Đêm trăng Tả Giàng
đặng văn sinh
Chuyện này tôi được ông già mù bản Nà Cườm kể cho nghe từ hồi còn ở lâm trường khai thác gỗ Trùng Khánh cách đây gần bốn mươi năm. Tuy hỏng mắt nhưng ông giã gạo rất giỏi. Khi giã, ông đổ thóc trên lưng cối, hai tay nắm chắc hai chày gỗ nhãn, rồi cứ đều đặn từng nhát một, cái nọ lên, cái kia xuống, cho đến lúc hạt gạo trắng phau mà không bắn ra ngoài hạt nào. Lúc còn trai trẻ, ông là thợ săn có hạng vùng Nà Gâm. Một lần ham đuổi con lợn độc đã trúng thương, do mất cảnh giác, ông bị nó hất xuống vực đập đầu vào đá vỡ xương chỏm, ít lâu sau thì không nhìn thấy gì nữa. Đêm ấy, ngồi quanh bếp lửa nhà sàn, uống rượu men lá nhắm với thịt nai khô chấm muối ớt chúng tôi nghe ông kể...
Ngày ấy, cách đây đã lâu lắm, không biết là mấy trăm năm, ở Tả Khai có phường săn do trưởng bản Hoàng Tịch cầm đầu. Hoàng Tịch có họ với quan tri châu, giàu nhất vùng, nhiều vợ, nhiều ngựa và đặc biệt say mê săn bắn. Một hôm, Hoàng Tịch dẫn phường săn vào Khe Đá vây ráp để tìm con báo vằn. Nghe dân bản đi làm nương về nói, từ nửa tháng nay, thỉnh thoảng thấy vết chân lạ dọc triền suối Hán. Bản Nậm Phóng mất ba con dê, còn đàn trâu nhà Nông ích Định ở rừng Khoen bị nó vả chết con đầu đàn và một nghé tám tháng tuổi. Đến tối ngày thứ ba thì phường săn tìm được hang báo. Đó là một con báo cái, lông vằn hoa, dáng cao lớn, giữa trán có đốm trắng giống như ngôi sao sáu cánh. Ngoài báo mẹ, trong hang còn một đôi báo con đang vờn nhau, thấy động, chúng chui mãi vào ngách trong cùng. Hoàng Tịch sai đám thợ săn vần đá, bịt hết các cửa, chỉ để cửa chính diện, sau đó dùng xà beng đào. Chừng nửa giờ thì cái ngách lũ báo con trốn được khai thông. Trưởng bản vừa lom khom bò vào thì bất ngờ bị bàn chân móng sắc như dao cạo cào cho một vệt rách cổ, máu chảy nhoe nhoét. Điên tiết ông ta phóng ngọn giáo đâm chết cả hai con trước khi chúng kịp chạy sang chỗ mẹ. Bị dồn đến đường cùng, con báo vằn chống cự quyết liệt. Nó tát một thợ săn vào thái dương, làm toạc vai Hoàng Khún, con cả Hoàng Tịch, rồi liều chết lấy đà phóng bừa vào giữa đám đông tua tủa giáo mác bằng một cú nhảy tuyệt đẹp. Dưới ánh lửa bập bùng của những ngọn đuốc làm từ nứa khô đập dập, mõm con báo cái tha lủng lẳng một vật gì rất lạ. Trưởng bản thích bộ da quý hạ lệnh cho phường săn không được làm nó bị thương, mà phải bắt sống, nhờ thế con thú thoát hiểm. Chỉ có điều, trong lúc phi thân tháo chạy, cái vật ở mõm nó bị một trai bản khua cán giáo chặn đường làm văng ra. Bấy giờ cánh thợ săn mang đuốc xúm lại mới sững người. Vật đó là một đứa trẻ trần truồng, gần như vừa mới lọt lòng mẹ bị bỏ rơi, đang gào thảm thiết bằng thứ giọng khàn khàn như tiếng mèo hóa dại. Phường săn bàn nhau mang đứa trẻ về nuôi nhưng trưởng bản không nghe ông ta bảo đó là cái ma rừng làm ra để báo hại dân bản. Không ai dám trái lệnh Hoàng Tịch, vì ông ta là thủ lĩnh của mười tám bản vùng Tả Giàng, rất tàn ác sẵn sàng giết người, nếu cần. Tuy vậy một thợ săn nhìn cảnh đó không đành lòng liền cởi chiếc áo đang mặc quấn cho thằng bé rồi mang đặt vào trong hang. Trước khi cả bọn về Tả Khai, trưởng bản cắt ba người ở lại canh chừng. Ông ta dặn: "Nếu con báo quay lại chúng mày cứ bắn, không tiếc bộ da nữa".
