Diễm Xưa...
Hoàng Diễm Diễm
Huế chiều thứ bảy. Tôi lang thang qua mọi nẻo đường. Những hạt mưa đầu xuân lất phất bay, nhưng làm hồn tôi nặng trĩu. Theo thói quen, tôi ghé lại quán cà phê Áo Trắng – nơi ngày xưa em và tôi thường hay ngồi. Những kỷ niệm xưa hiện về rơi rớt...
*
* *
Ngày ấy, tôi quen em trong một sự tình cờ. Em không đẹp nhưng dễ thương. Có đôi mắt trầm buồn và nụ cười dễ mến. Em học Sư phạm Văn, trong khi tôi dân Bách Khoa đã ra trường. Cùng với tấm bằng C Anh Văn trong tay, tôi quyết định thi vào đại học Nhật và hiện giờ cũng là một sinh viên hẳn hoi. Là đồng hương Quảng Nam với nhau – Tôi tình nguyện làm gia sư giúp em học ngoại ngữ. Lúc đầu, em không đồng ý, nhưng sau đó thấy tôi thật tình và nói chung, vốn ngoại ngữ em còn quá ít, cho nên em đã chấp nhận...
Giờ học đầu tiên, tôi cứ lúng ta lúng túng mãi. Em cũng thế. Cả hai đều rất ngượng ngập. Nhưng dần dần, cái gì rồi cũng trở nên quen thuộc. Em tỏ ra là một cô bé thông minh, hóm hỉnh và thường hay cho tôi là nghiêm khắc. Phần tôi, vẫn cứ thích gọi em là cô bé mặc dù em có tên hẳn hoi: Diễm – cái tên mà tôi vẫn thường hay gọi “Diễm xưa”. Những lúc như thế, em chỉ mỉm cười, đôi khi còn tỏ ra thích thú...
Thời gian cứ thế trôi đi. Nhiều lần tôi cảm thấy mình như trẻ lại trước sự hồn nhiên và quá đỗi vô tư của em. Nhưng cũng có lúc tôi rất bực mình bởi những cái hiểu ý rất chi là vô lý. Nhớ có một lần, người bạn nữ cùng lớp đến gặp tôi ngay trong giờ học. Em lại biện lý do đau đầu và xin phép nghỉ. Thế là mất tiêu một buổi. Hôm sau tôi hỏi, em chỉ mỉm cười và bảo: “Hiểu ý dễ sống” và còn nhại lại tôi: “Chị ấy cũng dễ mến chứ anh nhỉ?” Tôi làm ra vẻ giận dữ. Em vội vàng xin lỗi và im lặng...
Cái gì rồi cũng qua, tôi không thể nào giận em lâu được. Sự hiện diện của em là niềm vui, là cái để tôi quên đi nỗi buồn mà tôi gọi đó là nỗi bất hạnh. Bởi vì tôi không có bố mẹ. Mặ dù bây giời tôi đang sống trong một gia đình giàu sang, đầy đủ về vật chất nhưng đó chỉ là những người đùm bọc, nuôi dưỡng tôi. Họ đem tôi về từ một bệnh viện. Nuôi tôi lớn lên cho đến ngày hôm nay. Thế mà, tôi vẫn cứ hiển nhiên sống. Chẳng biết gì ngoài chuyện học hành. Nhiều lúc, tôi lại cho mình là người hạnh phúc nhất! Mãi cho đến khi vào đại học, bố mẹ nuôi mới kể hết đầu đuôi câu chuyện cho tôi nghe. Thì ra, bố mẹ ruột đã bỏ rơi tôi vào mùa xuân năm ấy để ra nước ngoài... Từ đó, tôi trở nên lầm lì, ít nói, vẻ mặt lúc nào cũng buồn, mặc dù bố mẹ nuôi dành cho tôi những tình cảm ít ai có được...
Và hôm nay, tôi lại đến lớp như mọi lần. Em vô tình hỏi tôi về ngày sinh nhật. Biết trả lời em như thế nào đây? Ngẫm nghĩ một hồi lâu, tôi đem hết mọi chuyện kể cho em nghe. Tôi bắt găp trong mắt em một nỗi buồn xa vời, sâu thẩm. Thế rồi, cả em và tôi đều quyết định: Lấy ngày sinh của em làm ngày sinh nhật cho cả hai. Ngày đó chính là 1/1. Cũng đúng vào khoảng thời gian mà tôi đã ra đời...
