Tiếng chuông
Ý Nhi
Anh vừa móc ổ khóa vào then sắt thì nghe thấy tiếng chuông điện thoại. Tiếng chuông rung lên giữa căn phòng vắng lặng. Anh để nguyên khóa trong móc, đứng nghe. Anh tưởng như nó sẽ reo lên mãi không dứt. Rồi nó đột ngột dừng, không một dư âm. Anh nhìn chiếc máy điện thoại màu trắng nơi góc nhà trong ánh mờ tối. Thôi, anh bật thành lời rồi đưa tay bấm khóa, anh nghe thấy tiếng tách khô khan, tiếng rào rạo của rỉ sét. Qua mùa mưa, chiếc khóa gần như đã hỏng. Anh mong mọi điều may mắn cho em, anh lại nói thầm, anh đi đây. Một vị cay xông lên nơi sống mũi. Anh không khóc. Đã lâu lắm anh không khóc.
Anh cúi xuống cầm chiếc túi, nghe tiếng con gái ngay sau lưng, bố nhanh lên, cả nhà đang đợi.
Anh biết đó là tiếng chuông của Hạnh mặc dù họ đã thỏa thuận không có việc đưa tiễn, dù chỉ là một cuộc điện thoại. Họ đã gặp nhau hai ngày trước nơi quán nước quen. Khi anh đến, ông chủ quán chào vồn vã rồi hướng cái nhìn vào góc phòng nơi Hạnh ngồi quay lưng lại. Hạnh mặc chiếc áo nâu chấm trắng cũ, chiếc áo của lần gặp đầu tiên.
Anh rụt rè hỏi, em tới lâu chưa. Hạnh đáp, được vài phút. Anh lại hỏi, em uống gì. Hạnh đáp, em ly trà đá. Anh kêu, sao lại uống trà đá, uống nước cam hay nước chanh đi. Hạnh nói khẽ, vâng, nước chanh. Anh gặng, giọng nhẫn nhịn, chanh tươi hay chanh muối hả em. Trời ơi, Hạnh kêu lên, chả lẽ uống cái gì lại quan trọng thế sao. Không phải, giọng anh nghèn nghẹn. Hạnh ngẩng lên, anh ngồi xuống đi. Giọng cô đã dịu lại.
Hạnh hầu như chẳng nói gì. Anh cũng im lặng bên ly cà phê đen nguội ngắt. Anh liếc nhìn đồng hồ. Hạnh bảo, anh về đi. Chúc vui.
Anh rồ máy xe. Hạnh bước về lối khác, không ngoảnh lại. Anh đợi cho đến khi Hạnh nhập vào đám đông nơi góc đường. Anh có cảm giác sẽ chẳng bao giờ còn tìm thấy cô trong cái dòng chảy không ngừng ấy.
Anh gặp Hạnh từ năm năm trước, trên một chuyến xe đò chật chội, ồn ào. Anh lên xe muộn, đứng giữa hai hàng ghế, tìm một chỗ ngồi và bắt gặp ánh mắt cô. Cô nhích vào, nhường một chỗ chật hẹp cho anh. Anh gật đầu cám ơn.
Dần dà, không còn ai kêu, không còn ai nói nữa. Người ta ngủ gà ngủ gật trên những chiếc ghế đệm màu đỏ sẫm. Cô nhắm mắt nhưng anh biết cô không ngủ. Bất chợt, một giọt nước lăn dọc theo sống mũi, lăn qua bờ môi cô. Anh không dám cựa mình, không dám ho, cho đến khi chiếc xe bỗng xịch một cái, dựng mọi người dậy. Người tài xế gầy nhẵng, cao kều, nhảy khỏi buồng lái, ngó nghiêng chiếc xe rồi tuyên bố, hư con heo rồi, mời quý vị xuống xe cho.
