Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Đứa con nuôi

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 561 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đứa con nuôi
Phạm Đào Nguyên

Cứ mỗi độ xuân về tôi nhớ ba vô vàn. Tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương, che chở và dạy dỗ của ba, và cho tới bao giờ, tôi cũng nhớ cái hình ảnh bao dung, từ ái của bạ Trên trường đời ba tôi đã gặp nhiều thất bại, ngay cả mất mạng với kẻ thù, nhưng ba vẫn bất diệt trong lòng chúng tôi. Ba là người cha tuyệt vời. "Khi viết bài này, tôi mong rằng những bậc làm cha mẹ, dù thương hay giận con, xin nhớ là đừng gieo vào đầu đứa bé những chuyện đau lòng. Nhân vật "tôi" trong câu chuyện rất đau khổ suốt quãng ngày thợ Và có thể ảnh hưởng tâm lý cả đời, chỉ vì câu nói vô tình nào đó của cha mẹ. Chỉ có người cha bao dung trong truyện là hiểu biết tường tận tâm lý trẻ con. Ông hiểu con, thương con, nhưng cũng chưa đủ để cho cô bé "tôi" có một đời sống an lành, hạnh phúc!
Câu chuyện giữa cha con chúng tôi như một huyền thoại nhưng có thật. Vào ngày mùng hai tết năm ấy, mẹ tôi qua đời vừa được tám tháng, ba dẫn em bé về ngoại. Ba dặn chị và tôi ở nhà đốt hương, thắp nến, và rót rượu mời khách tới chúc Tết. Ba lì xì mỗi đứa 10 đồng, và ba hứa sẽ về khoảng từ 1:00 đến 2:00 giờ chiều.
Ba đi rồi, tiếng trống bài chòi, tiếng hát lô tô như réo gọi, hối thúc chúng tôi, nhưng nhớ lời ba dặn, chị em đành phải ở nhà. Chị đã 13, ấm ức muốn đi, cứ đi tới đi lui, rồi cuối cùng chị cho hết 10 đồng mướn tôi ở nhà. Chị dặn:
- Hễ ai tới thì em đốt đèn, thắp hương để họ mừng gia tiên, và rót rượu, còn bánh mứt, nước trà chị để sẵn trên bàn cho em mời khách.
Chị đi xổ tam hường hay chơi bài chòi, lô tô, khoảng mỗi hai giờ là chị về nhà một lần. Khoảng hơn 10:00 sáng, chị về cho thêm tôi 10 đồng, và đem 2 chục chén dĩa mới cất vào tủ lớn. Tôi tự nguyện ở nhà, để chị đi chơi, đem tiền về cho tôi thêm nữa, như chị hứa.
Tôi nghĩ, ở nhà một mình cũng có lợi, vì những ông nội chú, ông nội bác, ông ngoại chú, ngoại bác đi chùa về ghé nhà, thì tiền lì xì một mình tôi cũng nhiều hơn có cả ba chị em ở nhà. Khoảng 12:00 trưa chị tôi về lại, chị cho tôi thêm 10 đồng nữa; chị châm thêm trà và nước sôi vào bình thủy trước khi đi tiếp. Chị tôi chơi bài thắng mãi, trúng tam hường chị bán lại hết. Nhìn chị đếm tiền thấy mà thích, tôi vui vẻ nghĩ, có tiền thì mai mốt chị dẫn đi chơi, hoặc sau tết chị may sắm thêm áo quần mới cho tôi. Quá trưa, nhà vắng khách, nằm hát hò hát hỏng một mình cũng buồn, ba chắc cũng sắp dẫn em về, còn nhà các bác tôi cũng vắng, vì mấy anh mấy chị đã về ngoại.
Tôi chạy xuống nhà bác Cả, thì bác gái sai tôi đem bánh tráng nướng sắp lên mâm, bác đang dọn bánh mời khách. Anh chị đi chơi hết nên bác sai túi bụi, tôi ngoan ngoãn vui vẻ làm phụ. Nhà trên, bác trai đang nói chuyện với ông sui gia, cha chồng chưa cưới của chị Sáu. Cũng có anh Sáu tới nữa, nhưng chị Sáu vắng nhà, anh làm bạn và nói chuyện với tôi. Anh đi thăm vợ, nhưng không có vợ ở nhà nên anh cũng buồn. Thế rồi anh lên nhà tôi, một mình anh ngủ trưa. Bác gái chuyện trò và hỏi:
- Ba con đi về ngoại hở? Chị hai đâu? Tôi thành thật khai báo:
- Ba dẫn út về ngoại, chị hai đi chơi bài chòi, con coi nhà. Chị hai hồi nãy về cho con 10 đồng nữa, rồi đi tiếp. Bác trề môi:
- Ba mày dẫn chị hai mày với em bé về ngoại vì bọn chúng nó mới là cháu ngoại Phó S., họ hẹn gặp nhau để dẫn đi, còn mày con nuôi nên nó bỏ lại để giữ nhà. Tôi chống chế:
- Chị hai mới vừa về cho tiền cháu hồi nãy, chị đâu có về ngoại chứ, con không tin, bác nói bậy. Bác gái bảo:
- Nếu mày không phải con nuôi sao mẹ mày khi còn sống, cứ nói với mọi người mày là con nuôi.
