Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 2288 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH
Surya Das

Phần 2

41. Nữ thần Tara
Tại Giác Thành, là nơi Phật Thích ca thành đạo, có một tăng sĩ. Vị tăng sĩ đó có một thành kiến với Đại thừa Phật giáo, vị ấy xem Đại thừa là một cái gì trừu tượng. Vị ấy hay giảng giải với các người nghe rằng, Đại thừa hay nói quá nhiều đến vị đại sư đắc đạo, các vị thánh, các vị hộ pháp…, đến nỗi mất luôn sự tin tưởng. Vị ấy chủ trương theo Tiểu thừa, khuyên người đời nên từ bỏ hệ thống Đại thừa quá mênh mông, chỉ làm người ta mất phương hướng.
Như mọi người đếu nghĩ, quan điểm nào cũng phải được thử thách và quan điểm của vị ấy cũng thế. Một ngày nọ, lúc tắm tại sông Ni-liên-thuyền. Vị ấy bị nước cuốn trôi. Vị ấy chới với giữa dòng không biết làm sao thì trong đầu bỗng nhớ đến một vị nữ thần trong Đại thừa là Tara(26).
Vị ấy ngồi lên ngụp xuống trong dòng nước, chỉ còn biết kêu cứu Tara. Đến lúc hầu như tuyệt vọng thì vị ấy bỗng thấy một tượng gỗ chiên đàn khổng lồ trôi bên cạnh. Tượng này vị ấy đã nhiều lần trông thấy và cũng đã hít thở mùi thơm của gỗ chiên đàn. Tượng biểu diễn thần Tara như là người cứu giúp các tâm hồn đang trôi dạt trong biển cả của ảo giác. Vị tu sĩ này biết rõ như thế vì chính ông là người cũng từng chê cười quan điểm bức tượng.
Bây giờ vị tu sĩ ôm chặt bức tượng và giữ đầu được cao trên mặt nước để rồi dòng sông xua dạt ông vào một bờ yên tĩnh.
Cả vài tiếng đồng hồ sau vị tu sĩ vẫn còn nằm nơi đó. Sông Ni-liên-thuyền đã kéo rách mất chiếc y vàng. Loã thân và run lẩy bẩy, người tu sĩ tiểu thừa ôm chặt bức tượng gỗ thần Tara như một đứa trẻ con ôm mẹ.
Tất nhiên sau đó người tu sĩ bênh vực cho quan điểm Đại thừa, trong đó mọi mức tâm linh đều được coi trọng, kể cả mức tin tưởng nơi sức cứu độ của tượng thần linh.
 
42. Lời khuyên của một bà già
Jigten Sumgon là một nhà thông thái nổi danh vào thế kỉ 12. Ông nổi danh vì là người mà một ngày nọ đã vượt qua mọi kiến thức và lý luận của mình để tìm sự thật nằm ẩn giấu sau mọi ngôn từ và khái niệm. Ông truyền bá giáo pháp Đại Ấn quyết tại Tây Tạng và là người phát khởi một dòng truyền tâm, trong đó sản sinh vô số vị đắc đạo.
Lần đó, Jigten Sumgon đang ở nhà nơi miền đông Tây Tạng, thì bên nhà láng giềng có người chồng vừa chết. Người goá phụ khóc lóc chạy kiếm Jigten Sumgon nhờ an ủi và giúp đỡ.
Người goá phụ mới đầu chưa gặp ông, gặp bà mẹ trước. Ngồi xuống đây đã , người mẹ an ủi người goá phụ trong bếp và nói tiếp:”Con đau khổ cũng phải, nhưng không cần thiết phải thế. Tất cả cái gì đã sinh thành thì cũng có ngày tan rã, hoại diệt và trở về vói nguồn gốc của chúng. Cái chết thì không ai tránh khỏi, mọi sự đều vô thường. Hiểu được như thế cũng là may mắn lắm”.
Người goá phụ nọ vẫn không ngừng than khóc, bứt tóc bứt tai. Bà mẹ Jigten Sumgon lại tiếp tục dỗ dành: "Nghe đây, cứ khóc đi, cứ bứt tóc đi, nhưng sau đó con phải biết nghĩ và bớt buồn đi. Đừng quên rằng ngay cả tâm trạng buồn khổ này cũng vô thường, chẳng có thực thể như mây như gió, và nó cũng sẽ vơi đi như mọi thứ trên đời. Ta là một bà già và cũng đã buồn đã khổ, đã thấy nhiều người thân đến đó rồi đi đó. Lời khuyên của ta cho con là: "đừng mang vào lòng bất cứ cái gì cả”.
Nghe tới đây thì người thiếu phụ thấy có gì an ổn trong lòng đang chồng chất. Nàng quên rằng tới nhà này là để kiếm Jigten Sumgon, để nghe lời an ủi của ông. Nàng trở về nhà, lòng bình yên. Trong suốt tang lễ, nàng vẫn nhớ hoài đến lời khuyên của bà già và nhờ thế vượt qua được nỗi đau mất chồng, không phải bị dìm trong đau đớn và tuyệt vọng. Cả làng thấy rõ, nàng bình tĩnh hơn, biết nghĩ hơn cả lúc chồng còn sống và chẳng bao lâu sau, nhiều người tìm đến nàng để nghe khuyên lơn khi có chuyện đau buồn.
Nửa năm sau, Jigten Sumgon đi miền Trung Tây Tạng để tiếp tục giáo hoá phép Đại Ấn quyết, đó là phép trực tiếp tri kiến Phật tính đang ẩn chứa trong chính chúng ta. Ngài có một số đệ tử cao cấp và đang thảo luận về “vòng luân hồi”, về vòng tròn bất tận của sống, chết và sự tái sinh.
Một Lạt-ma già thông thái hỏi vị đạo sư: "Làm sao tránh được cách nghĩ phải thoát khỏi vòng luân hồi trước khi đi vào cõi Niết bàn?”. Jigten Sumgon bất ngờ đứng dậy và đọc bài kệ:
Ta đang hiện diện, hoà hợp vô ngại
Vì ta nhận ra rằng từ tính mình hoà làm một,
Với Phật và các đạo sư.
Ta hoan hỉ.
Chẳng cần phải cố,
Tôn thờ hay xác quyết bất cứ điều gì.
Như kinh Hevajra Tantra đã nói:
Luân hồi hay niết bàn,
Tốt hay xấu, bên này hay bên kia,
Chúng đều không thật, chẳng có tự ngã, nói là nói vậy thôi
Chỉ vì nói mặt này nên nói mặt kia
Chứ các bạn không thấy hay sao?
Ai thấy tánh của luân hồi
Người ấy đã đạt Niết bàn.”

Ngày hôm sau, Jigten Sumgon nhắc lại buổi trao đổi này và kể cho học trò nghe lời khuyên của mẹ mình đối với người goá phụ. Ngài nói: "Đối với tôi, chẳng có giáo pháp nào cao hơn lời nói của bà mẹ: Hãy nhận ra tính vô thường của sự vật, thấy chúng không có tự ngã và đừng mang bất cứ thứ gì vào lòng cả”.
 
43. Tri kiến của một vị A-la-hán
Tu sĩ khất thực Katyayana là một học trò của Phật Cồ-đàm, sống khoảng 500 năm trước Thiên Chúa giáng sinh. Katyayans được chính Phật Cồ-đàm điểm đạo và trong suốt thời tại thế được xem là một vị “A-la-hán tự tại”, nổi danh khắp Ấn Độ như một con minh triết, đã vượt qua sống chết và không còn ảo giác. Cũng như các vị giác ngộ khác, Katyayana có nhiều thần thông, nhưng Ngài chỉ dùng nó để giáo hoá và không hề cho những người khác biết đến. Người ta kể rằng, Ngài có thể biến tư tưởng hay sự mong cầu thành vật chất. Thay vì theo danh lợi thế gian, Ngài thích đi đây đi đó, không hay ai biết và sống bằng của dư thừa, như các vị đạo sư trước Ngài.
Có lần, trong chuyến đi, Ngài gặp một người đàn bà đang ngồi trước cửa và đang ăn một con cá. Người đàn bà nọ mang một đứa trẻ sơ sinh trong tay, có một con chó đi vòng xung quanh, gặm các miếng xương cá bà vứt cho. Nhưng con chó còn thèm ăn cứ luẩn quẩn mãi khiến bà bực mình đạp chó.
Nhìn cảnh tượng nầy, vị A-la-hán khả kính không nhịn được phải cười. Người đàn bà ngăn trán hỏi: "Thầy có gì vui mà cười?”. Bà có cảm giác vị tăng sĩ này có gì muốn nhắn nhủ bà điều gì. Katyayana trả lời bằng cách đọc bài kệ:
“Ngươi ngồi đó và gặm xương cha ngươi,
Và đạp mẹ ngươi ra một bên
Và nuôi kẻ thù bằng sữa của ngươi.
Ôi, một cảnh tượng bi đát
Cái đó sẽ đẩy trò chơi bất tận này đến bao giờ
Trò chơi của các loài hữu tình”.

Vị A-la-hán đã nhìn thấy bằng huệ nhãn rằng đứa trẻ là tái sinh của kẻ thù ngày xưa của người đàn bà. Con cá chính là người cha trong kiếp trước và con chó không ai khác hơn là bà mẹ vừa mất cách đó không lâu, mà người đàn bà còn thương nhớ. Bà không hề biết mình gặm thịt cha mình và vứt xương nuôi mẹ mình, trong khi đó lại sinh ra đời một kẻ mà ngày trước mình ghét bỏ.
Liệu người đàn bà đó có học được điều gì qua bài kệ đó, câu chuyện không kể thêm, nhưng Katyayana đã kể chuyện này cho học trò nghe nhiều lần và chuyện kể rằng nhiều vị đã thoát khỏi vòng sinh tử.
 
44. Trí huệ cũng có thể “lây truyền”
Vùng Kham tại miền Đông Tây Tạng cách đây không lâu chỉ là một nơi hoang dã. Nơi đó chỉ một số rất ít người sống, thỉnh thoảng lại đánh nhau đổ máu là chuyện bình thường. Nghịch lý thay, chỗ này vừa là nơi vũ lực trị vì, đồng thời cũng là một trung tâm của phát triển tâm linh, vì giữa sự yên lặng bao la của Hi mã Lạp sơn thì ai cũng dễ rơi vào trạng thái đại định
Patrul Rinpoche(8), một vị đại sư của dòng Đại thành hay đến vùng Kham này. Trên vùng núi non Markong, Ngài ngồi thiền định, giữa các con đường trơ trọi, ở chỗ nối cuả hai bình nguyên,vì vậy đúng ngay nơi này cũng là nơi các bộ lạc thường đánh nhau.
Lần nọ, vị đạo sư định đi du hành suốt vùng, nhưng Ngài bỗng cảm nhận được sự nóng bức của một năng lực huỷ hoại, hai bình nguyên và các đỉnh núi xung quanh hầu như bị nhiễm độc vì vậy Ngài quyết định đem tâm thức an tịnh của mình thể nhập vào các năng lực sân hận đó và xem cuối cùng điều gì xảy ra.
Patrul đốt một đống lửa nhỏ trên đường đi, nấu trà, ăn một ít thực phẩm đi đường và lúc Ngài cảm nhận có ai sắp đến, Ngài liền nằm ngang đường để ai muốn đi qua đều phải bước qua thân Ngài.
Không bao lâu cả hai phe đều nghe tin có một tên khùng nằm ngay trên đường và xem ra có vẻ muốn làm nhà ở lâu tại đó. Ba người kỵ mã mang đầy vũ khí được ra lệnh tới đường đèo đó, trừ khử tên khùng đó đi.
Patrul vừa nhóm lửa và nằm dài ra thì ba kỵ mã vừa tới. Đám kỵ mã nhảy xuống ngựa: "Ngươi điên chưa, hay ngươi bị ốm hay ngươi bị cùi? Ngươi nằm giữa đường như thế để truyền bệnh cho người khác chăng?”.
“Đừng lo”, Rinpoche trả lời, mắt nheo nheo. “Như ta thấy thì các ngươi sẽ không được truyền. Ta đang ở trong tình trạng Bodhichitta (Bồ đề tâm) và thứ này thì không truyền được cho quân đánh nhau như các ngươi đâu”.
Ba kỵ mã lắc đầu nhảy lên ngựa đi mất. Họ cũng thấy không thể gây đau đớm cho một lão áo quần rách rưới nhưng tốt bụng.
Rồ như một phép lạ xảy ra, hiềm khích hàng chục năm giữa hai bộ lạc vùng Markhong bỗng nhiên được giải toả bằng một hiệp ước hoà bình, trước đó không ai dám mơ tới. Người ta kể rằng ba chàng kỵ mã đó được lão già phiêu bạt đắc đạo nọ “lây truyền “cho tâm bồ tát và cứ gặp ai lại lây truyền tiếp thứ “vi khuẩn” đó.
Không ai gặp lại người đã lây truyền “vi khuẩn hoà bình" đó nữa. Nhưng người ta kể rằng, ngày sau, Patrul Rinpoche, trong buổi hội họp với đông đảo những người tầm đạo, có nói: "Không chừng Bồ Đề tâm cũng có thể lây truyền, mặc dù ta phải thừa nhận rằng triệu chứng của Bồ Đề tâm ít khi được phát ra trọn vẹn”.
Người nghe biết rõ Patrul nói ý gì với từ "triệu chứng”: đó là tâm cảm thông và yêu thương, tâm đó nhận ra chính trái tim mình trong trái tim của mọi loài”
Sau đó Patrul Rinpoche chấm dứt câu chuyện bằng lời cầu nguyện: "Mong thay Bồ Đề tâm vô lượng sẽ được lây truyền cho mọi loài, không sót loài nào”.
 
45. Chấm dứt một kiếp làm quỷ
Không xa vùng Nyarong có một thành cổ. Không ai dám tới vùng nơi đó vì giữa ban ngày mà người ta vẫn nghe rõ tiếng ma quỷ kêu van.
Patrul Rinpoche(8) có dịp đi ngang Nyatong, nghe chuyện đó liền cho rằng loài quỷ này có thể được giải thoát nếu có ai dám vào thành và tụng đọc bộ luận Bồ Đề hành kinh (27)(Bodhicharya-Avatara) của Tịch Thiên(15)(Shantideva) một trăm lần.
Tập Bồ Đề hành kinh là một bộ luận bằng tiếng Sankrit, thường chỉ dành cho các bậc tôn túc cao cấp. Vào thế kỉ thứ 19, Patrul Rinpoche giảng giải thêm về bộ này một cách rõ ràng và súc tích làm nhiều người cho rằng Patrul phải là một hậu thân của Tịch Thiên.
Một học trò của Patrul là một Lạt-ma trẻ tuổi tên Tsanyak Sherab xin đi và nói: "Con xin vào thành và đọc cho ma quỉ nghe bộ Bồ Đề hành kinh, cho tới lúc họ được giải thoát mọi ác kiến”. Dân làng nghe nói đều lắc đầu và khuyên vị Lạt-ma không nên đi, người ta lo ngại cho tính mạng của vị này vì chưa ai vào thành ra mà lại không bị nguy hại. Thế nhưng Sherab không lo sợ gì cả.
Sau khi vào thành, Tsanyak Sherab trải tấm chiếu trong một phòng trống và ngồi trên đó. Sau đó ông bắt đầu toả lòng từ bi và nhân hậu ra xung quanh. Ông thiền quán về tính Không, là thể tánh tạo nên mọi hiện tượng và bắt đầu đọc lớn mười chương của tập Bồ Đề hành kinh.
Ngày này qua ngày khác ông đọc tập luận. Thỉnh thoảng ông đốt chút lửa ấm để nấu cơm nước. Mỗi khi dân làng thấy có khói bốc lên từ xa, họ lại vui mừng bảo nhau:”May thay, ông Sherab to gan cũng còn sống”, vì họ nghĩ là không ai thoát khỏi tay của ma quỷ.
Một ngày nọ, có một tay liều lĩnh nhất làng thu hết can đảm đến thành cổ để xem vị Lạt-ma và các thính giả vô hình bây giờ thế nào rồi.
Anh chàng nọ ngạc nhiên hết sức khi thấy Sherab ngồi an tịnh trên chiếu và tập trung nói chuyện với vách tường cổ. Thấy thế, người nọ cũng tìm một góc ngồi nghe. Sau khi về lại mhà, người nọ kể cho dân làng nghe chuyện và không bao lâu sau, dân làng kéo nhau từng nhóm đến thành cổ nọ để nghe tụng Bồ Đề hành kinh. Tới lúc Tsanyak Sherab đọc lần thứ một trăm xong thì toàn thể dân làng ngồi im lặng như tờ nghe tập luận.
Như một phép lạ xảy ra, từ đó dân làng không còn nghe tiếng ma quỷ kêu van. Ngược lại, nhiều người tập hợp trong thành cổ để cầu nguyện, để tu tập thiền định và để cảm nhận năng lực của Patrul- Tịch Thiên. Họ cảm nhận năng lực đó một cách rõ ràng, như vị đạo sư đang hiện diện đâu đây.
 
46. Con lừa tụng to nhất
Hàng chục tăng sĩ Tây Tạng họp nhau trong một tu viện, đánh chuông và liên tục tụng niệm. Vị chủ lễ đầu mang vương miện kết bằng lông chim, mặc y đỏ viền vàng. Tất cả các vị ngồi trên thảm quý, tay cầm các pháp khí nạm vàng rực rỡ. Lúc đó thì Drukpa Kunley(13)đẩy cửa bước vào.
Không ai ngạc nhiên gì khi thấy vị đạo sư khác đời này đi vào mà không chịu nghiêng mình sát đất ba lần như lệ thường, nhưng mọi người đều lo chuyện chẳng lành xảy ra khi thấy Ngài ngồi ngay giữa phòng và nghiêng tai nghe ngóng điều gì.
Các vị tăng tiếp tục nghi lễ có vẻ hoang mang, tiếng tụng kinh có chút lơi lỏng. Dù sao, đây là một dịp để tập tính nhẫn nhục và cần đối xử với kẻ phá bĩnh này một cách cố tình.
Sau khi ngồi nghe một lúc, Drukpa Kunley đứng dậy, lầm bầm ra cửa. Liệu Ngài đã nghe tụng song rồi hay Ngài lầm bầm mật chú gì, dù sao nếu ngài cùng lầm bầm tụng niệm thì vẫn hơn. Ngưòi ta vừa hy vọng Ngài đi đâu cho xong thì mười phút sau Drukpa Kunley trở lại và lần này Ngài dắt theo một con lừa.
Bây giờ thì các tăng sĩ hầu như không tập trung tụng niệm được nữa. Vị Lạt-ma kì cục đó không những chỉ dắt một con lừa vào chính điện mà còn đội cho con lừa một cái vương miện kết bằng lông chim, rồi dắt đến cho vị chủ lễ, cả hai có chung một vương niệm giống nhau.
Tất cả mọi người đều cố không nhìn, Drukpa Kunley dắt con lừa đến bên cạnh vị chủ lễ bắt nó quỳ xuống. Vị chủ lễ vẫn giữ tâm an tịnh va tiếp tục tụng niệm. Drukpa Kunley bắt đầu đá vào hông con lừa cho nó kêu lên, gần như theo nhịp tụng niệm.
Cuối cùng chịu không nổi, các tăng sĩ cho ôm Drukpa Kunley đang cười ngặt nghẽo vứt ra ngoài điện với con lừa, để còn tiếp tục buổi lễ, thứ lễ lạt mà vị Lạt-ma khác người đó không coi ra gì.
 
47. Giáo pháp tuyệt vời của Tịch Thiên
Tịch Thiên (15) là một vương tử, sống cách đây khoảng 1200 năm tại Ấn độ. Xứ Ấn Độ ngày xưa gồm có nhiều vương quốc nhỏ, trị vì theo cách cha truyền con nối. Vì thế, nếu có vị vương tước nào từ chối ngôi vua, theo sống độc cư, thực hành thiền định thì đó cũng là chuyện hy hữu.
Từ nhỏ, Tịch Thiên đã nằm mơ thấy nữ thần Tara hiện đến và khuyên không nên đem trí tuệ của mình áp dụng vào chuyện không đâu, đừng để cho cái chết đến mà không giác ngộ. Trong đêm trước khi Tịch Thiên được tôn vương thì Bồ tát Văn Thù, hiện thân của trí tuệ hiện đến và nhắc nhở lại điều này. Sau đó Tịch Thiên từ ngôi, vào rừng sống như một tu sỹ và thực hành thiền định.
Sau nhiều năm sống độc cư, Tịch Thiên về đại học Na-lan-đà ở Bihar và thệ nguyện giữ hạnh tăng sỹ tại đó. Ngài không ưa gần gũi sinh viên và hay rút về căn phòng của mình. Tại đó, bạn đồng học và thầy giáo khám phá ra Ngài ăn mỗi ngày năm bữa cơm.
Không bao lâu sau, người ta đặt tên Ngài là “Busuku”, dịch nguyên nghĩa là “kẻ chỉ biết ăn, ngủ và ỉa”. Ngài còn bị đặt thêm những cái tên như “bị gạo”, vì thực tế Ngài có vẻ lơ là, lười nói. Như bao nhiêu trường hợp khác, không mấy ai biết trong chàng thanh niên này đang diễn ra điều gì.
Thậm chí nhiều bạn đồng học của Tịch Thiên cho rằng Ngài làm hại thanh danh của viện và tìm cách đuổi chàng khỏi trường. Họ họp nhau bầy ra mưu kế như sau: trong một buổi hội thảo công khai, mỗi sinh viên phải đọc thuộc lòng một bài kinh. Trong đó chắc chắn Tịch Thiên không thuộc bài nào, thế nào Ngài cũng phải bỏ trường mà đi.
Mới đầu Tịch Thiên không chịu tham gia buổi hội thảo. Cuối cùng thấy liệu không tránh khỏi, Ngài chịu dự với điều kiện: Ngài phải ngồi trên một ngai chỉ dành riêng cho các vị đạo sư hay ngồi. Bạn đồng học đều ngạc nhiên trước đòi hỏi vô lý này nhưng họ nghĩ rằng như thế sau đó sẽ càng làm chàng thêm xấu hổ, nên họ đồng ý.
Tới ngày hội thảo Ngài mạnh dạn đi lên ngai, ngồi xuống với dáng điệu của một vị vương tước và hỏi các vị thông thái trong hội thảo muốn nghe lại các kinh điển cũ hay một giáo pháp hoàn toàn mới.
Các bạn đồng học kinh ngạc, nhưng họ đồng ý nghe cái gì mới mẻ và hy vọng như thế càng làm cho chàng sai trái hơn.
Sau đó Tịch Thiên bắt đầu niệm danh hiệu của chư Phật, chu Bồ tát trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, với một giọng niệm thi vị tuyệt vời. Sau khi niệm Tịch Thiên hầu như trở thành chư Phật ba đời, Ngài thuyết liên tục và văn chương tuôn ra như có âm điệu trong suốt mấy tiếng đồng hồ. Đó là tác phẩm Bồ đề hành kinh (27) vô song, còn truyền lại cho đến ngày nay.
Tịch Thiên vừa giảng đến chương thứ chín, nội dung nói vế tính chất vô ngã của toàn bộ sự vật thì bỗng nhiên thân Ngài hầu như mất hết sức nặng và lơ lửng trên ngai. Sau một lúc thì thân Ngài biến mất và hội chúng chỉ còn nghe tiếng nói, nghe âm điệu du dương và chấm dứt tác phẩm với mười chương.
Tất cả mọi người bây giờ mới biết Tịch Thiên là một vị Phật và lúc nầy biểu lộ lòng kính trọng thì Ngài đã biến mất và không còn trở lại Na-lan-đà nữa. Bạn đồng hành của Tịch Thiên đã đạt được mục đích của mình, nhưng họ hối tiếc xiết bao. Họ tìm lại trong phòng Ngài thì chỉ thấy hai cuộn kinh, hai cuộn này cũng còn lưu truyền tới ngày nay.
Ngày nay người ta xem Tịch Thiên, người như một con sư tử, là một vị đắc đạo nhất của đạo Phật. Tác phẩm Bồ Đề hành kinh của Ngài ngày nay vẫn còn được nghiên cứu và đuợc nhiều kẻ tầm đạo trên khắp thế giới học thuộc lòng.
 
