Hoa máu
O.D.Vangrson
Tới Đảo Đen, ngay từ lúc còn đứng trên boong chiếc tàu hàng, Đenny Toxơn đã trông thấy bà Puốcvili. Anh không thể không để ý đến bà ta, một người đàn bà béo lùn, chân tay mập mạp như bị phù. Bà Puốcvili đứng chống nạnh đằng trước đoàn người đi đón.
- Anh là giáo viên mới, phải không? - Bà ta hỏi một cách tự tin và hách dịch.
- Vâng, chính tôi - Đenny cất tiếng, nhưng bà Puốcvili khoát tay ngắt lời anh và bảo: - Anh xếp đồ lên đi! Ông Puốcvili sẽ trở về. Giá tiền thuê nhà và ăn uống là năm mươi đô la một tháng, ở đây ngoài chúng tôi chẳng có ai cho thuê nhà nữa đâu. à, còn đấy là ông Puốcvili.
Bà lại khoát tay, chỉ vào một người đàn ông cao lớn, mặt tròn, hơi hói trán. Ông Puốcvili hơi gập người về phía trước ghìm chiếc xe cút kít màu da cam. Họ nhanh chóng chất va li và túi xách lên xe. Đenny đã mệt nhoài và ủ rũ sau cuộc hành trình vất vả. Anh đã phải ngủ trên một chiếc ghế ngắn ngủi. Thời tiết thì thật là kinh khủng. Ba ngày đầu anh bị say sóng, cầm gì vỡ nấy, đến cả tách cà phê cũng phải vất vả lắm mới giữ nổi trên tay.
Khi chiếc xe đã đầy ngất hành lý, ông Puốcvili rút tay khỏi túi quần. Đeny để ý thấy các ngón tay ông co quắp như những cái móc câu lớn màu hồng. Ông chậm chạp luồn tay vào hai chiếc vòng kim loại ở càng xe, sau đó nhấc bổng chiếc xe lên và khoác vào vai như khoác ba lô.
Qua khỏi cái dốc đầu tiên, ông dừng lại, thấy cần phải động viên và giúp đỡ Đeny.
- Bà Puốcvili đảm đang lắm đấy - ông lấy hơi rồi nói - Suốt mùa đông, lúc nào chúng tôi cũng sẵn trứng tươi.
Đenny ngoái lại phía sau. Bà Puốcvili đang vần những thùng đồ hộp lên bờ. Mái tóc hoa râm của bà xổ tung trong gió. Họ lại đi tiếp, đi rất lâu. Khi con đường mòn quanh co giữa hai vách đá đột nhiên biến mất, Đenny nhẫn nại theo ông Puốcvili băng qua những gò nhỏ mấp mô. Họ cúi gập người trèo qua mỏm đá cheo leo bên bờ vực thẳm đen ngòm. Kế đó là sườn núi dốc đứng. Đenny khó khăn lắm mới giữ được thăng bằng, suýt nữa bị ngã lộn cổ. Anh trụ lại được nhờ kịp bám vào chiếc xe cút kít, sau đó rụt tay lại khi ông Puốcvili lấy hết sức bình sinh giật mạnh chiếc xe. Trên đỉnh mỏm đá, họ gặp một ông lão thân tàn ma dại đang vịn vào vai cô gái trẻ. Ông lão lê bước vô cùng cực nhọc, mỗi bước đi là một lần vấp.
Đeny sững sờ trước bộ đôi kỳ lạ ấy. Mái tóc đen, dài, óng ả như lụa đổ xuống bờ vai cô gái. Trông cô có vẻ mệt mỏi, mặc dù khuôn mặt rám nắng ánh lên, cặp môi đỏ thắm. Đến ngang mặt Đeny, cô gái sững lại trong giây lát...
Khi họ đã khuất sau chỗ ngoặt, Đenny hỏi:
- Ai vậy? Cô gái dễ thương quá.
- à, đó là cha con lão Giắc ốm. Ông lão mắc bệnh lâu rồi. Đau gan. Bà Puốcvili vẫn giúp Âyđen thu xếp việc nhà và tìm nhiều loại thuốc chạy chữa cho ông lão. Nhưng vô ích thôi. Ông lão khó mà qua khỏi mùa đông này. Người thứ hai trong năm nay. Mà anh thấy người thế nào? Tôi trông hình như anh tái mét đi đấy.
- Tôi khó chịu quá - Đeny trả lời - Chín ngày trời dưới địa ngục. Tàu lắc dễ sợ...
Đeny nhìn thấy bông hoa đỏ, thân vươn ra ánh sáng từ dưới khe đá. Anh cúi xuống ngắm nghía bông hoa và nhận thấy những thân cỏ dữ dội chen chúc đầy cả lòng khe. Đeny ngắt một bông hoa rồi quay lại hỏi ông Puốcvili:
- Tôi chưa bao giờ gặp loại hoa này. Đó là hoa gì?
- Hoa máu - ông Puốcvili đáp - Ngoài nó ra, trên đảo không có loại cây gì mọc nổi. Dĩ nhiên, nếu không kể loài địa y. Nhưng đ¸ng lẽ anh không nên hái. Người ta bảo rằng nó gieo rắc rủi ro. Nó chỉ có ích khi anh bị chảy máu, vì đứt tay chẳng hạn.
Đenny cười vang:
- Trời đất, thật là chuyện nhảm nhí. Chính ông cũng chẳng tin đâu.
- Bà Puốcvili thì lại rất tin. Bà ấy sành những chuyện đại loại như vậy lắm.
Cuối cùng họ cũng về đến nhà. Vừa đặt chân lên bậc cửa, Đenny đã bắt đầu cởi va li. Ông Puốcvili để anh lại một mình và đi đón bà Puốcvili, lúc này đang gò lưng dưới sức nặng của những hòm đồ hộp. Sáng hôm sau, bà Puốcvili bắt tay vào việc phân loại và sắp sếp những đồ dự trữ cho mùa đông, còn Đeny dạo quanh xem xét đảo. Ông Puốcvili đã không cường điệu chút nào. Trên đảo không hề có cây cỏ, cả cây to lẫn bụi rậm. Chỉ có những cánh hoa đỏ chói như lửa cháy lên trong gió. Thoạt trông có thể tưởng rằng đá hoa cương đã bị sóng mài bằng phẳng, kỳ thực bờ đá có những mỏm nhô ra đen ngòm. Lòng bàn chân bị những hòn đá sắc nhọn nằm rải rắc trên bờ cào xước. Mép đảo đổ dốc vào lòng biển. Con đường mòn nhõng nhẽo, vòng vo, chỉ đến sát bờ biển mới có đôi chút thoai thoải. Phía tây, những dãy núi ở Labơrađô mờ mờ hiện ra sau làn khói màu xám nhạt. Trên sóng, hai chiếc thuyền đánh cá lắc lư như mơ ngủ. Chim chóc dường như cũng ngán hòn đảo khắc khổ. Chỉ có hải âu là ngoại lệ. Chúng đường bệ ngự trên đá hàng đàn hàng lũ. Thấy Đeny, chúng lao vút lên không trung và loáng cái đã biến mất phía chân trời. Đeny muốn chúng quay trở lại. Anh tưởng tượng thấy mình chạm vào chúng, vuốt ve những đôi cánh ướt và cho chúng ăn trên lòng bàn tay...
