Khi màn đêm buông xuống nàng Nấm sống trong thứ ánh sáng chói loà của những ước vọng. Từ khi chuyển khỏi nhà chị gái nàng Nấm đã biết rõ thân phận mình. Cũng từ đó chuyển những ước vọng của mình vào ban đêm. Khi ánh mắt ban ngày của nàng đen thẫm thì ban đêm nó ngời sáng lên. Bao nhiêu ước vọng về cuộc sống, về bản thân cháy bỏng trong đầu nàng Nấm. Những ước mơ thật là tuyệt vời. Nàng Nấm ước mơ mình là một người đàn bà tuyệt sắc giai nhân. Khi đã nhìn được chân diện bản thân nên nàng Nấm không dám phung phí những giấc mơ của mình. Nàng muốn mình tuyệt đẹp để có một tình yêu đẹp. Bởi chưa có sách nào viết rằng người đàn bà xấu xí có một tình yêu đẹp bao giờ. Nàng Nấm ước mơ mình thật giàu có. Người nghèo cũng khó có một tình yêu đẹp. Và nàng ước mơ mình giàu có vì nàng muốn làm những cử chỉ cao đẹp. Quê nàng Nấm nghèo lắm. Mẹ nàng cũng đang sống trong nghèo khó. Có hai chị em nàng sống ở thành thị. Người chị thật may mắn lấy được một người chồng tốt và biết làm ra tiền. Còn nàng đã thật may có việc làm ổn định nhưng thu nhập cũng chẳng là bao. Nàng tùng tiệm trong chi tiêu để thi thoảng gửi về cho mẹ. Bố nàng viết thư cho nàng kể rằng mỗi khi nhận được tiền nàng gửi về mẹ nàng thường khóc rất lâu rồi gói ghém cất kĩ không bao giờ tiêu. Bố nàng muốn nàng cứ giữ lại mà tiêu.
Nàng Nấm có một đầu óc sáng láng của một người bình thường mà thôi. Nàng chỉ có thể ước mơ theo những trang tiểu thuyết hoặc những điều nàng nhìn thấy. Khi người đàn bà xinh đẹp cùng phòng làm việc khoe món quà vừa được tặng nàng Nấm cũng ước mơ có được món quà như thế. Khi người đàn bà xấu ở trong phòng phàn nàn rằng chẳng khi nào được ai tặng quà – ngay cả người chồng đã sống với nhau hai mặt con cũng chẳng khi nào biết tặng quà. Lúc đó nàng Nấm rất thông cảm với người đàn bà xấu đó, nàng ước khi nào có nhiều tiền sẽ mua tặng người đàn bà đó một món quà đẹp.
Ngoài ra nàng Nấm ước mơ mình sẽ trở thành nhà báo. Cái phòng làm việc của nàng Nấm chính là một toà soạn báo. Bảy người đàn ông và ba người đàn bà trong công việc có tên gọi là phóng viên và biên tập viên. Nàng Nấm và một cô gái nữa làm việc có tên gọi là nhân viên vi tính.
Nấm đánh bài còn cô gái kia mi trang. Mỗi người trong phòng có một việc làm cụ thể và theo một dây chuyền. Tờ báo này là một tờ báo tuần nên không bị sức ép của tính thời sự lắm. Những phóng viên và biên tập viên thường có thói quen bình luận các sự kiện mà họ vừa thu thập về.
Ban đầu khi công việc chưa thật quen và cái chính là mặc cảm với thân phận Nấm chỉ cắm cúi làm việc không để ý mảy may đến xung quanh. Nhưng thực ra Nấm chỉ không nói thành lời mà thôi. Nấm đã nhận thấy rằng vì sao họ lại bình luận các sự kiện trước khi bắt tay vào viết. Đó là vì sự bình luận đó không bao giờ được lên trang báo. Tại sao thì Nấm không biết. Có một điều lạ là những bình luận đó bao giờ cũng đúng với thực tế. Ví như sự kiện rùa thiêng nổi lên mặt hồ Gươm chẳng hạn. Thực tế là nước của hồ Gươm còn chưa đến ba ngang tay mà cụ rùa lại to thế, cụ bò đi đâu mà chẳng nhìn thấy. Vậy đấy có phải điềm báo đất nước thịnh vượng hay không?
Nàng Nấm đã thực sự ngưỡng mộ họ, những nhà báo. Nhưng nàng Nấm cũng không hiểu nổi điều gì đã ngăn cản họ viết những điều họ đã bình luận lên báo.
Nhũng ước mơ trong bóng tối đã đắp lên một diện mạo người đàn ông của Nấm. Nó có một gương mặt sáng sủa của nam diễn viên Hàn Quốc. Bây giờ trên truyền hình ta rặt chiếu phim Hàn Quốc và Trung Quốc. Và một thân hình từa tựa anh rể, một cặp đùi săn chắc thò ra dưới quần đùi. Người đàn ông của nàng là một người lương thiện, có một nghề nghiệp trung bình và là một người đàn ông chưa có gia đình. Nàng đã tin chắc như thế.