48. Tu sĩ với cái mũi kỳ-quặc
Ngày xưa có một người chăn bò, suốt ngày chăn bò ngoài đồng cỏ. Trong lúc đó thì cả gia đình chăm chỉ học tập kinh điển với một vị Lạt-ma. Mọi người gọi kẻ chăn bò đó là "mũi trái rạ”, vì lẽ hồi nhỏ ông bị bệnh trái rạ và cái mũi ngày nay còn đỏ hồng, có sẹo.
Mọi người đều cho là ông kém thông minh, nhưng ông luôn luôn hỏi thăm gia đình học được nơi vị Lạt-ma nọ những gì, vị Lạt Ma làm gì nói gì. Thường thì lời nói của ông bị gạt qua một bên, người ta nói rằng đó là “Mật giáo”, không phải ai cũng được biết. Có lúc ông hỏi: “Các ngươi học được mấy điều” thì được trả lời: “Chỉ ba điều thôi, giáo pháp chỉ có ba chữ thôi nhưng chứa đựng tri kiến toàn thế giới”,
Cứ thế mà gia đình xem thường ông. Ai cũng biết ông tha thiết được học để khỏi thua mọi người, nhưng ai cũng nghĩ đầu óc non kém như ông thì học được cái gì.
Sau mấy năm. “mũi trái rạ” mới tự nghĩ ra rằng mình phải tự tìm kiếm hiểu biết cho mình, cái hiểu biết chỉ gồm có ba chữ mà không ai chịu tiết lộ. Kể từ lúc đó ông bắt đầu tích trữ  thực phẩm và tìm cách bí mật trốn đi. Với một bọc đựng thức ăn đi đường, một đêm nọ, ông trốn đi lên đường tìm vị Lạt-ma, không nói gì với gia đình cả.
“Mũi trái rạ” chẳng biết tên tuổi vị Lạt- ma, chẳng biết Ngài ở đâu vì thực tế ông chưa từng rời nơi chăn bò. Nhưng ông tin chắc rằng, thế nào mình cũng kiếm ra một vị đạo sư và học được ba chữ đó.
Ông đi từ làng này qua làng khác và giữa đường nghe nói về một nhóm tu sĩ sống trên núi. Các vị này học với một vị Lạt-ma. Ông liền đi đến đó và cũng được tiếp đón tử tế. Nhưng lúc nghe giảng, “mũi trái rạ” thấy giáo pháp phức tạp khủng khiếp, không có gì hấp dẫn cả. Vị Lạt-ma này nói cái gì dài dòng, chỉ những phép tu bí truyền khó hiểu, chỉ mọi cách để đạt đạo. Trong lúc đó “mũi trái rạ” biết rõ cái quan trọng nhất chỉ gồm ba chữ, sao không nghe nói tới.
Chỉ nghe một lần giảng, ông đã biết tay Lạt-ma này chỉ là một tên phù thuỷ và vội vã rút lui. Người hầu cận Lạt-ma thấy “mũi trái rạ” sắp rút bèn mời ông ở lại thêm một đêm để ngày mai gặp thêm vị Lạt-ma trưởng nữa. “Thấy chưa”, ông vui vẻ nhận lời, “ngày mai, ta sẽ hỏi vị đạo sư này về ba chữ đó và tâm ta sẽ yên”.
Mặt trời chưa kịp lên thì “mũi trái rạ” đã đứng trước vị Lạt-ma đắc đạo rồi và xin được nghe ba chữ, ba chữ chứa đựng toàn thế giới đó, ba chữ mà các nhà thông thái ai cũng biết mà không chịu tiết lộ. Vị Lạt-ma nọ biết rõ, đối với người đã chín thì một chữ cũng đánh thức họ được, đối với người chưa chín thì một trăm kiếp cũng không. Ông cười thông cảm: “Lòng ham học của con thật đáng quí trọng, nhưng con nghe sao về ba chữ đó?”.
Nghe đến đây thì người chăn bò tức giận. “Ngươi muốn trêu ta nữa ư?”, ông kêu lớn. “Ngươi chỉ là một cuốn từ điển biết đi mặc áo tu sĩ, hay ngươi cũng ích kỷ giấu giếm ba chữ đó. Đồ …”
Người chăn bò tuôn một tràng chửi bới làm vị Lạt-ma nọ cũng nóng theo. Ông giật cái chuỗi gỗ đeo cổ, quay trên tay và gọi: “mũi trái rạ, đâu có gì đâu, Hung Benzar Phet!”. Chuỗi đeo bỗng dập trúng người chăn bò, còn Lạt-ma trưởng tức giận bỏ ra khỏi phòng.
Trong khi các đệ tử khác nghe giảng pháp thì người chăn bò ôm đầu đang bị u và suy nghĩ chuyện xảy ra có ý nghĩa gì. “Ta hỏi ba chữ đó, vị Lạt-ma đập cái chuỗi trên đầu ta và cho ta một mật chú. Phải chăng đó là ba chữ ta tìm kiếm bấy lâu nay. Hung Benzar Phet. Chắc chắn đúng rồi”.
Lòng hoan hỷ, “mũi trái rạ” lên đường về nhà, ông đã tìm được cái mà người khác đi suốt bao năm không tìm được. Đến nhà, gia đình hỏi ông đi đâu và tại sao ông lại vui tươi đến thế, khác hẳn thường ngày mặt mày đăm chiêu như một con chó bị đập.
“Các ngươi chắc không tin đâu, nhưng thực tế là ta đã học được nơi một vị Lạt-ma tất cả những gì mà một người cần học”.
“Thật ư?”, mọi người không tin, “Vị Lạt-ma đó nói gì hay làm gì mà bây giờ ngươi thay đổi đến thế?”.
“Chỉ cần ba chữ thôi”, “mũi trái rạ” trả lời, “Ba chữ bí mật này người ta phải giữ kín , ba chữ này ở trong đáy lòng mỗi ngày đều phải tụng niệm”.
Người chăn bò nọ trở lại với công việc chăn bò, nhưng ông có một chỗ ngồi thiền định giữa các tấm rạ. Cứ mỗi lần xong công việc, ông lại ngồi trong thế hoa sen và tập trung cao độ đọc mật chú nọ. Lúc chăn bò, ông cũng tu luyện sự tỉnh giác, mối lần thấy tâm mình lơi lỏng,ông laị nhẩm: Hung Bezar Phet.
Không bao giờ ông hỏi các chữ đó có nghĩa gì. Đối với “mũi trái rạ”, ba chữ đó bao trùm toàn bộ sự vật. Với lòng thiết tha tu tập, dần dần người chăn bò trở thành một tu sĩ có trình độ, mặc dù không bao giờ ông thấy mình là một tu sĩ .
Cứ thế mà nhiều năm trôi qua, rồi đến một ngày có người kiếm mũi trái rạ trong chuồng bò và nhờ ông cùng cưỡi ngựa xuống núi có chuyện."Chủ tôi là một trưởng giả giàu có, nhưng vợ của ông ta bị ốm. Thình lình bà ta nổi cơn điên như bị ma nhập, không thể chữa chạy được. Người ta nói có một tu sĩ như ông có thể giúp được, ông có mật chú đặc biệt. Hiện nay y sĩ và Lạt-ma đều bó tay cả”.
Mũi trái rạ ngạc nhiên, ông chưa bao giờ nghe tin đồn đại về mình. Tuy thế ông cũng sửa soạn lên đường xuống núi để giúp người bệnh trong khả năng của mình.
Đến nơi, ông vội vào thăm người bệnh đang vật vã. Không một chút ngần ngại, ông bắt chước thầy mình ngày trước làm sao thì làm vậy: ông giật xâu chuỗi gỗ đeo trước ngực, gõ đầu người bệnh và gọi lớn: "Mũi trái rạ, đâu có gì đâu, Hung Benzar Phet!”
Mọi người kinh ngạc khi thấy người bệnh bỗng nhiên hết điên. Bà chớp mắt nhìn quanh như ai vừa đánh thức bà dậy từ một cơn mê dài và hết bệnh.
Từ đó, mũi trái rạ bỗng thành nổi tiếng là người chữa bệnh. Ông có nhiều thái độ kì quái khó hiểu, nhưng dần ai cũng kinh sợ trước câu thần chú của ông.
Rồi tới một ngày vị Lạt-ma đã từng truyền thần chú cho mũi trái rạ cũng bị bệnh. Mọi người gửi một đoàn sứ giả với nghi thức hết sức long trọng để mời vị tu sỹ với cái mũi kì quặc đó đến giường bệnh. Người chăn bò không đợi nói lâu, ông liền đi nhanh tới chỗ người bệnh, vượt trước đoàn tuỳ tùng.
Ông tự mình vén lều đi vào, đến bên giường và sắp sửa rút xâu chuỗi từ trên ngực xuống thì vị Lạt-ma nọ kêu tên hầu cận hỏi tên khùng này là ai mà sắp đập lên đầu ông cái xâu chuỗi. Giọng nói Lạt-ma nghe rất khổ sở vì ông đang bị bệnh sưng cổ.
“Thầy không nhận ra con sao”,người chăn bò kêu lên lo lắng. Không, vị Lạt-ma nọ có hàng trăm học trò và hàng ngàn người đã đến nghe giảng. “Bạch thầy, con đến đây để thực hành phép chữa bệnh mà thầy đã dạy cho con với lòng từ bi vô hạn, nhờ nó mà con giúp đuợc người đời”.
Từ đó vị Lạt-ma nhớ ra, đó là một lần ông thốt ra vì giận dữ, một sự giận dữ ít khi xảy ra. Vị đạo sư nhớ ra, ông quay xâu chuỗi và đập chúng đầu tên khùng này và thực đã đọc một câu thần chú chửi thầm tên này, câu này rất ấu trĩ, nhằm đối trị vô minh và ma quỉ: Hung Benzar Phet!
Vị đạo sư nhớ ra cười lớn khi thấy những hành động của mình ngày xưa có hiệu quả không ngờ. Và sau đó tên hầu cận và cả người chăn bò cũng cười, tiếng cười cứ nối tiếp nhau và nhờ đó cái độc nơi cổ Lạt-ma bị loãng đi và bị tống ra ngoài.
Vị Lạt-ma được chữa lành bệnh theo một cách chưa hề có. Ông lắc đầu tự nghĩ: “tên chăn bò khùng điên này thế mà có khả năng học hỏi…Biết đâu chừng, biết đâu chừng bây giờ y đã đủ sức tiếp nhận giáo pháp ẩn mật của “Sư tử tuyết, bờm sắc xanh”, của giáo pháp Đại Thành, là giáo pháp trực tiếp nhận thức chân như”.
Ông nói với mũi trái rạ: “cảm tạ ngươi ta muốn tặng ngươi một tặng phẩm lớn nhất, ta truyền cho ngươi giáo pháp vô thượng”.
“Sao? Thầy đã dạy cho con tri- kiến –ba- chữ rồi mà, trong đó chứa đựng hết mọi thứ. Bây giờ lại còn giáo pháp vô thượng gì nữa. Thôi khỏi cần”.
Cũng may là vị Lạt-ma tinh thông với mọi tâm thức, nên ông nói cho mũi trái rạ nghe giáo pháp vô thượng này chỉ chỉ luận giải thêm cho Tri-kiến-ba-chữ đó thôi, nó chỉ trang hoàng thêm cho câu thần chú "Mũi traí rạ, đâu có gì đâu có gì đâu, Hung Benzar Phet!", làm cho nó thêm linh nghiệm.
Mũi trái rạ vui lòng học phép này và vị đạo sư bắt đầu giảng phép Đại Thành cho người học trò kém thông minh nhất trong giới những vị được đưa vào tri kiến vô song này. Ông dạy người học trò này bằng một tâm thức của chân như viên mãn tuyệt đối.
Những năm sau đó, mũi trái rạ ngộ ra rằng sự viên mãn không phải chứng đạt gì cả vì thực tế nó luôn sẵn có, chỉ cần tự thân khám phá ra mà thôi. Và bây giờ, vì mũi trái rạ đã tiến bộ vượt bực, vị đạo sư chính thức truyền cho ông mật chú Đại Thành đích thực, cũng được diễn tả bằng ba chữ .
Cuối cùng, mũi trái rạ giác ngộ và trở thành một đạo sư của phép Đại Thành.

49. Chuyện một vị ni tái sinh
Cách đây khoảng chín trăm năm có một cặp vợ chồng trẻ sống tại Shoto, một thành phố Tây Tạng gần Drigung. Họ là những người đơn giản, ngoan đạo và không mong gì hơn là sinh được một đứa con để hết lòng nuôi nấng.
Nhưng hai vợ chồng bị hiếm muộn, không thuốc men nào chữa được, đi cầu nguyện bao nhiêu cũng không có kết quả. Tuy thế hai vợ chồng vẫn tin rằng có một đứa trẻ chỉ đang chờ cơ hội được sinh ra với mình và cuối cùng hai vợ chồng quyết đi hành hương ở Katmandu Nepal, là nơi có một bức tượng do trời đất sinh ra, nghe nói có một thần lực rất mạnh và cho tất cả các lời cầu xin được thành sự thật.
Trước các bảo tháp ở Swayambu tại vùng núi non Katmandu, hai vợ chồng quỳ gối cầu nguyện đức Phật Cồ-đàm mỗi ngày và xin làm cha mẹ của một thần thức nào đang sẵn sàng nhận một thân bằng xương bằng thịt. Họ chấp nhận bất cứ thức nào, dù thức đó mang lại ác nghiệp, hay dù thân sinh ra sẽ tật nguyền hay tâm trí thấp kém. Họ sẵn lòng chịu khó khăn gian khổ, chỉ cần có được một đứa con.
Nhiều tháng trôi qua, hai vợ chồng thuận thành sống theo qui định của người Phật tử. Rồi một đêm nọ, cả hai vợ chồng đều thấy chung một giấc mộng:mặt trời mặt trăng cùng mọc trong bầu trời đêm xanh thẫm và một tia sáng rực rỡ chiếu xuống, xuyên vào tim của hai vợ chồng.
Hôm sau lúc tỉnh dậy, hai người rất xúc động biết mình mơ cùng một giấc mơ. Họ biết rằng tương lai sẽ hé mở cho mình những điều kỳ diệu, không kể đứa con sinh ra sẽ là con của mình hay của một cặp vợ chồng khác.
Họ treo đèn kết hoa lên bảo tháp với lòng cảm tạ, bố thí cho người nghèo khổ, cho người bị hất hủi. Trên đường về nhà, họ không còn cầu xin ước nguyện nữa, mà nếu có cầu nguyện thì họ chỉ biết cảm tạ về những điều đã xảy ra.
Lâu sau người vợ mang thai và một năm sau thì sinh con. Khi sinh người mẹ không hề đau đớn, một bé gái ra đời mang hương thơm đầy nhà, trên nó nhà có ánh sáng ngũ sắc chói lọi. Đứa trẻ ra đời mở mắt nhìn quanh một cách tỉnh giác, như xuất phát từ một tâm hồn rất già dặn.
Cả làng Shoto đều đồn đại về đứa trẻ và nhiều vị Lạt-ma đến viếng mục đích xem đứa bé lạ lùng này là ai. Có người nói: “đứa bé này là tái sinh của nữ thần Kim Cương(Vajra-Dakini). Có người lại nói của nữ thần Tara. Có người cho rằng nên đợi lúc đứa bé lớn lên thì tự khắc sẽ biết nguồn gốc của nó.
Không bao lâu, nguồn gốc đứa bé lại trở thành câu chuyện thời sự trong làng Shoto. Ai cũng bàn tán về câu chuyện này, ban ngày ngoài đồng áng hay ban đêm bên đống lửa. Có một tăng sỹ nhắc lại lời tiên tri của một tập kinh trong tu viện mình như sau: "lời tiên tri đó báo trong thế kỉ này sẽ có một nữ thần Dakina(29) sẽ sinh trong hang Tidro gần Shoto, để giúp hàng ngàn người. Trong bang Tidro, đức Liên Hoa Sinh(12)đã từng sống và đã từng cứu độ hàng ngàn Dakini trong thiên giới. Như mọi người đều biết, các vị thiên cũng không thoát khỏi ảo giác; cũng chịu qui luật vô thường; các vị đó một ngày kia rồi cũng phải chết và tái sinh nơi một cảnh thấp kém hơn; trừ phi các vị đó cũng tu học giáo pháp để giải thoát khỏi mọi sự ràng buộc”.
Sau lời giải thích đó thì mọi việc đã rõ: đứa bé đích thị là tái sinh của thần Dakini. Vì nhớ ơn Liên Hoa Sinh mà vị ấy xuống làm người để cứu độ hàng ngàn người, như ngày xưa Liên Hoa Sinh đã giúp các vị thiên nhân trong thiên giới. Chỉ có người không quan tâm đến tung tích đứa bé là hai vợ chồng nọ, họ đầy hạnh phúc. Họ chỉ muốn một điều là đứa trẻ được đầy đủ và lớn lênphát triển hợp với thiên nhiên.
Đến ba tuổi rồi mà đứa trẻ vẫn chưa có tên chính thức, người ta chỉ gọi bằng cái tên tạm cho đến khi một cái tên  đúng nghĩa sẽ được thông báo. Đứa trẻ đã học câu thần chú Tara và lẩm bẩm một cách thú vị, đôi lúc hàng giờ. Đến lúc người mẹ cho con chơi với trẻ con khác, bỗng nhiên bà biết phải đặt tên con thế nào. Khác với những đứa trẻ khác, đứa bé này không hề la khóc khi bị ai xô đẩy, ăn hiếp và giật đồ chơi. Thay vào đó, nó lại đọc thần chú Tara một cách nghiêm túc, hầu như nó biết rằng làm như thế, nữ thần Tara sẽ cứu độ. Sau đó không bao lâu, nó chỉ cho bạn biết cách đọc chú Tara và đi đâu nó cũng vẽ vời những chữ đó.
Cuối cùng cha mẹ đặt tên đứa bé là Drolma, tên này là từ Tây Tạng chỉ nữ thần Tara. Tara là dạng xuất hiện nữ tính của Bồ Đề tâm. Drolma cũng đồng nghĩa với ‘giải thoát”.
Từ lâu, người ta đã biết đây là tái sinh của một vị đạo sư .Nhưng cũng như mọi chúng sinh trên trái đất , Drolma cũng phải trải qua nhiều đau khổ, và với đau khổ đó con người hoặc phải phát triển hơn hay chịu vùi dập. Drolma chưa đầy mười tuổi mà cha mẹ nàng đã chết sớm và nàng phải ở với một người cậu. Ông cậu là một người đã già và không hề hiểu được tâm hồn của cháu gái mình. Đối với đứa cháu cứng đầu này, ông cậu thấy mình phải uốn nắn nàng cho phải, sau đó ông định gả nàng cho một nông dân trong làng. Mặc các Lạt-ma hay trưởng lão trong làng nói gì, ông cậu nhất định không chịu tin nàng là một tái sinh của một vị nữ thần, chứ đừng nói tới Tara tái sinh. “Mỗi người thì cũng là tái sinh của người khác”, ông cậu nói. “Thì cũng chẳng có gì đặc biệt để đội mũ lên đầu cho người đó và cho nó làm đủ thứ chuyện”.
Nhiều bà con cũng đồng tình với ông cậu. Họ cho rằng cô bé mười bốn tuổi này phải lo lấy chồng sinh con đẻ cái, chứ đừng làm chuyện đạo sư gì, đừng giảng giải gì cho cái làng quen đồng áng này những chuyện cao xa, những chuyện mà cô bé trẻ tuổi này không thể tự mình biết đuợc.
Đám cưới với con trai nông dân hầu như đã định sẵn, trong lúc đó Drolma cúi đầu, nhưng phản đối quyết liệt: “Con sẽ đi Kham, ở đó con sẽ gặp một tu sĩ, số phận đã định con  lấy người đó. Chúng con sẽ sinh con đẻ cái, những đứa trẻ đó sẽ trở thành Rinpoche (đạo sư quí báu), sẽ đi vào lịch sử của đất nước”.
Bà con thở dài ngao ngán và coi những lời tiên tri nọ đứa  trẻ non dạ. Tuy thế họ cũng phân vân, không rõ con người Drolma còn gì bí ẩn. Có thể nàng là một thiên tài, là hiện thân của Tara, nhưng đúng hơn nàng không hề được cha mẹ dạy dỗ gì về đời sống thực tế này.
Khi Drolma lên mười lăm tuổi thì có một thương nhân đi ngang qua Shoto. Deolma dồn hết chút của cải, chạy đến xin cậu cho mình ra đi theo đoàn. “Con cám ơn cậu đã dành nhiều ưu ái cho con, nhưng con phải theo người này đi Kham, là nơi con phải đến”.
“Ta cấm con không được rời khỏi nhà”, ông cậu la lên. “Làm sao con biết người này đi Kham? Con nói chuyện riêng với y à? con hẹn hò với hắn, không cho ta biết ư?”.
“Không”, Drolma trả lời, “Con có thông tin của con từ một nguồn khác. Bây giờ con phải đi giờ đã điểm!”.
Cậu Drolma dùng mọi cách giữ nàng lại, kể cả uy quyền làm cha nuôi. Nhưng khi ông thấy nàng nhất quyết ra đi, ông đành phải hạ giọng năn nỉ. "Ta xin con đừng đi, hãy nghĩ lại trước khi tai hoạ ập đến với con, ta có trách nhiệm với con”. Phần lớn quyến thuộc của Drolma cũng có mặt, cả nửa dân làng cũng ra can gián. Cuối cùng nhiều người tiễn đưa nàng đến cuối làng, nơi mà thương nhân và đám tuỳ tùng đang đợi.
Drolma nói với thuơng nhân: "tôi không có gì đáng giá cho ông, nhưng nếu ông mang tôi đi Kham, tôi hưởng được phước lành cách khác”.
Thương nhân ngạc nhiên: “Nhưng tại sao cô lại biết tôi đi Kham”, thật ra thì ông cũng có quyết định đi nẻo này mới đây thôi. Drolma im lặng. Nàng ôm ông cậu và nói: “chúng ta sẽ gần nhau, cách này hay cách khác. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ cùng đạt giác ngộ. Cậu hãy luôn huớng tới Tara, vì Tara và con là một”. Nàng gỡ tay ông cậu ra và kêu lớn với mọi người: “Trong cõi Phật Tara, chúng ta sẽ gặp nhau”.
Với lời nầy, nàng rời bỏ quyến thuộc bằng xương bằng thịt ra đi và tìm cho ra người quyến thuộc tâm hồn, một tu sĩ ở Kham, một người mà không ai biết liệu họ có thật trên đời này chăng.
Vài tuần sau, đoàn thương nhân đến Kham. Tại thị trấn Dento Tsongur, Drolma từ giã đoàn và đi thẳng vào một nơi hoang dã, cứ như nàng biết rõ đường đi nước buớc. Qua thời gian, đoàn người đã biết tính cương quyết của Drolma nên cũng không ai ngăn cản nàng nữa. Ai cũng biết muốn ngăn nàng thì phải dùng vũ lực mới được, mà điều đó thì không ai muốn.
Drolma đi thẳng vào lều của một trong những tu sĩ có tiếng nhất vùng đó. Tsultrim Gyamtso là một truyền nhân của gia đình Kyura, như Drolma đã từng tiên tri mấy năm về trước. Thay vì nhận lãnh cơ nghiệp của cha và lập gia đình bình thường, chàng lên đuờng sống nơi hoang dã, thệ nguyện sống viễn ly và diệt dục.
Tsultrim ra trước lều, chào người khách bất ngờ. Ngày hôm nay chàng không định gặp ai và dân làng xung quanh cũng ít ai khi gặp mà chàng không báo truớc. Tsultrim nhìn cô gái mặc quần áo nghèo khổ đang đứng ở bậc cửa, lòng đầy hình ảnh lạ lùng. Giấc mơ và sự thực hoà vào nhau một cách đáng sợ và trước khi người tu sĩ định thần lại thì cô gái đã nghiêng mình chào với một nụ cười của người hiểu chuyện: “Tôi… là người bạn đời, đã định sẵn cho anh. Trong tình yêu thương của Tara, chúng ta sẽ lấy nhau và có con với nhau, ánh sáng của chúng ta sẽ làm sáng lên cõi trần này”.
Tsultrim Gyamtso không nói được tiếng nào, đứng qua một bên nhường chỗ cho Drolma vào lều. Trong một giấc mơ cách đây không lâu, chàng thấy một nữ thần Dakini sắc lục hiện lên và báo trước, con cháu của chàng sẽ có những khả năng tâm linh vĩ đại, sẽ làm lợi cho con người hàng thế kỉ. Bây giờ, giấc mơ đó bắt đầu sáng tỏ, sứ giả của một thế giới khác đang cần chàng, một tu sĩ diệt dục, để làm sứ mạng đó.
Trong những ngày và tuần sau đó, Drolma và Tsultrim làm quen thêm với nhau, vì trong một hay nhiều kiếp trước, hai người đã từng chung sống với nhau dưới dạng này hay dạng khác. Hai người nhớ lại, kỉ niệm ngày xưa và niềm vui đoàn tụ tưởng không dứt. Không bao lâu sau, cả hai đều biết rõ họ sinh ra là để vì nhau và đời này họ cưới nhau. Tuy nhiên, Tsultrim chỉ là một tu sĩ độc cư nghèo và không có gì để cử hành hôn lễ với tất cả nghi thức, đó là không kể chuyện lập gia đình và sinh con đẻ cái. Drolma nói "Anh đừng lo. Hãy mời gia đình và bạn hữu tới tham dự buổi lễ. Em sẽ lo tất cả.”
Thấy vợ còn ngây thơ trẻ con, Tsultrim Gyamtso bật cười: “Em không sợ gì trong thế giới này sao? Cũng không sợ bố mẹ chồng thuộc dòng Kyura nghiêm khắc sao?”.
“Không, em chủ động sinh vào thế giới này để giúp tất cả mọi người không chút phân biệt. Không phải em có sức mạnh của thiên giới mà sức mạnh đó tác động thông qua em. Vì vậy em biết rằng mọi việc em làm đều tốt lành và tất cả ai theo em sẽ đều giác ngộ”.
Drolma lên mười sáu lúc nàng cưới vị tu sĩ đã nhập dòng Tsultrim Gyamtso. Lễ cưới được tổ chức với sự tham dự của hơn một trăm khách và cả trăm người đó đều xác nhận rằng, lúc đó trong túp lều nghèo nàn và chung quanh xa hàng mẫu đất có một thứ ánh sáng êm dịu toả ra; còn Drolma thì đánh chiếc trống nhỏ và mắt đăm đăm nhìn bầu trời. Một mùi hoa lạ chưa từng có lan khắp nhà, trên bàn thờ những ánh sáng li ti nhảy múa, rực rỡ hơn bất cứ ánh sáng thế gian nào. Khách mời đều nhận được mùi vị ngọt ngào của một thứ nước thánh, tuy không thấy thật nhưng tất cả đều được thọ hưởng.
Sau buổi lễ, Drolma xoè bàn tay cho chồng thấy bốn miếng xương trừu có dạng vuông vức kỳ lạ vừa hiện trong lòng bàn tay. Drolma cũng ngạc nhiên trước hiện tượng này, nhưng nàng biết ngay và nói: “Đây là dấu hiệu chúng ta sẽ có bốn đứa con trai, chúng sẽ đạt giác ngộ ngay trong đời này”.
Như tiên tri, Drolma sinh bốn con và mỗi người đó đều được điểm đạo. Drolma và chồng cũng có nhiều đệ tử và trở thành đạo sư có tiếng. Lúc đứa con thứ tư đến tuổi trưởng thành, Drolma đưa các con và một số đệ tử về lại hang Tidro, là nơi đạo sư Liên Hoa Sinh đã từng sống và giáo hoá cho các nữ thần Dakini.
Khi Drolma đến nơi thì hang động sù sì bỗng biến thành một cửa thành dẫn vào thiên giới. Người ta nhìn thấy một phong cảnh như bằng ngọc quý dựng lên, thiên nhiên tuyệt đẹp hàng đoàn, hàng đoàn xuất hiện. Drolma căn dặn mọi người đừng quên rằng cảnh đẹp tuyệt vời này cũng chỉ là ảo giác. Dù chân như rất gần với chúng ta, gần hơn tất cả nhưng chúng ta luôn luôm chỉ thấy ảo giác của một đời sống bị trói buộc. Với những lời đó Drolma bắt đầu lễ điểm đạo.
Nhiều giờ trôi qua, sau nghi lễ Mật tông, Drolma đã cho giới đệ tử thâm nhập được thiên giới, ngộ hiểu các vị thiên nhân và Phật tính uyên nguyên của các vị đó. Trong thời gian ngắn ngủi này, nhiều đệ tử đã chứng ngộ được nhiều khả năng siêu nhiên mà tu tập thông thường phải mất hàng năm. Drolma dặn dò những thần thông đó không phải là mục đích tu học, chúng chỉ là kết quả tự nhiên trên đường liễu ngộ chân như.
Cuối cùng Drolma đặt cuốn kinh lên bàn thờ trong động và tuyên bố trách nhiệm của nàng trong thế gian này đã hoàn thanh. Nàng long trọng thệ nguyện rằng sẽ cứu độ mọi người tầm đạo trong vài ngàn năm tới, một khi người đó nghĩ, nhớ hay nhắc đến tin nàng. Sau đó nhiều điều xảy ra không ai còn nhớ rõ. Drolma chết trong động Tidro của Liên Hoa Sinh, mỗi người hiện diện thấy sự việc một cách khác nhau. Truyền rằng, nàng lên một con ngựa sắc xanh bay về cõi thần Dakini, có thiên nhạc vang lừng tiếp đón. Các con nàng chỉ mỉm cười khi nhắc đến cái chết của mẹ, làm ta biết rằng lúc chết cũng như lúc sinh, nàng không hề đau đớn mà đó là một biến cố hỷ lạc.
Drolma và con cháu nàng đã đi vào lịch sử của Tây Tạng, là các vị đạo sư quan trọng. Cháu của Drolma là vị đạo sư Jigten Sumgon cao trọng. Đến ngày nay, dòng giáo hoá Drigung Kagyu của Drolma vẫn còn, một dòng lấy các lời khai thị của nàng trong động núi cách đây trên 900 năm làm cơ sở. Người Tây Tạng tin rằng, nếu có ai nhớ, nghĩ tới nàng thì sẽ được nàng nghe đến và tiếp dẫn. Và ai làm theo lời khai thị của nàng, sẽ sớm được giác ngộ hơn người khác.
 
