Trời Sáng Trong Mưa
Trần Mai Hạnh
"Tu, tu, tu..."
Tàu Đồng Nai kéo ba hồi dài. Mọi người đổ cả ra boong. Ai mà chẳng muốn chào tạm biệt Sài Gòn lần cuối. Sau trận mưa đêm, trong ánh lê minh, thành phố bừng dậy như một cô gái vừa tắm gội: Trong trẻo, tươi tắn. Những ngôi nhà cao ốc nhiều tầng, nhiều mầu vươn cao. Lá cờ đỏ sao vàng trên cột cờ Thủ Ngữ lộng gió sớm, tung bay.
- "Anh Lâm!"
Đột nhiên một tiếng gọi cất lên cao vút, riêng biệt trong tất cả những âm thanh. Trên bến, một người phụ nữ vừa chạy dọc theo cầu tàu vừa vẫy gọi ai đó đang đứng trên boong. Chị mặc bộ bà ba đen gọn ghẽ, tay cầm chiếc khăn rằn choàng đầu. Hẳn chị mới tới. Lúc tàu nhổ neo, tôi không thấy ai mặc bộ đồ bà ba đen như chị.
- "Anh Lâm... âm!"
Không ai đáp lại những âm thanh như òa vỡ ấy. Chị đứng sững lại, tay buông thõng, thất vọng. Tôi quay phắt lại những người đang đứng trên boong. Vì chợt nhớ đến anh Lâm - người bạn đồng hành lớn tuổi - một phóng viên nhiếp ảnh giàu cảm xúc đã xông xáo trong chiến dịch lịch sử này từ ngày đầu cho tới phút chót. Hay chị tìm anh ấy. Anh không có mặt trên boong. Thật lạ. Tôi chạy bổ xuống dưới hầm tàu. Anh bạn tôi đang ngồi trầm ngâm trong câu lạc bộ thuyền viên, chân co chân duỗi, lưng dựa vào chiếc balô dã chiến. Bên cạnh anh, chiếc máy ảnh lắp sẵn ống têlê và một lá thư đang mở.
Nhưng tàu đã ra xa bờ, bắt vào luồng chính và đang lao đi với tốc độ ngày một nhanh. Cảng xa dần, người trên bến nhìn không rõ nữa. Anh bạn tôi xô ra tận phía đuôi tàu, cố giơ chiếc mũ tai bèo quay những vòng rộng trên đầu làm hiệu. Phía xa, thoáng chiếc khăn rằn bay lên trong nắng... Tàu rúc hồi còi tạm biệt cuối cùng...
Bến bờ lùi khuất. Biển đón chúng tôi trong mầu xanh mở tận chân trời. Từng đàn hải âu bay theo dập dờn, chốc chốc lại chao mình trên mặt biển loáng nắng. Ngoài tiếng máy nổ rất đều, tiếng khua động của chân vịt, chỉ có tiếng sóng, tiếng gió quyện nhau mê mải...
"Quê hai đứa tôi ở Phan Thiết..."
Trở lại câu lạc bộ thuyền viên, anh bạn tôi đã vào đầu câu chuyện của mình chân tình như vậy. Trong giọng ấm áp, thủ thỉ của anh, ba tiếng "hai đứa tôi" gợi lên sự gắn bó tới máu thịt.
...Chuyện bắt đầu từ bữa cưới anh Hai, anh con ông bác ruột của Hoa ba mươi năm trước. Ngày ấy Hoa mười bảy tuổi, còn tôi mới hai mươi ba. Biết nhau thì từ những ngày còn nghịch nước, câu tôm ở sông Phan Thiết - sông này bà con quê tôi gọi là sông Mương Máng, nhưng mãi tới bữa cưới đó tôi mới để ý đến Hoa như nghĩa người con trai phải lòng một người con gái.
