Tương Tàn
Trần Trung Đạo
Gặp lại anh tại chùa sáng nay tôi mừng quá. Ở xứ la. quê người gặp được một người quen đã mừng rồi đừng nói chi là một người cùng sanh ra một làng, lớn lên một nơi và sinh hoạt chung một Gia Đình Phật Tử từ khi tôi còn thơ ấu. Anh lớn hơn tôi ít nhất cũng hai chục tuổi. Mái tóc anh đã bạc màu, khuôn mặt xương xỏ, vầng trán cũng đầy vết nhăn. Tôi nhận ra anh ngay một phần cũng nhờ vết sẹo bẩm sinh trên má phía bên trái của anh. Lễ Vu Lan năm nay không đông người dự bằng mọi năm. Trong chánh điện còn nhiều chỗ trống nhưng hình như anh không thích đám đông. Anh đứng lặng lẽ trong một góc sân chùa, lẩm bẩm tụng kinh. Anh không nhận ra tôi. Ba mươi năm qua trong đời sống với biết bao nhiêu thăng trầm thay đổi.
Ngày biết anh, tôi còn là thằng bé mười tuổi đầu, đoàn viên đội Đồng Nam của Gia Đình Phật Tử Ba Phong. Bây giờ con tôi cũng đã trên mười tuổi, anh không nhận ra tôi là phải. Khi nghe tôi kê khai tên họ và kể lại chuyện xưa, đôi mắt anh chợt sáng hẳn lên. Anh nhớ ra ngay. Anh nhìn thẳng một hồi lâu vào mặt tôi rồi dang hai tay ôm chầm lấy tôi vào lòng như đã từng ôm tôi, từng vuốt tóc tôi những ngày khi tôi còn là một đoàn viên mười tuổi. Khi buông tay ra, tôi thấy đôi mắt anh đỏ hoe. Anh vui mừng như vừa tìm lại một kỷ niệm thân yêu tưởng đã mất từ lâu hay là vì tôi, như nhánh cây vô tình khơi lại mặt hồ trong lòng anh một vết thương không bao giờ nguôi được. Tan lễ, anh rủ tôi về nhà anh ở Dorchester để uống một ly nước và cũng để biết nơi anh ở. Tôi đi theo anh ngay vì riêng tôi ba mươi năm qua cũng còn nhiều điều thắc mắc tôi cần phải hỏi.
Thú thật năm đó chính xác là năm nào tôi cũng chẳng còn tin là mình nhớ đúng. Tôi chỉ nhớ tôi vào Gia Đình Phật Tử nhân ngày Lễ Phật Thành Đạo, ở một khoảng thời gian khi tôi còn nhỏ lắm. Nhỏ đến nỗi trong ký ức xa xôi chỉ còn lại hình ảnh một thằng bé luộm thuộm, cồng kềnh trong chiếc quần xanh rộng thùng thình và dài quá gối mà cha tôi may dành cho ngày trọng đại: ngày tôi gia nhập Gia Đình Phật Tử.
Cha tôi dắt tôi đi trên con đường cong rợp bóng tre xanh để đến chùa Ba Phong, ngôi chùa nhỏ của làng Mã Châu vừa mới được xây xong. Chùa rất đẹp, nằm trên một lô đất rộng phía cuối làng, mặt trước chùa hướng ra bờ sông Chợ Vạn. Dạo đó, chiến tranh chưa lan tràn tới quê tôi. Ngồi trên thềm chùa, người ta có thể thấy bãi cát Tây An trắng phau chạy dài tận Núi Đất. Ngồi bên thềm chùa người ta có thể lắng tai nghe tiếng nước suối Yến chảy réo rắt từ phía bên kia bờ sông vọng lại.
Từ đó tôi như con chim nhỏ bắt đầu tập hát những bài hát thương yêu và hy vọng trong khu vườn đời đầy nắng ấm. Gia Đình Phật Tử thắp lên trong hồn tôi ngọn lửa để tôi không còn cô đơn nữa, tôi không còn sợ hãi nữa. Tôi có anh, có chị, có bạn bè. Gia đình tôi không còn heo hút nữa nhưng đã đông vui, nhộn nhịp hẳn lên.
