Nhắc lại, Lỗ Túc vâng lệnh Châu Du đi thẳng xuống thuyền Khổng Minh để dò ý tứ.
Khổng Minh liền rước lên thuyền cùng nhau ngồi trò chuyện
Lỗ Túc nói:
- Luôn mấy hôm bận việc quân vụ, nên không đến thăm tiên sinh để nghe lời dạy bảo.
Khổng Minh nói:
- Chính Lượng cũng chưa kịp đến mừng Ðô Ðốc đấy.
Lỗ Túc hỏi:
- Mừng về chuyện chi?
Khổng Minh nói:
- Thôi đây, chính Công Cẩn sai tiên sinh đến đây dọ thử coi Lượng có biết hay không, sao mà còn dấu nhau?
Nhưng việc ấy thì đáng mừng lắm.
Lỗ Túc nghe nói giật mình sửng sốt hồi lâu mới hỏi:
- Vì đâu mà tiên sinh biết được?
Khổng Minh mỉm cười:
- Kế ấy chỉ lừa được Tưởng Cán mà thôi, còn Tào Tháo tuy lầm trong chốc lát, song cũng tỉnh ngộ lại ngay, nhưng ngoài miệng vẫn không chịu nhận là mình trúng kế. Nay Thái Mạo, Trương Doãn đã chết, Giang Ðông đã trút được mối lo rồi. Như vậy thì sao lại không ăn mừng? Tào Tháo lại sai Vu Cấm, Mao Giới làm Thủy sư Ðô Ðốc, ắt hai tay ấy chỉ làm uổng mạng mấy vạn thủy quân của Tào Tháo mà thôi.
Lỗ Túc nghe qua liền ngẩn người, mở miệng không ra, đành kiếm vài lời chống đỡ, nói chuyện hồi lâu rồi cáo từ ra về.
Khổng Minh lại dặn:
- Khi về trước mặt Công Cẩn, xin Tử Kính chớ nói Lượng biết rõ việc này từ trước nhé! Kẻo rồi Công Cẩn lại đem lòng ngờ ghét, kiếm chuyện hại Lượng đấy.
Lỗ Túc gật đầu xin nhớ. Nhưng khi về gặp Châu Du, Túc lại đem hết sự thật kể ra.
Châu Du kinh hãi nói:
- Người này thật không nên để, ta quyết giết hắn đi mới xong.
Lỗ Túc can:
- Nếu giết Khổng Minh, e rằng bị Tào Tháo cười cho.
Châu Du nói:
- Không sao! Ta sẽ lấy việc công đạo giết hắn, khiến hắn chết mà không thể oán ta...
Lỗ Túc hỏi:
- Dùng công đạo như thế nào mà giết được y?
Châu Du mỉm cười:
- Tử Kính đừng hỏi nữa. Ngày mai sẽ thấy...
Hôm sau, Châu Du triệu tập các tướng dưới trướng, rồi sai quân thỉnh Khổng Minh đến bàn việc.
Khổng Minh hớn hở đến liền.
Khi mọi người ngồi yên đâu đấy, Châu Du liền hỏi Khổng Minh:
- Nay đã gần ngày giao chiến với binh Tào. Vậy trên mặt nước cần lấy binh khí nào làm trọng?
Khổng Minh đáp:
- Ðánh nhau trên sông lớn, cần lấy cung tên làm chính.
Châu Du nói:
- Lời tiên sinh rất hợp ý ta. Ngặt vì hiện nay trong quân bị thiếu tên dùng. Vậy phiền tiên sinh đứng ra đốc xuất việc làm tên chống giặc. ây cũng là việc công, xin tiên sinh chớ từ chối.
Khổng Minh nói:
- Ðô Ðốc đã phó thác, tôi đâu dám từ nan. Vậy chẳng hay cần bao nhiêu tên, trong thời hạn bao nhiêu ngày?
Châu Du nói:
- Chừng mười vạn mũi tên, trong chừng mười hôm, liệu được chăng?
Khổng Minh đáp:
- Binh Tào gần đến nay mai, nếu đợi trong mười ngày thì hư việc lớn mất.
Châu Du hỏi:
- Vậy tiên sinh liệu chừng mấy hôm thì xong?
Khổng Minh đáp:
- Trong ba hôm, sẽ đem nạp mười vạn mũi tên cho Ðô Ðốc.
Châu Du nghiêm trang nói:
- Giữa chốn ba quân, xin tiên sinh chẳng nên nói chơi.
Khổng Minh nói:
- Tôi đâu dám nói chơi với Ðô Ðốc, nếu không tin xin cứ lấy Quân lệnh trọng. Trong ba ngày nếu không xong, tôi xin chịu tội.
