11. Nhà chồng có ý ngờ Thị Kính có ngoại tình
Cô, công rằng: "Bảo cho hay,
"Trộm hương, cắp phấn cũng đầy chan-chan.
"Mấy người một ngựa một an,
"Nay Trương, mai Lý thế gian hiếm gì?
"Ấy may mà tỉnh ngay đi,
"Đỉnh-đình-đinh nữa có khi còn đời.
"Sự này chớ lấy làm chơi",
Sai người tức khắc đến mời Mãng-Ông.
Trách rằng: "Sự mới lạ lùng,
"Sinh con ai dễ sinh lòng ấy đâu?
"Sắt cầm bỗng dở dang nhau,
"Say đâu với đứa trong dâu hẹn-hò.
"Sông kia còn có kẻ dò,
"Lòng người ai dễ mà đo cho cùng.
"Sự này mười mắt đều trông,
"Thôi đừng tra hỏi, gạn-gùng nữa chi.
"Nghe anh nào có bụng gì,
"Đem lòng dạy dỗ sau thì mặc anh."
Lặng nghe kể hết sự tình,
Ngậm-ngùi nghĩ đến con mình mà thương.
Nỗi kia, đoạn nọ ngổn ngang,
Tủi thân khôn đậu hai hàng mưa sa.
Thưa rằng: "Trong nghĩa thông-gia,
"Ơn lòng chiếu cố thực là hậu thay.
"Hiếm hoi mới một chút này,
"Được nương cửa ấy, đã may bội phần,
"Nguyền xưa mong vẹn Tấn Tần,
"Hai non ngảnh lại cho gần cả hai,
"Nào ngờ trẻ mỏ nghe ai,
"Thả chông đường nghĩa, rắc gai lối tình.
"Phù dung nỡ để lìa cành,
"Giếng thơi nỡ để rơi mình từ đây.
"Nước trong bát, đã rời tay,
"Có còn bốc lại cho đầy được chăng?
"Mưa tan mây cuốn nửa chừng,
"Rộng dung dạy thế, xin vâng lĩnh về.
"Lờn-bơn chịu ép một bề,
"Quản làm sao được kẻ chê người cười".
Gọi con đến trước lạy người,
Lạy lương-nhân đã, sẽ rời chân ra.
12. Thị Kính từ giã nhà chồng về nhà cha mẹ đẻ
Lòng nàng xiết nỗi xót-xa,
Má đào ủ dột mặt hoa âu sầu.
Đến nơi làm lễ khấu đầu,
Lạy công cô đoạn, rồi sau lạy chồng.
Như tuôn giọt lệ ròng ròng,
Nín hơi thổn-thức giãi lòng sau xưa.
Kể từ kim-cải duyên ưa,
Giây leo cây bách mong nhờ về sau.
Dù ai phụ bạc cùng nhau,
Đã thần ba thước trên đầu chứng tri.
Vì đâu phút hợp, phút ly,
Kiếp này đã lỡ, chắc gì kiếp sau.
Tiếc công ô thước bắc cầu,
Chàng Ngưu, ả Chức gĩa nhau từ rày.
13- Lúc vợ chồng từ giã nhau
Ngập-ngừng tới lúc chia tay,
Đôi bên sùi sụt, bốn mày châu chan.
Ai làm cho phượng lìa loan,
Đang tay nỡ bẻ phím đàn làm đôi.
Lòng chàng nghĩ lại bồi hồi,
Trước kia còn giận, sau rồi lại thương,
Duyên này mà đã dở dang,
Còn nên gảy khúc Cầu-hoàng nữa sao?
Lưu tô sương gió lọt vào,
Đem mâm mà chứa ngọc giao hẳn đầy,
Phấn kia còn dấu bình này,
Hương kia còn dính áo này chưa phai.
Xanh xanh khóm liễu Chương-đài,
Tiếc thay đã để tay ai vin cành.
Muôn thu viếng chốn Giai thành,
Vẫn còn hai chữ bất bình mang đi.
14. Thị Kính sau khi về nhà cha mẹ đẻ
Nàng đi từ dở bước vu quy,
Nhânđuyên thôi có nghĩ gì như ai.
