Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Câu chuyện nhà sư

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 5811 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Câu chuyện nhà sư
Nguyễn bá Học
Ngày tháng 6 năm 1906, vừa độ các trường nghỉ hè, tôi cũng đi thăm một vị sư ở chùa hàng Bưởi, về hạt Thuận
Thành tỉnh Bắc Ninh. Đến nơi thì bản sư cùng tăng chúng đi đọc hạ1 bên chùa Thiên Thai, từ mấy hôm trước. Bấy giờ
trời đã gần hôm, tôi phải nghỉ lại đó. Một mình ngồi trong phòng khách trông sang hiên tây, vắng ngắt không có
người đi lại. Bóng chiều phản chiếu, lá cây lẫn với rêu sân một màu nhàn nhạt, trong cảnh thanh tịch hiện ra một cái
vẻ thê lương, khiến cho lòng kẻ khách du ngao ngán nỗi mây ngàn hạc nội.
Trong một cái phòng sâu và tối, nghe có tiếng người ho khoải khắc2. Hỏi ra mới biết là một vị hành tăng3 tạm trụ cảnh
chùa để xem kinh và dưỡng bệnh. Tôi liền tới nơi, có ý cùng sư nói mấy câu chuyện nhà chùa cho khuây cơn sầu
tịch.
Bước vào, vừa thấy một người chừng năm mươi tuổi, mặt xanh mình gầy, ngồi tựa lưng vào cột, nét mặt đăm đăm,
trông ra cửa sổ, thỉnh thoảng thở dài một cái, như đem bao nhiêu cái uất cái não đã chất chứa trong óc nhờ hơi thở để
tiết ra bên ngoài. Tôi sẽ lên tiếng mà chào:
- A di đà Phật! Tôi là người có quyến thuộc với sư bản tự4 đến chào người.

.1. Mỗi năm, sư tăng phải tập trung học tập kinh sách một thời gian, vào mùa hạ, nên gọi là "kết hạ", "đọc hạ".
2. Như khúc khắc.
3. Vị sư đi vân du nơi này nơi khác.
4. Chùa sở tại.

Người kia nhìn tôi lúc lâu, rồi nói một tiếng nặng nề rằng:
- Thầy hãy đứng xa tôi ra. Tôi là một người có tội: tôi là người sắp xuống địa ngục. Thầy hỏi tôi làm gì?
Tôi nghe nói phát lạnh cả người, như mình đứng bên ma quỷ. Tôi nói:
- Tội nghiệp thay, người ở cảnh nào? Người có bệnh gì? Sao người không vào nhà thương mà uống thuốc?
Người kia nói:
- Tôi không có nơi thường trụ. Bệnh tôi đã lâu, không có thể chữa khỏi, mà cũng không ai có thể chữa khỏi; chẳng
bao lâu mà tôi sẽ ra người dưới cửu trùng địa ngục. Thôi, thầy về phòng khách mà nghỉ.
Nói rồi cứ đăm đăm trông ra cửa sổ.
Tôi lui về phòng khách, cứ một mình mình nghĩ: người này hẳn có oan nghiệt gì đây, cho nên cái lương tâm nó cứ dõi
theo mà cắn giắt1, ấy là một sự hình phạt rất nặng. Than ôi sinh, lão, bệnh, tử là bốn nghiệp của loài người, đã có thân
phải có nghiệp. Kìa người đã xả thân diệt tục còn phải mang lấy nghiệp vào mình, huống chi người túng dục tứ tình2,
biết bao giờ cho ra khỏi bến mê bể khổ.
Đương ngồi đương nghĩ thấy thoáng có bóng người vào cửa, như có hơi gió lạnh thổi lọt vào mình, sởn cả gai ốc.
Trông ra thì là người bên tây hiên, bước vào kéo ghế mà ngồi. Tôi cũng vội vàng đứng lên mà chào hỏi. Người kia liền
nói:
- Hẳn thầy đang nghĩ ngợi về việc tôi. Nếu tôi không nói chuyện cho thầy nghe, để cái nghi đoan3 bận trí khôn cho
thầy cũng không phải. Vả lại, chẳng bao lâu mà tôi sẽ bỏ cái thế giới này, cũng nên đem chuyện mình để làm gương
cho thiên hạ. Tôi xem thầy cũng là người văn sĩ, cũng nên ký lấy những nỗi khắt khe ở đời, điều hay để mà khuyên,
điều dở để mà răn, cũng không phải là sự vô ích.