Châu Du cả mừng, liền gọi quan Quân Chánh Tư đem giấy bút tới để Khổng Minh làm tờ Quân lệnh trạng trước mặt chư tướng, rồi bày rượu thết đãi, và nói:
- Chừng việc binh rãnh rồi, tôi sẽ tạ ơn khó nhọc của ngài.
Khổng Minh nói:
- Hôm nay không kịp, để ngày mai sẽ khởi sự. Qua ngày thứ ba, Ðô Ðốc sai năm trăm quân xuống dưới mé sông chở tên mang về...
Khổng Minh uống vài chén rồi từ biệt lui về.
Lỗ Túc ngơ ngác hỏi Châu Du:
- Y nói dối chăng?
Châu Du nói:
- Rõ ràng là hắn tự muốn tìm cái chết. Ta có bức bách gì hắn đâu? Nay hắn đã làm Quân lệnh trạng trước mặt chư tướng, dù hai chân hắn có mọc cánh mà bay cũng chẳng khỏi phen này. Ta chỉ việc dặn bọn lính thợ cố ý làm chậm, vật liệu thì không cung cấp đủ, ắt hắn phải sai hẹn. Bấy giờ bắt y ra trị tội, còn cãi làm sao? Bây giờ thì Tử Kính hãy tới dò xem hắn hành động thế nào, rồi về cho ta biết...
Lỗ Túc lãnh mạng đến thăm Khổng Minh.
Khổng Minh trách ngay:
- Tôi đã dặn Tử Kính giấu dùm đừng nói thật với Công Cẩn, sợ Công Cẩn ganh tỵ mà hại tôi. Ai ngờ Tử Kính không giữ cho. Quả nhiên hôm nay xảy ra cơ sự. Trong vòng ba ngày, tôi làm sao chế kịp mười vạn mũi tên? Thôi, Tử Kính đành phải cứu ta vậy.
Lỗ Túc thở dài nói:
- Tại ông chuốc lấy họa vào mình, tôi cứu làm sao được?
Khổng Minh nói:
- Thôi thì Tử Kính giúp dùm tôi cho mượn hai mươi chiếc thuyền, mỗi chiếc có chừng ba mươi quân sĩ, trên thuyền dùng vải xanh làm màn che xung quanh, lại bó cỏ với rơm cho nhiều, tôi sẽ có chước hay.
Lỗ Túc không biết Khổng Minh muốn làm gì, liền hỏi:
- Sao tiên sinh không lo việc làm tên cho đủ, lại nghĩ việc gì thế?
Khổng Minh nói:
- Trong ba ngày, tôi sẽ có mười vạn thì thôi chớ. Xin Tử Kính nhớ kỹ một điều là đừng nói gì với Công Cẩn nhé. Nếu Công Cẩn biết rõ, thì chước của tôi sẽ hỏng ngay.
Lỗ Túc nhận lời, nhưng vẫn không hiểu Khổng Minh định làm gì? Rồi về ra mắt Châu Du.
Châu Du hỏi:
- Khổng Minh đã đốc quân sĩ làm tên chưa?
Lỗ Túc nói:
- Thấy hắn cứ ngồi uống rượu cả ngày, lại nói rằng không cần dùng đến tre gỗ, lông chim, sơn nhựa, hay vật liệu gì cả... cứ nói rằng: "Sẽ có cách làm xong việc."
Châu Du cười nói:
- Cái chết đã kề một bên mà không lo. Ðể quá ba ngày rồi sẽ coi hắn phúc bẩm ra sao?
Còn Lỗ Túc thì đem những người thân tín đi lựa hai mươi chiến thuyền nhanh và nhẹ, mỗi thuyền cắt đặt hơn ba mươi người chèo chống, lại căng vải xanh, buộc bó cỏ, mọi đồ sắp sẳn đầy đủ để Khổng Minh điều dụng.
Qua ngày thứ nhất, chẳng thấy Khổng Minh hành động chi hết.
Ðến ngày thứ hai, Châu Du lại sai Lỗ Túc đến để thăm dò hư thiệt.
Lỗ Túc đến thấy Khổng Minh đang ngồi uống rượu.
Lỗ Túc cũng về báo lại với Châu Du.
Châu Du chỉ cười, không biết như thế nào?
Dến ngày thứ ba, vào đầu canh tư, Khổng Minh bỗng bí mật cho mời Lỗ Túc đến uống rượu.
Lỗ Túc thất kinh hỏi Khổng Minh:
- Công việc đã gấp rồi, sao tiên sinh cứ ngồi uống rượu mãi như vậy?