- Bay lại đây, nhanh lên! - Anh bật cười rồi đi tiếp.
Vẻ đơn điệu trĩu nặng trên xóm nhỏ khiến Đeny thấy lòng sầu não. Sau khu nhà là những kho chứa đồ chật chội.
Để tránh những cặp mắt xoi mói, ông bà Puốcvili giấu chuồng gà ra đó. Chỉ có lớp học nổi bật hẳn lên. Những ngôi nhà làm bằng gỗ nguyên cây dễ làm ta nhầm có hai ba tầng. Đeny nhìn kỹ, thấy phần lớn các nhà đều long lở và bạc màu. Ngôi nhà của ông bà Puốcvili vừa mới được quét vôi, xét về mọi mặt thì có khá hơn một chút. Ngôi nhà thứ hai mới được quét vôi và cực kỳ sạch sẽ là nhà bà Mery Giônxơn. ở đây có cửa hàng bưu điện và đài vô tuyến điện.
- Mới chiều tối đã lượn khắp xóm rồi - Trong giọng nói của bà Puốcvili, anh nhận thấy ý trách móc - Tôi đã bắt đầu lo, định phái ông Puốcvili đi tìm.
- Xin lỗi - Đeny ngượng ngùng lúng búng - Tôi nán lại một chút. ở đây lạc sao được, xóm nhỏ như bàn tay...
- Nhỏ thì nhỏ thật - bà Puốcvili đồng ý - nhưng ở địa vị anh, tôi sẽ không bao giờ liều lĩnh thế. Đêm hôm ngộ nhỡ xảy ra gãy chân vỡ đầu thì sao! - Đeny Toxơn không khỏi mỉm cười. - Đây đâu phải thành phố nhà anh, cả xóm không có ai là bác sĩ. Phải đợi hai tuần, có khi lâu hơn, máy bay mới tới, còn nếu trời mù thì hàng tháng cũng phải đợi. Anh muốn làm một trong ba người chắc? - bà ta nói thêm với giọng nửa thì thầm.
Đeny cảm thấy sự sơ xuất của mình. "ở đây có chuyện gì đó không ổn, hoặc là họ chỉ lo sợ vu vơ, hoặc là...". Chọn thời điểm thích hợp, anh lái câu chuyện khỏi đề tài cũ và hỏi:
- ở đây lúc nào người ta cũng nhắc đến ba người nào đó là nghĩa thế nào?
- Họa vô đơn chí. Trong đất liền đông người, điều ấy không rõ mấy, mọi thứ cứ rối tinh rối mù. Còn ở đây mọi người đều biết nhau. Hễ ai gặp chuyện gì thì cả xóm đều rõ, rõ cả chuyện gì sẽ xảy ra với ai. Anh cũng đoán ra tôi định nói gì rồi đấy. Mỗi năm đảo chúng tôi phải có ba người chết. Cũng có năm sáu người. Ba, sáu, chín cứ thế mà tính. Nếu còn thiếu một mạng thì... - Bà nhếch mép buồn bã. - Tôi không nói dối anh đâu - Bà Puốcvi ngước nhìn Đeny dò xét.
- Đến mùa thu anh khắc thấy. Tháng trước, cô Emili chết ở nhà an dưỡng vì lao phổi. Chúng tôi đã nghe đài thông báo. Lão Giắc ốm chỉ còn sống được ít ngày. Ông lão đã vàng vọt và khô đét như bộ xương rồi. Sau khi ông lão chết cũng chẳng yên được lâu đâu - Bà Puốcvili nói đến cái chết của đồng hương với vẻ chắc chắn của nhà tiên tri - Ông Puốcvili có nói là anh mến cô Âyđen.
Lúc đó Đeny đang nhớ lại những đoạn trong cuốn thần thoại mà anh đọc ở lớp học hè. Vì bất ngờ, anh giật mình ngẩng lên:
- à, đấy là cô gái có mái tóc xõa. Tôi mới thoáng gặp cô ta một phút, không hơn. Nhưng cô ta có vẻ rất dễ thương.
- Sau khi cha chết nó sẽ chỉ còn lại một mình - bà Puốcvili nói - Con bé khá lắm, giản dị và chăm chỉ.
- Cô ấy đã đi học ở đâu chưa? - Đeny hỏi mà cũng chẳng biết để làm gì.
- Lấy vợ có học thức chỉ tổ rách chuyện, chẳng bao giờ gia đình có nề nếp được. Bọn họ lúc nào cũng chỉ đòi với hỏi - Bà Puốcvili sẵng giọng - Ngoài đảo chúng tôi, không thế đám thanh niên cũng đã có quá nhiều việc phải lo rồi.
Đeny cố giấu vẻ ngượng ngùng:
- Tôi hỏi là vì lí do này. Nếu cô ấy nói chuẩn và biết đánh máy thì có thể tìm việc ở đất liền.
- Lo xa làm gì. Đùng một cái, nó lại theo gót bố thì sao. Chúng tôi chỉ mong cho mùa đông qua đi yên ổn. - Ông Puốcvili cự lại và hướng về phía vợ tìm sự đồng tình.
- Trước lúc lên đường, tôi có đọc một cuốn sách. - Đeny bắt đầu nói - Những người dân trong sách cũng có chung một mong ước như bà con ở đây. Họ hy vọng chế ngự được sự rủi ro. Mỗi ông vua của họ trị vì đúng một năm. Khi hết hạn, họ chém đầu ông ta, cho rằng làm như vậy sẽ tránh được những tai họa đã tích tụ trong năm đó.
- Làm thế là vô đạo! - Ông Puốcvili kêu lên.
- Ông vua được hưởng mọi thứ: đàn bà đẹp, vàng bạc, châu báu, sơn hào, hải vị, nhưng đến mùa hoa nở sẽ bị chém đầu.
- Chắc đó là sách về người Trung Hoa? - Ông Puốcvili lại đưa ra giả thuyết mới.