.1. Cắn rứt.
2. Buông thả tình dục.
3. Mối ngờ.

Tôi nói:
- Người ta ai cũng có điều hay điều dở, hễ biết dở ấy là người hay. Cho nên đạo Thích ca cho chúng sinh sám hối, đạo
Thiên chúa cho con chiên rửa tội. Nếu người đã sẵn lòng nói thật, tự mình không phụ với lương tâm, trời Phật nào
chẳng chứng minh cho lòng người ngay thật.
Người kia ngồi đối diện với tôi mà nói:
- Tôi họ Trần, hiệu là Nguyễn Khuê, người Hà Đông. Cha mẹ mất sớm ở với chị, cũng cho ăn đi học. Năm 15 tuổi chị
chết, anh rể lấy vợ khác, thế không ở được, phải bỏ mà đi. May gặp một bà họ Lý, ở một làng bên, thấy con nhà khốn
khó, đem về mà nuôi. Bà không có con trai, chỉ nuôi một người cháu gái tên là Lý cô. Bà thấy tôi đã lớn, cho lên tỉnh
vào tràng1 Pháp Việt mà học.
Nghĩ tôi có khác gì chiếc lá lìa rừng, con chim lạc tổ; sao cho khỏi sa ngã chìm đắm đã là khá, còn mong gì sự học
hành, dù có thiên tư thông tuệ thế nào, cũng phải đoạ lạc ra con nhà thất giáo2. Nay thân trầm luân đã được nhờ tay tế
độ, được ấm no, có giáo dục tưởng cái ân cái nghĩa ấy, biết lấy gì mà trả cho phu3.

.1. Trường.
2. Như thất học.
3. Có lẽ là phủ hoặc phù: vừa, đủ.

Một hôm nhân ngày nghỉ học, tôi về thăm Lý bà. Bà lấy mẹ con mà xưng hô, tình âu yếm, cách ôn tồn, đã cảm động
lòng tôi cho đến rơm rớm hai hàng nước mắt. Tôi nói: "Tôi là một đứa con nhà bạc đức, đã không cha không mẹ lại
không anh không em. Trời đất sinh tôi ra có ý đày đoạ vào một đời khốn cùng khổ nhục, dù bà có lòng từ thiện thế
nào, không tô điểm đất bùn cho nên tượng được". Lý bà nói: "Già hiếm hoi, thèm chút con hiền cháu thảo, thấy con
cũng là con nhà lương thiện, coi người dĩnh ngộ, có vẻ thông minh, để già sớm khuya bầu bạn và tin cậy về sau. Con
ôi, đường sinh phúc con còn dài, việc gì mà lỗi chí1. Từ nay mẹ khuyên con phải phấn phát tinh thần, học hành tấn tới
cho bằng người, cho khỏi phụ lòng mẹ đã thương con ngày nay". Nói rồi Lý bà gọi Lý cô đến mà bảo: "Nay Trần sinh
đã là người trong một nhà, cháu phải lấy đạo anh em mà xử, không có điều gì phải hiềm nghi, phải giúp anh mày
những việc mà mày có thể làm được". Lý cô nghe nói, sẽ ngoảnh lại mà chào tôi, rồi cứ cúi đầu mà đứng. Tôi vô ý cứ
chú mắt mà nhìn, làm cho Lý cô thẹn đỏ cả tai cả cổ. Lý bà biết ý gọi Lý cô ra ngoài nói sang chuyện khác. Tôi cũng
ngơ ngẩn hồi lâu, rồi xin trở về trường học.
Tự bấy giờ Lý cô thường đem tiền gạo cho tôi ở nhà trọ, vá may giặt gịa đều là việc Lý cô. Lần kia tôi phải đau ở nhà
trọ, một tay Lý cô thuốc thang cơm nước; thực là một người có nữ công, có đức hạnh; con nhà khuê tú chưa dễ đã có
mấy người. Vả từ thuở nhỏ đã quen ăn cần ở kiệm, không nhiễm một chút gì là thói đãng tình kiêu.
Một bữa, Lý cô bưng thuốc đến, tôi lấy lời cảm tạ mà bảo Lý cô rằng: "Lý cô đã khó nhọc với tôi là biết dường nào!
Tôi là con nhà bạc đức, sống thác có kể chi mà cái ân cho toàn, nghĩa trân trọng của Lý cô tôi biết lấy gì mà đền bù
cho xứng đáng?" Lý cô nói: "Việc giúp đỡ anh em cũng là việc trong nhà, có gì mà kể ân kể nghĩa". Tôi nói: "Tôi
thương Lý cô hết lòng, không biết Lý cô có thương tôi như thế không?" Lý cô nói: "Anh em thương nhau là lẽ tự
nhiên". Tôi nói: "Tuy nhiên, chẳng những tôi thương Lý cô vì tình anh em, và thương Lý cô vì tình...:". Nói đến đây
tôi ngừng lại. Lý cô lại hỏi: "Còn vì tình gì?" Tôi nói: "Vì tình ân ái". Lý cô nhìn tôi một cách nghiêm nghị mà nói:
"Tôi không hiểu lời anh nói. Thôi anh uống thuốc đi kẻo nguội, tôi cũng phải về kẻo cô mong".