Từ đó tôi như con nai tơ tìm được dòng suối mát của đạo từ bi đang bắt đầu róc rách chảy qua tâm hồn mình. Tôi cảm nhận được rằng tình thương là một điều có thật và tôi được dạy để thương yêu đồng loại và chúng sinh như thương yêu chính bản thân mình.
Từ đó tôi như bắt đầu một cuộc sống mới. Gia Đình Phật Tử dạy tôi cách sống hòa mình trong tập thể, cho tôi thấy được sự quan trọng và trách nhiệm của một con người trong cộng đồng xã hội. Tôi học cách mở mang sự hiểu biết của mình trong tinh thần Phật Giáo khoa học, khai phóng và dung hợp. Gia Đình Phật Tử không những dạy tôi làm người phải sống cho một mục đích hướng thiện và nhân bản nhưng cũng can đảm chấp nhận những khó khăn để đạt tới mục đích tốt đẹp đó.
Sau nầy tôi lớn khôn lên, đi vào đời với bao nhiêu khó khăn vất vả nhưng càng gian khổ bao nhiêu tôi càng biết cám ơn hạt giống Bi Trí Dũng do Gia Đình Phật Tử gieo trồng trong tâm hồn thơ ấu của tôi.
Những đêm trăng sáng chúng tôi ngồi quây quần bên lửa trại để nghe các chị Thu, chị Trưởng của chúng tôi, kể chuyện về cuộc đời đức Phật. Nhiều khi rảnh rỗi hơn chị còn kể những chuyện cổ tích, chuyện dân gian như Tấm Cám, Ăn Khế Trả Vàng cho chúng tôi nghe. Chị Thu có đôi mắt rất đẹp và nụ cười thật hiền. Mái tóc chị chảy dài xuống vai trong đêm trăng sáng làm tăng vẻ đẹp dịu dàng và thánh thiện của chị. Chúng tôi thích nghe chuyện cổ tích hơn là chuyện đạo vì chuyện cổ tích ly kỳ gay cấn hơn những chuyện sông A-Nô-Ma, vườn Lâm-Tỳ-Ni. Những câu chuyện đạo không nhiều nên bọn tôi thuộc ráo cả. Nhiều chuyện chị chưa kể xong bọn tôi đã biết kết luận ra sao rồi, thâm chí có khi chị quên bọn tôi còn nhắc chị cơ mà. Giọng chị Thu ngọt ngào và nhẹ nhàng như người mẹ càng làm cho những câu chuyện thuộc loại Tấm Cám thêm phần cảm động. Trong những đêm vui như thế, thường là những tối thứ Bảy, chúng tôi ngủ đêm ngay trong chánh điện của chùa để sáng mai còn tiếp tục sinh hoạt. Chị Thu thương chúng tôi lắm và chúng tôi cũng coi chị như chị ruột của mình. Chị nấu cơm cho chúng tôi ăn, chị dạy chúng tôi học và đôi khi đi họp đoàn chị còn mang theo cả kim chỉ để lỡ có đứa nào trong bọn tôi bị rách áo quần thì đem theo để chị vá lại dùm cho.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, ngoài là Liên Đoàn Trưởng của Gia Đình Phật Tử chúng tôi anh còn là Hiệu Trưởng của trường Trung Học Đệ Nhất Cấp ở quận Duy Xuyên. Cũng vì là thầy giáo nên anh có phần nghiêm nghị hơn các anh chị khác trong ban huynh trưởng. Anh săn sóc chúng tôi như người anh cả. Ngoài việc hướng dẫn đoàn, anh còn mở thêm ở chùa những lớp dạy kèm cho những đoàn viên học kém ở trường. Anh có nhà riêng nhưng thường hay ở lại trong chùa. Ngoài những giờ sinh hoạt đoàn, anh đọc sách. Anh biết đàn và hát rất hay. Anh tập chúng tôi hát những bài hát đạo và cả những bài hát quê hương mà anh yêu thích. Sau bao nhiêu năm tôi vẫn còn nhớ như in dáng dấp nghệ sĩ của anh khi ôm cây đàn guitar đứng hát bài Những Nẻo Đường Việt Nam "Những nẻo đường Việt Nam, suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan, ôi những nẻo đường Việt Nam ...ta đắp đường làng ta, nhắn ai đi chớ quên quê nhà ...". Giọng anh thiết tha và trầm ấm. Anh dạy chúng tôi đánh Morse, dạy chúng tôi thắt gút, đóng trại. Bọn tôi không thích nghe anh thổi Morse chút nào vì anh thổi nhanh như gió. Mỗi lần có trại anh thường là người thổi Morse cho trò chơi lớn. Đội chúng tôi toàn là tay dốt Morse, nên khi nghe anh thổi thì bọn tôi chẳng tài nào nghe kịp. Cố gắng lắm cũng chỉ ghi được vài tiếng tít tít te te đầu tiên mà thôi còn sau đó thì chỉ biết nhìn nhau. Cả đội đành cúi mặt chịu đựng rẻ khinh, lò mò theo mấy đội con gái mà đi tìm mật thư. Đám con gái đi đâu thì bọn tôi bám như đỉa theo đó. Có lần bị đám con gái biết ý định nên lập kế để nửa đội dắt bọn tôi đi vòng vòng cả buổi trong khi nửa đội còn lại âm thầm tới lấy mật thư đem về lãnh giải. Biết bị gạt nhưng vì là những người gian mắc nạn nên bọn tôi chỉ biết đành nghiến răng nuốt hận mà thôi.
