Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> QUI-XTƠ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 300 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

QUI-XTƠ
PENTTI - HAANPÄÄ

Vào những ngày trời mưa dầm dề ảm đạm, khi suy nghĩ khôn ngoan thường tình khuyên anh nên ngồi ở nhà, trong sự che chở của bốn bức tường- tất nhiên là nếu như anh có được cái khả năng đó- sự chật chội của căn phòng như hang chuột có thể làm cho anh cảm thấy nặng nề khó chịu, nhất là khi anh không có việc gì để làm, còn trong lòng lại đầy những phiền muộn, lo âu.
Một con người cô đơn bước ra khỏi căn phòng của mình. Anh định đi ra cảng để ngắm nhìn cái phóng khoáng bao la của mặt biển, ngắm nhìn những con tàu đến đây từ những nơi xa xôi- những con tàu bao giờ cũng có kế hoạch về thời gian và những hướng đi đã định trước. Anh muốn được đón hơi thở của gió và nghe cái ẩm ướt giá lạnh của nước mưa thấm qua vạt áo khoác mỏng manh.
Mưa gõ trống trên các mái nhà bằng sắt tây, đường phố đẫm nước loáng ánh đèn, xe cộ chạy ầm ầm. Và người qua đường, mặc dù ai cũng có mục đích của mình, vẫn giống như những chiếc bóng không biết vội vã đi đâu. Tuy nhiên, phần đông trong bọn họ cũng đều có dự định về thời gian và những chuyến đi...
Và con người cô đơn này cũng có dự định của mình: ra cảng để nhìn mặt biển và những con tàu, để cảm thấy hơi gió và cái lành lạnh của nước mưa. Nhưng tình cờ ánh mắt anh lướt ngang qua cửa sổ của một hiệu bán sách cũ và anh dừng lại. Tấm hình trang trí hoa văn màu đỏ sẫm trên bìa một cuốn sách như kìm chân anh tại chỗ, như vẫy gọi, mời mọc anh. Nó mở ra trước mắt anh cả một con đường mà anh chưa hề biết đến, nó hứa hẹn những cảm xúc mới lạ trong cái chưa hề biết đến mà người ta gọi là văn học, nó báo trước cơn lốc của trí tưởng tượng, của những hình ảnh mới mẻ, để rồi, dù chỉ trong chốc lát, điểm tô cái chuỗi ngày tẻ nhạt, cái cuộc sống trống rỗng và vô nghĩa này.
Con người cô đơn biết rằng cuốn sách bây giờ đối với anh là một vật xa xỉ, nó sẽ rút bớt của anh những ngày được ăn no và những đêm được ngủ dưới mái nhà. Nhưng sự quyến rủ quá lớn, không thể cưỡng được. Và như vậy, có thể coi rằng, cuốn sách bìa đỏ sẫm đã cướp đi của anh những bữa ăn và những chỗ ngủ đêm trong những ngày sắp tới.
Chiếc nhẫn mạ vàng! Chiếc nhẫn mạ vàng nằm trong túi anh là một vật còn xa xỉ, vô nghĩa hơn cuốn sách này nhiều, mặc dù nó gắn liền với những kỷ niệm mà giờ cũng chỉ là một thứ xa xỉ không cần thiết... thôi, thà đánh đổi nó để lấy ít nhiều những cảm xúc mới mẻ, lấy một vài cơn lốc của trí tưởng tượng, còn hơn là một ít thức ăn chỉ đủ kéo dài thêm một vài ngày sống vô vị và nhạt nhẽo.
Và con người cô đơn không đi ra cảng để nhìn mặt biển và những con tàu. Trên một đường phố, anh tìm thấy một cửa hiệu nhỏ bày đầy những thứ đồ cổ làm bằng kim loại và treo một tờ thông báo viết bằng mực xanh, rồi bước vào.
Trong một gian nhà hầm chật chội, anh thấy bốn bức tường treo đầy giá bày đầy những thứ đồ cổ bằng kim loại, vật trang sức, những bộ đồ viết và đồng hồ. Phía sau quầy, một người đàn bà ngồi sừng sững như trái núi, cả người tỏa ra một sự dửng dưng cao độ, đến không có gì có thể so sánh được. Hai cô gái trẻ đang phục vụ hai người khách hàng lúc đó đang đứng ở bên quầy.