Nàng đã viết cho người đàn ông của nàng: Em là một cô gái quê nhiều ước mơ. Ngày bé khi trời sầm sập đổ mưa rào em đã rất sợ. Em đã khóc cùng với mưa. Cơn mưa rào mau tạnh. Nắng rờ rỡ chiếu sáng trên các lá cây. Em đã đi trong cái nắng đó để xem các lá cây vươn mình lên đón nắng. Các tàu lá chuối thì cười, còn các lá cỏ thì múa. Nhà em có một hàng rào râm bụt. Em đã mắc một khung cửi bằng sợi tơ chuối để dệt áo cho những con búp bê đất của em,
Reng… reng…
Nghe tiếng chuông điện thoại đổ thì tim nàng Nấm cũng loạn nhịp. Nàng nhấc ống nói, giọng nhẹ như một hơi thở: A lô. Em. Chào anh. Em đã ngủ chưa? Em còn chờ anh mà. Chờ anh nhé, anh sắp về rồi. Hôm nay em mặc áo màu gì. Áo màu vàng. Da em trắng mặc áo màu vàng rất đẹp. Em muốn khóc. Sao thế, đừng khóc anh sẽ về mà. Bao giờ? Sắp rồi. Anh hôn em nhé, được không. Sao em im lặng. Được không em. Vâng. Rồi đừng khóc nhé, em bé. Tút… tút…
Các con chữ chỉ có thế nhưng nó đã được phổ nhạc. Bên tai Nấm là một suối nhạc. Nấm bay lơ lửng trên không trung. Cơ thể Nấm không còn tồn tại.
Nấm nằm trên giường nhắm mắt lại và những lời nói của người đàn ông cùng những suối nhạc lại vang lên trong trí não của Nấm. Từ não theo các nơ ron thần kinh toả đi khắp cơ thể. Nấm muốn hát, muốn cười và muốn chia sẻ cùng ai đó. Nấm có thể chia sẻ cùng ai được bây giờ. Với chị, với mẹ, chắc họ sẽ là những người biết sau cùng. Khi câu chuyện kết thúc có hậu bằng một đám cưới hoặc với kết bi kịch, khổ đau và nước mắt. Nấm lại không có một người bạn thân nào có thể chia sẻ trong những lúc thế này.
Cảm xúc đầy tràn trong Nấm khiến nàng không thể nằm im. Nấm bật máy và lại viết thư cho người đàn ông của nàng.
Em không thể nào ngủ được dẫu biết rằng ngày mai có nhiều công việc. Em chỉ muốn khóc nhưng nước mắt lại không chảy ra. Em không biết tại sao lại thế. Em là một cô bé rất tò mò. Những điều cấm đoán là những điều khiến em rất muốn biết. Khi quê em mắc điện mẹ em dặn, hãy tránh xa ra kẻo điện giật chết. Khi mẹ chưa nói em không thấy cái ổ điện kia có gì hấp dẫn cả. Khi mẹ nói rồi thì ổ điện đó cứ hút tay em vào. Em cứ muốn biết chết là thế nào nhưng em lại rất sợ chết. Một hôm không thể đừng em đã thò tay vào ổ điện, điện đã giật em rất đau nhưng em không chết. Năm 16 tuổi em đã khao khát một tình yêu bằng một hình ảnh mà em thường bắt gặp. Nhưng đó lại là một tội lỗi. Cho đến bây giờ em vẫn chưa biết tình yêu là gì. Em không biết những cảm xúc em đang trải qua bây giờ có phải là tình yêu không . Em chưa biết nhiều về anh nhưng sao em lại tin anh đến thế. Em muốn thổ lộ với anh tất cả những điều bí mật của em. Bây giờ em muốn ngả đầu vào vai anh.
Những dòng chữ được viết ra đến đâu thì dường như lòng Nấm nhẹ vơi đi.
Với cảm giác thật nhẹ nhõm Nấm đi vào giấc ngủ thiên thần.
Reng reng… điện thoại kêu lanh lảnh kéo Nấm ra khỏi giấc ngủ sâu. Phải mất mấy chục giây Nấm mới định vị được thực tại. Điều đầu tiên Nấm nhận ra ngay là trời đã sáng rõ. Chưa khi nào Nấm lại ngủ trễ như vậy. Nấm nhìn đồng hồ, vẫn còn 30 phút nữa mới đến giờ đi làm. Nấm nhấc máy điện thoại. Alô, tôi nghe đây. Ừ chào em. Là anh ư, em không thể nghĩ anh lại gọi điện cho em giờ này. Thế giờ này là của người khác gọi ư? Vâng, là của các anh các chị trong cơ quan nhắn lại việc trước khi họ đi công tác. Ôi thế là từ hôm qua tới nay anh chưa nghỉ ư. Em ngủ có ngon không, có mơ thấy anh không? Em ngủ rất ngon và không mơ gì cả. Vậy sau giấc ngủ em còn muốn tựa đầu vào vai anh nữa không? Sao im lặng thế em. Em lại muốn khóc phải không, tựa đầu vào vai anh mà khóc này. Anh gọi điện cho em nhiều thế này sẽ tốn tiền lắm đấy. Nhưng anh biết em vui khi anh gọi cho em mà. Vâng. Hôn em nhé, được không. Vâng.
