Mẹ Chồng
Trần Đình Ngọc
- "Cường đấy hả? Mày không về mà coi con vợ mày nó hỗn với tao. Mày cứ đi biền biệt như vậy thì còn biết cái gì xảy ra ở cái nhà này nữa!"
Bà Hiển nghe tiếng xe hơi vào ga-ra, biết là thằng con trai bà đã về. Bà không kịp chờ cho nó vào tới phòng khách, mà bà ngồi ở phòng khách nói vọng ra, vì bà tức giận quá. Nhưng Cường đưa xe vào ga-ra, máy vẩn nổ, cửa thông phòng khách đóng kín, Cường đâu có nghe tiếng bà Hiển. Tắt máy xe xong, Cường lững thững vào phòng khách, bình thường tự tại như chẳng có chuyện gì. Bà Hiển thấy thằng con trai không nói, không rằng mặc dù bà đã hét từ trong phòng khách đến bể cả nhà, thế mà nó không nói một tiếng. Có lẽ nó muốn bênh vợ nó đây. Từ hồi sang Mỹ, bà vẫn ngờ là thằng con trai bà sợ vợ. Trong đời bà, bà chúa ghét những người đàn ông sợ vợ nhất là người đó là những thằng con trai của bà mặc dù ngày còn ông chồng, bà thường bắt nạt ông đến điều và ông vẫn chịu nước lép.
Vừa chạm mặt, thấy mẹ hầm hầm, mắt long lên sòng sọc đang đứng ngay lối đi, Cường đã hoảng. Bà Hiển lại hét lên như trời long đất lở:
- "Sao tao nói với mày mà mày câm miệng hến hay sao không trả lời?"
Cường chưa hiểu chuyện gì:
- "Con có nghe mẹ hỏi gì con đâu?"
Cường đứng ngay trước mặt bà Hiển , thuận tay bà tát cái bốp vào má trái của Cường một cái khá mạnh :
- "Tao bảo mày lúc xe mày ở trong ga-ra, mày không về mà coi con vợ mày nó hỗn với tao."
Cường bị cái tát tuy không đau nhưng bực mình, đổ quạu. Hắn cùn quằn:
- "Con làm gì mà mẹ đánh con? Xe trong ga-ra máy còn nổ, cửa đóng kín, làm sao con nghe mẹ nói cái gì?"
Bà Hiển xỉa xói:
- "Phải rồi, mẹ mày nói thì mày không nghe thấy cái gì, chứ mẹ trẻ mày chưa nói, mày đã hiểu mẹ trẻ muốn cái gì rồi. Đúng là tao vô phước!"
Cường đã hiểu ra. Lại chuyện giữa mẹ với vợ. Cường khổ tâm hết sức nhưng không biết giải quyết ra sao. Từ hồi bà được Cường làm giấy tờ bảo lãnh theo diện ODP cho bà sang đây, kể đã 4 tháng thì chỉ được vài tuần đầu là đỡ đỡ, sau đấy càng ngày bà và vợ Cường càng có những mâu thuẫn ngấm ngầm, để rồi thỉnh thoảng nổ tung ra như quả lựu đạn.
Sau hai tuần đến Mỹ bà Hiển bắt đầu đi vào vấn đề ngân quỹ gia đình . Bà muốn kiểm soát tiền bạc của con trai và con dâu. Bà nhất quyết phải là người chi phát trong gia đình, nắm lấy quyền làm mẹ, để may ra có giúp được hai thằng anh và con chị của Cường với một đống cháu còn ở Việt Nam. Bà quyết phải tặn tiện từng đồng xu, cắc bạc để giúp đỡ mấy đứa con với cuộc sống đạp xích lô, chạy hàng xách quá khó khăn vất vả ở Sàigòn. Xứ này cái gì cũng thừa mứa, ăn không hết đổ đi, mặc ít lần vứt đi, bà thấy mà tiếc của trời. Dè sẻn lại, tần tiện lại, mấy đứa cháu nội, cháu ngoại khốn khổ của bà với bố mẹ chúng may ra đỡ đói, đỡ rách. Kẹt một cái bà đi diện đoàn tụ, nên không xin được cái gì. Giả sử Chính Phủ Mỹ có cho ăn tiền già, bà cũng chưa đủ tuổi. Mới 59, cái tuổi lỡ cỡ quá chừng! Đi làm thì người ta chê già không ai mướn mà chờ đến lúc được tiền già thì mòn xương! Sáu, bảy năm nữa, ít ỏi gì. Vậy thì ngay từ bây giờ, bà phải tính! Bà đã suy nghĩ kỹ từ cái ngày đầu tiên đến ở trong nhà này.
Một buổi tối sau khi ăn cơm xong, bà Hiển ngồi bế đưá cháu nội tại sofa, con Jackie, cho má nó rửa chén. Cường đang say mê với hai đội banh trên TV: Sonics và Lakers, ngồi ở ghế bên kia đối diện bà Hiển. Jackie mới được hơn 3 tuổi. Nó thương bà nội chỉ sau má và ba nó vì bà nội cưng Jackie, cho nó ăn, tắm và chơi với nó từ lúc ba má nó đi làm sáng sớm cho đến lúc má nó về, khoảng 4 giờ chiều. Ở Việt Nam, bà Hiển có 5 cháu nội và 3 cháu ngoại, không có đứa này, có đứa kia, nhưng ở đây, vợ chồng Cường mới chỉ có Jackie, bà quí cháu như cục vàng. Con bé trắng như cục bột, mũm mĩm, dễ thương lại rất khôn. Bài hát ngắn của trẻ em, dạy vài lần là nó thuộc, nó hát líu lo cả ngày, lại nhõng nhẽo với bà nội cả ngày.
Vợ chồng Cường tập cho nó gọi, nó cứ "Nội, nội" luôn miệng. Từ ngày có bà nội, nó ngủ với nội, không màng đến ba và má nó. Ngược lại, bà Hiển vắng nó cũng không chịu được. Tình thương của bà bây giờ đổ dồn cho các cháu, những đưá trẻ dễ thương thay thế chỗ của cha mẹ chúng hồi xưa trong trái tim bà.
Nga rửa đống chén đã xong. Nàng lại sofa chỗ hai bà cháu đang ngồi. Jackie thấy má tới, nó từ lòng bà Hiển nhảy qua lòng Nga, giọng nhõng nhẽo:
- "Má-mi, sang chơi em bé!"