.1. Bại chí.

Nói rồi thảo thảo1 ra về, đến cửa còn trông lại.
Bấy giờ tinh thần tôi chuyên chú vào mình Lý cô. Lý cô mới mười sáu tuổi, kém tôi hai tuổi. Như trăng còn non, như
hoa còn tụ, chưa có thể lấy tình động, lấy ý dụ. Vả Lý bà đã hứa nhận mình là con nuôi, hẳn không có ý cho mình là
cháu rể. Nếu nghe Lý cô kể lại những lời thô bỉ của mình vừa rồi, có khi bao nhiêu lòng âu yếm xưa nay sẽ đổi ra tình
yếm bạc2. Tôi cứ nghĩ quanh nghĩ quẩn, nửa thẹn nửa buồn. Sau thấy Lý cô vẫn đi lại như thường, mới yên lòng dần
dần. Từ đó không còn dám giở thói khinh bạc ra nữa. ấy là sự giao thiệp lần thứ nhất của tôi với người họ Lý; mà
chính là điều ân sâu tình nặng đã in sâu vào óc đã nhuộm vào lòng, không bao giờ tôi quên đi cho được.
Năm 20 tuổi, tôi thi đỗ thông ngôn3, 21 tuổi bổ lên thượng du. Vừa được bảy tháng thuỷ thổ bất phục4, phải cáo mà
về. Lần ấy Lý cô lại vất vả nuôi tôi hơn là lần trước.
Một tối tôi đang băn khoăn dằn dọc vì mối tình riêng, Lý bà liền lại mà hỏi rằng: "Nay bệnh con đã thanh thả, sao còn
trằn trọc canh khuya! Nay con đã đến ngày khôn lớn, mà mẹ cũng một tuổi một già, mong cho con trẻ sớm thành gia
thất, để già được yên lòng. Nay Lý cô là con nhà có nết, có thể giúp cho con trong việc tảo tần, thực đã hoa vừa thắm
cánh, trăng vừa tròn gương; để đợi ngày lành tháng tốt, mẹ hãy định liệu cho chúng con thành duyên phu phụ".
Tôi nghe nói như thừa ngọc sắc5 tự chín tầng mây trời chuyền xuống, mừng mừng tủi tủi, không biết lấy gì mà hình
dung. Chẳng bao lâu nguyện xưa đã vẹn, duyên mới càng nồng, thực là cái hạnh phúc mà sinh bình tôi mới được
hưởng là lần thứ nhất. Bây giờ Lý bà đã nên vật hóa1, Lý cô cũng còn phải trầm oan. Trời ơi! Biết bao giờ...

.1. Tất tả, qua loa.
2. Khinh rẻ.
3. Phiên dịch
4. Không hợp thuỷ thổ.
5. Nhận được sắc chỉ quý báu.