Một người đàn ông ăn mặc lôi thôi đi đôi ủng cao ống đang cố sức mặc cả bán tờ văn tự cầm đồ. Ông ta đòi hai chục mác.
- Mười mác- một cô gái nói, giọng đầy vẻ trịch thượng.
- Xin cô hãy cho mười lăm mác!
Cô gái chìa tờ giấy cho người đàn bà ngồi sau quầy. Đưa mắt liếc qua, bà ta buông gọn lỏn một từ gì đó bằng tiếng nước ngoài. Còn cô gái thì lúc đó đã chúi đầu vào kiểm tra một đống tướng hóa đơn nằm trên bàn; phải đến hơn một phút sau mới ngẩng lên, gật đầu chỉ vào tờ văn tự nằm trên quầy và nói với khách hàng:
- Cái này nói chung chúng tôi không cần...
Người đàn ông cầm lấy tờ văn tự của mình và quay người bước ra-có lẽ ông sẽ còn đi đến những nơi khác, tiếp tục sự cố gắng tìm đổi lấy một cái gì đó cần thiết- có thể là một bữa ăn, một đêm ngủ trọ, hoặc cũng có thể là một chén rượu...
Phía đầu đằng kia quầy hàng, môt người đàn bà béo tốt- không hiểu là cộng chủ hay khách hàng- đang nói một điều gì đó bằng tiếng nước ngoài với chủ quầy. Bà ta dắt hai con chó rất to, một con nằm dài trên đi-văng, còn con kia đang ngửi ống quần của người đàn ông cô đơn và người đàn ông cô đơn khó chịu nghĩ thầm: không biết những con chó này phải có những đức tính quý báu gì để bù lại những phí tổn mà người ta dùng để nuôi chúng.
Cuộc đàm phán giữa hai người đàn bà hình như đã kết thúc, vì bà chủ quầy rút từ lưng váy của mình một gói tiền, và, vẫn với cái vẻ dửng dưng không gì có thể lay chuyển được, ném lên mặt quầy mấy tờ giấy bạc.
Trong đầu người đàn ông cô đơn chợt hiện lên hình ảnh một ngôi đền trong kinh thánh, người ta đã dùng roi để đuổi bọn con buôn ra khỏi ngôi đền đó. Giá như giờ được nghe tiếng quất của ngọn roi đó thì khoái biết mấy!
Bây giờ đến lượt anh. Cô gái dùng kính phóng đại xem xét kỹ chiếc nhẫn mạ vàng của anh rồi đặt nó lên cái cân tiểu ly. Sau đó cô ta cầm lấy bút chì vạch mấy con tính, và như nói với một khoảng trống không người, buông ra mấy lời định giá.
Người đàn ông cô đơn nghĩ thầm, rằng ở đây cô ta cũng chẳng cần tốn công để nở một nụ cười lịch sự chuyên nghiệp của người bán hàng muốn lấy lòng khách. Trong những cửa hàng loại này, người ta biết rất rõ, rằng khách đến đây chỉ là những kẻ đã quá túng quẫn cùng đường.
- Như thế thì quá ít đấy- người đàn ông cô đơn nói. Thật ra, anh không biết chiếc nhẫn của mình đáng giá bao nhiêu, nhưng vẫn nói với một giọng tự tin. Anh không muốn bán nó với một giá quá rẻ mạt.
Câu nói của người đàn ông cô đơn không gây ra được một phản ứng nào. Không thể nâng giá lên thêm, dù chỉ lấy một mác, anh đành bán chiếc nhẫn mạ vàng của mình, nhận tiền rồi bước ra phố, trong bụng nghĩ thầm: không biết người đàn bà to béo kia sẽ làm gì với gói tiền mà anh vừa kịp thoáng thấy. Chẳng nhẽ những đồ vật mới cứ kế tiếp chồng lên nhau trên những giá hàng đã chất đầy kia? Để rồi chúng được bán đi với một món tiền lãi lớn- những bản khế ước, và đằng sau chúng là cái cảm giác yên ổn, phong lưu vững chắc như núi đã đạt được nhờ những tập giấy bạc dày này...
Anh trở lại cửa hàng sách cũ và bước vào quầy, nơi những hàng sách như vô tận gợi lên trong trí tưởng tượng một sa mạc chết chóc và những chốn rừng hoang vắng đầy quyến rủ. Mỗi cuốn sách- đã sờn rách ít nhiều- đều có một cuộc đời riêng của mình. Trong thế giới sách, chúng là những kẻ đi tìm phiêu lưu, mạo hiểm.