Nấm vào phòng tắm nhìn vào tấm gương. Ôi cô Nấm đây ư. Một gương mặt rạng rỡ với đôi mắt long lanh trong gương.
Buổi sáng hôm nay trong phòng làm việc đang bình luận về những người tật nguyền.
- Nếu không thực mắt nhìn thấy có kể lại mọi người sẽ cho là hư cấu. Mọi người có hình dung được ông ta xâu kim bằng chân rồi tự vá áo không?
- Thì tôi đã viết về một người đàn bà mù mà thổi cơm bằng rạ mới tài chứ.
- Những người đó bị từ lúc lọt lòng nên họ không biết được cuộc sống của người thường như thế nào vì thế họ cần mẫn sống. Mình mà chẳng may bị như họ chắc tự tử mất.
- Ối giời ôi, người nào cũng nói thế nhưng chẳng may có bị vẫn sống nhăn có ai dám chết đâu. Con người thích ứng hoàn cảnh nhanh nhất trong các loài vật đấy.
- Nói đúng lắm. Như em Nấm nhà mình kia. Hôm nay tôi ngắm em ấy xinh cực. Lắm lúc nghĩ dại mình mà như em ấy rồi không có tình yêu thì chết quách cho xong.
- Hay thật, sao Nấm chẳng bao giờ tự ái hả Nấm.
Nấm chờ tiếng chuông điện thoại reo đến nghẹn thở. Lí trí bảo với Nấm rằng tối nay người ấy sẽ không gọi điện thoại đâu. Dẫu người ta có tình cảm với Nấm thật thì không phải ngày nào người ta cũng gọi điện cho Nấm được. Vậy mà Nấm vẫn cứ mong chờ một sự diệu kì. Mười giờ rồi mười một giờ đêm chuông điện thoại vẫn im lặng. Sự mong đợi chuyển sang hờn dỗi. Được thôi mình sẽ không thèm viết thư cho nữa. Nấm biết người ấy rất thích đọc thư của Nấm. Nhưng nếu Nấm không viết thư cho người ta thì người ta cũng sẽ không gọi điện về cho nữa. Thế thì… lại như xưa ư. Nấm phải làm gì bây giờ. Trong đầu Nấm đang có một cái gì đó muốn vỡ oà ra. Bức bối không thể tả nổi. Nấm cố nhắm mắt và hình dung ra người đàn ông của nàng với một vòng tay ôm rất chặt. Một cái nhìn thật nồng ấm. Sự hình dung của Nấm trôi tuột vào hư không, chẳng để lại một cảm giác nào cả. Nấm cố định hình xem sự bức bối trong đầu óc là gì? Cảm giác bức bối này lần đầu tiên xuất hiện trong Nấm. Đầu óc căng như dây đàn rồi chuyển sang đau nhức. Không phải một cơn đau bình thường chỉ dùng thuốc là xong. Đây là một cơn đau của số phận. Trong ngần ấy năm sống ở đời Nấm đã trải qua hai cơn đau như vậy. Một lần là năm 16 tuổi, là lúc phải chuyển khỏi nhà của anh chị. Nấm đã trải qua một cơn đau khủng khiếp và một mực đòi về quê sống với mẹ. Lần thứ hai là khi có một người đàn ông gần nhà Nấm đã muốn cho cô bé tật nguyền biết sự sung sướng của nhân loại. Chỉ một lần thôi, không ai biết cả. Nhân loại đang hàng ngày, hàng giờ làm việc đó. Tại sao mình em lại không? Tôi biết em đã học xong đại học cô bé ạ. Đại học có dạy cháu điều đó không nhỉ. À, có chứ. Họ đã dạy rằng phải là tình yêu kia. Thực chất của vấn đề là có tình yêu thì dễ biện minh hơn. Em chờ tình yêu chứ gì, có hoạ là chuyện cổ tích. Hãy thử đi, tôi tuyệt đối tôn trọng cháu mà. À mà này em có biết, các nhà tiểu thuyết rất thích các cô gái sống bản năng không?