- Không, nói về người châu Âu cơ. - Đeny trả lời. - Có điều, chuyện ấy xảy ra lâu lắm rồi...
Hôm sau, bà Puốcvili dẫn dân chài đến giới thiệu với Đeny. Nói đúng ra thì chỉ có đám đàn bà, bởi vì cánh đàn ông đánh cá ngoài khơi đến cuối thu mới về. Anh chỉ nhớ đến nửa số tên. Lũ trẻ con nhìn Đeny chằm chằm như nhìn một vật gì lạ lẫm. Lão Giắc ốm và Âyđen đến nhà Puốcvili lúc giữa trưa. Sau một ngày đêm, trông ông bố của Âyđen càng thêm vàng vọt và hốc hác. Vịn vào tay Đeny, lão Giắc ốm buông mình xuống ghế bành và thiếp đi ngay lập tức. Âyđen trùm lên người ông lão tấm mền đen mang từ nhà đến. Bà Puốcvili dẫn Âyđen đến gặp Đeny và nói:
- Hãy làm quen đi, anh Đeny. Đây là Âyđen. Vài hôm nữa nó lại đến. Tôi muốn anh kể cho nó nghe về cuộc sống thành phố, về tàu hỏa và ô tô. Nó lớn lên trên đảo và chưa đi đâu bao giờ.
Âyđen đỏ bừng mặt, nhìn đi chỗ khác.
- Dĩ nhiên. - Đeny nói - Thế nào cô cũng đến nhé. Tôi có đem theo hộp chiếu hình. Ông bà Puốcvili cũng chưa xem. Chúng ta sẽ cùng xem.
Âyđen bẽn lẽn cám ơn anh rồi đi sang phòng bên, nơi cha cô nằm. Cô ở lại với ông suốt buổi chiều. Đeny liếc nhìn cô vào những lúc ngắn ngủi, khi ông bà Puốcvili bận bịu công việc mà không chú ý đến họ.
Âyđen mặc một chiếc quần bò xanh đã sờn, chiếc áo pun xanh nước biển rộng thùng thình, rõ ràng không phải của cô, khuỷu và cổ tay áo mạng bằng chỉ màu xanh lục. Qua lời bà Puốcvili, Đeny hiểu rằng bà con dân chài vẫn san sẻ cho cha con ông lão Giắc ốm một phần mẻ cá đánh được và đôi khi cả những quần áo cũ. Tuy vậy, ngay cả bộ quần áo nhếch nhác cũng không giấu nổi sắc đẹp của Âyđen. Mái tóc đen của cô xoắn thành những búng lớn. Trong đáy sâu cặp mắt to xanh thẫm thấp thoáng nỗi buồn lo. Dưới lớp áo pun xộc xệch, bộ ngực cao, căng nở của cô lồ lộ trẻ trung. Suốt buổi chiều, Âyđen lặng im một mực. Điều này khiến Đeny e ngại, nhưng suy nghĩ kỹ anh hiểu rằng họ sẽ còn khối thời gian để chuyện trò thả cửa. Anh nhẹ nhõm thở dài.
Năm học bắt đầu. Mải mê với công việc, Đeny không nhận thấy những đổi thay trong xóm. Dân chài bây giờ chiều nào cũng trở về, ai nấy u sầu, lặng lẽ, lo âu.
Vụ cá tồi tệ làm họ lo lắng. Kết quả đánh bắt quá ít ỏi, đến nỗi họ không làm sao lần hồi cho hết mùa đông. Có một điều người ta cố tránh nói đến nhưng ai cũng rõ: dân chài sẽ phải ra khơi cho đến tận lễ Nôen, nếu không gia đình họ sẽ chết đói.
Cuối tháng chín, trời đột nhiên trở rét. Gió lạnh tràn về. Những ngôi nhà rung lên bần bật. Đeny cấm lũ trẻ đến trường và tự mình đến với chúng. Dân chài vẫn ra khơi đều đều như trước, không quản gì thời tiết. Đôi khi họ ra cách bờ hàng chục cây số, vậy mà chẳng có chuyến nào mỹ mãn, số cá đánh được chẳng đáng là bao.
Vào hôm ông lão Giắc ốm qua đời, Đeny đi ngủ sớm. Tiếng gõ cửa làm anh bừng tỉnh.
Ông Puốcvili dậy mở cửa. Đeny loáng thoáng nghe tiếng nghẹn ngào. Sau đó cửa đóng sầm lại. Ông Puốcvili báo tin buồn cho vợ và Đeny. Hai vợ chồng nhanh chóng sửa soạn rồi bước ra. Họ gọi anh đi cùng nhưng anh ở lại nhà. "Mình có giúp được gì cho họ đâu. Một người xa lạ, một kẻ ngụ cư - anh nghĩ - với lại, sự có mặt của mình sẽ làm cho Âyđen khó chịu".
Bà Puốcvili trở về khi trời đã sáng. Không nói không rằng, bà bắt tay vào chuẩn bị bữa ăn. Mãi sau bà mới vừa khuấy cháo vừa nói dằn giọng:
- Âyđen của chúng tôi vậy là mồ côi. Chúng tôi đã tắm rửa cho ông lão, mặc quần áo và đặt vào giường. Tội nghiệp con bé. Một cô gái tuyệt vời...
Hôm mai táng, Đeny đến dự. Người chết nằm trên giường, vai trùm vải liệm. Bà Mery Giônxơn hát bài "Cây thánh giá cũ nặng nề". Bà Puốcvili cầm quyển kinh thánh cho chồng đọc. Âyđen mặt mày nhợt nhạt, ngồi trên chiếc ghế đẩu cạnh đầu giường, đôi mắt đỏ hoe. Sau nghi thức tang lễ, một người dân chài bọc ông lão Giắc ốm vào vải liệm rồi buộc chặt cổ chân bằng dây chão. Thi hài được đặt lên chiếc cáng tự tạo bằng vải bạt và đôi mái chèo bào nhẵn. Đám tang hướng ra biển cả. Tới bờ biển, người ta hạ thi hài xuống xuồng đi theo là ba người đánh cá. Lần đầu tiên, Đeny nhận thấy bến cá giống hệt một cái hàm cá mập khổng lồ. Chiếc xuồng tròng trành rồi từ từ rời bến. Dáng những người đánh cá mờ mờ trên nền trời nhập nhoạng tối. Sau đó, một người trong bọn họ cúi xuống dùng xích neo quấn cái thi hài bọc trong vải liệm.