50. Mộng và thực
Trên sườn ngọn Everest, cao khoảng sáu ngàn mét so với mặt biển, tu viện Thubten Choling nằm cheo leo, xem như một tu viện Phật giáo nằm trên nóc nhà của thế giới. Viện trưởng là Trulshik Rinpoche, ngày nay là một vị Lạt-ma và đạo sư đã già của trường phái Nyingmapa(30). Người Tây Tạng tôn sùng ngài và xem Ngài là một bậc giác ngộ, là người đã vượt qua mọi ảo giác. Đó là thứ ảo giác chồng chất nhiều tầng làm con người không tri kiến được tâm thức mình, làm con người không thể liễu ngộ chân như.
Hàng chục năm trôi qua mà Trulshik Rinpoche hầu như không bao giờ rời khỏi tu viện. Thế nhưng năm 1991, Ngài nhận lời cùng đi với Đạt-lai Lạt-ma thứ 14, vị đứng đầu Tây Tạng đến New York để nói chuyện tại Madison Square Garden và giảng giáo pháp về tự tính giác ngộ trong mỗi con người.
Trong những năm tu học, chàng thanh niên Trulshik luôn luôn nghĩ trong đầu mình sẽ đuợc gặp đạo sư Gyalwa Karmapa(31)để được học hỏi thêm. Gyalwa Karmapa thứ 16 là trưởng môn của trường phái Kagyu(32), là người nắm giữ một bí quyết lâu đời. Bí quyết này dành cho các học trò đã chín muồi, chỉ cần một hành động thân khẩu nào đó là giải thoát cho học trò khỏi sai lầm tự tạo.
Suốt năm này qua năm khác, chàng Trulshik chỉ mong tạo cơ hội để gặp Gyalwa Karmapa. Chàng lên đường đi từ Tibet qua Kikkim để gặp Karmapa tại đó nhưng sau thời gian khó nhọc đến nơi vị này đã đi Ấn Độ để dạy phép Mahakana bí truyền. Trulshik  vội đi Ấn độ nhưng Karmapa lại đi nước khác trước. Làm cách nào, Trulshik cũng không gặp được vị đạo sư này cả.
Chàng không còn cách nào khác hơn là tự mình tìm hiểu lý do sâu xa nào đã gây ra chuyện này. “ Phải chăng có năng lực xấu ác gì, xui ta phải xa thày, để thử thách ta? Hay nội tâm ta còn che đậy, có một ác nghiệp hay một tri kiến sai lầm?”. Chàng tự đặt cho mình những câu hỏi và sau đó thực hiện mọi phép như sám hối, thiền quán hay nuôi dưỡng lòng từ bi. Chàng thực hành bố thí, ra sức tu tập chính kiến, tụng đọc tần chú, giữ hạnh hiếu sinh và cứu độ chúng sinh.
Khi cầu nguyện chàng chỉ còn mong cầu được Gyalwa Karmapa điểm cho phép Mahakana trước khi Ngài nhập diệt. Nhưng sau đó Gyalwa Karmapa mất năm 1981 mà Trulshik không hề được gặp.
Nghe tin đó, Lạt-ma Trulshik tuyệt vọng. Đó là nỗi thất vọng lớn nhất đời ông vì không còn ai giúp ông vào thánh đạo một cách nhanh chóng. Người ta kể rằng ông phải mất hàng năm mới chấp nhận được thực tế này, đời này ông không còn đạt được mục đích lớn nhất nữa.
Sau đó, trong một trạng thái vô sở cầu thì một phép lạ xảy ra cho Trulshik. Một đêm nọ, hoàn toàn bất ngờ, Gyalwa Karmapa đã chết lại hiện ra trong giấc mơ. Tâm trí của Trulshik lúc đó đã rỗng không thì hình ảnh đó hiện ra rực sáng và không thể nào quên. Ngày xưa lúc ông còn mong cầu tha thiết thì không được, bây giờ không còn mơ ước gì thì Gyelwa Karmapa lại đến: vị Phật sáng rực trong dạng Karmapa cho ông hay, sẵn sàng truyền cho ông phép Mahakaan.
Trulshik hỏi câu hỏi đầu tiên; “Cái gì có thực, cái gì không có thực?.
Đạo sư đáp: “Tất cả đều có thực tất cả đều không có thực. Đúng là một nghịch lý. Từ phương diện tuyệt đối thì tất cả mọi thứ nào được tạo thành, thứ đó có đặc tính, mọi thứ đó đều vô thường và không thực. Chỉ cái đó, cái tạo nên mọi thứ torng vũ trụ thì lại là thực, nhưng cái đó lại phi tính chất, phi hình thể, không ngăn ngại. Cũng chính vì thế mà cái đó lại hết sức diệu dụng, toàn năng. Từ phương diện tương đối mà nhìn thì mọi sự, dù nhỏ nhặt nhứt cũng xuất phát từ cái đó, từ cái duy nhất và không hề rời nó”.
Gyalwa Karmapa bắt đầu khai thị như thế. Khi tướng trạng của Ngài hoà tan trong Không mà từ dạng đó xuất phát, thì Phật tính trong tâm của Trulshik thức tỉnh, thức tỉnh từ một giấc mơ.
Kể từ đó thì Lạt-ma Trulshik không thấy có sự khác nhau giữa giấc mơ ban đêm và giấc mơ ban ngày, thứ mơ mộng làm người ta tưởng rằng có một cái tôi riêng rẽ, hiện diện tách riêng khỏi một cái toàn thể. Tất cả những cái vô thường này chỉ nằm trong một giấc mơ lớn mà ngày nào đó mỗi chúng ta sẽ thức tỉnh cho dù con đường đến đó còn có khó nhọc bao nhiêu đi nữa.
 
51. Nhà khổ hạnh và người nuôi chó
Tu sĩ khổ hạnh Kukkuripa Ấn độ sống hàng chục năm trên một hòn đảo của một cái hồ nhiễm độc. Trần như nhộng, râu tóc mọc dài, gầy như que củi, ông sống trong một hang đá với khoảng năm trăm con chó. Ông thương yêu đàn chó hết mực và xem chúng là thiên nhân hiện hình.
Nhiều người tầm đạo tìm đến ông, đến người nuôi chó và xin ông vài lời khai thị cũng như xin truyền ít năng lực. Kể cả Marpa(2), “nhà dịch thuật”, cũng được ông điểm đạo.
Về sau, lúc Marpa đắc đạo ca tụng ông như sau: “Thầy dạy ta đã chỉ rằng, ngay cả những xúc động thấp kém nhất của loài xúc sinh dục giới cũng còn quí hơn cả vàng ngọc, vì thật ra chúng là- như tất cả mọi thứ khác- đã vô thuỷ vô chung hoàn toàn thanh tịnh, không hề uế nhiễm, không hề xấu ác. Tất cả đếu là hiển hiện của một cái tuyệt đối, bất sinh bất tử, của Đại Ấn quyết, của ánh sáng rực rỡ của Nhân như; ngay cả bóng tối cũng chính là ánh sáng”.
Có một tu sĩ khổ hạnh nọ tên là Nagpo Tschopa thực hiện được nhiều tiến bộ, đạt được một số khả năng siêu nhiên. Ông giữ nguyên tắc bất di bất dịch từng ngày là sống loã thể, đi công nhiên ngoài phố để chứng tỏ mình đã rũ bỏ mọi ràng buộc thế gian.
Lần nọ, Nagpo Tschopa gặp một bà dệt vải ngoài chợ nhìn mình từ đầu đến chân và hỏi: “Nào, nhờ tu tập, Ngài đã đạt thần thông nào chưa? một tu sĩ không thần thông cũng như cây không có trái. Phép tu của Ngài sinh ra quả nào nói thử”.
Nagpo Tschopa liền đưa mắt nhìn một cây đang trổ hoa bên vệ đường. Trong chớp mắt, cây liền rụng hết lá. “Thân của ta trần chuồng, không che đậy”, Nagpo Tschopa nói, “cũng thế, tâm của ta đã thoát khỏi tâm dục và vô minh “.
Bà dệt vải xem ra không tán phục: “Nếu Ngài đã huỷ phá được thì Ngài cũng có cách biến chúng thành lành lặn được”. Vừa nói xong, bà dẹp đồ nghề dệt vải qua một bên và đưa tay chỉ các ngọn lá nằm rải rác. Trong chớp mắt, lá bay về lại cây và cây tiếp tục trổ hoa.
Người tu sĩ cúi mình thán phục khả năng bà dệt vải và đi tiếp. Trong mùa trăng sau, Nagpo Tschopa thực hành một buổi lễ thệ nguyện phức tạp. Ông đem mọi thứ cúng dường như thực phẩm, trái cây và vàng bạc lên bàn thờ, lạy cả trăm lần khắp tám hướng. Sau đó ông nhập định và cầu thiên nhân xuất hiện .
Như bao lần, thần Dakini chủ trí tuệ xuất hiện dưới dạng một nữ thần. Nhưng thay vì thu nhận đồ cúng dường, thần Dakini cho hay tối nay thiên nhân bận việc khác: “Tối nay chúng ta bận phải đến với người tu sỹ nuôi chó, đồ cúng dường của vị ấy cao quí hơn cả”. Nói xong, nữ thần rút lui ngay.
Nhưng người tu sĩ nọ không dễ như thế, ông kêu lên nóng nảy: “ Tên quái vô kỉ luật đó có gì mà ta không có gấp ngàn lần hơn? Ta là người áp dụng gắt gao mọi qui định của Mật tông cũng như hành trì mọi lễ nghi!.
Bỗng nhiên nữ thần Dakini lấy dạng của người đàn bà dệt vải và dùng giọng của bà đó mà nói: “Đúng như thế đó, hỡi con người lập dị! Ngươi là người bám vào qui định. Ngay cả sự lập dị của ngươi cũng bị qui định. Kukkuripa không hề có qui định nào cả. Y không có dự định, không có chủ trưong gì cả. Không một kế hoạch nào làm mờ mắt y, y không nhai lại điều gì do ai dạy bảo cả. Và vì y không có đạo sư nào khác hơn chính là đạo sư nằm trong người y, chúng ta lại cần tìm đến y hơn cả”.
Trước khi nhà đạo sĩ khổ hạnh phản đối điều gì, nữ thần Dakini đã biến mất để cùng với Kukkuripa hoan hỉ và năm trăm con  chó hoà nhập với ánh trăng.
 
52. Phép chuyển hoá tâm thức
Ngày nọ, một Lạt-ma đi du hành qua một cùng cô quạnh, đầy gió lạnh tại miền Bắc Tây Tạng. Nơi đó chỉ có ít gia đình sống với đàn trâu, xa tất cả mọi tu viện, đạo tràng. Vị Lạt-ma đi bộ, toàn thân lẫn trong đống áo quần xác xơ, ăn tạm lá cỏ qua ngày. Thỉnh thoảng có vài kẻ chăn cừu ném cho vài miếng thức ăn.
Ngày nọ, vị Lạt-ma thấy một người đàn bà chạy từ trong một lều đá ra, kêu ngoắt dữ dội. Ông dừng lại và người đàn bà hỏi: “Ông chỉ là một kẻ ăn xin thông thường hay một Lạt-ma có tu học?”.
Người khách trả lời dửng dưng: “Cả hai đều không”. Người đàn bà bắt đầu lên tiếng khóc: “Cha tôi vừa mất và chúng tôi đang cần một vị Lạt-ma biết phép chuyển tâm thức để đưa thần thức ông vào cõi Tịnh độ. Lúc tôi mới thấy ông thì tưởng ông đến có chủ ý, tưởng có người đã đưa ông đến đây để giúp gia đình chúng tôi! Thôi hãy vào nhà đi và tìm cách chỉ cho hồn vía cha tôi biết phương hướng rời bỏ đời sống trần gian này mà đi vào cõi Phật”.
“Tiếc thay tôi chỉ là kẻ còn non tay”, vị Lạt-ma nói thật, “bản thân tôi cũng chỉ là kẻ tìm đạo, còn học tập chính kiến và tìm cách định tâm. Chưa ai dạy tôi cách chuyển thần thức người chết cả, đó là phép tu ẩn mật, là một nghệ thuật, có lẽ là nghệ thuật lớn nhất trên cõi đời này. Tôi còn chưa biết đọc biết viết và mới học thuộc vài bài kinh thôi”.
Trước cặp mắt khẩn cầu của người đàn bà, Lạt-ma nói thêm: “Nhưng tôi có được một khả năng đặc biệt, đó là lòng tin kiên định và tha thiết nơi sức mạnh của Lạt-ma Karmapa, bà có biết ngài không? Đó là một vị Phật sống, ngay phút này đang ở trên trái đất này, lấy dạng của một người Tây Tạng, mặc áo của một Lạt-ma. Nhưng đó là một vị Phật sống”.
Người đàn bà nói: “Thế thì cầu Ngài đi để tiếp dẫn cho cha tôi”. Bà cầm tay Lạt-ma kéo thẳng vào nhà, cả gia đình đang ngồi quanh xác chết.
Tại giường, vị Lạt-ma quì xuống và ông không biết làm gì hơn là giơ hai tay lên và gọi: “Karmapa Kjenno, Karmapa, hãy nghe!” , ông cũng đọc hoài câu đó, cứ như đọc thần chú.
Với lòng thiết tha và sự tôn kính sâu xa từ trái tim mình, ông kêu gọi sự cứu độ của Karmapa dễ cả trăm lần. Sau lần thứ một trăm thì như có ai bảo, ông lấy tràng hạt bằng gỗ gõ  nhẹ vào đầu người chết và ra lệnh thần thức người chết hãy kiếm cõi Tịnh độ Dewachen để tái sinh tại đó và nhất quyết không vào bất cứ cõi nào khác, hữu sắc hay vô sắc.
“Karmapa Kjenno, Karmapa Kjenno”,  Lạt-ma gõ nhẹ tràng hạt, ra lệnh thần thức, nhân danh Karmapa mà tái sinh trong cõi Phật, không dừng lại với bất cứ hiện tượng nào, “Karmapa Kjenno”, cứ thế ông niệm hàng giờ.
Trời đã tối, khi những kết quả đầu tiên của phép chuyển hoá tâm thức (người Tây Tạng gọi là Phowa) bắt đầu rõ nét thì một mùi thơm dịu xuất phát từ đầu người chết và tóc trên đỉnh đầu bắt đầu rụng bớt và đầu người chết dường như sưng lên, ngay tại chỗ thỏm đầu. Ai cũng biết, đó là dấu hiệu chắc chắn khi thần thức thoát ra khỏi thân và người cha đã về lại đất Phật với đầy đủ sự tỉnh giác.
Tất cả mọi người đều vui mừng, thậm chí reo lên, sung sướng quên mình như ta thường thấy nơi những con người đơn giản. Họ chúc tụng vị Lạt-ma, cảm tạ và xin ông nán ở luôn tại vùng đó. Họ sẽ xây cho ông một căn nhà đá, xin ông trở thành đạo sư của toàn làng để có thể trao truyền phép chuyển tâm thức Phowa, cùng với một đại sư Karmapa vô hình.
Vị Lạt-ma ở lại với dân làng một thời gian và mọi người đều tin vị đại sư karmapa chính là một cánh cửa vào đất Phật Dewachen dù Ngài không trực tiếp hiện diện. Cả gia đình đó đều cầu khẩn tới ngài vì họ biết rằng cõi Dewachen không phải đợi người ta lúc chết mới mở mà ngay tại đây và bây giờ, ai cũng có thể tìm kiếm được.
Một ngày nọ, tin tức bay tới miền Bắc Tây Tạng xa xôi: vị Karmapa hiện đang ở miền Nam và đang truyền bá giáo pháp. Vị Lạt-ma nọ nghe tin, vội vã từ giã dân làng và đi về phía Nam.
Vài tháng sau, ông quì trước Gyalwa Karmapa(31) và nhận phước lành của Ngài, sau lưng là một hàng dài tín đồ, tăng sĩ, tầm sư từ mọi nơi của đất Tây Tạng. Ông nhìn thẳng vào mắt Karmapa không nói một lời. Trên mặt vị Phật sống bỗng xuất hiện một nụ cười rạng rỡ. Ngài cúi mình, nói nhỏ vào tai vị Lạt-ma du sĩ: “Lần đó trên miền Bắc, làm phép chuyển tâm thức cũng mệt lắm nhỉ?”.
Sau đó Karmapa lấy vòng cầu nguyện đeo cổ, cầm trên tay, gõ vài cái vào đầu Lạt-ma và nói thêm: “Nhưng lần đó, chúng ta cũng làm được việc rồi… Tất cả đều tốt cả chứ?”.
“Tốt cả”, Lạt-ma du sĩ trả lời, nước mắt đầy tròng. Bây giờ ông đã biết rõ, một tâm thức giác ngộ như Karmapa không hề chịu sự ngăn ngại của thời gian hay không gian, vượt qua mọi trở ngại tưởng chừng có thực, để gần học trò của mình, dù người học trò đó đi tới cõi nào, sắc giới hay vô sắc giới.

53. Đạo Sư đốt trầm
Cách đây vài ngàn năm có một vị thánh tên là Vipasyi, sống tại Ấn Độ. Lúc còn tại thế, ông đã ngộ Niết bàn và từ đó không hề quan tâm đến đời sống vật chất, thân thể. Ông không quan tâm mình đói hay no, không cần biết mùa mưa có mái nhà che thân hay không, cũng không cần biết mình đang sống hay chết. Lúc giác ngộ, ông đã đạt điều đáng mơ ước nhất và vì thế ông ngồi yên trên một tảng đá, không kể mưa nắng, không động đậy một ngón tay ngón chân, không chịu làm gì cả.
Từ Vipasyi phát ra một năng lức êm dịu, một trí huệ rực sáng và lòng từ bi mà ai cũng cảm thấy, nên có nhiều người đến với ông. Vì Vipasyi cho phép ai cũng được tới gần, không phân biệt tốt xấu hay dở, nên nhiều người quí trọng ông, dâng tặng nhiều thứ như thực phẩm, y phục, thậm chí cho cả lâu đài để ở, cho nên cuối cùng cái gì ông cũng sẵn có mà không cần phải làm gì cả.
Một thương nhân giàu có tên Njemy đến với Vipasyi, mang theo thức ăn hảo hạng và nói: “Con xin mời ngài và các đệ tử ở trong nhà con ba tháng, mỗi ngày xin cúng ba bữa ăn nóng. Xin hãy cho con làm điều nhỏ mọn này, vì được nhìn vào mắt Ngài thì cái gì con cũng sẵn sàng cả”.
Vipasyi, người vô sở cầu, gật đầu chấp nhận. Lúc đó có một vị sứ giả của nhà vua vừa đến  và nói: “khoan đã, hỡi Ngài Vipasyi. Hoàng thượng gửi con đến để đưa ngài vào cung điện. Nơi đó ngài và hàng trăm đệ  tử có thể vui sống và thiết lập cả một tu viện nếu Ngài muốn. Ngài sẽ được tiếp đãi một cách vương giả, ăn mặc sang trọng. Hãy đi với con, kỵ mã đang chờ”.
Vipasyi mỉm cười lắc đầu: “Hãy báo Hoàng thượng, ta xin cảm ơn, nhưng ta hứa sẽ ở với thương gia nọ ba tháng rồi. Hãy báo rằng, lòng hào hiệp của nhà vua sẽ tác động lại tốt đẹp, không kể giúp cho ta hay ai khác”.
Nghe lời này, vua có cảm giác bị thương nhân nọ cạnh tranh. Ông gọi các cận thần và hỏi: “Có một thần dân nhanh tay hơn ta. Tên thương nhân Njemay đã lấy mất cơ hội được phục vụ bậc giác ngộ Vipasyi, khiến ta mất dịp vun trồng công đức. Ta phải làm sao bây giờ?”.
Một cận thần gian xảo hiến kế: “Thần có một giải pháp rất hữu hiệu. Với sự đồng ý của bệ hạ, thần cho cấm ngay việc buôn bán củi gỗ. Tên thương nhân nọ sẽ không có củi đâu mà nấu bữa ăn nóng của nó. Còn hoàng gia chúng ta sẽ sẵn củi lửa, nấu ăn cho cả đạo quân còn được”.
Vua nói: “Thật là ý kiến hay. Ta chỉ lo, không biết làm như thế có tạo được công đức hay khong”. Các vị thần khác cũng lắc đầu lo ngại. Một vị khác nói: “ Tại sao chúng ta không làm như Vipasyi căn dặn, hãy tìm một vị đắc đạo khác, ta sẽ cúng dường cho vị đó thì công đức nhà vua cũng được vun bồi vậy”.
Cuộc thảo luận diễn ra sôi nổi nhưng tính lại trong cả nước chỉ có Vipasyi xem ra là đắc đạo nhất, nên cuối cùng ngay đêm đó vua ban lệnh cấm không được buôn bán củi gỗ.
Một thời gian sau, khắp nơi đều đồn đại rằng nhà vua đã mất trí mới ra lệnh cấm buôn bán củi gỗ. Và mọi người cũng nhận thấy thấy rằng chỉ có thương nhân Njemay là bị binh lính nhà vua canh gác cẩn mật. Khắp nơi, người ta cứ đốt lửa nấu ăn như thường, chỉ có Njemay và khách mời là Vipasyi phải ăn rau cải sống. Đối với vị Phật đắc đạo này thì điều này không đáng vui, chẳng đáng buồn; ông không có ý kiến gì cả, nhưng Njemay lại có sáng kiến độc đáo.   Njemay ra chợ và mua của một bà già toàn bộ trầm hương. Chồng bà này chết trước đó không lâu. Ngoài ra, ông còn đặt hàng, nhờ bà cung cấp thật nhiều trầm, bao nhiêu cũng được. Ông sẽ mua hết trầm đến hết đời của bà và trả giá rất cao. Bà già hầu như muốn khóc trước hạnh phúc to lớn này và ca tụng tên tuổi Njemay, đến nỗi các thương nhân khác cũng tụ tập quanh Njemay và không tiếc lời ca ngợi ông.
Bị binh lính nhà vua theo dõi với cặp mắt nghi ngờ, Njemay về nhà và dùng lửa trầm hương nấu ăn. Ông đốt từng thỏi trầm lớn và nấu một bữa ăn tuyệt diệu, dọn ra trong lá chuối cho Vipasyi và đệ tử. Sau khi đọc lời cầu nguyện dùng bữa, Njemay nói: “Thật là một vinh dự cho con, được phục vụ bữa ăn cho đạo sư. Nhưng con mong tới ngày, không phải chỉ dọn bữa mà ngày đó đạt được chính trị kiến, và giúp được mọi loài hữu tình chỉ với sự hiện diện và trái tim nhân hậu của mình”.
Ngày qua ngày, khói trầm hương bay khỏi bếp của Njemay, truyền đi khắp nơi, lan cả qua thành phố bên cạnh, ngày nay trở thành một thành phố hành hương.
Khi nhà vua nghe tiếng làng của thương nhân này, ông nghĩ lại và cho vị cận thần thôi việc, người đã khuyên răn ông những điều không hay. Ông  cũng nhường lại ngôi cho con, không trị vì nữa. Còn Njemay thì học hỏi được rất nhiều nơi vị Phật đã sống trong nhà ông ba tháng và được phục vụ các bữa ăn nóng. Njemay được tái sinh trong một cõi trời mang tên là A-la-hán Anga, “đạo sư đốt trầm”. Tranh tượng thường vẽ ngài trên tay cầm trầm hương. Người ta nói rằng ai thấy hình ngài, đụng tới tượng Ngài hay chỉ nhắc đến tên ngài là đã được lợi ích. Kẻ nào tha thiết theo con đường tu học mà Ngài đã đề ra, kẻ đó sẽ luôn luôn hưởng một mùi trầm nhẹ nhàng.
 
