Người Cha
Trần Hoài Thư
Bên trời . Ai đã gọi bên trời, lời thất thanh, đêm bật rách ròng ròng lệ đỏ. Ai đã gọi bên trời, ngựa đã nản chân bon, hí lên tiếng hí cuối cùng, và mây ngũ vồng đưa ngựa già về miền tịch lặng. Bên trời, thời đại này, người có thể thấy mặt nhau từ xa vạn dậm, địa cầu gần gũi vô cùng, thư từ đến với nhau trong tích tắc, nhưng cũng có tín hiệu đến quá chậm quá tức tửi, quá đau . Tuần quạ Lúc con ở bên này ung dung lái xe trên xa lộ, ngày 8 tiếng trong hảng miệt mài, đêm ngủ yên lành trên nệm dày, trong chăn dạ, thì bên kia Ba lại bỏ đị Ba nhắm mắt. Ba không còn đợi thằng con, đứa cháu trở về. Và chấm hết.
Bên trời . Buổi sáng đến sở. Ngồi yên. Ba ơi, chưa bao giờ con lại cảm thấy cô đơn như bây giờ. Muốn bỏ mà đi . Muốn thèm một lần mếu máo . Muốn gọi một tiếng ba từ lâu chưa một lần được gọị Đi đâu bây giờ để khỏi đập đầu, khỏi đau quặn lồng ngực, để khỏi cắn miệng, cắn môi, mà nuốt dòng lệ mặn. Thì ra, bây giờ con mới hiểu thế nào là một nỗi mất mát của một đời ngườị Cái mất mát sẽ chẳng bao giờ được đền bù hay có thể được tìm trở lạị Dù là một hạt bụi đi nữa . Dù là một sợi tóc đi nữạ Cái mất mát mà ai cũng có một lần chấp nhận. Nhưng mà thưa ba, chiến tranh giờ đã tàn lụi, đâu còn nỗi mất mát nào như những nỗi mất mát như ngày xưa . Người chết giờ đây, dù sao cũng còn được an ủi . Có nghĩa là, trước khi nhắm mắt vẫn còn nhìn lại một lần những người thân yêu . Trừ ba . Thưa ba, bài này, con viết cho ba .
Trang giấy này con khóc cho ba . Một hai ngày, hay trăm ngàn ngày, con sẽ nói với ba, thầm thì với ba, kể lể với ba . Cái đau này con xin giữ lấy, cho riêng con. Không ai trong nhóm biết cái mất mát này . Con sẽ dấu, như chẳng bao giờ xin cái ngày phép tang chế thường lệ. Bởi vì, với con, ba không chết. Ba sống mãi . Ở mãi trong đời con.
Từ Quảng Bình, mồ mả ông bà ba bỏ lại . Bỏ lại, như lần đầu theo con tàu sắt ra khơi xuôi về Nam. Ba đã lựa chọn đời sống và tương lai cho con cháu . Nhưng vào ngày ấy, ba vẫn còn có một chỗ để mà đến. Dù những ngày đầu tiên lam lũ. Dù chiếc áo lương đen của ba càng lúc càng mờ phai giữa một thành nội đóng cửạ Dù nghề thầy thuốc của ba càng lúc càng khó khăn tội tình giữa một thế giới Tây y . Ba đã chọn lựạ Đau đớn mà chọn lựa . Bỏ Quảng Bình, bỏ Đồng Hới, bỏ mồ mả ông bà, ba lạy ba lạỵ Bỏ cơ nghiệp, nhưng cơ nghiệp có gì ở cõi này, trừ tiếng gọi thầm lặng của một kiếp đời: Tự do yêu và ghét . Ngày ấy con còn quá nhỏ để hiểu tại sao người ta dám bỏ cả một phần đời quí báu nhất của con ngườị Tại sao người ta lại dám chấp nhận đến một nơi vô định, chấp nhận một phần đất lạ lẫm của miền xa . Tại sao người ta lại dám phủi tay, bỏ sạch của cải mồ hôi nước mắt, công lao mà mình đã cố tạo dựng, và cả một nơi chốn yêu dấu nhất của một con người gọi quê hương. Đêm nay, mấy mươi năm trở lại một thời gian, một không gian cũ, để lại càng hiểu hơn về nỗi đau bầm của một người bỏ quê nhà. Ba chưa một ngày dính líu với bộ máy . Ba cũng chưa một ngày tung hô đả đảo . Ba đứng bên lề: giản dị như chiếc áo lương đen ba mặc suốt năm suốt tháng. Cao quí như nghề thầy thuốc mà ba đã giúp đời, giúp bà con, lâng láng. Và khổ hạnh như một nhà tu . Và ung dung như một vị đồ nho . Và cô độc như người còn lại cuối cùng của một thế giới . Như vậy tại sao ba lại mang thân gà trống tục tục bầy con xuống con tàu hả mồm. Thì ra, ba đã tiên tri được sự thật. Một sự thật mà ngay cả thế hệ của con sau này cũng chẳng bao giờ biết nổi . Và chao ơi, đến khi biết được thì đã quá muộn màng.
