Trước ngày sinh nở
Nguyễn Ngọc Thuần
Trước ngày sinh con độ mươi ngày, chị quay lại vùng núi tìm cha đứa bé, người mà đáng lý phải ngồi đầu giường trong ngày chị sinh và đặt cho đứa trẻ một cái tên yêu thương nào đó. Nhưng rốt cuộc không thấy anh đâu, thậm chí sự hiện diện của đứa trẻ anh cũng không biết.
Anh đang ở với vợ và con riêng, làm sao hình dung được ở đây - một nơi xa thế này - mầm sống của anh đang hình thành, phát triển, đang làm cho đời sống của chị ngày một tồi tệ thêm.
Ban đầu chị định tự mình nuôi con. Chị sẽ giáo dục nó thành người tốt, nghĩa là xóa mọi dấu vết về anh. Và nếu mai sau bỗng dưng cha con gặp lại, con chị sẽ không bao giờ nhận ra ruột thịt của mình, không thấy gì hết, tẩy sạch trong tận cùng ý nghĩ. Đó là cái gan điên của chị.
Nhưng bây giờ đã khác rồi. Thời gian trôi qua, cái thai lớn dần, lòng căm giận của chị cứ nguội đi. Chị không thấy điên tiết như trước, thỉnh thoảng còn nhớ một vài cử chỉ của anh, một vài chăm chút trên tóc, trên vai chị. Chị nhớ đến những giờ khắc hạnh phúc. Tuy chỉ là thoáng qua trong tâm trí thôi, nhưng bấy nhiêu đã là tha thứ lắm rồi. Phải chăng đứa trẻ càng lớn thì chị lại càng tha thứ. Tha thứ dần hồi cho đến gần ngày sinh bỗng chị không còn cầm lòng được nữa, quyết định phải báo tin cho anh biết giữa anh và chị đã có một đứa con, và điều quan trọng khác nữa là anh có muốn đứng tên trong giấy khai sinh của đứa trẻ hay không. Chị sợ vào ngày sinh người ta sẽ hỏi rằng cha nó tên gì và tỏ vẻ tế nhị khi biết rằng đứa trẻ sẽ mang họ mẹ. Chẳng có gì đâu, chị biết người ta sẽ nói như vậy, thiếu gì những đứa trẻ trên đời này lớn lên thành đạt mà chẳng cần phải có một thằng cha khốn kiếp nào.
Theo lộ trình trong trí nhớ, chị sẽ lên xe đò dọc theo quốc lộ một đến địa phận tỉnh K thì xuống xe. Từ đó đi bộ vào rừng mất ngày rưỡi đường. Với cái thai lớn như chị, có thể sẽ chậm hơn. Nhưng nếu may mắn gặp xe bò cho đi nhờ chị sẽ đến nơi vào lúc nửa đêm. Và sáng hôm sau đã có thể quay trở ra đường quốc lộ. Rồi cũng như lúc đi, chị đón xe quay về nhà. Ở một góc vườn xa xăm, chị mắc lên cái võng nhỏ chờ ngày sinh nở.
Đó là một lộ trình hoàn hảo. Nhưng khi bắt đầu leo lên xe chị chợt nhận ra, nó không hoàn toàn như vậy. Cái thai hành hạ chị quá cỡ. Đứa trẻ như đạp thốc vào chị, đạp giận dỗi. Chị nằm bẹp suốt quãng đường dài, nôn tất tần tật những thứ ăn đêm qua lẫn sáng hôm nay. Người đàn ông ngồi kề bên đành phải nhường cho chị cái ghế của mình. Chị chỉ lờ mờ nhìn thấy anh qua nước mắt, nước mũi, qua những cơn choáng váng không thể hình dung được. Anh có gương mặt thật giống cha - của - con - chị. Ngày xưa chị gặp anh cũng trên một chuyến xe như thế này, nhưng dài hơn, một quãng đường Nam Bắc.
Xế chiều, không khí mát mẻ dễ chịu làm chị tỉnh hẳn. Người đàn ông đã xuống xe lúc nào rồi. Chị chưa kịp nhìn rõ mặt, cũng chưa kịp cám ơn anh. Bên phần ghế ngồi của anh có một trái cam. Anh để quên, hay anh để lại cho chị? Chị lăn nhẹ trái cam trên lòng bàn tay mình, vẻ mềm mại của nó như thể một cánh tay người khác.
