Cái nồi Trung Quốc
Hermann Bauer (Đức)
Tác giả: Hermann Bauer sinh năm 1951 tại München (Đức), và vẫn đang sống tại thành phố này. Ông viết truyện ngắn, du ký, truyện nhi đồng, làm thơ, v.v... đăng trên các báo. Sách ông được xuất bản tại Đức, Áo, Thụy Sĩ và Pháp. Truyện ngắn của Bauer nhẹ nhàng, nhưng ý vị thâm trầm, hướng người đọc đến một cuộc sống tích cực và lạc quan hơn. Truyện Cái nồi Trung Quốc dịch từ nguyên tác tiếng Đức: Der chinesische Kochtopf.
Tôi vốn thích nghe lời khuyên của ông bà Lindner. Vấn đề dù nhỏ hay lớn, ông bà luôn tìm ra giải pháp. Ông bà Lindner nay đã hơn 80 rồi, nhưng tâm hồn và tình cảm vẫn còn trẻ trung và mới mẻ lắm.
Hồi xưa, do yêu cầu nghề nghiệp, ông Lindner có dịp đi nhiều nước trên thế giới. Ông bà từng sống tại châu Á và Nam Mỹ nhiều năm. Hiện nay ông bà cư ngụ ở ngoại ô một thành phố lớn của Đức. Biệt thự rộng rãi của ông bà ngay cạnh bờ hồ. Có một con đường lớn dẫn đến biệt thự.
Tôi ngồi trong chiếc ghế nệm da màu đen và ngắm ngọn lửa lung linh trong lò sưởi. Từng ngồi ở phòng khách của nhiều nhà, nhưng tôi thấy chẳng phòng khách nào toát ra sự ấm cúng dễ chịu và yên ổn như căn phòng này.
Ông Lindner rót cho tôi ly rượu vang đỏ. Chúng tôi cụng ly. Bà Lindner nói: “Quý hóa quá, chúng ta có dịp hàn huyên trong buổi chiều đẹp thế này”.
Ông Lindner đứng dậy, khá mệt nhọc. Giống như nhiều người cao tuổi, ông cũng đi đứng khó khăn. Đôi chân chẳng còn mạnh khỏe như xưa nữa.
Ông bước tới lò sưởi, cúi xuống xách cái giỏ đi lấy thêm củi. Tôi bật dậy, giành làm thay. Đang đứng cạnh tôi bà liền cản lại, bảo chồng và tôi cứ ngồi, để bà đi cho.
Khi bà trở lại phòng khách, ông bước đến bên vợ nói cám ơn và hôn phớt lên má.
Tôi xúc động. Sau bao năm dài chung sống mà ông bà vẫn còn hạnh phúc và hòa thuận đến thế. Tôi hớp một ngụm rượu rồi hỏi: “Hai bác hạnh phúc quá, hẳn có bí quyết gì phải không ạ?”.
Ông bà cùng mỉm cười. Ông đáp: “Nào có bí quyết chi đâu. Hôn nhân là một thỏa hiệp mà ta phải trân trọng dưỡng nuôi”.
Bà tiếp lời để chứng minh điều ấy: “Đáng tiếc rằng phần đông thiên hạ không biết chuẩn bị cho hôn nhân. Vợ chồng tôi xưa kia cũng vậy. Hơn 60 năm trước, mới lấy nhau, chúng tôi chẳng có khái niệm gì cả. Chúng tôi không biết bày tỏ tình cảm và cảm xúc, không biết phê bình sao cho khỏi xúc phạm đối phương, không biết tranh cãi với tinh thần xây dựng, không biết nhượng bộ, không biết bình tĩnh trước khó khăn để từ từ tìm cách giải quyết. Cho nên mấy năm đầu vợ chồng sống chung khá khó khăn, cắn đắn nhau hoài”.
Ông vào bếp, lấy một món mang ra phòng khách đưa tôi xem: “Nhưng dường như có bí quyết đấy. Cái này đã góp phần rất nhiều vào đó”.
Ông chờ xem phản ứng của tôi. Nhưng tôi chẳng biết nói chi. Món vật ông ấn vào tay tôi chỉ là cái nồi rất bình thường. Nó không đẹp, nhiều chỗ bay màu.
Bà tươi cười: “Cái nồi này xưa lắm rồi. Tôi mua ở tiệm ông già Tàu tại Thượng Hải. Ông lão bảo rằng ở châu Âu hôn nhân ví như cái nồi nóng mà người ta đặt lên đó cái dĩa lạnh và sau đó cái nồi nguội đi. Ở các nước Viễn Đông hôn nhân ví như cái nồi lạnh mà người ta đặt lên đó cái dĩa nóng để cho cái nồi nóng dần lên. Lời lẽ này tôi rất thích và đến nay chưa hề quên...”.