Người đàn ông cô đơn cuối cùng đã mua được cuốn sách có bìa màu đỏ sẫm, mặc dù phải trả nhiều hơn anh tưởng lúc đầu. Lão chủ hiệu, nói bằng một thứ tiếng Phần Lan trọ trẹ, là một tay lái buôn bẩm sinh và rất biết người. Lão hiểu ngay rằng người đàn ông cô đơn sẽ không ra khỏi cửa hàng nếu chưa có được cuốn sách đó trong tay.
Người đàn ông cô đơn rảo bước về nhà. Anh bước tự tin như một người có địa vị trong xã hội. Anh tưởng như đang cắp dưới nách cả một hồ nước có thể tắm rửa và làm tươi mát cả tâm hồn mình.
Người đàn ông cô đơn đọc cuốn sách, mà ngay khi còn nằm trên giá hàng, nó đã định trước một loạt những hành vi của anh. Anh đọc từ từ, vừa đọc vừa thưởng thức, hút thuốc và suy nghĩ . Cuốn sách như một đài nguyên nơi miền Bắc xa xôi, nó đòi hỏi phải có mồ hôi và nghị lực khi đi ngược lên cao, nhưng từng bước, từng bước tâm đắc nhìn càng được mở rộng, và ngọn gió mát lạnh từ đỉnh thổi về làm nhẹ nhõm, thanh thản khách lãng du.
Cuốn sách được viết bằng tiếng nước ngoài, và trên lề, người đọc trước đây dùng bút chì ghi lại lời dịch từng từ có khi cả một câu dài. Có thể nghiên cứu chúng như những dòng chữ đề khắc lên bức tường của một túp lều đứng cô đơn trơ trọi giữa đài nguyên. Trên trang phụ bìa còn lại dấu vết của ngày tháng, và thậm chí cả tên của người chủ trước: U. T. Qui-xtơ. Tuy cái tên không nói lên được điều gì, nhưng xét theo những dòng chữ đề bên lề sách, người này lúc đó đang học ngoại ngữ, và nét chữ chứng tỏ một tính cách điềm đạm, tuyệt đối tuân theo những nguyên tắc đã được chấp nhận- tóm lại, là một con người rất chuẩn mực. Nhưng tại sao anh ta lại phải chia tay với cuốn sách này? Nó đã thực hiện xong sứ mạng của mình, và như một vật không còn cần thiết, được biến thành tiền theo những nguyên tắc của sự buôn bán? Hay là do chủ nó quá túng thiếu cùng đường?
Từ những trang của cuốn sách, người đàn ông cô đơn như thấy có một người giống hệt mình đang nhìn anh.Khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp, hết tiền, túng thiếu... Vào giai đọan đầu của cuộc khủng hoảng, người kia mua cuốn sách này để không bỏ phí thời gian học thêm, nhưng cuối cùng đành phải từ bỏ nó để kiếm lấy mấy mác thuê nhà trọ và mua một mẩu bánh mì...
Người đàn ông cô đơn không còn nghĩ đến số phận chủ nhân trước đây của cuốn sách bìa đỏ sẫm. Nhưng một lần, ngồi trong quán ăn, anh vô tình cầm lên tay một tờ báo ra từ tháng trước; và giữa những cột báo, một mẩu tin ngắn đập vào mắt anh:
“Ngày hôm nay lúc 10 giờ 45 phút, tại vũng sông cạnh vườn bách thú, cách bến thuyền không xa, người ta tìm thấy xác của một người bị chết đuối. Người bị nạn đã được nhận mặt – đó là nhân viên văn phòng U.T.Qui-xtơ, bị mất tích từ ngày 11 tháng này. Chi tiết của sự việc không rõ. Trong túi người bị nạn tìm thấy giấy tờ chứng nhận thất nghiệp. Người chết chưa có vợ.”