Cô ngồi hơi xa mọi người, tay bó gối, nhìn chăm chăm hai bàn chân đi đôi dép da màu nâu. Anh đem chai nước tinh khiết mới mở nắp mời cô. Cô cười, cám ơn anh, chắc còn lâu hả anh. Anh nói, tôi mù mịt chuyện máy móc, không biết sẽ ra sao đây. Cô hỏi, anh dạy học phải không. Anh đáp, vâng, dạy môn lịch sử. Cô nói, giọng như ngân nga, tôi thích đọc truyện lịch sử lắm, kiểu như Đêm hội Long Trì, Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng. Anh sửng sốt, xin lỗi, vậy cô làm nghề gì. Cô sửa thế ngồi, bỏ hai tay khỏi gối, khẽ cười, khoe một lúm đồng tiền nhỏ xíu nơi khóe miệng, làm việc nhà, nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp... Trời đất, anh kêu lên. Vừa lúc người lái xe la to, lên đàng.
Cả quãng đường còn lại họ không nói gì. Xe đến thành phố lúc 9 giờ tối, trời mưa lớn. Anh hỏi cô về đâu. Cô ngoảnh lại, thoáng một chút ngần ngại, ngay gần đây. Chắc sẽ còn gặp lại anh trên xứ sở của chúng ta. Cô muốn nhắc đến cái thành phố cao nguyên với những căn nhà gỗ, những con đường đất đỏ. Tại sao anh lại lưu ý đến mấy chữ của chúng ta nhỉ, anh tự hỏi khi ngồi sau lưng người xe ôm về nhà chị anh ở một phố lớn. Mấy ngày sau anh chạy từ hiệu sách này đến hiệu sách khác tìm mua sách giáo khoa cho trường. Anh nghĩ, niềm vui mơ hồ choáng lấy anh suốt thời gian này chính vì anh được ngụp lặn trong cái thế giới sách mà anh hằng yêu mến và từng phải cách xa.
Bữa đó vợ anh đi xe của trường ra đón anh, cũng là để chở mấy thùng sách. Anh nhìn thấy nàng và người tài xế đứng tránh nắng bên hiên nhà bán vé. Nàng khá cao, tóc cắt ngắn, trông xa như một gã trai đỏm dáng. Anh bật cười. Mười mấy năm chung sống, nay anh mới tìm ra một từ chính xác. Nàng quả thực là một gã trai, một gã tốt bụng, nói năng đốp chát, vụng về. Anh cưới vợ sau khi nhận việc ở thành phố cao nguyên này bốn năm. Nàng là nhân viên văn phòng của trường.
Nàng biết mình có nhiều điểm không vừa ý chồng nhưng cứ mỗi lần cố gắng thay đổi tình thế, lại càng khiến chúng trở nên nghiêm trọng. Nàng pha cho chồng những ly cà phê nhạt hoét hoặc đắng nghét, nàng đãi bạn chồng những bữa ăn thừa thịt cá mà thiếu sự mặn mà. Nàng sắm cho chồng những chiếc sáo sơ mi mà chỉ ít lâu sau đã bị chồng đem cho mấy đứa em ở quê ra. Nàng mua một lúc ba con gà để về nhà anh chồng làm cỗ nhưng con nào cũng đủ tiêu chuẩn nấu cao. Bị bà chị dâu chê, anh gắt, đã bảo cô đừng tỏ ra đảm đang mà. Nàng tủi, rơm rớm nước mắt. Anh thấy tội, lại pha trò để cười. Nàng bắt chước cách nói năng, nhận xét của anh với người này, việc nọ. Điều kỳ lạ là, nếu những lời anh nói thâm thúy, có duyên bao nhiêu thì khi thốt ra từ nàng lại trở nên khó chịu bấy nhiêu. Họ sống như vậy đã 16 năm, con lớn đã 14 tuổi. Anh thường cười cười trêu vợ, may quá, thằng bé giống tôi như tạc. Lan, em Hiếu lại giống mẹ nó từ vóc dáng, tính khí đến giọng nói. Anh có thể la rầy Hiếu nhưng mỗi khi anh đụng đến Lan, nàng lại nói, giọng run run, anh chê con em à. Anh cười dàn hòa. Anh không nghĩ mình hạnh phúc hay không. Mọi việc cứ tàm tạm thế mãi. Có ai hỏi về gia cảnh, câu cửa miệng của anh là tàm tạm, đường được.
