Đã mười một giờ ba mươi. Còn nửa giờ nữa là giao thừa, là hết hẳn một năm cũ, sang hẳn một năm mới, theo Âm lịch. Chị Hoàng bệ vệ đứng lên, mặt đỏ bừng, kêu nhức đầu quá xin phép mọi ngời vào trong buồng nằm nghỉ một lúc, nếu giao thừa không thấy chị ra thì xin mời tất cả vào buồng chị, chị sẽ tuyên bố một điều rất hệ trọng. Chị nói thêm: "Buồng tôi không khóa, xin mời tất cả vào tự nhiên. Vì tôi không muốn công nhận cái năm sắp tới nên từ lúc này tôi đã thuộc về kỷ niệm của mọi người". Chị Bơ cũng nói sẽ dành cho cả nhà một bất ngờ, nhưng phải đợi đúng giao thừa, cái bất ngờ của tôi cũng thường thôi, chị nói thế, không được đặc sắc như của chị Hoàng đâu. Nhẽ ra chị phải gọi là cô Hoàng, vì chị là chị cả, nhưng bà chị nghèo toàn gọi các cô em, cậu em vừa giàu vừa sang là chị là anh hay là ông là bà. Sống nhờ người ta lại gọi là cô là cậu sao tiện. Anh Đại nửa ngủ, nửa thức, cười mủm mỉm, nói rằng anh chỉ thích được một bữa ăn thêm thật bất ngờ. Anh Chương kêu lên chán nản, có gì là bất ngờ thì trình diễn hết đi, cho nó vui, vui cả năm, còn sống mãi trong cái không khí "sẽ không có gì đến cả" thì buồn quá, buồn muốn chết được. Sau đó chị Bơ rủ chị Hảo xuống nhà dưới để chuẩn bị cái gì đó, có khi chuẩn bị cho sự bất ngờ chị vừa nói cũng nên. Anh Đại vẫn ngồi ngay ngắn một đầu bàn ăn, đầu hơi ngoẹo xuống vai, tiếp tục giấc ngủ chập chờn của người già. Tôi nghe chị Đại nói nhiều đêm anh chỉ ngồi như thế mà ngủ, nằm lại thức nhưng ngồi thì ngủ được, không được một giấc dài thì cũng được nhiều giấc ngắn. Còn lại có mấy người ngồi quây lại, uống một đợt cà phê thứ ba, thứ cà phê bột do Biên Hòa sản xuất, thơm đậm mà không chua như cà phê bột của Pháp. Theo anh Hoàng thì cà phê Ban Mê Thuột thuộc loại ngon nhất thế giới, trồng ít nhưng chọn giống rất kỹ để các ông Tây thuộc địa thưởng thức với nhau. Còn cà phê xứ Ba Tây họ sản xuất theo lối đại công nghiệp, rất nhiều, nhưng phẩm chất kém. Tôi hỏi, có phải dân Đức xài cà phê dữ nhất thế giới không? Mỹ chứ! Dân Mỹ xài tới bốn chục phần trăm cà phê của thế giới, mà nước nó thì không có đến một cây, toàn nhập thôi, trước hết là nhập của Ba Tây. Còn nước mình, tự hào cà phê ngon nhưng lại không nằm trong danh sách những nước sản xuất cà phê của Liên hợp quốc, vì anh có ít quá, ngon mà ít là chết rồi, thế giới họ cần cái vừa phải nhưng mà nhiều, thật nhiều. Vẫn theo anh Hoàng, ở Đông Dương có hai nơi trồng được cà phê tuyệt ngon, ngoài Ban Mê Thuột còn có Attopeu nữa, cũng là của Pháp cả. Anh Hoàng bảo tôi: "Thời buổi này là thời buổi kinh tế cậu ạ. Các nhà chiến lược của hoàn cầu đều là những nhà kinh tế học cả. Cậu muốn viết hay cậu phải giỏi về kinh tế. Chẳng phải vì tôi thích cái cụ thể, cái có thể tính đếm được, đoán giải được mà tôi nói thế đâu. Tổ chức RAND nổi tiếng khắp thế giới về các công trình nghiên cứu chính trị và quân sự trên căn bản kinh tế. Một tổ chức làm thuê nữa cũng rất uy tín với nhiều chính phủ, được gọi là Think Tank, cái túi khôn, do Herman Kahn