Ôi cái vết đau ấy lại được khơi dậy. Đúng vậy, mẹ tôi thường nói tôi không phải là con ruột của mẹ. Thế là bác bĩu môi chê:
-Nhà này đông cả bảy tám bác, sao không ai dám nói đứa nào là con nuôi, ngoại trừ mày.
Phải hé, tôi có bảy ông bác, tổng cộng có khoảng 20 anh chị, không ai nói con nuôi, chỉ có mình tôi, mẹ tôi thường bảo lượm tôi về nuôi năm đói. Mẹ nói là cha mẹ tôi đói bỏ lại tôi còn đỏ hỏn, mẹ thương tình đem về làm con nuôi. Tôi nhớ lại, một hôm có một ông già ăn xin đến đứng ngoài ngõ, mẹ kêu tôi ra la chó, dắt ông vào nhà. Mẹ bảo tôi dọn cơm mời ông ăn, xong rồi lên đong một lon gạo đổ vào ruột tượng cho ông, còn nhét thêm 1 tán đường vào cho ông nữa. Mẹ nói đó là ân huệ dành cho riêng tôi. Tôi muốn được mẹ thương, nên làm cho mẹ vui. Khi ông ăn xong, mẹ bảo tôi dọn chén, rồi mang bị gậy theo ông, vì ông là ngoại của tôi. Tôi lăn đùng ra đất khóc ngất, vừa giãy vừa la, ba từ nhà lớn chạy xuống bồng tôi dậy hỏi:
- Chuyện gì, chuyện gì, ai chọc con?
- Mẹ đó, tôi khóc ngất trên vai ba, tôi đấm lưng ba thùm thụp.
- Tại sao? Tại sao?
- Mẹ bảo con đi theo mang bị gậy cho ông ăn xin, mẹ bảo là ông ngoại con. Tôi thấy mẹ lảng ra, bà lùng bùng cười. Ba nghiêm nghị nói với mẹ:
- Mình đừng chọc con kiểu đó nữa có được không, tôi xin mình... giọng ba trở nên đặc quánh lại. Ba vác tôi trên vai dỗ dành, đi về phía nhà trên. Tôi cảm thấy sợ ba, nên nói nhỏ bên tai ba:
-Ba cho con xuống đi chơi, con không khóc nữa đâu.
Tôi tụt khỏi tay ba, chạy mất. Thấy tôi im lặng nghĩ ngợi và buồn, bác gái còn nói thêm:
-Mày nghĩ lại coi, nếu mày là con ruột sao không có kiềng vàng, bông tai vàng như chị Hai mày.
Tôi buồn thiu, vô phương chống chế. Bác còn nói, tôi không giống ai cả, ba tôi to con, còn tôi ròm riết, mắt to như mắt ốc bưu, mũi tẹt lét. Tôi nát cả lòng, muốn cãi nhưng không cãi được. Thậm chí ai cũng nói ông ngoại con Phương (chị hai tôi) chứ ai nói ông ngoại của mày đâu. Đã nhiều lần tôi hỏi chính mình, ai là cha mẹ ruột của tôi? Trong lòng tôi vẫn ẩn tàng nhiều thắc mắc. Tuổi thơ của tôi đã bị khổ sở dày vò vì những lời nói chơi của mẹ. Từ đó tôi đem lòng trả thù, chống đối mẹ ra mặt, như mẹ sai tôi việc gì, tôi không làm, tôi chọc mẹ nổi giận. Khi có khách tới nhà, tôi ngồi trên phản cao, chỉ cần nho nhỏ "xì xì" bầy chó là chúng nhảy ra phủ đầu làm cho khách hoảng sợ. Phản ứng tôi càng mạnh, mẹ tôi càng chọc tôi nhiều hơn.