Vài đoàn viên có tật hay ngứa miệng, trong đó có tôi, cảm thấy anh Tuấn chị Thu xứng đôi vừa lứa và cũng rất mến nhau nên cặp đôi anh chị là vợ chồng. Những tin tức của bọn tôi tung ra chọc ghẹo chị Thu chẳng may lọt vào tai anh Tuấn. Thế là một buổi chiều Chủ Nhật sau khi họp đoàn, tôi và các cu cậu miệng ăn mắm ăn muối được anh Liên Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Tuấn gọi lên chánh điện "hỏi thăm sức khỏe". Khi nghe gọi chúng tôi đã biết chuyện chẳng lành sắp sửa xảy ra và thậm chí còn biết hình phạt gì sẽ dành cho chúng tôi. Trong Gia Đình Phật Tử hình phạt tương đương với hình phạt khổ sai ở ngoài đời là phạt quỳ hương. Không đứa nào dám chối, chỉ cúi đầu nghe anh giảng một bài tư cách đoàn viên Gia Đình Phật Tử dài chừng nửa giờ, sau đó nhận lãnh hai cây hương dài. Để bảo đảm hình phạt được thực hiện nghiêm túc và trọn vẹn, anh Tuấn còn sai cậu đội trưởng của chúng tôi đứng canh phòng, thỉnh thoảng đánh chuông để chúng tôi lạy Phật sám hối lỗi lầm. Mỗi khi nghe tiếng chuông bọn tôi phải lạy một lạy. Cũng may cậu đội trưởng không thù hằn gì bọn tôi nên lâu lâu mới gõ chuông một tiếng.
Tôi bị phạt mà không tâm phục, vì gần cả giờ răn dạy bọn tôi, anh Tuấn không hề xác nhận hay phủ nhận tin đồn về chuyện tình cảm giữa anh và chị trưởng. Đại ý anh chỉ trách chúng tôi không lo học hành tu tập lại bày đặt nhỏ to chuyện người lớn. Nhưng cũng từ đó, tôi để ý thấy chị Thu không còn tự nhiên với anh Tuấn, ít nhất trước mặt chúng tôi. Nếu đứa nào lỡ miệng nhắc lại chuyện quỳ hương, tôi thấy chị Thu mặt đỏ như gấc, tay mân mê vạt áo dài lam và mắt nhìn đi chỗ khác như trong truyện thằng bé ăn cắp quả trứng bị bắt quả tang mà có lần chị đã kể cho chúng tôi nghe. Tôi cũng để ý, không giống như anh Tuấn giận phạt chúng tôi quỳ hai cây hương, chị Thu lại không tỏ ra buồn hay giận gì chúng tôi. Có lần tôi định nói với chị Thu rằng người đáng bị quỳ hai cây hương là chị đấy. Cũng may là tôi chưa nói ra đã kịp rút lưỡi lại nếu không thì hai cây hương đó chắc là tôi hưởng một mình.