Và thế là cái anh chàng Qui-xtơ không quen biết này, nhờ mẩu tin trên tờ báo nhỏ, lại nổi lên trong ký ức anh - mặc dù giờ đã chết – để thông báo về số phận người chủ của một cuốn sách nước ngoài. Người đàn ông cô đơn như thấy trước mắt mình một bóng ma mờ ảo đang bước vào hiệu sách cũ với cuốn sách cắp nách – cuốn sách mà đối với anh ta là mẩu bánh cuối cùng anh ta ăn, là điếu thuốøc cuối cùng anh hút trước khi dòng nước bẩn của vũng sông kết thúc tất cả. Nhưng, tại sao những sự kiện lặt vặt, không đầu không đuôi này, lại gợi nên bóng ma của người kia trong trí tưởng tượng của anh? Cái gì là chung giữa anh và con người nọ? Phải chăng họ đều là những người bị cuộc khủng hoảng kinh tế hất ra bên vệ đường của cuộc sống? Và anh có thấy trước được con đường mà sắp tới anh sẽ phải bước theo hay không?
Người đàn ông cô đơn bước ra khỏi quán ăn và về nhà ngủ. Nhưng giấc ngủ của anh chập chờn, đầy chiêm bao. Nhân viên văn phòng Qui-xtơ hiện lên từ đáy biển, từ lòng đất sâu để kể lại cho anh những chi tiết cuối cùng của cuộc đời phiêu bạt lang thang. Người đàn ông cô đơn thấy tất cả những cái đó rất thật, những bức tranh kế tiếp nhau hiện lên trước mắt anh với một tốc độ rất nhanh, như thường chỉ có trong mơ.
Tỉnh dậy, người đàn ông cô đơn tiếp tục nhớ lại những gì đã thấy trong mơ. Và bây giờ anh có cảm tưởng như Qui-xtơ là một người quen biết thân thuộc chứ không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng sinh ra từ những dòng báo. Tất cả những gì có liên quan đến con người này, anh đều cảm thấy gần gũi, dường như anh đã quen biết Qui-xtơ hàng mấy chục năm trời, hiểu tất cả về anh ta, đã hàng nghìn lần bắt tay chào nhau ngoài đường phố.



*
* *



Một buổi chiều, anh nhân viên văn phòng còn rất trẻ -Quixtơ­- ngồi trong một khách sạn, đó là vào thời kỳ gọi là kinh tế “thịnh vuợng”.
Tất cả các bàn đều hết chỗ. Nhạc nhảy, tiếng ồn, những con tôm biển đỏ rực và những cốc rượu vang nổi tăm trong suốt. Lúc bấy giờ trong nước đang có một “vụ áp phe vĩ đại” - cấm rượu, nhưng những chai cay vẫn lắc lư ngả nghiêng trên các khay nước, vẫn nằm trên bàn, và vẫn đốt cháy họng những khách hàng.
Bạn bè dẫn Qui-xtơ, một thanh niên có rất nhiều hy vọng, đến đây để nghỉ ngơi, giải trí. Anh thanh niên Qui-xtơ có những dự định nghiêm chỉnh và các kế họach lớn lao. Anh vẫn tiếp tục học, dường như cho mình chưa phải là một nhân viên văn phòng với địa vị khá tươm và đường công danh đầy hứa hẹn. Nếu như không có bạn bè, chắc anh vẫn đứng bên ngoài cuộc sống thượng lưu, cái cuộc sống mà rất nhiều người trong bọn họ coi là duy nhất có giá trị.
Cuộc sống còn chưa được kịp thử thách, đã bẻ gục Qui-xtơ. Đó là một người ăn mặc lịch sự, điềm tỉnh và nghiêm nghị. Tuy thuộc vào thế hệ thanh niên sau chiến tranh, anh không có một thói xấu nào cả, nếu như tất nhiên là không tính cái khả năng uống rất nhiều rượu mà vẫn không say. Anh thuộc vào số người vẫn được gọi là “chỗ dựa của xã hội”, tin vào lối kinh doanh cá thể và tự do cá nhân. Anh cho rằng trong thế giới này, ai không thành công thì chỉ chính vì người ấy là có lỗi. Học thức và lao động kiên trì luôn luôn tìm được chỗ đứng và sự kính trọng trong xã hội, mặc dù nền pháp lý hiện đại chỉ dạy cho con người tính vô nguyên tắc và sự biếng nhác, chây lười.
Nhưng thế đủ rồi. U.T.Qui-xtơ đã đi quá xa trong những suy nghĩ của mình về các vấn đề xã hội. Mỗi người đều có một cái tôi, một thể xác, một tinh thần, mà ngoài chính mình ra, không ai có nhiệm vụ phải chăm sóc đến chúng.