Khổng Minh nói:
- Uống vài chén cho vui rồi sẽ đi lấy tên cũng chẳng muộn.
Lỗ Túc hỏi:
- Ði lấy ở đâu?
Khổng Minh cười:
- Tử Kính đừng hỏi nữa. Cứ ra đi rồi sẽ thấy...
Sau đó, lại sai người lấy dây chạc dài, buộc hai mươi chiếc thuyền liền lại với nhau, rồi bảo quân nhắm bờ phía Bắc thẳng tới.
Ðêm ấy, sương mù xuống mịt trời.
Trên mặt nước Trường Giang sương lại càng dày đặc hơn nữa, giáp mặt không trông thấy nhau.
Khổng Minh thúc đoàn thuyền lướt tới thẳng tới phía Bắc, như tiến vào chỗ mù mịt vô tận vậy.
Người xưa có bài phú "Sương mù Trường giang" như sau:
Sông Trường giang vĩ đại thay!
Mân nga (1) muôn dặm trời Tây bắt nguồn.
Quanh co sóng nước trào tuôn,
Xuống Tam Ngô để đổ dồn về Ðông.
Bắc phương trút chín cửa sông,
Thêm trăm nhánh nhỏ, nước cùng ra khơi.
Sóng dân đã trải ngàn đời,
Rồng thiêng uốn khúc khi rời Thủy cung.
Cá kình trăm trượng vẫy vùng,
Thuồng luồng ba miệng, ngô công chín đầu.
Muôn loài thủy tộc đâu đâu,
Cùng về tụ họp, dòng sâu thỏa tình.
Quỷ thần càn rõ oai linh,
Anh hùng cát cứ, nương mình nơi đây.
Bốn phương binh lửa tơi bời,
Âm dương hỗn loạn, đêm ngày khôn phân.
Trời xanh xanh ngắt mấy tầng,
Bỗng đâu cuồn cuộn, sương dâng mịt mùng.
Dẫu thuyền trước mặt khó trông,
Chỉ nghe chiêng trống đùng đùng bên tai.
Mịt mờ từ lúc sơ khai,
Núi Nam hổ báo nép vai ẩn hình.
Dần dần đông đặc như mành,
Buông chìm đáy nước, nghê, kình hôn mê...
Cuối cùng trời đất liền kề,
Sương dày như thể thời kỳ Hỗn mang.
Hỗn mang vô tận không gian,
Kình, nghê vọt nước sóng tràn nhấp nhô.
Giảo long sủi bọt đáy sâu,
Sương dầy quyện nước, đục ngầu núi sông.
Như rừng mơ đắp đầy sông,
Như hơi khói rượu đang đông giữa vò.
Mịt mùng một cỷi hư vô,
Phía Ðông trùm kín bến bờ Sài tang.
Phía Nam trông lại ng ỡ ngàng,
Còn đâu Hạ khẩu, núi ngàn nhấp nhô?
Chiến thuyền ngàn chiếc thấy đâu?
Sóng rung muốn nuốt thuyền câu giữa giòng.
Chỉ còn một khối mông lung,
Rạng đông bỗng hóa hoàng hôn bất ngờ.
Trời liền với nước đục lờ,
Dẫu tài Ðại Vũ (2) khôn dò nông sâu.
Mờ mờ ảo ảo một màu,
Nhn ra một thước, dễ hầu thấy chi?
Sóng im nhờ phép Bằng Di (3),
Nhờ thần Bình Hệ (4) dễ bề lập công.
Cá rùa chìm lỉm đáy sông,
Chim muông ẩn tích biệt tung hết rồi.
Bồng lai tiên đảo cách vời,
Sương vây kín cả cửa Trời ngất ngư.
Ðùng đùng kéo tới như mưa,
Cuộn tròn như thể mây thưa trộn dầy.
Ðộc xà dễ ẩn nơi đây,
Khí sinh chướng lệ bệnh lây nặng nề.
Chứa đầy yêu quỷ gớm ghê,
Rình chờ gieo họa bất kỳ cho dân.
Ải quan gió lộng bất thần,
Người thường trúng bệnh, đại nhân cảm hoài.
Vo tròn một khối đất trời,
Sương gây hỗn loạn như thời Hồng hoang...
Ðầu canh năm đêm ấy, tiến sát đến thủy trại của Tào Tháo, Khổng Minh sai thủy thủ dàn ngang đoàn thuyền ra, đầu bên Ðông, đuôi bên Tây, rồi đánh trống vang trời, hò reo ầm ĩ.
Lỗ Túc sợ hãi nói:
- Nếu binh Tào kéo ra thì liệu làm sao?