Em bé là thằng Mike con của vợ chồng anh Doãn, nhà sát bên. Mike mới lẫm chẫm biết đi và tập nói. Jackie rất thích chơi với nó, cứ đòi sang em bé cả ngày.
Nga ôm chặt Jackie nựng nó:
- "Không, tối rồi. Mike đi ngủ rồi. Mai bà nội cho sang."
Bà Hiển bảo Nga:
- "Ngày hôm nay ở chơi bên đó cả tiếng đấy chứ. Giờ này em bé ngủ rồi. Jackie cũng đi ngủ đi. Chín giờ rồi."
Nga bồng Jackie đứng lên vào phòng ngủ. Bà Hiển bảo Nga:
- "Cho nó ngủ rồi ra đây mẹ bảo!"
Nga đưa Jackie vào đặt trong cái giường nhỏ riêng của nó. Giường có thành cao bốn bên lên đến ngực Jackie, đề phòng nó có thức dậy cũng không leo ra được. Jackie đã quen giấc, nó nằm một chút, ngáp vài cái là đi vào giấc ngủ sau khi đã ôm hôn Nga hai bên má hai cái thật kêu và đợi Nga hôn nó hai cái.
Nga trở ra phòng khách, vừa đi vừa nghĩ không biết bà mẹ chồng mình còn muốn cái gì nữa đây? Từ hôm bà sang, không phải lần đầu "ngồi xuống cho mẹ bảo". Bà giở đủ thứ trò, nay phiền cái này, mai trách cái khác. Ngay cả giấc ăn giấc ngủ của vợ chồng Nga bà cũng kiểm soát nốt. Đi làm 5 ngày trong tuần mệt ứ hơi, chỉ mong sáng thứ bảy và sáng chủ nhật ngủ trễ một tí cho lại sức, bà cũng không cho.
Bà thường bảo Nga:
- "Đàn bà con gái nằm chương ra đó cho đến trưa mới dậy là đàn bà hư. Tao ngày xưa đi lấy bố thằng Cường, 5 giờ sáng bà cụ đã giộc dậy. Đêm nào cụ không ngủ được, có khi mới 4 giờ sáng cụ đã bắt dậy. Dậy rồi ra đồng cào cỏ tát nước thì ra không thì ở nhà làm gì thì làm chứ chớ có mà nằm đó. Cụ là cứ mang chổi, mang roi vào buồng ngay lập tức."
Những câu chuyện cổ tích "vui vui" như vậy bà thường kể cho vợ chồng Cường nghe hoài. Cái vụ dậy sớm sáng thứ bảy và sáng chủ nhật chưa sao tập thành thói quen được thì bữa đó cũng sáng thứ bảy, khoảng tuần thứ ba, thứ tư gì đó từ khi bà Hiển đặt chân lên nước Mỹ. Tối thứ sáu, hai vợ chồng Cường đem gửi con cho bà ngoại của Jackie rồi đi nhảy đầm nhân dịp một vũ trường của anh người bạn thân mới khai trương. Nga không dám gửi Jackie cho bà Hiển vì sợ đi khuya về bà la lối. Bà nói có vài bà bạn sẽ đến đón bà đi choiä. Vả lại, vợ chồng Nga cũng biết bà coi con Jackie cả ngày mệt rồi nên khuyên bà đi chơi với bạn cho thoải mái. Đi chơi cũng có thêm một điều tốt nữa là bà bớt bẳn gắt, la rầy. Nga và Cường nghiệm ra hễ cứ nhận được thư từ Việt Nam, những bao thư có sọc cờ tam tài ở mép, là y như bà cáu giận ba máu sáu cơn cả tuần đó, mặc dù Cường và Nga không làm điều gì mất lòng.
Từ ngày bà sang, Nga biết nhờ có bà mà Nga khỏi đưa Jackie đi gửi hoặc mướn người coi nên Nga bảo Cường mỗi tháng biếu bà $1,000 để bà chi tiêu lặt vặt. Nói là để chi tiêu lặt vặt chứ bà chẳng chi ra cái gì. Quần áo từ Việt Nam đem qua mấy bộ vừa cũ, vừa cổ lỗ sĩ quá, Cường nói bà bỏ đi và chở bà đến tiệm đặt may cho bà 3 bộ với hai cái áo dài. Dù Cường ký check trả nhưng bà cứ suýt soa chê vải đắt, công đắt, đến cả tháng sau. Nhưng dù hà tiện, bà không dám giữ lại mấy cái quần áo quá xưa và quá xấu. Người đàn bà biết làm dáng trong bà vẫn còn sống động song song với người đàn bà thấy cái gì cũng chê đắt, chê quá tốn tiền. Tiền có đồng nào bà chỉ cột chặt. Ngày xưa là cái giải yếm còn bây giờ không có giải yếm thì đã có góc giường, góc tủ, góc nệm với mảnh giấy báo gói lại, hi vọng đến tuổi 65, bà sẽ được hưởng tiền già như bác Cả, bác Chân, bà Tú, bà Tùy…. Mấy ông bà già rõ sướng. Mỗi cặp tháng lãnh ngàn mấy "phẻ" ru, thỉnh thoảng lại còn được tặng bột, đường, bơ, phó-mát, cá và thịt hộp v.v… làm bà thấy mà thèm. Bà thầm nghĩ một người thì chỉ được sáu trăm rưởi, ông Hiển mất đã lâu, ở đâu ra hơn ngàn? Nhưng thôi, được chừng đó cũng tốt chán, chẳng hơn bây giờ chưa có đồng nào.
Vài tháng đầu thì chưa, nhưng sau đó, không hiểu bè bạn nào đã mách nước cho bà nên bà cứ săm soi vào những bộ quần áo đắt tiền của Nga. Bà cho rằng quần áo là thứ xa phí nhất trong các thứ xa phí. Bữa cơm nào bà cũng ra rả:
- "Tao ngày xưa ấy à. Một phần của tụi bay cũng không được. Quần áo đi đâu chỉ nhất bộ. Cái áo tứ thân nâu non trên nhạt dưới đậm, cái xống sồi đen, khăn vuông mỏ quạ và cái nón thúng quai thao, trước kia cứ vậy mà đi đất, mãi về sau bà cụ mới cho sắm một đôi dép cong. Có cái nhẫn và đôi khuyên rồi lúc khá giả thì sắm được thêm bộ xà-tích, dịp tết nhất long trọng lắm mới được mang ra đeo. Chẳng như bây giờ đàn bà con gái, giờ cái áo này, lát cái áo khác, ngồi nói ở truyền hình một tí thay hai, ba cái áo; tiệc cưới cũng đổi quần đổi áo ba, bốn lần, thấy mà ngứa mắt."
My God! Ngày xưa khác, bây giờ khác, sao bà lại so sánh bây giờ với ngày xưa? Đi làm hãng bảo hiểm, bạn bè nó ăn mặc như bà hoàng, mình cũng phải có năm, ba cái thay đổi tạm tạm cho được mắt một chút chứ. Ăn mặc như Nga chưa được gọi là trung bình đâu.
Nga ngồi xuống cái love seat trước mặt bà Hiển, kế bên chồng. Bà Hiển bảo Cường:
- "Tắt T.V đi, nghe mẹ nói đây!"
Cường đang mê say basketball, chỉ còn 2 phút 46 giây nữa là kết thúc trận đấu nên bảo bà Hiển:
- "Còn 2 phút nữa thôi mẹ. Để con coi nốt tí xíu."
Bà Hiển đôã quạu. Bà không muốn trước mặt con dâu mà thằng con trai không biết nghe lời bà:
- "Tao bảo tắt là tắt. Tắt ngay!"
Cường hoảng hồn bấm vội cái remote, tiếc ngẩn tiếc ngơ mà không dám than. Nga ngồi cạnh bấm nhẹ vào đùi chồng một cái như muốn nói mẹ anh khó tính quá như vậy đó. Cường chịu trận ngồi thộn mặt ra. Bà Hiển vào đề ngay:
- "Xưa nay kim chỉ phải có đầu. Từ hôm mẹ sang cũng đã gần 5 tháng. Mẹ muốn hỏi các con xem lương hướng chúng mày mỗi tháng cầm về được bao nhiêu? Thằng Cường cũng bỏ chung mà con Nga cũng bỏ chung, tao sẽ tiêu pha khéo léo cho chúng mày có dư thì chúng mày hưởng. Con Jackie cháu tao đó, tao không lo cho nó thì lo cho ai?"
Nga và Cường nghe bà Hiển nói đều ngẩn người. Bây giờ bà lại trổ cái mửng kiểm soát lương bổng nữa thì chịu sao thấu. Rồi một ngày nào đó bà bắt viết tên nhà, tên xe cho bà sao? Nga chưa dám trả lời chỉ đưa mắt nhìn Cường. Cường nói:
- "Mẹ ơi, mẹ lớn tuổi rồi, mẹ để ý tiền nong làm chi cho thêm mệt. Vợ chồng con đi làm tuy có tiền thiệt nhưng chi tiêu mỗi tháng cũng tốn lắm. Nào tiền nhà, nhà này còn nợ trăm mấy chục ngàn trả 30 năm mới hết. Nào tiền bảo hiểm nhà, bảo hiểm xe, thuế nhà, thuế xe, tiền điện, nước, ga, tiền chợ, thôi trăm thứ tiền. Một người làm là không đủ đâu mẹ."
- "Tụi bay tiêu như phá, tao ở qua mấy tháng tao lại không biết sao? Có sẵn tiền trong tay rồi cứ thích cái gì là mua cái ấy. Tiền núi cũng cạn."
Nga cười cái cười không vui:
- "Mẹ ơi, mẹ nghĩ vậy chứ không phải vậy. Tụi con tiêu pha kỹ lắm. Trước kia thì còn có thể hoang một chút, chứ từ ngày có con Jackie, tụi con chỉ sắm cho nó chứ không dám mua cái gì cho tụi con vì đi làm đã vậy còn phải dè lúc bị lay off."
Bà Hiển cười khẩy, bà thấy thích thú vì nắm ngay được họng của đối phương:
- "Ừ, thế mấy cái quần áo sang trọng hết mức bay mới mua về hôm chủ nhật rồi là của ai đó?"
Nga đáp ngay:
- "Em con mua nhưng nó mặc hơi chật, nó định mang trả lại nhưng thấy quá rẻ, đồ của Bloomingdale mà sales đến 30%, con tiếc đưa về suy nghĩ chứ đã mua đâu."
- "Không phải một lần này. Mẹ thấy con xài quần áo quá phí . Mỗi cái mặc mấy tháng rồi là dồn vào bao ny-lông cho nhà thờ. Quần áo còn tốt y mà đã thải. Cả thằng Cường cũng vậy. Con Jackie, nguyên quần áo của nó một tủ chật, ấy là mới 3 tuổi chứ nếu 13 thì không biết lấy tủ nào mà xếp quần áo."
Cường cũng nói hớ một câu làm bà Hiển càng tức:
- "Vì vậy mới phải cho nhà thờ đấy mẹ. Không thì chật nhà…"
Bà Hiển la lên:
- "Trời Phật thánh thần ơi, anh chị và các cháu mày ở Việt Nam đang không có cơm ăn , có áo quần mà mặc mà ở đây mày phí phạm như thế thì mày không sợ tội với trời à. Ngày xưa, trước khi tao gửi mày sang đây, mày đâu có cái tính phí của như thế…"
- "Mẹ ơi, nhập gia tuỳ tục chứ mẹ," Cường ngắt lời bà Hiển,
- "Con Jackie là vợ con đã cho nó mặc đến lúc chật và ngắn không mặc được nữa mới thôi đó, chứ như thằng Mike nhà kế bên, mẹ thấy không, mới hơn 1 tuổi mà nguyên quần áo giầy dép của nó mẹ cũng thấy ngộp rồi … "
Bà HiHHHHHHHHHHHHHHHHH Hiển không kịp để Cường nói hết vì bà vừa nghe một câu chói tai:
- "Đấy vợ mày làm thì đúng hết, còn bà già vứt đi này thì nói cái gì nghe cũng không lọt lỗ tai. Ai đẻ ra mày hả thằng kia?"
Hai vợ chồng Cường thấy bà Hiển nổi nóng nên nín khe, không dám nói gì nữa, ngồi chịu trận ở đó. Chợt có tiếng con Jackie ọ ẹ ở trong giường, Nga quá mừng vì được dịp đứng lên vào phòng. Bà Hiển nói với sau Nga:
- "Cho nó ngủ tiếp đi rồi ra đây!"
Nhưng Nga nằm miết trong phòng và ngủ với Jackie luôn sau khi đã đưa nó qua cái giường lớn. Jackie có mẹ vỗ vào mông êm êm, nó ngủ khò. Còn Nga thì mệt quá cũng thiếp đi.
Đợi đến nửa tiếng Nga cũng không trở ra, bà Hiển bảo Cường:
- "Đấy thấy chưa? Mày không chứng kiến lại bảo mẹ vu vạ cho nó. Có con dâu nào mẹ chồng bảo ngồi nói chuyện lại vào phòng ôm con ngủ không?
Cường lại nói hớ:
- "Con Jackie khóc vợ con mới vào dỗ nó. Không dỗ mẹ lại bảo ầm nhà ầm cửa."
- "Nhưng mà tao bảo vào dỗ nó ngủ rồi ra nói chuyện tiếp chứ tao bảo ngủ ở trỏng à? Mày vào gọi ngay nó ra đây cho tao!"
Cường cứ ngồi yên, mắt nhìn xuống tấm thảm Đông Phương trải trước mặt. Ngày hai vợ chồng làm đám cưới, xong mua nhà, rủ nhau đi mua tấm thảm đẹp này để trưng bày ở phòng khách cho đẹp mắt, nào có điều gì phải buồn phiền đâu? Từ ngày mẹ sang, Cường vui vì được gần bên mẹ, được lo lắng cho mẹ chứ không cách trở như trước kia khi bà còn ở Việt Nam. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì nỗi buồn lại tới. Cường buồn vì thấy mẹ và vợ không hợp, những chuyện phiền trách, cãi cọ, xung đột xảy ra hằng ngày làm Cường rất khổ tâm. Đứng về phía mẹ thì vợ giận, tình nghĩa vợ chồng dần dần phai nhạt mà đứng về phía vợ thì mẹ kể lể, chửi mắng đến điều. Mới có 5 tháng trời mà Cường cứ tưởng cuộc chiến trong gia đình đã xảy ra cả mấy năm. Nhiều khi Cường chỉ muốn ở lì trong sở làm việc chứ không muốn về nhà nữa. Cũng may còn Jackie, nó làm Cường háo hức mỗi giờ tan sở để mau chóng về nhìn thấy nó, bồng nó trên tay, đưa nó ra vườn sau hái những cánh hoa hồng đủ mầu cho nó chơi và nhìn nó nói cười ngây ngô, vô tư lự.
Nhiều lúc Cường nghĩ giá còn bố Cường thì quá tốt. Bố luôn luôn hợp lý hơn mẹ. Bố thương Cường nhưng bố biết nên làm điều gì hay không nên làm điều gì cho Cường. Mẹ, trái lại . Bà chỉ nghĩ sao làm thế.
Hồi còn nhỏ chưa đủ trí khôn nên Cường không biết nhưng càng lớn, càng ở lâu với mẹ, Cường càng nhận ra mẹ quá sôi nổi và nhiều khi có thể nói là nông cạn. Bà nghĩ đâu nói đó, thích gì làm đó, thành ra con người bà không có gì là sâu sắc. Tính bà bộp chộp, lại ít nhường nhịn nên trong gia đình, khi bố Cường chưa phải vào tù cải tạo của Cộng Sản, cũng thường xảy ra những chuyện mè nheo rầy rà. Hồi đó, Cường biết, bố Cường cũng đã nhịn mẹ Cường nhiều, nếu không thì gia đình còn tan hoang nữa, nhưng mẹ Cường, nào có còn ông bà nội, ngoại hay chú bác, cô dì, cậu mợ v.v… để khuyên nhủ bà một câu cho bà nhìn thấy cái phải, cái trái. Ngược lại, có những bà bạn của mẹ Cường chỉ thừa dịp đốc xúi khiến mẹ Cường càng trở nên khó khăn với bố Cường hơn. Mà nào phải bố Cường chơi bời trai gái, thuốc xái, bỏ mặc vợ con. Trái lại, ông là người rất biết bổn phận chủ gia đình của mình, lo lắng cho vợ con được đầy đủ với đồng lương ông kiếm được từ những việc ông làm ngoài xã hội. Hình như mẹ Cường chỉ muốn một điều là bà phải chỉ huy hết thảy, chi phát hết thảy trong cái môi trường sống của bà. Có như vậy bà mới mãn nguyện, dù rằng chưa bao giờ bà làm ra tiền, ngay cả hồi còn ở Việt Nam.
Khi Quân đội Mỹ đến Việt Nam, khoảng giữa thập niên 60, bà có theo mấy người lối xóm đi hỏi mua những đồ PX như bếp ga, tủ lạnh, đồ ăn, đồ hộp, trái cây, quần áo Jeans v.v… từ những bà vợ lính Mỹ đem về bán kiếm lời. Thứ hàng PX không phải là hàng có thường xuyên. Những sĩ quan, hạ sĩ quan và lính Mỹ có vợ Việt Nam - vợ đoản kỳ tùy theo thời gian dài ngắn họ phục vụ tại VN - khi hứng lên và muốn lấy lòng các bà vợ thì vào PX mua đồ đem ra tặng. Những người vợ này kiếm mối như mẹ Cường bán để lại thúc hối người chồng đi mua cái khác. Khi có, lúc không. Khi kiếm cái tủ lạnh vài trăm, khi lời được ít nho, lê, táo hoặc vỉ trứng gà cho con ăn nhưng mẹ Cường đã lấy làm một sự hãnh diện, coi như không có tay bà thì gia đình sẽ sụp. Bố Cường lúc đó nghe bà nói, thôi cũng kệ, đua tranh hơn kém làm gì giữa chồng với vợ. Nhưng mẹ Cường vốn có mặc cảm thua sút, lúc nào có lời qua tiếng lại cũng giở vụ buôn bán PX ra để kể công với chồng. Từ ngày ông chồng đi tù, bà không còn ai để kể công thì bây giờ lại quay đến mấy đứa con. Mấy đứa khác đã xa hết, chỉ còn Cường, thế là Cường lãnh đủ.
Đã có những đêm vợ chồng nằm bên nhau, khi Jackie đã ngủ say trong nôi, Nga thầm thì nói cho Cường hay, nếu mẹ Cường khó quá, Nga sẽ dọn về bố mẹ Nga để ở. Dĩ nhiên, Nga ở đâu, Jackie phải ở đó.
Cường thấy Nga phàn nàn nhiều điều về mẹ Cường khó khăn, thầm
nhận là mẹ mình đi quá trớn, nhưng không biết giải quyết ra sao. Mỗi lần Cường phân giải hoặc muốn khuyên mẹ một câu, rằng thời đại này khác xa thời đại của bà ngày xưa, con dâu thời nay không giống con dâu thời xưa, hay nó ở, dở nó… ly dị, ly thân, rồi lại khốn khổ đến chính thằng con của bà chứ không ai khác. Nhưng mỗi lần Cường chưa kịp mở miệng thì bà đãø chửi té, chửi tát không làm sao mà trình bày cho bà hiểu được. Buổi "mạn đàm" của bà với vợ chồng Cường tối hôm nay cũng vậy.
- "Kìa, tao bảo mày gọi nó ra đây sao mày cứ ngồi lì đó?"
Cường thong thả đáp:
- "Con Jackie không ngủ thì nó ra làm sao được, hả mẹ?"
Bà Hiển quát vang nhà:
- "Tao bảo đảm với mày con Jackie ngủ rồi, chẳng qua nó khinh cái lời của tao. Mày hiểu chưa?"
Tiếng quát của bà Hiển quá lớn làm con Jackie giật mình. Nó khóc ré lên. Cường được dịp bảo mẹ:
- "Mẹ thấy con Jackie đã ngủ đâu?"
- "Trời đất, tao bảo đảm với mày nó ngủ rồi. Chẳng qua nó giật mình thức dậy đó thôi. Tao đã bảo mà. Mày không về mà coi con vợ mày nó hỗn với tao vì mày cứ đi biền biệt, có về lại chúi đầu vào cái Tivi xem đánh bóng . Mày là thằng đàn ông, mày để như vậy mà coi được à?"
Cường giận mẹ cố chấp nhưng không dám nói. Xưa nay Cường vẫn được tiếng là đứa con có hiếu, ngoan ngoãn và vâng lời cha mẹ. Nhất là mẹ mới sang Mỹ được mấy tháng lại làm mẹ buồn. Nhưng trong sự việc từ chập tối đến giờ, Cường thấy mẹ sai hoàn toàn.
Làm như bà Hiển lên cơn, bà thấy Cường cứ ngồi lì không nói, không rằng, bà càng tức. Bà lại gào lên nhưng lần này nhỏ hơn vì sợ con Jackie thức giấc. Bà cũng là người cưng nó nhất nhà không thua gì Nga và Cường:
- "Từ hôm sang, tao biết ngay mày chỉ sợ vợ mày thôi. Mày đâu có coi cái người đẻ ra mày ra cái gì. Vào dựng đầu nó dậy cho tao coi xem sao nào. Đàn ông gì mà hèn! Đồ sợ vợ!"
Máu nóng bốc lên rần rần trên đầu vì bị sỉ nhục dù người sỉ nhục là mẹ mình, Cường cùn quằn đáp:
- "Khó quá như mẹ ai mà chịu nổi. Từ ngày mai con ở trong sở làm overtime đến 10 giờ đêm con mới về. Thôi bây giờ mẹ để cho con đi ngủ kẻo sáng mai còn phải đưa con Jackie đi sớm."
Bà Hiển la một hồi đã hả dạ. Vả lại, bà thấy hai vợ chồng thằng con dầu sao cũng biết sợ mình, không dám cãi lại. Bà nghe bà Tá thường đi hội Cao Niên với bà nói có những đứa con dâu thời nay ở Mỹ dữ dằn, mẹ chồng phải sợ. Nó cãi vung tí mẹt chứ không chịu nhịn như con Nga vợ thằng Cường. Có một đứa, theo lời bà Tá, nó còn dám hỗn bạo không ai có thể tưởng tượng. Khi mẹ chồng và nàng dâu tranh chấp về quyền làm mẹ và làm vợ, nó ở trong phòng nói chõ ra khi bà gọi chồng nó dậy chở bà đi công việc.
- "Bà đừng tưởng bà ngon! Nó con bà mà là chồng tôi. Bà đừng tưởng tôi sợ bà đâu!"
Bà mẹ chồng nghe con dâu trả lời một cách bậm trợn hỗn láo như thế biết nó không phải tay vừa, đành nín lặng, tìm kế khác. Đàng này Nga không phục tùng bà thật nhưng chưa bao giờ dám đốp chát như thế. Dầu sao Nga có bố mẹ đàng hoàng. Bố mẹ Nga là những người hiểu biết và cũng đang có mặt ở trong tỉnh này. Phải như bà có thể nói chuyện trực tiếp với vợ chồng ông Lượng - ba má Nga - thì rất hay. Nhưng bà không quen họ lắm vì từ hôm sang Mỹ bà mới chỉ gặp họ một lần hôm vợ chồng Cường làm "party" vào một buổi chiều thứ bảy để mừng bà sang. Vả lại, đã chắc gì sui gia nó nghe mình. Nó bênh con gái nó chứ nó bênh gì mình. Má con Nga coi bộ cũng đáo để chứ không phải hiền gì. Bà ta biết lái xe nên đi đâu không phải nhờ con chở đi như bà. Nhiều lúc bà nghĩ không chừng cái xe Camry bà ta đang lái cũng do thằng Cường mua tặng. Thằng con trai bà nó sợ vợ như vậy thì vợ nói gì mà nó chả nghe. Bà thiệt vô phước! May là thằng Cường đã có con Jackie chứ không thì bà sẽ còn làm dữ nữa cho mà coi! Để cho nó chừa cái tính sợ vợ đi và để cho con Nga phải biết quyền uy của bà.
Kể từ cái đêm hôm đó, không khí trong gia đình bà Hiển thật là ngột ngạt. Có nhiều bữa Nga về trễ, ôm con Jackie vào phòng ngay rồi ở lì trong đó cho đến sáng hôm sau lại lái xe ra đi, bỏ luôn bữa cơm tối, để mặc Cường ăn một mình. Hồi bà Hiển chưa sang đây, mỗi bữa cơm tối là một tiệc vui của vợ chồng Cường với con Jackie. Hôm nào về sớm được một chút vì không phải đi đây đi đó, Nga lại làm mấy món ăn ngon cho hai vợ chồng và con Jackie để cả nhà thưởng thức. Khi thì Nga xào mì với tôm thịt, khi nấu bún mọc có nấm Đông Cô, khi lại ghé tiệm Quê Hương mua vài phần bún chả tôm thịt nướng ăn với sà- lát và nước mắm chua ngọt. Jackie ăn hết mọi thứ ba má nó cho ăn. Hễ ba nó ăn được cái gì, nó ăn được cái nấy. Phở bò, phở gà cũng phải một chén nhỏ, ăn ngon lành. Từ ngày bà Hiển đến, bà chủ trì việc nấu nướng. Nồi cơm điện vẫn như xưa nhưng thức ăn có nhiều khác biệt với hồi trước. Bà chỉ cho vợ chồng Cường và con Jackie ăn rau luộc với cá kho. Bà bảo ăn thế để giảm mỡ, nhất là đối với Cường vì ngày xưa Cường ốm chứ đâu có phệ ra như bây giờ. Có bữa chán quá không nuốt nổi vì ngày nào cũng chỉ rau luộc, Cường gọi Pizza mang tới ăn làm nồi cơm và rau luộc, cá kho của bà Hiển bị ế. Bà la như cháy nhà. Con Jackie lại khoái Pizza mới là phiền. Mỗi lần có Pizza nó ăn một miếng lớn vẫn còn thòm thèm. Nó cầm một miếng Pizza đem lại cho bà sau khi vợ chồng Cường mời đi, mời lại mà bà không ăn:
- "Nội, nội, nội ăn bi - già!"
- "Nội không ăn" bà dấm dẳn trả lời Jackie, "ăn cho lắm cái giống này vào rồi phì ra như cái thằng bố mày đó."
Jackie chẳng hiểu nội nó nói gì. Nó cứ giơ miếng bánh ra trước mặt bà trong khi bà quay mặt đi. Cường phải bảo nó:
- "Nội không ăn Pizza đâu Jackie. Đưa lại đây cho ba!"
Đến lúc đó nó mới thôi mời bà và chưng hửng mang miếng bánh trả lại đĩa. Bà cứ bảo vợ chồng Cường ăn gì cũng phải nghĩ đến các anh chị và các cháu còn đang đói khổ ở Việt Nam.
Chuyện hai vợ chồng Cường phải nộp tiền lương mỗi tháng cho bà để bà chi phát coi như tạm qua, vì sau vài lần bà nhắc Cường mà không kết quả, bà tạm thôi không nói nữa.
Đã sang đến tháng thứ 8 từ ngày bà Hiển sang Mỹ. Thời gian thì nhiều mãi lên nhưng tình cảm trong gia đình lại vơi mãi xuống. Một bữa hai bà cháu đang ngồi chơi ở phòng khách, chợt Jackie đi vào phòng ngủ của ba má nó rồi cầm ra một cái hộp nhỏ xíu hình vuông bọc nhung tím rất đẹp. Nó khoe bà:
- "Nội, nội. Con có hộp đẹp."
Mắt bà Hiển sáng lên:
- "Đưa nội coi!"
Bà Hiển mở cái hộp ra. Chu choa, đôi bông tai kim cương sáng lóng lánh dưới mắt bà. Bà Hiển gỡ đôi bông ra khỏi cái mặt hộp. Đôi bông mới xinh làm sao! Mỗi viên kim cương chắc cũng phải 6, 7 ly đây, bà nghĩ thầm. Thứ này quá sức là tiền rồi. Ở đây không biết mấy ngàn đô-la chứ ở Việt Nam, cứ gọi là cả mấy chục triệu đồng. Bần dân như mấy đứa con trai và con gái bà có lẽ mơ cũng không thấy đôi bông kim cương này chứ đừng nói là có tiền sắm nữa. Chắc chắn đôi bông phải là của thằng Cường mua cho con Nga. Có lẽ vào dịp cưới đây. Thằng con bà nó dại dột thì thôi. Mẹ nó, mang nặng đẻ đau nó mà nào nó đã bao giờ dám mua biếu mẹ đôi bông bằng nửa như thế này.
Thảo nào con vợ nó không chiều đãi, âu yếm, lúc nào cũng: "Anh Cường, anh Cường." Thôi, rõ ràng đây nhé. Mày còn chối được nữa không con? Tần tiện mà thế này đây! Nếu không tần tiện có lẽ tụi bay mua cả cửa tiệm hột soàn với cửa tiệm quần áo về chất nữa. Ăn tiêu thế này tiền núi cũng phải lở chứ đừng nói là lương kỹ sư điện tử. Mày chỉ chết thôi con ạ. Cho mày còng lưng suốt đời phục vụ cái con vợ chỉ biết phá.
Bà Hiển bỏ đôi bông trở lại cái hộp, ngồi ngắm nghía một lát nữa cho đã con mắt rồi đậy nắp hộp, đứng lên kiếm chỗ khuất giấu chiếc hộp vào đó. Cái hộp đã nằm sâu vào trong góc tủ mà trong trí óc bà Hiển vẫn còn rõ mồn một hình ảnh đôi bông xinh thật xinh lóe sáng trên nền vải nhung tím, lịch sự và sang trọng hết mức. Jackie thấy bà nội nó cất cái hộp đi, nó lầu bầu nhìn bà:
- "Nội trả cái hộp con."
- "Con không chơi cái hộp đó được."
- "Jackie muốn chơi cái hộp."
Bà Hiển phải kiếm cách cho nó quên cái hộp:
- "Đi, nội đưa Jackie sang chơi em bé."
Jackie nghe nói đến em bé, nó vui ngay, giơ tay ra cho nội nắm để dẫn nó sang bên hàng xóm chơi với em bé Mike.