Đường quốc lộ tại chỗ chị xuống xe quá sức vắng vẻ. Hụt hẫng làm sao. Lúc đi chị đã biết sẽ đối diện với một quãng đường như thế, nhưng rõ ràng vào lúc này, cái cảm giác vắng vẻ của nó cứ nao cả lòng. Cái thai thật tĩnh lặng, không thấy nó đạp, hơi đau đau. Có lẽ chị đã đi quãng đường quá dài so với sức chịu đựng của đứa bé. Có lẽ nó cũng như chị, đang quay cuồng vì quãng đường.
Rời khỏi quốc lộ, chị băng vào con đường nhỏ, đất đỏ, mù bụi. Cái khăn quàng cổ lâu lâu lại bay thốc. Đêm nay chị sẽ ngủ ngoài rừng nếu không gặp mái nhà nào. Chị đã chuẩn bị sẵn khăn choàng cổ, áo ấm và cái chăn dày. Nó sẽ giữ ấm cơ thể chị nguyên một đêm.
Đây là một vùng núi trơ trọi vì nắng và gió. Cây vẫn mọc nhưng không hề đem đến cảm giác xanh tươi nào. Người dân ở đây sống dọc theo triền núi, rải rác như ai đó rải lên những nếp nhà một cách tùy tiện. Họ sống dựa vào đất, gỗ và con buôn. Ai trồng trọt thì trồng, ai đốn rừng thì đốn, và những con buôn vận chuyển hàng hóa đi xa, và những thứ vật dụng kim chỉ gạo muối... quay trở lại. Anh là một trong những con người đó.
Vào lúc 5 giờ chiều, chị gặp căn nhà đầu tiên. Chủ nhà là Lệ, khoảng tuổi chị nhưng già dặn, lam lũ, trơ gầy. Vừa thấy chị, Lệ đã thốt lên:
- Cái bụng chị nhìn gớm quá!
- Tôi muốn tìm một người tên Hoàng.
- Sáng mai, chồng tôi sẽ cho chị đi nhờ vào rẫy.
Người chồng nói:
- Lâu rồi không thấy anh ta. Lúc trước hay đi ngang qua đây. Anh ta là cái gì của chị?
- Không là gì hết! - Chị thấy cổ mình khô khốc.
- Tôi biết vì sao chị đi tìm rồi! - Người vợ nói.
Đêm ở nhờ dài hun hút và lạnh lẽo. Nằm mãi vẫn không ngủ được. Chị dự định sáng hôm sau, lúc ra đi sẽ tặng Lệ cái khăn choàng. Vợ chồng Lệ có ba con, nhếch nhác và bẩn thỉu. Hầu như họ không còn thời gian để chăm sóc chúng. Khi chị đến là lúc họ từ trong rẫy trở về. Những đứa trẻ đang vàng mắt chờ ăn. Ăn xong chúng lăn ra ngủ, không tắm rửa. Chị nghiêng người cuộn mình trong tấm chăn mang theo nhìn ngọn lửa cháy cho đến gần sáng, nghĩ về nhiều thứ, về sự giống nhau cũng như sự khác nhau của con người. Người ta cần điều gì cho cuộc đời mình? Có lẽ con người không bao giờ có thể hiểu được cái cuối cùng mà mình cần là gì? Trong đó có chị. Chị đi vì đứa con, vì chính bản thân chị, hay chị đi chỉ vì muốn anh nhìn nhận, dù chỉ một chút thôi, như một thứ ve vuốt xoa dịu cuối cùng?
Tờ mờ sáng, trời lạnh và ẩm, chị và chồng Lệ đã lên đường. Chị ngủ thiếp trên xe. Tỉnh dậy đã đến trước cửa nhà Hoàng. Một bãi hoang quạnh quẽ, cỏ lúp xúp tận thềm nhà. Anh ở đây sao?
Chuyện gì sẽ xảy ra khi một người đàn bà mang thai như chị đến gặp chồng một người đàn bà khác? Chị sẽ nói gì? Chị vạch mặt trái xấu xa bỉ ổi của anh cho người vợ biết, chị kể tội, giống như quan tòa, chị tuyên án? Hay chị sẽ đóng vai một người vô tình lạc rừng đến đây gõ cửa và xin trú tạm? Hay chị làm gì khác? Nếu xét cho cùng thì anh ta chẳng lừa chị điều gì. Khi đến với chị, anh kể về vợ mình, về đứa con, về cuộc sống ở đây. Có lẽ chị yêu anh vì những điều tự cho là chân thật đó.
Chồng Lệ nói:
- Thôi tôi phải đi đây, trời sáng mất rồi. Nếu không ai đưa về thì chị cứ đi thẳng con đường này khoảng nửa ngày đường, gặp một cái ngã ba. Chị cứ đốt một đống lửa thật lớn báo hiệu, tôi sẽ đến đón chị.