Khổng Minh cười đáp:
- Tôi liệu trời đang sương mù, Tào Tháo chẳng dám ra, chúng ta cứ việc uống rượu chơi cho vui. Ðợi tan sương hãy về.
Bấy giờ, Tào Tháo đang ở trong trại, chợt nghe trống đánh, quân reo vang dậy ngoài sông, thì giật mình.
Rồi hai tướng Mao Giới, Vu Cấm lật đật chạy vào cấp báo.
Tào Tháo bèn truyền lệnh:
- Sương mù mờ mịt, chúng bất thần kéo đến, ắt có phục binh, không nên khinh mà ra đánh. Phải truyền quân sĩ dùng cung nỏ bắn cho nhiều.
Hai tướng vâng lệnh lui ra. Tào Tháo lại sai người thẳng lên trại bộ đòi Trương Liêu và Từ Hoảng, mỗi người phải đem ba ngàn quân cung tên sẳn sàng bắn giúp.
Bấy giờ Vu Cấm, Mao Giới sợ Nam quân đánh rấn vào thủy trại, đã huy động thủy quân dàn ra trước mà bắn như mưa. Chốc lát, quân trên trại bộ lại kéo đến giúp sức.
Thế là hai quân thủy bộ hơn một vạn người cứ nhắm ra mặt sông, chỗ có tiếng reo hò mà bắn loạn xạ!
Ai nấy giang thẳng cánh, hì hà hì hục bắn tên như mưa rào.
Khổng Minh đợi một lát, lại ra lệnh cho đoàn thuyền trở mình, đầu quay về Tây, đuôi lộn về Ðông, rồi sấn gần mãi vào trại Tào, đưa hông bên kia ra... chịu bắn! Lại sai đánh trống mạnh liên hồi, hò thét dữ dội hơn nữa.
Quân Tào càng hoảng sợ, càng bắn nhanh, bắn loạn bội phần.
Cho đến khi mặt trời lên cao, sương mỏng rồi tan dần, Khổng Minh liền truyền quân lui thuyền ra xa lập tức.
Bấy giờ, hai "bức thành cỏ" trên hai mươi chiếc thuyền đã cắm chi chít những tên như lông chim.
Quân Tào xem lại thì chỉ thấy chừng hai chục chiếc thuyền toàn là rơm với cỏ.
Vu Cấm tức giận muốn đuổi theo, nhưng lúc đó thuyền của Khổng Minh đi đã lướt theo đà nước chạy về như bay, cách xa hơn hai mươi dặm, không tài nào đuổi kịp nữa.
Khổng Minh lại sai hết thảy quân sĩ trong thuyền hô lớn lên một loạt rằng:
- Tạ ơn Thừa Tướng đã tặng tên.
Tào Tháo nghe quân báo lại, tức giận vô cùng.
Còn Khổng Minh thu thuyền về đến bến, bảo Lỗ Túc:
- Trên mỗi chiếc thuyền ước chừng năm, sáu ngàn mũi tên. Thật là bên Giang Ðông chẳng nhọc sức tí nào mà có hơn mười vạn mũi tên. Nay mai đem bắn "trả lại" quân Tào thì chẳng tiện lợi lắm ư?
Lỗ Túc tấm tắc khen:
- Tiên sinh thật là thần nhân đó! Làm sao lại biết trước đêm nay có sương mù lớn?
Khổng Minh nói:
- Làm tướng mà không biết xem thiên văn, không thông địa lý, không có thuật lạ, không biết âm dương, không thạo binh thư, không biết trận đồ, không rõ binh thế... đó là tướng dỡ. Trước ba ngày, Lượng này coi khí tượng và đã đoán biết đêm nay có sương mù dày đặc, nên mới dám chịu một thời hạn gấp như vậy. Chứ Công Cẩn cho ta mười ngày để làm tên, mà thợ thuyền bê trễ, vật liệu không cấp đủ, thì mấy tháng cũng không xong! Rõ ràng Công Cẩn muốn giáng cho ta cái tội "phong lưu" vạ miệng, cố ý giết ta, nhưng làm sao hại ta được? Số mệnh ta tại trời!
Lỗ Túc hết lòng bái phục. Lúc thuyền về đến bến, thì đã thấy năm trăm quân lực lưỡng của Châu Du đến nơi mé sông để chở tên về.
Khổng Minh liền chỉ tay xuống thuyền bảo:
- Chúng bây xuống đó nhổ tên đem về nạp cho Ðô Ðốc.
Ba quân tuân lệnh, xuống thuyền nhổ hết, cộng cả thấy hơn mười vạn, rồi chở về nạp cho Châu Du.
