N guyễn Bá Lân sinh năm Canh Thìn (1700) tại xã Cổ Đô, huyện Tiên Phong (cũ), trấn Sơn Tây xưa (nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây). Thân sinh ông là Nguyễn Công Hoàn nổi tiếng một thời về văn chương, được xếp hàng thứ ba trong "tứ hổ" ở kinh thành Thăng Long xưa (nhất Quỳnh, nhị Nhan, tam Hoàn, tứ Tuấn). Ông Hoàn học giỏi, nhưng lại lận đận về đường khoa cử, không đỗ đạt gì, chỉ chuyên nghề dạy học, các chức tước của ông như Đại lý tự thừa, Hiển cung đại phu, Đông Các đại học sĩ, Kim tử vinh lộc đại phu, Hàn lâm viện Thừa chỉ... đều do có con là Nguyễn Bá Lân thăng chức lớn nên cha được phong tặng theo tục lệ ngày trước.
Nguyễn Bá Lân học với cha từ năm 15 tuổi, được cha rèn cặp rất nghiêm khắc. Cách dạy con của ông đồ Hoàn khá đặc biệt, không chuộng nhồi nhét bắt học nhiều như các thầy đồ khác, mà có sự chọn lọc trên cơ sở cuộc đời dạy học của bản thân mình. Từ khi còn ít tuổi, Nguyễn Bá Lân vốn rất ham đọc sách và ham tìm hiểu thế giới bên ngoài. Chuyện kể lại rằng thường ngày trên án của ông lúc nào bên trái cũng đặt bản đồ, bên phải đặt sách vở, để khi đọc sách nếu cần thì tra cứu.
Có một điều rất độc đáo trong cách dạy học của cha Nguyễn Bá Lân, đó là tìm cách phát huy tính năng động sáng tạo, bồi dưỡng óc thông minh nhanh nhạy của người học trò - mà cũng chính là con mình, trên một tinh thần thi đua bình đẳng với con, nếu mình bị thua thì cũng đòi hỏi được xử trí công bằng, không chút phân biệt. Được cha trực tiếp dạy dỗ một cách chu đáo, lại vốn có tư chất thông minh, Nguyễn Bá Lân tiến bộ rất nhanh. Năm 18 tuổi, tức là chỉ ba năm sau khi học với cha, ông đã đỗ đầu kỳ thi Hương, để hai năm sau lại đỗ kỳ thi Hội, rồi kỳ thi Đình, đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Tân Hợi (1731) vào lúc ông 31 tuổi, cái tuổi "tam thập nhi lập" đã chín chắn để hành động.
Nguyễn Bá Lân bước vào đường làm quan cũng khá đặc biệt. Đỗ Tiến sĩ, chỉ một thời gian sau ông đã được cử làm Giám khảo kỳ thi Hội. Để rồi sau đó, do có nhiều công lao chiến tích, lại là người cẩn thận, siêng năng, thanh liêm, ngay thẳng, không xu nịnh, ông nhanh chóng được thăng nhiều chức, cả văn lẫn võ. Từ chức Phiên tào ở phủ chúa Trịnh Giang, đến đầu đời Cảnh Hưng (1740 - 1786) đã làm Tả chấp pháp ở Bộ Hình; năm 1744 bổ làm lưu thủ trấn Hưng Hóa, sau làm đốc trấn Cao Bằng, tại cả hai nhiệm sở trên ông đều có công lớn trong việc giữ gìn trật tự trị an trên vùng biên giới. Năm 1756, ông được triệu về kinh đô Thăng Long nhận chức Thiêm đô ngự sử, vào phủ Chúa giữ chức Bồi tụng (chức thứ hai sau Tham tụng), tước Lễ Trạch hầu, kiêm giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (Hiệu trưởng). Năm 1765, ông về hưu mới được ít lâu đã được chúa Trịnh Doanh mời ra giúp việc từ tụng, xét xử án từ. Đến năm 1770, ông dâng khải xin về hưu vì tuổi già, chúa Trịnh Sâm không chuẩn y mà vẫn giữ ông lại Kinh đô để hỏi ý kiến khi cần thiết. Sau đó, ông được khôi phục làm Thượng thư bộ Lễ, rồi Thượng thư bộ Hộ, hàm Thiếu bảo, được liệt vào bậc Ngũ lão hầu. Chúa Trịnh Tông vẫn còn triệu ông vào hỏi việc lúc ông đã 84 tuổi. Hai năm sau ông mất, thọ 86 tuổi, linh cữu được rước về an táng ở quê nhà. Khi ông mất được tặng chức Thái tể, tước Quận công.
Nguyễn Bá Lân trọn đời mang hết tài năng và đức hạnh của mình ra giúp dân, giúp nước trên mọi cương vị, văn võ song toàn, văn hóa - giáo dục uyên bác. Cho nên không lấy gì làm lạ khi thấy những danh nhân đương thời đều nói về ông với những lời trân trọng nhất. Phan Huy Chú nhận xét: "Khi bàn việc, ông giữ lòng trung thực, không che chở bênh vực ai, chúa khen là ngay thẳng dám nói". Sử sách của Quốc sử quán triều Nguyễn về sau cũng viết: "Nguyễn Bá Lân... làm quan thanh liêm, cẩn thận, ra trấn Cao Bằng vỗ về nhân dân, dẹp yên giặc cướp, tỏ rõ công lao, vào triều tham dự chính sự thì giữ đúng pháp luật, không hề a dua..." (Đại Nam nhất thống chí). "Bá Lân là người có văn học, chất phác, thẳng thắn, mạnh dạn dám nói" (Cương mục).
Đóng góp của ông về mặt văn học cũng đáng kể. Riêng với bài phú Nôm Ngã Ba Hạc, bằng những hình ảnh mạnh mẽ, có phần tinh nghịch. Về phú còn có nhiều bài chữ Hán, như Giai cảnh hứng tình, Dịch đình dương xa, Trương Hàn tư thuần lư... Nguyễn Bá Lân còn có một số bài thơ vịnh sử, được tuyển vào cuốn Vịnh sử thi quyển, Quốc âm thi và Mao thi ngâm vịnh thực lục.
Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm