Huyền Thoại Ông Bàn Cổ
Nguyễn Xuân Quang
Chúng ta đã nghe nhiều về ông Bàn Cổ .... bây giờ xin nhận diện chân tướng ông Bàn Cổ xem cho rõ thật hư ra sao.
Theo cổ thư Trung Hoa viết vào thế kỷ thứ ba sau Tây Lịch (nghĩa là đã rất muộn, đã liên hệ nhiều với Nam Man), thời kỳ Hỗn Mang hay Hỗn Ðộn (Chaos) vũ trụ giống như một cái trứng gà. Lúc đó đất trời chưa có. Từ trái trứng này đẻ ra ông Bàn Cổ (Bangu), thường được vẽ bằng hình một người lùn hai tay cầm cái trứng hỗn mang Âm Dương. Phần nặng của trứng lắng xuống thành đất, phần nhẹ bay lên thành bầu trời. Trong suốt thời kỳ 18 ngàn năm khoảng cách giữa trời và đất tăng dần, cứ tăng 3 mét mỗi ngày và ông Bàn Cổ cũng trưởng thành theo cái đà đó nên thân thể ông luôn luôn chống giữ được trời đất không bị xẹp lép trở lại. Khi Bàn Cổ chết những phần thân thể của ông trở thành những yếu tố thiên nhiên. Tùy theo thời kỳ, tùy theo sách vở, chi tiết về sự cấu tạo vũ trụ viết thay đổi. Về đời Hán hay trước đó ít lâu thì đầu Bàn Cổ thành Ðông Sơn (Núi phía Ðông), bao tử thành Trung sơn, tay trái Nam sơn, tay phải Bắc sơn và chân Tây sơn. Sách vở khác lại cho rằng đầu cho ra núi bốn phương, mắt cho ra trời, trăng, thịt cho ra sông biển, tóc đẻ ra cây cỏ... sách vở viết vào thời khác lại cho rằng nước mắt của Bàn Cổ tạo ra sông biển, hơi thở là gió, mắt là chớp và tiếng nói là sấm... sách khác lại nói thân Bàn Cổ cho ra bốn phương chính và năm ngọn núi chính (có liên hệ gì với Ngũ Lĩnh chăng ?), máu thành sông biển, thịt là đất đai... và bọ chét trên người ông biến thành loài người...
Với truyền thuyết về trái trứng và Bàn Cổ thấy xuất hiện rất muộn trong cổ thư Trung Hoa và viết không thống nhất rất hỗn độn vá víu... như thế rõ ràng là Bàn Cổ không phải của người Trung Hoa. Quan niệm vũ trụ là một cái trứng là của Nam Man chúng ta (ăn khớp với việc bà Âu Cơ đẻ ra trứng). Chúng tôi đã chứng minh trái trứng vũ trụ này là vị tổ tối cao tối thượng của chúng ta. Ðó chính là Mẹ Trứng Vũ Trụ Thần Nông hay Thần Nang (nang là từ nôm không phải là Hán Việt, nang ruột thịt với nàng). Trung Hoa đã lấy ông tổ thần Nang này của Hừng Việt.
Ông Bàn Cổ do trứng vũ trụ đẻ ra, tức là do Mẹ Thần Trứng Vũ Trụ Thần Nông hay Thần Nang đẻ ra. Vậy Bàn Cổ cũng phải là của chúng ta. Bắt buộc.
Thật vậy Bàn Cổ của Nam Man, của Hừng Việt.
Ta có thể tìm thấy dấu tích Bàn cổ nơi Hừng Việt Nam qua nhiều địa hạt:
1.Ngữ học
Không biết người Trung Hoa cắt nghĩa từ Bangu, Bàn Cổ như thế nào nhưng chúng tôi sẽ cắt nghĩa theo Việt ngữ. Việt ngữ Bàn Cổ có Bàn cùng âm với ban là đỏ ví dụ lên ban sởi (ban đỏ), nổi ban (nổi vẩn đỏ). Trung Nam gọi chứng bệnh sốt, nổi mần đỏ ở da là ban, trong khi người Bắc gọi là lên sởi. Ban sởi là từ ghép điệp nghĩa. Sởi = ban. Sởi là sưởi (o=uo, hồng = hường), ngày nay hiểu sưởi là hơ lửa cho ấm như sưởi ấm, lò sưởi. Vậy sưởi cũng như ban, bàn liên hệ tới đỏ, tới nóng, lửa, đỏ, tới mặt trời. Bệnh sởi là bệnh nóng sốt nổi đỏ ở da.
Từ Cổ cùng Âm với Cố. Cố là tổ như ta thường nói ông cố tổ. Vậy Bàn Cổ là ông Tổ Ðỏ, ông Tổ Mặt Trời.
Chúng ta thường gọi ông Bàn Cổ là ông Bành Tổ. Chúng ta đã nói trại đi, thật ra phải gọi là ông Bàng Tổ. Bàng là bàn, là ban, là đỏ như cây bàng là cây có lá trở thành đỏ thắm về mùa thu. Trịnh Công Sơn trong bài "Mùa Thu Hà Nội" có câu "Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ...". Bàng tổ là ông tổ đỏ. Hiểu như thế ta thấy ngay Bàn Cổ và Bàng Tổ đều là ông Tổ Ðỏ. Người Trung Hoa gọi chúng ta là Xích Quỉ, quỉ đỏ. Vậy ông Bàn Cổ, ông Bành Tổ, ông Bàng Tổ phải là của dân Ðỏ.
Bàn Cổ, Bàng Tổ là ông tổ của họ Hồng Bàng.
2. Truyền Thuyết Nam Man Hừng Việt
Việt Nam
Ở trên ta thấy ông Bàng Tổ là một người khổng lồ, lớn dần với thời gian, mỗi ngày cao thêm ba mét để chống trời. Lúc vũ trụ mới tạo lập từ cái trứng hãy còn mềm ông Bàng Tổ đã dùng thân mình làm cây cột chống trời để nóc trời không xụp xuống, xẹp lép lại. Nói một cách khác ông Bàng Tổ là một ông thần trụ trời. Bàng Tổ chính là Ông Trụ Trời trong truyện thần thoại Việt Nam:
"Thuở trời đất còn mịt mù hỗn độn, tự nhiên hiện lên một vị thần to lớn khác thường, đầu đội trời, chân đạp đất, đào đất vác đá đắp thành một cái cột to cao để chống trời lên mà phân chia ra trời đất. Trời như một cái vung úp, đất bằng như một cái mâm vuông...
Dấu vết cột chống trời ngày nay người ta cho là ở núi Thạch Môn, thuộc về tỉnh Sơn Tây, Bắc Việt cũng gọi là núi Không Lộ (Ðường Lên Trời) hay Khổng Lồ hoặc là Kình Thiên Trụ (Cột Chống Trời). Dân chúng còn câu hát lưu hành nhắc nhở đến công việc của ông trụ trời vào thuở khai thiên lập địa:
Nhất ông đếm cát,
Nhì ông tát bể,
Ba ông kể sao,
Bốn ông đào sông,
Năm ông trồng cây,
Sáu ông xây rú,
Bẩy ông trụ trời".
Hoàng Trọng Miên, Việt Nam Văn Hóa Toàn Thư tr.66)
Bài hát này kể các vị thần làm việc lúc khai thiên lập địa không theo thứ tự sinh đẻ.
3. Thần Thoại Mán
Thần thoại Mán nói về vũ trụ tạo sinh có kể rằng khi trời đất còn mù mờ đầu tiên có hai người xuất hiện là Nhiêu vương và Bàn Cổ. Hai con mắt của Nhiêu vương sinh ra mặt trời, mặt trăng. Còn loài người do tâm của Bàn Cổ sinh ra trong đó có Bàn Vũ. Bàn Vũ sau là tổ người Mán (Hoàng Trọng Miên, Việt Nam Văn Hóa Toàn Thư tr.131).
Ở đây ta thấy người Mán, một tộc Nam Man nhận đích danh Bàn Cổ là ông tổ của mình. Người Trung Hoa gọi chúng ta là Nam Man đã bóp méo nghĩa từ man đi gắn thêm nghĩa thóa mạ là mọi rợ vào. Man của Hừng Việt có nghĩa rất cao đẹp (có bài viết riêng về Man Di). Ở đây chỉ xin nói qua loa một chút thôi. Về ngữ học Mán, Mường, Mọi... đều là man cả. Thời thái cổ chúng ta là Man, là Mán, là Mường... Theo b=m ta có bàn = màn = man. Vậy Bàn cổ = man cổ = Man tổ. Ta đã biết bàn, ban, bang là đỏ vậy man cũng hàm nghĩa là đỏ. Man là Xích quỉ! Nam man là Xích quỉ phương Nam. Bàng Cổ là tổ của (Nam) Man, Xích quỉ thì đúng đứt đuôi con nòng nọc rồi.
Với đầy đủ chứng tích vừa kể, rõ như ban ngày Bàn Cổ là do Mẹ Trứng Vũ Trụ Thần Nông hay Thần Nang đẻ ra và là tổ của Hừng Việt Xích quỉ. Anthony Christie trong Chinese Mythology, Library of The World s Myths and Legends, đã hai lần xác quyết trứng vũ trụ và ông Bàn Cổ là của Nam Man: "These stories are late in the versions... and it is likely that the tradition of their southern origin is basically correct..." (p.55) ("Những truyện này muộn trong những tường thuật... và giống như là gốc gác từ miền nam của truyền thuyết có cơ bản là đúng...") và "The most extensive account of the creation, involving a giant called Pangu has survived only in texts from the third to sixth centuries A.D. and there is a good reason to think that this story was not incorporated into Chinese Tradition until after the assimilation of the southern region" (p.51) ("Cái đáng kể về tạo sinh sâu rộng nhất liên can tới một ông khổng lồ gọi là Bàn Cổ chỉ còn thấy trong các bài viết từ thế kỷ thứ 3 tới thứ 6 sau Tây Lịch và có lý do chính đáng để nghĩ rằng truyện này không được đưa vào truyền thuyết Trung Hoa cho tới sau khi đã đồng hóa miền nam.") (tr. 51).
BÀN CỔ VÀ TRIẾT THUYẾT ÂM DƯƠNG
Trong nghệ thuật tạo hình cổ Trung Hoa, Bàn Cổ thường được mô tả là một người lùn, hình thù cổ quái, cầm trong tay cái trứng hỗn mang Âm Dương.
Hình: Bàn Cổ cầm trong tay trứng Hỗn Mang (Chaos) Âm Dương, sống 18.000 năm. Thạch bản, thế kỷ 19, Bảo tàng Viện British, London.
Ðây cũng là một cái "dấu đầu lòi đuôi" của những kể nhận vơ của người khác làm của mình. Theo truyền thuyết Trung Hoa thì Bàn Cổ là một ông khổng lồ, mỗi ngày cao ba mét làm trụ chống trời. Hãy làm một con tính nhỏ, ta thấy trong 18.000 năm, Bàn Cổ cao 19.440 km (tính theo tháng âm lịch có ba mươi ngày). Trong khi đó trong các tranh vẽ, tượng, đồ gốm... Bàn Cổ là một lão lùn tịt dị dạng. Truyền thuyết và hình tượng không ăn khớp với nhau, lệch lạc, rõ ràng trống đánh xuôi kèn thổi ngược, ăn vụng không biết chùi mép.
Vì là con Mẹ trứng Không gian Thần Nông nên Bàng Tổ cầm trong tay trứng vũ trụ. Ðây là cái trứng hỗn mang (Chaos) có hai phần Aâm Dương tạo sinh ra trời đất. Ðây là nền móng của triết thuyết Aâm Dương mà từ xưa tới nay Ðông Tây vẫn cho là của Trung Hoa. Không. Trăm phần trăm là không phải người Trung Hoa sáng tạo ra thuyết Yin Yang. Người Trung Hoa đã lấy Thần Nông, đã lấy Bàn Cổ tất nhiên họ lấy luôn triết thuyết Âm Dương của Hừng Việt Nam Man thờ mặt trời.
Thật vậy chúng tôi đã khám phá ra những chứng tích nguồn cội, căn bản của thuyết âm dương còn rành rành ở các địa danh nơi đất tổ Lạc Việt cũng như như thấy ở truyền thuyết của các tộc khác thờ mặt trời họ Hồng Bàng.
Việt Nam
Mẹ trứng vũ trụ Thần Nông, Thần Nang là Âm. Trứng là tiêu biểu cho phần sinh dục nữ. Cái trứng hay noãn nang, dạ con, lỗ sinh đẻ phái nữ đều có hình hay được biểu thị bằng hình tròn hoặc chữ o tròn như quả trứng gà (với nghĩa thuôn tròn) hay chữ "o lớn" "omega" của Hy Lạp ví dụ trứng là tròng gần cận với tròn ; dạ con tương đương với lòng (lòng dạ là từ ghép điệp nghĩa) mà lòng = tròng như thế lòng, tròng gần cận với tròn; bộ phận sinh dục nữ l... có từ lỗ và cũng gần cận với lòng (dạ); Latin ovum , trứng, Anh ngữ oology , trứng học...; Pháp ngữ oeuf , trứng... đều khởi đầu bằng chữ o; Anh ngữ womb , dạ con có wom(b)= wom = vòm (khum tròn); dạ con của người trông giống và được diễn tả bằng chữ omega (sẽ có bài viết riêng)... Không gian và mặt trời khi biểu thị bằng hình tròn đều mang tính âm và đều là mẹ trứng vũ trụ và mẹ mặt trời, mẹ tròn (đi đôi với con vuông) và về toán học mẹ trứng không gian, mẹ trời hình đĩa tròn được biểu thị bằng con số không zéro.
Tóm lại chữ o, omega, vòng tròn, hình trứng (hình trái soan), hình vòm, cái lỗ biểu hiệu cho Âm.
Ông Bàng Tổ Trụ Trời với hình ảnh cái trụ chống mang hình ảnh và ý nghĩa đực hay Dương. Theo cách đọc Cổ Việt ch=tr mà một vài vùng ở Bắc Việt ngày nay còn nói, ta thấy chống (trụ) là trống (đực) như gà trống. Chống liên hệ chông (que nhọn) với chồng (ngược với vợ). Cái trụ, cái chống, cái nọc, cái nõ, cái cọc, cái que, cái cây là biểu hiệu cho bộ phận sinh dục nam, cho đực cho Dương. Ông Bàng Tổ Trụ Trời là yếu tố Dương. Về toán học ông trụ trời mang hình ảnh cái que được biểu thị bằng một cái gạch đứng như cái que, cái trụ tức là số 1. Khi nói trời là số một là ta đã nói tới trời với yếu tố Dương, phụ quyền đã lấn áp mẫu quyền.
Xin giải thích tại sao trời, vũ trụ nhiều khi dùng lẫn lộn, lúc có nghĩa là không, lúc có nghĩa là một. Thoạt đầu con người thờ Mẹ Nang, Mẹ Trời đĩa tròn sau đó với thời gian có sự "cướp quyền" giữa phụ quyền (phụ hệ) và mẫu quyền (mẫu hệ) nên đã có sự hoán đổi nghĩa trời tròn với tính phái âm nghĩa là số không với trời có nghĩa dương tức số một. Ta thấy những tộc khi còn thờ mẹ vũ trụ, mẹ trời thì trời là số không còn khi đã không còn thờ mẹ trời nữa mà chuyển qua thờ cha trời thì gọi trời chuyển sang nghĩa là một. Ví dụ các tộc Ấn Âu như Pháp, Anh, Ðức... không thờ mẹ trời nên gọi vũ trụ không gian là universe, univers, universum có un, uni có nghĩa là một; gọi mặt trời sun (Anh), soleil (Pháp), sonne (Ðức), sol (Tây Ban Nha), sole (Ý), sol (Bồ)... liên hệ với solo, seulement, solamente, sólo (Tây Ban Nha) solo, soltanto (Ý), só, somente (Bồ)... (một mình); Trung Hoa không thờ mẹ trời nên gọi không gian là vũ trụ với trụ là que là một. Trong khi đó chúng ta gọi không gian là nông, nang, tròng, lòng, trứng, không... hàm nghĩa số không. Chúng ta gọi trời là mặt cùng vần với mắt mà mắt là tròng, là tròn biểu thị bằng vòng tròn như con số không. Mặt cũng cùng vần với mất là không còn gì; với mất là chết mà chết là hết, là trở về hư vô (tức là số không).
Cái trứng tròn Âm và cái trụ chống trời Dương hòa hợp lại sinh ra vũ trụ muôn loài. Cái trứng vũ trụ âm không có "chống" (hai nghĩa) không tạo sinh, sinh nở được. Ðây là nguyên lý sâu sa của sự tạo sinh ra nhân vật Bàng Tổ Trụ Trời.
Trở lại truyền thuyết Ông Trụ Trời của Việt Nam. Dấu vết cột chống trời ngày nay người ta cho là ở núi Thạch Môn, thuộc về tỉnh Sơn Tây, Bắc Việt cũng gọi là núi Không Lộ (Ðường lên trời) hay Khổng Lồ hoặc là Kình Thiên Trụ (Cột chống trời). Núi này thuộc tỉnh Sơn Tây nằm đâu đó gần núi Tản Viên. Chúng ta đã biết theo một nghĩa Tản Viên là núi Trứng (tản, đản là trứng, chúng ta thường ăn phì tản , trứng đen ngâm thuốc Bắc trong món bát bửu đồ lạnh hay ăn với bún thang; đản bạch là lòng trắng trứng). Ðiểm này giải thích tại sao gọi núi Tản là Viên. Hiển nhiên Viên có một nghĩa là tròn. Tản Viên là Trứng Tròn.
Như vậy núi Tản Viên Trứng Tròn biểu tượng của mẹ Trứng Vũ Trụ Thần Nông và núi Kình Thiên Trụ biểu tượng cho ông Bàng Tổ Trụ Trời là hai yếu tố âm dương cốt lõi của vũ trụ quan của chúng ta.
Mặt khác chúng ta thường nghe giải thích Tản Viên là cái núi hình tán vì núi trông như cái lọng. Ðiều này cũng không sai vì tán lọng cũng có nghĩa là trứng vì phần trên tròn hay khum tròn như mặt trời hay vòm trời. Trong các đền thờ của chúng ta ngày nay còn thờ lọng đỏ biểu tượng cho mặt trời, vòm trời. Ta cũng có thể kiểm chứng lại bằng ngữ học. Tán là lọng mà lọng gần cận với lòng, tròng nghĩa là với trứng. Ta cũng có cái ô (dù) ruột thịt với tán, lọng. Trong từ ô có chữ o tròn như quả trứng gà, nghĩa là ô cũng như lọng có hàm nghĩa trứng. Trong bài "Cái Ðầu Lâu Hoa Cái Nhà Mày" khi nói đến từ mắt, chúng tôi có nói ô (lỗ nhỏ để nhìn như cửa ô) liên hệ với mắt. Mà mắt là tròng, trứng do đó ô liên hệ với trứng, với mặt trời tròn.
Như thế Tản Viên dù hiểu theo nghĩa lọng, tán cũng có nghĩa là trứng biểu tượng cho Mẹ Trứng vũ trụ Thần Nông.
Ngoài ra núi Tản Viên còn gọi là núi Nùng. Nùng là chuyển hóa với nòng, lòng, tròng nghĩa là trứng. Nùng còn có một nghĩa nữa là một (Thái ngữ nung là một), sẽ khai triển ở một dịp khác.
Trứng Tản Viên và Kình Thiên Trụ đã kết hợp lại tạo ra vũ trụ, dòng giống Việt.
Nhật Bản
Theo truyền thuyết, sau khi đứng trên cây cầu nổi trên trời dùng cái giáo quậy biển, khi nhấc lên những giọt nước rơi xuống tạo thành những hòn đảo nước Nhật ngày nay, hai anh em Izanagi và Izanami xuống đảo. Họ dựng một cây trụ trời và rồi hai người đi vòng quanh ngược chiều với ý định nếu gặp nhau họ sẽ lấy nhau...
Hai người đã đi giáp một đường hình vòng tròn. Khi gặp nhau người con gái mừng rỡ mở miệng gọi người con trai trước khiến Izanagi tức giận nên kết quả họ sinh ra hai người con tật nguyền và họ từ bỏ. Hai người về trời trở lại. Thần cho biết đó là do lỗi người con gái mở miệng nói trước và khuyên là lần này xuống đất Nhật phải để người con trai nói trước. Hai người làm đúng theo lời thần dặn nên đẻ ra đầy đàn con cháu trong đó có Oh-yashima-guni (Ðất-Tám Ðảo-Vĩ Ðại, tên cổ của nước Nhật).
Ở đây ta cũng thấy cái trứng do hai người đi vòng quanh và cây trụ. Nhưng đã viết theo tính trọng nam khinh nữ của người Nhật. Cái trụ trồng trước đi theo hình vòng tròn sau và con gái mở miệng nói trước, tỏ tình trước với trai là con gái hư.
Ai Cập
Khi viết về Thần Nông trong số trước chúng tôi đã đề Cập đến Âm Dương của Ai Cập, một tộc cũng thờ mặt trời như chúng ta. Ai Cập ngữ Ankh , life, sự sống, đời, thường biểu tượng bằng hình chữ thập trên đầu có lỗ hình quả trứng mà các học giả thường gọi là "cái chìa khóa của sự sống" ("key of life") (xem hình).
Cho tới bây giờ chưa ai biết rằng đây là biểu tượng Âm Dương của Ai Cập. Theo chúng tôi đây là trái trứng và cái cọc sinh ra đời sống. Ðây chính là biểu tượng âm dương của Ai Cập. Ai Cập ngữ Ankh liên hệ với Phạn ngữ anda (trứng).
Thêm nữa, các tác giả Tây phương ngày nay cũng đã phủ nhận Bàn Cổ và triết thuyết Yin Yang có gốc là của người Trung Hoa. Richard Cavendish trong An Illustrated Encyclopedia of Mythology cũng xác nhận Bàn Cổ, Âm Dương là của Nam Man: "A tradition from the Yangtze delta says that P an-ku and his wife represent yang and ying, as do the two halves of the egg from which P an-ku was born" (tr.60) (Một truyền thuyết từ vùng châu thổ sông Dương Tử nói rằng Bàn Cổ và vợ tiêu biểu cho dương và âm giống như hai phần của quả trứng từ đó Bàn Cổ được sinh ra".)
Chúng tôi cũng đã khám phá ra dấu tích của mẹ Trứng Vũ Trụ Thần Nông và Bàn Cổ trên trống đồng Ðông Sơn (sẽ viết rõ trong Bí Mật Trống Ðồng Ðông Sơn).
Như thế vũ trụ quan của chúng ta nói riêng của Hừng Việt nói chung cho thấy vụ trũ trời đất, con người sinh ra từ yếu tố âm là Mẹ Trứng Thần Nông hay Thần Nang và yếu tố dương là Bàng Tổ Trụ Trời.
Ðể kết thúc chúng tôi xin vén tấm "nhiễu điều phủ lấy giá gương" hé mở cho thấy cái bóng của Âu Cơ và Hừng Vương trong tấm gương Thần Nang Bàng Tổ.
Thần Nang Bàng Tổ tạo sinh ra vũ trụ, đất trời, trần thế, con người, Xích quỉ. Còn Âu Cơ đẻ ra Hùng Vương và các dòng vua cai trị nhân gian con người, Xích quỉ. Thần Nang là hình, Âu Cơ là bóng của Thần Nang. Cả hai đều là trứng tạo sinh. Bàng Tổ là hình, Hừng Vương là bóng của Bàng Tổ. Hãy đối chiếu vài điểm tương đồng giữa Bàng Tổ và Hừng Vương:
Bàng Tổ và Hừng Vương đều từ trứng đẻ ra
Bàng Tổ và Hừng Vương đều có nghĩa là tổ Ðỏ.
Bàng Tổ và Hừng Vương người sống 18.000 năm hay 18 thiên kỷ, kẻ có 18 đời. Cả hai gặp nhau ở con số 18.
Bàng Tổ là bình minh của vũ trụ trời đất, thế gian; Hừng Vương là rạng đông của Việt tộc, của Man, Mán, Mường... của Xích quỉ, con người v.v...
Tóm lại Bàn Cổ, Bành Tổ, Bàng Tổ là ông Trụ Trời, sinh ra thế gian và con người là của Nam Man Hừng Việt, là ông tổ Ðỏ của họ Hồng Bàng. Chúng ta còn chứng tích rành rành của Bàng Tổ nơi đất tổ lập quốc là núi Thạch Môn, Không Lộ, Kình Thiên Trụ ở tỉnh Sơn Tây. Ðộc giả theo dõi tới đây đã thấy rằng Thần Nông Trứng Vũ Trụ, Bàng Tổ Trụ Trời không phải của người Trung Hoa thì triết thuyết Âm Dương Kinh dịch nếu ai cho là của người Trung Hoa cần phải suy nghĩ lại.