Nhưng từ sau những ngày rất đẹp nhưng ngắn ngủi đó, chiến tranh cũng đã lan tràn đến làng Mã Châu hiền hòa nhỏ bé của tôi. Mỗi nhà đã phải đào một căn hầm tránh đạn. Đứng bên bờ sông, tôi không còn nghe tiếng mái chèo của các chiếc ghe chở rau, chở lụa trở về trong những chiều nắng tắt. Trời chiều như đã xuống nhanh hơn, bóng tối đã về nhanh hơn trong sân chùa Ba Phong thân thương của chúng tôi. Tiếng súng vọng về mỗi đêm từ phía bên kia sông. Màu hỏa châu đã thay thế cho ánh trăng vàng quen thuộc. Một đêm, khi đang ngủ tôi bị đánh thức bởi tiếng súng nổ dồn dập thật gần. Cha tôi kéo tôi nằm sát đất và kê miệng nói nhỏ cho tôi biết là phía bên kia đang tấn công vào trong ấp chiến lược làng tôi. Sáng ra, khi vừa thức dậy thì chúng tôi nghe tin anh Tuấn, Liên Đoàn Trưởng của chúng tôi đã vắng nhà sau đêm đó. Có người bảo rằng anh bỏ nhà đi theo Việt Cộng nhưng cũng có người nói rằng anh bị Việt Cộng về bắt đem đi. Người em gái của anh Tuấn là nhân chứng duy nhất có mặt trong nhà đêm đó nhưng phải trốn dưới hầm sâu nên chẳng rõ đầu đuôi gốc ngọn xảy ra như thế nào, ngoài việc chị nghe có nhiều tiếng chân người chạy dồn dập trên nắp hầm. Tôi chạy xuống chùa thì chị Thu và các anh trưởng khác đã có mặt. Chị Thu hốt hoảng như vừa đánh mất một vật quý giá nhất đời mình. Chưa bao giờ tôi thấy chị Thu lo sợ như vậy. Chúng tôi cả đoàn sắp hàng trong chánh điện để làm lễ cầu an cho anh. Anh Liên Đoàn Phó ngành nam, Huỳnh Văn Ẩn, chính thức báo cho ban trị sự chùa và Gia Đình Phật Tử biết rằng anh Nguyễn Văn Tuấn, Liên Đoàn Trưởng Gia Đình Phật Tử Ba Phong đã bị Việt Cộng đột nhập vào làng và bắt đi đêm qua. Một bác trong ban trị sự đứng dậy hỏi anh Ẩn có bằng chứng gì cho thấy là anh Tuấn bị bắt. Anh Ẩn ngần ngừ một lúc rồi đáp rằng anh đã được trên Quận xác nhận đúng là như thế. Anh Ẩn, ngoài là Liên Đoàn Phó ngành Nam của Gia Đình Phật Tử anh còn là Trung Đội Phó Nghĩa Quân của Xã, nên câu nói của anh đã đánh tan mối hoài nghi trong lòng những ai nghĩ khác về anh Tuấn. Anh quyền Liên Đoàn Trưởng Huỳnh Văn Ẩn của chúng tôi, dạo mới đây ít sinh hoạt không biết vì bận chuyện ngoài Xã hay vì giữa anh và anh Liên Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Tuấn không thuận nhau điều gì đó như bà con trong xóm đồn đại. Nhìn về phía chúng tôi, anh khuyên chúng tôi bình tĩnh và tiếp tục sinh hoạt như trước. Anh hứa từ nay sẽ đến với chúng tôi thường xuyên. Chúng tôi miệng thì dạ vang nhưng gan ruột rối bời.
Anh Ẩn giữ lời. Anh dành nhiều thời gian để săn sóc chúng tôi. Anh cũng thương chúng tôi với tất cả tấm lòng của một người huynh trưởng. Anh cũng cố dạy chúng tôi hát dù anh hát không hay bằng anh Tuấn và dạy giáo lý mỗi tuần dù anh ăn nói không lưu loát bằng anh Tuấn. Anh cố diễn xuất, đóng kịch để chúng tôi vui dù không khéo léo, không có dáng nghệ sĩ như anh Tuấn. Anh cố gắng bảo vệ thôn làng thân yêu của chúng tôi, cố gắng bảo vệ chúng tôi như con chim đầu đàn cố giương đôi cánh che chở cho đám chim em giữa cơn giông bão.