Lỗ Túc lại trở về ra mắt Châu Du, và thuật lại việc Khổng Minh đi lấy tên bên Tào Tháo cho Châu Du nghe.
Châu Du kinh ngạc, ngước mặt than:
- Gia Cát Lượng thật là thần cơ diệu toán, ta thật không bằng!
Người sau có thơ rằng:
Trường giang sương đặc, đất trời mờ,
Giáp mặt khôn nhìn, tựa giấc mơ.
Tên bắn như mưa vào chiến hạm,
Chu lang đã phục Khổng Minh chưa?
Sau đó, Khổng Minh lại vào trướng ra mắt Châu Du.
Châu Du vội vã ra rước vào và nói:
- Tiên sinh toán liệu như thần, ai cũng kính phục.
Khổng Minh nói:
- Cái quỷ kế nhỏ mọn ấy, có gì là lạ?
Châu Du lại mời Khổng Minh vào ngồi cùng uống rượu rồi nói:
- Hôm qua Chúa công tôi sai sứ tới thúc giục tiến binh. Nhưng Du chưa có kế gì lạ. Mong tiên sinh dạy bảo cho?
Khổng Minh nói:
- Lượng là kẻ tầm thường, làm gì có diệu kế?
Châu Du ngẫm nghĩ... rồi hạ giọng bảo:
- Hôm trước, tôi quan sát thủy trại của quân Tào, thấy thật là nghiêm chỉnh đúng phép, không dễ mà phá được. Tôi có nghĩ được một kế mà không biết có nên dùng chăng? Xin tiên sinh quyết định dùm cho...
Khổng Minh vội nói:
- Ấy, Ðô Ðốc đừng nói vội. Ta hãy cùng viết vào bàn tay rồi giơ ra xem thử coi có hợp ý nhau chăng?
Châu Du mừng rỡ, liền bảo đem nghiên bút ra, rồi m ngầm viết vào lòng bàn tay mình, rồi đưa bút cho Khổng Minh. Khổng Minh cũng bí mật viết một chữ vào tay mình. Xong rồi, hai người cùng nhích lại gần, xòe tay ra cho nhau xem, bất giác cùng cười ha hả.
Thì ra cái chữ trong lòng bàn tay Châu Du là chữ "hỏa", và Khổng Minh cũng đã viết vào tay mình một chữ "hỏa".
Châu Du đắc ý cười ngất, nói:
- Ý kiến của hai ta đã giống nhau, không còn ngại gì nữa, vậy xin chớ tiết lộ nhé.
Khổng Minh nói:
- Việc công tối hệ trọng của hai nhà, lẽ nào để tiết lộ? Lúc tôi còn ở Tân Dã đã dùng lửa đốt binh Tào đã hai phen, song đến nay nó vẫn chưa đề phòng. Ðô Ðốc cứ dùng cho hết sức là phải được.
Uống rượu xong, hai bên chia tay. Các tướng thấy thế, chẳng hiểu là mưu định việc gì?
Nói về Tào Tháo, từ ngày mất một lúc mười lăm, mười sáu vạn mũi tên, lòng buồn rầu vô cùng.
Tuân Du dâng kế rằng:
- Bên Ðông Ngô có Gia Cát Lượng và Châu Du, hai người hợp trí bầy mưu, thực khó đánh gấp cho được. Vậy phải sai người qua Ðông Ngô trá hàng để làm nội ứng, để thông báo tin tức chắc chắn về, rồi mới mong phá giặc được.
Tào Tháo nói:
- Lời ấy rất hay, ngươi liệu thử xem trong quân đây, ai có thể làm kế ấy được?
Tuân Du nói:
- Thái Mạo bị giết, mà anh em họ Thái còn ở đây cả. Hiện có Thái Trung, Thái Hòa là hai anh em họ của Mạo đang làm Phó tướng. Thừa tướng nên thỉnh hai người đến hậu đãi, và sai đến trá hàng, ắt địch không nghi ngờ gì.
Tào Tháo y kế, ngay đêm ấy bí mật truyền đòi Thái Trung, Thái Hòa vào trướng an ủi, dặn dò:
- Hai anh em ngươi hãy dẫn chừng một ít binh sĩ sang Ðông Ngô trá hàng, dò la động tĩnh, kễ có tin gì thì cho người mật báo về. Sau khi việc thành, sẽ được trọng thưởng rất lớn. Chớ có hai lòng nhé!
Hai người bẩm:
- Vợ con, quyến thuộc chúng tôi đều ở Kinh châu cả, đâu dám hai lòng? Xin Thừa Tướng đừng ngờ. Hai chúng tôi quyết chém đầu Châu Du, Gia Cát Lượng về dâng nạp dưới trướng.