Anh nhân viên văn phòng trẻ tuổi một buổi chiều giải trí trong tiệm ăn vào cái thời kỳ gọi là “kinh tế thịnh vượng” là người như thế đấy.
Cũng vào buổi chiều hôm đó, cũng trong tiệm ăn đó, còn có một người đàn ông vô danh khác. Anh ta đang trải qua những ngày đẹp nhất của đời mình, những ngày trẻ trung, và vô tư. Anh nói cười luôn miệng, thỉnh thoảng lại đứng dậy, cố tìm cách hút ngược điếu thuốc, đầu cháy ngậm trong miệng, đi từ bàn này sang bàn nọ...
Nhưng anh ta vẫn không biết đến U.T.Qui-xtơ. Mỗi người đều vui trong nhóm bạn bè của mình. Họ cũng không thể tưởng tượng ra rằng đường đời của họ có lúc lại được gặp nhau nhờ một vài dòng ngắn ngủi trên tờ báo nhỏ, khi anh thanh niên tràn trề hi vọng Qui-xtơ tìm thấy cái kết cục của mình trong dòng nước bẩn gần bờ biển, còn người đàn ông cô đơn cảm thấy số phận cũng đang đưa mình đi theo hướng đó.
Rồi bắt đầu thời kỳ khủng hoảng kinh tế- cái hiện tượng, mà như những kẻ đối địch của chế độ hiện hành khẳng định, là biểu hiện của những mâu thuẫn trong hệ thống tư bản chủ nghĩa. Chỉ có thể tránh khỏi nó bằng cách thiết lập một chế độ xã hội mới hợp lý hơn. Nhưng những người trung thành và bảo vệ chế độ tư bản lại khẳng định rằng khủng hoảng là một hiện tượng tự nhiên và tất yếu, như mùa hè và mùa đông. Chế độ xã hội tư bản đã đạt đến đỉnh cao phát triển của nó, tốt hơn đã không có và cũng sẽ không có.
Hàng nghìn, hàng vạn công nhân đã bị vất ra đường phố.
Anh nhân viên văn phòng Qui-xtơ nhìn việc đó với con mắt khá bình thản. Hiện tượng chắc chỉ tác động đến những người lao động thuộc tầng lớp thấp hơn, rồi sẽ nhanh chóng đi qua và trở thành một bài học tốt cho những ai đang đấu tranh đòi tăng lương. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, tất cả mọi người đều thấy rằng khó ai có thể thoát khỏi cơn lốc rối ren này một cách yên lành, không bị xây xát. Buôn bán đình trệ vì những người công nhân bị mất lương không còn có thể mua gì được nữa. Chủ hãng quyết định cắt giảm chi phí và biên chế nhân viên. Số người thất nghiệp ngày càng tăng, và họ chỉ còn có thể hi vọng vào những may rủi hiếm hoi trong cuộc sống.
Rồi đến ngay cả Qui-xtơ cũng bị thải. Đối với anh, đây là một việc khá bất ngờ. Anh làm việc ở hãng này ngay từ ngày nó mời thành lập, và vẫn tự cho mình là một trong những nhân viên có nhiều khả năng nhất. Nhưng cuộc đấu tranh sinh tồn và những mối quan hệ thân thuộc đã quyết định sự việc. Các chuyến đi hạ mình cầu khẩn đều không mang lại kết quả, và bỗng vào một ngày nào đó, anh thanh niên Qui-xtơ thấy mình đã là người thất nghiệp, không còn một nghề ngỗng gì.
Nhưng anh cũng chưa thật lo lắng lắm. Anh tin rằng học thức và sự cần cù làm việc sẽ luôn luôn tìm ra chỗ đứng; mặc dù có thể là không được ngay. Hơn nữa, anh có một món tiền tiết kiệm nho nhỏ. Trong lúc đi tìm chỗ làm mới, anh có thể tranh thủ học thêm mở rộng kiến thức của mình, trong lĩnh vực ngoại ngữ chẳng hạn.