Về phần chị Thu, từ ngày anh Tuấn xa đoàn, chị như bông hoa thiếu nước. Chị vẫn đến với đoàn nhưng nụ cười hiền hòa đã tắt trên môi chị. Anh Ẩn và ban huynh trưởng đều biết điều đó nhưng ai cũng cố tình làm như mình không biết đến. Mọi người đều hy vọng thời gian sẽ làm chị nguôi đi. Mặc dù anh Ẩn bảo đảm với mọi người là anh Tuấn bị Việt Cộng bắt đi nhưng trong làng nhiều người vẫn chưa tin hẳn, vẫn còn có kẻ bàn vô tán ra về chuyện bị bắt của anh.
Làng tôi sống trong không khí tạm bình yên được chừng sáu tháng, một đêm tiếng súng lại nổ vang ở phía vườn chùa. Lần nầy súng không nổ lâu như những lần trước và cũng không chứng tỏ gì hai bên đã đánh nhau lớn, chỉ vài tràng đạn chát chúa vang lên rồi tắt lịm. Bình thường khi trận chiến nổ ra, hỏa châu bắn yểm trợ từ căn cứ pháo binh Hòn Bằng nã xuống làm sáng rực cả góc trời nhưng đêm đó thì tuyệt nhiên im lặng. Cả làng chìm trong bóng tối. Khi trời chưa đủ sáng thì có tiếng chú tôi gõ cửa tìm cha tôi. Chú tôi làm Ấp trưởng nhưng nếu có chuyện gì quan trọng thì người thứ nhất ông báo không phải là ông Xã trưởng mà là cha tôi. Cha và chú tôi nói với nhau điều gì đó tôi không nghe rõ. Sau khi chú tôi ra về, cha tôi gọi tôi lại gần và cho tôi biết anh Liên Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Tuấn trở về và bị bắn chết ngoài bến đò. Xác anh Tuấn được giao cho thân nhân anh đem về nhà chôn cất. Cả người anh được đắp kín bằng chiếc chiếu nhuộm đầy vết máu. Chúng tôi không được thấy mặt anh chỉ thấy hai bàn chân xanh bầm của anh ló ra ngoài chiếu. Chị Thu đang gục mặt lên thành giường mà khóc. Chị chẳng còn gì để dấu nữa. Anh và chị yêu nhau từ khi họ mới biết yêu, ngay cả trước khi anh đi học sư phạm ở Huế. Anh chị không muốn đoàn sinh xao động, không muốn ảnh hưởng đến sinh hoạt của các em sớm quá nên anh chị không cho ai biết. Dĩ nhiên họ mong đến một ngày thật đẹp trời và thật thích hợp nào đó sẽ chính thức công bố với đoàn. Chị Thu tưởng tượng ngày đó chúng tôi sẽ reo lên vì mừng rỡ, sẽ chạy lên bá cổ anh chị mà chúc mừng, sẽ đứng dọc hai bên đường làng mà chọc ghẹo cô dâu chú rể, sẽ sắp hàng hai bên cổng chùa chào anh Liên Đoàn Trưởng, chị Liên Đoàn Phó thành chồng vợ. Ngày đó đã không bao giờ đến với chị Thu nữa. Chiếc áo chúng tôi rách nhờ tay chị vá may nhưng chiếc áo tâm hồn của chị rách sẽ chẳng ai có thể vá lành lại được.
Đám tang anh Tuấn diễn ra trong nghi lễ Phật Giáo. Chúng tôi sắp hàng hai bên bắt ấn Tam Muội chào khi quan tài chứa thân xác đầy vết đạn của anh Liên Đoàn Trưởng chúng tôi do ban huynh trưởng khiêng từ chùa đi ra. Chị Thu trong chiếc áo lam dài và mái tóc rối bời đi sau quan tài. Tất cả chúng tôi đều khóc. Anh Ẩn cũng im lặng trầm ngâm đi sau quan tài. Người trong làng đồn nhau anh Tuấn vượt tù và bị Việt Cộng đuổi theo giết chết nhưng đó cũng chỉ là tin đồn.
