Đoàn Giỏi sinh ngày 17.5.1925 tại Tân Hiệp - Châu Thành tỉnh Tiền Giang. Ông xuất thân từ một gia đình địa chủ lớn, có hàng trăm mẫu ruộng màu mỡ ven sông Tiền. Nhà ông xưa toà ngang dãy dọc, nơi mà bây giờ trở thành trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành. Tất cả nhà và đất gia đình ông đã tự nguyện hiến cho kháng chiến ngay từ đầu. Sau ngày thống nhất đất nước, nhà văn Đoàn Giỏi ra vào Nam – Bắc như cánh chim trời. Ở Hà Nội thì ông ở trụ sở Hội Nhà văn, vào Mỹ Tho thì ở cơ quan Hội Văn Nghệ, còn ở Sài Gòn ông tá túc tại nhà một người bạn trên đường Võ Văn Tần. Cho đến khi qua đời ở tuổi 65 (1989), ông vẫn chưa có một mái nhà riêng. Đoàn Giỏi là con đẻ và là kết tinh của nền văn hoá phương Nam, ông đã hiến trọn của cải vật chất và tinh thần của mình cho những người dân phương Nam khẳng khái khai phá, sáng tạo! Để có được một miền đất phương Nam trù phú với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những cánh chim tung trời, tiếng vó ngựa reo vui trên đường làng, tiếng mái chèo trên sông nước… chúng ta không thể quên được công lao to lớn của ông cha ta hơn 300 năm về trước xuôi thuyền vô phương Nam đi mở đất – qua bao cuộc bể dâu, qua bao cuộc đổi thay, qua bao gian khổ hy sinh với một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu quê hương mãnh liệt. Không biết tự bao giờ những câu hò, điệu lý đã đi sâu và in đậm trong từng tấc đất, từng con người và từng mái nhà, từng rặng cây… để hôm nay chúng ta được kế thừa một tài sản âm nhạc vô giá mang đậm dấu ấn của miền sông nước, cái nôi của các ngón đờn tài tử cải lương. Chúng ta gặp nhà văn Đoàn Giỏi ở rất nhiều nơi: trong trang sách giáo khoa, trong ngôi nhà dấu yêu nhỏ bé. Nụ cười của ông vẫn còn tươi nguyên bên bàn thờ còn nghi ngút khói hương. Chúng ta còn gặp ông bên cạnh các bạn văn một thời trong những tấm ảnh đã ngả màu, và cuối cùng là ở nghĩa trang nơi duy nhất mà ông không còn phải bận rộn với những tác phẩm văn học. Dù bất cứ ở đâu, ông cũng được đồng nghiệp, bạn bè, độc giả thương mến. Và ai từng tiếp xúc với ông đều có chung cảm giác: Nhớ nhà văn Đoàn Giỏi. Nhà văn biến miền quê riêng thành miền quê chung... Trong tập tiểu luận - phê bình “Tiếng vọng những mùa qua” của Nguyễn Thị Thanh Xuân (NXB Trẻ, 2004) nhận định về tác giả Đất rừng phương Nam: “Có mảnh đất sinh ra những nhà văn, và ngược lại, có nhà văn từ trang viết đã biến miền quê riêng của mình thành miền quê chung thân thuộc trong tâm tưởng bao người... Với Đoàn Giỏi, tôi nghĩ rằng ông đã đón nhận được cái hạnh phúc đó... Ông đã đem đến cho bạn đọc cả nước những hiểu biết và tình cảm về một vùng đất mà trước đó xa ngái, hoang sơ trong hình dung của mọi người... Ông đã xây dựng những nhân vật lòng đầy nghĩa khí mà tinh tế và giàu chất văn hóa..." (Đoàn Giỏi, đất và rừng phương Nam). TS Phạm Văn Tình trong bài “Mái đình - nét