- Cám ơn anh - Chị nói mà thấy giọng mình nghèn nghẹn, như muốn khóc.
- Chị cũng nên lo về sớm. Cái thai chị lớn quá coi chừng không kịp.
Một người đàn bà đứng trong góc nhà nhìn ra. Chị chột dạ. Chờ chồng Lệ đi khuất, chị đi đến chỗ người đàn bà. Đây là lúc chị cần phải nói một điều gì.
- Tôi muốn gặp anh Hoàng - Tự dưng phản xạ trong chị bật ra.
Người đàn bà nhìn chị đầy vẻ e ngại.
- Chị từ nơi xa lắm đến đây phải không?
- Ừ. Tôi hơi mệt vì đường dài quá.
Một đứa trẻ từ trong nhà chạy ra, núp vào áo mẹ nó. Người đàn bà từ tốn ẩy nó ra.
- Chào cô đi con - Rồi nói thêm, nó là con riêng của anh Hoàng.
- Nó không phải là con chị à?
- Không. Một hôm người ta mang nó tới đây. Mẹ nó đã chết rồi.
- Người ta có nói gì về mẹ đứa trẻ ấy không?
- Không.
- Anh Hoàng có nói về người đàn bà ấy không?
- Không. Có lẽ cô ta ở đâu đó dọc đường. Nó có cái mũi thật giống anh Hoàng, nhưng con mắt thì chắc chắn là của mẹ nó. Chị nhìn xem, lông mi thật dài và cong. Hẳn cô ta phải đẹp lắm.
Chị ngước nhìn căn nhà tồi tàn. Mẩu sân nhỏ đầy cỏ. Có lẽ đã lâu rồi, người đàn ông ở đây không hề chăm sóc chúng. Anh có yêu nơi này không? Anh có yêu người đàn bà tàn tạ kia? Anh có nói thật với cô ta như đã từng nói thật với chị? Có lẽ là không bao giờ.
- Tôi tìm anh Hoàng để mua một ít gỗ quý - Tự dưng chị buột miệng. Chị nhớ ngày xưa có lần anh kể cho chị nghe về công việc của mình. Anh chuyên tìm gỗ quý cho bọn thương lái. Những chuyến đi của anh cũng là một phần công việc đó. Một trong những chuyến đi đã đem anh đến với chị.
Người đàn bà vẫn không hết vẻ e dè. Đưa chị vào nhà xong bỏ đi đâu đó một lúc khá lâu. Lúc về mang theo cái võng nhỏ. Người đàn bà lặng lẽ cột nó vào góc nhà.
- Chị cần phải nằm võng nghỉ ngơi. Tôi đã nhờ người tìm nhắn anh Hoàng về rồi. Chắc độ trưa mai ảnh sẽ về tới.
- Không cần phải gấp đâu - Chị nói.
Tự dưng chị hoảng sợ khi nghĩ rằng sẽ gặp Hoàng tại đây, trong ngôi nhà của anh, trước mặt người đàn bà gầy gò kia. Rồi chị sẽ phải nói trước với anh rằng chị đến đây để mua gỗ quý. Rồi anh cũng sẽ phải giả vờ như một kẻ không mấy thân thuộc. Anh nói với chị mọi thứ trừ cái điều mà cả anh và chị đều muốn nói. Cả hai sẽ giả vờ cho đến lúc không thể giả vờ được nữa.
Nhưng cái điều chị muốn nói với anh là gì? Càng gần đến giây phút gặp gỡ chị càng không tìm cho nó dù chỉ là một lý do.
Cái võng thật êm ái. Vừa nằm xuống là chị đã muốn ngủ một giấc dài. Chị không còn muốn nhấc mình lên nữa, như thể chị và nó sẽ dính liền với nhau mãi mãi. Đứa trẻ con Hoàng ngồi thu lu trong góc nhà như một con chó con nhìn chị, u tối. Đúng như lời người đàn bà, đôi mắt nó quá đẹp. Hẳn là mẹ nó phải đẹp lắm. Ngoài đôi mắt, cô ta còn sở hữu điều gì khác? Khi đến với người đàn bà đó, anh có cảm giác giống như khi đến với chị không? Nếu chị là vợ của Hoàng, liệu chị có đủ trầm tĩnh để nuôi đứa trẻ đó không? Chị có bối rối khi nhận ra một vẻ đẹp khác mà chị không có?