54. Gặp gỡ Bồ Tát Trí Tuệ
Yahden Tulku là tái sinh của một Lạt-ma Tây Tạng, trở lại trần gian để  hoàn thành việc tu học. Trang đời sống cũ, ông đã thông thạo kinh điển Ấn Độ, Tây Tạng và đã được điểm đạo. Bây giời ông theo học môt vị đạo sư để tiến thêm một bước nữa trên thánh đạo.
Khi vị đạo sư nọ nhập diệt, Ngài để lại cho ông môt cuốn bí lục và môt bản đồ chỉ đường đến một ngọn núi với năm đỉnh cao miền Tây Trung Quốc. Ngọn núi này được gọi là Ngũ Đài Sơn(33), được xem là trú xứ của Bồ-tát Văn Thù(16) , vị Bồ tát chủ trí tuệ. Văn Thù có hàng ngàn tên và ngài cầm lưỡi kiếm bén cắt màn tối của vô minh. Người ta nói rằng, ai thành khẩn đến Ngũ Đài Sơn thế nào cũng gặp Ngài, trong một dạng hình nhất định, đó là điều chắc chắn.
Tuy thế chỉ có những người có căn cơ, với cặp mắt trong sáng, mới nhận ra được Văn Thù. Vì thế Yahden trên đường đi Trung Quốc, luôn luôn thiền định và chính niệm. Nếu không thiền định thì ông cũng đọc danh hiệu của Văn thù hàng nghìn lần.
Sau sáu tháng, Yahden Tulku mới tới Ngũ Đài Sơn. Sau đó ông leo 108 bực thang để lên tới đền thờ Ngài trên đỉnh núi.
Ba con chim đậu trên bảo tháp trắng như tuyết thờ tóc Văn Thù. Chim kêu réo đòi thức ăn, xung quanh không một bóng người. Trên đỉnh núi hầu như tĩnh lặng, không có dấu hiệu nào của thiên giới, vị lạt-ma miệng tụng niệm từ từ leo lên đỉnh.
Trên cao, một con chó già nằm phơi nắng. Nó đã quá già. Không còn đủ sức để sủa. Mái điện thếp vàng chói ánh mặt trời vào mắt Yahden như một tấm gương. Ông nhìn xuống bàn chân mình đã sưng lên vì cuộc hành trình.
Trong điện bỗng vang lên ba tiếng chuông, có một vị đệ tử nào của Văn Thù vừa đánh lên. Như được tiếp thêm sức mạnh. Yahden lại tiếp tục leo lên.
Khi sắp lên bậc cuối cùng bỗng một người ăn xin cụt chân xuất hiện. Lão nhìn Yahden bằng cặp mắt đầy gân máu, bò xuống bậc thang và thò tay ra xin bố thí.
“Đáng tôn thờ thay, cái duy nhất trong thiên hình vạn trạng”, lão ăn xin nói, nhưng xem ra lão không hiểu mình nói gì. Yahden vội lấy một ít thức ăn trong túi cho lão. Ông thấy một nụ cười rạng rỡ trên nét mặt người ăn xin mà từ ngày thầy mất đến giờ ông chưa thấy lại.
“Đáng tôn thờ thay, cái duy nhất trong thiên hình vạn trạng và cái thiên hình vạn trạng trong cái duy nhất. Thứ nhỏ mọn này ta không cần đâu”, người ăn xin kêu lớn và vẫn cười rạng rỡ, nụ cười làm vị Lạt-ma bỗng tràn đầy hi vọng và tin tưởng. “Ta không can thứ nhỏ mọn này, ta cần tâm thức trọn vẹn của ngươi”.
Bây giờ thì Yahden biết rõ ai trước mặt mình. Trong phút giây đó thì hiện thân của Văn Thù đã biến mất.
Yahden nhìn quanh và nhảy từng bực thềm. Một lần nữa chuông điện lại gióng lên 108 tiếng. Yahden không biết làm gì hơn là quì lạy bay nhiêu lần trước tượng thờ Văn Thù. Trên mái điện chim kêu chiêm chiếp như muốn cười nhạo Yahden.
 
55. Tursi về nhà
Khenpo Yonga là viện trưởng viện Gemang ở kham thuộc Tây Tạng và sống vào thế kỉ thứ 19. Trước khi nhận nhiệm vụ này, ông đã được nhiều đạo sư điểm đạo trong đó được vị đại sư Patrul Rinpoche, một đại sư xuất chúng của trường phái Đại Thành hướng dẫn. Đại Thành là giáo pháp dạy cách trực nhận chân như, vì vậy thực ra cũng không thể gọi là giáo pháp, mà đúng hơn là một kinh nghiệm đảo lộn tận gốc rễ, chỉ có hành giả thấy cái điều mà thât ra chẳng có gì bí ẩn cả.
Sau khi đắc dạo, Khenpo Yonga có nhiều học trò, phần lớn là các vị Lạt-ma thông thái hay các bạn đồng tu nam giới. Cũng có nhiều chuyện đáng kể xung quanh các vị này nhưng không có chuyện nào kì lạ bằng chuyện của Tursi.
Tursi là một cô bé khi lần đầu nàng nghe Khenpo giảng pháp. Sau đó nàng hay đến tu viện Gemang nghe giảng rồi một ngày kia nàng mang một cái lều đóng trước cửa tu viện, ngủ tại đó để sáng hôm sau kịp thời nghe giảng đạo.
Nàng rụt rè đứng xa trong điện, trong lúc các bạn nam giới tranh nhau đặt câu hỏi để được Khenpo Yonga hay Tulku Mura trả lời mà các vị này cũng là một đạo sư đắc đạo. Tursi quá rụt rè đến nỗi các Lạt-ma hay hỏi han, chuyện trò hóm hỉnh để làm cho nàng mạnh dạn thêm. Nhưng mỗi lần như thế nàng lại khóc, làm ai cũng nghĩ nàng quá yếu đuối hay ít ra nàng cũng không có đầu óc hóm hỉnh khôi hài. Nhưng nhờ lòng thiết tha kiên trì với hai đạo sư Khenpo và Tulku Mura mà nàng vẫn tiếp tục học hỏi trong tu viện được.
Một buổi sáng nọ, lúc Khenpo Yonga vừa giảng đến Tính Không mênh mông vô hạn thì bụng Tursi đầy hơi phát ra tiếng. Tất cả mọi người đều co người lại mà cười về cách trả lời phẩm bình của con người đối với đạo pháp. Tursi tay ôm mặt khóc, xin Khenpo tha tội. Vị đạo sư nhân từ tha thứ, lại khuyên rằng muốn hiểu và truyền bá đạo pháp cần có một tâm hồn khoan khoái, không vướng điều gì cả. Ngài lại còn hóm hỉnh cảm ơn Tursi về cách đóng góp ý của nàng cho buổi sáng.
Sau buổi đó như thường lệ, Tursi rút vào núi để tham thiền. Tu viện không tiếp tế hay cung cấp cho nàng thực phẩm. Thế nhưng nàng cũng chẳng cần cả gia đình giúp đỡ, vốn cha nàng là một thương gia giàu có. Nàng hầu như thoát ly khỏi gia đình, mỗi lần về thăm nhà, nàng chỉ đóng lều ngay trước nhà mà ngủ.
Một lần nọ về nhà, nàng tắm sông trước khi vào nhà, lần đó có một người chăn cừu thấy nàng tắm. Nàng rửa sạch thân thể theo đúng nghi lễ. Mẹ nàng nghe nàng tắm trần truồng ngoài sông lấy làm lo ngại, bảo: “Con ta sống quá lâu xa gia đình, thật đáng lo cho lối suy nghĩ của nó”.
Cha mẹ nàng nghiêm khắc hỏi chuyện: “Con nghĩ sao khi mọi người biết con tắm ngoài sông, mà không về nhà để tắm”. Tursi trả lời nhẹ nhàng: “Hôm nay con tẩy sạch thân thể vì sẽ vào nhà cha mẹ lần cuối”.
Mẹ nàng ngạc nhiên khắc hỏi chuyện: “Con bảo sao, hôm nay con vào nhà sau bao năm không chịu vào, chuyện gì thế”. Người cha vui mừng: “Con có lý do của con. Bao nhiêu năm nay ta không mong gì hơn là con trở về nhà”.
Tursi vào nhà, ở với gia đình suốt ngày. Tới tối nàng rút trong túi ra một cuốn sách, đặt lên bàn thờ. “sách này chứa nhiều lời khai thị quan trọng. Ngoài ra sách này đã được Khenpo Yonga và Tulku Mura tự tay ban phép, nó chứa đựng nhiều năng lực huyền bí”.
Cha mẹ nàng đưa mắt nhìn nhau vì Tulku Mura vừa mất trước đó vài ngày, hai ông bà muốn giấu tin này sợ nàng đau buồn. Tursi thấy cái nhìn đó và nói: “Con đã biết Tulku Mura nhập diệt cách nay không lâu, chuyện đó con không thể không biết. Cha mẹ sợ con biết chăng? Cha mẹ chưa biết thực tế thế nào. Tulku Maru sống hay chết hoàn toàn như nhau. Ngài hiện diện trong tâm thức sâu kín của con”.
Cha mẹ nàng gật đầu, hai ông bà biết lời này nghe ra là phải nhưng  họ chưa thâm hiểu. Tulku nhắc lại về cuốn sách: “không có gì quí hơn cuốn sách này. Hãy để trên bàn thờ và quì lạy mỗi ngày để nhận được phước lành từ đó. Trước khi con ra đi, cha mẹ mỗi người hãy để sách lên đầu và tha thiết cầu nguyện, cha mẹ sẽ thấy không có gì mà không thực hiện được”.
Cha của nàng vui vẻ làm ngay, nhưng mẹ nàng lấy cớ đã nhận phước lành của hai vị đạo sư rồi nên không muốn làm. Người cha thuyết phục, bà mẹ mới chịu làm. Sau đó Tursi đặt lại cuốn sách trên bàn thờ, với một ấn quyết khó hiểu. Nàng ra khỏi nhà ngủ trong lều.
Trong đêm đó, tuyết rơi mạnh. Sáng hôm sau, cha mẹ tìm thì nàng đã biến mất. Cha nàng tìm mãi chỉ thấy áo trong áo ngoài của nàng. Cuối cùng, trên một ngọn đồi nay tuyết, người ta thấy nàng ngồi nhập định, trần truồng, tay bắt ấn của nữ thần Tara. Nàng đã chết.  Người cha lấy làm lạ rằng mình không hề buồn rầu mà lại có một niềm cảm khái vô biên. Con gái của ông đã chết với ý thức toàn vẹn và đã vượt ra khỏi vòng tử sinh, nàng ngồi đó với khuôn mặt khinh an và tỏ rõ khả năng của một kẻ đắc đạo, như kinh sách thường mô tả.  Xét kỹ thì người ta thấy vùng ngực nàng còn hơi ấm trong lúc tay chân đã lạnh giá, đúng y như trong kinh sách Mật tông Tây Tạng viết. Đó là dấu hiệu của sự hoà lẫn thần thức với Linh quang rực rỡ, ánh sáng này là hiện thân của Pháp thân xuất hiện lúc thần thức vừa ra khỏi tấm thân xương thịt. Người cha để nguyên xác con ngồi như thế trên đồi.  Đúng lúc đó, Khenpo Yonga đi cùng với một nhóm người đến một tu viện gần đó. Người cha bắt gặp đoàn này và kể chuyện đêm qua. Khenpo vội đến nơi thì Tursi đã ngồi trong tuyết trắng hơn 12 tiếng, như môt tượng phật. Tới bây giờ mà da dẻ của nàng còn trắng hồng hào. Vị đạo sư và nhiều dân làng dựng lều quanh đồi để theo dõi. Đến ngày thứ ba thì xác nàng gục xuống và không còn dấu hiệu gì của hơi ấm và sức sống. Khenpo Yonga nhờ các tăng sĩ cho lập một bản thảo và bia đá tại chỗ, thường thì nghi lễ này chỉ dành cho các Lạt-ma cao cấp nhất.
Cuối cùng Khenpo Yonga chủ trì buổi lễ hoả táng và giải thích: “Thật ra thì từ ba năm qua, Tursi đã chuẩn bị nhập tâm thức mình với Pháp thân. Bây giờ chắc chúng ta đều biết, sự ngây thơ của nàng không phải là sự yếu đuối. Chỉ ai hoàn toàn tự nhiên và trong sáng mới có thể nhập được với Pháp thân. Nàng chết tức là nàng trở về nhà. Đáng ca ngợi thay, hiện thân của Tara, bạn đồng tu đã giác ngộ của chúng ta. Hãy đi theo nàng!”.
Trong tro của Tursi, các vị lạt-ma tìm thấy một đốt xương sống nguyên vẹn, có hình như nàng ngồi trong dáng điệu của nữ thần Tara sắc trắng. Từ đó, đốt xương này được thờ trong tu viện Gemang. Song song người ta lấy tro nàng bắt thành một bảo tháp tí hon hình cái chuông và cũng được thờ tại đó.

 
56. Trừu, bò, dê xin quy y
Ngày xưa có một con trừu mập mạp, cùng với một con bò, một con dê và một số thú vật nuôi lấy thịt khác, đang ăn cỏ trong sân một tu viện. Đúng lúc đó thì tu viện có khách: một đoàn Lạt-ma ăn chay từ miền Nam đến nay và được tiếp đón niềm nở.
Sau đó, các vị khách nhận ra rằng trong tu viện này các vị tăng sĩ ăn thịt, như thế là không giữ đúng luật cấm sát sinh rồi. Cuối cùng hai bên tranh luận kịch liệt, từ giờ này qua giờ khác. Con trừu tò mò đứng nghe bên cửa sổ.
Một lão lạt-ma chủ nhà vừa nêu ý kiến: “Vùng miền Bắc lạnh lẽo này không trồng trọt gì được, chúng tôi sẽ chịu chết đói nếu chỉ sống bằng cây cỏ. Đúng là Đức Phật không cho ta giết hại, nhưng nay chúng tôi chỉ ăn thịt thôi”. Lạt-ma của phe kia liền đáp: “nhưng các vị cũng thấy rằng nếu không giết động vật thì thịt đâu mà ăn!”.
Vị Lạt-ma ăn thịt phản đối: “Thế thì các vị mang áo quần giày dép cũng bằng lông thú này. Đó là không kể các vị mặc quần áo sang trọng bằng tơ lụa, trang hoàng bàn thờ cũng bằng tơ lụa. Bộ tơ lụa không phải là nước mắt của hàng trăm kén tằm hay sao? Rồi các tràng hạt bằng ngà voi của các vị, bao nhiêu voi chết cho đủ để các vị làm tràng hạt?”.
Lý luận này buộc các vị Lạt-ma ăn chay phải chịu thua. Phấn khởi, các vị ăn thịt nói tiếp: “Các vị hãy nghĩ đến vô số côn trùng phải mất mạng dưới lưỡi cày bừa. Hay lúc tưới tiêu, hay lúc gặt hái, để cho chúng ta vài can gạo hay ít hoa quả. Nên thà hi sinh mạng sống của con vật duy nhất để duy trì đời sống của nhiều sinh vật còn hơn là để hàng triệu tỉ sinh linh khác chết vì một miếng bánh mì?”. Con trừu nghe đến đây lấy làm lo ngại. Tất nhiên nó không hiểu hết toàn bộ cuộc tranh cãi này, nhưng tâm lo sợ của nó làm bật lên tiếng kêu be be. Ngoài tiếng trừu kêu, con bò con dê cũng chạy lại và đứng dưới cửa sổ nghe ngóng.
Một Lạt-ma nói: “Nỗi đau khổ của loài hữu tình thật vô biên…… Phần  lớn người ta không ai hiểu được tâm thức thú vật khi chúng bị giết để ăn thịt. Nhưng con người phải chịu mọi hậu quả nó gây ra, dù nó không hiểu hết những gì nó làm”. Đến đây thì một Lạt-ma trẻ tuổi đến bên cửa sổ, lẩm nhẩm: “Con xin qui y Phật, con xin qui y Pháp, con xin qui y Tăng”. Các con vật đã nghe câu chuyện này nhiều quá và cảm thấy phần nào yên tâm với lời này. Các con bò, trừu, dê tự nhủ: “con xin qui y với kẻ nào không sát hại con”. Chúng đã nghe nhiều lời thề nguyện và bộ óc đơn giản của chúng thấm nhuần đôi chút .
Sau đó các vị tăng ăn chay ra đi. Vị tăng trẻ tuổi nọ bước ra sân, nhưng các con vật bây giờ không sợ sệt gì cả. Bên cạnh vị tăng đó có ông con trai nhà nông đi cùng là người chuyên giết thịt, thế nhưng các con vật đó không lo lắng gì.
Vị Lạt-ma  lầm bầm: “Án ma ni, bát mê hồng”, mắt nhìn đàn thú dò xét. Nghe sáu tiếng này, các con vật lấy làm yên dạ vì đó là thần chú đại bi, đó là một tư tưởng vĩ đại, xuyên suốt mọi thứ.
Con trừu tự nhủ: “Cầu cho các vị an lạc, nhờ các vị mà ta được qui y Tăng, qui y với các đệ tử của Phật”. Bỗng nhiên vị tăng tuổi trẻ nọ đi thẳng vào con trừu và quay người đi. Tên đồ tể liền chụp con trừu, cột bốn chân, lôi đi làm thịt. Con bò và dê hoảng hồn. Chúng bắt đầu nghi ngờ vị Lạt-ma miệng tụng "Án ma ni, bát mê hồng”, chúng bắt đầu nghi ngờ Pháp Phật. Sau một lúc, con bò nghĩ lại, tự nhủ: “Tên trừu có lẽ quá hấp dẫn vì bộ lông và thịt ngon của nó. Nó cũng đâu xứng đáng được qui y Tăng. Chắc vì thế mà vị Lạt-ma nọ phải hi sinh nó. Còn ta nay chắc không nỗi nào, ta đã giúp các vị cày cấy năm này qua năm khác. Ta không qui y Tăng đâu, trong Tăng cũng có đồ tể. Ta qui y Pháp, giáo Pháp của đức Phật”.
Hồi sau, vị Lạt-ma nọ lại ra sân, lần này ông chỉ thẳng vào con bò, miệng niệm chú đại bi không ngớt. Con bò bị kéo đi làm thịt, kêu la thảm thiết. Con dê bắt đầu suy nghĩ vè số phận của mình, về giáo pháp do các vị đang trao truyền .  “May thay, ta là kẻ hoàn toàn vô dụng. Sữa của ta thì cạn, da ta đầy sẹo, thịt ta đắng, đầy gân…… Kẻ nào vô dụng, kẻ đó may mắn. Ta xin qui y Phật, Ngài là người cứu độ tất cả chúng sinh, không phân biệt hữu dụng hay vô dụng”.  Lạt-ma nọ lại ra sân và lần này tới phiên con dê. Trong nhà làm thịt, ba con vật kêu la thảm thiết làm một con dơi phải tỉnh giấc ngủ. Dơi treo mình trên sàn nhà, nhìn xuống đất đầy máu thịt và tự nhủ một cách tỉnh giác: “Phật tính có sẵn trong ta là cái duy nhất cần quy y”. Sau đó dơi nhắm mắt ngủ tiếp.

 
57. A-Đề-Sa giác ngộ
A-đề-sa(34)(Atisha) là con trai một lãnh chúa, sống trong một vương quốc tí hon tại miền Đông Bangale. Ông sinh năm 980 và khi còn nhỏ đã nằm mơ thấy nữ thần Tara sắc lục hiện ra và nói bằng một thứ tiếng không lời:”A-đề-sa, ngươi sinh ra không phải để vướng bận đời sống thế gian. Trong 552 kiếp vừa qua, kiếp nào ngươi cũng tìm kiếm chính quả. Trong đời này ngươi sẽ thành công. Ngươi sẽ giác ngộ và cứu độ vô số kẻ tầm đạo”.
Không bao lâu sau, A-đề-sa thệ nguyện làm tăng sĩ và theo học với nhiều vị đạo sư thời bây giờ. Đạo sư Mật tông Rahula đưa ông tới mức độ của một vị Acharya (giáo thụ).
Người giáo thụ trẻ tuổi này nổi tiếng là một nhà hùng biện, nhưng chàng biết rõ rằng, ăn nói lưu loát và lối suy nghĩ có qui định sẽ không mang lại gì cả, nên chàng lên đường tìm kiếm con đường ngắn nhất dẫn đến giác ngộ. Chàng tự nhủ: "Theo Bồ-tát đạo thì muôn ngàn kiếp sau ta cũng không đắc đạo được. Bồ-tát lúc nào cũng quên mình, chỉ lo tìm ánh sáng giác ngộ noi chúng sinh khác. Nếu thế thì ngàn năm sau ta cũng còn quanh quẩn mãi trong vòng trói buộc của ảo giác”. 
Chàng thanh niên cảm thấy buồn rầu mêt mỏi. Chàng nằm trên ghế định ngủ thì bỗng nhỏm dậy, nghe tiếng gọi của đạo sư. Chàng liền vội đến Rahula.
Rahula nói:”Nghe này, ta đã gọi con. Bất cứ sự đeo bám nào nơi cái ngã sẽ ngăn con không được hoà với cái đó, với cái vô cùng đó, cái đã sản sinh ra từng cái ngã nho nhỏ. Dù cho con có những thần thông ghê gớm, đầu óc con có phát triển một cách thiên tài, con có thâm nhập thiền định sâu sa, và con có chứng được Niết-bàn, thì chúng cũng chỉ là những con đường vòng, con đường gián tiếp. Con phải ngộ ra rằng, cái gọi là cái tôi đó chỉ là một sự nhầm lẫn của tri thức, sự nhầm lẫn này đã lặp đi lặp lại quá nhiều kiếp rồi. Sau đó con cũng thấy cái ngã nơi người khác chẳng qua cũng là một sự nhầm lẫn của tri thức. Nhận ra thế nhưng cũng đừng có coi trọng nhận thức đó, nếu không con lại rơi vào cái bay của ngã. Hãy nhận ra cái vô cùng đó trong mỗi hiển hiện của nó. Con sẽ thấy ở đâu cũng là nó. Hãy quên cái không thật để cái thật phơi bày. Con chính là những gì con tìm thấy nơi người khác. Hãy thấy ánh sáng giác ngộ nơi người khác, đó là con đường ngắn nhất để đạt giác ngộ của mình”.
A-đề- sa gật đầu và cám ơn vị đạo sư. Thật ra thì chàng đã nghe qua lời này, nhưng khi nghe nó từ lời một vị đạo sư, và biết rằng Rahula đã thấy ánh sáng nơi mình, lòng chàng tràn ngập một tình thương không diễn tả được.
“ Ai là người thoát khỏi sự ràng buộc của ảo giác, ai là người nhập Niết-bàn”. Rahula nói tiếp: "Cái người đó, người từ chối chuyện này để chạy theo chuyện kia, người đó chỉ là kết quả tri thức đang tưởng tượng. Hãy nhớ rằng tri thức đó, đang sử dụng một thứ nhị nguyên không bao giờ có thật. Cái an lạc nội tâm đang hiện hữu từng giây phút trong con, trong tự tính của con. Kẻ nào cứ tìm tòi, dòm ngó, kẻ đó đang quên những gì nó đang có, đang cùng nhìn ngó với nó”.
A –đề-sa lại gật đầu hiểu ngộ như ngàn lần trước đó… nhưng lần này, chàng tự thấy thêm rằng, kinh nghiệm là những gì chúng đến rồi đi, và vì thế chúng không phải là cái gì thường hằng, không thể là cái gì đưa đến tri kiến về tự tính?”. Rahula trả lời: "không có gì để tìm cả. Tất cả điều đáng làm đang tự xảy ra trước mắt con. Nhưng nếu con cứ muốn tìm một cái gì thì ta cho con lời khuyên như sau: Hãy tự đồng hoá mình với đức Quán Thế Âm và hiểu rằng Ngài và con cũng chỉ là một”. 
Nhưng tri thức là thứ không hề yên nghỉ, A-đề-sa vẫn cứ tìm con đường ngắn nhất. Chàng thực hiện mọi phép thiền quán và siêng năng lui tới Giác Thành (4), là nơi Phật Cồ-đàm thành đạo, đi nhiều vòng quanh tháp. Chàng vừa đi vòng thứ một trăm quanh tháp xong và tự đồng hoá mình với Quán Thế Âm thì có hai phụ nữ ở đâu lại gần, ngồi xuống và trò chuyện với nhau. Một bà nói: "Bà nghĩ sao, làm sao đạt được giác ngộ nhanh nhất?”. Chỉ nhìn thoáng qua, A-đề-sa đã biết hai người này không phải tầm thường. Khuôn mặt rực sáng như được chiếu ánh sáng và thái độ của họ biểu hiện một sự cao quí, chỉ có thể xuất phát từ một tâm hồn an lạc sâu xa. A-đề-sa biết họ là sứ giả của một thế giới cao hơn, và họ nói với nhau là để cho chàng nghe. Bà kia cười đáp:”Quên mình là con đường ngắn nhất, còn đường nào khác? Bà bỏ quên cái ngã và bỏ quên cái khổ. Chỉ còn một điều duy nhất đáng làm trên thế giới này, đó là hãy hết mình phụng sự người khác”.
Ngày hôm sau, A-đề-sa đang thiền định dưới gốc cây Bồ-đề trong Giác Thành thì một bà già ăn xin xấu xí đến. Một kẻ cùi đi cà nhắc tới và bắt đầu chuyện trò với người ăn xin. A-đề-sa không muốn nghe nhưng nội dung câu chuyện vẫn bám vào óc chàng: người ăn xin giảng cho kẻ cùi nghe rằng, từ bi là con đường thoát khổ. “Hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, thay vì mong chờ người ta thông cảm và giúp đỡ ngươi. Ngươi đang bị lòng ích kỉ của chính ngươi kiềm toả”, người ăn xin nói.
“Thật là lạ”, A-đề-sa nghĩ, “ ở đây xem ra ai cũng biết con đường giác ngộ và cũng phù hợp với lời thầy. Chỉ có ta, có ta là còn nghi hoặc”.
Hôm sau, A-đề-sa đi vòng xung quanh bảo tháp ở Giác Thành, tay lần chuỗi hạt, bỗng nghe chim hót ríu rít. Chim vừa đậu xuống tổ được làm bên cạnh đầu gối của tượng Quán Thế Âm. Chàng có cảm tưởng tiếng chim hót như nhắc lại thắc mắc của mình. Và ngước nhìn tượng Quán Thế Âm, chàng nghe nét mặt bức tượng hầu như nói: "Muốn nằm yên trong tự tính, ngươi hãy rũ bỏ mọi vướng mắc, mọi thành kiến. Sau đó, dù nghe qua có mâu thuẫn, ngưoi hãy mang tất cả gánh nặng của chị em ngươi, nếu thấy họ có lỗi thì hãy tha thứ hết cho họ. Chỉ có thế ngươi mới tự giải thoát ra khỏi ảo giác của một cái ta, cái ta tưởng chừng nay tội lỗi”.
A-đề-sa đứng yên như tượng, lòng tràn đầy tri kiến, thứ tri kiến chàng đã biết nhưng lần này không còn một thứ nghi hoặc nào cản đường. Trong tâm chàng bỗng hiện lên một linh ảnh: một người lạ nói với tình thương vô biên. Trên một vùng đất xa lạ, người đó ngồi dưới bóng dừa và giơ tay vẫy A-đề-sa ngồi xuống bên cạnh.
Một thời gian sau A-đề-sa lên đường đi Sumatra, một hòn đảo nhiệt đới, nơi đó đạo sư giác ngộ Serlingpa, vị thầy sau cùng đã đợi sẵn. Chàng ở tại đó 12 năm và được Serlingpa truyền đạo cho, thường bằng tâm truyền tâm.
Sau khi Serlingpa nhập diệt, A-đề-sa trở thành truyền nhân, nắm giữ một phép bí truyền của Đại Thừa Phật giáo. Đó là phép tonglen, được dịch là chuyển hoá. Đó là phép trong đó hành giả chấp nhận cái năng lực tối tăm, thô bạo của sự ích kỉ của người khác, rút năng lực đó vào trong tâm mình và biến nó thành con đường của lòng từ bi rực sáng. Tonglen, một khi được hành giả thượng căn áp dụng là một phép chữa bệnh vô song, nhưng đó là một phép tu khó khăn nên đến giữa thế kỉ 20 vẫn còn bí truyền.
Trong những năm sau đó, A-đề-sa trở về Ấn Độ và giảng dạy tại đại học Vikramaschila. Hàng ngàn ngưòi đã được gặp ông và còn nhớ ông là người có những tri thức lạ lùng về con người của chính họ. Lời tiên tri của nữ thần Tara đã thành sự thật và một ngày kia, nhà vua Tây Tạng nghe đến tên tuổi và lòng từ bi rộng khắp của ông. Nhà vua cử một đàn sứ giả qua Ấn Độ, dâng cúng nhiều vàng bạc để mời cho được A-đề-sa qua Tây tạng.
Mới đầu A-đề-sa xin cho được suy nghĩ, nhưng thực tế ông không suy nghĩ gì cả, chẳng tìm lời câu trả lời gì trong tri thức của mình, mà liên hệ với Quán  Thế Âm và Tara để xin các Ngài hướng dẫn.
Tara bằng cách nói không lời, cho biết Tây Tạng bây giờ và mai sau rất cần sự hiện diện của A-đề-sa. Nhưng Tara nói thêm, nếu đi Tây Tạng A-đề-sa chỉ sống đến 72 tuổi, còn nếu ở lại Ấn Độ thì thọ 92 tuổi. Sau đó A-đề-sa lên đường đi Tibet, không chút ngần ngừ .
Nhờ con ngưòi này mà Phật giáo Tây Tạng được phục hưng, nhất là phép tắc quy luật của cả một xã hội được chỉnh đốn lại từ gốc. Tại Tây Tạng, A-đề-sa được xem là vị đạo sư của quy y, vì nhờ ông mà vô số người thoát khỏi được vòng vây hãm của ảo giác. Năm 72 tuổi, ông rời thế giới này, trở về sứ xở của vô biên, đúng như Tara đã tiên đoán.