Nửa đêm về sáng, đứa trẻ khát sữa khóc thảm thiết nghe rất là thương tâm. Bế Văn Lịch chợt nghĩ đến bà chị ở bản Púa cách Tả Khai nửa ngày đường, mới đẻ thằng con trai chưa đầy tháng, liền bàn:
- Đứa trẻ này chắc bị mẹ bỏ rơi trong rừng rồi được con báo vằn tha về hang cho bú chứ chẳng phải ma quỷ gì đâu. Giờ không có cái ăn chắc nó chết mất. Hay là... hai anh cứ chờ ở đây, tôi mang nó vượt qua đỉnh Pú Nhì đi tắt sang bản Púa cho bà chị nuôi.
- Thế chị mày có sữa không?
- Nó cũng mới đẻ một thằng bé...
- Vậy thì được. - Hoàng Phủng, người chăn ngựa của trưởng bản, gọi Hoàng Tịch bằng chú họ nhưng xem ông ta như kẻ thù, gật đầu tán thành. - Coi như chúng ta làm một việc thiện để phúc cho con cháu về sau.
Bế Văn Lịch lập tức vào hang mang đứa bé ra, nhưng trước khi đi còn băn khoăn:
- Sáng mai không thấy thằng bé, trưởng bản hỏi thì biết nói thế nào?
Hoàng Phủng liếc nhìn Nông Văn Cuổi một thoáng rồi bảo:
- Cứ bế nó chạy đi. Lão Hoàng Tịch thường ngày rất sợ ma rừng... Mọi việc cứ để chúng tao lo.
Bế Văn Lịch vừa đi vừa chạy, mệt đứt hơi, gần sáng thì đến được bản Púa.
Chàng thợ săn chỉ nói nhặt được đứa trẻ bị bỏ rơi trong lúc lên nương, tuyệt nhiên không dám hé răng nó đã từng được con báo vằn hoa cho bú. Người chị của Bế Văn Lịch là Bế Thị Nền nhìn thấy thằng bé, thương lắm liền ẵm lấy cho bú ngay. Nó được bố mẹ nuôi đặt tên là Bế Hài Phạ. Chưa đầy tuần trăng Phạ đã lớn phổng lên. Người bản Púa có tục kiêng không đến thăm nhau khi trong nhà có đàn bà mới đẻ, vì thế, ai cũng nghĩ rằng Bế Thị Nền được trời thương cho hai thằng con trai.
Năm Bế Hài Phạ lên bảy, một thầy mo tên là Tào Phìn lên núi Bàn Cờ tìm cỏ linh chi, qua bản Púa nhìn thấy thằng bé liền vào nhà bảo vợ chồng Bế Thị Nền:
- Thằng bé này có tướng lạ, ta muốn dạy cho nó nghề thuốc.
Bà chủ nhà lắc đầu bảo:
- Học nghề thuốc thì con tôi phải đi xa, không được đâu.
- Nhà ta ở Khuổi Bạc có môn thuốc bí truyền. Mấy chục năm nay ta đi khắp nơi chưa tìm được người vừa ý cho làm đệ tử. Nhà này có hai thằng con trai, ta chỉ xin một, chừng dăm bảy năm thành nghiệp lại đưa về, không mất đâu mà lo.
Bà Nền liếc nhìn hai đứa, ngập ngừng một lúc rồi hỏi:
- Cho thằng anh đi được không?
- Thằng anh để ở nhà làm nương nuôi bố mẹ, ta chọn thằng em.
- Nhà thầy lấy gì làm tin?
Ta có lá bùa thiêng truyền từ đời ông nội, xin tạm gửi lại...