Đến đấy tiếng thổn thức làm cho dứt câu nói, cứ gục đầu xuống cánh tay mà khóc, nước mắt ròng ròng, không ngẩng
đầu lên được.
Chưa biết câu chuyện kết cục ra làm sao, mà cái tình đau đớn của người này đến cực điểm. Một lúc nhà sư lại ngồi
ngay lên, hai tay ôm lấy ngực, lông mày chau lại thành một cái rãnh giữa trán, vai so lên tận tai. Trông bộ gớm ghiếc,
như một người tù bị giam đã lâu nay đem ra mà hỏi án.
Tôi trông mặt cầm lòng không đậu, bảo hãy ngồi yên mà nghỉ cho khỏi mệt. Nhà sư mỉm cười miễn cưỡng làm bộ
mạnh mẽ, cho tôi khỏi chán. Rồi cứ tiếp tục mà nói: "Chúng tôi cùng hưởng cái lạc cảnh đoàn viên trong gia đình
được hơn một năm, sinh được một đứa con trai, rồi tôi lại bổ ra làm thông ngôn dưới tàu trận2, nay đóng cửa này, mai
ra bể nọ. Từ bấy giờ lại kẻ ra hồ thỉ bốn phương, người chịu sớm hôm chiếc bóng, sum họp có ít biệt ly thì nhiều;
thương thay! Sự sinh hoạt của chúng tôi nó đã tiêu ma mất bao nhiêu là cái thanh niên hạnh phúc!
Sáu năm sau tôi mới lại được đổi về toà Sứ ở trung châu, thì Lý bà mất đã hết việc3, bao nhiêu di sản cũng để lại cho
vợ chồng tôi. Đứa con trai tôi cũng đã biết đi học. Làm việc ở toà Sứ như tôi cũng là bậc có danh giá, từ tỉnh quan cho
đến phủ huyện ai cũng tới lui, cho nên bổng lộc cũng nhiều mà chi tiêu cũng lắm. Tưởng ngày nào vợ còn cắp từng rổ
khoai, đội từng thúng gạo đi nuôi chồng, nay đã dù che ngựa cưỡi, ăn trắng mặc trơn, sự hy vọng của chúng tôi,
tưởng thế đã là mãn nguyện. Ai ngờ no đủ sinh ra dâm dật, quyền quý sinh ra kiêu căng; sự tai hoạ ở đời thường phát
đoan1 từ những khi đắc chí.

.1. Hóa thành vật khác, tức đã chết.
2. Tàu chiến.
3. Mãn tang.

Một hôm tôi vừa ở nhà hầu ra thấy có cái xe sừng sực2 trước mặt đi lại, một người trong xe bước xuống mà nói: "Thầy
quên tôi rồi ư? Tôi đã đến mấy hôm nay, cứ đi tìm thầy mãi". Tôi cũng mừng rỡ mà nói: "Chào cô Ba". Cô Ba nói:
"Quan lớn tôi đã về, có khi không sang đất thuộc địa nữa". Tôi vừa cười vừa nói: "Thế thì cô Ba càng được tự do". Cô
Ba nói: "Phải, chẳng thế sao tôi được đến đây mà tìm thầy?".
Nguyên người này là vợ một viên quan ở tàu trận. Vẫn ở trên bộ, trước có dan díu cùng tôi. Ngày nay lại gặp, không
kịp tính gần tính xa, cứ đón rước về nhà, nhận là người quen thuộc cũ.
Đại để những người đã lũa3 đường giao thiệp, không quen lấy lễ phép buộc mình, từ lời ăn tiếng nói cho đến nết đứng
nết ngồi, đều đủ cho người ta chỉ trích. Trong bấy nhiêu ngày cô Ba lui tới ở nhà tôi thì Lý cô miệng nói không ra, mà
thực như đanh đóng trong con mắt.
Sau tôi phải thuê một cái nhà khác cho cô Ba ở, mà một mình tôi cứ tả xung hữu đột, như ông chiến tướng đứng giữa
trùng vi. Một là tránh cho khỏi tiếng chì tiếng bấc trong gia đình, hai là dê béo rượu nồng; ai thấy của trời mà chẳng
tiếc. Thân thế tôi bấy giờ chẳng khác gì Tiết Đinh Sơn đã hãm vào mê hồn trận, lên, lui, tả, hữu, chẳng còn bước nào
là một bước quang minh. Mấy nơi ca quán, mấy chỗ để trường, không chỗ nào là không có tôi với cô Ba làm khai
mạc chủ.