lập ra, tức là Hudson Institude. Anh muốn lên kế hoạch xây dựng, phát triển trong năm năm hay mười năm về một phương diện nào đó, thuê chuyên gia họ tới điều nghiên một hai năm là có ngay một bản tường trình rất chính xác. Mà rẻ lắm, rẻ hơn tự mình làm lấy nhiều". Tôi nghĩ thầm: Nhỡ họ chơi xỏ mình thì sao? Họ làm tình báo thì sao? Ông này phi chính trị thật, một người làm công hoàn hảo thật. Biết là chúng tôi không tin lắm, anh đứng dậy lục tìm trong hộc tủ một lúc lâu, lôi ra một cuốn sách dày, có ghi ngoài For official use only, chỉ dùng trong công vụ, là biên bản hội nghị Ngân hàng phát triển á châu do Watanabe là chủ tịch họp năm 1970 tại Manila. Anh lật nhanh một số trang đầu, dừng lại trước một dãy cột số, bảo tôi:
- Hội nghị này bàn về ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở Việt Nam và vùng Đông Nam á sau khi cuộc chiến ở Việt Nam kết thúc. Những vấn đề được đưa ra xem xét như sau: cách mạng xanh, công nghiệp hóa, tức là công nghiệp chế biến nông sản, mậu dịch quốc tế, đầu tư tư nhân, cả vấn đề tăng giảm dân số ở khu vực này. Lạ nhất mà hồi đó tôi đâu đã tin, là bọn họ đã tiên đoán trên căn bản kinh tế đến năm 73 dứt khoát phải chấm dứt chiến cuộc tại Việt Nam. Cậu xem những chỉ số viện trợ và chi tiêu của lính Mỹ ở Việt Nam thì rõ. Từ năm 70 đến hết năm 72, Mỹ viện trợ quân sự cho chính quyền Thiệu đều đặn mỗi năm là 2 tỷ đô la. Sang năm 73 còn 1 tỷ rưỡi, năm 75 chỉ có 300 triệu. Chi phí của lính Mỹ và các viên chức người Mỹ tại Việt Nam như tiền mướn nhà, tiền chơi đĩ, may quần áo, thuê người làm v.v... năm 70 là 250 triệu, năm 72 là 150 triệu, năm 73 là 100 triệu, đến năm 75 chỉ còn có 50 triệu. Tức là họ có tính được trước thật. Nói gì thì nói, thằng Mỹ vẫn có đầu óc tính toán thực tế nhất. Tất cả chỉ là trên căn bản kinh tế! Nhưng mấy ông nội ở đây lại quá tồi, nó vừa rút khỏi là anh cũng rã theo luôn. Ai mà tính nổi mấy anh ngụy lại tan nhanh đến thế?
Quân phì cười:
- Vậy mới gọi là tính toán chi li trên một căn bản lầm lẫn. Nên hỏng! Làm con buôn thì ăn, mà làm hiệp sĩ thì hỏng!
Anh Quý nói theo đầy ngụ ý:
- Làm người bình thường thì được, mà làm người hùng thì khó.
Anh Chương cười gượng gạo:
- Đã từ lâu, từ nhiều năm nay tôi không còn ao ước làm người hùng nữa. Tôi không lãng mạn như ông Kennedy đâu, từ nhỏ tới lớn ông ta muốn làm gì đều được nên quá tin vào số mệnh siêu phàm của mình. Còn tôi, chỉ những thất bại là thất bại, đến làm chồng làm cha còn không được thì làm gì cho nên.
Quân nói, như thế vừa tỉnh táo lại vừa thực tế.
Anh Quý hỏi: Vậy còn lá số của anh, sao bảo đại hạn tới rất tốt?
- Hiền lành, hòa dịu, một thập niên êm ả không có sóng gió, nó chỉ sự an phận, hưu nghỉ. Vậy cũng đã là tốt lắm, vì tôi đang mong thế. Có điều, từ nay mình phải sống nhờ vào đồng lương của vợ, của con. Cái nghề của mình ai mà xài nổi, hết thời rồi.
Quân nói ướm:
- Có một nơi đang chiêu nạp những người làm nghề chính trị đối lập, lương trả hậu lắm, ông Phùng của nhà này có biết chỗ liên lạc.