Sáng hôm sau, Bế Hài Phạ vai khoác tay nải chàm, lưng đeo dao quắm theo thầy vượt ngọn Bàn Cờ sang Khuổi Bạc.
Thực ra Tào Phìn là một đạo sư người Đại Lý bên Tàu nhưng tổ tiên đã lưu lạc sang xứ Cao Bằng từ mấy đời trước. Ông ta thừa hưởng được ở người cha dòng máu giang hồ, không vợ con, không ở nơi nào cố định, mới hơn bốn chục tuổi mà đã chu du khắp đất Bắc Kỳ. Hành tung của Tào Phìn có vẻ bí hiểm như một kiếm khách. Vào tuổi ngũ tuần, dường như những năm tháng lang thang vô định ở quê người đã làm ông ta mỏi gối chồn chân. Một ngày kia, vị đạo sư dừng bước tại đất Khau Léng, chọn dãy núi Tà Lênh dựng thảo am làm chỗ trú chân. Dãy Tà Lênh cao sừng sững, chắn ngang giữa vùng biên ải như một con rồng cuộn khúc, đầu gối lên ngọn Thiên Phong quanh năm mây mù che phủ.
Từ lâu, vùng Đại Lý lưu truyền một sấm ngữ, cỏ linh chi có thể chữa được một số chứng nan y và làm cho người ta trẻ mãi không già. Có điều mấy chục năm chu du phương nam, tiêu phí gần hết một kiếp người, Tào Phìn chưa bao giờ nhìn thấy thứ biệt dược được các danh y nói đến. Của hiếm khó tìm là lẽ đương nhiên. Danh y Biển Thước đã chẳng lấy chữ nhẫn làm phương châm hành đạo đó sao. Nhưng mà ông đã ở cái tuổi bên kia dốc cuộc đời, dù sao cũng phải truyền nghề cho thằng bé để sau này ông mệnh mật, nó sẽ tiếp tục sự nghiệp dở dang của mình. Bằng cái nhìn của một đạo sư, Tào Phìn biết Bế Hài Phạ không phải là đứa trẻ bình thường, nhất là khi phát hiện ra ở gáy thằng bé hằn rõ những vết lõm đã thành sẹo như dấu răng thú dữ đã từng ngậm vào tha từ chỗ nọ đến chỗ kia. Sự nghi hoặc làm Tào Phìn không yên lòng. Vào một năm, khi Hài Phạ được hơn chục tuổi, ông lấy cớ đi hái thuốc, quay lại bản Púa. Tào Phìn lấy trong bọc ra một đôi vòng bạc rồi bảo vợ chồng Bế Thị Nền:
- Hôm trước, ta được thần rừng báo mộng, thằng Phạ không phải là con đẻ, nhưng nhà chị đã nuôi nó thế là có công lớn lắm. Đây là số bạc ta mang đổi lấy cái bùa.
Bà mẹ nghe vậy sợ lắm đành phải nói thật. Tào Phìn lại hỏi:
- Người mang thằng bé đến cho vợ chồng nhà chị là ai?
- Nó là em tôi ở bản Tả Khai nhưng đã bị trưởng bản bắt đi lính cho quan châu Hòa An.
Ngay hôm ấy, vị đạo sư lại vượt núi tìm về đèo Tả Giàng.
Năm mười ba tuổi, Tào Phìn bắt đầu dạy Bế Hài Phạ kiếm thuật. Thằng bé học môn gì cũng ham, nhất là cung tên và cách nhận diện cây thuốc. Mười lăm tuổi Phạ cao lớn như một tráng sĩ, tiếng nói sang sảng, bước đi như gấu làm rung chuyển đất dưới chân. Mỗi khi gánh củi ở rừng về. Phạ lại xuống suối Nậm Khoang tắm. Cậu lặn ngụp vùng vẫy dưới làn nước trong vắt thật thỏa thích rồi trèo lên chạc ba cây dẻ, ngồi vắt vẻo thổi sáo. Một lần đang bơi dưới suối Bế Hài Phạ nhác thấy trên sườn núi thấp thoáng mảng da loang lổ như chiếc chăn hoa chuyển động rất nhẹ nhàng giữa những bụi tầm ma. Một con báo vằn. Phạ thầm nghĩ và chợt thấy gai người. Con báo nhô đầu khỏi đám lá nghếch cặp mắt tròn xanh như mầu da trời nhìn Phạ rất lâu, một lúc sau lặng lẽ bỏ đi.