Tình cờ ngồi cạnh nhau trong bàn tiệc, lại bị mọi người cắp đôi, tôi và Hoa ngượng ngập ghê quá. Má tôi và má Hoa cũng đến dự cưới. Vốn là thân tình, hai bà đều có ý chắp nối cho hai đứa. Cũng mới thế thôi chứ chưa có chuyện ăn hỏi, gả bán gì. Tôi ở phố Gia Long nhà Hoa ở phố Nhà Thương bên kia sông. Ngày nào xách giỏ ra chợ Hoa cũng phải đi ngang qua nhà tôi. Không bao giờ cô ấy dám nhìn vào mà cứ cắm đầu đi như ma đuổi. Có một lần tôi gọi, cô ấy quay lại, mặt đỏ bừng, lúng túng đến tội nghiệp. Bao năm rồi mà tôi vẫn nhớ tiếng guốc như ríu lại của cô ấy. Tôi cũng yêu thế thôi chứ chưa nghĩ đến chuyện xây dựng gia đình. Tuổi thanh niên thời đó lãng mạn, thích bay nhảy.Thế rồi tôi thoát ly theo kháng chiến. Năm 1951 tôi được tổ chức phân công về hoạt động nội thành. Cơ sở bể, tôi bị mật thám bắt giam ở nhà lao Phan Thiết. Tuần nào Hoa cũng đến. Vẫn chiếc nón lá và bộ bà ba đen gọn ghẽ như Hoa thường mặc mỗi sáng đi chợ. Tôi nhớ mãi buổi đi làm cỏ vê ở tỉnh đường Phan Thiết, lính gác nghiêm ngặt là thế mà Hoa cũng len lỏi vào được. Lần ấy người lính gác tù cảm thông đã cho tôi và Hoa núp dưới chiếc tăng-xê của Pháp, nói chuyện. Ba tháng sau chúng đưa tôi ra xử và kêu án mười năm tù. Tù chưa đầy năm, bắt được cơ sở tôi vượt ngục. Đêm đó tôi lần về Phan Thiết định thăm má tôi và Hoa lần cuối rồi móc đường chiến khu. Nào ngờ lại sa vào lưới mật thám lần nữa. Chúng đầy tôi ra nhà lao Đà Nẵng. Tháng 10 năm 1954, khi Hiệp định Genève ký kết, chúng trao trả tôi ra miền bắc. Gấp gáp quá, tôi không kịp tin Hoa biết. Từ Đà Nẵng xe chở tôi xuống tàu rồi đi thẳng. Lúc tàu rúc ba hồi còi dài, tôi nôn nao cả người. Mọi người giơ hai ngón tay chào và hẹn nhau ngày về. Tôi cũng giơ tay chào hẹn, mặc dầu trên bờ không một ai thân thiết...
Thế rồi biệt tin từ ngày ấy. Suốt 21 năm qua, tôi tìm mọi cách mà không sao liên lạc được với Hoa và gia đình. Đến ngay một tấm ảnh của Hoa cũng không có nốt. Tuy chưa ăn hỏi và làm lễ cưới, nhưng rất tự nhiên tôi nghĩ Hoa đã là vợ tôi. Chính cái ý nghĩ không có gì đổi khác được ấy, đã nhắc nhở tôi rất nhiều đến trách nhiệm của mình trong những năm tháng xa cách. Tôi làm báo, đi nhiều, tiếp xúc nhiều và đã không ít lần phải đấu tranh với những tình cảm chớm nở. Đến những năm cuối của tuổi 40, ý định xây dựng gia đình không còn thôi thúc tôi nhiều nữa.
Hiệp định Paris ký kết, tôi được cử đi công tác ở Quảng Trị và có mặt ở bờ sông Thạch Hãn trong chuyến trao trả tù đầu tiên. Khi chiếc thuyền chở anh em tù cập bãi cát bên này sông, mọi người ùa xuống đón, tôi giơ chiếc máy ảnh chụp. Một khuôn mặt rất đỗi quen thân chợt hiện lên trong ống kính. Tôi sững người, buông máy.
Người tù đầu tiên đặt chân lên bãi cát, sau một thoáng ngỡ ngàng nhào đến ôm lấy tôi. Đấy chính là anh Hai, anh con ông bác ruột Hoa mà gần 30 năm trước tôi và Hoa đã đến dự cưới.
- "Đây, chồng cô Hoa đây. Ngày trao trả, cô ấy không còn nữa...!" - Anh Hai giới thiệu tôi với các bạn tù. Những giọt nước mắt lớn lăn trên gò má xương xẩu của anh.