.1. Bắt nguồn.
2. Như sừng sững.
3. Lũa: thạo, sành.

Một hôm canh đã tàn, rượu đã tỉnh, cô Ba ngần ngại mà nói với tôi rằng: "Sự hành lạc của chúng ta nay sắp đến ngày
thu cục1, vậy phải liệu mà tính cách duy trì, cuộc cạnh tranh có nhanh chân, nhẹ bước mới hơn người, nếu ngồi chờ
nước đến chân có khi nhỡ bước. Tôi ngắm anh cũng có vẻ phát đạt, sao anh không liệu thế mà ra làm quan? Cứ lấy tài
lực tôi mà xem, tưởng cũng là việc dung dị2". Mới nghe thấy hai chữ "làm quan" thì tôi rộn rịp cả tâm thần, như ai đã
mở lá cờ trong bụng, xưa nay chỉ tơ tưởng quan lớn, bây giờ hóa ra sự thực thì biết đâu? Tôi vội vàng hỏi: "Nói chơi
hay nói thật? Đường sĩ hoạn bây giờ mỗi ngày một hẹp; có phải đồ trong túi đâu để tuỳ ý mình vơ vét". Cô Ba tủm tỉm
mà nói: "Không phải nói chơi. Nếu mấy tay cốt yếu với mình đã là người quen; nhất sắc nhị tài 3, thiên hạ còn có sự
gì là khó!".
Tôi mới nghe, mặt nóng lên bừng bừng, sau lạnh như nước đổ vào lưng, bao nhiêu ý khí tiêu ma đi đâu mất cả. Nghĩ
mình với người này chẳng qua là duyên gặp gỡ, có lý gì lấy trinh bạch mà buộc nhau. Và xem tính tình cô Ba như
chim ngoài lồng, như thú sổ cũi, hồ dễ chịu cho ai lung lạc hay cơ mi4, của tam bảo chỉ để bố thí cho thập phương ai
có duyên thì hưởng. Tôi làm bộ ngẩn ngơ mà nói: "Tôi coi cô Ba mày cao trán rộng, đường đường một vị phu nhân,
mà trong số tôi quan lộc có đào hồng lại là số công danh phải nhờ nội trợ. Không biết cô Ba sẽ liệu ra cách nào?". Cô
Ba nói: "Muốn ăn lãi thì phải bỏ vốn. Thầy cần phải chuộc về cho tôi mấy bọn đồ vàng là đồ cần dùng của tôi, còn
việc gì nữa thì cứ mặc tôi tuỳ cơ ứng biến".

.1. Kết cục.
2. Dễ dàng.
3. Thứ nhất là sắc đẹp, thứ nhì là tiền tài.
4. Cơ my hay ky my là dây giàm ngựa, bò, ý là ràng buộc.