Ngắt lời bà, ông giải thích cho tôi: “Ban đầu cuộc hôn nhân chúng tôi không phải là cái nồi lạnh đâu. Ngược lại là khác. Nhưng theo tôi, quá nhiều người chỉ cầu mong cho lửa tình thuở ban đầu sẽ còn nóng bỏng mãi chứ họ không biết luôn luôn hâm nóng tình yêu. Tôi hiểu hôn nhân như vầy: Làm thắm thêm tình bạn, đến gần nhau hơn, và luôn tìm cách thấu hiểu nhau nhiều hơn”.
Tôi mơ màng nhìn ngọn lửa bập bùng đang bén vào những thanh củi vừa được bỏ thêm vào lò sưởi.
Bà phá tan sự tĩnh lặng: “Vợ chồng chúng tôi thường trò chuyện về hôn nhân và tình bạn. Hễ ai có khó khăn chi – như cậu đây – thì chúng tôi tìm cách giúp ngay”. Vừa nói bà vừa nhìn sâu vào mắt tôi.
Ông đặt tay trên vai tôi: “Tôi thấy rằng lắng nghe xem người khác có vấn đề khó khăn gì cũng là điều quan trọng. Xem họ giải quyết vấn đề ra sao cũng bổ ích cho chúng tôi nữa”.
Tôi chẳng hứng thú nói về chuyện mấy đứa con học hành lôi thôi, chuyện nhà đi thuê, chuyện hiện nay hôn nhân vợ chồng tôi đang khủng hoảng. Tôi nghĩ đâu ai giúp mình được.
Tôi uống cạn ly rượu, đứng dậy, đi qua đi lại bứt rứt như con hổ trong chuồng: “Nói dễ nhưng làm thì khó. Nó đòi hỏi ta kiên nhẫn rất nhiều và cũng khiến ta phải thở dài ngao ngán nhiều nữa”.
Tôi cám ơn ông bà về buổi chiều đẹp đẽ này và muốn cáo từ. Không trả lời, bà Lindner vào bếp lấy thêm chai vang đỏ nữa. Ông nói ráo hoảnh: “Cậu ngồi xuống cái đã”.
Bà đưa tôi chai rượu và cái mở nút chai. Tôi khui chai rượu, rót đều các ly, rồi buông người xuống ghế bành. Những bực bội trong nghề nghiệp và gia đình khiến tôi cảm thấy mất thăng bằng.
Ông Lindner trỏ tay vào tủ kính trưng bày mấy vật chạm trổ, pho tượng và độc bình, rồi bảo tôi: “Mỗi món kỷ niệm này đều có một câu chuyện. Hôm nay chúng tôi nên dẫn cậu đến nước nào nhỉ? Miến Điện, Thái Lan, Nam Dương, Ấn Độ, Guatemala, hay Peru...?”.
Ông lấy một tượng gỗ ra khỏi tủ, giữ nó trong đôi tay, xoay xoay ngắm nghía mãi, rồi ông bà kể tôi nghe về Nam Dương. Câu chuyện nghe chân thật và sinh động khiến tôi ngỡ chính mình cũng như có mặt tại nơi đó.
Tôi lim dim đôi mắt và có cảm giác dường như các món ăn ông bà kể cho tôi nghe đang thơm ngào ngạt đâu đây. Cho nên suốt mấy tiếng đồng hồ qua tôi đã quên hết phiền muộn. Ông bà đã làm thế nào nhỉ? Những câu chuyện của ông bà tác dụng như thôi miên và đồng thời xoa dịu tâm hồn tôi.
Sau khoảng ba tiếng đồng hồ, tôi từ giã ông bà. Về đến nhà, tôi nghe vợ hỏi: “Thế nào? Ông bà Lindner lại kể cho anh nghe mấy cuộc phiêu lưu ra nước ngoài của họ nữa rồi chứ gì?”.
Tôi gật đầu: “Ừ, hay lắm. Lần này ông bà dẫn anh sang Nam Dương đấy. Nhưng ông bà còn kể anh nghe về cái nồi Trung Quốc mua ở Thượng Hải. Anh thích chuyện đó lắm. Em có muốn nghe không?”.
Vợ tôi nhìn tôi, không hiểu gì sất, và nói: “Bữa khác đi. Hôm nay em mệt quá. Hay là ngày mai vậy. Rồi em sẽ kể một chuyện về nồi niêu xoong chảo cho anh nghe. Hôm nay mấy thứ chết tiệt này quần em mệt đừ trong lúc anh ra ngoài thư giãn. Em đi ngủ đây. Chúc anh ngủ ngon”.
Tôi chưa mệt. Trong đầu hỗn độn quá nhiều ý nghĩ. Tôi đang nghĩ đến một cái nồi lạnh lẽo và ao ước sớm làm nó mau nóng dần trở lại và thậm chí tôi còn muốn làm cho nó nóng bỏng lên nữa.