Trời Quảng Trị âm u từ sáng, và đến lúc ấy bỗng nổi lên một cơn giông lớn. Mưa như trút. Bãi cát, dòng sông, cánh đồng và tất cả nhòa nhoẹt dưới mưa. Tôi đứng bàng hoàng trên bãi cát. Một cái gì lớn lao, thân quý, gần gũi ghê lắm trong đời tôi đã mất đi. Những năm tháng đợi chờ đã kết thúc như vậy...
Qua anh Hai, tôi được biết Hoa đã trọn tình với tôi suốt mấy chục năm trời. Năm 1958, khi tía tôi qua đời, Hoa đến xin để tang. Thấy chưa ăn hỏi cưới xin gì, sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc của Hoa, ông chú tôi đã ra sức khuyên ngăn, nhưng không được. Năm ấy má tôi lại lâm bệnh nặng. Hoa đã lo lắng vẹn toàn đám ma cho tía tôi và chăm sóc má tôi tận tình chẳng khác gì người dâu cả. Thấy hoàn cảnh đất nước chia cắt lâu dài, tin tức không hề có, nhiều lần má tôi khuyên Hoa đi lấy chồng nhưng Hoa vẫn một mực đợi chờ. Năm 1968, sau đợt Tổng tiến công Tết Mậu Thân, cơ sở thành phố bể bạc, Hoa bị bắt. Mãi lúc ấy má tôi mới biết Hoa cũng là người của kháng chiến. Đầu năm 1969, bọn cai ngục nhà tù Phú Tài (Quy Nhơn) đầy Hoa ra Côn Đảo với cái án chung thân. Một tháng trước ngày Hiệp định Paris ký kết, đang đêm chúng kêu Hoa và hơn hai chục chị em khác ở trại biệt giam tù chính trị xuống tàu, nói là có lệnh của thượng cấp kêu về Sài Gòn gấp. Những ngày ấy tụi Mỹ ngụy ráo riết thủ tiêu tù chính trị. Ra ngoài khơi chúng xô tất cả chị em xuống biển. Chính tên lái tàu trong một lần say rượu đã lộ chuyện này, gây một làn sóng căm phẫn trong toàn đảo. Những ngày ấy anh Hai cũng bị giam giữ ở ngoài đảo nên biết tin này.
Chúng tôi lên boong. Câu lạc bộ lúc ấy đông người nên không tiện những điều tâm sự.
"Thế rồi tôi xây dựng gia đình, mới năm ngoái thôi"- Ném mẩu thuốc hút giở xuống biển, anh bạn tôi tiếp tục câu chuyện của mình.
Nhà tôi người Hà Nội, làm công nhân trong một xưởng máy. Chẳng giấu gì anh, cô ấy đã có một đời chồng. Những ngày hạnh phúc của cô ấy cũng quá ngắn ngủi. Một tuần sau ngày cưới, tạm biệt vợ và nhà máy anh ấy ra mặt trận và không bao giờ về nữa. Cùng cảnh ngộ, chúng tôi hiểu nỗi đau khổ của nhau và thương nhau nhiều. Tôi khoác balô lên đường tham gia chiến dịch lần này giữa những ngày nhà tôi chuẩn bị ở cữ. Gần 53 tuổi đầu mới sắp có được hạnh phúc của một người làm bố, chẳng nói thì anh cũng biết là tôi sung sướng và hồi hộp đón chờ kết quả tình yêu của mình đến thế nào. Tôi có kể cho nhà tôi nghe về Hoa, về mối tình đầu và về Phan Thiết quê tôi. Nghe chuyện, nhà tôi khóc. Bữa tôi đi, nhà tôi không tiễn. Thật tội. Nhà tôi có cái suy nghĩ duy tâm: Lần trước tiễn chồng ra mặt trận không về nên lần này không đưa tôi đến nơi tập trung nữa. Lúc cơ quan đón, tôi khoác balô ra xe, nhà tôi cứ ngồi ở trong giường, nước mắt chảy quanh. Đêm cuối cùng, tôi bàn với nhà tôi đặt tên cho đứa con đầu lòng. Nhà tôi suy nghĩ ghê lắm, và cuối cùng thì nói với tôi: "Anh ạ, nếu sinh con gái em sẽ đặt tên con là "Thúy Hoa" để luôn nhớ đến chị ấy". Tôi nghĩ nhiều đến những sự việc hết sức tỷ mẩn mà nhà tôi đã lặng lẽ chuẩn bị hàng tháng nay cho sự ra đời của một cháu gái...