đẹp trong hồn quê Việt Nam” viết: "Nhà văn Đoàn Giỏi, trong bài tùy bút “Măng tầm vông” đã có những dòng thật cảm động, mô tả tâm trạng của người con miền Nam tập kết ra Bắc, ngồi trên thuyền nhìn lại xóm làng của mình lần cuối: “Tôi đứng mãi trên boong, chờ đợi phút qua ngang nhà. Làng tôi, xanh ngắt những tàu dừa, tàu chuối. Mái đình cháy hơn một nửa, nhô ra giữa rặng cây. Bờ tầm vông thấp thoáng, ngọn tầm vông hoe vàng trong ánh nắng một chiều thu". “Mái đình cháy hơn một nửa" - vết tích của chiến tranh tàn phá, như một nỗi đau gieo giữa lòng nhà văn, một người con sắp tạm rời xa xứ sở. Đấy là nỗi đau đau đáu của dân tộc bao nhiêu năm. Đó là một mảnh hồn quê, làm nên một nét đẹp của xóm làng Việt Nam, từ lâu đã in vào tâm khảm mỗi con người và toả sáng trong những áng thơ văn. Nhà văn "có duyên" với điện ảnh Áp-phích phim DVD Đất Phương Nam phát hành tại Mỹ Dựa theo tiểu thuyết “Ðất rừng phương Nam” của cố nhà văn Ðoàn Giỏi, năm 1997, Hãng phim truyền hình TP.HCM đã sản xuất bộ phim truyện “Ðất phương Nam” dài 11 tập, kịch bản và đạo diễn: Nguyễn Vinh Sơn. Ngay sau đó, bộ phim đoạt giải thưởng Giải A của Hội Điện ảnh VN năm 1997. Ông Gerald Herman đại diện tại Việt Nam của Cty Discovery Communication PTE LTD (Singapore) - người trực tiếp chuyển phim "Đất phương Nam" từ băng VHS sang DVD – cho biết phim này phát hành rất khả quan tại Mỹ. "Đất phương Nam" là bộ phim đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu. Đây là một trong rất hiếm phim truyền hình được người xem trong nước thực sự thích, còn Việt kiều và khán giả nước ngoài thì tìm được yếu tố hấp dẫn- bản sắc riêng Việt Nam. Cty Discovery Communication bỏ ra 25.000 USD để chuyển từ băng VHS sang đĩa DVD. Thế là cậu bé An (nhân vật chính trong phim) lại bắt đầu chuyến phiêu lưu mới- tới Mỹ. Ở nơi đó nếu mua trọn bộ 6 cuốn DVD người ta đọc được lời giới thiệu khá ư là hoa mỹ cho bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi: có thể được so sánh với những tác phẩm của Charles Dickens và Mark Twain. Giá một bộ DVD "Đất phương Nam" ở Mỹ là 69 USD (khoảng hơn 800.000 đồng)! xxx Đất rừng Phương Nam, nhân vật có nhiều tầng lớp, nhiều ngành nghề như một xã hội thu nhỏ, hoạt động suốt hai triền sông Tiền và Hậu Giang vào đến rừng U Minh, xuống tận mũi Cà Mau. Đất rừng Phương Nam có kết cấu chương hồi kiểu truyền thống: không gian, thời gian rạch ròi, nhân vật thiện ác, trắng đen tách bạch và bộc lộ qua hành động, hình dáng, ngôn ngữ. Một phong cách văn chương dễ đọc, dễ hiểu, hợp với đại đa số thiếu nhi VN. Phong cách văn chương truyện kể với những biến tấu khác nhau vẫn tràn đầy sức sống từ Nghìn lẻ một đêm, Tam Quốc, Thủy Hử ngày xưa đến Harry Potter ngày nay... Đất rừng Phương Nam của Đoàn Giỏi vẫn mang tính hiện đại. Đó là cách tiếp cận thời gian tâm lý, cách trộn lẫn các thi pháp sử thi, phản gián, khám phá...