Sau lễ mai táng, mọi người về nhà bà Puốcvili uống cà phê. Âyđen cũng tham dự nhưng khuôn mặt vẫn còn đờ đẫn như lúc ban ngày. Cái chết của lão Giắc ốm gây cho dân chài một tâm trạng nặng nề. Ai nấy canh cánh một nỗi sợ hãi, một nỗi buồn mơ hồ nhưng dai dẳng. Một lần, Đeny đọc trên lớp câu chuyện cổ tích xem chúng có thích không, thì thằng con út của bà Mery Giônxơn tuyên bố:
- Mẹ em bảo, trong xóm lại sắp có người chết. Có khi là chị Âyđen cũng nên. Chị ấy yêu cha lắm.
Đeny ngắt lời nó:
- Ngồi yên. Đây là lớp ba rồi đấy. Em không nghe lời sao. Tốt hơn hết là xuống học vỡ lòng.
- Mẹ em bảo thế - Con chị bênh em - Mẹ em bảo...
- Thôi đủ rồi. Các cô các cậu quên mất rồi hay sao, đây là giờ học văn chứ có phải giờ học thần thoại đâu. Tất cả những chuyện đó là nhảm nhí hết.
Lúc ăn tối, Đeny băn khoăn muốn biết Âyđen sẽ sống tiếp ra sao.
- Nó được mỏ trợ cấp. Hồi nào ông Giắc ốm làm công ở đó. - Bà Puốcvili trả lời không hào hứng lắm - Chẳng nhiều nhặn gì, chừng năm sáu trăm đôla. Cũng tạm đủ cho nó trong thời gian đầu. Với lại, bà con
Minh häa: v¨n ®a
trong xóm sẽ giúp thêm. Anh không phải lo, bà nói thêm - cầu cho nó tìm được người biết gánh vác công việc gia đình.
Trong tháng mười, Đeny gặp Âyđen vẻn vẹn hai lần. Lần đầu, khi cô đảo qua nhà Puốcvili uống cà phê, lần thứ hai, cũng ở nhà Puốcvili, cô tới xem Đeny chiếu phim về cuộc sống trong đất liền. Họ không có cơ hội nào để ngồi riêng với nhau mà bình tĩnh nói chuyện. Đeny cuối cùng cũng biết rằng, bà Puốcvili hết sức ngăn cản anh làm quen với Âyđen. Bà giữ rịt cô gái như một vệ sĩ trung thành, thường hay chọc tức Đeny bằng những lời phản bác. Lúc này cũng thế, thấy Âyđen ra về, bà Puốcvili nhổm dậy và nói: - Anh Đeny, tôi sẽ tiễn Âyđen. Tôi phải đến nhà bà Mery Giônxơn lấy cái này.
Nửa giờ sau, bà ta đem về một hộp sữa bột. Đeny thất vọng dài giọng:
- Có thế mà bà cũng phải mất công đi. Giá để tôi mang về cũng được, bà Puốcvili ạ.
- Con người ta ở đời phải biết liệu cơm mà gắp mắm - Bà Puốcvili lên giọng dạy đời.
Thực ra, Âyđen không còn ngại ngùng khi gặp Đeny, nhưng câu chuyện giữa họ vẫn không sao ăn nhập được. Cô gái hay đùa bỡn và tránh trả lời vào câu hỏi. "Giá mình cùng sống với cô ấy trong một thành phố thì hay biết mấy - Đeny ao ước - Lúc đó, tụi mình sẽ gặp nhau ở những vườn hoang ngoài ngoại ô, dạo chơi dưới hàng cây và nấp vào các ngõ để tránh những lời bàn tán. Còn ở ngoài đảo này, biết trốn vào đâu. Thế nào cũng bị người ta bắt gặp! Giáp ngày lễ Giáng sinh, nhà trường tổ chức dạ hội. Đeny chiếu phim. Sau đó, buổi khiêu vũ bắt đầu. Thằng bé Gimy kéo vĩ cầm. Suốt nửa buổi, Đeny khiêu vũ với Âyđen. Anh biết rằng bà Puốcvili đang dõi theo với vẻ không đồng tình, rằng ngày mai cả xóm sẽ xôn xao bàn tán về họ và những lời ong tiếng ve sẽ còn dai dẳng hàng năm trời không dứt. Nhưng anh quyết định cứ phớt lờ. Đuôi tóc Âyđen đính một chiếc băng đỏ cài cổ mảnh mai, trắng ngần của cô. Âyđen hoảng hốt lùi lại. Vì không muốn mang tiếng là khiếm nhã, Đeny khiêu vũ với cả các phụ nữ khác, nhưng chốc chốc lại nhìn sang và chỉ yên tâm khi thấy Âyđen cũng đang khiêu vũ hoặc đứng giữa đám đông. Họ giải tán lúc quá nửa đêm. Đeny tiễn Âyđen về và hôn cô lúc chia tay. Cô vùng ra khỏi vòng tay anh, quay ngay vào và đóng sầm cửa lại...
Tâm trạng thấp thỏm đợi chờ thảm họa tiếp theo sau cái chết của lão Giắc ốm vẫn đè trĩu lên xóm làng biến đi lúc nào không ai biết. Những cuộc cãi cọ và hiềm khích không còn ai nhớ nữa. Bà con trong xóm trở nên năng lui tới thăm nhau và thỉnh thoảng ngồi lại đến khuya. Âyđen thường xuyên có mặt ở nhà Puốcvili. Trong lúc trò chuyện với ông bà chủ, cô kín đáo liếc nhìn Đeny.
Họ trao đổi với nhau bằng ánh mắt như vậy. Âyđen đã bình phục sau những cảm xúc dữ dội vừa qua. Má cô lại ửng hồng, trông cô thậm chí còn đẹp hơn cả trước kia. Những buổi chiều băng giá, Đeny tiễn cô về, nhưng thật lạ, những cuộc dạo chơi không còn làm anh vui sướng. Gió lạnh thổi bay người, cuốn tung băng tuyết. Ai nấy cứng đờ trong áo mũ và khăn bông. Hễ thấy bóng người là Âyđen nín bặt. Họ chia tay nhau cạnh nhà cô. Âyđen không mời anh vào, cả cái hôn của cô Đeny cũng cảm thấy lạnh lùng như những đêm đông.
Thời tiết xấu đi hết mức. Tuyết ẩm bắt đầu rơi, sau đó băng giá ập xuống. Con đường ra bến bị phủ kín dưới băng. Gió đến tức thở. Đừng có hòng nghĩ đến chuyện ra khơi. Những chiếc thuyền bị đóng băng đậu im tại bến.