Đã chớm vào thu. Vòm tròi sâu thẳm và se lạnh. Những ngọn heo may xào xạc lướt trên tán rừng già. Vài chiếc lá mộc hương mỏng manh đỏ thẫm bút khỏi đầu cành bay chập chờn như những cánh bướm rồi rơi từ từ xuống suối Nậm Khoang. Dịp ấy thầy trò Tào Phìn đi săn gà rừng. Cùng với họ còn có hai chú bé người Nùng vốn là tiểu đồng mới được thu nhận. Gần trưa, khi Bế Hài Phạ đã bán được mấy con công đất, vừa định xuống đường mòn quay về chợt con báo vằn lại xuất hiện. Nó nằm phục dưới lùm cây dẻ gai gần tổ mối lớn ngay bên bờ con suối cạn. Thoáng thấy con thú rình nhất cử nhất động của mình, Phạ lạnh toát sống lưng. Theo thói quen, chàng trai mới lớn lắp mũi tên độc vào cung và từ từ kéo dây. Đây là con thú dữ đã lẻn lút theo cậu nhiều lần.
Lúc này thời cơ nghìn năm có một, nếu không hạ nó, chắc chắn sau này nó sẽ hại mình. Cánh cung vừa đủ độ căng, con báo vẫn y nguyên một tư thế, Phạ định buông dây, bỗng nhiên một giọng thì thầm như dứt khoát từ phía sau vang lên: "Không được bắn!". Cậu giật mình quay lại. Đó là đạo sư Tào Phìn. Phạ đưa mắt có ý hỏi: "Sao thầy không cho con giết loài ác thú?". Tào Phìn cầm mũi tên độc từ tay học trò khẽ bảo: "Nó cũng là một sinh linh do đấng Tối Cao tạo ra, nếu không thật cần thiết chớ nên hạ sát. Mấy ngày qua, theo dõi con báo này ta thấy lạ lắm...". Lại mấy năm nữa trôi qua. Một hôm Tào Phìn gọi Bế Hài Phạ lên thư phòng rồi bảo: - Thời hạn giao kèo đã quá lâu rồi, võ nghệ cũng tạm tinh thông, ngày mai con phải về ngay, ta sợ ở bản Púa có chuyện chẳng lành...
- Thưa thầy, còn cỏ linh chi?
Ông già lắc đầu hạ giọng:
- Gần đây ta mới nhận ra, chuyện cỏ linh chi cải tử hoàn sinh có lẽ chỉ là huyền hoặc. Giờ hiểu được phía sau của những sấm ngữ ấy thì đã già, lực bất tòng tâm. Thôi, đi đi!
Nghe vậy, Hài Phạ ứa nước mắt, giọng nghẹn lại:
- Thầy ở một mình con không yên tâm, hay là... thầy về Nguyên Bình với con.
Tào Phìn lắc đầu bảo:
- Con đi rồi có lẽ ta cũng tìm về Đại Lý. ở đấy tuy không có cỏ linh chi nhưng là quê hương. Ta muốn nhìn thấy nơi cha ông đã sinh ra mình trước khi nhắm mắt.
Đúng giờ Ngọ, Bế Hài Phạ lạy thầy rồi khoác hành lý lên vai. Trước khi người học trò cất bước, vị đạo sư lại bảo:
- Còn một việc nữa, nghe thầy dặn đây. Mệnh vận con lớn nhưng nhân trung xem ra mờ tối, nên tránh so tài với kẻ tiểu nhân. Vạn nhất phải đọ sức, con chớ nên nhường đối thủ chỉ một đường kiếm.
Tính ra từ lúc rời bản Púa đến khi Hài Phạ quay trở về chẵn mười một năm. Vợ chồng bà Nền và người con trai là Bế Tòng đã chết trong một trận dịch tả cuối tháng trước. Chàng trai đành sửa lại ngôi nhà cũ của cha mẹ rồi tạm thời làm nghề đốn củi kiếm sống.