58. Khu rừng đầy nữ thần Tara
Cách nay hàng chục đại kiếp có người đàn bà tên là “Ánh trăng trí tuệ”. Là một nữ Bồ-tát, trong thời trẻ tuổi, bà đi rất xa trên thánh đạo, nhưng có nhiều vị tu sĩ nghĩ rằng vẫn nên giảng dạy cho bà, mặc dù bà không hề muốn.
Một buổi sáng nọ, Ánh trăng trí tuệ vừa ra giếng múc nước cho gia đình thì nhiều tu sĩ trờ tới, nói: “Ánh trăng trí tuệ, người đàn bà thông minh đó và có nhiều khả năng hứa hẹn. Vì vậy chúng ta khuyên ngươi cầu nguyện làm sao cho đời sau tái sinh thành đàn ông để được giác ngộ hoàn toàn”.
Ánh trăng trí tuệ lắc đầu nói: “Cách phân biệt giữa nam-nữ hay giữa ta-người là đặc trưng của đầu có biết phân biệt, nhưng không thoát khỏi tính chất nhị nguyên. Các ngưoi được gọi là tu sĩ, hành giả đạo học, mà sao còn nói với ta điều đó được?”.
Nói xong, với cử chỉ của một bậc thánh, nàng giơ hai tay lên trời, tự nguyện chỉ sinh làm nữ giới và sẽ truyền bá giáo pháp cho đến lúc toàn bộ loài hữu tình thoát khỏi suy nghĩ nhị nguyên.
Vài ngàn năm trôi qua, Ánh trăng trí tuệ cứ tái sinh làm nữ giới cho tới một lúc bà đạt giải thoát hoàn toàn và đạt cấp giác ngộ vô thượng. Kể từ đó bà được mang tên “Tara”, dịch nghĩa”tinh tú”.
Dân Tây Tạng gọi Tara(26) là”mẹ của tất cả các vị Phật” và gọi bà là “Đạo sư giải thoát”. Người ta cho rằng chính Tara, trong thời kiếp hiện nay là người đã giúp một vị nam giới thành chính quả, vị đó trở thành đạo sư được truyền tụng nhiều nhất. Người Ấn Độ gọi đó là Quán Thế Âm, người Tây Tạng gọi là Chenrezig. Trong truyền thuyết Tây Tạng thì Chenrezig, sau khi đắc đạo, lòng biết ơn Tara đến nỗi Ngài thần đọc thần chú Tara đến mười  triệu lần, nhằm dùng âm điệu của thần chú Tara để giúp chúng sinh trong khắp cõi xứ.
Vì thế từ đó Tara được xem là nữ thần cứu độ "tám lỗi lo và nguy hiểm”. Người ta kể ra hàng ngàn câu chuyện liên quan đến mật chú Tara, với sự rung động cứu độ của Ngài ban phát. Một thương nhân Tây Tạng kể một bức tượng Tara nhỏ ông thường mang theo đã cứu ông khỏi bị trâu húc. Một Lạt-ma khác kể, hình của Tara đã có lần cứu ông thoát chết vì một viên đạn.
Một chuyện khác kể về thành phố Mathura ngày xưa, trong đó có khoảng 500 tăng và ni tu học tại đó. Điều này làm một tên quỉ sứ không vui và y tìm cách phá các hành giả thiền định. Tên quỷ này bắt đầu nghiên cứu nhược điểm từng ngưòi một và y sẽ hiện ra trong dạng mà mỗi hành giả sợ hãi nhất. Đối với các trí thức học giả thì quỉ nhỏ to rằng thiền định sẽ dẫn tới điên loạn và mất trí nhớ. Một vị tăng sĩ rất dễ thương hiền hậu thình lình trở lên cộc cằn thô lỗ. Các vị khác thì sa vào thói rượu chè hay ác kiến. Các vị kiên trì nhất thì bệnh hoạn, thiếu tinh tấn. Không bao lâu sau, không còn ai trong Mathura thực hành thiền định, tu học Phật pháp mà không bị những hiện tưọng kì dị theo đuổi.
Sau đó, một vị sư già bỗng nhớ lại ngày xưa thầy mình có dặn dò một điều. Lời dặn đó khuyên rằng, khi tói một mức sâu của thiền định thì phải nên tự buông mình và đồng thời cầu xin Tara giải thoát ra khỏi ác kiến của ma quỉ.
Vị sư thực hành điều dặn dò đó và được Tara hiện cho thấy linh ảnh và khuyên phải làm các phép. Vị sư liền tụ họp các bạn đồng tu, yêu cầu các bạn đó mang lại tranh tượng của Tara, gồm 21 dạng khác nhau. Từ mọi đền đài, tu viện tranh tượng của Tara được dồn lại và cả hàng trăm vị tu sĩ đi vào rừng, treo tranh tượng đó lên cây.
Kết quả không phải chờ lâu: kể từ lúc đó tên quỉ muốn hiện hình gì thì hiện, nhưng các vị hành giả thiền quán không hề lay động, các vị đó cứ xem mọi hoạt động của ma quỉ đều là một dạng xuất hiện của Tara. Với cách đó thì họ không bao giờ phải sợ hãi và không có hậu quả nào xảy ra. Tên quỉ nọ cũng không làm gì hơn được, vì trong tự tính sâu xa nhất, nó cũng chỉ là một dạng xuất hiện của Tara thật, của một tính Không viên mãn hoàn toàn. Cũng nhờ đó mà tâm thức tên quỉ cũng từ từ rời bỏ tính chất quỉ của y, không còn tự đồng hoá với dạng hình của quỉ và dạng quỉ đó chết đi, để tâm thức tái sinh trong một cõi khác và để vùng rừng vĩnh viễn an vui.
Sau đó không ai ngạc nhiên khi cuộc sống dân chúng trong Mathura phồn vinh hẳn lên. Trong vùng đó người ta còn ca bài “hai mươi mốt bài ca dành cho Tara”. Đến ngày nay mà các bài ca trung cổ đó còn được hát trong các đền đài hay tu viện nữ giới.

 
59. Người con mù của vua A-Dục
Hai trăm năm sau ngày Phật Cồ-đàm nhập diệt, một viên tướng tên là A-dục (35)(Ashoka) nắm quyền lãnh đạo Ấn Độ. Là một vị vua nay uy quyền, ông thống nhất sứ xở chia năm sẻ bảy, cho xây đường xá, đào giếng, bệnh viện nhà nghỉ và nhất là bảo tháp, đền miếu, mà ngày nay người ta vẫn còn xem là một trong những công trình to lớn của con người. Mới đầu A-dục vương là một con người hiếu chiến, nhưng về sau ông được một tăng sĩ Phật giáo khuyên nên theo chủ trương hoà hiếu, bất bạo động. Nhà vua gặp vị tăng sĩ này lần đầu trên đường đầy bụi bặm và thấy xót thương. Nhưng khi tới gần, ông nhận ra ánh sáng an tịnh trên khuôn mặt vị tu sĩ, và ông thấy nơi người du khất này một cái gì mà một quốc vương như ông tìm kiếm lâu ngày chưa được.
A-dục gia nhập tăng đoàn và bắt đầu thiền định. Ông đi sâu vào giáo lý của Phật và nhiều lần hành hương đến thăm cây Bồ-đề tại Giác Thành, một gốc cây thánh vì đây là nơi Phật Cồ-đàm thành đạo. Trước đó không lâu, vua A-dục lấy vợ, nàng tên là Tisja Rakscha. Vị hoàng hậu này không vui khi thấy nhà vua cứ đến tham vấn tăng đoàn, không quan tâm đến nàng.
Tisja Rakscha cảm giác bị bỏ bê và ghen tức đến mức nàng sai cận thần ghi chép giờ giấc nhà vua đến Giác Thành bao nhiêu và thời gian dành cho nàng bao nhiêu. Cuối cùng khi so sánh, nàng giận dữ tới mức sai cận thần cho đốn chặt cây Bồ-đề. Cây đó bị chặt thật nhưng lạ lùng thay, qua ngày mai nó lại mọc lên như cũ.
Sau đó Tisja tìm mọi cách quyến rũ người con trai lớn của A-dục. Thái tử Kunala là con ghẻ của nàng và là người thừa kế ngôi cha. Nhưng Kunala biết rõ âm mưu của nàng lên thẳng thừng từ chối. Vị hoàng hậu trẻ tuổi hậm hực và quyết báo thù hai cha con.
Nhân dịp nhà vua lại đi thăm đền ở Giác Thành, hoàng hậu âm mưu với triều đình bắt tội Kunala nhốt vào ngục, bộ hạ của nàng lẻn vào ngục khoét mắt chàng.
Không ai cứu chàng kịp, chàng trở thành mù loà. Trong cơn tuyệt vọng, chàng nhớ lời một vị hiền nhân đã già nói cách đó nhiều năm: “Không có gì trên đời này là thường hằng. Bất cứ điều gì ngươi sẽ có, rồi nó cũng sẽ mất. Vì vậy hãy giữ những gì mà ngươi là, và lúc đó những cái mất lớn nhất sẽ trở thành những cái được lớn nhất”.
Cai ngục lấy mất ánh sáng của mắt chàng thì ngay lúc đó ánh sáng trí tuệ bùng lên và Kunala thấy tất cả sự vật đúng như chúng là, vượt ra ngoài thông thường cảm nhận của thế gian. Bay giơ chàng biết vị hiền nhân nọ đã biết trước số phận của chàng nhưng không ra tay cứu giải.
Càng lúc, Kunala càng đi sâu vào thế giới bên trong và để mặc cho trời đất muốn xử sao với người có tội cũng được. Chàng không cần khai báo gì cả vì A-dục không bao lâu sau đã biết ai là người gây tội khoét mắt con mình và cho Tisja Rakscha hưởng hình phạt xứng đáng.
Kunala rời bỏ ngai vàng và nhường ngôi cho con trai làm vua Ấn Độ. Sau đó ông rút vào rừng miền Tây Bắc, sống như một tu sĩ và an nhiên tu tập thiền định. Cuối cùng, chàng đối trị được lòng sân hận luôn luôn quay trở về trong tâm và hoàn toàn xả bỏ. Rồi cũng tới ngày mà chàng cảm tạ Tisja Rakscha về hành động xấu ác đó, vì cũng nhờ đó mà chàng mở được con mắt trí tuệ và lên ngôi vua của sứ xở nằm ngay trong tâm mình. Từ một con người mù loà Kunala đã sinh ra một bậc A-la-hán có thiên nhãn, một bậc hiền nhân. Vô số con ngưòi đã tìm được an ủi và sự cứu độ với vị đó.

 
60. Đạo sư với khẩu súng
Cách nay khoảng trăm năm có một đại hội gồm toàn các vị tăng sĩ và tu sĩ cao cấp tại  Đông Tây Tạng để cùng nhau cầu nguyện. Các vị đó cử hành một nghi lễ Mật tông quan trọng ngoài trời, bên cạnh một khu rừng rậm. Tất cả mọi người đều nhìn theo vị chủ lễ, ông tụng niệm và đọc thần chú, sau đó mọi người lặp lại.
Bỗng một tiếng động khả nghi làm một vị lạt-ma đứng hàng sau cùng phải xoay người lại. Ông nín thở, trong lúc đó thì cả nhóm người cảm giác bất an khó chịu. Tất cả đều quay người nhìn phía cánh rừng, hầu như họ bị một năng lực gì hấp dẫn mạnh mẽ, hơn cả năng lực muốn hoàn thành buổi lễ.
Giữa các cành cây là một người đàn ông mặt mày khó chịu, trên tay cầm một khẩu súng cũ, mắt nảy tia máu nhìn trừng trừng các vị tăng sĩ. Sau lưng ngưòi đó là lố nhố một số người, tay cầm súng, mặt mày khó ưa.
Vị chủ lễ nghe ai kêu một tiếng nhỏ. Ông đứng dậy đi về phía người đầu đảng rồi bỗng nhiên phủ phục năm dài xuống đất ba lần, tỏ dấu tôn quí nguời đó. “Doe Khyentse Rinpoche(10)”, ông kêu lớn, giọng đầy cảm phục. “May mắn thay, Ngài đến với chúng con ở đây. Ngài có làm gì thì chúng con cũng biết từ nơi Ngài toát ra trí huệ và từ bi. Xin đến nay. Nhưng xin Ngài và các vị hãy để súng xuống để ban phước lành cho chúng con theo cách bình thường”.
Vị chủ lễ quì xuống, cúi đầu về phía người đàn ông nọ để xin phước lành. Bay giờ thì cả nhóm đều biết đang hiện diện ở đây một vị đại sư xuất chúng, nhưng cũng đáng sợ nhất, đó là Doe Khyentse, một vị tu sĩ đắc đạo khác đờii. Vị này giết thú vật, ăn thịt, uống rượu và dọng đầu học trò cho đến lúc họ giác ngộ mới thôi. Ngay cả Patrul Rinpoche, vị đại sư vô thượng của phía Đại Thành trong thế kỉ 19 cũng được đối xử như thế. Doe Khyentse đã chụp lấy chàng Patrul đúng lúc, tấn công chàng và cho chàng một kinh nghiệm giác ngộ không bao giờ quên.
Cả đám tăng sĩ hết sức hồi hộp không biết vị đạo sư khác đời này sẽ làm gì đây. Họ nín thở ngồi nhìn Doe Khyentse. Thay vì để tay lên đầu chủ lễ để ban phép, Doe Khyentse chĩa khẩu súng lên mây, bắn một phát.
Tiếng nổ làm chủ lễ choáng người. Ông và cả đám co người lại, trong đầu trống rỗng, bị ném lui vào tự tính, vốn không hề có luật gì cả. Kẻ nào lưu trú được trong trạng thái này, kẻ đó có thể thấy sự vật không bị biến chiếu của đầu óc che đậy. Trạng thái này được gọi là Đại ngộ.
Vị đại sư nhìn sơ qua đã biết ngay trong đám ai là kẻ đã tỉnh giác và giác ngộ, ai là người còn cần vài tiếng súng nữa. Vị chủ lễ vẫn quì, mắt nhắm nghiền và mỉm cưòi như một vị Phật. Một vị tăng khác được đánh thức, cười mãi không thôi. Một vị thứ ba khóc vì sung sướng. Nhiều vị khác xem ra không thay đổi gì cả. Nhưng mắt một vị đại sư là mắt thánh nhân, Ngài thấy hết. Ngài xoay người đi thẳng vào rừng, không nói một tiếng, trước khi cả đám người làm Ngài phiền nhiễu bằng những lời cám ơn.
Tại sao Doe Khyentse lại sống như một dị nhân trong rừng trong núi? Nhiều ngưòi trong đám đó tự hỏi như thế sau khi Ngài bắn phát súng bỏ đi. Câu trả lời là câu hỏi ngược lại: Ai biết được điều đó. Đạo lộ của những thánh nhân thì không thể thăm dò tới nơi.

 
61. Người vợ thích hợp
Một vị Lạt-ma thực hành thiền định và bỗng thấy xuất hiện một linh ảnh. Ông cầu mong được chỉ giáo những gì phải làm trong giai đoạn sắp tới và linh ảnh chỉ rõ ông phải  làm gì.
Vị Lạt-ma gọi ba người thân nhất đến và nói: “Ta phải tìm cho ta một bà vợ thích hợp, một người đàn bà mà ta cùng nàng đạt tri kiến toàn vẹn. Linh ảnh vừa báo cho ta biết nàng đang ở trong một thung lũng gần đây và đang đợi ta”.
Ba đệ tử này gật đầu nhưng hơi ngạc nhiên về thầy mình, vì ông áp dụng phép Mật tông này xem ra quá trễ. Đó là phép tu Tantra, trong đó người đàn ông tìm được chính mình nơi ngưòi đàn bà và ngược lại.
Vị Lạt-ma mô tả người đàn bà như sau: “Hãy đi từ thung lũng này qua thung lũng khác và kiếm cho ra nàng, đó là nữ hoàng của Trí tuệ uyên nguyên, hiện thân  làm người. Nàng này nămg lực huy hoàng như năng lực thiên nhiên, nhưng năng lực đó bị che kín. Hãy đem nàng đến cho ta, nàng chỉ đợi một dấu hiệu từ phía ta”.
Trong lúc các học trò đi tìm kiếm thì vị Lạt-ma hầu như liên tục thiền định trước bàn thờ. Sau ba ngày thì ba tăng sĩ nọ về nhà tay không.  “ Đâu, người bạn đồng hành của ta đâu, người chỉ dành riêng cho ta?”, đạo sư hỏi ngay.  “Chúng con tìm hoài mà không thấy ngưòi đàn bà như thầy mô tả, dù gần giống cũng không có”, học trò trả lời rụt rè. “chỉ có một người đốn củi tồi tàn xấu xí, tuổi đã trung niên, nhưng có sức mạnh của trời đất ban cho. Nhưng bà ta một mắt bị mù, mặt mày dơ bẩn, tay vung một con dao đã cũ, ai nhìn cũng phải sợ. Bà ta không cho chúng con lại gần, không sao nói chuyện được. Ngoài ra không thấy ai nữa cả..” “Đúng bà ấy rồi”, vị Lạt-ma kêu lên mừng rỡ, học trò ngớ người đứng nghe. “Người đó, các ngươi chỉ thấy dạng ma quái của người, đó không ai khác hơn là vị nữ thần một mắt Ekajati trong nhân trạng, vị nữ thần có thân một bên là nữ, một bên là nam; và chỉ một mắt, vì nàng chỉ nhìn thấy nhất thể. Hãy đem nàng đến ngay cho ta. Hình dáng nàng thế nào cứ mặc”. Các học trò lo ngại không biết làm sao nói với bà già. Cuối cùng họ cũng làm được một điều là  trao quà cưói của thầy cho bà đó. Quà gồm có một tấm khăn trắng mà bà già chỉ sờ một cái rồi để qua một bên.
Ba ngày hôm sau, vị Lạt-ma thân hành đến lều bà già, trong đó bà già sống độc cư từ nhiều năm nay với một con trâu và một con dê. Vị lạt-ma chỉ nhìn vào mắt bà đã biết, bà chính là một nữ thần của trí huệ uyên nguyên. Ông kính cẩn cúi đầu ba lần trước hình dạng tồi tàn này và xin bà hãy truyền cho phép tu, phép này không thể dùng văn tự mà diễn tả được. Rồi bà già đốn củi thành hôn với vị Lạt-ma, cuộc đời họ hầu như nở hoa và ngày càng giàu có, cái giàu có không đo bằng vàng bạc. Và không phải chỉ có vị Lạt-ma mới được hưởng lộc này. Bất cứ ai chấp nhận được năng lực của vị nữ thần này lúc bà hiện diện thì đều được truyền cho những tri kiến và cảm khái vô tận.

 
62. Người kên-kên
Một tu sĩ ngồi trong thế liên hoa bên cạnh một nhà chứa xác và thiền quán về tính chất vô thường của sắc thân. Xung quanh toàn là thân người chết, chân tay ngổn ngang. Đó là thời xa xưa, lúc người ta chưa hoả thiêu hay chôn cất, vì tại Tây Tạng, gỗ là của quí và mùa đông hầu như không kiếm ra. Ngoài ra người ta còn tin rằng, khi cho xác mình để thú vật ăn thì đó là hành động bố thí tốt đẹp cuối cùng của đời người.
Một đàn chim kên kên bay lại, xem ra vui sướng với xác người. Đó là những con chim khổng lồ, đen từ đầu đến chân, kêu quang quác bên cạnh xác ngưòi làm người tu sĩ khó lòng nhập định. Tu sĩ tức giận lấy một viên đá ném trúng cánh một con chim, vài sợi lông đen rơi lả tả.
Đàn chim bay lên cao. Sau khi sự yên lặng trở lại, người tu sĩ bắt đầu tụng kinh, giọng tụng ngân nga cầu siêu cho người chết, truyền cho người chết cái ấm áp tâm thức và năng lực sống của mình.
Vài tháng sau người tu sĩ du hành một mình qua một vùng núi non ít người ở. Ông đang tìm cách khất thực, dồn ít thức ăn để có thể thiền nhập hai tuần liền không phải gián đoạn. Từ xa ông thấy cái làng nhỏ với vài mái lều đá. Ông đang đói ghê người, tưởng tưọng dân làng toàn những ngưòi chăn trâu mộc mạc sẽ coi trọng một tu sĩ như ông và sẽ dâng cúng nhiều thức ăn.
Gần đến nơi, ông đánh trống rung chuông và tụng đọc kinh Chod, kinh cúng dường, trong đó tín đồ mang cả thịt xương của chính mình ra cúng, nhằm chứng tỏ mình không còn bị trói buộc nơi sắc thân này nữa.
Vừa tụng ông vừa gõ cửa lều đầu tiên. Cửa mở. Lời tụng của vị tu sĩ im bặt. Trước mắt ông là một người đàn ông cổ dài, gầy nhom, giương đầu ra như một con kên kên tìm mồi. Thân người ông quấn trong một cái áo dài rách mướp, tay cầm một cục đá to.
“Chính ngươi, đồ tu sĩ giả mạo”, ngưòi đó gầm gừ. Trước khi người tu sĩ nói được điều gì, người đó vén áo qua một bên, cho thấy vết thương trên áo chưa lành. “Xương vai ta bây giờ còn đau! Hãy im ngay cái bài tụng cúng dường đó, nếu không ta đập ngươi ngay tại chỗ và sẽ ăn thịt ngươi ngay, kể cả ruột gan phèo phổi”.
Người đàn ông nói xong rụt đầu lại, xong lại nhanh như chớp giương đầu ra như muốn mổ vào mặt tu sĩ. Ngưòi tu sĩ sợ hãi thụt lui vài buớc, nhưng bay giờ người đàn ông bỗng mỉm cười thân thiện, nheo một mắt. Sau đó ông đóng cửa lại đánh rầm. Người tu sĩ hôm đó ôm bụng đói đi ngủ, ông chịu nhịn và tâm ông quanh quẩn với câu hỏi: “một con kên kên phải chăng có thể biến thành thầy dạy và ngược lại? Hay đó chỉ là phản chiếu của tâm ta? Dù tất cả đều do tâm tưởng tượng, phải chăng đó cũng là một bài học? Người kên kên đó thực tế là ai? Và nhất là: ta là gì, ta là ai ?

 
63. Doe khyentse la mắng tử thi
Doe khyentse (10)đã cứu độ vô số người, thường bằng những phương thuốc kì khôi nhất. Một trong những học trò đặc biệt của Ngài là Dodrup Chen(22) thứ hai, thân tái sinh của Dodrup Chen thứ nhất, mà vị này lại là thầy dạy của Doe Khyentse. Dodrup Chen thứ nhất mất năm 1821. Vài chục năm sau, tâm thức từ bi của Ngài trở về trái đất và được các Lạt-ma cao cấp nhận biết. Và số phận kì diệu đưa đẩy, chàng Dorup Chen thứ hai lại theo học với Doe Khyentse vốn ngày xưa là học trò của mình.
Một vị tái sinh thường chỉ cần ít thời gian để phát huy lại khả năng sẵn có của mình và vì vậy thường làm cho thầy bạn xung quanh kinh ngạc. Dorup thứ hai là một trong những thần đồng, với sự hướng dẫn đúng đắn, có thể phát triển nhanh chóng và sớm đạt những điều then chốt trong đời.
Dorup thứ hai là một thanh niên trẻ khi chàng vừa thiết lập một tu viện Dorup Chen tại Golok. Tất nhiên người ta đã hướng dẫn chàng thành tăng sĩ và nghĩ vị tái sinh của đạo sư phái Đại Thành sẽ thành viện trưởng. Thế nhưng, dù có nhiều người thất vọng, chàng cương quyết từ chối, không theo qui định tăng sĩ, không chịu mọi hạn chế gì nữa. Tuy thế người ta vẫn một lòng tin nơi vị tái sinh trẻ tuổi mặc cho chàng từ chối, tu viện vẫn cứ để chàng yên.
Tới lúc Dorup thứ hai lấy vợ và lui tới với vợ ngay cả trong viện thì tu viện mới mời chàng đi nơi khác, mặc dù ai cũng biết chàng trai này có nhiều quyền thuật và nhất là biết cách truyền tâm thức cho người chết lên một cõi cao hơn, giỏi hơn bất cứ người nào.
Sau đó, Dorup đi Dartsay-Doe, một thị trấn gần biên giới Trung Quốc và trở thành đạo sư của lãnh chúa vùng đó. Thời gian sau, một bệnh dịch lan tràn làm nhiều người chết. Dorup Chen liền tìm mọi cách có thể để tìm hiểu nguyên nhân và chận đứng dịch bệnh. Cuối cùng, không có kết quả, chàng dùng phép Tonglen (36), thời đó là một bí truyền. Với phép đó, hành giả tự đặt mình vào người bệnh và rước bệnh qua mình.
Bệnh dịch biến mất nhưng Drdrup Chen bây giờ mang bệnh đậu mùa. Trước khi chàng chết, nhiều vị Lạt-ma của tu viện Dodrup-Chen ngày trước tới bên giường, dường như muốn tiễn đưa người bạn đồng môn lần cuối. Thực tế là các vị đó đến xin Dodrup Chen khi chết đừng biều diễn thần thông gì, đừng tỏ vẻ gì là một vị đắc đạo, để tu viện khỏi mang tiếng xấu đã đuổi một vị đắc đạo ra khỏi cửa, chỉ vì ngày xưa chàng xử sự không đúng phép tắc.
Dodrup gật và hứa với các vị Lat-ma điều đó. Các vị sắp sửa lên đường về Golok thì dân vùng thị trấn Dartsay-Doe xin các vị ở lại vài ngày để làm lễ an táng cho Dodrup với đầy đủ nghi thức.
Không bao lâu sau triệu chứng sắp chết xuất hiện. Dodrup thân nóng hổi, lăn qua trở lại trên giường bệnh. Chàng cào cấu khắp nơi và cuối cùng chết trong sự kiệt sức.
Các vị sứ giả của tu viện Dodrup Chen cúi đầu xấu hổ. Các vị tỏ vẻ tiếc tuổi chàng chết quá sớm, nhưng thực tế là vui mừng vì tu viện không phải mang tiếng xấu. Họ vừa định ra khỏi phòng, định làm một lễ hoả táng nhỏ thì bỗng nhiên Doe Khyentse tung cửa đi vào. Như mọi lần, lúc nào Ngài cũng mặc áo da và cầm một khẩu súng trong tay.
Các vị Lạt-ma sợ hãi bước lui một bước nhưng Doe Khyentse không thèm nhìn tới. Ngài đã hiểu ngay sự tình, đưa mắt nhìn tử thi, hỏi lớn: “Hê, ngươi nghĩ thế nào đây. Thật sự ngươi muốn là một tên lây bệnh vô tích sự nằm chết ở đây hay sao?. Doe Khyentse bật lên tiếng cười và nói: “Nghe đây, không một đạo sư Đại Thành nào của trường phái chúng ta lại chịu chết như ngươi cả. Nào, ngồi đây, ngồi đây ngay mgắn xem. Hãy bày tỏ sự thật của nội tâm ngươi”.  Tiếng quát tháo của Doe Khyentse làm mọi người chạy đến. Họ chen chúc bên cửa và chứng kiến một chuyện lạ.
Doe Khyentse nhìn tử thi la lối lần nữa. Một phút trôi qua mà chưa có gì xảy ra. Bỗng nhiên xác chết nhảy dựng lên, tréo chân ngồi theo thế liên hoa, nhấc bổng khỏi đất khoảng nửa mét. Quanh đầu người chết, ánh sáng ngũ sắc toả ra, có tiếng nhạc êm dịu hầu như phát ra đâu đó. Trong vòng một dặm, không gian hầu như biến đổi, có những rung động kì lạ, thiên giới hình như nghiêng mình xuống chào hỏi. Các người hiện diện bắt đầu nức nở. Doe Khyentse vỗ tay, tiếng vang như sấm.
Sau đó tu viện Dodrup Chen nghe tin này, họ nửa cười nửa khóc. Dodrup Chen thứ hai đã chết như một vị đại sư đắc đạo và được an táng đúng nghi thức, dù cho các bạn đồng môn không hề biết hết sự đóng góp của người chết.