Kể từ hôm đó, chẳng khi nào em làm tôi giận. Ngược lại, em chỉ thích làm tôi vui. Một hôm, tôi bắt gặp trong cuốn vở Anh văn của em dòng chử “I love you” của người con trai nào đó. Tự dưng tôi cảm thấy buồn. Một nỗi buồn chẳng thể nào tả nổi. Như đọc được những gì tôi đang nghĩ. Em cố biện bạch, lý giải nhưng tôi có trách gì em đâu? Em vẫn là em - một cô bé hồn nhiên và rất đáng yêu. Còn tôi – cũng cứ vẫn là tôi - một con người lúc nào cũng buồn bã, trầm tư. Hai thái cực ấy tưởng chừng như đối lập, nhưng không , tôi vẫn cứ thích những con người như em. Tôi ước ao có được những nụ cười vô tư, những cái nhìn hóm hỉnh như thế - dù chỉ một lần, nhưng không được. Ðiều đó chỉ dành riêng cho em. Và, nếu không có một ngày...
Hôm ấy em nghỉ học mà không báo cho tôi biết. Chờ hoài một buổi. Tôi giận em vô cùng. Vì thế, tôi cũng chẳng đến gặp em để hỏi lý do. Hôm sau, lớp tôi có một chuyến thực hành đột xuất, không kịp báo cho em. Tôi để lại vài dòng, không biết nơi ấy em có nhận được?
Một tháng trôi qua nhanh chóng. Vì công việc nên tôi quên tất cả. Ngày về, tôi lại nhớ đến em nên vội vàng tìm đến với một món quà rất dễ thương, hy vọng em sẽ thích... Nhưng than ôi, đến nơi thì mới vỡ lẽ: Em đã nghỉ học cách ngày tôi đi một tuần. Cầm bức thư em trong tay. Tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng:
Anh của bé!
Khi đọc được những dòng chữ này thì chắc có lẽ bé đã đi xa. Một ngày, hai ngày... bé đến lớp đợi anh hoài, sao anh chẳng đến? Bé biết, anh giận bé nhiều. Nhưng bé vẫn cứ đến để báo anh một tin buồn: Bé phải nghỉ học. Bố mẹ buộc như thế... Trước mắt anh, bé bao giờ cũng vô tư, hồn nhiên, tưởng chừng như con nít, nhưng không đâu anh ạ! Gia đìng bé chẳng bao giờ hạnh phúc. Vì thế, bé cố sống như vậy để quên đi, nhưng không được. Thà như anh, không có bố mẹ còn hơn. Phần bé, tuy có, nhưng sao họ cứ xích mích với nhau hoài. Ðã nhiều lần bé định kể cho anh nghe nhưng chỉ sợ anh buồn. Hôm nay, họ nhất định buộc bé phải nghỉ học. Biết nói với anh sao bây giờ? Anh giận bé nhiều, anh có hiểu cho bé không? Chỉ còn đúng một tháng nữa là đến sinh nhật của anh và bé rồi. Anh nhớ mua một đóa hồng, cắm lên chỗ bé và anh thường ngồi ấy. Hy vọng ở nơi xa này, có một người đang nhớ nhiều về anh...
Ðến đây tôi không thể đọc được nữa. Dòng nước mắt ở đâu trào ra, mặc dù tôi cố tình kìm lại. Tôi yêu bé! Tôi có thể tự thú với lòng mình là như vậy. Và nói thật, tôi đã mang ý nghĩ này từ lâu, nhưng nhìn thấy bé vô tư, tôi chưa thể nào thố lộ được. Giờ đây, bé của tôi đâu?... Tôi bừng tỉnh. Quá vãng ngày xưa vẫn còn đó. Hình ảnh cô bé tôi yêu vẫn còn đây. Và kia nữa, tiếng nhạc từ trong quán cà phê vang lên bài hát “Diễm xưa” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...”
Hoàng Diễm Diễm