Một tháng vài lần, chàng lại về rừng Tả Khai chặt củi mang ra chợ Lũng Phàn. Từ bản Púa về Tả Khai đi nhanh cũng mất nửa ngày đường, lại phải bán củi nên không thể sớm tối đi về. Nghĩ mấy ngày, cuối cùng Hài Phạ quyết định phát một miếng rẫy nhỏ và dựng tạm chiếc lều ở luôn trong rừng cho tiện.
Ban ngày Phạ làm nương, săn bắn, thỉnh thoảng lấy cây sáo trúc ra thổi. Đêm đêm tiếng sáo của chàng dìu dặt cất lên vọng khắp núi, nghe buồn lắm. Hôm ấy, vào lúc xế chiều, có một đoàn người ngựa từ dưới chân dốc ngược lên. Bế Hài Phạ nhìn thấy trưởng bản Hoàng Tịch dẫn đầu toán trai bản chừng bốn năm người. Đi sau cùng là một cô gái đầu đội mũ thổ cẩm tròn thêu hoa văn quả trám, lưng mang cung tên, cưỡi con ngựa bạch nhỏ. Hài Phạ vừa định xuống suối lấy nước, chợt phát hiện ra con báo vằn đang nằm ép mình xuống đám cỏ gianh, cặp mắt xanh, sắc lẹm luôn dõi theo từng bước của đám thợ săn. "Lại là nó!" - Chàng nghĩ thế và vào lều xách cây mác búp đa lặng lẽ lên rẫy. Có vẻ như con báo đã để ý đến Hài Phạ. Bằng chứng là nó khẽ ngoe nguẩy cái đuôi dài rồi luồn qua bụi cỏ gianh mà không hề gây ra tiếng động. Đúng vào lúc Hài Phạ vượt qua được tổ mối mọc lởm chởm toàn cỏ răng mèo thì phía trước có tiếng kêu thất thanh. Trưởng bản Hoàng Tịch bị con báo bất ngờ chồm ngang vồ vào đầu gối bóc đi một mảng thịt làm ông ta ngã ngựa, gẫy toàn bộ xương sườn bên phải. Con ngựa bạch phía sau sợ quá, chồm lên bốc nước đại hất cô gái xuống sườn dốc, nằm bất tỉnh. Con thú dữ, sau cú táp trưởng bản, liền bỏ nạn nhân đuổi theo cô gái. Chỉ với ba bước nhảy nó đã ở sườn dốc. Tính mạng người con gái lúc này như ngàn cân treo sợi tóc. Chỉ cần một cái tát nhẹ của con mãnh thú là số phận người đẹp được định đoạt. Trong khoảnh khắc, Bế Hài Phạ, tay phải nắm chắc ngọn mác, hai chân xuống tấn, mắt nhìn xoáy vào con báo. Hai bên canh chừng nhau đến mấy giây, bỗng nhiên con vật ngoe nguẩy đuôi, lùi dần rồi quay đầu lững thững vào rừng. Chàng trai bế cô gái xinh đẹp vào lều. Cũng may, cô ta không bị thương, chỉ xây xát qua loa. Và cũng đến lúc ấy Bế Hài Phạ mới biết, cô là Nàng Quện, con gái của trưởng bản.
Mùa xuân năm sau, Bế Hài Phạ về Tả Khai chơi tết. Hội xuân năm ấy vui lắm. Con trai con gái từ khắp các bản đổ về chen vai thích cánh nhau dưới chợ Lũng Phàn, chân đèo Tả Giàng. Mười tám bản của tổng Nam Lĩnh sắp tổ chức đấu võ, bắn cung nỏ và ném lao. Đây là tục lệ truyền thống của cả vùng từ nhiều đời. Sau hội thi, dân bản chọn được người tài còn các cô gái sẽ kiếm được tấm chồng xứng đáng. Trưởng bản Hoàng Tịch bị báo vồ gẫy chân, vết thương đã khỏi nhưng bị thọt, phải chống nạng cũng ra dự hội.