Tháo thưởng cho rất hậu. Hôm sau, hai người đem năm trăm quân với vài chiếc thuyền, thuận buồm xuôi gió, lướt sang bờ phía Nam.
Hôm ấy, Châu Du đang họp chư tướng nghị kế khởi binh, bỗng có quân vào báo:
- Thuyền bên Giang bắc có hai người đều xưng là em của Thái Mạo là Thái Trung và Thái Hòa đến xin đầu hàng.
Châu Du truyền quân đòi vào.
Hai người vào đến nơi khóc lạy nói:
- Anh tôi là Thái Mạo chẳng có tội chi, mà Tào Tháo nỡ giết đi. Hai chúng tôi muốn báo thù cho anh, xin tới bái hàng, mong được Ðô Ðốc thu dùng. Chúng tôi tình nguyện đi tiền bộ.
Châu Du mừng ra mặt, liền trọng thưởng hai người, rồi sai Cam Ninh dẫn hai người ấy theo làm Tiên phong.
Hai người lạy tạ và nghĩ thầm:
- Châu Du đã trúng kế ta.
Châu Du lại lén đòi Cam Ninh đến dặn nhỏ:
- Hai tên ấy không đem vợ con theo, tức là không thực bụng đầu hàng, ắt là Tào Tháo sai đến đây trá hàng. Nay ta muốn "nhân kế nó làm kế mình", để cho chúng thông báo tin tức. Ngươi phải ân cần đối đãi chúng nó cho tử tế, và cũng phải đề phòng chúng nó thật cẩn thận. Ðợi đến ngày xuất quân rồi sẽ chém đầu hai đứa làm lễ tế cờ. Ngươi phải lưu tâm cẩn mật, chớ để lỡ việc...
Cam Ninh lãnh mạng lui ra. Lỗ Túc vào nói với Châu Du:
- Thái Trung và Thái Hòa hàng đây là dối trá, chớ có thâu dụng.
Châu Du nạt:
- Chúng nó bị Tào Tháo giết anh, nên đến đây hàng ta để lo kế báo cừu, còn dối trá vào đâu! Tử Kính cứ đa nghi như thế, còn dung kẻ sĩ thiên hạ sao được?
Lỗ Túc lặng thinh lui ra, rồi qua nói với Khổng Minh.
Khổng Minh chỉ cười không đáp.
Lỗ Túc hỏi:
- Cớ chi tiên sinh không nói, lại cười như vậy?
Khổng Minh nói:
- Tôi cười Tử Kính không rõ kế của Công Cẩn. Sông Trường giang rộng lớn mênh mông, đôi bờ xa cách, quân tế tác khó đi lại, nên Tào Tháo sai hai tướng ấy giả hàng để dò trộm việc quân của ta. Công Cẩn đã "tương kế tựu kế", để cho chúng nó thông báo tin tức... theo ý mình. Việc binh càng lừa dối được nhiều thì càng hay. Ấy là mưu của Công Cẩn đó.
Chừng ấy, Lỗ Túc mới biết mình lầm.
Một đêm kia, Châu Du đang ngồi trong trướng, bỗng thấy Hoàng Cái vào ra mắt. Châu Du hỏi:
- Công Phúc đêm hôm đến đây chắc có mưu kế hay dạy ta chăng?
Hoàng Cái đáp:
- Hạ đông mình ít, cự sao cho lại. Sao không dùng lửa đốt chúng nó cho rồi?
Châu Du liền hỏi:
- Ai dạy ông dâng kế ấy?
Hoàng Cái đáp:
- Xuất ý tự tôi, chẳng ai dạy cả.
Châu Du nói:
- Ta muốn làm kế ấy nên để bọn Thái Trung, Thái Hòa ở đây thông tin tức, ngặt vì chẳng có người nào làm kế trá hàng cho ta.
Hoàng Cái hăng hái nói:
- Tôi xin chịu làm kế ấy cho.
Châu Du nói:
- Nếu chẳng chịu đòn thì làm sao cho Tháo tin được?
Hoàng Cái nói:
- Tôi mang ơn họ Tôn rất hậu, dù phơi gan trải mật cũng chẳng sờn.
Châu Du nghe nói, liền chấp tay cảm tạ và nói:
- Nếu ông chịu làm cái kế "khổ nhục" ấy, thì vạn phúc cho Giang Ðông!
Hoàng Cái nói:
- Tôi dù phải chết cũng không tiếc thân.
Bèn từ biệt lui ra.
Hôm sau, Châu Du nổi trống nhóm hết chư tướng dưới trướng.