Cơn đau của Nấm khi đó là do sự đấu tranh căng thẳng giữa sự có và không? Nấm có một đôi chân ngắn nhưng ngực Nấm căng và tròn. Hàng tháng những giọt máu sinh nở của đàn bà ra đủ ba ngày và tươi rói. Nấm cũng khao khát những điều mà một người đàn bà bình thường khao khát. Một tình yêu. Một tình dục. Một chồng vợ. Một mái ấm gia đình và những đứa con. Nhưng Nấm đã nhận ra chân dung đích thực của mình. Vì thế Nấm biết những khao khát kia là một sự xa xỉ. Vậy chẳng nhẽ Nấm sẽ sống một cuộc đời đồng trinh cho đến chết ư. Không, trong những nhân vật của tiểu thuyết thì thần tượng của Nấm không bao giờ là những cô gái trinh trắng. Nấm thích một tình yêu mạnh mẽ. Còn nếu cứ thử một lần để biết ư? Ba ri e đã vượt qua rồi thì một lần hay nhiều lần có khác gì nhau đâu. Và cái chính là con lùn khôn ngoan trong Nấm đã mách bảo Nấm rằng người đàn ông đó chẳng phải là người tốt đâu.
Quá khứ hiện về như những thước phim sống động. Nó làm cho đầu óc Nấm quang quẻ đến kì lạ. Còn trái tim thì nhột nhạt, căng phồng. Một lượng máu lớn chứa đầy tim đòi hỏi cơ thể Nấm phải có sự sinh sôi. Cơ thể Nấm phải sinh sôi ư?
Sinh sôi hay là sáng tạo? Nấm chưa thể định hình nhưng Nấm khát khao một cách cuồng nhiệt. Nếu bây giờ người đàn ông đã từng đề nghị cho Nấm thử một lần mà có mặt Nấm sẽ không ngần ngừ để thử với ông ta một lần tới bờ bến. Nấm nhận thức rõ ràng cơ thể Nấm đang chuyển động. Hai má Nấm nóng bừng, ngực Nấm co tròn hơn trong lớp áo lót. Và hai đầu vú Nấm săn lại chọc thẳng vào lớp vải. Lớp áo nịt như làm cho Nấm nghẹt thở. Nấm cởi bỏ áo xống rồi nhìn xuống ngực mình xem nó đang thay đổi như thế nào. Hai núm vú săn cứng màu hồng nhô ra. Nấm lấy hai lòng bàn tay xoa nhè nhẹ vào hai núm vú ấy. Một cảm giác đê mê lan khắp cơ thể Nấm. Một cảm giác thật dễ chịu. Nấm xoa mạnh hơn. Cảm giác lan toả khắp cơ thể rồi dồn xuống chân Nấm. Nấm đắm chìm trong cảm giác mới mẻ. Một lát Nấm bỗng nhận ra rằng từ lúc nào Nấm đã trút bỏ hết áo quần và miệng đang hát những nốt nhạc của mèo cái. Nấm hoảng hốt vơ vội áo quần đậy lên người rồi nhìn quanh quất xem có ai nhòm ngó. Rồi Nấm khóc oà. Vừa khóc vừa gọi mẹ. Nấm khóc rất lâu. Lúc đầu là khóc thương mình rồi khóc thương mẹ. Nấm biết lúc này mẹ cũng đang không ngủ vì thương Nấm. Nhiều đêm khi trời chưa sáng tỏ đã có chuông điện thoại đổ. Thì ra là mẹ. Mẹ đã đi bộ hàng mấy cây số trong đêm để ra trung tâm xã gọi điện cho Nấm chỉ vì đêm mẹ nằm mơ thấy Nấm buồn.
Nấm cảm thấy rất rõ ràng sự đang chìm xuống của cơ thể. Chẳng lẽ lần này Nấm lại chịu sự đầu hàng số phận ư? Nếu Nấm cứ nằm và khóc lóc thế này? Không thể, dẫu đôi chấn Nấm có ngắn nhưng cuộc đời vẫn rất tốt đẹp với Nấm kia mà. Và người đàn ông của Nấm chắc sẽ rất buồn nếu không nhận được thư của Nấm.
Nấm ngồi dậy, chải tóc gọn ghẽ, vào nhà tắm vã nước lạnh lên mặt. Nấm bật máy. Thay vì vào mạng để viết thư như mọi bận thì Nấm lại vào mục đánh văn bản. Nấm tự nói với mình: Bức thư này sẽ dài lắm, nếu cứ đánh không dấu sẽ chẳng thể nào đọc được.
Em không thể ngủ được. Ban đầu vì cứ ngóng chờ anh, rồi thương thân, rồi thương mẹ. Em đã khóc một trận khủng khiếp, đến như cơ thể tan loãng và trôi theo nước mắt. Bây giờ thì em đã bình tĩnh rồi nhưng em vẫn nhớ mẹ và thương mẹ quá.
Anh biết không, mẹ em là một người đàn bà nông dân thuần khiết…
Nấm viết bức thư như trong cơn ốp đồng. Khi đóng máy, Nấm gục xuống bàn ngủ luôn.