Những ngày đầu tiên ở Huế, thì quá lam lũ. Huế có những ngày mưa dầm, có những buổi trời lạnh căm căm, và gió thì cắt bầm da thịt. Và ba đã đứng ở giữa Huế, đi ở giữa Huế, chống đỡ cùng đời sống ở Huế. Vẫn chiếc áo lương đen bạc màu . Vẫn chiếc áo tơi nylon màu sậm rêu đã rách. Và vẫn chiếc dù đen. Ba đã không những chống cự cùng cơm áo mà còn chống cự cùng cái nền văn minh đang mỗi ngày một lấn áp xã hội . Nhưng nếu cơm áo đã làm ba lao đao lận đận, thì cái nền văn minh kia đã làm ba cô độc hàng vạn lần. Ở đâu người ta cũng quay mặt. Ở đâu, khói bụi, và sản phẩm của những luồng gió từ phương Tây vẫn cuốn lốc, vẫn vần vũ. Ba đã đi tìm lại những người thân chủ cũ. Mong đợi họ để ba bấm tay xem lại kinh mạch, để ba kê toa thuốc, và cuối cùng là ít tiền công. Ba cũng đã đi qua những phòng mạch bác sĩ chen chúc người . Ba nhìn người ta đang bị đầu độc bởi khói xe, dầu mỡ, nước đá, trụ sinh. Và càng đau hơn nữa, ba phải nhìn những trang giấy kinh điển, những giòng chữ hiền nhân, những suy nghĩ vạn đại từ từ bay cuốn hay vùi dập dưới bước chân người không thương tiếc. Khi ấy ba chỉ biết cúi đầu, lưng khom xuống, và lượm và nhặt. Khi ấy ba buồn bã nhìn về phía Đại Nội, trường Quốc Tử Giám, nơi mà ngày xưa ba đã từng học những giòng chữ của thánh hiền. Huế vào những ngày đầu tiên, mây thì màu chì, và sũng nước. Những con quạ đen in bóng trên thành quách cũ, từ Thượng Tứ qua Đông Bạ Huế vào những ngày đầu tiên, đêm thấp thoáng những ngọn đèn lu mờ giữa dòng sông Hương, và tiếng hò Nam Ai thỉnh thoảng cất lên ủ dột. Huế, học trò Đồng Khánh, Quốc Học, bãi học qua cầu như cả một đàn bướm. Huế có đài phát thanh bên cầu, còn nghe âm vang tiếng đôi song ca Ngọc Cẩm và Nguyễn hữu Thiết. Huế có tiếng rao hàng rong não nuột trong bóng tối âm u từ đường Trương Định về Hàng Đoát. Và Huế có một mình ba, đứng lại, còn lại một mình .