Khổng Minh cũng có mặt. Châu Du truyền rằng:
- Nay Tào Tháo kéo binh hơn trăm vạn, lập thủy trại kiên cố, đóng dàn suốt ba trăm dặm. Ta liệu thế chưa phá được nên truyền cho chư tướng và binh sĩ, mỗi người phải nhận lãnh một số lương đủ dùng trong ba tháng để ngăn chống quân giặc...
Nói chưa dứt lời, bỗng Hoàng Cái bước ra lớn tiếng nói:
- Chớ nói là ba tháng, dầu cho sắm lương thảo đủ ba mươi tháng đi nữa cũng không làm được việc gì. Nếu liệu phá nổi thì nội trong tháng này phải phá ngay đi. Nếu không được thế, thì chỉ còn cách là nghe theo Trương Tử Bố, bó gươm cởi giáp, ngoảnh mặt về hướng Bắc mà xin hàng.
Châu Du mặt biến sắc, đùng đùng nổi giận mắng:
- Ta vâng lệnh Chúa công, đốc quân phá Tào. Kẻ nào dám nói đến việc đầu hàng thì chém đầu. Nay lúc quân hai bên đang đối địch, sao nguơi dám buông lời nói như vậy, làm nản lòng quân như thế? Nếu không chém đầu ngươi thì làm sao răn được quân tướng?
Mắng rồi, thét tả hữu lôi Hoàng Cái đem chém.
Hoàng Cái giận dữ, cũng vùng lên mắng rằng:
- Tao từ ngày theo Phá Lỗ Tướng quân (5), tung hoành khắp miền Ðông Nam thiên hạ này đã trải ba đời. Mãi đến nay mới thấy cái mặt mày chứ!
Châu Du vô cùng giận dữ, thét chém lập tức.
Cam Ninh thấy thế bước tới can:
- Công Phúc là vị cựu thần Ðông Ngô. Xin Ðô Ðốc khoan thứ cho.
Châu Du mắng luôn:
- Ngươi dám lôi thôi, làm loạn quân pháp của ta à?
Lập tức sai tả hãu lấy roi đánh đuổi Cam Ninh loạn xạ.
Các quan phải quỳ cả xuống mà xin rằng:
- Tội Hoàng Cái đáng lý phải chết. Nhưng lúc này giết tướng, e bất lợi cho ba quân. Xin Ðô Ðốc tạm tha cho, cứ ghi lấy tội. Ðợi phá xong quân Tào, bấy giờ hãy trị cũng chưa muộn.
Châu Du còn căm giận, chưa chịu tha. Các quan phải hết lời van lơn mãi, Du mới nói:
- Nếu ta chẳng vị mặt các quan, ắt đầu ngươi đã rụng rồi! Nay hãy tạm gởi cái đầu đó. Tuy tội chết được tha, song tội sống khó tha.
Dứt lời, truyền tả hữu quật Hoàng Cái xuống đánh một trăm roi.
Các quan lại lăn vào xin tha.
Du nổi giận, xô đổ cái án xuống đất, đuổi các quan ra, rồi thét đánh Hoàng Cái lập tức.
Quân sĩ đem Hoàng Cái lột hết áo mão, đánh đến thịt nát máu văng, chết đi sống lại mấy lần. Khi tả hữu đánh được năm mươi roi, các quan lại lăn vào hết sức van xin, Du mới chịu thôi.
Châu Du trỏ mặt Hoàng Cái mà mắng:
- Ngươi dám coi thường ta à? Hãy gửi lại năm mươi roi đấy, nếu còn tái phạm sẽ trị hai tội nhập một.
Mắng rồi vùng vằng lui vào trướng. Các quan đ ỡ Hoàng Cái dậy, thấy thịt da tan nát, máu me đầm đìa. Khi được dìu về trại, Hoàng Cái ngất đi mấy lần. Các tướng đến hỏi thăm, ai cũng ứa nước mắt.
Về phần Lỗ Túc cũng đến thăm, rồi đi thẳng đến gặp Khổng Minh, rồi nói như trách rằng:
- Hôm Công Cẩn nổi giận trừng phạt Hoàng Công Phúc. Bọn chúng tôi là bộ hạ, chẳng ai dám can nhiều đã đành... Chứ như tiên sinh là khách mà sao cứ khoanh tay ngồi nhìn, không nói giúp một lời?
Khổng Minh cười nói:
- Thế ra Tử Kính vẫn dối ta!
Lỗ Túc ngạc nhiên nói:
- Túc này từ ngày đưa tiên sinh qua sông về đây, chưa hề dối trá hoặc dấu giếm nhau chuyện gì. Sao nay tiên sinh lại nói thế?