Thế rồi tôi có mặt ở Huế khi những chiếc xe tăng đầu tiên của Quân giải phóng tiến vào thành phố. Và rồi như trong giấc chiêm bao, buổi chiều sau năm ngày thị xã Phan Thiết giải phóng, tôi dừng chiếc Honda đầy bụi đường ngay trước ngôi nhà thân yêu của mình. Phố nhà tôi vẫn giữ nguyên cái tên xưa: "Đường Gia Long", nhưng số nhà thì đã đổi khác. Nhà tôi trước số 90 nay số 30. Gần 25 năm mới đặt bước trở về. Tôi đứng lặng người trước ngôi nhà cũ kỹ dễ chừng mấy chục năm qua chưa được tu bổ lấy một lần. Cửa đóng im ỉm. Bên cạnh ống khóa lớn, là những dòng chữ phấn mới viết, bụi phấn còn vương trên cánh cửa đã bong hết sơn:
"Gia đình sơ tán dưới cồn
Thư đến xin bỏ giúp vô nhà"
Hai tiếng "sơ tán" khiến tôi nhớ lại những năm chiến tranh phá hoại ác liệt của giặc Mỹ trên miền bắc. Trên đất nước thân yêu của chúng ta, chiến tranh đã đụng đến từng căn nhà, từng ngõ phố.
Anh bạn tôi đột nhiên im lặng - im lặng rất lâu. Dường như có điều gì khổ tâm ghê lắm đang day dứt trong anh. Tựa vào thành tàu, tay chống cằm, anh đăm chiêu nhìn xuống mặt biển. Tôi cũng nhìn xuống và im lặng chờ đợi.
- "Chắc anh không thể tưởng tượng được, ngay trên mảnh đất thân yêu ấy, tôi đã gặp lại Hoa" - Anh nói đột ngột, tôi không còn tin ở tai mình nữa. Nhưng rõ ràng tiếng anh vẫn còn đâu đây, giống như một viên sỏi đã mất hút dưới lòng hồ mà mặt nước yên tĩnh vẫn còn lăn tăn sóng gợn. Tôi nhìn anh: Gương mặt anh sạm nắng, đanh lại, hằn sâu những nếp nhăn. Gió biển mạnh và phóng khoáng thổi tung mái tóc lòa xòa, những sợi tóc bạc trắng lên dưới nắng.Tôi nhìn xuống mặt nước chói lòa ánh nắng. Những con sóng đẫm nắng mải miết xô mãi vào mạn tàu. Chân vịt khua động mạnh. Bọt biển sủi trắng như thủy tinh, tan ra làm nhạt mầu xanh của cả một vạt biển. Xuôi phía đuôi tàu, như có ai vừa để vương chiếc khăn voan mầu da trời trên mặt biển xanh thắm mênh mông. Anh nói, đôi mắt mầu tro nhìn không chớp về những dãy núi phía xa, như thể chẳng nói với riêng tôi. Âm hưởng dạt dào của biển đang trưa làm giọng nói của anh như có sóng...
Còn đang loay hoay tìm người hỏi thăm đường xuống cồn, chỗ gia đình sơ tán, thì ông anh họ tôi chợt đi ngang qua. Không phải reo nữa mà anh hét lên rồi chạy bổ đến ôm lấy tôi. Cánh tay bị cụt tới khuỷu của anh đập đập trên lưng tôi còn bàn tay lành lặn thì nắm lấy vai tôi lắc rất mạnh: "Trời! Chú đã về. Bà vẫn còn, Hoa vẫn còn, ở tù mới về đó". Như tiếng sét bất thần nổ giữa trời quang. Đầu óc tôi quay cuồng. Trời đất lộn nhào hết cả. Anh kéo tôi đi gặp má tôi đang lễ ở chùa Tứ Ban gần đó. Thuở nhỏ tôi cũng hay theo má tôi đi cầu phước ở chùa này. Ngôi chùa có tiếng là linh thiêng, cứ ba năm lại có một ngày hội lớn rước Quan Công ở bên Phú Hào về. Bữa đó trúng ngày hội. Anh nắm tay tôi lôi đi như chạy. Tôi bỏ cả xe, chỉ kịp khoác balô và choàng vội chiếc máy ảnh ngang vai rồi tất tả theo anh. Đường phố nắng chang, không một bóng cây. Người hai bên đường đổ ra, nối dòng theo tôi, lúc mỗi đông. Nhiều gương mặt rất quen, song tôi không còn nhận biết được ai nữa.