Nhưng ba không bao giờ chịu làm kẻ thua cuộc. Ba vẫn mặc chiếc áo lương đen, mang chiếc dù đen, chiếc áo tơi màu rêu sậm, và đi bộ, đi mãi, đi miết. Từ Morin về Đập Đá. Từ Morin lên Phủ Cam. Từ Morin qua cầu Trường Tiền, qua Đông Ba, Thượng Tứ, vào Hồ Tịnh Tâm, ngược lên Bến Ngự. Dáng ba nhỏ, gầy . Hai chân ba khẳng khiu, vai hơi khom xuống . Đôi khi một chiếc xe phóng qua vũng nước, và cả người ba bị nước bắn tung tóe . Đôi khi những con chó hung dữ sẵn sàng nhảy bổ vào người ba, nếu không nhờ cây dù bên người, chắc ba sẽ phải bỏ cuộc. Rồi ba trở về cùng con. Mái nhà tôn nào bên đường Trương Định, nền nhà đất thịt, chiếc giường tre nương tựa cơ hàn. Những đêm mùa đông năm ấy, Huế trở trời, lạnh căm căm da thịt. Vì lạ lẫm, và vì hơi lạnh buốt bốc lên từ nền đất, thấm qua tấm chiếu, qua cả chiếc mền dạ nhà binh, khiến con không thể nào ngủ được. Và ba cũng vậy, nằm bên con, mắt mở. Chúng ta đã không thể tưởng tượng có một ngày chúng ta phải nương thân tại nhà của một người khác, trong khi ở quê nhà, chúng ta có cả ngôi nhà gạch khang trang, có nền xi măng, giường rộng, chiếu hoa . Chúng ta không thể tưởng tượng một ngày ba dẫn con đi tìm quán ăn nghèo nàn bên chợ đông ba, để nghe mệ chủ quán bĩu môi nói trắng trợn: Quán tôi dơ bẩn, ông nên tìm chỗ khác, chỉ vì ba cẩn thận lấy tờ giấy mang trong mình lau đôi đũa, cái chén . Mắt ba đã mở trong đêm, nhìn lên chiếc mùng, hay đang trở về cùng quá khứ. Với ba, con biết, lệ thầm ấy là quá khứ. Và với con, lệ thầm ấy là mền không đủ ấm, là khoảng đêm dày dặc, là gió bên ngoài hú từng cơn, đập vào mái tôn kêu âm ỉ, là cả thân thể co rúm lại trước cái lạnh bốc xuống từ mái tôn, bốc lên từ đất...Phải, với ba, lệ thầm ấy là quá khứ. Con người ba đã nặng trĩu quá khứ. Ngay ở hiện tại này, ba cũng là ngọn đèn của quá khứ. Ngày xưa, mỗi lần ba ngủ không được, ba vẫn trở dậy pha trà và đọc sách thánh hiền, hay ngâm những vần thơ cổ. Bây giờ không ai cho phép ba trở dậy, để ngồi độc ẩm cùng bóng đêm. Người ta đang ngủ. Nếu có thức chăng là những hồn ma từ những thành quách rêu rong.
Chúng thức để mà khóc cho một thời đại . Nhưng dù sao, chúng vẫn là hồn ma . Còn ba, ba lại là con người thật. So với chúng, ai khổ hơn aỉ
Vâng, ai khổ hơn ai . Dù sao những hồn ma kia cũng vẫn còn bầu bạn. Còn ba, một người còn sót lại cuối cùng, quá chừng lẽ loi, và cô độc. Nếu có bạn chăng là con quạ đen trên nhánh cây phượng gầy bên Thành Nội hay tiếng dế khóc than dưới mấy tầng gạch cổ . Từ một xóm nghèo bên Morin, ba lại dẫn con đi nương nhờ tại Đập Đá, rồi qua Bến Ngự, rồi về Phủ Cam, rồi qua Thành Nội... Cơm áo cuối cùng cũng xong. Những bà chủ nhà nghiệt ngã cuối cùng cũng xong. Những dốc lên dốc xuống cuối cùng cũng xong. Những ngày hừng hực nóng và những đêm buốt tận xương tủy cuối cùng cũng xong. Dòng sông Hương vẫn xanh lơ . Đêm Nam Ai, Nam Bình vẫn bềnh bồng trên những chuyến đò côi cút. Người di cư bắt đầu hòa nhập vào cuộc sống mới . Ông Bá đã trở thành một người thân tín của chế độ, và được giao một nhiệm vụ cao cấp của đảng chính quyền. Anh Trinh được lên Trung sĩ nhất. Bác Cấn được phong trung sĩ nhất hậu cần. Ông Phán lên làm Phó Tỉnh trưởng hành chánh. Bây giờ những người di cư mới tìm lại ba như ngày xưa họ đã tìm đến. Thân chủ của ba đã không còn bao gồm trong thành phố Huế mà đã được bung ra đến