Khổng Minh nói:
- Tử Kính há lại không biết việc đánh đập Hoàng Công Phúc tàn nhẫn hôm nay, chính là mẹo của Công Cẩn ư?
Còn bảo ta can thiệp vào làm gì?
Chừng đó Lỗ Túc mới biết.
Khổng Minh lại nói:
- Nếu chẳng dùng "khổ nhục kế" thì gạt sao được Tào Tháo? Nay mai ắt Công Cẩn sai Hoàng Công Phúc đi trá hàng, lại thêm Thái Trung, Thái Hòa mật báo về nữa, gì mà Tháo chẳng tin! Nhưng xin nhớ cho rằng khi về gặp Công Cẩn, Tử Kính chớ có nói Lượng đã biết trước cái mưu này nhé! Cứ nói rằng: "Lượng oán trách Ðô Ðốc quá khắt nghiệt..."
Lỗ Túc từ biệt, về ra mắt Châu Du. Du mời ra tận sau trướng nói chuyện.
Lỗ Túc nghĩ thầm:
- Khổng Minh là kẻ anh tài đáng phục, nay hai bên đánh nhau chưa yên, Công Cẩn lại cứ cố tình hại mạng, vậy ta phải giấu cho yên chuyện
Nghĩ rồi, Lỗ Túc hỏi Châu Du:
- Sao hôm nay Ðô Ðốc trừng phạt Công Phúc nặng nề thế?
Công Cẩn hỏi:
- Chư tướng có ai oán giận ta không?
Lỗ Túc đáp:
- Có nhiều người chẳng an lòng.
Châu Du hỏi:
- Còn ý Gia Cát Lượng thì thế nào?
Lỗ Túc nói:
- Hắn than trách Ðô Ðốc là người quá khắc khe và bạc tình.
Châu Du thích chí, cười lớn nói:
- Phen này ta mới che mắt được hắn.
Lỗ Túc hỏi:
- Thế là nghĩa làm sao?
Châu Du đáp:
- Tử Kính chưa rõ. Hôm nay ta đánh Hoàng Công Phúc một trận thật đau, đó là vì ta muốn dùng mẹo sai y đi trá hàng, nên làm "khổ nhục kế" đó. Như vậy mới gạt được Tào Tháo chớ. Rồi ta sẽ thừa dịp mà đánh hỏa công, ắt thủ thắng.
Lỗ Túc chịu phục Khổng Minh là người cao kiến.
Nói về Hoàng Cái bị đòn về nằm trong trướng được các tướng lần lượt đến thăm.
Hoàng Cái chẳng nói chẳng rằng, chỉ thở dài mà thôi. Bỗng có người vào báo:
- Có quan Tham mưu Hám Trạch đến thăm.
Hoàng Cái cho mời vào bên giường, rồi đuổi hết tả hữu ra ngoài. Sau vài lời thăm bệnh, Hám Trạch hỏi:
- Tướng quân có mối thù gì với Ðô Ðốc chăng?
Hoàng Cái đáp:
- Không!
Hám Trạch liền nói:
- Nếu vậy trận đòn hôm nay phải chăng là kế khổ nhục?
Hoàng Cái vội hỏi:
- Sao ông lại biết?
Hám Trạch nói:
- Tôi xem điệu bộ Ðô Ðốc mà đoán biết tám, chín phần...
Hoàng Cái nói:
- Tôi thọ ơn của Ngô hầu ba đời rất nặng, không biếtlấy chi đền đáp, nên nay tôi nguyện dâng kế ấy phá binh Tào. Xương thịt tuy đau đớn mà vẫn không tiếc hận. Nay xem trong quân, chẳng có người nào đáng là tâm phúc, chỉ có một mình ông là người trung nghĩa rõ rệt mà thôi, nên tôi mới dám tỏ thật chuyện này.
Hám Trạch nói:
- Ông nói thế có nghĩa là muốn tôi đem thư trá hàng đưa cho Tào Tháo chứ gì?
Hoàng Cái ân cần nói:
- Quả thật lòng tôi như thế! Chẳng biết ông có vui lòng không?
Hám Trạch khẳng khái nhận lời.
Ðó chính là:
Dũng tướng liều mình mong báo Chúa,
Mưu thần vì nước biểu đồng tâm.
Chú thích:
Mân nga là là tên mấy dãy núi cao ở trung tâm Châu Á.
Vua Vũ nhà Hạ có công trị nạn Hồng thủy cứu dân.
Bằng Di là tên một vị thần
Bình Hệ là tên một vị thần
Tức là Tôn Kiên