Vậy mà anh đã gặp Hạnh trên chuyến xe ấy, anh nhớ giọt nước mắt lăn qua khuôn mặt nhìn nghiêng của cô, chiếc lúm đồng tiền nhỏ xíu nơi khóe miệng cô. Vậy mà anh coi câu nói "xứ sở chúng ta" như một lời hẹn.
Chỉ sau khi về cao nguyên mấy ngày anh đã lại gặp cô. Hóa ra cô chỉ ở cách trường anh mấy bước chân. Anh không hiểu vì sao trước đó anh chưa bao giờ gặp cô. Lần đầu gặp lại, cô chỉ cúi chào. Anh cũng đáp lại cùng một cách rồi đạp xe đi thẳng. Anh mong một lần gặp khác. Anh không muốn khẽ cúi đầu đáp lễ như lần trước nhưng cũng không biết phải làm gì. Anh có cảm giác mọi sự rất dễ trở nên lố bịch trước cô. Nhưng cô lại mở lời trước, tôi đã trông thấy anh bao nhiêu lần, trông anh bận rộn lắm. Giọng cô vui vui. Cô lại hỏi, lâu nay anh có về Sài Gòn không. Anh vừa nắm chặt gi- đon xe vừa trả lời, không, không có lý do. Cô cười, thật sao, nếu anh muốn, anh sẽ có lý do. Anh đáp, vâng, chào cô, giọng khô khan. Suốt chặng đường về, anh cố nhớ lại từng chi tiết của lần gặp gỡ, thấy mình ngớ ngẩn, nhạt nhẽo đến nỗi mặt anh nóng ran, lưỡi đắng ngắt.
Những gặp gỡ giữa đường, những câu chuyện không đầu không cuối đốt cháy ngày tháng của anh. Một giấc mơ cứ trở đi trở lại, anh thấy Hạnh mặc chiếc áo cánh trắng đứng đợi anh bên kia đường, anh định băng qua thì một chiếc ô tô lao tới, rồi hết chiếc này đến chiếc khác nối đuôi nhau, anh nhìn thấy Hạnh băng qua những khoảng trống nhỏ nhoi giữa hai chiếc xe. Rồi Hạnh bỗng biến mất. Anh bừng tỉnh rồi thức đến sáng.
Một chiều nọ, anh bước vào căn nhà nhỏ của cô. Cô ngẩng nhìn, khẽ gọi, anh vào nhà đi.
Gia đình của Hạnh chỉ có hai mẹ con. Bố Hạnh đã theo một người đàn bà khác về thành phố. Lần cô về xuôi là để thăm người cha bệnh nặng. Cô nói, bố em thật xa lạ với em. Em đi thăm bố vì thương mẹ, mẹ vẫn nghĩ ngoài mẹ ra, chẳng ai biết yêu thương, chiều chuộng bố. Anh thấy có lạ lùng không. Anh nhận chén trà nóng từ tay cô, khẽ đáp, vâng, thật lạ lùng. Chuyện tình cảm là chuyện không thể giải thích được. Rồi anh ngừng bặt, tưởng mình vừa nói điều gì thất thố. Anh muốn nói một câu gì thật giản dị, thật nhẹ nhàng như nói với một đứa em gái nhỏ nhưng anh không tìm ra lời. Biết Hạnh đang nhìn mình, anh quay lại. Hạnh mặc chiếc áo cánh trắng, đúng như bao lần anh thấy trong mơ, anh kêu lên, trời đất, lòng muốn òa vỡ.
Vừa hạnh phúc, vừa buồn tủi, họ quen nhau đã mấy năm. Những lúc vui, Hạnh hát khe khẽ. Giọng cô non nớt như giọng một đứa trẻ. Hạnh chỉ chọn những câu mình thích, không bao giờ cô hát trọn một bài. Dần dà, anh cũng thuộc những câu hát của cô: ngày nào vừa đến đã xa muôn trùng, ngày nào vừa đi một bóng lắng im - Em tan trường về, anh theo Ngọ về, chân anh nặng nề, lòng anh nức nở - Người đi qua đời tôi, đường xưa đầy lá úa, vàng xưa đầy dấu chân, đen tối vùng lãng quên - Trầm mình trong hương đốt hơi bay, mong tìm ra phút sum vầy - Giữa đường đi một người đứng gọi, có biết gì về ngày chưa tới... Khi hát, cô không để ý đến anh nhưng anh biết cô vui. Những lúc như vậy không nhiều trong khoảng thời gian eo hẹp của họ.