Đà Nẵng, Hội An. Người ta cuối cùng đã tìm đến một vị thầy sau bao năm ngoảnh mặt. Và trong lòng chiếc xe hàng Phi Long, Tiến Lực màu vàng da cam ấy, ba vượt đèo Hải Vân, xuống bến xe, và lại đi bộ, đi hoài đi mãi . Áo lương đen, chiếc mũ dạ, chiếc dù đen. Và cái túi áo mỗi lúc mỗi đầy những trang giấy thánh hiền. Phố lầu cao che mái ra bờ lề, bóng ba lẽ loi giữa chợ người . Ngày mưa cũng như ngày nắng. Ngày lạnh căm căm cũng như ngày lửa oi nồng, một mình đông tay nam bắc, bước tới, đi tới . Để làm gì. Hai trăm đồng học phí một tháng cho lớp Đệ Ngũ của trường Việt Hương. Ba trăm đồng học phí cho lớp Đệ Tứ của trường Bán Công, để con tiếp tục đến trường. Và đêm đêm, ba ngồi viết hàng trăm verbe qui tắc hay bất qui tắc, những demander à hay demander pour, thành ngữ, văn phạm trên cuốn sổ tay bìa đỏ. Ba hãnh diện nhắc lại ngày ba cứu dân làng thoát khỏi lần bố ráp của Tây bởi vì ba là người nói và viết được tiếng Pháp. "Ông quan ba đọc xong thơ của ba, bèn kêu ba tới và bắt tay kêu ba là monsieur". Ba nói về cuốn tự điển Larousse dày cả ngàn trang mà ba thuộc lòng. Người ta thường nói về một người mẹ như một hình ảnh yêu quí nhất, tôn thờ nhất, dịu hiền nhất, nhưng với ba, cho con được ngừng lại một giây, một phút, để cho nước mắt cứ tuôn, để đôi mắt con mờ nhạt, để hiểu rằng con được tự hào có một người cha còn tuyệt vời hơn cả một người mẹ nữa . Có lần con thấy con gà trống dẫn đàn con đi kiếm mồi, con vật sao cô dơn quá. Nó có mồng, cựa, bộ lông sặc sở, uy dũng hiên ngang làm sao, thế mà cứ mỗi lần tìm được mồi, nó lại kêu tục tục, gọi đàn con đến... Cũng như ba . Tục tục hoài . Hết tay này quạt lại đến tay kia quạt trong những đêm mùa hè dưới mái nhà tôn. Chiếc mền đắp lại trên người con, trong đêm giá buốt. Và đôi khi, giữa đêm, con còn nghe tiếng ba nằm mớ. Ú ớ. Một ác mộng cũng nên . Tại sao ba không bao giờ kể cho con nghe về cái ác mộng ấy để con hiểu thế nào là lịch sử, những biến cố của đất nước hay cái thảm kịch của chính ba ? Phải, ba đã dấu con. Ba đã dấu về một người đàn bà mà ba đã cưới về làm vợ, về một người nào mà lẽ ra con còn được gọi cái tiếng mẹ như mọi người . Ba đã dấu, chẳng bao giờ nhắc nhở, hờn giận. Nhưng ba không thể dấu nỗi những tiếng mớ u uẩn trong đêm. Rằng, nỗi buồn câm nín mà ba mang theo trên hai vai gầy guộc của một ông đồ, một người đàn ông, một người cha hẩm hiu đã trở thành tiếng ú ớ buồn thảm .
Cuối cùng, ba vẫn là người để người ta tìm đến, sau khi bệnh tình của họ, và người thân, bác sĩ đã bó tay . Vợ họ hiếm muộn con cái . Con trai họ mộng tinh di tinh trầm trọng. Có người bị mất ngủ kinh niên. Và mỗi lần kê toa thuốc xong, ba không bao giờ quên một câu dặn dò: Nhớ là đừng bao giờ dùng nước đá. Nước đá hàn, uống vào sẽ hại không ít thì nhiều . Ba đã dặn bệnh nhân của ba như vậy là vì lương tâm của vị thầy thuốc hay là vì cái nền văn minh kỹ thuật đang cuốc lốc mọi thứ cổ truyền mà ba tìm cách chối bỏ? Với con, cả hai . Ba vui mừng khi thấy con bệnh mà ba chữa trị đã bình phục, nhưng ba đau khổ không ít khi nhìn cốc nước đá lạnh mà người ta đã mời ba . Ba đã cố giải thích với họ về một nền văn minh chết người, đang tìm cách làm hủy diệt loài người . Tại sao những người xưa sống lâu cả trăm tuổi ? Tại sao người ta mắc bệnh tâm thần ngày càng nhiều ? Thuốc trụ sinh là gì chẳng qua là nấm? Và