Sáng hôm ấy lần đầu tiên, kể từ khi đi làm tại toà báo này là ba năm, Nấm đi làm muộn. Nấm len lén đi vào chỗ ngồi rồi bật máy làm miết. Buổi trưa mọi người lại tản đi chỉ còn Nấm và một chú lớn tuổi nhất trong phòng. Nấm cho đĩa mềm mà buổi sáng trước khi đi làm đã kịp cóp bức thư viết đêm qua vào ổ rồi mở. Nấm đã cố nhớ lại xem đêm qua mình viết những gì mà không sao nhớ nổi. Những dòng chữ hiện lên.
Mẹ tôi là một người đàn bà nông dân thuần chất. Bà lấy con một ông đồ nho hàng xã sinh được chín anh chị em chúng tôi. Tám anh chị em đầu đều tròn vạnh như trăng rằm, còn một chú út trời không thương nốt nên chú cũng thành người nhưng không được trọn vẹn. Chú hiền lành như cục đất, suốt ngày chỉ ngồi một chỗ, nghẹo cái đầu cười. Mẹ không đặt tên cho chú, chỉ gọi là thằng Ngoẹo, cả nhà gọi theo thành tên.
Lúc mẹ sinh đến tôi vào đúng ngày Cách mạng tháng tám thành công, là đứa con thứ tư. Rồi đến chú Ngoẹo là thứ chín, là những khi cha đi công tác ghé qua hoặc những lần cha về phép. Thỉnh thoảng cha cũng gửi về cho mẹ đồng quà tấm bánh gọi là, còn đâu là sức mẹ nhọc nhằn trên đồng ruộng. Chúng tôi như cây lúa trên cánh đồng của mẹ. Cha về bảo khổ mấy cũng cho chúng học hành. Mẹ gật đầu. Mẹ tần tảo hơn.
Chúng tôi như lũ cá mè một lứa. Ngày anh cả vào đại học thì Tám học lớp một rồi. Chỉ có chú Ngoẹo vẫn ngồi một chỗ cười và chẳng ai tính tuổi chú cả. Rồi đến ngày anh thứ hai đi đại học, sáu chị em còn lại thấy rằng cái sự học hành là cái đích để vươn lên và cũng không còn là điều không tưởng. Nhà nông nghèo, một buổi đi học, một buổi làm đồng còn buổi tối lao vào học. Thế là mọi việc trong nhà dốc hết lên đôi tay của mẹ.
Buổi sáng mẹ dậy từ bốn giờ thổi cơm cho cả nhà, rồi đun cám lợn, cám gà. Gà gáy tàn canh mẹ đánh thức cả nhà dậy. Chúng tôi ngồi vào mâm cả rồi thì mẹ lại bón cho Ngoẹo trước. Chú vừa ăn vừa ngả vào lòng mẹ ngặt nghẽo, rồi chú cười. Chú gọi u ơi. Lúc bình thường thì chú rất sạch sẽ. Mặt chú hiền lành và đôi mắt thì ngây thơ trong trẻo. Nhưng lúc chú cười chú ngoẹo vào lòng mẹ và gọi u ơi thì mặt chú méo mó và dớt dãi chảy dèo dèo. Tay chân chú cua cua rối rít. Mẹ vội ôm chặt chú vào lòng. U biết rồi, biết rồi, con thương u nhất. U cũng thương con nhất, thằng út khốn khổ của mẹ. Chỉ cần mẹ ôm chú vào lòng thì chú sẽ trở lại bình thường. Mặt chú lại thanh thản và hiền lành. Đôi mắt chú thì ngây thơ trong trẻo.
Chị em tôi cũng thương chú, nhưng thấy mẹ vất vả quá thành ra lắm lúc cũng ghét chú. Có lúc nào mẹ nhìn thấy chị em tôi không phải với chú, mẹ rầu rầu bảo: chớ có ghét bỏ em nó, nó gánh hán gánh hạn cho cả nhà để chúng mày được lành lặn, ăn học cho nên người tử tế đấy. Càng lớn chúng tôi càng ngấm dần lời mẹ nói nhưng cha thì không thể nào chấp nhận lí luận của mẹ. Cha ghét chú Ngoẹo ra mặt. Mỗi bận cha về có quà cho cả nhà thì riêng phần chú không có. Nhưng chú cũng chẳng lấy thế làm buồn. Chú chỉ nhìn cha bằng đôi mắt đầy vẻ ngây thơ và nét mặt hiền lành nhất. Chú cũng chẳng làm nũng mẹ như mọi khi. Chú ăn uống sạch sẽ rồi ngồi vào góc giường nhìn mọi người bằng cặp mắt không tuổi của chú.