Anh Chương thở dài mỏi mệt:
- Tôi biết chứ, tôi biết vì đã có người nói với tôi cái chuyện đó rồi. Nhưng tôi từ chối. Mình đã chán Mỹ quá đi, nay lại đến xin làm công cho nó, không phải trực tiếp mà là qua một kẻ trung gian thì còn ngán ngẩm nào bằng. Không bàn chuyện đó nữa, bỏ qua! Tôi hy vọng năm tới tôi sẽ được đoàn tụ với gia đình, thằng Tín đã mười bảy tuổi rồi, mẹ nó dạy nó làm sao được, mẹ coi con như còn lên năm lên ba hò hét, cấm đoán, con xem mẹ như một mụ già độc đoán, ích kỷ, chẳng biết gì những thay đổi của thế giới. Năm nó mười sáu tuổi, có lần hỏi chị nó, đã bao giờ chị muốn tự tử chưa? Mẹ nó hét lên chửi nó là thằng ngu, thằng khùng, rất may con chị đã nói với em nó rất khôn ngoan, rằng chị đã nghĩ tới tự sát từ năm mười ba tuổi kia, năm nào cũng muốn tự sát vài lần, tự nhiên lắm mà, ai chẳng thế, rồi cũng chẳng có ai tự sát, vẫn sống hết. Thằng em cười, nói một câu mà chỉ đọc qua thư cũng dựng cả tóc gáy: Nếu em là người duy nhất nghĩ như thế thì em sẽ tự tử thật, còn tất cả đều đã có lúc nghĩ như thế, mà họ còn sống cả, riêng mình lại chết, thật ngốc quá. Nguy hiểm chưa! Các bà mẹ yêu con dại dột đến dễ sợ! Được làm cha và làm chồng là nguyện vọng duy nhất của tôi hiện nay, có lẽ là mãi mãi. Mình làm nhiều chuyện vớ vẩn quá, vô ích quá, từ nay sẽ làm một việc thôi, giống như mọi người, nhưng sẽ là việc có ích nhất. Tính thế đã được chưa, các anh?
Anh Quý nói:
- Chỉ còn ít phút nữa là sang năm mới, tôi có thể nói thật với các anh một chuyện này, phải là tối nay, trong cái không khí thật tự do, thật trí thức của tối nay, mới có thể nói thật được, không phải vì sợ mà vì xấu hổ, có một chuyện cỏn con như thế, cũng phải đắn đo, tính toán mãi. Từ một năm nay, chú Phùng muốn giúp vợ chồng tôi ra nước ngoài, và biết rằng chúng tôi không có tiền, lại già yếu nên chú hứa sẽ lo cho cả, lo ở bên này và lo cả lúc đã sang tới bên kia. Sang bên kia sống bằng tiền cứu trợ dân tị nạn, cộng thêm bạn bè giúp đỡ chút ít thì vẫn sống được. Tại sao chúng tôi muốn đi, tôi bị bệnh thống phong, mỗi ngày mỗi nặng, phải mổ nạo kịp thời, lại phải có thuốc ngừa phòng, bữa nọ ngã nhẹ một cái, chống khuỷu tay đỡ, ngay trong đêm đầu xương đã sưng tấy lên, sưng cả một cánh tay, phải uống nửa trăm viên Ampicillines mới khỏi. Nhà tôi là cử nhân văn chương tốt nghiệp ở Anh hiện đang dạy ở trường Đại học sư phạm nhưng cũng gần tới ngày hưu nghỉ. Cả hai vợ chồng đều muốn đi, nhưng bằng cách nào? Tiền không có, quen biết cũng không, đi chính thức thì không ai bảo lãnh, kẹt. Thì gặp ông Phùng, ông muốn giúp bọn này qua nước ngoài, bằng đường tổ chức riêng trong Chợ Lớn, rất bảo đảm. Lại không mất tiền, không mất gì cả. Chỉ có đi thôi. Tôi nhận liền và hết lòng cảm tạ tấm lòng tốt của họ. Tháng này lại bảo tháng tới, đến tháng tới lại bảo tháng sau, lúc không thuận gió, lúc phải xem lại thuyền, có lúc lại bàn nên đi đường bộ vất vả tí chút nhưng chắc chắn, rút lại cả