Từ ngày được Bế Hài Phạ cứu, Nàng Quện đâm ra phải lòng chàng tiều phu. Thỉnh thoảng nàng lại hẹn Phạ ra đèo Tả Giàng thổi sáo cho nghe. Tiếng sáo của Hài Phạ lúc này không còn sầu thảm như xưa mà nó véo von như khúc xuân tình của lũ sơn ca. Ngày tháng qua đi, mùa xuân này, hai người quyến luyến nhau đến mức không thể rời nhau ra được. Có bận Nàng Quện còn đánh liều vào rừng tìm người yêu. Trước tết, Bế Hài Phạ còn cả gan dám về Tả Khai đến nhà trưởng bản xin cưới con gái ông làm vợ. Thấy chàng không cha mẹ, không rõ nguồn gốc lại chẳng có người mai mối, trưởng bản ghét lắm, bảo:
- Thế con Quện có ưng mày không?
- Dạ thưa... có.
Trưởng bản hắng giọng:
- Từ giờ đến tết không tính. Ngày mười lăm tháng giêng, mày ra bãi cỏ dưới chân đèo Tả Giàng thi bắn tên và đánh kiếm với lũ trai bản, đứa nào giành giải nhất, tao gả con gái cho, dám không?
Hài Phạ xem ra không vui nhưng vẫn gật đầu:
- Thế cũng được...
ở trong buồng nghe cha nói lạnh tanh như vậy, Nàng Quện sợ lắm. Biết là chuyện tình duyên trắc trở, tối ấy nàng cưỡi ngựa ra chân đèo tìm Phạ, trách:
- Từ trước đến giờ anh chỉ giỏi chặt củi với thổi sáo chứ biết gì nghề kiếm cung. Anh nhận lời là mất em đấy. Em bàn thế này. Ta sẽ trốn đến nơi nào thật xa, phát rẫy làm nương, dựng nhà ở tạm, khi nào cha nguôi giận, chúng ta sẽ về quỳ xuống xin tha tội.
- Không được! - Chàng Phạ lắc đầu bảo. - Người quân tử không nói hai lời. Hơn nữa, đây là cuộc tỉ thí để giành được tình yêu của người con gái xinh đẹp nên các trai bản đều bình đẳng.
- Đành rằng thế nhưng là với những người đã được tập luyện chút võ nghệ kia. Hãy nghe em. Đêm nay chúng mình về bản Púa rồi trốn sang Trùng Khánh.
Phạ vẫn một mực lắc đầu:
- Anh đã nói rồi, nếu có đi cũng phải sau mười bảy tháng giêng.
Biết chuyện Hài Phạ đến xin làm con rể, Hoàng Khún, anh trai Nàng Quện, tức lắm bảo Hoàng Tịch :
- Đáng lẽ phải tống cái thằng không cha không mẹ ấy ra khỏi nhà thì cha lại chấp nhận cho nó dự hội võ, con thật chẳng hiểu...
Trưởng bản nghiêm giọng:
- Nó đã có ơn cứu con Quện nhà mình, ta không nỡ từ chối, vì vậy mới ra điều kiện để dân bản khỏi chê ta hẹp bụng. Cha dám chắc nó chẳng biết võ vẽ gì đâu. Chỉ cần tỉ thí với một thợ săn hạng bét, thằng Phạ cũng bị loại khỏi cuộc chơi ngay ngày đầu tiên. Như thế có phải là một mũi tên trúng hai đích không?
Nghe Hoàng Tịch tính toán, Hoàng Khún cũng thấy phải nhưng trong bụng vẫn còn hậm hực. Anh ta lẩm bẩm:
- Không may mà đấu với con, thằng Phạ sẽ nhận được mũi kiếm vào tim...
Hội thi bắt đầu. Bốn mươi tám chàng trai từ khắp nơi trong vùng lần lượt giao đấu theo thể thức vòng tròn. Trưởng bản Hoàng Tịch ngồi ghế chủ khảo. Hết ngày rằm tháng giêng, các vị bô lão trong Hội đồng trọng tài chọn ra được mười sáu đấu sĩ cho ngày hôm sau. Đến trưa ngày mười sáu, số lượng anh tài còn chín, và buổi chiều khi hồi chiêng báo hết giờ vang lên thì những chàng trai trụ lại được cho ngày hôm sau chỉ còn bốn. Ngồi trên đỉnh đèo, lòng Nàng Quện nóng như lửa đốt vì Bế Hài Phạ vẫn chưa vào cuộc. Nàng mong chàng đổi ý để tránh một trận thất bại thảm hại, thậm chí còn nguy đến tính mạng hoặc trở thành phế nhân suốt những năm tháng còn lại.