Chị em tôi lần lượt thoát li cánh đồng của mẹ để ra tỉnh với những ngành nghề thành đạt nhưng phần đời không phải ai cũng được suôn sẻ cả. Trong đó có tôi là phận gái với đoạn tình lận đận. Tôi không có chỗ bấu víu ở nơi thị thành nên quay về cánh đồng mẹ. Về nhà gặp phần đời còn lại của mẹ càng chán hơn. Cha tôi đã nghỉ hưu, có một căn hộ trên thành phố muốn mẹ tôi lên đó để đỡ phần vất vả. Nhưng mẹ dứt khoát không chịu. Cha tôi thương mẹ nên về quê sống với mẹ. Phần kinh tế của cha mẹ và chú Ngoẹo ở quê bây giờ khá giả hơn vì mấy anh chị lớn tôi thành đạt gửi về. Nhưng mẹ vẫn tần tảo như xưa. Sáng mẹ vẫn dậy từ năm giờ sáng nấu cơm, nấu cám rồi đánh thức cha và chú Ngoẹo dậy. Mẹ dọn cho cha một mâm cơm, cút rượu rồi ngồi bón cho chú Ngoẹo ăn. Ngoẹo đã quen với cha ở nhà nên lại làm nũng mẹ. Chân tay chú co rúm lại, mắt chú trợn ngược lên, mồm chú méo xệch dớt dãi chảy dèo dèo. U ơi con thương u lắm. Trí óc chú cũng phát triển theo năm tháng. Cha dằn cút rượu xuống mâm rồi bỏ ra ngoài bờ ao ngồi. Của tội của nợ. Cha lẩm bẩm một hồi cho nguôi ngoai. Mẹ biết ý ngăn chú Ngoẹo mỗi lúc chú muốn tỏ tình cảm với mẹ. Mái tóc của mẹ mỗi ngày một bạc dần thì tình cảm của chú Ngoẹo ngày càng tăng. Mà mỗi lúc chú tình cảm với mẹ thì cha lại buồn bực nên mẹ chuyển chú vào trong buồng. Chú âm thầm ngồi trong buồng lủi thủi. Thỉnh thoảng thấy chú cười, nhìn vào thấy chú đang bắt nắng. Những bóng nắng tròn như quả quất chui qua mái rạ xuống chiếu.
Tôi không hiểu tình cảm của cha thế nào. Cha kín đáo ít thổ lộ. Tôi không hiểu vì sao cả nhà đều thương Ngoẹo mà cha thì không thương. Có lần tôi lân la hỏi cha, cha chỉ bảo. Nhân đạo là tự sát. Người không ra người, ngợm không ra ngợm. Biết gì mà thương với xót kia chứ. Để mà thương những đứa lành. Tôi nghĩ cha ích kỉ chỉ muốn mẹ dâng hết tình cảm cho cha. Chính vì những tình cảm trái ngược của cha và chú Ngoẹo như thế làm lưng mẹ còng thêm. Mẹ cứ âm thầm khóc. Mẹ muốn cha vui nên mẹ phải giấu tình cảm của mình với Ngoẹo. Mẹ chăm sóc bữa ăn của cha ngon lành đầy đủ. Phần mẹ, mẹ dấu vào tay nải để cho Ngoẹo nhỡ mai kia mẹ chết.
Tôi trở về nhà mang nỗi đau của phần đời con gái không san sẻ được cùng ai thì gặp lúc cha mẹ và Ngoẹo đang buồn khổ vì định mệnh. Tôi vào buồng ngủ với mẹ, ôm tấm thân gầy của mẹ mà lần lữa không dám thổ lộ cùng mẹ nỗi đau của mình. Ở trong buồng thấy mẹ chăm sóc Ngoẹo mà càng thương Ngoẹo. Nhân ngày cha đi vắng, tôi đưa Ngoẹo ra trái hè ngồi bắt chấy, bắt rận cho. Lúc đấy tôi mới biết trên đầu Ngoẹo đã có tóc bạc rồi. Ngoẹo không có tuổi nhưng thời gian vẫn tàn phá cơ thể tật nguyền của Ngoẹo nhiều hơn. Tôi thương thân, thương em nước mắt rơi lã chã trên đầu Ngoẹo. Ngoẹo quay lại nhìn tôi một hồi rồi Ngoẹo lên cơn yêu thương như với mẹ. Thảo ơi Ngoẹo thương chị lắm. Tôi ôm Ngoẹo kể lể nỗi đau. Tôi bảo Ngoẹo. Ngoẹo ơi chị chỉ muốn chết thôi. Ngoẹo bảo. Thảo đừng chết. Chó nó còn muốn sống nữa là. Về với u, u thương chị. Ngoẹo thương chị là được. Nghe Ngoẹo nói tôi bỏ ý định chết. Nếu tôi chết tôi sẽ giết luôn một sinh linh nữa đang sống trong tôi.
Tôi mang lời khuyên của Ngoẹo ra đi để sống. Tôi tiếp tục công việc thành đạt của mình để đè bẹp dư luận lên án tôi với cái tội không chồng mà lại có con. Sẽ dễ dàng hơn nếu tôi cứ ở nhà với u, với Ngoẹo nhưng cha tôi đã buồn khổ vì Ngoẹo quá rồi. Cha tôi mong cho Ngoẹo chết đi thì Ngoẹo cũng đỡ khổ hơn. Tôi cũng chẳng nói lại cho cha cái lời khuyên của Ngoẹo với tôi ngày nào. Nếu cha hiểu được thì cha đã hiểu rồi.