Buổi tối Nga về là đi kiếm cái hộp ngay bởi lúc còn trong sở, Nga nhớ đến cái hộp bông tai tối hôm qua lấy ra coi không ngờ Jackie cứ đòi cầm cho bằng được và sau đó Nga quên lửng không cất. Nga hoảng hồn sau khi bới đống đồ chơi của Jackie và khùa tay vào mấy chỗ Nga thường giấu tiền hay quí kim đều không thấy. Do phản ứng tự nhiên, Nga xuống bếp hỏi bà Hiển lúc đó đang đút bánh canh cho Jackie:
- "Mẹ có thấy con Jackie nó cầm cái hộp bông tai mầu nhung tím của con?"
Bà Hiển thong thả đáp:
- "Có. Con Jackie nó cầm đi chơi. Tao sợ mất, tao cất cho mày rồi."
Nga chìa tay ra:
- "Mẹ cho con xin lại."
Bà Hiển cứ đút bánh canh cho con Jackie, coi như không nghe. Nga nhắc lại:
- "Mẹ cho con xin lại cái hộp bông tai của con."
Bà Hiển cũng làm lơ. Nga tái mặt bỏ vào phòng nằm, tức giận muốn khóc.
Khoảng 9 giờ tối, Cường về. Thấy vợ nằm như người bệnh liệt giường, lại thấy mắt vợ đỏ hoe, Cường đoán chắc đã có chuyện gì giữa mẹ và vợ. Cường đặt tay lên vai vợ, âu yếm:
- "Em sao thế? Bịnh hả?"
Nga ngồi dậy:
- "Mẹ anh lấy đôi bông tai hột xoàn của tôi rồi."
- "Uả, sao mẹ lại lấy?"
- "Anh hỏi mẹ anh ấy!"
Cường ra phòng khách thấy bà Hiển đang ngồi coi T.V. với Jackie:
- "Mẹ ơi, đôi bông tai của Nga mẹ giữ hả mẹ?"
- "Ừa."
- "Mẹ cho con xin lại trả cho Nga."
Mắt bà Hiển vẫn không rời màn ảnh nhỏ:
- "Để tao giữ cho!"
Cường hơi lớn giọng:
- "Không được đâu mẹ. Đôi bông này là vật kỷ niệm đám cưới của tụi con. Mẹ trả lại cho Nga!"
- "Kỷ niệm đám cưới nghĩa là mày mua tặng nó phải không?"
- "Dạ, phải."
- "Thế mẹ mày đã bao giờ có một đôi bông bằng nửa đó chưa? Bảo sao tiền bạc làm ra bao nhiêu cũng hết. Vậy mà tao có nói thì mày với vợ mày leo lẻo: "Tụi con tần tiện lắm." Mày có biết ở Việt Nam đôi bông này bao nhiêu triệu không?"
Cường cùn quằn:
- "Con không cần biết ở Việt Nam là bao nhiêu triệu, nhưng nó của Nga, mẹ phải trả lại cho Nga."
Bà Hiển vỗ vào đùi đánh đét một cái:
- "À, bây giờ mày lại bảo tao phải trả. Thế tao không trả thì làm sao? Nó ăn thịt tao phải không? Hay mày ăn thịt tao?"
Cường thấy mẹ nóng, biết có nài ép cũng không được nên lại bỏ vào phòng. Cường thay đồ mặc nhà, leo lên giường nằm vuốt ve Nga:
- "Để từ từ rồi anh lấy lại cho em. Không đi đâu mà mất. Mẹ có giữ thì anh sắm đôi bông khác đẹp hơn cho em."
Nga hất tay Cường ra:
- "Don t touch me!"
Cường biết Nga giận thiệt không dám sờ nữa nhưng chỉ nói:
- "Em hiểu cho anh. Nếu anh không biết nhường nhịn mẹ thì gia đình sẽ có nhiều lôi thôi. Anh chỉ trách em là sao em không bỏ vào tủ khóa cẩn thận mà lại đưa cho Jackie cầm chơi. Mẹ sợ em lơ đãng bỏ mất của một đống tiền, nên mẹ giữ dùm. Từ nay em có cái gì phải cất cẩn thận."
- "Tôi có khiến mẹ anh giữ cho tôi đâu. Tôi chỉ lấy ra coi có vài phút, con Jackie đòi chơi. Tôi đưa cho nó rồi quên khuấy đi. Ở sở ra tôi chạy thẳng về nhà thì bà ấy giấu biến rồi. Thiệt tình, trên đời này tôi chưa thấy ai như mẹ anh!"
- "Thì có vậy anh mới phải năn nỉ em. Em không nghe người ta nói mấy ông bà già mới ở Việt Nam sang là khó khăn lắm sao. Có bà còn tát con dâu nữa là."
Nga bĩu môi:
- "Tôi cho anh hay. Ba má tôi cũng chưa bao giờ đánh tôi. Tôi không phải cái thứ để bà ấy đánh. Cứ thử đụng vào người tôi coi, tôi có kêu Cảnh Sát không. Đôi bông này không trả tôi, tôi cũng sẽ đi thưa Cảnh Sát, lúc Cảnh Sát bắt, bả đừng nói tôi ác."
- "Thôi em. Anh van em. Em thương anh, thương con thì cũng nể lời anh một chút. Mẹ là mẹ anh chứ có phải người dưng nước lã đâu. Mẹ già rồi, cực khổ nhiều rồi, nhịn mẹ một tí."
- "Mẹ anh thì mẹ anh, cũng một vừa hai phải cho người ta chịu được. Làm quá, con cháu nào dám ở với. Nhân tiện tôi cũng nói cho anh hay chắc tôi không ở đây được nữa. Tôi sẽ đưa con Jackie về nhà ba má tôi."
Cường hoảng hồn ôm choàng lấy Nga:
- "Đừng, đừng làm thế, Nga. Anh có làm gì để em giận đâu. Đây là mẹ anh. Anh hứa sẽ làm mọi chuyện em đòi hỏi để em vừa lòng."
- "Anh mướn phòng hay apartment cho mẹ anh đi ở chỗ khác. Tôi hết chịu đựng nổi mẹ anh."
- "Đừng em ạ. Làm vậy người ta cười. Ở Mỹ này, ngoài anh, mẹ còn họ hàng, bà con, cháu chắt gì đâu mà bảo mẹ đi ở với người khác."
- "Kệ anh. Tôi đã nói rồi, tôi hết chịu nổi!"