Một buổi trưa, bà Mácgi Phâyruevơ bảo các con tới nhà Puốcvili, đóng chặt cửa, dốc ngược lên người chiếc đèn dầu hỏa, vứt nó xuống sàn rồi châm lửa. Lần này, người ta quyết định không tổ chức lễ tang. Không ai kịp hoàn hồn vì choáng váng. Lũ trẻ tạm thời ở trong kho chứa củi. Xác bà Mácgi được quăng xuống biển, nơi chồng bà gặp nạn...
Niềm phấn chấn ngắn ngủi nhường chỗ cho nỗi u sầu trùm lên cả xóm. Những cuộc thăm viếng chấm dứt. Chiều chiều, ai nấy ngồi lì tại nhà mình, chỉ ra đường trong những trường hợp cực kỳ cần thiết.
Một bữa, Đeny trở về trước khi trời tối và thấy phòng mình trống hoác. Bà Puốcvili chờ anh dưới bếp:
- Có việc thế này anh Đeny ạ - Bà nói - Lũ trẻ nhà Phâyruêvơ côi cút đã đành, nhà cửa lại không có nữa. Thằng cả mới mười bốn tuổi, làm sao xoay xở với đàn em như thế. Tôi bàn với ông Puốcvili đem hai đứa bé nhất về nuôi. Anh chịu khó chuyển đến nhà Âyđen vậy. Nó cũng đang cần cho thuê nhà. Mỏ đã ngừng trợ cấp cho nó rồi. Anh đừng ngại gì nhé, ở đó cũng không có gì bất tiện đâu. Còn lũ trẻ, nếu không có chúng tôi thì đến chết đói mất.
Đeny nín thinh. Bà Puốcvili thấy khó xử, nói thêm:
- Đồ đạc của anh, chúng tôi đã chuyển đến nhà Âyđen từ sáng. Còn một tháng tiền nhà của anh tôi đã trao cho nó.
Đeny do dự một lát, muốn phản đối nhưng kìm lại được. Anh không nói năng gì, bước ra.
Âyđen mở cửa đón anh. Cô coi việc chuyển nhà của anh là cần thiết và không hỏi han gì cả. Đồ đạc của Đeny để ở phòng ngủ, quần áo treo trong tủ, còn những bó sách thì được chất thành đống trong góc nhà. Đeny ngồi ghé lên mép giường, trầm tư suy nghĩ. Anh chưa biết phải xử sự ra sao với Âyđen. Cuối cùng anh kết luận rằng, tốt nhất cứ chuyển xuống bếp và trong nửa năm tới, đừng ngó ngàng tới phòng ngủ.
Âyđen trải bàn. Bữa tối ngon lành nhưng Đeny không cảm thấy là mình đang ăn. Sự có mặt của Âyđen làm anh phấn chấn hơn bao giờ hết. Tuy vậy, anh không dám thú nhận điều này. Từ nay, ngày nào họ cũng gặp được nhau. Đeny tự an ủi mình thế. Dưới anh sáng của cây đèn, cặp mắt Âyđen dường như sẫm hơn bình thường. Vừa ăn, Đeny vừa kể cho Âyđen nghe về những thành phố lớn, hồi tưởng lại những chi tiết đã bị lu mờ cùng với thời gian.
Buổi sáng hôm sau, có lẽ là lần đầu tiên anh mất tự tin. Vào lớp, anh hồi lâu không sao trấn tĩnh nổi, không sao nói được bình thường. Anh chờ nghe những lời bóng gió và những cái nháy mắt nhiều nghĩa ý của lũ trẻ. Nhưng đám học trò chỉ miệt mài chép những điều Đeny đọc, không đứa nào tỏ vẻ gì, chỉ nghe tiếng giầy khẽ kêu sột soạt. Đến cuối giờ anh không kìm nổi và nói:
- Nếu các em có điều gì thắc mắc thì đến nhà chị Âyđen nhé. Tôi đã chuyển từ nhà Puốcvili đến nhà chị ấy rồi.
Lũ trẻ gật đầu tỏ vẻ đồng ý.
Ra khỏi trường, Đeny về thẳng nhà Âyđen. Cô đón anh ở phòng ngoài:
- Các bà trong xóm bảo rằng - Âyđen giải thích như bào chữa, mặt đỏ bừng - em phải về sớm để nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa trước lúc anh về. Đằng nào thì ở kho bây giờ cũng chẳng có mấy tí việc. Dân chài có ra khơi đâu.
- Rất đồng ý với các bà ấy. - Đeny đáp lại.
Anh những tưởng làng xóm sẽ nóng lòng muốn biết anh dọn đến chỗ ở mới sao, và vì tò mò họ sẽ không giữ gìn ý tứ, nhưng chẳng có ai đến thăm họ cả. Những tháng ngày tẻ nhạt trôi đi. Sự dè dặt của Âyđen gây cho Đeny tâm trạng bực mình vô ý thức. Bây giờ, không phải là Puốcvili nữa, mà chính cô dựng lên một chướng ngại vật giữa hai người. Một lần, Âyđen nhờ Đeny giúp cô rửa bát đĩa sau bữa ăn trưa. Họ đứng sát cạnh nhau. Đeny cảm nhận được cả hơi ấm từ người cô tỏa ra. Anh không còn biết mình đang làm gì, chỉ lơ đãng và ngớ ngẩn nhìn chồng bát đĩa bẩn. Sau đó, anh bước sát lại và ghìm chặt Âyđen trong vòng tay mình. Âyđen cố nhoài ra, nhưng một phút sau cô ngoan ngoãn nép mình vào vai anh. Cái nhà bếp bé tẹo thật không thích hợp chút nào cho những cuộc hẹn hò yêu đương. Đeny bế cô lên và đi vào phòng ngủ. Âyđen không chống lại khi anh cởi áo trên người cô. Sau khi chế ngự được nỗi lo sợ rất con gái của Âyđen và thỏa mãn với ái ân, Đeny ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy, anh không thấy Âyđen bên cạnh. Cô nằm khoanh tròn trong giường của mình mà ngủ. Từ đó, đêm nào họ cũng cùng đi nằm nhưng hễ Đeny thiếp đi là Âyđen nhẹ nhàng về phòng mình.
