa đỗ lại. Một gã trai tơ đeo kính đen bước xuống. Dù cô thư ký đã kịp nhận ra gã kia là ai, nhưng lão VIP cũng nhanh nhảu không kém, liền giới thiệu với cô tên đào mỏ "Thằng chó chết đó là ghệ của bả…". Cô thư ký một tay khoác lão VIP tình tứ, một tay vẫy chào gã trai: "Hi…! How are you?". Đứa con gái của ông bà chủ vừa về đến bước từ chiếc Toyota xuống, quắc mắt nhìn ba mình rồi quay lại nhìn mẹ "Các người hay lắm, văn minh, hiện đại lắm!".

Phòng VIP khách sạn. Trong tư thế Adam Eva ở vườn cấm, ông VIP hỏi cô thư ký của mình "Cái bụng em dường như có vấn đề à? – "Không, không có vấn đề gì, em vẫn đang hết sức thăng hoa đây mà… Mà anh nhớ dành cho em cái hợp đồng dài hạn trong biên chế nữa nhé" – "Anh hứa như đinh đóng cột mà" – "Nhớ đấy, già yêu của em ạ" "Nhớ… trưng à". Hai người ngọng nghịu cho đến lúc lão VIP tháo mồ hôi, nằm lăn kềnh ra như con lợn vừa được cạo lông trong lò mổ mới thôi. Đằng nầy, trong một phòng khác, vợ của lão cũng đang rên rỉ cùng con chuột nhỏ của mình. "Phải nhớ, mua cho mình căn nhà đó" "Em nhớ mà, chuột con… tập trung đi… ôi chuột con!…".

*

Chiều cuối năm. Những bệnh nhân không có gia đình nhận về nuôi dưỡng được bệnh viện tổ chức cho đón Tết. Trừ những con bệnh đã chuyển sang giai đoạn AIDS, số còn lại được tập hợp, sinh hoạt bằng nhiều chương trình vui nhộn như: văn nghệ, làm bánh mứt, chăm sóc rẫy hoa, tiếp đón người thân gia đình. Và thình lình, một người thân không được chờ đợi đã đến tìm Uyên - người đầu tiên kể từ ngày Uyên nhập viện. Cố lau nước mắt vì niềm kiêu hãnh bị xúc phạm, cố kiềm nén cơn tủi thân đột ngột kéo tới như từ một tính cách khác, Uyên gật đầu cho phép bảo vệ đưa người vừa đến vào phòng. Một người đàn ông xa lạ, khập khiễng bên đôi nạng gỗ đang ngơ ngác ngó tìm như thể vừa bước vào một cõi xa xăm.



"Anh đến để làm gì?" – "Thăm Uyên". "Năm năm rồi, tôi đã quên tất cả… Tôi cũng chẳng buồn nhớ đến anh" – "Tôi với Uyên vẫn là…" – "Tôi không thích nghe chuyện thần tiên đâu. Anh đừng nhắc nữa. Tôi đã gieo gió thì tự tôi biết gặt bão! Anh không cần phải thương hại tôi" – "Nhưng trong tâm tưởng tôi, Uyên vẫn là người của hai gia đình…" "Đó là trò chơi, sự đùa giỡn của trí thông minh thôi, anh tin là thật à?" – "Cha mẹ hai bên đã… kể từ cái đêm ở bệnh viện Từ Dũ ấy.. Tôi vẫn đi tìm Uyên…!.

Cố cắn nuốt mấy giọt nước mắt khi nghe Hòa nhắc đến lần đi sinh non ở bệnh viện Từ Dũ rồi bỏ con lẻn trốn ra ngoài… Uyên bất chợt gục xuống, người run bật lên, tay ôm ngực "Uyên sao… Bác sĩ… bác sĩ ơi…". Sau khi được bác sĩ chăm sóc, Hòa dìu Uyên lại giường. "Uyên nghỉ một chút đi… Hòa ngồi đây". Vừa quạt cho Uyên, vừa bâng quơ nhìn quanh quất, bỗng Hòa trông thấy những tờ giấy đầy ắp chữ nằm im trên bàn, những bức vẽ có hình một đứa trẻ con bụ bẫm, xinh đẹp vun vứt ngổn ngang, có cả bức được dán lên tường. Tò mò, Hòa cầm một trang giấy lên, đọc thầm.