- "Chồng cô Hoa đã về!". "Chồng cô Hoa đã về!". "Chồng cô Hoa đã về"... - Tiếng bàn tán, lời mọi người báo cho nhau cứ vang lên bên tai tôi, đuổi theo tôi, lặp đi lặp lại những đợt sóng. Tôi không còn nhận biết được tình cảm của mình lúc ấy như thế nào: Hạnh phúc hay đau khổ? Niềm vui sướng hay nỗi đau lòng? Quá nhiều việc cùng một lúc đến dồn dập.
Má tôi đang xin quẻ trong chùa Tứ Ban để cầu yên lành cho con cái, cầu cho tôi sống và sớm trở về. Nghe báo, má tôi lật đật chạy ra. Người đông nghẹt trước mặt tôi bỗng dạt cả ra. Tôi chạy tới và kịp đỡ lấy má. Chiếc gậy của má rơi xuống sân chùa. Không hiểu sao tiếng gậy rơi khô khan và cả tiếng lá khô lạo xạo ở sân chùa, lúc ấy tôi lại nghe rõ đến thế. Tôi gục đầu vào mái tóc bạc trắng của má. Chưa bao giờ tôi thấy một mái tóc bạc đến thế. Mái tóc chứa đựng không chỉ sự dãi dầu của năm tháng mà còn là biết bao hy sinh, đắng cay, tủi cực cả một đời người. Những ngón tay gầy guộc, nhăn nhúm của má lần tìm rất lâu trên khuôn mặt đầy bụi đường của tôi.
- "Lâm đấy hả con? Bấy lâu má cứ ngỡ con chết mất rồi. Tội nghiệp con Hoa, nó vẫn chờ đợi con. Tuổi con với nó xung khắc nhau nên mấy chục năm trời không sum họp được...".
Má khóc. Tôi khóc. Nhiều người xung quanh cũng khóc...
***
Thế rồi tôi qua thăm Hoa. Ngay lúc ấy được tin tôi về, Hoa nhắn chờ tôi ở bên sông.
- "Hoa!"
Tôi cất tiếng gọi và nở một nụ cười khó khăn như người có lỗi.
- "Anh đã về!"
Hoa nói giọng nghẹn ngào. Hoa không nhìn tôi mà cứ cúi gằm xuống, hai tay bíu chặt lấy mép bàn, cố giữ cho đôi vai gầy yếu bớt rung. Trên đầu Hoa, một vành khăn tang trắng. Trận bom ngụy vừa ném xuống ngay sau ngày Phan Thiết được giải phóng, đã cướp đi mất má Hoa. Tội nghiệp, bà cụ đang đón thuyền mua cá dưới bến sông thì máy bay ập tới... Thế là cả gia đình chỉ còn lại mình Hoa.
- "Má mất rồi em?" - Tôi hỏi. Hoa không trả lời và cũng không ngẩng lên nhìn tôi nữa, mà chỉ lặng lẽ gật đầu. Hoa bằng xương bằng thịt ngồi đó mà tôi cứ ngỡ mình còn ở trong mơ. Đúng là Hoa bị đày ra Côn Đảo và bị chúng đưa đi thủ tiêu thật nhưng Hoa không chết. Những ngày lội nước câu tôm và những ngày theo ông chú đi biển đã cứu sống Hoa. Đêm đó, chạy vào cách đất liền gần hai cây số, bọn chúng dừng tàu lại, xô từng người xuống biển rồi xả súng theo. Hoa là người cuối cùng bị chúng xô xuống. Loạt đầu bắn trượt, Hoa nổi lên, chúng xả luôn loạt nữa. Bị một viên đạn xuyên qua vai trái, Hoa ráng sức lặn một hơi dài rồi trồi lên nấp về phía đuôi tàu. Đêm đầu tháng, mặt biển tối đen. Dọi đèn pin soi không thấy Hoa nổi lên, chỉ thấy máu loang trên mặt nước, bọn chúng yên trí nổ máy phóng thẳng vào bờ. Hoa cũng ráng sức nhắm hướng đất liền bơi vào. Một chiếc thuyền đi bủa lưới sớm đã cứu sống Hoa...