Nhưng thời gian cứ trôi, mà công việc vẫn không sao tìm được. Và học cũng không vào vì chưa biết học để làm gì. Rồi đến một ngày U.T.Qui-xtơ nhận ra số tiền tiết kiệm của mình đã hết, và bây giờ tai họa thật sự đã đến với anh. Anh không có những người thân có quyền lực; còn bạn bè, hoặc cố ý hoặc không cố ý, đều lảng tránh anh. Đối với những người lao động trí óc không có công đoàn, không có cả quỹ cứu trợ, thậm chí không có cả những công việc công cộng của nhà nước như đối với những người lao động chân tay để giúp họ sống lần hồi cho đến thời kỳ tình hình được tốt lên. Thế nhưng có lẽ U.T.Qui-xtơ cũng sẽ không tiếp nhận những sự giúp đỡ kiểu đó, vì anh là người luôn luôn chống lại chế độ bảo trợ xã hội, cho rằng như vậy chỉ khuyến khích sự lười biếng, làm hư hỏng nhân cách và suy yếu nền móng xã hội.
Nhưng hoàn cảnh bây giờ đã bắt anh phải nhìn bằng con mắt khác hẳn. Điều này anh có thể công nhận với chính mình, và thậm chí với một vài người bạn thân khác, nhưng tất nhiên là thì thầm, riêng từng người một. Thật ra, cái lòng tự trọng của đàn ông cũng không cho phép được lớn tiếng công nhận những sai lầm trước đây của mình. Bởi vì như vậy là dấu hiệu của sự yếu đuối, thêm vào đó, có cũng có thể làm mất đi những khả năng kiếm việc cuối cùng.
Qui-xtơ chỉ còn lại một cách là đưa dần những vật quý- những đồ chơi mỹ thuật lặt vặt- của mình đến hiệu cầm đồ. Rồi sau đó đến lượt những đồ vật cần thiết khác. Chẳng bao lâu sau, những bộ quần áo của Qui-xtơ cũng tìm được chỗ treo ở quầy trong cửa hiệu cầm đồ; và bây giờ gặp anh ngoài đường phố, trông cách ăn mặc người ta có thể lập tức xếp anh vào loại người “đã từng có một thời hoàng kim”.
Đến lúc này, cái khả năng tìm được việc làm đã trở nên hoàn toàn không còn hiện thực nữa.
Anh thanh niên Qui-xtơ có một người bạn gái. Mới cách đây không lâu, vào những ngày tươi đẹp, cuộc hôn nhân giữa hai người coi như là vấn đề đã giải quyết xong.
Nhưng bây giờ cô bạn gái của anh cũng trở nên thất nghiệp. Mặc dù là nhân viên bán hàng có chuyên môn cao và hình thức xinh xắn dễ coi, có một cái gì đó đã ngăn trở không cho phép cô trong những ngày tháng khó khăn này giữ được chỗ làm việc của mình hoặc đi tìm chỗ mới. Và mặc dù cả hai người đều thất nghiệp và không ai có bà con thân quen có quyền lực để hi vọng, Qui-xtơ vẫn cho rằng hoàn cảnh của họ không thể nào gọi là giống như nhau được, hơn nữa, có thể nói là hoàn toàn đối lập. Đối với một người đàn ông như anh, sự nghèo khổ về phương diện đạo đức, chỉ là một chiếc áo trói. Không có tiền, anh buộc phải kiềm chế sự thỏa mãn những nhu cầu sống của mình trong một giới hạn nghiêm ngặt không thể vượt qua. Còn đối với đàn bà- có thể, đối với cả E-lê-na của anh nữa- sự nghèo khổ, thiếu tiền có thể dẫn đến một sự cám dỗ mãnh liệt. Người đàn bà, ít nhất cũng luôn luôn có cái gọi là “nghề nghiệp cổ điển nhất trên thế giới”, họ có thể buôn bán những cái đáng yêu của đàn bà để tự nuôi sống mình.
Như vậy, sự thất nghiệp của một người đàn bà, trên một phương diện nào đó, gắn liền với vấn đề đạo đức. Nhưng Qui-xtơ tin rằng, vấn đề đó chưa đặt ra với E-lê-na, ít ra là lúc này.