Lại một tuần trôi qua. Đầu tuần sau nữa bà Puốcvili đến thăm họ. Vừa đến cửa, bà ta dừng lại, ném về phía Đeny và Âyđen một cái nhìn sắc nhọn. Họ bình thản ăn bữa tối. Hôm đó, Âyđen từ kho cá về muộn. Thời tiết đã tốt hơn, trời ấm, gió ngớt, những người đánh cá tưởng chừng đã tuyệt vọng giờ được ban cho một mẻ cá lớn, tuy rằng có muộn. Công việc của Âyđen đột ngột tăng thêm. Bà Puốcvili uống cạn tách cà phê và trò chuyện với họ gần một tiếng đồng hồ. Đeny thấy rõ không phải vô tình mà bà ấy đến. Thời kỳ cách ly và nghi ngại đã qua. Khách khứa năng đến nhà thăm Âyđen hơn trước và bao giờ cũng để lại trên bà thứ đồ ăn gì đó. Sự giúp đỡ vặt vãnh ấy làm Đeny bực mình, nhưng để khỏi làm mất lòng khách, anh bấm bụng nhận những món quà chất phác của họ. Âyđen thôi không lẻn về phòng mình mà ngủ với Đeny suốt đêm, và gần đến sáng dịu dàng hôn lên vai anh. ý định tổ chức lễ cưới, Đeny gác lại vô thời hạn, hoàn toàn phó mặc cho hoàn cảnh. Được cái Âyđen cũng không ép buộc anh điều gì.
Đeny bị ốm bất ngờ. Tỉnh dậy, anh thấy các khớp xương đau ê ẩm. Anh không nhận ra đồ vật quen thuộc. Tất cả dường như bị xáo trộn. Lúc ăn sáng, anh nói sẵng với Âyđen, còn ở trường thì cáu giận và mắng mỏ lũ trẻ một cách vô cớ. Đến chiều anh bị sốt, cổ họng sưng tấy. Âyđen hoảng sợ thực sự, định đi gọi bà Puốcvili nhưng Đeny không cho. Anh không muốn gặp ai, hơn nữa, anh lại đang nằm trong buồng ngủ của Âyđen, bà Puốcvili hay bất cứ bà láng giềng nào cũng đoán ra ngay là quan hệ của họ đã đi quá xa rồi. Sốt không hạ, Đeny tiếp tục mê sảng. Âyđen tận tụy chăm sóc Đeny, bón nước cháo nóng, dùng rượu cồn xoa bóp khắp thân thể nóng hầm hập của anh. Ai nấy hỏi anh đã đỡ chưa. Nhiều người ghé thăm nhà Âyđen, trong đó có cả bà Puốcvili. Anh chốc chốc lại bị ngất. Có lần tỉnh lại, anh chợt hiểu rằng mình đang chết và người ta phủ vải liệm lên vai anh như đã phủ lên vai ông lão Giắc ốm ngày nào. Âyđen ngồi bên cạnh, cúi xuống thì thào vào tai anh:
- Đấy là cái chăn.
Bệnh đã chuyển. Đeny bắt đầu khạc ra đờm. Anh yếu đi một cách đáng sợ, chỉ trở mình cũng vã mồ hôi như tắm. Ba ngày sau, anh gượng đứng lên được. Tay vịn vào tường như một ông lão, anh lần vào bếp. Buổi chiều, bà Puốcvili đến thăm, mang đến một gói thuốc lá cuốn lấy.
- Anh Đeny ạ, anh quả là người hùng của tôi đấy, chứ không phải vừa đâu. Bà hào hứng nói - Ngày mai, lũ trẻ sẽ đến thăm anh, sau đó là bố mẹ chúng. Họ đã chuẩn bị quà cho anh rồi. Anh đừng giận, đây là phong tục mà. - Bà ta nhắc lại câu nói ưa thích của mình - Họ đến với tấm lòng chân thành.
Buổi sáng, căn phòng đông nghịt các cô cậu học trò. Chúng trịnh trọng trao cho anh mấy mẩu gỗ được sơn và khắc những hình bí ẩn. Đeny thấy những hình khắc hay hay nhưng chịu không hiểu nổi chúng có nghĩa gì. Giữa trưa, ông Mácphơlen đến chơi. Ông đặt trên ghết một chiếc hộp gỗ nhỏ khảm mảnh chai. Đáy hộp lót rêu và đá cuội. Dưới các khóm rêu có những con hải âu làm bằng vỏ ốc ẩn mình. Bà vợ tặng Đeny chiếc hộp bọc vải đen. Trên nền vải đen nổi lên hình người và chiếc thuyền trắng làm từ xương cá. Ai đó đem đến cho anh mấy hạt ngọc trai, người khác mang kẹo sôcôla. Một bác đánh cá đặt lên bàn chai rượu Uyxtki uống dở. Khi người khách cuối cùng đã ra về, Đeny gần như kiệt sức. Âyđen phải đỡ anh nằm xuống giường.
Đeny dần dần bình phục, nhưng cảnh ăn không ngồi rồi khiến anh bứt rứt. Khi anh tuyên bố ngày mai sẽ đến trường, bà Puốcvili phản đối:
- Chớ, chớ, anh Đeny, còn sớm quá. Anh phải nghỉ thêm đôi ba hôm nữa. Hiện giờ đã có bà Mery Giônxơn thay anh rồi. Bà ấy tất nhiên không thể sánh với anh về trình độ, nhưng được lũ trẻ nghe lời. Nếu anh cứ đi dạy, bà ấy sẽ mặc cảm mà cho rằng có ai đó đã kêu ca về bà ấy với anh, chẳng hạn nói rằng giáo viên gì cái thứ bà ấy. Thế thì nếu có lúc anh phải vào đất liền ít lâu, hay nói độc mồm, ngộ nhỡ anh lại ốm nữa, chuyện gì mà chẳng có thể xảy ra, bà ấy sẽ không bao giờ đến lớp nữa đâu.
Trong thời gian Đeny ốm, Âyđen nghỉ việc. Bây giờ, cô sửa soạn đến kho cá, nhưng bà Puốcvili và đám phụ nữ thuyết phục rằng cô cần ở nhà hơn. Âyđen nghe lời họ, mặc dù kho cá đang cần thêm chân thêm tay - cá ùn lại nhiều chưa từng thấy, mà dân chài ngày ngày vẫn chuyển về thêm nữa.
Say sưa hưởng hạnh phúc bên nhau, Đeny và Âyđen quên hết mọi sự trên đời. Tình yêu, những buổi chuyện trò, những kế hoạch cho tương lai và tâm trạng vô tư lự - đó thực sự là tuần trăng mật. Đeny bắt tay vào đọc sách, cố bù lại thời gian đã mất. Nhưng ngày tháng trôi qua, một tuần, hai tuần, ba tuần, cuộc sống tách biệt bắt đầu làm anh bức bối. Anh nghĩ ra đủ cớ để bớt phải ở nhà.
Một bận, đang ngồi uống cà phê ở nhà ông bà Puốcvili, Đeny chậm rãi nói, với mình hơn là để chủ nhà nghe:
- Có lẽ ai cũng phải ốm một trận như tôi.