"Có phải mi đã quấy rầy ta không? Mi được ai đó nhặt về nuôi dưỡng hay đã trở thành một sinh linh bé bỏng tội tình, thoáng qua như cơn gió rồi biến vào hư vô? Một cuộc dạo chơi không thú vị. Mi đã đầu thai nhầm chỗ. Nếu có kiếp khác, ta sẽ đợi mi trong một ngày tái sinh". "Ngày… tháng… ôi cái linh hồn bé xíu, tật nguyền của ta… Sao mi lại là con khi ta chưa chuẩn bị làm mẹ bao giờ. Lẽ ra mi phải sống để ta còn nhìn được chút nguyên lành mà tạo hóa đã dành cho ta. Mi tinh khiết như giọt sương, mong manh như chiếc lá non bên cơn bão đời người. Hãy tha thứ cho ta như tha thứ cho một sinh vật, một con thú hoang trong cõi sinh tồn nghiệt ngã… "Ôi… con gái của ta… Ta vẫn không thể nào chối bỏ được mi… Ta cầu mong cho mi được sống, được vẹn nguyên hình hài… được cười mụ như ta ngày nào thơ bé … hãy tha thứ cho ta… con nhé!". "Đêm qua ta lại thấy con về với chiếc áo cánh tiên. Ta yêu con như vầng trăng, cơn gió, nhẹ nhàng đến rồi nhẹ nhàng biến tan… Ôi, thiên thần bé nhỏ của ta…". Hòa lặng lẽ nhìn những giọt nước mắt vừa được giấu kín trong mi mắt của Uyên, những giọt nước mắt từ lâu anh đợi chờ.

Chiều, Hòa chống nạng lên phòng hành chính xin làm thủ tục đưa Uyên về. "Anh lấy tư cách gì bảo lãnh?" – "Chồng" – "Chồng!?" – "Tôi có giấy đăng ký kết hôn đây". Chuyên viên hành chánh cầm lấy tờ giấy kết hôn, mắt vẫn không dứt được cái nhìn nghi ngờ: "Là chồng sao từ lâu nay không thấy anh đến bệnh xá". "Tôi và Uyên thất lạc nhau năm năm rồi. Xin chị hãy tin" – "Ừ, thì tin. Nhưng anh phải làm tờ cam kết". "Dạ, tôi sẽ làm". "Chiều mai anh trở lại". "Dạ, cảm ơn chị".

Hòa ngập ngừng, bịn rịn. Uyên vẫn ngủ say với gương mặt thánh thiện chưa một lần anh trông thấy, trừ khi nó hiện ra trong giấc mơ đầy thi vị và ngọt ngào. Sợ quấy rầy Uyên, Hòa lấy từ ví ra bức ảnh của con gái, ép vào trang giấy, cùng những dòng chữ để lại.
"Uyên, Hòa về. Mai Hòa sẽ đón Uyên về ăn tết với con. Con gái chúng mình năm nay đã học lớp lá rồi, dễ thương, giống mẹ. Hãy tin ở ngày mai. Hòa của Uyên ngày xưa và cả bây giờ".

Hòa tần ngần bước trong nắng chiều hôm. Người bảo vệ cùng cô chuyên viên nhìn theo chiếc bóng gập ghình bên đôi nạng gỗ rồi lẳng lặng quay đi cùng với cái gật đầu dài.

Trong phòng, Uyên choàng dậy khi có cơ gió thiu chiều se sẽ đi qua nỗi buồn của người cô phụ. Bài hát không tên đâu đó vọng về cùng giai điệu xa xăm nhắc nhớ những ngày cay cực đã qua cho một phận người. Con gái - Ừ mới đó mà đã xa lắc, xa lơ cái thời con gái. Chợt nhận ra trong cảm xúc sự trống vắng đến nao lòng cùng những linh cả mơ hồ về một điều phúc lành ẩn hiện đâu đó trong sắc tím nhờ của buổi hoàng hôn cuối năm còn đọng lại nhạt nhòa bên ô cửa. Uyên vùng dậy, mong manh như vệt mây hiu hắt, nhìn ngó mông lung rồi bước đâu đâu về phía cổng. Mảnh giấy trên bàn đã nghiêng ngã và tấm ảnh trẻ con của đứa bé xa lạ. Rồi Uyên ngước lên. Mặc cho những giọt nước mắt cứ tự nó chảy tràn trên má, cô bước ra cửa nhìn hun hút vào bóng chiều tan.

"Có thật là chữ của Hòa… có thật là…". Uyên áp lá thư vụng về và tấm ảnh có đôi mắt đen thơ dại trong veo của đứa bé mà ngày xưa Uyên đã không kịp nhìn nó một lần… lên má, lên môi, khắc khoải nghe từ lặng im tiếng gọi trở về với tình yêu và sự sống"./.

Trúc Phương



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 235

Return to top