Đã oan về chiếc tăng-hài,
Mặt nào mà lại đi hai lần đò.
Trách người sao nỡ dày vò,
Để cho Tiểu Ngọc giận no cũng già.
Nhạn hàng phỏng có đôi ba,
Thà rằng minh mục, hơn là ô danh.
Tủi vì phận liễu một cành,
Liễu đi thì để mối tình cậy ai?
Phòng riêng vò võ hôm mai,
Trông ngày đằng-đẵng lại dài hơn năm.
Buồng trong giọt ngọc đầm đầm,
Mùi ăn không nhớ, giấc nằm không ngon
Nực cười sự nhỏ cỏn-con,
Bằng lông mà nảy nên cồn Thái sơn.
Vẻ chi chút phận hồng-nhan,
Cành hoa nở muộn thì tàn mà thôi.
Xót thay tóc bạc da mồi,
Vì ai nên nỗi đứng ngồi chẳng khuây.
Dày vò chút phận thơ ngây,
Sự vui chưa thấy, thấy ngay sự phiền.
Lấy gì báo đáp thung, huyên,
Dễ đem má phấn mà đền trời xanh,
Có khi dốc chí tu hành,
Lánh mình trần tục, nương miền Thiền-môn
Độ trì nhờ đức Thế Tôn.
Dở dang thủa trước, vuông tròn mai sau.
Nghiêm, từ hưởng phúc về lâu,
Họa đền nghĩa nặng ơn sâu cho bằng.
Thượng-thừa là Phật là Tăng,
Xích-thằng đã ủi, kim-thằng hẳn giai,
Chỉn e thưa gửi rõ bài,
Thương con hẳn chẳng nỡ hoài cho đi.
Thôi thôi xuất cáo làm chi,
Thân này còn quản thị phi được nào!
Bàn thầm mọi lẽ thấp cao.
Ba mươi sáu chước chước nào là trên?
15. Thị Kính cải trang trốn đi ở chùa
Xuất gia quyết một gan liều,
Phụ tinh, đới nguyệt bước lên dặm đường.
Quần chân áo chít dịu dàng,
Gỉa hình nam-tử ai tường căn-nguyên.
Song đường thấy sự ngạc-nhiên,
Ruột tằm bối rối, thêm phiền não ra.
Biết đâu dặm thẳm đường xa,
Biết đâu giếng cạn, hay là bể sâu.
Chốc là phần ấy tuổi đầu,
Đến nay cả lớn, vừa hầu cậy trông.
Giải kia lầm giắt chữ đồng.
Tủi duyên ấy, để nỡ lòng sâm-thương.
Hay là bực tuyết buồn sương.
Như ai khoét vách, trèo tường, chớ chơi.
Vậy thì sao chẳng một lời,
Biết mà gả phắt cho đời là xong.
Đá vàng nghe cũng bền lòng.
Lẽ nàotrốn trống thủng bồng long đến điều,
Vì đâu gió quở mưa trêu,
Để nguồn trôi nổi, cho bèo mênh-mông.
Mắt lòa, chân chậm, răng long,
Để như Lữ Ngọc hết công tìm tòi,
Biết bao nước mắt mồ hôi,
Cây đồng được mấy mươi chồi cho cam?
Bây giờ đôi ngả bắc nam,
Biết còn quanh-quẩn cõi phàm hay không?
Nghìn năm nghiêng lở non Đồng,
Biết còn ứng tiếng Lạc-chung đó là?
Thương thay lụ khụ tuổi già,
Dế năm canh nguyệt, quốc ba tháng hè.
16. Thị Kính xin vào tu tại chùa Văn-Tự
Nàng từ xa chốn hương-khuê,
Nỗi nhà man mác mọi bề mà lo.
Cũng toan gỡ mối tơ vò.
Thành sầu cao ngất phá cho tan tành.
Tưởng ơn trời bể mông- mênh,
Dễ mà đền được ân-tình ấy đâu?
Tà tà bóng ngả cành dâu
Sớm khuya dưới gối ai hầu hạ thay?