 
64. Nha sĩ Tây Tạng

Tu viện Sera gần kinh đô Lhasa Tây Tạng là một tu viện lớn nhất thế giới cho đến năm 1959. Có lúc tu viện này chứa hơn bốn ngàn tăng sĩ. Nhiều vị Lạt-ma và y sĩ (Geshe) ngày nay còn sống đều đã tu học trong viện này. Thubten Yeshe cũng tu tại đó, ông là Lạt-ma đầu tiên nhận học trò người phương tây.
Lúc Thubten Yeshe lên mưòi bốn, chàng lúc đó chỉ là một tiểu tăng trong viện, có lần bị đau răng kinh khủng. Hàm chàng sưng vù lên, không ăn không nói gì được, cuối cùng chàng đưa tới một vị hiền nhân trong viện để chữa.  Thubten Yeshe miễn cưỡng vào trong một góc nhỏ rách nát của viện, trong đó có một vị tăng già sống đã lâu, nghe nói ông tâm hơn nếu người ta gửi chàng đến một y sĩ có học hành đàng hoàng, vừa có kiến thức y khoa, vừa có tu học tâm linh, phối hợp với nhau mà chữa cho chàng. Nhưng thời bay giờ chưa ai có ai học ngành răng cả, vì thế mà Thubten đành phải tới cụ già nhà quê này.
Cụ già hầu như cả mấy năm không tắm gội, trông rất dơ bẩn. Cụ cười chào chàng thân thiện, mời chàng uống trà nóng và miệng lẩm bẩm thần chú gì không rõ. Nhìn chén trà, Thubten yeshe muốn lợm giọng. Răng chàng lúc đó lại càng đau nhức dữ dội, chàng thấy không còn giải pháp nào khác. Thubten quì xuống tấm thảm bẩn thỉu và để chén trà lên môi. Cụ già bỗng nhoài người ra, thổi vào chỗ đau bằng một hơi thở không lấy gì thơm tho.  Thubten Yeshe muốn nhảy dựng lên vì ghê tởm, nhưng chàng cắn răng ngồi yên không phản đối. Cụ già thổi ba lần như thế. Sau đó Thubten Yeshe ra về, nghe dặn ngày mai phải đến lại nữa. Một tuần liền, cụ già thổi chỗ sưng nhức đó chỉ bằng hơi thở của mình.
Tới ngày thứ bảy thì chỗ viêm đó nứt và chảy mủ ra. Cụ già cười vui thích, thổi mạnh lần nữa và sau đó chỗ viêm biến mất. Vài giờ sau thì Thubten Yeshe hoàn toàn bình phục, còn cái răng thì vẫn nguyên vẹn không phải mổ.  Trong năm đó tiếng đồn vang xa, nhiều y sĩ xem xét thấy vết sẹo còn sót lại trong miệng chàng. Sau đó một ngày kia vết sẹo cũng biến mất. Thì ra Lạt-ma Thubten Yeshe đã tự phát triển khả năng chữa bệnh nằm ngay trong người mình. Ngài cũng đã truyền phép đó cho nhiều người tầm đạo phương Tây. Sau đó Ngài mất đi trong sự tỉnh giác hoàn toàn và cách đây không lâu, tái sinh lại nơi một vùng đất xa, đó là nước Tây Ban Nha.

 
65. Vị toàn năng bất tử

Kangyur Rinpoche là một đại sư của phái Đại Thành, sinh tại Riwoschee, miền đông Tây Tạng, cuối thế kỉ 19. nhiều đại sư thời đó đã truyền cho ông nhiều tri kiến riêng. Suốt nhiều năm, ông thực hành thiền định, viễn ly. Nhờ đó ông có thể tiếp nhận được nhiều giáo pháp của nhiều đạo sư vô hình. Sau khi tu học đựoc một loạt các giáo pháp đã thất truyền và tìm kiếm được một loạt các giáo pháp đã thất truyền và tìm kiếm đựơc một số bí lục cất giấu trong vùng rừng núi Tây Tạng, ông được xem là người “tìm của báu”.  Năm 1975 ông mất trong tu viện mà ông đã sáng lập tại Darjeeling.
Trong thời niên thiếu, chàng Kangyur Rinpoche nghe các mẩu chuyện về một vị toàn năng (Shiddha), sống hoang dại trong rừng núi tây Tạng và đã đắc đạo từ mấy năm trước, nhưng lại không rời bỏ thế giới và từ bỏ tấm thân tứ đại này. Người ta đồn rằng, vị đạo sư hoang dại đó được Yeshe Tsogjal (37) thân hành truyền cho kinh Bat-nhã ba-la-mật(38) cách đây mười một thế kỉ. Bà truyền cho vị này bằng cách đọc nhỏ vào tai, theo cách truyền giáo của thời đó, thầy đọc cho trò nghe khi tới thời. Yeshe Tsogjal lại là học trò nữ xuất sắc của Liên Hoa Sinh (12)và đựoc Liên Hoa Sinh đích thân truyền cho kinh Bat-nhã ba-la-mật. Kangyur nghe chuyện vị toàn năng hoang dại này một cách khâm phục, và ngược lại với nhiều ngưòi khác, chàng tin có thật. Chàng cùng với một người bạn thân, một Lạt-ma trẻ khác , tìm hiểu về vị toàn năng nọ, nhưng không ai trả lời rõ vị đó bay giờ bao nhiêu tuổi, sống ở đâu, có ai gặp chưa. Người ta chỉ biết, nếu có thật thì vị ấy tất già và lui tới đâu đó trên miền núi cao Đông Tây Tạng. Hai vị tin tưởng và quyết lên đường tìm vị toàn năng huyền bí nọ và sẽ xin ngài đích thân truyền cho bài kinh đó. Cả hai vừa tụng đọc vừa kéo nhau vào rừng, mang theo thực phẩm và y phục mùa đông cho nhiều tuần. Kangyur không có chút nghi ngờ gì mình sẽ đạt được mục đích, một mục đích mà kẻ minh triết nhất cũng không dám mơ tới.
Suốt tuần, hai chàng đi hết vùng hoang dã của Hi mã Lạp sơn và tập trung tâm trí lên vị tu sĩ toàn năng đó bằng phép thần giao cách cảm. Một ngày nọ, hai người  thấy một đàn sơn dương chạy trên sườn núi không xa. Giữa đàn dê núi là một bóng, rõ là bóng người, da như da thú, bờm tóc dài như ngựa, chạy bằng bốn tay chân và biến mất theo đàn thú. Đó là một dáng người gớm ghiếc mà hai ngưòi đã từng thấy qua, có thể so sánh với các hung thần trong các bức tranh Thanka(39) Tây Tạng.  Hai người thấy xong đều sợ hãi, pha lẫn với niềm tin tràn trề. Họ vội chạy theo đàn sơn dương, dọc trên các sườn núi, và vừa nhận ra rằng bóng người đó tách ra khỏi đàn thú và biến mất trong một khe đá.  Lòng đầy kính trọng, hai người từ từ đến khe đá. “Chúng tôi tới để xin Ngài truyền tri kiến”, họ gọi lớn. “Xin hãy cho thấy mặt và nhận chúng tôi làm đệ tử”.
Sơn nhân đó không phản ứng gì, sau khi hai người khẩn cầu nhiều lần. Kangyur và bạn liền ngồi trước cửa hang và bắt đầu tụng niệm, đầu cúi lạy hang đá. Sau đó cũng không thấy động tĩnh gì, các vị đó bèn tụng kinh tán thán, kinh nào nhớ được là các vị đó cứ tụng và cuối cùng họ tụng bài tụng tán thán kinh Bat-nhã ba-la-mật, tán thán tính Không, tán thán Chân như mênh mông tuyệt đối, nay diệu dụng và từ bi.
Cuối cùng hai người cử hành nghi lễ Mật tông. Họ đọc danh hiệu chư Phật, chư Bồ-tát và các vị thánh ba đời và cầu mong các ngài chứng giám nghi lễ. Thình lình, vị toàn năng đó chui ra khỏi hang đá, hầu như Ngài cảm thấy khi mình đã nghe lời cầu xin thì mình cũng phải chứng giám.  Sau một phút im lặng nay kính sợ, vị Kangyur trẻ tuổi hỏi :”Ngài tên gì?”  “Ngài tên gì”, sơn nhân đáp lại và đứng thẳng người lên.  “Ngài bao nhiêu tuổi, bạch bậc Toàn năng “, người đó lại trả lời.  Cuối cùng cả hai đều biết rằng con người trần truồng có cặp mắt giác ngộ của Phật đó chỉ biết lặp lại câu hỏi chứ không nói lời nào. Hai vị Lạt-ma đưa tặng người đó thứ nước “Chắt lọc chân như”, đó là một loại bia đựng trong cái sọ người, theo đúng truyền thống của Mật tông. Sau đó cả hai bỗng cất tiếng ca bày tỏ lòng thiết tha muốn học hỏi. Sơn nhân đó vừa nghe qua, bỗng cũng cất tiếng ca. Ngài ca rằng hơn mười năm qua chưa từng nói tiếng người; ngài cho biết trong mình chẳng mang tí tri kiến nào cả, vì thực tế chẳng có gì để trao truyền, từ Ngài cũng không mà từ bất cứ người nào khác cũng không, không có gì để chứng đạt. Rồi thì bất ngờ thay- hai vị Lạt-ma tóc dựng đứng- người đó đọc kinh Bát-nhã ba-la-mật, đọc như một nguồn nước tuôn trào. Người đọc bất tận, khi lên khi xuống như một dòng sông uốn lượn, cho đến cuối cùng của bài kinh thần thánh.
Rồi chợt tỉnh cơn mê, sơn nhân nhìn hai thính giả đang ngẩn ngơ, và ông đột nhiên mở mắt lớn, vùng chạy lên triền núi, đuổi theo đàn dê. Kangyur và người bạn trở về thế giới loài người và cố kể lại những gì mình nghe thấy. Hai vị cũng kể tên sơn nhân cho thế nhân biết: Samma Drubtschen. Ôi, ngày nay chỉ tên gọi Samma Drubtschen đã làm nhiều người tóc dựng đứng, rởn ra gà khi nghĩ về một điều tri kiến cổ xưa được nhắc lại. Người ta cho rằng, ngày nay Samma Drabtschen vẫn còn sống trong núi rừng Tây Tạng.

 
66. Tiếng chim tâm thức

Vairotsana(40) là một đạo sư thiền quán Tây Tạng sống vào thế kỉ thứ tám. Tại Samye, tu viện Tây Tạng đầu tiên, ông được liên Hoa Sinh điểm đạo cho và sau đó học tập trở thành dịch giả. Rồi ông tuân lệnh vua Tây Tạng Trisong Deutsen(41)  đi Ấn Độ, học  giáo pháp Đại Thành để về truyền bá lại cho dân chúng.
Chàng thanh niên hai mươi tuổi Vairotsana đi bộ, vượt Hi mã Lạp Sơn và tới Giác thành, là nơi chàng học tập giáo pháp cơ bản Đại Thành. Sau đó chàng tìm tháp chín tầng của Sri Simha(42), đó là nơi mà Liên Hoa Sinh và Vimalamitra(43) đã từng khai thị phép Đại Tành cao cấp. Tháp Sri Simha nằm rất sâu trong rừng gỗ chiên đàn, một loại gỗ thơm. Khu rừng này và mọi sinh vật sống trong đó rất huyền bí, vì chỉ có rất ít người được vào tới giữa rừng. Đường xa mệt mỏi, Vairotsân vừa nghỉ chân dưới bóng một gốc cây thì có một nữ tu sĩ rất trẻ, đầu đội một bình nước đi qua. Chàng thanh niên Tây Tạng đứng dậy, cúi đầu chào ba lần rồi hỏi: “Thưa cô, tìm đâu ra tháp của Ngài Sri Simha, cô chỉ đường tôi đi được chăng?”. Cô tu sĩ này đi tiếp, không nói một lời cũng chẳng hề xoay đầu lại. Chàng nhìn bình nước trên đầu cô, vận dụng phép tâm thức thành sức nặng mà chàng đã học trong viện Samye, làm bình nước nặng lên hàng tấn. Cô tu sĩ phải đặt bình nước xuống và không nhấc lên nổi nữa. Sau đó cô quay người qua Vairotsân, nhanh nhẹn vạch ngực ra cho chàng thấy một Man-đa-la ngay giữa tim nàng, đó là một đồ hình vẽ nhiều vị thánh, biểu tượnghuyền bí và hình thù kì lạ. Chàng thấy tâm thức mình tràn ngập một thứ tri kiến chưa hề có, Vairotsana quì xuống dưới chân cô tu sĩ. “Hãy đứng dậy”, vị thánh này nói sau một phút im lặng dài như thế kỉ. “Ta sẽ xem, liệu Sri Simha tiếp ngươi được chăng”.  Vairotsana cũng rút ra một Man-đa-la mạ vàng, đặt vào tay nàng. “Xin gởi cho viện trưởng, xin nhận ở đây lòng thành kính nhất. Cái này là của cải duy nhất của tôi trong thế gian và được vua Trisong Deutsen cho mang theo. Tôi tới đây để xin được Ngài Sri Simha điểm đạo vào phép Maha Ati-Tantra(44) vô thượng”.
Ngày hôm sau, Vairotsana được gặp Sri Simha. Lòng tràn  ngập sự cảm tạ sâu xa, chàng nằm dài ba lần và sau đó quì trước vị “sư tử hống”. Nhưng Sri Simha giải thích cho chàng không phải ai cũng thích hợp để tu học pháp Maha-Ati. Chàng hỏi tai sao, thì Sri Simha trả lời: “Sữa của sư tử tuyết quí giá vô ngần, không lẽ bình xí nào cũng đựng được ư? Ngoài ra vì vua của nước này sẽ chém đầu bất cứ ai giảng dạy pháp Maha-Ati, đó là giáo pháp phủ nhận cái nhị nguyên, nó sẽ chôn vùi quyền lực của nhà vua và toàn thể thiên hạ sẽ loạn lạc”.
Sau đó, mỗi ngày chàng dịch giả Tây Tạng đều cầu xin Sri Simha được khai thị cho phép Maha-Ati, lấy lý do đã vượt bao khó khăn gian khổ mới đến được đây. Cuối cùng thì Sri Simha đồng ý, nhưng Ngài đòi chàng phải tuyệt đối giữ bí mật. Mới đầu Ngài dạy chàng với các vị khác trong những tầng thấp của tháp, ôn lại giáo pháp của Phật về nguyên lý nghiệp và nghiệp lực, luật nhân quả…… Về sau, buổi tối, chàng được lên tầng cao của tháp để học những giáo pháp bí mật nằm ngoài phạm vi nhân quả. Qua giờ tý nửa đêm, Sri Simha đưa chàng vào 18 bài khai thị đầu tiên của phép Maha-Ati. Sau đó Ngài dùng sữa dê vẽ văn tự Sanskrit lên một tấm lụa trắng và cho hay các chữ này chỉ hiện lên khi hơ tấm lụa trên lửa. Ngài bắt chàng phải thệ nguyện không được tiết lọ bừa bãi, và viết 18 câu kệ lên tấm lụa, để Vairotsana mang về Tây Tạng.
Trong những tháng sau đó, Sri Simha dạy cho chàng những giáo pháp bí mật nhất thế gian và cũng lần đầu tiên trong lịch sử, các giáo pháp đó được viết bằng văn tự. Vairotsana đem về được quê hương các bí lục đó và dịch ra tiếng Tây Tạng, đặt tên chúng là “Tiếng chim tâm thức”. Sau đây là vài hàng của các dòng chữ quí báu đó, đã được dịch từ Sanskrit ra tiếng Tây Tạng:
Cái vạn trạng không hề rời cái duy nhất.
Tất cả mọi sự đều ở ngoài mọi qui ước,
Không đầu óc nào với tới được.
Tất cả mọi sự không hề dính tới tính nhị nguyên,
Thứ nhị nguyên tốt xấu do đầu óc tự nghĩ ra.
Vì mọi thứ, tự nó đã là viên mãn, là tuyệt diệu,
Không liên quan gì đến mọi cố gắng, mọi mong cầu điên đảo,
Nên người hãy yên nghỉ trong nhất thể từ xưa đến nay.

Vairptsana kể tiếp: “Tôi cố ở bên ngoài, với con người vô song này và nhận được nhiều giải thích, nhiều khai thị, thường thường Ngài nói nhỏ vào tai. Nhưng có lần, đi dạo tới một góc vắng của rừng chiên đàn, Sri simha chỉ tay lên trời đọc”
Chân như vươn mình tới vô cùng.
Nếu ngươi biết, nó là gì, và cứ để nó như thế,
Thì tất cả đều hiện ra viên mãn,
Không có chút bợn nhơ, tuyệt diệu.
Có gì hơn được nó?

Trước khi Vairotsana rời Ấn Độ về nước thì đạo sư đầu tiên của Đại Thành là Garab Dorje(45) hiện ra cho chàng thấy trong một linh ảnh và trao cho chàng hơn một trăm ngàn câu kệ, mà Vairotsana còn giữ cho hậu thế. Garab Dorje, vị “đạo sư vui cười” nói:
Cái tỉnh giác của tự tính chúng ta là Phật tính.
Từ xưa đến nay đã thế.
Tâm như không gian: rộng mở, vô ngại, phi tính chất,
không sinh, không diệt.
Ai là người có thể,
Xuyên qua cái vạn trạng mà thấy cái tự tính,
và lưu trú trong đó,
kẻ đó là người thực hành thiền định,
thâm sâu và đúng đắn
và thâm nhập chân như không hề chút cố gắng.


Trên đường từ Ấn Độ về Tây Tạng, Vairotsana lưa trú được trong tự tính, nên có chút thần thông phát sinh.người ta gọi đó là phép “chân bay”, nói về những người hết tin trọng lực là có thật thì cũng không bị qui luật đó trói buộc. Nhờ biết vận dụng hơi thở, con người có thể động viên sức mạnh vật chất cho phép mình nhấc bổng thân hình và đi đến mọi nơi với thời gian kỉ lục. Nhiều kẻ thực hành cũng có thể vận dụng phép ấy tới một mức nhất định; các nhà nghệ sĩ nhảy múa đôi lúc vô tình biểu diễn được phép thoát trọng lực và dó là dấu hiệu đầu tiên của sự bay bổng.
Với phép đi tuyệt vời này, Vairotsana về lại Tây Tạng, giáo hoá cho nhà vua về giáo pháp Đại Thành. Và lần này cũng thế, với một bí mật nghiêm ngặt. Ban ngày, Vairotsana sống như mọi tăng sĩ và dạy giáo pháp nhân quả. Nhưng ban đêm, sau khi cửa đóng lại, Ngài dạy vua những gì mà Ngài đã giác ngộ.
Trong đời Ngài, Vairotsana còn bí mật dạy thêm nhiều người khác tri kiến thâm điệu đó và truyền ánh sáng của mình rộng ra. Cuối cùng Ngài chết trong rừng già Nepal như một đại sư đắc đạo.

 
67. Jomo Manmo, nữ thần ngủ quên

Jomo Manmo lúc còn nhỏ chuyên giữ đàn bò cho cha và làm những việc cực khổ nhất trong nhà, không chút than vãn. Có thế nàng mới thỉnh thoảng làm bà mẹ ghẻ vui lòng được.
Vào một buổi sáng mùa xuân êm dịu, lúc Jomo Manmo vừa lên mười ba, nàng lùa bò ra sau một đồng cỏ, ngồi nghỉ trên một phiến đá. Bỗng nàng lạc vào một giấc ngủ say. Nghe một tiếng ca nhẹ nhàng, nàng thức dậy đứng lên. Tiếng ca phát ra từ một hốc đá gần đó, trong lúc nàng ngủ, không hiểu sao động đá đã mở cửa.  Nàng ngạc nhiên nhìn xung quanh. Xung quanh có một thứ ánh sáng kỳ diệu. “Hay ta lạc vào cõi thiên thai?”, nàng vui mừng tự nhủ. “Không chừng ta chết rồi và sinh vào cõi Phật?” Nàng nhẹ nhàng đi vào trong động. Trong bóng tối của động, nàng thấy một nhóm nữ thần đang hành trình nghi lễ Mật tông. Xung quanh các vị nữ thần Dakini đó toàn là tay chân xác chết, và thú dữ đang giành nhau ăn thịt. Không hề sự hãi hay khước từ, Jomo Manmo bước tới. Vị nữ chúa của Dakini, một vị nữ thần đầu heo, mõm nhỏ giải, cũng bước một bước về phía nàng.  “Tới đây và đùa giỡn với chúng ta!”, vị thần nói. “Ngươi có biết chăng, từ lúc mới sinh, ngươi đã thuộc hàng các thần thiên giới, như tất cả phụ nữ?”.  Jomo Manmo im lặng không nói.  “Ha, ta thấy ngươi chưa rõ cái tự tính không ô nhiễm của chính ngươi. Hãy xem đây…”
Trước mắt nàng, nữ thần đầu heo bỗng biến thành vô sắc, không hình tướng. “Ngươi hoàn toàn tự do, từ vô thuỷ, ngươi đã hoàn toàn tự do, không bị trói buộc gì cả”, nàng nghe tiếng nói của vị vô sắc đó. “Hãy có cam đảm mà thể hiện sự tự do đó, đừng ngần ngại gì cả. Toàn vũ trụ là thân ngươi, mọi chúng sinh là tâm trí ngươi! Hãy nhớ tới cái trí tuệ uyên nguyên, trí đó ngươi đã mất lúc vừa sinh ra”.  Vị thần vô sắc lấy lại hình tướng, rút một cuốn sách nằm dưới một tảng đá và đặt lên đầu Jomo Manmo. Trong giây phút đó, cô bé mười ba tuổi bỗng tràn đầy một tri kiến kỳ lạ, bị ném vào trạng thái của tự tính, nữ chúa đã đưa nàng lại trạng thái của chân như giác ngộ, mà thật ra nó không hề lìa con người.  Cuốn sách này mang đầy những văn tự cổ xưa và được đưa tận tay cho Jomo Manmo, nhờ nàng đem về cho thế giới loài người. Trước khi nàng rời động, nữ chúa trí huệ nọ nói thêm: “Ngươi sẽ giác ngộ và nhờ sách này mà ngươi sẽ giác ngộ rất sâu xa, và ngươi sẽ dạy lại cho hàng hậu thế”.
Ngày hôm đó, Jomo Manmo bắt đầu có thái độ lạ lùng, so với người đời, như các vị Toàn năng sống trước nàng thường có. Nàng không còn phân biệt điều gì nữa, tất cả đối với nàng đều thanh tịnh và thánh thiện; đối với mọi thứ nàng không khởi tâm tham cầu hay chối bỏ, mọi thứ mà chúng ta thường gọi là tốt xấu. Nàng không thấy mình bị ép uổng điều gì và sống tự tại như một con chim trời. Không bao lâu sau, trong làng người ta đồn rằng nàng ngủ quên bên cạch một cái hang đá của Liên Hoa Sinh(12) ngày xưa. Hang đá đó ngày trước đã bị sập nhưng nay đã tìm được lối vào. Truyền thống Tây Tạng vẫn xem hang này là nơi gặp gỡ của thiên nhân, của người học đạo và của ma quái; và vì vậy Jomo Manmo có danh hiệu là “người bị quỉ vương ám ảnh”. Nhưng cuốn sách, mà nàng mang về chứa đựng nhiều mật pháp của Liên Hoa Sinh, đó là vị đại sư vô thượng của giáo pháp Đại Tành. Cách đây hàng trăm năm, cuốn sách đó do vị học trò nữ xuất chúng của Liên Hoa Sinh là Yeshe Tsogjal(37) giấu dưới hốc đá, để chính bà, trong một hậu kiếp tức là Jomo Manmo tự tay tìm lại. Trong tay của Jomo Manmo, cuốn sách trở thành phương tiện giải thoát cho vô số chúng sinh, có tên là “Tập hợp bí mật của các nữ thần Dakini”.
Những năm về sau, Jomo Manmo chọn vị đạo sư Chowang làm bạn đồng hành và truyền bá giáo pháp siêu việt đó một cách khôn khéo tuyệt vời. Tới năm 36 tuổi, bà thực hành diệu pháp với hai nữ tu sĩ khác trên một ngọn núi lạnh lẽo của miền Trung Tây Tạng. Các người chăn thú tò mò thấy ba người đàn bà leo lên núi, họ nhìn theo xem ba người này làm gì. Theo lời kể lại thì ngay lúc đó, cả ba đều giơ tay ra và đâm người  xuống núi. Nhưng họ không hề rơi xuống vực mà lại bay vào trong trời cao vô tận và không bao giờ trở lại nữa.
Các lời giáo hoá của Jomo Manmo không bao giờ bị quên lãng, ngày nay vẫn còn được truyền lại.