Cuối giờ Thìn ngày mười bảy, những trai bản võ nghệ cao cường của mười tám bản vùng Nam Lĩnh còn lại lần lượt bị một tráng sĩ mặc áo chàm tua đỏ cưỡi con ngựa ô cao lớn đánh bại. Người đó là Hoàng Khún, con trai trưởng bản Hoàng Tịch, nổi tiếng nhiều năm giật giải quán quân hội võ Tả Giàng. Giữa lúc nhà vô địch lỏng tay cương cho ngựa phi nước kiệu lên lễ đài thì một dũng sĩ cưỡi ngựa hồng bờm trắng phóng ra chặn đường quát to:
- Khoan đã! Hội võ chưa kết thúc...
Hoàng Khún đánh mắt nhìn thấy Bế Hài Phạ liền cười khẩy:
- Mày thích làm cái ma về với ông bà ông vải phải không?
- Ta muốn giao đấu với người theo đúng luật của hội võ, - Hài Phạ dõng dạc nói - Và tất nhiên là không thích chết...
Bị chọc tức, Hoàng Khún cáu lắm. Một anh chàng vô danh tiểu tốt, chuyên bán củi kiếm gạo, không rõ nguồn gốc, sống lang thang như con cầy con cáo trong rừng, thế mà bỗng chốc lại cầm vũ khí thượng đài, thở ra toàn giọng nhạo đời, thử hỏi chịu làm sao được? Thế là, vượt lên trên mọi khinh miệt về đẳng cấp do lòng tự ái bị tổn thương, con trai vị trưởng bản đáng kính chấp nhận cuộc thách đấu.
Đầu tiên là bắn cung. Hoàng Khún phi ngựa từ xa, đến sát cự ly, ghìm cương, giương cung ngắm rất nhanh rồi buông tên, mười phát trúng tám. Thế nhưng Hài Phạ lại có cách bắn lạ đời. Chàng phi ngựa ngược chiều với đích, quá cự ly chừng năm chục sải mới đột ngột quay lại bật dây cung mà mười phát đều trúng đích. Đến đoạn đấu kiếm, Hài Phạ ba lần thay đổi thế công, sử dụng một thứ kiếm pháp lúc hư lúc thực, biến hóa khôn lường, làm ba lần kiếm của Hoàng Khún tuột khỏi tay văng xuống đất.
Chiều hôm ấy, chàng phi ngựa mang phần thưởng đến nhà trưởng bản Hoàng Tịch, quỳ xuống nói:
- Thưa bố, hôm nay con đem lễ vật đến xin làm rể gia đình ta...
Hoàng Tịch không ngờ sự việc lại diễn ra như vậy, trong bụng không thích tý nào vì Hài Phạ nghèo rớt mồng tơi, chẳng có của nả gì ngoài con dao phát rừng với cây sáo trúc. Nhưng cũng không thể muối mặt nuốt lời ngay, nghĩ vậy ông ta dùng kế hoãn binh:
- Đây là việc lớn có quan hệ đến cả đời con Quện. Anh hãy tạm về, đợi ngày một ngày hai ta bàn với mọi người trong bản đã...
Bế Hài Phạ nặng nề bước xuống cầu thang nhà sàn. Ra đến cổng, Phạ gặp Hoàng Khún từ ngoài dắt ngựa vào. Thấy chàng, Hoàng Khún cười nhạt:
- Hãy về mang ba con trâu đực làm lễ vật ta sẽ gả em gái cho.