Tôi vội vàng về nhà vơ vét được bao nhiêu đưa cả cho cô Ba mà cô Ba vẫn còn chưa đủ dụng. Nghĩ đi nghĩ lại chỉ còn
mấy bức văn tự của di sản Lý bà để lại và còn ở tay Lý cô, phải lập thế mà lấy cho được, thế là hết.
Tối hôm ấy về nhà, thấy Lý cô đang ngồi dưới bóng đèn mà vá áo. Tôi ghé lại mà bảo rằng: "Nay vì chút công danh
nên phải tiêu cũng tốn. Tôi muốn mượn mấy bức văn tự của Lý bà để lại. Rồi đây có bổng có lộc lại kiếm ra bằng
trăm bằng nghìn bấy nhiêu, bấy giờ cũng của chồng công vợ chớ đi đâu mất mà sợ". Lý cô vội gạt lời tôi đi mà nói:
"Thôi, lâu nay tôi đã biết thân phận mẹ con tôi rồi. Công danh phú quý cũng xin nhường cả cho ai. Thầy hãy xem tôi
bây giờ đã mình trần tay trắng còn có cái gì mà cho ai nhờ được nữa".
Nghe mấy tiếng châm phong1, tôi đã tím gan tức ruột phải bấm bụng mà lui ra. Vừa gặp cô Ba vồn vã mà hỏi: "Này,
đây vừa có tin may mắn lắm, thật là cái dịp tốt cho mình. Nào khoản tôi bảo thầy biện đã đủ chưa? Sợ chậm ra thì nhỡ
cả".
Nhiệt trường của tôi bấy giờ lại nóng như lửa đốt. Nghĩ đến mấy bức văn tự phải dùng vũ đoán mới xong. Tối hôm ấy
lại về nhà, không thấy Lý cô ngồi ngoài. Hỏi con ở nói Lý cô đau bụng, từ mấy bữa không ăn, phải uống thuốc mới
vào phòng nghỉ.
Tôi biết ngay Lý cô thóai thác: vợ con như thế, còn nhờ nhau lấy gì! Tôi vào ngay chỗ nằm mà hỏi: "Mấy bức văn tự
cô để đâu? Nếu cô chối tôi một lời là có sự chẳng lành đến tính mệnh". Lý cô còn tưởng là nói doạ, cứ thủng thỉnh mà
nói: "Văn tự nào của thầy mà cứ tra hỏi?". Nói rồi lại cứ nằm vật xuống. Tôi căm quá, vừa bước ra rít lên một tiếng.
Như có người giẫy lại, hai con mắt nóng như kéo màng, bao nhiêu mạch máu trong mình sưng lên hết. Bấy giờ tôi
trông thấy Lý cô như người đi săn đè được con thú dữ, cố đánh cho thật phải phục xuống kẻo chạy thóat đi chăng. Khi
đã móc được cuốn văn tự ở trong lưng Lý cô, thì Lý cô không còn một hơi thở. Tôi cũng bước rảo ra mà đi thẳng.
Đem cuộn văn tự ký lấy mấy trăm đồng bạc mà đưa hết cho cô Ba.

.1 Như mũi kim chích vào mình.