 
68. Không thiền định thì cũng mất tỉnh giác

Một tu sĩ nọ hành trì thiền dịnh hai mươi năm trong một hang đá gần Golock và đã phát triển tri kiến về mối tương quan đích thực của sự vật. Càng lúc ông càng rơi vào trạng thái hỉ lạc và sáng sủa, giữ tâm vô niệm và một ngày đó ông tự xem là giác ngộ và quyết định đi tìm Jamgon Kongtrul(24) để xem ngài phán đoán thế nào.
Jamgon Kongtrul sống trong một tu viện đi nhiều ngày đường mới tới. Khi người lữ khách tới nơi, Kongtrul tiếp đãi một cách niềm nở, nhưng chẳng hỏi han gì về việc kia. Nhằm bắt đầu nói chuyện giác ngộ, người tu sĩ kể về chuyện đã hai mươi năm chuyên tâm thiền định và kể những phút cao điểm của các lần thiền quán.  “Ôi thật nhiều công phu”, Kongtrul kêu lên và tỏ vẻ kinh ngạc. “Đáng sợ thật! Hãy từ bỏ ngay tức khắc”.  Người tu sĩ ngẩn ngơ. Vị đạo sư Kongtrul liền giải thích ngay, trong thiền quán lúc đầu hành giả phải cố gắng thực, nhưng về sau để tâm tự nhiên hoàn toàn, vì thiền quán đích thực chính là để tâm lưu trú trong tự tính. Ông khuyên: “Về Golok lại đi, vào lại hang đá ngồi một mình trong đó, nếu ngươi muốn. Nhưng ta khuyên ngươi ba năm nữa đừng thiền định gì cả và cũng đừng tu tập tâm linh làm gì cả. Hãy cứ giữ mình trong dạng tự nhiên nhất, mặc cho điều gì xảy ra, đừng xao nhãng là được. Cứ giữ tự do giữa làm và bỏ, giữa nghĩ ngợi và không nghĩ ngợi, ngươi sẽ đạt tới cái điều mà ngươi luôn có”.  Vị tu sĩ chớp mắt không tin. Kongtrul Rinpoche nói tiếp: “Ngươi chỉ giác ngộ khi thật sự từ bỏ mọi suy tưởng – bỏ luôn cả những phép tu dày công. Bây giờ là lúc hãy quên cái thành tựu sống độc cư hai mươi năm của ngươi, và điều đó chỉ xảy ra nếu ngươi từ bỏ thiền định”.  Nói xong, Ngài đẩy người tu sĩ ra cửa.
Bỏ thiền định, người tu sĩ trở về hang đá. Mới đầu ông không thể theo lời khuyên của vị đạo sư, không thể không làm một điều gì. Sau một thời gian, ông mới đạt được tâm an nhiên, không tham cầu cố gắng. Cũng ngay phút đó thì tự tính, thứ tâm thức đứng ngoài mọi nhị nguyên bỗng vươn lên như mặt trời mọc, chiếu rọi mọi góc cạnh sâu xa nhất của vô cùng. Phật tính đó toả lan ánh sáng rực rỡ không ngăn ngại.
Ba năm sau, người tu sĩ trở lại thăm Kongtrul Rinpoche. Ông nghiêng người trước vị đạo sư, không nói một lời.
Kongtrul, mặt mày sáng rực, chĩa hai ngón tay cái lên trên, dấu hiệu của “Đạt đạo”. Sau đó vị tu sĩ không-thiền-quán này trở thành một đạo sư đắc lực của phái Đại Thành tại Đông Tây Tạng, vì các lời giảng dạy của ông thật dễ  hiểu kẻ kém tới mấy cũng rõ.

 
69. Cái trống rỗng mênh mông của Gampopa

Trong những năm còn trẻ Gampopa(3) đã phải chịu nhiều nỗi khổ. Ông là một y sĩ của thế kỉ thứ 11, nhưng tài năng ông không ngăn cản được vợ và các con ông chết trong một nạn dịch. Sau mất mát này, ông thề nguyện sống đời Lạt-ma và trở thành tu sĩ khất thực. Không bao lâu sau, ông gặp một đạo sư xuất chúng nhất thời bấy giờ, đó là vị tu sĩ phiêu bồng Milarepa(1). Lúc gặp Milarepa là lúc ông phải vứt bỏ mọi tri kiến, mọi tin tưởng và bắt đầu lại từ đầu.
Dưới sự hướng dẫn của Milarepa, ông thiền  định mỗi ngày ít nhất sáu tiếng trong một hang đá không xa hang của thầy. Có lần ông đến thăm thầy và kể với chút hãnh diện rằng mình đã tham thiền liên tục sáu tiếng không nghỉ. “Hừ”, Milarepa nói, “nhưng cái gì xảy ra suốt trong trời gian đó?”. “Không gì cả”, Gampopa trả lời. “Con không nghĩ gì cả, và ở trong một sự trống rỗng mênh mông”. “Ngươi gọi đó là trống rỗng mênh mông à?”, Milarepa kêu lên. “Làm sao ngươi thiền định sáu tiếng liên tục được mà không nghĩ ngợi, không cảm giác gì cả? Sai bét! Ngươi chỉ đè nén ngươi thôi và tự ép mình vào trong một trạng thái đó có thích thú gì không, nhưng ta nói cho ngươi nghe, hãy bỏ nó đi, hãy bắt đầu lại từ đầu, và làm như sau”.  Nhà du ca đắc đạo mở miệng và lời nói tuôn ra nghe như thơ:
Cái nhìn đích thực duy nhất là,
quan sát dòng tư tưởng nội tâm,
không gò bó và hoàn toàn xả bỏ.
Chân như đâu có nằm ngoài ngươi.
Hãy nhìn thấu tâm thức ngươi đang phóng chiếu,
và thấy rằng, chúng không khác gì hơn,
là phát biểu của cái Tất-cả-là đó,
 mà không phép thiền nào chạm tới được.
Đạo sư cao quí nhất là cái vô sinh,
chính là tự tính miên viễn nằm trong ngươi.
Đừng kiếm đạo sư ở đâu khác,
Mọi dạng hình sắc thể đều chỉ là biểu lộ của chính con người
Ai là kẻ thấy mình tự tính mình là Chân như bất hoại,
kẻ đó tức thì đã đạt Phật quả”.


Nghe xong lời khai thị này, Gampopa vội đòi từ bỏ áo choàng đỏ, dấu hiệu của chức sắc tu viện, để được mang một áo trắng giản đơn như Milarepa thường mặc.  Thế nhưng Milarepa cũng không chịu điều này. “Đừng bắt chước ai cả”, Milarepa cười nói. “Mỗi người hãy tự đi theo tiếng gọi sâu thẳm của chính mình”. Sau đó Ngài cất lên bài ca mô tả đặc trưng đích thực của một tu sĩ hay một phép tu học, đó là: xá bỏ, quên mình, thể nhập và tri kiến vô ngã. 
“Hỡi người thầy thuốc vừa là tăng sĩ. Ngươi hãy tự chữa mình”, Milarepa ca. “rồi chữa cho cái gọi là ‘người khác’ một cách tự nhiên. Giáo pháp của ta xuất phát từ tâm thức sâu thẳm của ta, thì ngươi cũng để hành động của mình xuất phát từ chính ngươi, từ cái vừa vô song vừa khắp-nơi-đều-là đó.

 
71. Lạt-ma và nhà vua Kublai Khan

Ngày xưa, nhiều vị vua Mông Cổ và Trung Quốc vẫn quan hệ với các vị Lạt-ma Tây Tạng và các đại sư, xem họ như tư vấn của triều dình, nhất là khi các vị đó có nổi tiếng về đạo đức và thi triển chút thần thông. Co khi các vị đó trở thành quốc sư của các nước đó. Tuy thế, nói chung, các vị Lạt-ma vẫn được hưởng sự trọng vọng nhất tại Tây Tạng chứ không đâu khác.
Một ngày nọ, vị đạo sư Tây Tạng Dotokpa nhận được tin của nhà vua Mông Cổ Kublai Khan cho hay vị đạo sư của mình vừa rì về nước và sẽ chết tại Tây Tạng. Nhà vua cần một vị tư vấn cho vua về các vấn đề tâm linh, ông tìm trong nước minh không đâu ra một vị đủ trình độ để làm việc đó. Đotokpa cho gửi ngay một học trò đắc đạo của mình là Lạt-ma Chokyi Sengay đi Mông Cổ, dĩ nhiên với sự dồng ý của trò. Vị Lạt-ma này có phép điều khiển được vật chất và ông cũng biết rằng mình sẽ phải thi triển thần thông, trước khi được vị danh tướng Mông Cổ đầy tự hào này khâm phục và nghe lời. Thực tế thì Kulai Khan cũng khó tin có ai tài giỏi hơn mình hay bằng ngang mình, chứ đừng nói có kẻ có thể giáo hoá ông.
Hơn thế nữa, các cận thần của Kublai Khan càng mong ông nghi ngờ vị Lạt-ma mới này và họ sợ mình sẽ mất ảnh hưởng với sự có mặt của một vị Lạt-ma xứ lạ. Sau khi bàn bạc với cận thần, Kublai Khan nói: “Ta phải thử tài vị này để xem có ngang tay được với vị Lạt-ma trước hay không”.
Ngay hôm mới tới, Kublai Khan cho đưa Chokyi Sengay vào trong một nhà tù đá, không hề để lại chút thức ăn, thức uống và cả khí trời cũng không cho vào nốt. Trong các tuần sau, các cận thần tinh quái tìm cách làm nhà vua bận việc quên chuyện vị Lạt-ma bị giam giữ, để nhà vua đừng đoái hoài gì tới. Cả một năm trôi qua, sau đó nhà vua mới sực nhớ đến một lời khuyên của vị Lạt-ma ngày xưa, lúc ông mới nhớ ra mình còn một vị Lạt-ma mới mà mình đang thử thách. Ông vội cho mở ngục đá ra thì thấy Chokyi Sengay ngồi yên, người biến thành đá. Ông giữ thế ngồi của vị ác thần Vajra Kilaya và xác ông lấp lánh như muôn ngàn châu báu chiếu rọi.  Khi đó, Kublai Khan mới khâm phục khả năng chuyển hoá của vị Lạt-ma. Ông hối tiếc mình quá kiêu mạn và xin chuộc lỗi với người chết bằng cách gửi lại cho thầy của vị Lạt-ma đó vô số trân châu. Ông cũng mời Dôtkpa đi Mông Cổ và mời trở thành đạo sư của triều đình.
Người ta kể rằng, cuối cùng Kublai Khan công khai xin tạ tội và Dôtkpa nhắc lại lời ác thần Vajra Kilaya và tuyên bố Kublai Khan không còn mang tội, không có gì phải tha thứ cả. Lời của ác thần  Vajra Kilaya như sau:
“Trong mảnh đất của châu báu,
 thì không có gì không quí.
Trong cõi Tịnh độ của Phật,
thì không có gì không thánh thiện.
Trong cõi vọng tưởng,
thì không có gì có thật.
Trong cõi tuyệt đối,
thì cái gì cũng là Sự Tuyệt đối


 
72. A-đề-sa và nhà thông dịch

Khi vị đạo sư Ấn Độ A-đề-sa(34) đến Tây Tạng thì các nhà thông dịch giỏi nhất được cử đến làm việc. Theo lời phán truyền của vua Tây Tạng thì  Rinchen Zangpo được nhận nhiệm vụ cao quí là dịch từng lời giác ngộ của A-đề-sa đến 24 tuổi và là nhà đạo sư thiền định cao nhất của Tây Tạng.
Sau khi nghe quyết định đó, A-đề-sa quay người qua cụ già và nói một cách kính trọng: “Sau khi đã gặp Nagì, tôi thấy thật ra chẳng cần mình phải đi Tây Tạng, vì duy nhất một vị đạo sư như Ngài đã quá đủ”.  Sau đó Rinchen Zangpo mời ngài tu sĩ Ấn Độ tới thăm đền của mình, đưa A-đề-sa đi ba tầng cùa đền trang hoàng mỹ thuật và cuối cùng đưa vào tâm đền, đó là nơi mà Ngài mỗi ngày ba lần và mỗi đêm ba lần tập trung thiền quán lên các Man-đa-la, mà Ngài đã được ba vị thánh ban phép.
Tại tâm đền, cả hai vị bàn bạc trao đổi về Pháp và Kinh nghiệm tâm linh của mình. Nhà tu sĩ Tây Tạng xem ra là người đắc đạo, lại rất hùng biện và A-đề-sa đặt câu hỏi: “Theo Ngài thì thế nào, Rinchen Zangpo, ta nên tu các giáo pháp theo thứ tự có trước có sau hay có thể hành trì song song một lúc?”  “Theo thứ tự, có trước có sau”. Nghe câu trả lời này A-đề-sa không đồng ý, vị Phật sống nói một giọng như ra lệnh: “Tất cả các giáo pháp cần được hành trì cùng lúc. Tất cả các vị thánh đều hiện thân từ một gốc, và chỉ cần chứng ngộ các vị đó trong một khoảnh khắc duy nhất, tức thì. Như  Dudjom Rinpoche đã nói, hoàn toàn vô ích, nếu biết hàng  ngàn sự việc và bỏ quên trong vài giây phút mà tất cả đều tụ hội và tất cả đều giải thoát”.  Thấy vị tu sĩ Tây Tạng có vẻ chưa tin hẳn, A-đề-sa nói tiếp: “Bây giờ tôi đã biết vì sao phải đến Tây Tạng. Các bạn tôn kính các vị thần thánh bằng cách lập các trường phái khác nhau và bằng các giáo phái mang đầy tính hình thức”.  Vị tu sĩ Tây Tạng cúi đầu lĩnh hội và nói: “Ngài hãy lấy hết ngững gì tôi có và hãy đưa tôi đi thẳng vào trung tâm điểm”.  A-đề-sa từ chối, chỉ yêu cầu Rinchen Zangpo làm thông dịch cho Ngài. Vị Lạt-ma lại cúi đầu sát đất và xin A-đề-sa chỉ cho thấy gốc của mọi phép tu hành. Đối với lời thỉnh cầu này thì A-đề-sa không thể từ chối. Dưới sự hướng dẫn của A-đề-sa, tu sĩ già đó tu hạnh thiền quán viễn ly, rồi tập thiền quán trong từng bước đi vì thiền quán đã trở thành tất nhiên trong cuộc sống. Mươi năm sau, người tu sĩ già đó chứng đạt được tự tại, không lệ thuộc vào bất cứ phương tiện nào cả.
Trước khi chết, Rinchen Zangpo, người đã giác ngộ, tập hợp học trò lại và nói: “tới lúc ta đã cao tuổi, ta còn phải học và tu tập phép tập trung. Sau khi gặp A-đề-sa, tâm ta mới được thư giãn ra trong phép thiền quán đích thực”.

 
73. Dấu hiệu và phép lạ

Buddhaguhya là một đệ tử xuất sắc của Kukkuripa, người đạo sĩ lập dị chuyên nuôi chó. Tại thành Ấn Độ Benares, có lần Buddhaguhya nhập định suốt một tuần, không hề rời chiếu ngồi. Ông tập trung cao độ với sự tỉnh giác không có gì lay chuyển lên tranh hoạ của Bồ tát trí tuệ Văn Thù Sư lợi(16).
Thời gian trôi qua mà người tu sĩ nọ không hề biết. Bỗng một ngày kia, bức hoạ trở lên linh động và phát sáng, như kinh sách mô tả về phép yoga này từng viết. Trên bàn thờ ngọn đèn dầu sáng rực và các bông hoa héo bỗng nhiên lại dựng thẳng dậy, toả mùi hương. Buddhaguhya cho rằng các dấu hiệu này báo rằng mình sắp giác ngộ và phấn khởi tăng gấp đôi sự tập trung. Trong một phút giây, ông thậm trí nghĩ rằng, hay ta nên uống dầu của ngọn đèn này, xem như “tinh chất của chân như”, hay trước đó nên dâng cúng những bông hoa vừa tươi lên cho Đức Văn Thù. Vừa nghĩ đến đó, lập tức một bóng quỉ xuất hiện nơi hình Văn Thù. Tên quỉ này chụp cổ người tu sĩ, ném xa vị đó với một sức mạnh khủng khiếp đến nỗi người tu sĩ gục xuống bất tỉnh. Trước khi Buddhaguhya mất ý thức, ông còn biết rằng, mình bị một lực xấu ác trong người kiềm chế, không cho mình giác ngộ. Ông biết rằng trong phút đắc đạo thì đó cũng là lúc các năng lực tối tăm trong vô ý thức vùng lên chống lại.  Khi ông tỉnh dậy, Buddhaguhya phải định hướng vì ông không còn biết đâu là trên dưới, trước sau. Nhìn quanh, ông thấy hình Văn Thù bám đầy bụi bặm, đèn dầu cũng như bông hoa đã khô héo từ bao giờ.  Ông bỗng nhớ lời thầy mình là Kukkuripa, con người kì lạ chuyên nuôi chó, nói: “mọi cảnh tượng đều là sản phẩm của tâm thức có qui định. Đừng để chúng lung lạc”.
Buddhaguhya cười lớn và lắc đầu về âm mưu lung lạc của chính tâm mình. Ông đã để cho cái trò chơi của năng lực tốt xấu làm khổ mình và nghĩ chúng có thật. Cái vô minh đã làm ông cảm thấy vui thú với trò chơi dại dột đó. Ông lắc đầu thầm nghĩ: “những cảnh tượng điên rồ này suýt làm ta xa rời tự tánh. Ta đã biết từ lâu, chẳng bao giờ cần một dấu hiệu gì hay phép lạ nào bên ngoài, để vượt qua cái nhị nguyên không hề có thật.” “Hô”, Buddhaguhya gọi lớn. Ông nhảy một cái từ dưới đất lên, nuốt cục dầu đã khô, vứt cánh hoa héo qua một bên, lấy râu tóc chùi bụi tượng Văn Thù và đi ra khỏi cửa… ông đi, tự do như gió trời. Dưới mỗi bước chân, đất rung chuyển như bão táp.
Các vị đạo sư vĩ đại đều đi như thế cả.

 
74. Con trâu duy nhất của Schabkar

Schabkar Rinpoche là một tu sĩ phiêu bạt và một đạo sư của phái Đại Thành vào thế kỉ 19. Các bài ca về cuộc đời của ông được người Tây Tạng xếp ngang với Milarepa. Khi thầy của Schabkar chết, ông định làm thịt con trâu duy nhất của mình để tiếp đãi các người tới tham dự đám tang. Bản thân ông thì không bao giờ ăn thịt, mà ông lại rất cần con trâu. Gia đình ông sợ hãi phản đối, bắng những lí lẽ không cãi được. “Tại sao vì một đạo sư đã chết mà phải hi sinh một con trâu còn sống, mà đây lại là con  trâu cái. Trâu cái không những chỉ biết kéo cày mà còn cho sữa làm bơ, sữa chua, pho mát?” Tuy thế, chàng Schabkar vẫn không nghe và nhất định làm theo ý mình. Một người bà con khác nói: “tất cả các học trò thân thuộc khác của vị đạo sư chỉ mang theo vài bao bột mì để cúng dường. Nếu ông cúng một góc nhỏ thế thôi thì cũng đủ rồi. Dù sao thì Jamyang Gyatso cũng chỉ là thầy thôi, chứ có phải cha mẹ đâu. Hãy nghĩ lại đi và giữ lại con trâu cái. Rồi mùa đông sắp tới mà không có con trâu thì sao?”.
Schabkar trả lời: “Tôi nghĩ khác. Thầy là người cho tôi những gì quí báu nhất, vì chỉ nhờ thầy mà tôi thực sự được tự do, không sợ sệt tưong lai, xa rời mọi tư tưởng xấu xa. Vì thế, tôi có cái gì ít ỏi cũng xin dâng cúng cho thầy mới phải. Tôi cũng quí tình thương cha mẹ, nhưng tình thương thầy còn lớn hơn”.
Sau đó ông ca bài ca:
“dù cho tu sĩ, không có trâu, hỏng hết tất cả,
Y cũng không hề hối tiếc.
Như chư Phât đã từng nói,
Cúng dường cho một vị đạo sư đắc đạo,
Vượt hơn hàng ngàn cúng dường khác.
Đạo sư là Pháp Phật thể hiện thành.
Với ngài tôi thấy Phật,
Đối diện với nhau”.
Buổi lễ hoả táng cho Jamyang Gyatso có nhiều chuyện lạ. Các ngưòi tham dự đều thấy ánh sáng ngũ sắc toát ra từ đầu tử thi và nhận được nhiều dấu ấn, lẽ ra chỉ giành cho các vị thượng căn. Nhiều người thấy mình tự tại và nhẹ nhàng, như thoát khỏi mọi ràng buộc thế gian. Schabkar thấy thầy cười trên đống lửa và chàng ở trong một trạng thái xuất thần.
Đối với nhiều người buổi lễ này thành một biến cố khó quên và nhiều năm sau còn được nhắc tới. “Thật là lạ, chàng du ca Schabkar sẵn sàng hiến dâng con trâu duy nhất của mình? Bạn có thấy khuôn mặt của Schabkar khi tử thi Jamyang Gyatso bén lửa? Tất cả chúng ta đều được hưởng an lạc lạc cao độ khi tham dự? Thật khó hiểu tại sao có nhiều người hạnh phúc khi một vị đạo sư từ giã cõi đời”. 
Như luật nhân quả đền đáp, Schabkar sau đó nhận được một con trâu cái. Con trâu này của nột người giàu có, người đó nhờ Schabkar tự tay chép lại một bản kinh cổ. Không bao lâu sau, Schabkar lại được hai người nhờ nữa và lại được thêm hai con trâu cái. Và ai cũng biết rằng, con người sẽ nhận lại những gì nó đã cho, mà không cần phải mong cầu gì cả.
Schabkar cho rằng, mình được sung túc và thành quả là nhờ phép lành của vị đạo sư đã chết. Sau khi Jamyang Gyatso chết, đi đâu, Schabkar cũng cảm giác sự hiện diện của Ngài. Sự hiện diện đó luôn nhắc ông rằng, trên cõi đời này, đừng bám víu vào điều gì cả.

 
75. Đời sống bình đẳng

Năm 1982, Đạt-lai Lạt-ma (7) thứ 14 đi Pháp để tham dự một hội nghị hoà bình. Trong một buổi tiếp tân, Ngài chuyện trò với Pawo Rinpoche-một Lạt-ma đã già-về vị Gyalwa Karmapa(31), là vị từ trần trước đó không lâu. Cả hai vui vẻ nhắc lại các câu chuyện xung quanh vị Gyalwa Karmapa đạt đạo và vừa nói  qua về việc tái sinh sắp tới đây của vị này, thì Pawo Rinpoche khám phá một con kiến tội nghiệp đang bò trên sàn gỗ đánh bóng, dùng mọi sức dường như để tránh có ai sắp đạp lên thân mình.
Vì chân Pawo Rinpoche đang bị liệt, ông nhờ Đạt-lai Lạt-ma làm sao cứu con kiến. Đạt- lai Lạt-ma liền đứng dậy, cúi xuống dưới bàn và nói nhỏ một câu phước lành. Xong Ngài giữ con kiến trên tay, mang ra khỏi phòng ăn và đặt con kiến trước cửa dưới ánh mặt trời. Ngài mỉm cười trở lại bên cạnh người bạn già. “Tôi đã làm cho Ngài một việc đấy nhé, Rinpoche”, Đạt-lai Lạt-ma nói. “Mắt Ngài già rồi nhưng còn tinh hơn tôi đấy. Nhiều người nói về tính Không của mọi sự và mục đích cao cả của Đại thừa, nhưng hiểu biết về sự bình đẳng của đời sống là một trong những đặc tính của Bồ-tát đích thực. Trong mắt Ngài thì mọi dáng hình đời sống đều có giá trị như nhau, cái đó tôi gọi là lòng từ bi”
Đạt-lai Lat-ma thứ 14 nhắc lại chuyện này trong một lần diễn giảng tại Pháp, trong đó Ngài nói về lòng từ bi và tinh thần trách nhiệm. “Giáo lý của chúng tôi chỉ đơn giản thôi, đó là lòng yêu thương, lòng cảm thông với mọi loài”, Ngài trả lời câu hỏi mà người ta vẫn thường đặt ra cho Ngài về thế giới quan của Phật giáo.