Sau khi bỏ nhà bác, tôi ra dựa gốc cây trước nhà, càng nghĩ tới lời mẹ nói, tôi càng buồn. Tôi nhất định không thèm coi nhà nữa, bất cần, tuy biết rằng chị không về ngoại như bác nói, nhưng tôi vẫn giận; tôi giận lắm. Tôi giận tôi, và giận mọi người. Từ nay trở lên ai nói tôi là con nuôi; tôi sẽ đấm vào mặt, nhưng tôi nhỏ quá chỉ biết khóc mà thôi. Tôi mong ba về, tôi hỏi thẳng ba một lần nữa thử tôi có phải con nuôi không?
Về nhà gặp anh Sáu, tôi đuổi anh, vừa khóc vừa nói, "Anh đừng tới nhà tôi nữa; tôi ghét mọi người." Anh lớn rồi, có học, nên anh thông cảm dỗ dành tôi, "Để anh giúp em coi nhà," nhưng tôi khóc, anh khuyên tôi, và dạy tôi chơi cờ tướng. Tôi tâm sự với anh rằng, có lẽ tôi là con riêng của ba với một người đàn bà khác. Mẹ bắt về nuôi để hành hạ tôi. Nếu tôi là con nuôi sao chị tôi chưa bao giờ nói vậy, ba tôi cũng chưa bao giờ nói vậy. Ba thương tôi nhiều hơn thương chị, ba săn sóc cho tôi từ miếng ăn, giấc ngủ. Sáng dậy, ba ra lệnh nếu tôi không ăn sáng, ba không cho đi học. Mỗi bữa ba cho một đồng ăn vặt, ngay cả chị Hai cũng không có. Khi đi học về, trưa phải ngủ một tiếng đồng hồ, sau đó ba kêu dậy, tắm rửa xong ba dạy tôi học. Tôi không tin mình là con nuôi vì từ sự săn sóc, lo lắng và dạy dỗ của bạ Ba thương lo cho tôi hơn cả chị Hai. Sao chị tôi là con ruột, còn tôi sao lại là con nuôi được?
Tiếng bác gọi anh về, anh chào tôi. Anh đi rồi tôi cũng buồn, cứ nghĩ ngợi lời bác gái tôi nói mà giận ba mẹ tôi bất công. Nếu tôi là con đẻ tại sao lại nói là con nuôi? Nếu là con nuôi, sao không để tôi chết ngoài đường, nuôi tôi làm gì, để ai cũng chọc ghẹo tôi. Tôi đau khổ gào thét với chính mình, tôi vào buồng nằm khóc một mình. Tôi rất buồn, buồn thật nhiều, nên không còn quan trọng lời dặn dò của ba nữa. Tôi bất cần, ba đánh là cùng. Tôi chết là xong, sẽ không còn ai chọc ghẹo tôi là con nuôi nữa.
Tôi nghĩ gần tới giờ ba về, tôi leo lên cây chiêm chiêm trước sân, lá non mới ra xanh um, tàng rộng che mát cả sân, chiều cao khoảng 15 mét. Tôi leo lên chót vót ngồi đó, chờ ba về tôi nhảy xuống chết quách cho xong. Tôi hận mọi người, họ vui trong khi tôi khổ. Tôi nằm im trên cây chờ đợi, nghĩ ngợi mông lung, nhưng khi ba tôi về, tôi quên biến và không hay. Tiếng ba vào đến sân, hỏi bác gái tôi:
- Chị Chánh, thấy hai đứa con tôi chạy chơi đâu không?
Tiếng ba đuổi mấy con gà làm tôi sợ quá, tôi dạ thật to, "Con đây ba, con đây," rồi òa lên khóc. Ba tôi đi trong sân, quay lại nhìn tôi trên cây và hỏi han rất ân cần, "Sao con lại leo lên cây? con từ từ ở đó, ba lấy thang bồng con xuống." Lời ba thật êm đềm. Thấy ba lính quýnh xuống nhà ngang vác thang, còn dặn tôi, "Chờ ba, đừng leo xuống, sẽ té đó, chờ ba bắc thang lên bồng con." Tôi thương ba vô cùng!
Tôi ngã trên vai ba khóc nức nở, "Con muốn chết," rồi tôi kể hết cho ba nghe, "Bác Chánh gái bảo rằng con là con nuôi, mắt ốc bưu, ròm không giống ai trong nhà, lại không có kiềng vàng như chị, con không còn cách chống chế, con hận mọi người, con muốn chết. Nếu là con nuôi thì thà để con chết ngoài đường, chứ nuôi mà để người ta chọc con, con hận lắm." Ba ôm chặt tôi vào lòng, lau khô nước mắt trên má tôi, ba hôn trên trán tôi, và bảo tôi:
- Con là con của ba mẹ, ai nói con là con nuôi, ai nói vậy?