- Bậy nào, anh Đeny - Bà Puốcvili ngạc nhiên - Trẻ nhỏ thì làm sao qua khỏi một trận ốm như thế. à, còn chuyện anh với Âyđen thì thế nào? - Bà ta hỏi tiếp luôn.
- Tôi chưa biết, còn để xem đã.
Đợi chừng năm phút, Đeny quyết định phá tan bầu không khí im lặng:
- Bà Puốcvili này, tôi muốn nhờ bà một việc, nhưng bà phải hứa không nói với ai cơ - Bà ta gật đầu đồng ý - Tôi rất đội ơn bà Mery Giônxơn. Bà ấy đã giúp tôi rất nhiều khi tôi ốm. Tôi mong rằng bà ấy sẽ giúp tôi thêm một việc nữa. Dĩ nhiên, về phía tôi, cứ đòi hỏi mãi thế này là rất không biết điều - Anh lúng túng - Đại khái, tôi muốn gọi máy bay qua vô tuyến điện. Cần phải dẫn Âyđen đi tham quan đất nước, thành phố. Chúng tôi sẽ du ngoạn chừng một tuần hay chục hôm gì đó.
- Nhưng việc gì phải vội vàng thế - Bà Puốcvili cảnh giác - Có chuyện gì chăng?
- Nếu cô ấy không phản đối, chúng tôi sẽ cưới nhau.
- Nó biết chuyện này chưa?
- Chưa, tôi định dành cho cô ấy sự bất ngờ trước lúc lên đường.
Quả tình, Đeny không hề tính đến việc Âyđen có thể từ chối được...
- Anh thật kỳ quặc, anh Đeny ạ. Đặt điện là một công việc công khai. Anh phải khai rõ cùng vợ chưa cưới đi đâu, lúc nào. Vậy mà anh chỉ toàn có mơ với ước - Bà Puốcvili bật cười - Anh hãy về nhà kể hết cho Âyđen rồi bàn bạc với nó, còn sau đó thì tùy nó quyết định. Ngộ nhỡ nó không đồng ý lấy anh thì sao?
Âyđen đang đứng bên cửa sổ nhìn ra xa. Đeny ôm lấy cô - Em đồng ý lấy anh đi, chúng mình cần có nhau - cô cắn môi và xoay người đi - Em làm sao thế, đã nghĩ khác rồi à? Hay chúng mình không hợp nhau?
- Không, không sao, sao anh lại nói vậy, anh thân yêu. Có điều em chưa bao giờ ra khỏi đảo, còn anh chẳng bao lâu nữa đi khỏi nơi đây và bỏ em lại một mình.
- Anh chẳng bao giờ đi đâu cả - Đeny giận dỗi - Chắc chắn anh sẽ ở ngoài đảo trong hai năm tới. Hy vọng rằng em sẽ không phản đối một chuyến du lịch sau khi cưới trong đất liền. Em sửa soạn. Khởi đầu đang thuận lợi. Sau đó chúng mình sẽ còn đi vài chuyến nữa để em có dịp tham quan cả đất nước. Chúng mình sẽ đi đâu đó bằng xe lửa.
Buổi chiều, anh đến nhà bà Mery Giônxơn. Bà ấy cố bắt liên lạc với đất liền, nhưng do nhiễu mạnh quá nên chẳng nghe thấy gì. Bà Mery ngồi bên máy hơn nửa giờ đồng hồ. Đeny không còn kiên nhẫn thêm được nữa. Trước lúc Đeny ra về, họ giao ước là nếu bắt được liên lạc bà ấy sẽ bảo con đến gọi anh.
Hôm sau, Đeny có mặt ở nhà bà Mery. Vẫn không sao bắt được liên lạc. Chiếc máy thu im lặng một cách bướng bỉnh. Đeny trải qua một tuần khổ ải như thế. Hương xuân bắt đầu phảng phất và tuyết đã tan dưới ánh mặt trời.
Vào thứ bảy, lại một đòn nữa đợi anh ở nhà bà Mery - máy thu đã hỏng hẳn. Một bóng bị cháy, và muốn thay cần phải có thời gian. Bực quá, Đeny quay ngoắt ra và đóng sầm cửa lại. Dọc đường, anh sực nghĩ ra là có thể để tờ yêu cầu lại nhà bà Mery. Nếu may ra máy chữa xong sớm và bắt được liên lạc ngay thì anh khỏi mất công chạy từ đầu xóm đến cuối xóm. Lúc lại gần nhà bà Mery, Đeny dừng lại. Anh tưởng đâu nghe thấy giọng nói quen thuộc vang lên rất to: "Liên lạc được rồi, liên lạc được rồi" - ý nghĩ ấy thoáng qua trong óc anh và anh đấm vào cửa. Rất lâu, bà Mery không mở cửa, mãi sau bà mới xuất hiện với vẻ mệt mỏi và cau có.
- Thế nào, chữa xong, đang liên lạc rồi có phải không? Tôi nghe giọng nói. - Đeny hỏi nhát gừng - Chuyển yêu cầu cho tôi đi!
- Anh bị làm sao thế, anh Đeny? - Bà ta ngơ ngác nói - Anh nghe nhầm rồi. Chữa xong được cũng phải mất cả buổi chiều. Mà giọng nói nào cơ? Chắc lũ trẻ nhà tôi hò hét ngoài phố đấy thôi.
Đeny cố nài bà ta ngồi vào bàn máy. Bà Mery miễn cưỡng lại bàn, vặn thử. Tiếng lẹt xẹt vang lên. Đeny xin lỗi, chúc bà ta ngủ ngon rồi đi ra...
Tảng sáng, Đeny cắm cổ chạy ra bến cá, vừa kịp lúc dân chài xuống thuyền. Anh van nài họ đưa vào đất liền, hứa sẽ trả tiền gấp ba và sẽ đời đời nhớ ơn người nào mạo hiểm làm việc đó. Những người đánh cá cười ồ, nói rằng buổi chiều sẽ đem cá tươi đến cho anh. Đeny không chịu nhượng bộ, khi đó một người trong số họ giải thích cặn kẽ cho anh, như cho một thằng ngốc, rằng không thể bơi tới đất liền vào đầu xuân được, thuyền nhất định va phải băng và vỡ, còn máy bay thì phải đợi sang hè.
Về nhà, Đeny kể lại cho Âyđen nghe cả chuyện máy vô tuyến điện bị hỏng lẫn chuyện dân chài từ chối đề nghị của anh.