Tôi sinh con, một bé gái tròn trĩnh như trăng mười sáu. Tôi viết thư về cho mẹ nhưng bảo giấu đừng cho cha biết. Mẹ nhờ cô bé hàng xóm viết thư cho tôi. Mẹ không đến với con được vì còn thằng Ngoẹo.
Tôi càng hiểu mẹ hơn khi con gái tôi ngày một khôn lớn. Nó hiểu tình yêu của tôi với nó nên nó yêu tôi vô hạn. Tình yêu của hai mẹ con tôi lấp đầy vào khoảng trống của nhau.
Cha tôi mất trong nỗi buồn khổ mà chính người đã mang không trút bỏ được. Mẹ tôi khóc hờ chồng. Ông ơi đáng ra đời ông sướng mà ông lại không sướng. Có chín đận con thì tám đã thành người tử tế có hiếu có thảo. Còn nó sao ông ghét bỏ nó để mang sầu vào thân. Ông chẳng xem người thiên hạ đó. Đẻ ra người tử tế mà lại thành ma thành quỷ để người đời cười chê. Còn nó, nó lành như củ khoai, củ sắn. Mà nó lại biết thương cha thuơng mẹ lắm, ông sướng mà chẳng biết mình được sướng đó thôi. Nay ông chết đi rồi cầu cho ông được siêu thoát đừng mang thù mang ghét với con nữa ông ơi.
Cha mất rồi lưng mẹ gập lại. Chân tay mẹ chậm chạp run rẩy. Ai cũng ngỡ mẹ chẳng sống được bao lâu nữa. Nhưng mẹ vẫn sống như mặt trời cần mẫn chiếu rọi cho trái đất. Mẹ không cấy ruộng nuôi lợn nữa nhưng mẹ vẫn dậy sớm nấu cơm cho Ngoẹo ăn. Cha chết rồi nên chú Ngoẹo cứ lẽo đẽo theo mẹ. Mẹ đi đâu chú cũng tha thẩn theo đó với gương mặt hiền lành và đôi mắt không có tuổi. Chỉ có điều tóc chú cũng bạc trắng như tóc mẹ. Mẹ và chú Ngoẹo đều không chống lại được sức tàn phá của thời gian.
Rồi chú Ngoẹo chết. Chú chết rất thanh thản khi lên cơn yêu thương mẹ. Hôm ấy hai mẹ con xuống bếp nấu cơm ăn. Chú tha thẩn bên mẹ. Cơm chín rồi mà đầu gối mẹ cứng quá không đứng dậy dọn cơm lên nhà được. Mẹ bảo chú kéo ít rơm rải lại gần bếp rồi ngồi ăn luôn ở bếp cho ấm. Chú Ngoẹo cười rồi kéo rơm làm thành một cái ổ rất khéo. Chú ăn ngon lành. Ăn xong chú cười khoái chí rồi lên cơn yêu thương mẹ. Mắt chú trợn lên. Đôi tròng mắt bỗng nhiên tích tụ bao nhiêu khôn ngoan và nó đã có tuổi. Tuổi năm mươi của một đời người tật nguyền. U ơi con yêu u lắm. Mẹ lẩy bẩy không ôm chú vào lòng được như mọi khi mà chỉ vỗ về chú thôi. Chú nhắm mắt nằm yên trong cái ổ rơm bên cạnh lòng mẹ. Mẹ cũng thảnh thơi ngồi bên chú chờ đợi. Đến chiều mẹ đánh thức chú dậy thì mới biết chú chết rồi. Lúc đó mặt chú thanh thản bao nhiêu thì mặt mẹ cũng thanh thản bấy nhiêu. Mẹ vuốt mắt cho chú rồi lẩm bẩm. Cũng một kiếp người con ạ. Chẳng biết rằng các anh chị con sung sướng hơn hay con sung sướng hơn. Thôi con yên phận con rồi, giờ đến lượt mẹ đây. Mẹ mệt mỏi qúa rồi, muốn nghỉ ngơi nhưng phải sống vì con đó thôi.