Mấy hôm sau, lén về nhà, vừa đến cửa đã thấy rộn rịp kẻ vào người ra, nghe nói Lý cô phải chứng băng huyết đã mấy
hôm nay nguy lắm. Thấy nói chột dạ mà mình không mặt nào dám vào trông thấy Lý cô, cứ bàng hoàng thất thế, như
người không hồn không vía. Dù xin phép ở nhà nuôi vợ ốm, cũng cứ lẩn lút một nơi, bưng mặt mà khóc.
Một hôm thấy thằng con chạy lại, mắt hoe hoe đỏ nói: "Mẹ cứ gọi thầy mãi, xin thầy vào". Tôi liền theo đứa con mà
vào. Lý cô còn trông tôi miệng muốn nói mà không nên tiếng nữa. Tôi đứng chân không vững, dựa mình vào vách,
hai tay bưng lấy mặt, tưởng mình như một đứa tù nặng đưa ra mà xử án. Thấy có người vực tôi ra ngoài rồi mê thẳng
đi. Việc Lý cô mất rồi tống táng ra làm sao không biết gì nữa.
Bâng khuâng tưởng mình ra khỏi cửa lại tìm đến nhà cô Ba. Trông lên nhà gác, không có bóng đèn, đã hồ nghi. Hỏi
người ở nói: "Cô đi chơi ngay từ hôm thầy không ở đó". Hỏi cô đi với ai? Người ở nói: "Cô đi với một ông khách lạ".
Tôi tưởng chẳng có lẽ thấy anh vừa dốc túi mà chị đã đổi lòng; hẳn cô này đi vận động câu chuyện của mình, hãy chờ
lâu thế nào cũng có giai tín. Cô này những lúc biếng son nhạt phấn, tóc xoã ngang vai áo che nửa ngực, cũng đủ cho
người ta điên đảo, huống lại vàng đeo ngọc giắt, gấm bọc hoa cài, thì sắt nào mà chẳng ngây, đá nào mà chẳng
chuyển.
Tôi lại thơ thẩn đi ra, vừa đến cửa nhà hát, thấy suýt qua một cái xe ngựa. Người trong xe chính là cô Ba ngồi với một
người luật sư, nhác thấy tôi ngoảnh mặt làm thinh, giục đứa đánh xe ra roi cho ngựa tế.
Tôi cứ đứng đực một bên đường, rồi đến nhà một người chị em mà hỏi chuyện, vừa đến, người chị em đưa cho tôi cái
thư của cô Ba để lại. Tôi bóc tuột cái thư ra mà xem. Thư rằng: "Anh Phán, khi anh đọc cái thư này, thì tôi đã thuộc về
tay một người khác. Duyên kỳ phùng chúng ta có thế mà thôi, không còn bồi tiếp với anh được nữa. Xin anh về nhà
mà hưởng cái hạnh phúc vợ hiền con thảo, bấy giờ sẽ quên có biết một người con gái tên là cô Ba. Cái khoản anh đã
gửi cho tôi cũng đủ chi son phấn. Cảm ơn anh lắm".
Đọc cái thư rồi, mắt nẩy đom đóm, tay run cầm cập, như con thú dữ phải cái tên thuốc mà phát điên. Muốn hét lên một
tiếng: "Ai ngờ?" giật mình thành ra một cơn ác mộng.
Biết chính mình đã phạm một tội rất lớn là tội giết người, biết Lý cô đã chịu khuất nhục đau đớn mà chết; biết cái lòng
tham dục mình nó đã đưa dắt mình vào những đường tội lỗi, biết nhân tình thế lợi chẳng qua là một cảnh chiêm bao,
bấy giờ óc tôi không sao mà chứa cho hết những điều hối hận. Thôi! Mình đã vị một người xấu xa, rất hèn hạ, mà phụ
với một người đáng quý hóa, đáng ơn nghĩa; mặt mũi nào còn đối với mọi người? Lý cô có biết cũng tha thứ cho tôi
chăng? Đa mang phóng túng cũng là cái thông bệnh của người đàn ông, còn tội ngộ phạm của người nóng, cũng như
người điên, hoặc có thể nguyên tình mà khoan giảm. Tuy nhiên cái lương tâm tôi nó càng nghiêm nhặt, nó bắt tôi nhớ
mãi cái tội tôi, rửa cũng không phai, mài cũng không sạch, đã mười năm nay, tôi bỏ hết mọi sự ái luyến ở đời, đã quy
y đầu Phật, đội đức từ bi, mở đường tế độ, cho tôi gặp lại bạn tôi cùng về chính giác. Đứa con tôi cũng theo chúng bạn
mà đi Sài Gòn. Khi đi có gửi lại cho tôi một cái thư, xin thầy hãy đọc cái thư này, thì biết can tràng con trẻ...".
Nói rồi đưa tôi một cái thư gói kỹ lưỡng lắm, rồi cứ dựa ghế mà ngồi, hoặc sa nước mắt hoặc cau đôi mày, tình thái
thê lương, lâu lâu thiu ngủ.
Tôi đem cái thư đến bóng đèn mà đọc.
Thư rằng:
"Thưa cha. Tôi là một đứa con trẻ rất khốn nạn1. Vì chính mắt con đã làm chứng một cái thảm kịch đáng kinh hãi đã
diễn ra ở trong gia đình. Cái ác cảm ấy không bao giờ cho con khuây đi được. Thù mẹ khôn trả, nghĩa cha chưa đền,
thực con không đáng kể là một người trên thế giới. Nếu con chưa tìm đến non cao vực thẳm cũng vì không nỡ để cha
thêm nặng tội tình. Xin cha hãy quên có sinh đứa con tên là X... hãy sẵn lòng mạnh mẽ ăn năn cải hối. Sự sum họp
của chúng ta ở nơi chín suối, ngày hãy còn dài".
Tôi vừa đọc cái thư xong thì nhà sư cũng vừa thức dậy; hỏi tôi đọc đã xong chưa. Tôi nói:
- Sự tình thuộc thực, thì cái thương tâm của người cũng là quá đáng.
Khi về nhà nhân ký đầu đuôi như thế. Năm sau có người nhà chùa về hội Phủ Giầy, hỏi thăm, thì nói: Vị hành tăng ấy
đã tịch tại chùa Thiên Thai ngày tháng Chạp năm ấy.
Tạp chí Nam Phong,
số 26, Tháng 8 - 1919.

.1. Chữ khốn nạn ở đây chỉ có nghĩa như khốn khổ. Nguyễn Văn Vĩnh thời ấy dịch Những người khốn khổ là Những kẻ khốn nạn



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 173

Return to top