bốn năm tháng chỉ rập rình chuẩn bị chứ chưa có gì đáng hy vọng hơn. Gần đây, chú Phùng nói thật, đoàn đi còn phải chờ hai nhân vật nữa, nhiều tổ chức nước ngoài mời họ qua, nhưng chính phủ Việt Nam không đồng ý nên phải đi theo đường này, có họ thì cách đưa đón sẽ chu đáo hơn, mình có đi theo cũng đỡ cực. ở tuổi già, cứ đỡ cực là thích rồi, có nhiều người đưa đón là thích rồi, tìm hiểu làm gì thêm cho mệt. Nhưng rồi vẫn chưa thấy đi, còn đợi gì nữa? Thì ra hai ông ấy không muốn đi. Một ông thì say mê những đề tài đang nghiên cứu, mà những công trình ấy phải ở lại Việt Nam mới hoàn thành được, vợ con ông ta đi rồi, ở lại còn một cô con gái, mà cô bé thì cách mạng lắm, nếu ba cô đi, cô cũng dám ở lại một mình. Còn một ông nữa là cựu đảng viên cộng sản, một giáo sư địa chất danh tiếng, bà vợ ham đi nhưng ông chồng lại không thể đi, họ là người của cái sự nghiệp này, còn phải đi đâu nữa? Nhưng cái tổ chức nào đó lại rất muốn hai ông này ra khỏi Việt Nam, một người vì lý do khoa học, còn một người vì lý do chính trị. Chú Phùng muốn tôi, vợ chồng tôi, tới thuyết phục hai nhân vật kia nên đia, chúng tôi quen biết nhau cả mấy chục năm, nếu tôi có thể sẽ thu xếp ổn thỏa. Chú Phùng nghĩ thế, chứ tôi, tôi biết anh trí thức nào cũng vậy, càng có tài càng ích kỷ, họ phải quý cái sự nghiệp của họ trước, rồi bạn bè là sau, đến vợ con cũng là sau. Dụ dỗ thế nào được! Tôi cũng đã ngờ anh chàng Phùng này rồi, nhưng vẫn nghĩ hắn vì đồng tiền mà phải làm thế, chắc món tiền thưởng cũng to lắm, chứ không phải vì cái gì khác. Cách đây một tuần, hai chúng tôi, tôi và chú Phùng ấy mà, lại gặp nhau lần nữa, tại nhà tôi. Kỳ này thì chú ta có dọa dẫm xa xôi một vài chuyện nào đó của tôi trong quá khứ, tôi cũng đã quên rồi nhưng chú ấy lại nhớ, mình tưởng là chuyện nhỏ, chuyện vặt, nhưng nghe họ giảng giải thì lại hình như là to, là nghiêm trọng. ở lại sao được, nhưng mà đi thì phải là cả ba người. Các tổ chức bên ngoài họ muốn vậy. Vả lại, dầu tôi có muốn ở lại cũng đã muộn, tôi đã biết quá nhiều về họ, đã gặp gỡ một vài người trong bọn họ, mà những người này không thích luôn luôn chạm trán tôi tại Sài Gòn. Có nghĩa là tôi phải biến đi, bằng cách nào thì tùy, nhưng là biến khỏi nơi này đi, không nên có mặt lâu ở đây nữa, vì nhỡ ra, nhỡ ra tôi lại trống mồm trống miệng thì sao? Mà họ muốn mình phải biến đi thì thiếu gì cách? Tôi không xem tử vi, không tin lắm ở tử vi, nhưng có lẽ cái tết này đối với tôi là cái tết sau cùng, gặp các anh lần này cũng là lần sau cùng. Chẳng phải nói gở đâu, nhưng sự thật sẽ là như vậy. Anh Quân rất muốn giúp tôi, tôi tin là anh có thể giúp được, nhưng tôi xin được từ chối. Cậu Việt có muốn giúp, tôi cũng từ chối. Tuy tôi là kẻ trốn chạy thật, nhưng chưa đến nỗi vì mưu cái lợi riêng mà nỡ phá phách cái sự nghiệp chung. Thà rằng chịu chết! Tôi đâu có ngán cái chết nếu cái chết của tôi có thể lưu lại một chút âu yếm trong đáy lòng dăm ba người bạn.