Chú Ngoẹo mồ yên mả đẹp xong thì mẹ cũng mất. Mẹ thọ trên 90 tuổi. Thọ nhất trong vùng. Theo tục lệ quê tôi, những ai chết thọ trên 80 tuổi thì con cháu không ai được khóc cả. Chỉ có đàn sáo chầu văn, hát chèo đò để đưa người mẹ lên Tây Trúc. Con cháu vui vẻ cỗ bàn ba ngày để đưa tiễn mẹ. Ông trưởng họ luôn mồm nhắc chị em tôi không được khóc. Nhà phải vui như hội. Ngoài cổng trẻ con tụ tập đông lắm. Khách khứa đến viếng xong cũng chẳng muốn về ngồi lại góp vui. Tôi rơi vào trạng thái không kiểm soát được bản thân mình nữa rồi. Tôi cười nói, đi đi lại lại. Trong lòng tôi muốn khóc lắm như một cái thác ứ nước muốn vỡ oà ra cho thoả thê. Nhìn vẻ mặt các anh chị em khác của tôi cũng thế. Tôi chạy vào buồng của mẹ. Tôi úp mặt vào nơi mẹ vẫn nằm. Thay vì sự khóc thoả thê tôi bỗng thiếp đi. Trong cơn mơ chân tay tôi co rúm lại như Ngoẹo. Mồm tôi nhệch ra. Mắt tôi bỗng trợn ngược. Hai tay tôi cua cua trước mặt. U ơi con yêu u lắm. Mẹ bỗng ngồi dậy chạy nhào đến ôm chặt lấy tôi. U đây, u biết con yêu u lắm. Thôi nào đừng vậy nữa, tội lắm. Tôi thanh thản duỗi dài chân tay yên bình trong lòng mẹ. Chưa khi nào tôi cảm thấy mình được sung sướng như vậy. Ôi giờ thì tôi biết chú Ngoẹo của tôi đã sung sướng như thế nào. Mẹ ơi con sẽ không khóc. Con khóc mẹ sẽ không yên lòng được phải không mẹ.
Những dòng chữ cuốn hút Nấm như Nấm đang đọc một tác phẩm văn học. Nấm không thể tự hỏi rằng đây có phải là những dòng chữ mình đã viết ra tối qua hay không? Mà chỉ có những cảm xúc đang dâng đầy. Mẹ, sao giống mẹ mà lại không phải tất cả những chuyện này là của mẹ. Mẹ mới chỉ 60 tuổi thôi và Nấm chứ không phải là chú Ngoẹo. Nấm chỉ bị ngắn chân chứ có bị ngoẹo đầu đâu. Nhưng khi đọc đến đoạn chú Ngoẹo chết Nấm đã bật khóc nức nở. Khóc không thể kìm nén. Người đàn ông nhiều tuổi nhất phòng, là trưởng ban biên tập tên H đến bên cạnh vỗ vào vai Nấm.
- Sao thế, có trục trặc gì à. Nói nghe xem. Sáng nay thì đi làm muộn, giờ lại khóc nhè.
- Không, cháu không có chuyện gì đâu ạ. Cháu chỉ bỗng nhớ mẹ cháu.
- Úi giời cái cô này. À thôi chết lại tải truyện bậy xuống đọc rồi khóc chứ gì. Để xem nào.
Nấm cuống lên nắm lấy con chuột để tắt máy nhưng người đàn ông đã nhanh tay hơn.
- Cô ngồi tránh ra một bên. Giờ đến lượt cô cũng tải truyện vớ vẩn xuống xem thì tôi cũng phải xem xem thế nào.
Trong phòng làm việc này Nấm vốn vừa sợ vừa nể người đàn ông này vì tính tình điềm đạm và chuyên môn lại rất giỏi.
- Ái chà, một truyện ngắn hay quá. Cô lấy ở mạng nào vậy. Sao không thấy tên tác giả. Truyện viết thật xúc động. Trách nào cô khóc. Nước mắt tôi cũng chảy ra đây này.
Một niềm vui vô tả ngập tràn lòng Nấm. Trời ơi đó là một chuyện ngắn ư. Nó chỉ là một bức thư kia mà. Hai má Nấm nóng bừng và mắt Nấm long lanh.
- Chú ơi.
- Gì nào. Ơ cái cô này lạ chưa, vừa khóc xong mà mắt lại long lanh lên rồi. Sao có chuyện gì nói đi.
- Cháu nói với chú chuyện này chú đừng kể cho ai nhé. Kẻo các chị ấy lại trêu cháu. Đêm qua cháu đã viết chuyện này đấy. Ban đầu cháu định viết thư nhưng không hiểu sao giờ đọc lại lại thành ra thế.
- Cháu nói sao hả Nấm. Cháu đã viết ư?
- Vâng chính cháu đã viết đấy ạ.
- Thật tuyệt vời. Cháu có biết cháu đang ẩn giấu một tài năng không? Tuyệt thật đấy cháu ạ. Ối nhà văn đương đại đang cố gắng chỉ viết được một truyện như cháu vừa viết đấy. Trời đã thương cháu rồi. Hãy cố lên Nấm ơi.
- …
- Này chú sẽ biên tập thêm câu chữ cho rồi kiếm một tờ báo nào đấy ta gửi đăng. À chú nhớ ra rồi tờ Phụ Nữ đang có cuộc thi viết truyện ngắn về đề tài mẹ. Truyện này rất hợp ta sẽ gửi đi dự thi Nấm ạ.