- Đã ba năm nay anh Hoàng không về đây nữa ngoại trừ hôm nào chở gỗ đi ngang - Người đàn bà nói. Ảnh có một cái chòi ngô trên rẫy.
- Thế chị sống ở đây có một mình à?
- Tôi sống với con bé. Thỉnh thoảng tôi sẽ tự lên thăm.
- Chị không có con sao?
- Không.
- Đó có phải là lý do mà anh ấy không về đây nữa?
- Tôi không biết. Cũng may trời cho tôi con bé. Nếu nó là con tôi, nó sẽ không bao giờ có được đôi mắt đẹp như vậy.
Lại thêm một đêm mất ngủ trong căn nhà của người đàn bà xa lạ. Cái bụng của chị lại bắt đầu đau. Chị thoa dầu bên phải, nó chuyển sang đau bên trái. Có lúc chị thấy dường như mình sắp tắt thở. Người đàn bà trở dậy nấu cho chị một bát cháo trắng, gạo cưng cứng, lờ lợ. Chị nuốt khan vào người.
Bên ánh lửa gió lùa, căn nhà vật vã rít lên từng hồi dài như kẻ sắp ngất. Hai người đàn bà ngồi với nhau. Chị cứ miên man tự hỏi điều gì khiến một người đàn bà hao gầy thế kia sống hết phần đời còn lại của mình giữa một nơi hoang vắng như thế này mà không có người đàn ông của họ bên cạnh? Hay người đàn bà ấy cũng như chị, sẵn sàng đi mấy ngày đường chỉ vì một người đàn ông thoáng qua để rồi chợt nghĩ mình đã sống mà không vì một mục đích gì rõ ràng. Thế mà cứ sống, cứ đi và cắt nghĩa nó từng ngày từng giờ cho đến khi hao mòn...
Buổi sáng hôm sau, cái bụng vẫn không hết đau, chị quyết định lên đường. Chị sợ mình phải nằm lại ở cái nơi mà chị không muốn. Còn một điều khác lớn hơn nữa, chị sợ gặp Hoàng. Một đêm không ngủ đã cho chị ý nghĩ đó, không nên gặp anh ta nữa dù là lần cuối. Trước khi đi, chị tặng người đàn bà chiếc khăn của mình, nó sẽ là một vật đẹp đẽ nhất trong căn nhà u tối này. Nó cũng sẽ là một thứ ngầm báo cho Hoàng biết rằng chị đã tìm đến đây.
Người đàn bà tiễn chị ra cửa, ái ngại nói:
- Tôi biết chị đến đây không phải để mua gỗ quý! Nhưng chị cũng không cần phải giải thích nữa. Tôi quen rồi.
Theo hướng chồng Lệ chỉ, chị đi suốt một ngày đường, dọ dẫm, mù lòa và mất phương hướng. Cái bụng nặng nề như muốn vỡ tung ra. Khoảng chín giờ sáng, một dòng nước âm ấm chảy dài giữa hai chân, nhẹ nhàng như thể nó chưa từng thuộc về cơ thể của chị. Cái thai quá im lìm. Thậm chí đã hai ngày nay, dường như chị không còn cảm nhận về nó. Mối liên hệ giữa chị và nó đã bị đứt lìa. Chị không thể hàn gắn mối quan hệ đó. Chị cố đi tiếp.
Đi đến xế trưa thì dòng nước ngừng hẳn. Một cơn đau đâu đó đột ngột run lên. Ngã ba đường đã ở trước mắt chị, không xa lắm. Chị gom những chiếc lá khô và nằm xuống. Trong cái cơn tỉnh táo sau cùng chị nhận ra mình không hề có lấy một que diêm đủ để thắp lên ngọn lửa gọi chồng Lệ tới.
Cuối ngày, những người làm rừng đi ngang phát hiện ra chị. Người ta mang chị đi. Nửa đêm, đứa con giữa chị và Hoàng ra đời. Mặc nhiên cho cái điều chị vẫn thường suy nghĩ đã không bao giờ xảy ra, không ai hỏi bố đứa trẻ là ai cả. Người ta cũng không hỏi tại sao một người đàn bà bụng mang dạ chửa lại đi hàng mấy ngày đường để đến một khu rừng cọc cằn sỏi đá, để rồi sinh con ở đó trong cái đêm giá lạnh như thế này.
Người ta chỉ hỏi chị mỗi một câu: chị có muốn chôn đứa trẻ ở đây không? Chị lắc đầu. Như nhìn thấy một góc vườn xa xăm, một cái võng treo ngang, trời ạ, chẳng có gì để có thể ru ở đó.