*
Tôi ngước nhìn đồng hồ: mười hai giờ kém mười phút. Chị Hoàng đâu nhỉ? Vẫn chưa hết nhức đầu sao? Sắp giao thừa rồi, sắp sang một năm mới rồi mà chịu nằm khàn một mình trong buồn gà? Bà này kể cũng kỳ, nhất định không chịu nhìn nhận một năm mữa sắp tới. Với chị không có cũ mà chẳng có mới, tất cả đều giống nhau, mười năm, một năm, một ngày, một giờ đều như nhau cả, có gì là thay đổi, đốt xong một bánh pháo, cái năm cũ lại ùa vào, khách mừng năm mới ra về, đóng cửa lại vẫn hoàn là một năm cũ với những lo buồn cũ, hy vọng cũ, bực dọc, tức giận rất cũ. Mà lại mệt hơn, tốn tiền hơn, buồn bã hơn. Tống cổ cái năm mới sẽ tới, vẫn cứ đón đợi và hy vọng, vẫn là một cái gì khác với hôm qua, với mọi ngày nên chị chui vào trong buồng ngủ một giấc, tỉnh dậy đã là qua một năm mới rồi, chắc chị nghĩ thế, nên đến lúc này vẫn chưa chịu ló mặt. Vậy chị sẽ tuyên bố cái điều hệ trọng theo chị vào lúc nào? Không lẽ vào sau lúc giao thừa, vào ngày mai, à, nếu thế thì có gì là đặc biệt, là đáng đón đợi, người ta chỉ đón đợi những gì sẽ xảy ra trước và sau cái phút giao thừa. Cái trang trọng của một khoảnh khắc đặc biệt của thời gian óng ánh lên tất cả những gì đặc gần nó, ở trong nó, chịu sự chiếu sáng của nó. Hay là, tôi đưa mắt nhìn anh Chương, hay là... Anh Chương quay nghiêng mặt đốt thuốc Vàm Cỏ, từ năm ra ngoài kia học tập anh quen hút thuốc nặng, ở buồng anh có cả một cái điếu cày và hộp thuốc lào Thống Nhất. Anh chẳng tỏ vẻ gì là nóng ruột vì sự thiếu mặt của bà chị. Anh Hoàng cũng thế. Anh Quý đưa mắt hỏi tôi, hình như anh cũng e ngại có chuyện gì đó không hay lắm, không tốt lành lắm sẽ xảy ra vào đúng giao thừa. Quân nhấm nháp tách cà phê tư lự. Ruột thịt của họ, họ vẫn thản nhiên như không, mình chỉ dính dáng một tí máu mủ việc gì phải hốt hoảng đến thế, tôi nghĩ thầm và đốt thêm một điếu thuốc cho đỡ bồn chồn. Chị Hảo chạy te te từ dưới nhà lên, giọng nói ồn ào: "Bà Hoàng đâu! Bà Hoàng đâu! Chúng tôi đang chuẩn bị một chuyện bất ngờ cho cả nhà, chờ nhé! Chờ một chút nhé! Chị đâu hả anh?". Anh Hoàng trả lời chậm rãi: "Kêu đau đầu, nằm trong nhà". Chị Hảo lại hỏi: "Thôi chết, quên mất, anh còn thuốc ngủ cho em mấy viên, dạo này em ngủ ít quá, một đêm chỉ chợp mắt được một hai tiếng". Anh Hoàng vẫn nói từ tốn: "Tôi không dùng thuốc ngủ bao giờ, hỏi chị ấy". Chị Hảo lại réo: "Chị Hoàng ngủ hay thức? Chị Hoàng! Xin bà mấy viên thuốc ngủ đây!". Rồi chị chạy xồng xộc vào buồng trong, nhưng anh Chương đã gọi giật lại: "Chị Hảo! Bà ấy vừa vào nằm một tí lát bà ấy ra sẽ hỏi". Bình nói thì thầm bên tai tôi: "Khi nãy nom mặt bác gái đỏ rực đến dễ sợ, như đang nghĩ ngợi một chuyện gì rất căng thẳng!". Tôi nín lặng, Bình nói đùa: "Hay là, hay là bà cụ định làm một cú gì đó, hả chú?". Tôi hỏi nhỏ: "Cú gì?" - "Một liều thuốc ngủ trước lúc giao thừa chẳng hạn. Thái độ dứt khoát nhất đối với tình hình hiện nay mà". Thằng Bình là một cán bộ khoa học, nhưng hắn lại nhạy cảm như một nghệ sĩ. Chính tôi cũng vừa chợt nghĩ như Bình đã nghĩ, nhưng hắn nghĩ mau hơn tôi. Chị Hảo lại nói toang toang: "Cái bà Hoàng đến là đoảng, mời anh em đến đón năm mới lại chui vào buồng nằm tới giờ chưa ló mặt ra. Năm mới gì mà buồn thế? Tẻ thế?". Anh Hảo nhăn mặt: "Bà nói nhiều quá, bà chuẩn bị cái gì bất ngờ thì xuống chuẩn bị tiếp đi" - "Xong cả rồi, xong cả rồi, nhưng nhìn mặt các ông tôi lại mất vui. Chán bỏ mẹ! Chị Hoàng ơi!".