Còn E-lê-na, ngay sau khi mất việc, liền rơi vào tình trạng mà Qui-xtơ phải sau nhiều tháng trời mới vấp phải. Lương của cô ít hơn, cô lại không có cái thiên hướng tích lũy của loài kiến như bạn trai của cô. Vì vậy, cô buộc phải làm quen ngay với một loại hiệu cầm đồ đặc biệt thông qua mấy người bạn gái của mình. Những người bạn gái này cũng là nạn nhân của cuộc khủng hoảng đã vứt họ ra ngoài đường phố. Sau một thời gian kháng cự ít nhiều ngoan cường, cuối cùng họ đã phải đầu hàng và tự nuôi mình bằng cái nghề hiện nay vẫn còn mang lại thu nhập, mặc dù có một sự cạnh tranh khá ác liệt. Và E-lê-na chẳng bao lâu sau đã ở bên bờ vực nguy hiểm. Cô nghĩ, có nhục nhã hơn không, nếu nhận như một của bố thí cái mà người khác nhận đúng với công lao của mình? Có tốt hơn không, nếu như tự mình làm việc chứ không để cho người khác làm việc, còn mình, bằng cách như vậy, giữ sự “trong sạch” tưởng tượng?
Một buổi tối, cùng với các bạn gái của mình đến một tiệm ăn vốn là một trong những thị trường tốt nhất để tiêu thụ loại hàng này, sau khi uống mấy chén rượu E-lê-na ký kết bản giao kèo mua bán đầu tiên khá có lợi cho mình. Nhưng cô không kể lại điều này cho người bạn trai biết, một phần có lẽ bởi Qui-xtơ trong những ngày gần đây, vì không có việc làm, vì sống quá khổ cực và vì thất vọng, nên ở trong một trạng thái tinh thần rất có thể gây ra phản ứng không thể nào lường trước được.
Vì vậy Qui-xtơ không hề biết về việc làm, của người bạn gái. Đúng ra, anh cũng có đoán ra ít nhiều, nhưng sợ những giả thiết của mình lại là sự thật nên không dám hỏi gì.
Đã đến lúc Qui-xtơ buộc phải rời khỏi căn nhà mà anh vẫn cố giữ cho đến phút cuối cùng. Bây giờ anh mới hiểu như vậy là dại dột. Vì rằng mùa hè, về mùa hè ấm áp, có thể sống tạm ở ngoài trời. Còn bây giờ, mùa thu đang đến gần, mà tiền thì đã hết.
Anh vắt óc tìm kiếm xem còn cái gì có thể biến thành tiền, và sau đó- thành thức ăn, hơi ấm, thành cuộc sống. Và anh tìm thấy mấy cuốn sách, trong đó có những cuốn mua khi vừa mới thất nghiệp để hoàn thiện học thức của mình. Cái thời gian đó bây giờ đối với anh mới xa xăm làm sao? Cái trạng thái tinh thần của anh lúc đó mới trong sáng, ngây thơ và vô nghĩa làm sao?
Bây giờ cần phải chia tay với những cuốn sách này, dù chỉ vì anh không còn nhà nữa nên không biết chứa chúng vào đâu. Anh dùng tẩy xóa tên mình ở đầu sách và đưa đi bán cho hiệu sách cũ với một giá khá rẻ.
Tối đến, anh lang thang ngoài phố cho đến tận khuya. Anh không còn nơi nào để về nữa. Trời đã quá nửa đêm, từng dòng người từ trong các nhà tiêu khiển đủ loại đổ ra phố. Đây là những con người không có gì để phải lo lắng, một vài người vừa đi vừa hát, chân bước lảo đảo. Họ còn có tiền, còn có việc làm, và họ còn sống. Họ còn là người. Trong lúc đó, anh thanh niên vô danh Qui-xtơ chỉ còn tồn tại trong lý thuyết... Đã có thể nghiên cứu con đường công danh của một nhân viên văn phòng như nghiên cứu một lớp hóa thạch nằm sâu trong các lớp, vỉa thất nghiệp.
Cạnh một tiệm ăn, một cảnh tượng anh thấy đã đóng đinh anh xuống vỉa hè. Người đàn bà đi từ trong tiệm ra với một gã đàn ông nào đó không phải ai xa lạ, mà chính là E-lê-na. Thân hình cân đối của cô như ngã vào một chiếc xe hơi, người đàn ông bước lên theo, nổ máy, và đôi đèn chiếu hậu nhấp nháy như trêu nhạo Qui-xtơ.
Anh đứng tại chỗ rất lâu. Anh bỗng cảm thấy một sự cô đơn trống trải đến nghẹt thở. Anh không còn việc làm, không còn nhà cửa, và thật sự không còn tiền nếu như không tính mấy tờ giấy bạc cuối cùng, - và anh cũng không còn cả E-lê-na nữa. Như thế nghĩa là người đàn bà này đã giải quyết xong vấn đề sống còn của mình. Nhưng Qui-xtơ thì còn chưa giải quyết được, và cũng sẽ không giải quyết được. Không bao giờ anh còn kiếm được tiền nữa. Mà tiền là một phần không thể thiếu được của sự sống. Và khi tiền không còn, tất cả cũng đến lúc hết...