Không biết có phải có ý không, chiều đó Hoa mặc bộ đồ bà ba đen gọn ghẽ, đã bạc mầu hệt như ngày xưa mỗi buổi đi chợ ngang nhà tôi. Hoa gầy đi nhiều, gân xanh nổi rõ trên những ngón tay gầy guộc đang bíu lấy mép bàn. Mái tóc dài và dầy mượt bây giờ rụng ngắn và đã nhiều sợi bạc. Chiến tranh và tù ngục đã cướp đi mất quá nhiều sức lực của mỗi con người...
"Nghe anh Hai nói em đã bỏ mình ngoài biển. Nào ngờ em vẫn còn sống và đợi chờ anh cho đến ngày thắng lợi này..." - Tôi vừa nói, Hoa đã bật khóc. Những giọt nước mắt tuôn rơi lã chã, nối dòng chảy một vệt dài trên mặt bàn. Vẫn chiếc bàn lim cũ kỹ ngày xưa. Bức ảnh tôi chụp hồi còn thanh niên, nét mặt trẻ măng, tôi tặng Hoa ngày thoát ly đi kháng chiến vẫn lồng trong khung kính, đặt cẩn thận nơi góc bàn dựa vào tường...
Đến bây giờ tôi vẫn bứt rứt, khổ tâm không chịu được mỗi khi nhớ lại gương mặt tái nhợt, thảng thốt của Hoa khi nghe tôi nói chuyện vợ con của mình. Thật tội là mãi lúc ấy, Hoa mới biết tôi đã có gia đình. Giữa lúc câu chuyện đang hồi khó khăn nhất, thì Loan cô em họ của Hoa tới. Nghe tin tôi về, nó bươn bả tới thăm ngay. Hồi nhỏ nó rất quý tôi. Nó chạy ào vào ôm lấy tôi: "Trời anh Lâm! Bõ công chị đỏ mắt trông chờ mấy chục năm ròng. Tội nghiệp lắm anh ơi, chị về tiếp quản bữa trước, bữa sau má chết. Ngày còn sống, bà vẫn nhắc anh thường...".
Hoa lặng lẽ bỏ vào buồng trong, lúc sau mang ra một đĩa trái cây Thanh Long và hộp mứt chùm ruột. Trái Thanh Long trùng với tên gọi của tôi hồi nhỏ. Còn quả chùm ruột thì gần giống quả mận ngoài bắc, nhưng mọc thành chùm, làm mứt, ăn chua chua ngọt ngọt, đỡ mệt lắm. Ngày xưa, cứ mỗi lần vào thăm nuôi tôi trong tù, Hoa thường mang theo thứ quà này.