cả bao nhiêu loại thuốc men khác cũng bắt nguồn từ cây cỏ? Đôi khi gặp một vài người tri kỷ, ba lại nói về cái độc hại và phá sản của một nền văn hóa ngoại lai . Nó làm băng hoại gia đình và xã hội . Ba trách thế hệ trẻ tuổi sa đọa, quên hết cội nguồn, thương mây khóc gió, không còn biết trọng thánh hiền. Nhưng ba không biết, con đang ở trong thế hệ trẻ tuổi mà ba đã kết án. Ba không biết tuổi trẻ của con đang nổi loạn. Tuổi trẻ của con đầy những xâu xé, giành giựt, bị hành hạ bởi ý thức. Qua sách vở con đọc, qua lịch sử mà con đã sống và lớn lên để thừa hưởng, qua xứ Huế mà con đã cô đơn, qua cha mẹ phân ly, qua tình yêu mà con đã vấp phải, qua mấy bức tường thành mà con bị giam hãm. Ý thức đẩy con xa ba, và càng xa, ba càng buồn vì con hơn ai hết. Ba muốn con lập thân, có nghĩa là đậu bằng cấp, có chức vụ để người đời trọng nể. Nhưng con thì lại khác, ngồi trong thư viện, đọc trang sách của Sartre mà lạc loài, mà hư vô, mà nôn mửa . Đời là gì. Chiến tranh ở đâu đó, trên những trang nhật báo mỗi ngày . Con đọc Tội ác và Hình Phạt mà tìm hình bóng con qua người trẻ tuổi . Tại sao ? Đầu óc con muốn nổ bùng. Con lê dép Nhật, để tóc dài, như thách đố cùng Huế, cùng xã hội . Con bỏ lại sách vở, bằng cấp ở phía sau, để coi đời là áng mây trắng. Con đuổi theo áng mây ảo tưởng . Con coi đời là cuộc chơi . Chẳng cần thắc mắc. Khi người ta bắn con, viên đạn phá toạc da thịt con, những mảnh lựu đạn cắm sâu trong thịt con, con vẫn nhìn lên bầu trời, không oán trách, giận hờn hay đổ tộị Rồi ở đâu, trong cõi này, những áng mây sẽ dịu dàng đậu lại, nương nhờ nhau, che chở nhaụ Rồi ở đâu, cũng có ngày người Nam ôm kẻ Bắc, người Bắc ôm kẻ Nam...Nhưng cuối cùng, con đã hiểụ Người thật thà không thể sống chung với ma quỉ .
Thôi thì đành ra đị Ở Việt Nam đâu còn gì nữa để mà nói về con người, về tình tự, về mây trắng. Nhưng khi bỏ đi, thì phải bỏ những gì yêu dấu nhất trong đờị Bao nhiêu năm trong nước con cứ hẹn lần hồi một ngày về phép thăm ba, thăm Huế, để nói với ba rằng con vẫn còn bình an, và để nhìn lên lư nhang đầy ngập tro và trăm ngàn que nhang tàn chen chúc, nhưng cuối cùng chỉ là một lời vỗ về hoang tưởng. Cháu nội của ba vẫn chưa được thấy mặt nộị Giấc mơ nào về quê, để ba nhìn cháu nội đã vỡ vụn tan tành . Và giờ đây, con lại xa ba thêm một nửa vòng trái đất. Lại còn phải thêm một lần nếm mùi bỏ xứ ra đị Lại thêm một lần, bóp còi cho tiếng còi lạc vào chốn mịt mùng. Lại thêm một lần, những bánh xe cứ lăn hoài không biết ngày nào trở về cố hương. Ba thì lại xạ Nói gì về một lời tiên tri cũ để chợt giật mình. Thì ra tóc con cũng đã nhuốm bạc rồị Tin nhà cuối cùng cũng phải đến như qui luật của vũ trụ nhân sinh. Con đang nhắm mắt đây, bởi vì, con biết Đất Trời Tiên Phật đang bao bọc ba, dìu dẫn ba, và chưa chắc, ba đang có mặt tại chốn nàỵ Con nhắm mắt, giòng lệ nóng tuôn trào, không ai biết, mà chẳng cần ai biết. Bởi vì chỉ có ba biết con và con biết ba là đủ. Con biết có một người can đảm nhất trên đời, đạo hạnh nhất trên đời, và cũng buồn bã nhất trên đờị Tháng ba hay tháng chạp, năm này hay năm khác, đêm xứ Mỹ hay ngày xứ Mỹ, qua thị trấn này hay về thị trấn khác, những con đường hun hút mênh mông rồi cũng cuối cùng về lại một điểm. Cái điểm đó, có ba mái tóc bạc phơ, bộ áo lụa trắng, đôi mắt mù lòa, hun hút trong dòng thiên cổ .
Hết