Anh bước lên bậc thềm tiệm ăn, và như một cái máy, ngồi vào chiếc bàn còn trống. Sau khi tính số tiền còn lại, anh gọi một suất rượu. Bây giờ thì có thể tiêu đến mác cuối cùng. Dù sao thì chúng cũng đủ dùng không lâu nữa...
Anh ngồi uống, không chú ý đến những người ngồi xung quanh, đến nhạc nhảy, đến tiếng người thấm hơi men ồn ào huyên náo. Anh ngồi với vẻ mặt hờ hững và hút thuốc, hết điếu này đến điếu khác. Khi tiệm ăn bắt đầu vắng người, anh trả tiền rồi lảo đảo bước ra đường phố.
Tiền không còn, cũng không còn gì để cầm đỡ nữa. Hết, hết cả. Anh đi theo những đường phố đã trở nên vắng vẻ, không còn trông thấy gì xung quanh mình. Một con người được sinh ra bởi những quy tắc và chuẩn mực của một lối sống xác định, một con người lạc lối lang thang trong rừng rậm. Anh không có khả năng sống mà không cần nghĩ mình sẽ ăn đâu, ngủ ở đâu. Anh không có lòng can đảm vô địch và sức sống mãnh liệt của những kẻ sống lang thang cầu bơ cầu bất.
Anh bước đi, lảo đảo, lúc đầu còn đi theo những đường phố sáng sủa, sau qua những phố tối tăm hơn. Rồi anh đi vào bóng tối mềm mại của một đêm đầu thu, để mấy ngày sau trên trang báo nhỏ xuất hiện một mẩu tin ngắn mà người đàn ông cô đơn tình cờ trông thấy một tháng sau...
*
* *
Hoàn cảnh cuộc đời mình và cuốn sách mua ở hiệu sách cũ cùng với mẫu tin ngắn này đã gợi lên trong lòng người đàn ông cô đơn những chi tiết trong cuộc đời của anh nhân viên văn phòng Qui-xtơ.
Bây giờ đang là tuần lễ chúa Giáng Sinh. Trên những khu phố buôn bán của trung tâm thành phố treo đầy những tràng hoa, một ngôi sao sáng rực trên đỉnh tháp của một hiệu ăn nào đó, những ngọn đèn quảng cáo nhấp nháy liên hồi, các tủ trưng bày đầy hàng hóa bài trí rất đẹp. Trong các cửa hàng và ngoài đường phố đầy những kẻ bán người mua. Những đồng tiền đang thay đổi chủ. Lễ hội chợ nhân dịp ngày sinh con trai của một chủ xưởng mộc đã đạt đến đỉnh cao của mình.
Nhìn những cảnh quang sặc sỡ này, một kẻ hời hợt khó mà nhận thấy được những dấu hiệu của cái gọi là “cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu”. Một đứa bé ăn mặc rách rưới đang kéo nhị và bên cạnh nó là một người tàn tật, một bà lão khô héo đang rao mời khách mua dây buộc giày bằng một giọng cầu khẩn ngượng nghịu, tất cả những chi tiết này hòa chìm vào trong khung cảnh chung và không gây nên sự chú ý của kẻ qua đường.
Người đàn ông cô đơn bước nhanh trên đường phố với cuốn sách bìa đỏ sẫm trong tay. Anh bước vào của hàng, nơi hai tháng trước đây anh đã mua cuốn sách này.
- Thương nghiệp và hàng hải muôn năm! – anh kêu to. – tác phẩm này đáng giá bao nhiêu?
Giá hoàn toàn không tương xứng với những dòng nhựa sống mà người đàn ông cô đơn đã uống được từ cuốn sách này. Nhưng, tuy vậy, anh vẫn phải bán nó đi để kiếm lấy vài mẩu bánh và một điếu thuốc lá.
Người dịch: Đoàn Tử Huyến



HẾT


 


 Truyện này cho dịch giả Trần Lê Thanh Hà đánh máy , gửi tặng cho VNTQ ).xin thành thật cảm ơn cô Trần Lê Thanh Hà.


 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 671

Return to top