- "Dần dần rồi mẹ sẽ hiểu ra đấy. Em cứ tốt với mẹ đi. Anh bảo đảm. Người già nào không khó tánh? Nhất là những người từ Việt Nam mới qua."
Nga không tiếp tục câu chuyện mà nàng nằm xích ra phía kia, cố dỗ giấc ngủ khó đến vì bị kích thích quá độ. Cường cũng nằm yên mắt trừng trừng nhìn lên trần nhà.
Nga bế con Jackie về nhà ba má Nga đã ba tuần. Sau cái đêm sóng gió thứ hai nguyên nhân do đôi bông hột xoàn, khoảng ba, bốn ngày sau đó, nhân dịp bà Hiển đi chơi với bạn ngày thứ bảy, còn Cường thì đi làm overtime, Nga bỏ vào vali một ít quần áo để thay đổi rồi dắt con Jackie ra xe.
Ngay chiều hôm đó, Cường lái xe đến nhà bố mẹ vợ, trình bày mọi lẽ với ông bà Lượng và xin đón Nga và Jackie về. Ông Lượng bảo Cường không bao giờ ông bà chia rẽ Cường và Nga nhưng nay Nga đã trên 21, Nga muốn làm gì là quyền của Nga, ông bà không can thiệp vào được. Cường năn nỉ Nga, Nga nói khó có thể trở lại sống chung với mẹ Cường nếu bà vẫn còn ở đó. Cường năn nỉ mãi không được đành ôm hôn con Jackie rồi lái xe về. Tới nhà, Cường không thấy mẹ đâu. Bếp núc, phòng ngủ, phòng khách vắng lạnh như chùa bà Đanh, Cường nản không thiết kiếm gì ăn uống mà cũng không theo dõi trận basketball giữa hai đội Chicago và Seattle. Bây giờ Cường mới hiểu được gia đình cần thiết cho mỗi cá nhân như thế nào! Gia đình yên vui, cá nhân có thể làm được nhiều chuyện ngoài xã hội. Gia đình xáo trộn, cá nhân khủng hoảng. Tuy nhiên, trong sự việc này, Cường không nghĩ là mình đã gây ra những đổ vỡ trong gia đình mà chỉ bởi mẹ và vợ Cường không ai chịu ai. Mẹ Cường quá cổ hủ, cố chấp; còn Nga thì quá nhiều tự ái , không hiểu bổn phận của một người con - nhất là con dâu - là phải nhường nhịn và phục tùng mẹ chồng vì dù sao, người đó cũng là mẹ của người mình yêu.
Khuya hôm đó, người bạn bà Hiển mới chở bà về đến nhà. Bà Hiển thấy nhà vắng ngắt vắng ngơ, một nỗi buồn xâm chiếm lòng bà. Phòng khách, phòng ăn và bếp núc vẫn sáng trưng nhưng thiếu những bóng người quen thuộc vẫn thường sinh hoạt, cười nói, chuyện trò, trửng dỡn. Giá như mọi khi vừa về tới cửa là bà gọi lớn:
- "Déc-ki ngoan của nội đâu, ra đây với nội!"
Và con bé xinh xắn lẫm chẫm bước ra, mắt nó sáng, môi nó hồng, những bước chân vui đi về phía bà để bà ôm lấy, bế gọn vào lòng mà hôn cho thỏa thích. Rồi bà lại bảo nó:
- "Con có xương nội hông?"
- "Con xương nội."
- "Xương nhiều, xương ít?"
- "Xương nhiều."
- "Thế Déc-ki hôn nội miếng đi!"
Nó để mũi vào má bà hít lấy hít để làm bà vừa sung sướng vừa cười sằng sặc:
- "Má này nữa, Déc-ki!"
Bà lại chìa má bên kia và Jackie lại hôn. Và hai bà cháu cứ thế mà du dương với nhau. Ôi, còn gì sung sướng cho tuổi già khi có các cháu mà thương, mà quí, mà chơi với chúng nó. Tối nay, bà Hiển thấy nhà vắng quá, biết mẹ con Jackie chưa về. Bà cũng hơi bồn chồn trong dạ và nhất là nhớ Jackie lắm nhưng bề ngoài, bà vẫn phải tỉnh bơ. Mọi việc bà làm đều đúng. Người khác sai thì sai chứ bà nghĩ, bà không sai bao giờ, nhất là dạy dỗ con trai, con dâu cho ra đòng ra đũa, đến nơi đến chốn.
Bà Hiển rón rén hé cửa phòng vợ chồng Cường. Bà thấy Cường nằm chèo queo ngủ, chưa thay quần áo, đâu có như mọi khi, Cường dán mắt coi liên tiếp hết trận banh này đến trận banh khác. Bà lại trở ra phòng khách, ngồi lẩn thẩn bật cái remote nhưng mắt không nhìn vào màn ảnh. Bà Hiển nghĩ lại chuyện bà đòi kiểm soát ngân quĩ gia đình cũng như giữ lại đôi bông tai hột xoàn mới rồi. Thật tình bà muốn lo cho con và giảm bớt chi phí cho nó chứ không có ý xấu muốn chiếm đoạt hay tơ hào gì của con nhưng vì cách làm của bà quá gay gắt, nên ra nông nỗi.
Cho tới hôm nay, Nga bồng con Jackie về ba má Nga đã được 3 tuần. Một buổi chiều đi làm về, Cường ra lấy thư, thấy một bao thư lạ lạ. Vào phòng khách, Cường xé bao coi thử xem là cái gì. Cường toát mồ hôi cứ mỗi dòng trên lá thư lướt dưới mắt chàng. Thư của luật sư bên nguyên đơn - Đàm thị Vân Nga - đòi Cường ra tòa để xé hôn thú giữa Nga và Cường, xin giữ bé Jackie và xin chia gia tài.
Cường thấy căn nhà và đồ đạc chung quanh quay như chong chóng trước mặt Cường rồi mắt Cường vụt tối sầm lại một mầu đen. Cường lịm đi một lúc lâu, khi mở mắt ra coi chung quanh thấy đêm đã khuya, căn nhà tịch mịch một cách lạnh lẽo u ám mà mẹ Cường thì có lẽ đã ở trong phòng ngủ.
Cường rũ ra trên chiếc sofa với ý nghĩ đau đớn phải xa Jackie, xa Nga và có thể xa cả căn nhà thân thương từ lâu.