Ba hình như giận bác lắm. Tôi nói rõ dự tính khi thấy ba về, tôi nhảy xuống chết cho ba biết, nhưng khi nghe ba la con gà, tôi cảm thấy có lỗi. Tôi vội vàng, "Dạ ba, con đây." Ba bảo tôi:
-Hôm nay mồng hai tết, các tiệm vàng chưa mở cửa, ba không đi mua kiềng cho con được, con cứ vui vẻ đi chơi, thấy bất kỳ ngày nào, ngày mai, ngày mốt tiệm vàng mở cửa ba sẽ làm cho con ngay. Ba thương con như vậy chưa đủ chứng minh ba là ba ruột của con sao? Tôi ái ngại im lặng nhìn ba không trả lời.
- Vậy mẹ có phải mẹ ruột của con không?
- Phải, mẹ là mẹ ruột của ba chị em con. Không đứa nào là con nuôi hết.
Ba giận bác tôi lắm, ba hỏi bác, "Nếu con tôi rủi ro rớt chết, chị có chút trách nhiệm gì không?" Bác cười cười nói, bác nói giỡn chơi, rồi bác lảng ra xa. Chiếc khăn ba cầm trên tay, ba xé rách. Ba giận, tôi chưa từng thấy ba như thế bao giờ.
Một lát sau các bác trai đến nhà chơi, ba tôi buồn buồn phân trần, bác Chánh gái nói vậy nhưng ba mong rằng từ nay về sau, không còn ai nói như vậy nữa. Ba hôm sau, ba đem về một chiếc hộp vuông, mở ra là chiếc kiềng vàng lớn hơn chiếc của chị Hai, và một đôi khoen cho tôi. Ba ôn tồn khuyên:
- Chị có gì là con có nấy, ba lo là con còn nhỏ, đeo vào người ta giựt, hoặc bắt con, thì khổ thêm. Ba đeo kiềng, khoen vào cho tôi, tôi tới ngay nhà bác cả, nói với bác rằng, tôi cũng có kiềng vàng rồi, chứng minh tôi không phải là con nuôi. Từ đó tôi không còn nghe ai nói tôi là con nuôi nữa, nhưng riêng tôi vẫn cứ hồ nghi chính mình, "Có lẽ tôi là con riêng của ba, vì lời mẹ nói, tôi là con nuôi kia mà?"
Mãi đến khi ba chết được 49 ngày, tôi cũng đã hỏi bà ngoại nhiều lần là tôi có phải là con nuôi không? Ngoại nói, "Nhà này không có ai là con nuôi cả. Ba đứa đều là con ruột của ba mẹ mày." Chú Hai hôm đó ở lại, chú kể lại rằng sau khi tôi sinh ra được mấy hôm, tôi khóc đêm suốt cả mấy tháng liền. Mẹ tôi khổ sở lắm, không ngủ được một đêm nào yên, mặc dù ba tôi bồng tôi xa ra cho mẹ ngủ. Rồi hết chuyện này tới chuyện khác, tôi lại bị kinh phong. Dì Tám tôi cũng bị kinh phong té nước chết, cứ ám ảnh mẹ hoài. Mẹ tin thầy bói, nói là tôi khắc cha khắc mẹ, nếu cho tôi, rồi xin lại làm con nuôi, thì dễ nuôi hơn. Mẹ tôi khổ nhất là nuôi tôi, chưa bao giờ mẹ ăn trọn bữa. Ba tôi ăn xong vác tôi trên vai, thì mẹ mới có thể làm gì được. Cũng vì thương tôi nhiều quá, lo cho tôi, mẹ đã lầm lẫn, làm cho tôi hồ nghi, ngỗ nghịch, có lúc đã bất hiếu với mẹ.
Bây giờ tôi không có con gái, nhưng cứ mỗi lần nhớ tới chuyện đứa con nuôi, dù lở miệng nói chơi với con, mẹ lượm con ở bệnh viện, là tôi giật mình nhớ lại những khổ sở đã dày vò tôi suốt quãng đời ấu thợ
Chiếc kiềng vẫn còn đó, có khoảng ba chỉ vàng, bây giờ đeo không được nữa, nhưng đó là cả một tấm lòng, một tình thương mà ba đã cho con. Trên cõi đời này, chưa có một người cha nào hiểu con, thương con, thông cảm, và bao dung như ba tôi. Đây là một kỷ vật vô giá, không gì có thể sánh bằng tình thương của ba tôi. Nó cao rộng bao la như biển trời. Đã bao nhiêu năm qua rồi, ba vẫn luôn là vầng thái dương sáng rọi trong lòng tôi. Dù có bao nhiêu tuổi đi nữa, tôi vẫn mãi mãi là đứa con yêu bé bỏng của ba ngày nào... Ba ơi!
                                       oOo



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 691

Return to top