 
76. Chiếc cầu ngũ sắc

Gotsangpa sống vào thế kỷ thứ 8, là một đạo sư của phái Drukpq-Kagyu, một phái dòng truyền tâm Tây Tạng. Người ta kể rằng, ông giữ tâm kiên định đến nỗi có thể sống hàng ngàn năm trong một hang động giá buốt, chỉ với một miếng vải vừa làm nệm lót, vừa làm chăn, vừa che thân mà không hề hấn gì.
Trước cửa hang có một bụi gai mọc um tùm, nhưng Gotsangpa không một chút hứng thú gì để cắt tỉa nó, mặc dù đi ra đi vào ông thường bị trầy tay chân quần áo rách theo. Ông vẫn nghĩ: “Trước khi ta bị bụi cây này cào lần nữa thì biết đâu lúc đó ta đã chết. Có sao đâu!”. Ông không tham cầu gì trong đời sống nên dễ dàng nhập định liên tục và cũng dạy dỗ cho ít học trò theo hạnh xả bỏ, điều mà ông đã chứng đạt từ lâu.
Vào mùa đông nọ, ông mang theo một học trò giỏi đi du hành. Cả hai đi suốt ngày thì đến một hồ nước mặn đã đóng thành băng, hai bên bờ hồ đầy tuyết. Giữa hồ là một hòn đảo trơ trọi. Hai thầy trò liền ra đó và thiền định suốt mùa đông trong sự viễn ly tuyệt đối. Cả hai không có gì để ăn ngoài cỏ khô mà Gotsangpa đã tích trữ từ mùa hè, chút trà và một ít Tsampa do người học trò mang theo, đó là một loại bột rang mà người Tây Tạng thường ăn. Thế mà Gotsangpa tuyên bố rằng sẽ nấu một trăm ngàn cái bánh Tormas bằng bột Tsampa, một loại bánh để cúng dường các vị thần bảo hộ vô hình trong khu vực đó. Người học trò không thể làm gì khác hơn là vâng lời ông thày dở hơi và giúp thầy làm bánh. Cả hai ngồi trong tuyết lạnh, ép bột theo dạng hình tháp và để bánh lên trên một bàn thờ tạm.
Sau ba tháng thì hết bột, người học trò hỏi: “Thưa thầy, bây giờ làm sao?” “Đừng lo”, Gotsangpa trả lời dễ dàng. “Ta đã cúng dường Chu Phật và nữ thần Dakini một trăm ngàn cái bánh, trong tinh thần hoàn toàn vô ngại và tin tưởng, ta thì thấy thế. Vũ trụ sẽ sẵn sàng giúp khi một kẻ vô tâm cần đến và ngươi sẽ thấy”. Thật ra thì người học trò chỉ lo thêm khi thấy những gì đang xảy ra, băng hồ bắt đầu tan và nước thì sâu bờ thì xa không thể bơi vào được nữa. Hai người đành ăn chút trà còn lại và rau cỏ mọc giữa đảo. Người học trò ngày càng gầy yếu, ráng đợi đợt lạnh tới, nước thành băng để vào bờ. Nhưng năm đó hết lạnh và mùa đông thì còn mấy tháng nữa. Rồi, vào một buổi sáng mùa xuân nắng rực rỡ, Gotsangpa nói: “Nào, con ơi, phép tu thiền định của chúng ta đã hoàn thành và tất cả những gì chúng ta cúng duờng đều đã được chấp nhận. Hãy theo ta”. Chân người học trò run lẩy bẩy theo thầy ra bờ. Gotsangpa bước chân lên mặt nước đầy ánh mặt trời chiếu rọi và đi nhẹ nhàng lên nước, như ông đi trên một chiếc cầu làm bằng băng. Người học trò đi theo, người như trong mộng, từng bước, từng bước, không dám nhìn xuống một thứ ánh sáng gì dưới chân mình. Ông nghĩ rằng nếu nhìn xuống thì sẽ rơi ngay vào nước lạnh và chìm xuống hồ. “Đừng quay lại”, Gotsangpa ra lệnh và bước tiếp,”đừng nhìn xuống, cứ vững tâm theo ta”.
Tới bờ, hai người nhìn lại. Hòn đảo nằm xa trong sương giữa mặt hồ. Không có đường băng nào nối đảo với đất liền nữa mà chỉ dường như có một chiếc cầu nhiều sắc làm bằng hàng trăm ngàn cánh tay chư Phật và Dakini.

 
77. Hiện tượng giác ngộ đáng nguyền rủa

Kongchog Paldron là con gái và là truyền nhân của một đạo sư Tây Tạng được tôn quí có tên là Chogyur Lingpa(25). Hồi còn bé, Paldron đã được xem là hiện thân của nữ thần Tara sắc lục và được dạy dỗ theo đúng qui định. Nhiều vị đạo sư đắc đạo của thế kỉ 19, trong đó có Jamyang Khyentse(19), người đã từng cứu độ hàng trăm Lạt-ma, cũng tự mình cố gắng đưa Paldron vào đạo, dạy cho nàng những tri kiến mà chỉ có một tâm thức chín muồi qua nhiều kiếp mới lãnh hội được.
Cuối cùng thì chính Patrul Rinpoche(8) là người đã khẩu truyền cho nàng những lời khai thị để chứng ngộ được Phật tính vô thượng và giải thoát hoàn toàn. Biến cố này được kể lại như sau: Ngày nọ, Patrul tụng một bài kệ mà ông bất chợt nghĩ ra và ông biết một cách trực giác rằng các câu đó sẽ giúp ngưòi đệ tử ngồi bên cạnh mình chứng đạt:
“Đừng nối tiếp quá khứ trong tâm ngươi,
Cũng đừng nặng lòng về tương lai.
Đừng thay đổi gì nơi sự tỉnh giác tự nhiên của ngươi,
Đừng sợ hãi bất cứ hình tướng nào,
Ngoài ra chẳng còn gì để nói về giác ngộ cả


Nghe xong, Kongchog Paldron bỗng rơi vào trạng thái tự nhiên của tự tính, nằm bên kia của suy luận, cảm giác và những đổi thay vùn vụt của tâm trí. Nàng đạt đến điều mà người ta gọi là Phật quả.
Patrul đọc bài kệ bằng giọng phát âm địa phương nặng nề của vùng Nomaden Tây Tạng. Padron hiểu câu cuối cùng ra: “Ngoài ra chẳng còn gì để nói về giác ngộ đáng nguyền rủa”.
Người đàn bà giác ngộ đó trở thành một vị nữ đạo sư và người mẹ danh tiếng, vì bà sinh ra một loạt tái sinh của các vị Lạt-ma. Mỗi lần kể lại câu chuyện trên bà vẫn nhắc lại câu chuyện cuối như bà đã hiểu và học trò bà lại kể tiếp cho truyền nhân của họ. Đó là lý do tại sao ngày nay, một số Lạt-ma vẫn gọi giáo pháp của mình là”Giác ngộ đáng nguyền rủa”.

 
78. Lời khuyên của Gampopa cho thương nhân

Lần nọ, có một thương nhân đến tìm Gampopa(3), truyền nhân của tu sĩ phiêu bồng Tây Tạng Milarepa, và xin ông truyền cho phép tu học tâm linh. Thưong nhân nọ thú thật rằng từ nhiều năm ông sống bằng nghề buôn bán. Ông mua các vật dụng, pháp khí hay xương cốt có tính chất tôn giáo, cúng tế với giá rẻ mạt và bán lại với một giá rất cao ở các nơi khác.
Thương nhân đó có vẻ biết rằng cách buôn bán đó không phù hợp lắm với giáo lý của đức Phật, cho nên nói với Gampopa: “Làm sao tôi có thể giải thoát khỏi các ác nghiệp do hoạt động đó gây ra? Tôi sợ rằng ngày nào đó sẽ phải trả giá rất đắt vì sự gian tham này”.
Gampopa khuyên thương nhân nọ nên tìm một nghề khác mà làm và cúng tế số lãi thu được vào việc xây một ngôi đền, mở cửa cho những ai đi tìm đạo.
Thương nhân nghe lời, và đạt kết quả bất ngờ trong nghề mới của mình. Vài năm sau ông xây một điện thờ Phật tuyệt đẹp, nhưng bản thân lại không có mấy thời gian để lui tới hay tu học thiền định trong đó.
Ông lại tìm Gampopa và nói: ‘Thưa Ngài, may thay tôi cũng làm được một điều là giảm bớt nghiệp dữ, xây được ngôi đền như Ngài khuyên. Nhưng bây giờ tôi lại lo mua tìm vô số kinh sách, pháp khí, tranh tượng để trang bị cho đền, vì tăng chúng cần những thứ đó. Làm sao tôi còn thì giờ để thiền quán đựơc, khi tôi suốt ngày bận rộn? Và nếu không thiền định làm sao tiến bộ được trên đường tâm linh?”.
Gampoap đáp: “Đền không cần pháp khí hay trang hoàng gì cả. Cứ để cho những người lui tới tự họ làm. Hãy nghe rõ đây. Nếu bạn chỉ một giây thôi, thấy được ánh sáng của tự tính, như phép Đại Ấn quyết(47) chỉ rõ, chỉ một giây thôi đi vào được Tính Không của tự tính đó thì toàn bộ nghiệp lực của bạn sẽ được giải trong giây phút đó. Sau đó bạn cũng không cần phải làm gì cả, chẳng cần làm điều thiện, cũng chẳng lo lắng điều gì liệu tiến bộ tâm linh này nọ là chân hay vọng. Bạn có hiểu không?
Thương nhân không hiểu. Ông lấy làm bối rối vì lời của Gampopa ngược lại với hình dung của ông về một người mộ đạo.
Gampoap nói tiếp: “Trên bước đường của Đại Ấn quyết, con người cứ để rơi lại trong Chân như, đó là dạng tự tính tự nhiên, có sao thì cứ thế. Chân như đó chính là Phật tính ẩn trong mỗi người chúng ta. Hãy nhận ra nó. Tại đây và bây giờ thì Phật tính chính là tự tính sâu xa đích thực của bạn. Hãy an trú trong đó, không có chút tâm lo ngại, xa hẳn cái lo toan, nên làm cái gì và không nên làm cái gì”.
Bất ngờ, thương nhân thấy Phật tính nằm sẵn từ vô thuỷ trong mình rồi và ông tỉnh giấc mộng mà trong đó ông những tưởng “phải đạt cái gì, phải làm cái gì”.
Từ đó về sau, ông không còn có một thần tượng nào cả.

 
79. Con chim đen

Gelong Sangye từ trần cách đây không lâu tại Bhutan. Vài tuần trước khi chết, vị tăng sĩ Tây Tạng này lâm bệnh nặng và trong thời gian đó có một con chim sắc đen to, bay vào cửa sổ và vỗ cánh đi theo vị tăng. Người ta đưa Gelong Sangye vào bệnh viện và lạ chưa, con chim đó cũng đậu bên cửa sổ phòng bệnh, cứ thế cả tiếng đồng hồ, hầu như muốn vị tăng lâm bệnh đó có bạn.
Nhân viên bệnh viện và bạn bè Gelong Sangye đoán rằng vị tăng này đã dụ con chim lại, nhưng ông chỉ cười, lắc đầu. Vài tuần đó, người ta cho chim ăn và có người cãi nhau con chim này thuộc giống gì, kên kện, đại bàng, quạ…
Lúc gần chết, Gelong Sangye xin được mặc bộ áo màu đỏ thẫm của tăng sĩ. Ông cố gắng ngồi dậy, theo tư thế liên hoa. Con chim đậu bên thành cửa sổ như canh chừng, trong lúc Gelong yên ổn ra đi. Ba ngày liền, ông ngồi vững trong thế thiền định, mặc dù không còn thở. Và con chim không nhúc nhích khỏi chỗ đậu. Khi người ta đem thi hài đi hoả táng, con chim bay trên đám tang, như muốn tiễn đưa Gelong lần cuối.
Nhiều người Bhutan biết chuyện này hết sức xúc động. Gelong Sangye đã chứng tỏ, con người có thể trải qua những ngày cuối cùng một cách vững vàng và đón chờ cái chết với lòng an nhiên tự tại. Họ cũng đã chứng kiến thêm một chuyện mà không ai giải thích được.
Sau khi thi hài Gelong Sangye đã hoả táng song thì con chim nọ biến mất. Trong lòng nhiều người, kể cả y sĩ hay nhân viên bệnh viện, có nhiều tâm tư không ai dám nói ra. Còn trong kinh sách Tây Tạng người ta vẫn nói, thiên nhân thường hiện ra dưới nhiều dạng khác nhau, để chào đón người chết và đưa họ vào cõi Phật.

 
80. Bà mẹ đơn giản

Mẹ của Kangyur Rinpoche là một người đàn bà nhân hậu, nhưng hoàn toàn không được học hỏi gì. Bà chẳng bao giờ quan tâm đến Mật tông, hoặc các phép tu học hay ý nghĩa giáo lý. Mặc dù con bà là một đại sư phép Đại Thành, phép tu truyền thống do Liên Hoa Sinh Vad Vairsana, - cũng là đại sư của phép tu tối thượng Maha-Ati – truyền lại, nhưng bà chẳng bao giờ quan tâm. Bà chỉ biết cách đơn giản là hiến mình cho đạo. Từ bao năm nay, sáng tối bà chỉ niệm A-di-đà-Phật(48), vị Phật Vô lượng quang để sau khi chết bà được thác sanh vào cõi Tịnh độ.
Lúc cái chết của bà gần kề, Kangyur Rinpoche đưa bà vào một hang núi, một nơi mà nhiều đại sư đã nhập định và nhiều vị đã đạt giác ngộ.
Khi vào hang, dù đã được nhận một loạt linh ảnh về Phật A-di-đà, bà vẫn không biết đó là dạng xuất hiện của Ngài. Bà hỏi con: “Vị tăng sáng rực đó là ai nhỉ”. Người con trai chỉ mỉm cười không nói.
Vài ngày sau bà lại nói: “Vị tăng nọ, sắc đỏ rực sáng hẳn là một vị thánh con nhỉ. Hình Ngài ngày càng rõ và thật dần”.
Cuối cùng Kangyur Rinpoche trả lời: “Thưa mẹ, đó là Phật A-di-đà, mẹ không thấy sao? Mẹ không thấy Ngài đến vì mỗi ngày mẹ đều nghĩ nhớ đến Ngài sao? Ngài tiếp dẫn mẹ về cõi Tịnh độ đó”.
Bà mẹ mừng quá, nước mắt trào ra. Bà hỏi: “Ngài cũng đến tiếp dẫn hạng người như ta sao?”, bà không tin hẳn.
Bỗng nhiên có một tuệ giác tràn ngập lòng bà và trong một phút bà bỗng thức tỉnh: “Bây giờ ta thấy rõ, Phật A-di-đà không phải nằm ngoài ta, tại sao như thế được?”.
Người con nói: “Từ xưa đến nay có bao giờ Ngài ở ngoài mẹ đâu”.
Một tuần sau, người mẹ gọi con: “Aphu(mặt trời), vị tu sĩ có râu là ai mà cứ mỗi ngày hiện ra ở đây”.
“Hừ”, vị đao sư ngẫm nghĩ, “Lạ thực con chưa thấy người đó, con không biết là ai”. “Nhưng ông ta cứ đến hoài”, người mẹ nói. “Được, thế thì mẹ gọi con lúc ông ta đến”.
Ngày hôm sau bà mẹ gọi con từ trong hang động: “Aphu, Aphu tới đây mà xem”. Kangyur vào động và thấy một vị tu sĩ cao lớn mặc áo trắng đứng bên cạnh người mẹ. Vị tu sĩ  mang một cuốn sách nhỏ xíu, kết trên một bên tóc, trong khi phần tóc kia để sổ trên vai.
“Xin chào Ngaig”, Kangyur cúi đầu sát đất. “Xin cho biết Ngài là ai, hỡi vị tu sĩ?”.
“Ta là đệ tử của Yeshe Tsogjal(37), được gọi là So Yeshe Wang-schuk”, người đó trả lời.
“Thế Ngài từ đâu đến?”, Kangyur Rinpoche hỏi.
“Từ cõi Tịnh độ”, người đó đưa tay chỉ triền núi tuyết phủ trước cửa động. “Trong kiếp vừa qua, ta có ba con trai, một con gái. Đứa con đầu đang phụng sự loài người tại Đông Tây Tạng, đứa út đang ở với đạo sư tại đất Phật. Đứa con trai giữa đang ở với ta và đứa con gái bị tái sinh vào cõi tối tăm”.
“Tại sao ngài lại đến đây?”, kangyur Rinpoche hỏi.
“Ta là hộ pháp của mười bảy giáo pháp thất truyền của Maha-ati. Ta đã đọc bài kệ này trực tiếp từ Liên Hoa Sinh và nữ đệ tử của Ngài là Yeshe Tsogjal và đang tìm một ngưòi xứng đáng để truyền các giáo pháp bí mật này”.
Kangyur Rinpoche nằm dài ba lần trên mặt đất và tha thiết xin được học mười ba giáo pháp đó. Sau đó So Yeshe Wang-schuk đứng dậy và đọc mười bẩy câu kệ, trong lúc đó Kangyur Rinpoche và bà mẹ sắp từ trần lắng nghe từng chữ.
Sau khi đọc xong, So Yeshe Wang-schuk lại chỉ ngọn núi và nói: “Bí lục này của ta nằm tại đó. Bây giờ nó là của ngươi, Kangyur Rinpoche”. Nói xong, vị tu sĩ biến mất.
Kangyur liền lên đướng tiến về hướng núi đó và trèo lên đỉnh. Sau một lúc tìm kiếm, ông thấy một hang núi mà ngày xưa có vẻ đã có người ở. Trên một loại giấy làm bằng bột gạo, Wang-schuk viết lại mười bẩy câu kệ thất truyền của phép Maha-Ati, và bí lục đó ông đã cùng Yeshe tsogjal cất giấu từ hàng trăm năm trước, chỉ dành cho người thích hợp.
Kangyur Rinpoche ở với mẹ cho tới ngày bà từ giã cõi trần này, cõi đã chứng kiến nhiều lần giã từ. Thể nhập vào cõi Phật A-di-đà, bà ngồi trong động và chết với nụ cười trên môi. Câu chuyện còn thêm một đoạn nữa: vừa rồi đây đại sư Dilgo Khyentse Rinpoche(49) cũng vừa mới chết, ông là một trong những đạo sư vĩ đại nhất Tây Tạng. Lúc sinh tiền, có lần nghe một thứ giọng không lời, giọng đó đọc cho ông nghe mười bẩy câu kệ của Maha-Ati. Khi ông hỏi, phải cảm tạ ai về những báu vật này thì giọng đó đáp: “Kangyur Rinpoche đã truyền cho ngươi, lựa ngươi là truyền nhân mới của dòng tu cổ xưa này”.

 
81. Yeshe Tsogjal mua người bạn đời

Yesh  Tsogjal (37) là mọt nữ đệ tử nổi danh của đại sư Liên hoa sinh và về sau trở thành truyền nhân trực tiếp của Ngài. Trong lúc Liên hoa sinh ngồi yên trong một động đá ở Tây Tạng thì Yeshe Tsogjal lúc đó khoảng ba mươi tuổi đi hành hương ở Nepal, thăm viếng các thánh địa, kể cả đến Bonadath tại Talkessel của Katmandu.
Nàng cúng dường một ít bột vàng nơi ngưỡng cửa đền và xin đại sư của mình hướng dẫn. “khổ của chúng sinh trên thế gian thật vô cùng. Làm sao con đủ trí lực để giải thoát cho họ khỏi vô minh? Con làm sao để thực sự hữu dụng?”. Nàng cầu xin cho đến lúc mái điện bằng vàng sáng rực lên và chói như mặt trời trước mắt nàng. Trong ánh sáng rực rỡ đó Liên Hoa Sinh hiện ra và nói: “Con gái thân mến, hôm nay con hãy ra chợ và mua một gã nô lệ, gã này là bạn đời của con, được định từ trước. Khi ấy con sẽ đạt tới tâm thức xuất thần và trí lực con sẽ phát triển gấp bội. Sau đấy hãy cùng ngưòi đó về Tây Tạng lại ngay. Sau đó ta sẽ hướng dẫn cho hai con vào các phép tu Mật tông bí ẩn nhất”.
Yeshe Tsogjal vào thành và đi xem các hàng quán, luôn luôn lắng nghe tiếng nói của trực giác, vì trực giác chính là vị đạo sư thầm kín bên trong. Nàng nhìn mặt hàng trăm người và đi từ đầu chợ đến cuối chợ, lúc tới cổng phía nam thì một người thanh niên gợi chuyện với nàng.
Chàng thanh niên này chỉ quấn ngang người một tấm vải. Trên ngực của chàng có một nốt ruồi đỏ. Yeshe tsogjal thấy mặt và tay của chàng có nhiều dấu hiệu bí ẩn. Chàng hỏi người phụ nữ Tây Tạng: “Nàng từ đâu đến? Tôi tên là Ara Salee. Lúc tôi còn nhỏ, người ta bắt tôi từ Ấn Độ qua Nepal và sống bẩy năm nay như nô lệ của một thương gia giàu có”
Yeshe Tsogjal vui mừng, nói nhỏ: “Ôi đúng là người mà ta cần tìm rồi. Hãy đưa ta đến chủ ngươi ta sẽ mua lại ngươi, để ta đưa ngươi đến nơi chốn đích thực của ngươi”.
Trong phút chốc Yeshe Tsogjal giải thích cho chàng thanh niên nghe để chàng tin và hiểu nàng. Thật ra cũng chỉ cần ít lời thôi, dù khó tin cũng phải nói rằng, hai người này chỉ nhìn nhau đã yêu nhau một cách sâu kín và trong sạch nhất.
Cả hai liền đến nhà của vị thương gia nọ và Arya Salee phải tạm thời giã từ người bạn. Còn Yeshe Tsogjal ngồi trước cửa và bắt đầu đọc lời cầu nguyện và ca những bài ca chứng đạo.
Không bao lâu sau, chủ nhà thân hành ra đến cửa và hỏi mục đích của người phụ nữ tây Tạng lạ lùng này. Nàng thẳng thắn trả lời, nàng được Liên Hoa Sinh cử đến đây để mua gã nô lệ đó và đưa đi xa.
Vị thương gia giật mình: “Tên nô lệ đó đã chiếm cảm tình của ta, ta coi nó như con ruột. Ngoài ra hồi xưa ta đã trả giá đắt để mua nó. Không, không thể được”.
Yeseh Tsogjal giơ hai tay lên trời và bắt đầu ca bài ca về giải phóng con người khỏi sự trói buộc va sự giải thoát cuối cùng. Vị thương gia thở dài và suy nghĩ cặn kẽ. Không, ông không thể xua đuổi người đàn bà mới nhìn như một kẻ ăn xin nhưng thật sự là một người tâm linh rất sâu kín này. Vì xung quanh nhiều người tụ lại để nghe giọng hát tuyệt vời của nàng, ông mời Yeshe Tsogjal vào nhà nói chuyện.
Trong nhà, vợ của thương gia cũng tham gia câu chuyện. Sau khi nghe nàng kể mọi chuyện, bà nói: ta cảm phục lòng can đảm và niềm tin của ngươi. Nàng đi từ rất xa đến đây và xem ra là một người đặc biệt già dặn và nhân hậu. Hãy đưa cho chúng ta năm trăm đồng tiền vàng và đó là số tiền ngày xưa ta đã trả cho tên này. Mặc dù ngày nay nó đã khác hẳn và giá trị cao hơn nhiều, nhưng nó là của ngươi, hãy lấy danh nghĩa của Liên Hoa Sinh. Nhưng xin hỏi ngươi muốn gì với nó? Ngươi muốn cưới nó hay để nó làm kẻ hầu cận cho ngươi”.
‘Tôi sẽ giải phóng chàng”, Yeshe Tsogjal nói. “Và vì tôi đã cúng dường hết vàng bạc, tôi xin tạm đi để kiếm tiền chuộc chàng”.
Không biết phải làm thế nào, Yeshe Tsogjal cứ theo những dấu hiệu dẫn nàng kiếm được số vàng này. Tại một góc phố nàng nghe tiếng than khóc. Tới nghe chuyện thì nàng biết thêm một thương gia bán thực phẩm nọ vừa mất đứa con trai trong một trận đấu kiếm tại biên giới Nepal. Xác đứa con trai vừa được đưa về nhà và tang quyến đang chờ một vị tăng tới cầu siêu.
Yeshe Tsogjal cám ơn thầy đang hướng dẫn mình và nhờ chỉ đường đến nhà thương gia đó. Vừa thấy cha mẹ người chết đang gục đầu đau khổ, nàng cất tiếng ca một bài ca về lòng từ bi. Nàng hát về sự sống vươn lên từ cái chết, hát về mong ước được giải phóng Arya Salee và các chúng sinh khác. Tiếng hát của nàng đầy khí lực và chất thiện mỹ làm cha mẹ người chết quì xuống bên nàng khi nàng chấm dứt tiếng hát.
“Nàng là một nữ tu sĩ hát hay”, họ vừa tuyệt vọng, vừa hy vọng. “ Nàng đầy uy lực, chúng ta chỉ biết thế nhưng không thể đo lường. Nếu nàng đến đây để cứu sống con ta, ta sẽ cho nàng đủ tiền để cứu cả con vua Nepal. Nhưng ta không biết, phép lạ có xảy ra với người bé mọn như chúng ta được hưởng hay không?”.
Yeshe Tsogjal cúi đầu ba lần trước cha mẹ người chết và gật đầu. Tự đáy lòng nàng cảm tạ Liên Hoa Sinh và bắt đầu hát:

“Cúi lạy đấng đã sinh trong hoa sen, Liên Hoa Sinh,
Hiện thân của tự tính bất diệt.
Tự tính của tất cả mọi sự.
Là Phật tính vĩnh viễn thanh tịnh, bất sinh bất diệt.
Đó là gốc sinh ra mọi hiện tượng.
Giữ cái bất ly của tính Không và Năng lực,
Thì hành động thiện ác,
Chỉ sinh ra nghiệp lực không tránh khỏi.
Nhưng ta là một đạo sư đã xa rời tính nhị nguyên.
Nên cái chết hay sống không hề gây ngăn ngại.
Năng lực này là của ta, năng lực hàn gắn mọi đổ vỡ:
Hãy tuôn trào phép mầu nhiệm”.


Yeshe Tsogjal đưa tay trỏ rờ trái tim và cúi đầu nhả một giọt nước miếng vào miệng người chết. Nàng thì thầm một câu thần chú bên tai và hai tay vuốt lên vết thương trên ngực. Bỗng nhiên vết thương khép kín, mắt người chết mở to. Chàng thanh niên ngồi dậy và cười ngạc nhiên.
Cả tang quyến vội đến cảm tạ Yeshe Tsogjal nhưng nàng từ chối.” Đừng cám ơn tôi, hãy cảm tạ năng lực, năng lực đã hàn gắn lại những gì chúng ta muốn huỷ hoại. Hãy cảm tạ chư phật và Liên Hoa Sinh đã truyền cho năng lực đó”.
Vị thương gia bán thực phẩm lòng tràn hạnh phúc, trao cho Yeshe Tsogjal môt túi vàng và nữ tu sĩ cảm ơn nhận lãnh. Một đám đông người đi theo khi nàng đi mua lại Arya Salee. Nàng trả cho thương nhân nọ đến một ngàn đồng tiền vàng để mua người nô lệ, mà giờ đây đã trở thành nười bạn đường của nàng.
Cả hai lên đường đi bộ về Tây Tạng để được Liên Hoa Sinh trực tiếp dạy cho phép Mật tông. Trong một hang núi cao gần chỗ tuyết đóng quanh năm, cặp nam nữ này sống và thực hành phép tu Yoga xuất thần và phép thiền quán trong giao phối để đạt được giác ngộ viên mãn.
Cuối cùng Yeshe tsogjal sống đến 106 tuổi. Là truyền nhân của Liên Hoa Sinh, bà đã đưa vô số đệ tử đến giải thoát hoàn toàn. Theo lệnh của Liên Hoa Sinh, bà cất giấu nhiều bí lục(69)trong nhiều hang động tại miền núi Tây Tạng và nhờ vậy mà giữ được các kinh sách này cho đời sau. Các bí lục này lần lượt được các đệ tử tái sinh của Liên Hoa Sinh khám phá trong các thế kỷ sau. 
 
 

<< Phần 1 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 783

Return to top