Vắng người khuất mặt lúc này,
Lòng người thiểu não biết ngày nào nguôi?
Nghĩ điều mưa nắng xa xôi,
Cảm thương đòi đoạn, bồi hồi chừng nao!
Chân trời đất khách đã lâu,
Chiêm bao lẩn thẩn ở đâu quê nhà.
Hỏi thăm dặm liễu dầnđà,
Ngờ đâu Văn-Tự chẳng là ở đây,
Bốn bề phong cảnh lạ thay,
Bồng-lai khi cũng thế này mà thôi.
Cửa Thiền sẽ lẻn chân coi,
Trông lên sư phụ vừa ngồi tụng kinh.
Mưa hoa rảy khắp bên mình,
Nhấp-nhô đá cũng xếp quanh gật đầu.
Mới hay đạo Phật rất mầu,
Nghĩ đây cũng dễ đổi sầu làm vui,
Chờ khi kinh giáo vừa rồi,
Lạy sư phụ, bạch khúc-nôi tỏ tường.
Trình-bày tên họ gia hương,
Nhà xưa theo dấu văn-chương cũng là.
Chán vùng danh lợi phồn-hoa,
Chắp tay xin đến Thiền già quy y.
Sư rằng : "Này đạo từ bi,
"Rộng đường phổ độ, hẹp gì trầnđuyên.
"Nhưng sao đương độ thiếu niên,
"Nhìn xem phong-thể cũng nên con người.
"Cớ chi nhà lối xa khơi,
"Đem mình đài các, vào nơi lâm-tuyền.
"Hay là tủi phận hờn duyên,
"Hay là đeo lụy mang phiền chi chăng?
"Chỉn e vượn Sở lạc chừng,
"Bận lòng đến cả cây rừng, chưa minh?"
Thưa rằng: "Trẻ nhỏ thư sinh,
"Làm chi cho được lụy mình, chớ e!
"Nền nhân nhờ bóng sân hòe,
"Cũng may tới cửa ngựa xe với ngươi.
"Đoái trông thế sự nực cười,
"Như đem trò rối mà chơi khác gì.
"Phù vân một đóa bay đi,
"Khi thì áo trắng, khi thì muông đen
"Chật đường chen-chúc như nen,
"Cân đai nhan-nhản người quen với mình.
"Chẳng thèm ra áng công -khanh,
"Mà đem thân-thế làm hình dịch chi.
"Cho nên mến cảnh trụ trì
"Dám xin nhờ bóng tăng-huy xét lòng."
Sư khen rằng: "Kẻ nho phong,
"Đã say đến chữ sắc không đấy mà!
"Kìa bào, kìa ảnh vút qua,
"Kìa sương, kìa chớp, kìa là chiêm-bao
"Lọ là tranh trí thấp cao,
"Kẻ xem khoái chí, người gào thất thanh
"Lấy ai làm nhục làm vinh,
"Trăm năm là nấm cỏ xanh rì rì.
"Sao bằng vui thú liên-trì,
"Dứt không tứ tướng, sá gì nhị biên,
Đạo này huyền thực là huyền,
Hư vô mà vẫn trang nghiêm thế này,
17. Thị Kính được đổi tên là Kính-Tâm làm tiểu ở chùa
"Tiểu đà mến đạo đến đây,
"Kính-Tâm tên đặt từ nay gọi thường.
Vâng lời nương cảnh thượng phương,
Khêu đèn bát-nhã, gióng chuông tam-huyền.
Chân-kinh ghi chữ tâm truyền,
Trực tòa Long-nhiễu, vui miền Hổ khê.
Đòi cơn tưởng nỗi hương-khuê,
Người đi nghìn dặm, bóng về năm canh.
Sự mình, mình giận với mình,
Nặng tình cũng phải nén tình làm khuây.
Thanh gươm trí tuệ mài đây,
Bao nhiêu khổ não cắt ngay cho rồi.
Hương xông pháp-giới ngùi ngùi,
Thông rung trống kệ, trúc hồi mõ kinh.
Có người cảnh lại càng thanh,
Bồn không cũng nảy ra cành liên-hoa.