Chiến tranh, từ đó, cũng đã lan tràn mạnh, đoàn chúng tôi không còn sinh hoạt nữa. Chùa Ba Phong bị sập một bên và khu vực chùa cũng không còn an ninh như trước. Anh Ẩn đăng lính và đóng tận ngoài Quảng Trị. Chị Thu cũng từ giã chúng tôi để theo gia đình dọn ra Đà Nẵng làm ăn và sau đó đã có chồng. Gia đình tôi cũng quyết định rời xa thôn làng Mã Châu yêu dấu để vào Nam. Tôi bước đi trên con đường đầy gai tre mang theo trong lòng ngổn ngang bao điều thắc mắc, thắc mắc về chuyện anh Tuấn ra đi, về chuyện tại sao anh Tuấn trở về, về chuyện tại sao anh Tuấn bị bắn chết, và ai đã giết anh. Những thắc mắc mà trí óc còn xanh ngày xưa của tôi chẳng thể nào hiểu được, những câu hỏi đó tôi phải chờ 30 năm sau, nhân dịp đi chùa sáng nay và gặp lại anh Liên Đoàn Phó Huỳnh Văn Ẩn, tôi mới hiểu ra hết sự thật.
Anh Huỳnh Văn Ẩn rót thêm vào tách trà của tôi và rót đầy vào tách của anh trước khi kể tiếp:
- Anh muốn các em mãi mãi nhớ một anh trưởng Nguyễn Văn Tuấn với chiếc áo lam, chiếc mũ nỉ nhọn truyền thống của Gia Đình mình. Anh không muốn đánh mất hình ảnh huynh trưởng Nguyễn Văn Tuấn đáng yêu, đáng kính trong lòng các em. Anh biết Tuấn thương yêu các em thật sự nhưng anh ấy cũng theo đuổi một con đường riêng của ảnh. Anh không trách Tuấn vì chính anh cũng có chọn lựa riêng cho mình. Anh biết Tuấn trước sau gì cũng bỏ làng mà đi. Anh chỉ yêu cầu Tuấn một điều, nếu đi thì đừng bao giờ trở lại làng ta nữa. Hãy để các em yên vui sinh hoạt, yên vui tu tập. Nhưng Tuấn đã không giữ lời.
Anh Ẩn trầm ngâm một chốc rồi nói như trăn trối:
- Bây giờ anh đã già và đang bị bịnh nặng. Đời tỵ nạn trên xứ người của anh cũng chẳng còn bao lâu nữa. Anh chẳng còn gì để dấu diếm các em. Ngày ở tù ra anh định ghé thăm Thu nhưng cuối cùng không đến. Để làm gì. Cơn bão đã qua đi nhưng để lại những tâm hồn tan nát trong một đất nước điêu linh băng hoại. Ý thức hệ đã chia bọn anh ra làm hai ngã tương tàn. Anh không hối hận nhưng vô cùng đau xót. Vết thương trong tâm hồn anh sẽ không bao giờ lành lặn. Anh kể lại không phải để tìm sự an ủi cho chính mình, không phải để biện minh cho hành động, cho chọn lựa của mình. Lịch sử dù đáng yêu hay tàn nhẫn cũng là lịch sử. Anh là huynh trưởng của các em, Tuấn là huynh trưởng của các em và Thu là chị trưởng của các em. Ba mươi năm anh giữ kín chuyện nầy vì anh không muốn thấy trên chiếc áo lam hiền hòa chơn chất của các em ngày đó bị hoen ố bởi giọt máu hận thù từ tay của các anh nhỏ xuống. Anh không muốn thấy tâm hồn thanh tịnh, trắng trong của các em ngày đó bị lem luốt bởi những màu đen của khói đạn nhả ra từ nòng súng của các anh. Anh hy vọng mai nầy có cơ hội các em sẽ có cơ hội xây dựng lại chùa, xây dựng lại đoàn trên một đất nước tự do, không có chiến tranh, không có thù hận, không có rẽ chia cốt nhục, huynh đệ tương tàn. Anh mong rằng các em và những thế hệ Việt Nam sau này, sẽ yêu thương nhau và lịch sử đau thương sẽ không còn lặp lại.
Chúng tôi ngồi trong đêm vắng. Đêm đã xuống từ lâu mà anh em chúng tôi không hay. Anh Ẩn vói tay mở đèn, tôi thấy trên má người lính già và người anh trưởng Gia Đình Phật Tử Huỳnh Văn Ẩn của tôi vẫn còn vương nước mắt.
Trần Trung Ðạo