- Anh dại quá đi mất - Âyđen cười mỉa - Các bác đánh cá nói đúng đấy. Mùa băng trôi chưa bắt đầu cơ mà. Em không hiểu tại sao anh cần phải đi gấp như thế. Chừng một tháng, tháng rưỡi nữa là có tàu ra đảo. Thời gian trôi nhanh lắm, loáng cái thôi mà.
Giữ đúng lời hứa, dân chài gửi cá đến cho Đeny. Cậu bé đưa giỏ cá cho anh và bảo đó là quà biếu nhưng Đeny vẫn cứ nhét vào tay nó ít tiền. Thằng bé đi ra phía bờ biển, nhưng được mươi bước nó quay lại, đặt tiền trước cửa.
Giữa trưa. Đeny lại ra biển. Khi biết chắc rằng không có ai, anh cúi xuống mân mê sợi dây chão buộc chiếc thuyền đậu riêng bên phải cầu, tháo nút, sau đó lại buộc vào cẩn thận.
Về nhà, anh hạ va li xuống và cuống cuồng sửa soạn đồ đạc. Anh thậm chí không chú ý đến Âyđen đang đứng sững giữa cửa vì sửng sốt:
- Anh định đi đâu vậy?
- Đi khỏi nơi đây.
- Gì cơ? Máy bay đã đến rồi sao?
- Không, tôi đi một mình. Đi hẳn. Không chịu nổi nữa. Ngán lắm rồi. Tôi có làm thuê suốt đời cho các người trên đảo này đâu. Ta cùng đi, tôi đề nghị em lần cuối cùng. Người ta bố thí cho tôi hàng lô hàng lốc những thứ bỏ đi và không cho tôi trả tiền, làm như tôi vì thế mà phải nai lưng ra lao động khổ sai ở đây cho đến lúc xuống mồ. Thật cứ như trêu ngươi, cả cái máy vô tuyến điện cũng hỏng nốt. Mà trước đó nó vẫn làm việc bình thường.
- Anh không biết đấy thôi. Nó thỉnh thoảng vẫn bị trục trặc hàng tuần lễ. Có lần, đứt liên lạc tới hai tuần liền. Thời tiết đang kỳ hay biến động.
- Nhưng nó có hỏng hóc gì đâu. Bà ta cố chống chế, làm như tôi bị huyễn tưởng, và đó chỉ là lũ con bà ta hò hét ngoài đường cơ đấy.
- Bà ấy cũng có kể với em - Âyđen trả lời - Anh làm bà ấy hết sức khó xử. Anh xử sự kỳ cục quá. Bà Mery cho rằng anh vẫn chưa khỏi hẳn.
- Tôi cực kỳ khỏe khoắn. Cực kỳ! Chấm hết. Thế là đủ. Tôi nhắc lại. Tôi - đi - khỏi - nơi - đây. Đi bằng gì, chưa biết nhưng nhất định phải thoát khỏi nơi này. Có thể phải trả tiền thêm cho phi công. Sau đó tôi sẽ bay ra đón em.
- Chúng ta đã giao hẹn cùng đi tham quan một tuần cơ mà.
- Lúc đó tôi tính vậy, còn bây giờ khác. Em thử nhớ xem, mới một năm trời mà đã có những việc gì xảy ra. Chúng ta đã mất ba mạng người. Một người chết ngay trước mắt mà tôi bất lực. Em hiểu không, cuộc sống của chúng ta trên đảo chẳng có chút gì bảo đảm. Trong xóm cần có bác sĩ. Cần phải có cảnh sát. Không thể cứ ngắc ngoải như thế này mãi được.
Đeny với chiếc mũ ni lông của ông lão Giắc ốm từ trên mắc xuống, ném vào va li, sau đó chuẩn bị hai hòm thực phẩm. Lát sau, vì quá mệt, anh thấy lưng đau nhức. Anh ngả lưng nghỉ rồi thiếp đi và ngủ đến tận chiều.
Khi anh ra bến thì trời đã tối hẳn. Những chiếc thuyền vẫn đậu im lìm ở chỗ cũ. Đenny chạm vào sợi dây buộc và đột ngột cảm thấy cái lạnh buốt của kim loại. Những sợi dây chão đã biến mất. Tất cả các thuyền đều được ghì chặt vào bờ bằng xích sắt. Trong cơn tuyệt vọng. Đeny chạy suốt dãy thuyền im lìm, toan dùng sức phá tan các mắt xích. Đến lúc hiểu rằng chẳng có một tia hy vọng nào, anh giận dữ đạp tới tấp vào những sợi xích treo lủng lẳng.
Sáng ra, thằng con trai bà Mery Giônxơn chạy đến nhà Âyđen.
- Mẹ cháu đã chuyển được yêu cầu của chú rồi, chú Đeny ạ - Vừa thở hổn hển, nó vừa nói một thôi một hồi - Mẹ cháu không chắc lắm, nhưng có lẽ trong đất liền đã nhận được.
Đeny suýt nhẩy cẫng lên vì sung sướng. Anh phấn khởi ba ngày liền, nhưng đến cuối tuần lại rơi vào tình trạng ủ ê và luôn mồm lẩm bẩm: "Tôi không còn chờ được đến lúc đó". Âyđen hết sức an ủi anh, cố thuyết phục rằng nhất định máy bay sẽ đến, chỉ cần phải nhẫn nại. Tuyết đã tan hết, đây đó cỏ lác đác nhú lên. Đeny tiếp tục ra bến cá. Những con thuyền vẫn xích vào bờ như cũ, bình thản phơi mình dưới ánh nắng. Đeny đăm đăm nhìn về đất liền hiện ra mờ mờ một dải hẹp màu xanh nhạt sau màn sương biển. Dọc đường về nhà, bao giờ anh cũng dừng lại bên bờ đá quan sát những nụ hoa máu vừa bừng dậy sau sau mùa đông khắc nghiệt và đang lớn dần lên. Mỗi lần Đeny ngắt một chiếc lá xanh. "Ngày mồng một tháng tư - Đeny nhẩm tính trong đầu, sắp đến mồng một tháng tư. Không lẽ mình sắp ra đi?". Nhưng sau khi xoay chiếc lá trên ngón tay, anh sực nhớ rằng mình nhầm, tàu hàng phải ba tuần nữa mới ra tới nơi.
ở nhà anh đi lại vẩn vơ không mục đích, sau đó ngồi xuống ngẫm nghĩ về mình và Âyđen. Anh cố tập trung nhưng vô ích. Hàng nghìn bông hoa máu hiện ra chi chít trước mắt...
Ngô Tự Lập dịch
(Văn nghệ Quân đội)