Đã lồng ba tấm cà sa,
Nhưng người tiên vẫn trông ra khác phàm.
Dập dìu trước chốn thiền-am,
Kẻ hoài xuân những muốn làm ni cô.
Ngỡ chàng Phan Nhạc đấy ru,
Ra đâu cũng ném quả cho tiếc gì.
18. Thị Mầu phải lòng Kính-Tâm
Trời sinh tư sắc làm chi,
Hoa thơm bướm cũng có khi bợn lòng.
Trong làng có một phú ông,
Gia tư đọ với Thạch Sùng kém đâu.
Tiểu thư ở chốn hồng-lâu,
Tuổi vừa đôi tám Thị Mầu là tên.
Lá hồng đặt xuống nâng lên,
Mối duyên đo đắn chưa nên mối gì.
Nào rằng giữ nết khuê vi,
Ngày rằm mồng một cũng đi cúng dàng
Nhác trông thấy tiểu dịu dàng,
Sóng thu xui khiến cho nàng khát-khao.
Người đâu có dáng thanh tao,
Bóng trăng dưới nước, vẻ sao trên trời.
Đáp thưa chưa kịp hết lời,
Mới giàn mặt, thoắt đã rời chân đi.
Khấn sao Đức Phật độ trì,
Xui ra, họa có chước gì được thân.
Như không phải kiếp Châu Trần.
Thì xin một trận phong vân cũng nhờ.
Lạ thay tiểu vẫn hững-hờ,
Mấy phen thời cũng thờ ơ với mình.
Hoa kia nói, hẳn nghiêng thành,
Chào hoa hoa lại vô tình mới căm.
Tri âm chẳng gặp tri âm,
Để ai mong đứng mong nằm, sầu riêng,
Trách ông Nguyệt-lão nào thiêng,
Có khi bên Thích cũng kiêng kẻo là!
Đăm đăm tưởng nguyệt, mơ hoa,
Biết sao khuây khỏa cho qua cơn sầu.
19. Thị Mầu tư thông với đứa ở
Trong nhà sẵn có đứa thương-đầu,
Quyền nghi một chút dễ hầu ai hay
Nào ngờ gió thổi mây bay
Hạt kia gieo xuống đợi ngày mà sinh
Ba trăng coi đã khác hình
Bữa cơm thì biếng, mùi chanh thì thèm
20. Phú Ông tra hỏi Thị Mầu
Song thân ngờ, mới hỏi xem,
"Sao con lại mọc ra điềm chẳng hay?
"Thế mà ai hỏi bấy nay,
"Đôi bên tay áo chẳng day bên nào
"Lỡ ra rồi biết làm sao,
"Chớ con trả mận gieo đào với ai?
"Dễ mà ăn cáy bưng tai,
"Dăng dăng nghe chuyện bên ngoài hổ ngươi!"
Nàng rằng: "Đâu khéo những lời,
"Ngọc lành ai có dại đời thế đâu?
"Cành hoa vẫn giữ còn màu,
Con oanh dẫu hót cho sầu, trối thây.
"Ví dù tính nước lòng mây
Nhà ma nào chịu đến rày chửa đi.
"Năm xung tháng hạn phải khi,
Hóa ra thế ấy hỏi chi tức mình?"
Dứt lời nghe mõ nguyệt-bình,
Rằng đòi con gái ngoại tình ra tra.
Phú ông thấy sự xấu xa,
Trở vào tắc lưỡi, trở ra vật mình.
Rằng: "Con sinh sự, sự sinh,
"Há rằng vạ ở trời xanh gieo vào,
"Một là động địa làm sao,
Nước phương mộc dục chảy vào chẳng sai,
"Hai là lầm thuốc dông dài,
"Cái dâm dương-hoắc thì ai cũng vừa,
"Ba là phải đứa trao bùa,
"Miếng trầu hoan-hỷ nó cho bao giờ.
"Vô tình nào có ai ngờ,
"Thế mà ăn nói ỡm-ờ như không.
"Khôn mà thưa gửi cho xong,
"Chẳng thì bè chuối trôi sông chẳng hòa".