Hoa vừa mở hộp mứt, Loan đã trào nước mắt: "Mứt chị làm đó, anh ăn cho đỡ mệt. ở nhà chị thường làm mứt và mua trái nói mọi người ăn để nhớ đến anh...". Thật khổ tâm. Tôi lúng túng không biết nói năng sao, nước mắt chảy quanh, Hoa lừ mắt, giật mạnh tay làm hiệu, nhưng Loan đâu có biết, cứ kể lể và khóc tu tu...***
... Chiều ấy Hoa giữ tôi lại ăn cơm. 10 giờ đêm tôi mới về. Nghe nói hồi chiều có anh giải phóng bị bắn dưới cồn, Hoa lo lắng và có ý giữ tôi lại: "Chừ khuya quá rồi, anh về không an toàn đâu. Hay anh nghỉ lại đây, mai đi sớm". Lúc ấy tôi phân vân ghê lắm: Về thì không an toàn thật, mà ngủ lại thì nhà chỉ có mình Hoa. Tôi đứng dậy vặn quả đấm cửa. Một luồng gió mát mẻ đẫm hơi nước từ lòng sông Phan Thiết ùa vào làm lay động mạnh tấm riđô che chiếc giường đôi - chăn chiếu gọn ghẽ, gối mùng sẵn sàng đó rồi. Tôi chần chừ, lưu luyến trong căn phòng ấm cúng ánh điện. Ngoài kia, đêm tối tràn ngập, đường phố không bóng người và phía xa bỗng rộ lên một tràng súng nổ. Tôi thoáng nghĩ đến chuyện đền bù tình cảm cho Hoa sau mấy chục năm trời xa cách. Nhưng chỉ một thoáng thôi, tôi gạt bỏ ngay những suy nghĩ thấp hèn của mình. Hành động như thế làm sao có được những tình cảm rộng lớn trong tâm hồn. Hoa chung thủy chờ đợi mấy chục năm có phải vì sự đền bù tầm thường đó đâu. Hình ảnh nhà tôi bụng mang dạ chửa, nước mắt chảy quanh, không dám đưa tôi đến nơi tập trung, lại hiện lên trong tâm trí tôi. Thấy tôi ngại ở lại, Hoa chạy qua kêu Loan cùng đưa tôi về. Nhưng qua cầu Phan Thiết, thấy cảnh hai chị em phải mầy mò trở về trong đêm, tôi không yên lòng nên cả ba lại quay về nhà Hoa ngồi tâm sự tới sáng.
Sáng sau trước khi lên đường ra mặt trận, tôi theo Hoa ra viếng mộ má. Ngôi mộ gần bên sông, dưới một bụi bông dong. Trong lúc Hoa lúi húi đốt nhang, tôi chạy kiếm mấy bông dong nở muộn còn sót sau trận bom, cắm lên mộ. Những lớp đất mới đắp còn đang xả hơi. Tôi lặng người. Trong cơn tuyệt vọng, bọn ngụy đã cho máy bay dội bom xuống đây ngay trong ngày thị xã được giải phóng. Nhiều ngôi nhà đã đổ. Nhiều người dân quê tôi đã ngã xuống khi cuộc sống vừa qua cái ngưỡng cửa bên kia một chân trời mới...
Chúng tôi chia tay nhau tại gốc cây hoa học trò ở đầu cầu Phan Thiết. Cây phượng già nua này có từ những ngày tôi còn cắp sách. Ngày xưa nó đã từng chứng kiến không biết bao cuộc hẹn hò, giận dỗi giữa chúng tôi. Những ánh nắng vàng chợt đến từ lúc nào, thơm tho trên nền trời thị xã. Đôi chim sâu lích tích chuyền qua chuyền lại trên những cành phượng còn đẫm sương đêm. Những cánh hoa đỏ như sắc cờ chốc chốc lại rơi xuống đậu trên tóc và trên đôi vai gầy yếu của Hoa. Thật hệt như xa xưa khi còn ở những ngày của "Thuở ban đầu"...
Gần một buổi chiều và trọn cả một đêm bên Hoa, tôi vẫn thấy thời gian sao ngắn ngủi. Mấy chục năm xa cách, gặp lại một điều chủ yếu nhất cũng chưa bàn bạc được cho ra nhẽ thì đã lại chia tay. Thấy tôi băn khoăn, lúng túng, Hoa chủ động nói với tôi:
"Anh Lâm ạ, việc mấy chục năm không sao một lúc mà giải quyết hết được. Anh cứ yên lòng ra mặt trận. Cầu cho anh được sức khỏe và bình an. Ngày Sài Gòn và miền nam hoàn toàn giải phóng, trên đường ra bắc anh hãy ghé thăm quê. Còn gì nữa thì ngày ấy Hoa và anh sẽ lại nói với nhau...". Hoa nhìn tôi. Trong cặp mắt mở to, trong cái nhìn nồng hậu, bao dung và chan chứa yêu thương ấy, tôi hiểu rằng Hoa còn muốn nói rất nhiều...