Người chồng của Hạnh, một cán bộ lâm nghiệp, sau ba năm chung sống cũng đã bỏ đi cùng một người phụ nữ khác. Hạnh không tìm kiếm, cô nghĩ đó là nghiệp dĩ. Cô không biết mình may mắn hay rủi ro khi chưa kịp có một đứa con, như mẹ cô. Mẹ cô suy sụp hẳn sau chuyện đó. Cô đem bán tất cả nữ trang, kể cả chiếc vòng cẩm thạch của bà ngoại, để lo thuốc thang cho mẹ. Anh nhìn cổ tay trống trơn của cô, chợt nhớ câu hát những ngón tay gầy héo ấy, với ta, vẫn còn là thơ. Anh nói sẽ mua cho Hạnh, Hạnh cười, không,em đâu có cần. Ngay từ ngày nhỏ em cũng không ham thích vòng, nhẫn, dây chuyền... Em không hiểu sao người ta có thể thích một viên kim cương hay một chuỗi ngọc đến độ có thể làm những việc rồ dại. ừ, lạ thật, anh đáp, lòng như thắt lại.
Đôi khi họ nói với nhau về một đời sống khác, như kiểu các nhân vật của Sêkhov nói đến chuyện về Maxcơva, các nhân vật của Nam Cao nói chuyện đi Sài Gòn. Hạnh bảo, em thích kịch của Sêkhov. Không gì khủng khiếp hơn khi người ta nói ra những mơ ước mà trong thâm tâm không hề tin là có thể thực hiện được. Anh lại đáp, kịch của Sêkhov rất khó diễn, mâu thuẫn kịch nằm trong chính tâm hồn của nhân vật, phải là diễn viên siêu hạng mới diễn nổi. Cô cười buồn, bỏ qua cho anh kiểu đánh trống lảng mà cô đã quá quen thuộc mỗi khi bàn đến cuộc sống của chính họ. Cô biết anh cũng chẳng có cách nào khác.
Thế rồi người chị của anh ra ngoại quốc, gọi anh về thành phố nhận nhà. Nghe tin, cô chỉ nói, trời thu xếp đấy. Trời khiến mình gặp nhau, trời khiến mình xa nhau. Anh không đáp nhưng anh biết rằng cũng đã đến lúc phải ra đi. Anh không biết nếu anh ở lại mọi chuyện sẽ ra sao. Cũng không biết rồi đây anh sẽ sống như thế nào, một đời sống không có cô. Trong khi phải lo hàng đống công việc cho chuyến ra đi, lòng anh như tan nát. Có hôm nghe vợ con trò chuyện râm ran, anh gắt, các người tưởng thành phố là thiên đường chắc. Ba người im bặt. Anh nói giọng mệt mỏi, bã người vì các thứ giấy tờ.
Hạnh không than van, không hờn trách, lo chạy mua cho anh mấy thứ quà lưu niệm nho nhỏ. Anh nói, hồi nào anh chết, anh sẽ đem chúng theo. Cô đưa tay che miệng anh, nói chi chuyện đó, hãy lo sống đã. Nếu không phiền, thỉnh thoảng anh tin cho em. ừ, anh sẽ viết thư, sẽ điện thoại. Cô bảo, đừng hứa trước nhiều quá rồi không làm được. Em nghĩ thành phố như một dòng lũ cuốn, người ta chẳng biết chỗ nào dừng.
Cả nhà nhường anh chỗ ngồi bên người tài xế, xe đổ dốc, ngang qua trường anh, ngang qua dãy phố quen, ngang nhà Hạnh. Ô cửa nhỏ bên hông nhà vẫn mở.
Người tài xế quờ tay trong đống băng cũ, nhặt một cái đặt vào máy. Một giọng nữ trầm ấm. Dưới ngọn đèn một bóng chim qua, Giữa đường đi một người đứng gọi. Có biết gì về ngày chưa tới. Anh kêu lên, trời đất, rồi đưa tay day day chỗ ngực vừa dội lên cơn đau.
Hết