Ba ngày sau, vào lúc nhập nhoạng tối, Hài Phạ phi ngựa từ trong rừng ra, đến đỉnh đèo Tả Giàng, chàng thả cho ngựa ăn cỏ rồi ngồi xuống tảng đá, lấy sáo ra thổi. Tiếng sáo ngân dài một điệu buồn ai oán loang khắp triền núi đá làm Nàng Quện không nén lòng được liền xuống chân cầu thang nhảy lên con ngựa trắng phóng đi. Tiếng sáo đang dìu dặt chợt nấc lên rồi lịm tắt... Khi Nàng Quện lên đến nơi thì trước mắt hiện ra cảnh tượng kinh hoàng. Hài Phạ nằm úp mặt xuống tảng đá, giữa gáy cắm một mũi tên có đuôi bằng lông chim nhạn. Nàng sững người chỉ chút nữa thì ngất. Phải đến già nửa khắc nàng mới đủ can đảm rút mũi tên ra. Đó là mũi tên tẩm độc dài hơn bốn tấc...
Nàng Quện bấy giờ mới hô hoán lên nhưng chung quanh lặng ngắt chẳng có ai nghe.
Bản Tả Khai làm lễ chôn cất Hài Phạ ngay nơi chàng đã bị kẻ thù sát hại. Qua vài ngày, những người đi chợ sớm thấy chung quanh ngôi mộ mới có nhiều vết chân thú dữ. Vốn là một thợ săn có kinh nghiệm, Hoàng Tịch chỉ thoáng đã biết ngay đó là vết chân báo.
Từ khi Bế Hài Phạ chết, bụng dạ Hoàng Khún cũng bồn chồn như có lửa, nóng không chịu được. Suốt ngày chàng ta uống rượu say khướt rồi nhảy lên con ngựa ô phi như hóa rồ lên đèo Tả Giàng. Một đêm, lúc ấy đã khuya lắm, người nhà trưởng bản thấy con ngựa về mà không có Hoàng Khún liền báo cho Hoàng Tịch. Ông ta vội thắp đuốc dẫn mấy thợ săn lên đèo thì đã thấy xác con trai nằm co quắp bên lèn đá, một mảng đầu bị vỡ toác bởi hàm răng sắc nhọn của loài thú dữ. Như có linh cảm mách bảo, Hoàng Tịch chống nạng bước thêm mấy bước tuột xuống bên kia dốc. Và, ông trưởng bản chợt lặng người bởi hiện tượng quái lạ có một không hai trên đời bày ra trong ánh lửa chập chờn: Con báo vằn tuyệt đẹp, oai phong như một vị chúa sơn lâm, chính ông và nó đã từng săn đuổi nhau bao nhiêu năm nay, giờ nằm phủ phục bên mộ Bế Hài Phạ. Nó chết mà trên bộ da rực rỡ như hoa gấm không hề dính một vết thương.
Những ngày sau đó cả bản không thấy Nàng Quện đâu. Trưởng bản cử mấy người đi tìm khắp nơi nhưng đều bặt vô âm tín. Sau này có người bảo, nàng cưỡi ngựa vào rừng ăn lá ngón rồi chết trong lều của Bế Hài Phạ, xác bị thú dữ tha đi. Có người lại bảo, nàng cầm cây sáo của người yêu để lại, rẽ cây vạch lối đến hồ Thăng Hen. Nước hồ Thăng Hen trong vắt có thể nhìn thấy cả những viên sỏi trắng lóng lánh dưới đáy. Nàng ngồi bên bờ lấy sáo ra thổi điệu sly hay nhất. Nàng cứ thổi mãi, thổi mãi cho đến một ngày kia hóa đá...
Từ đấy, những đêm trăng, lữ khách qua đèo Tả Giàng đều có cảm giác rờn rợn bởi những tảng mây hình thù kỳ dị bị gió ngàn đánh tướp ra như bông xơ bạc phếch, mệt mỏi trôi trên vòm trời tai tái cùng cảnh cô tịch của miền sơn cước và truyền thuyết về câu chuyện tình đang dở của đôi trai gái. Chỉ những bông cúc dại mọc lưa thưa bên vách đá là vàng rực như đang tự đốt mình cháy lên. Hằng năm, cứ vào dịp đầu xuân, đêm đêm các bản quanh vùng thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng sáo văng vẳng từ lưng đèo vọng về.
Chí Linh, Xuân Tân Tỵ