Thế rồi chia tay. Hoa nhập vào dòng người đang cuộn đổ về sân vận động dự lễ ra mắt của ủy ban Nhân dân Cách mạng thị xã. Mít-tinh phải làm sớm để phòng ngừa máy bay ném bom. Sau này tôi được biết Hoa là Chủ tịch ủy ban Nhân dân Cách mạng của chính khu phố tôi. Tôi đứng lặng nhìn theo. Mãi khi bóng Hoa mất hút trong dòng người và biển cờ mênh mông, tôi mới nổ máy chiếc Honda bám theo những binh đoàn xe tăng tắm đầy bụi đường đang giương cờ Mặt trận rầm rập lao về Sài Gòn...Anh Lâm thôi kể từ lúc nào, lặng lẽ đốt thuốc. Đêm cũng đã dâng lên trên bầu trời tấm màn nhung đen khổng lồ đính đầy sao. Con tàu có trọng tải gần hai vạn tấn đang đè sóng lao lên, để lại trên mặt biển những vệt lân tinh sáng loáng. Theo chiều sóng biển mà con tàu dập dềnh lên xuống, những ngôi sao long lanh như những giọt nước mắt, lúc như bay lên, lúc như tụt xuống. Nhiều tiếng dế đáp nhau lao xao trong tiếng sóng biển làm màn đêm trên đại dương càng huyền bí hơn. Những chú dế này từ đất liền không biết cách gì đã lên đậu trên tàu. Chuyến viễn du: Hải Phòng - Sài Gòn và Sài Gòn - Hải Phòng của các chú còn vĩ đại và kỳ hiểm hơn cả chú "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài...
Thư Hoa đây - Anh Lâm lấy bức thư cất cẩn thận trong túi áo ngực, đưa tôi - Sáng qua tôi nhận được không phải một mà hai lá thư cùng một lúc: Thư của Hoa và thư của nhà tôi ở Hà Nội gửi vào. Thế là nhà tôi đã sinh cháu gái như điều thầm ước. Bữa trước tôi có gửi thư báo sẽ trở ra bằng tàu biển nên không ghé được Phan Thiết, và nói rất mong gặp Hoa ở Sài Gòn. Sáng qua nhận thư, nghe Hoa nói sẽ thu xếp ra Sài Gòn, tôi mong quá. Tôi cứ nấn ná chờ Hoa, mãi chiều tối qua, không thấy, tôi mới ra cảng lên tàu, chỉ trước ít phút làm thủ tục hải quan. Sáng nay mải đọc thư Hoa, thư nhà, tàu nhổ neo lúc nào tôi không hay. Nào ngờ Hoa chạy kiếm tôi trên bến. Chắc sáng sớm nay Hoa mới vô Sài Gòn... Chắc anh muốn hỏi tôi định giải quyết chuyện riêng của mình như thế nào? Thư Hoa đó, anh đọc đi, chắc rõ... Nói rồi anh Lâm ngả người trên võng. Gió biển làm chiếc võng đung đưa...
Phan Thiết, ngày 3 tháng 6 năm 1975
Anh Lâm!
Được thư anh ngày 31-5. Hơn hai mươi năm giờ đây mới được đọc lại những dòng chữ của anh, và em cũng là lần đầu tiên cầm bút viết thư cho anh. Tất cả những điều ấy tránh sao khỏi nỗi xúc động, bồi hồi...
... Anh đã trở về... Ước mơ, chờ đợi bao năm ấy, ngày hôm nay đã đến với em bằng sự thật. Còn nói đến tình cảm yêu thương, em không hề có ý nghĩ không đẹp về anh. Em luôn nghĩ đó là do hoàn cảnh tạo ra cho con người phải như vậy.
... Má đã qua ở với em trong những ngày tuổi già. Má biểu em viết thư nói anh đưa chị và cháu về, còn ít vàng dành dụm má sẽ cho anh để gây dựng cuộc sống.
... Anh yên tâm, đừng nên suy nghĩ nhiều về em. Mọi việc đã qua không nên gợi sống lại trong lòng nữa anh ạ. Em nghĩ mình em chịu mất mát đã quá đủ rồi. Không nên để cả hai người phụ nữ cũng chịu đau khổ, mà chị ở ngoài ấy đã một lần mất mát. Những điều ấy em đã nghĩ...
Gấp bức thư đưa lại anh Lâm, tôi thấy lòng mình khang khác. Một mùi thơm tinh khiết thật sự đang thoảng bay trong những làn gió nồng nàn hơi biển. Chớp bỗng rạch chân trời, lóe sáng./.
Trần Mai Hạnh