Tôi nói nhỏ với anh Hoàng:
- Anh vào xem chị em có đau mệt gì không? Bà ấy uống tí rượu em sợ lên huyết áp.
Anh Hoàng nói chậm rãi:
- Không sao đâu. Ngồi lắm nên mỏi muốn đi nằm thôi. Cho bà ấy ngủ luôn đến sáng mai cũng là tốt.
Tôi lại nói gợi với anh Chương:
- Giao thừa không có bà chủ cũng mất vui anh nhỉ? Anh vào khua chị Hoàng dậy đi, anh! Phải ra tiếp khách chứ! Qua giao thừa tha hồ ngủ, chị đã nói sẽ không tiếp ai trong ngày mai mà.
Bình cũng nói thêm:
- Với lại bác bảo sẽ nói một điều gì đó hay lắm, quan trọng lắm trước lúc sang năm mới mà. Cháu phải nghe rồi mới về ăn Tết được, không thì cứ thắc mắc cả năm.
Anh Hoàng đưa mắt hỏi anh Chương:
- Chị bảo nói cái gì?
Anh Chương lại cau có:
- Ai biết được bà ấy định giở trò gì, cũng lắm trò lắm.
Mười hai giờ kém năm phút. Đột nhiên tiếng pháo nổ ào ào khắp thành phố, nhìn ra sân nhấp nhoáng như có ánh lửa. Rồi nhà bên trái đốt pháo, nhà bên phải đốt pháo, nhà trước cửa đốt một dây pháo rất dài, tiếng nổ dữ dội, gay gắt. Khói bay mờ mờ vào sân như sương, mùi thuốc pháo đã nồng nàn như ướp vào da vào thịt. Không ăn Tết mà được ư? Chối từ một năm mới đã tới mà được ư? Rồi tiếng pháo nổ rầm rầm ngay trong sân, lửa lập lòe hắt sáng lên những tàng cây cối sẫm. Cả mọi người như bừng tỉnh, nhốn nháo, nhà này mà đốt pháo? Nhà này cũng đã phải đón năm mới! Ai đốt thế? Pháo ai mua thế? Mặt người như rạng rỡ, như tươi sáng, như mới ra, trẻ ra. Anh Hảo mở sâm-banh tuyệt khéo, nghề phụ của anh mà, tiếng nổ to, khói vừa bay hết mới rót ra các ly, không mất đi đâu một giọt. Anh Đại hét to: "Xin chúc năm Canh Thân có nhiều tin vui! Xin chúc các cô các chú sang năm mới thật mạnh giỏi, thật may mắn!". Anh đã mặc áo khoác ngoài, cổ thắt nơ, tóc bạc trắng, tay giơ ly rượu đầy tràn, nhìn mọi người âu yếm, thỏa mãn, hể hả. Cả mọi người đều hét theo: "Xin chúc mừng một năm mới!". Rồi chúng tôi nắm tay nhau, chúc cho nhau mọi điều thật tốt đẹp. Là một bất ngờ nhỉ? Chúng tôi có định làm cái cử chỉ trang trọng và mòn cũ này đâu, không ai định cả, mà tất cả đều cùnglàm, tự nguyện, sung sướng và tràn ngập hy vọng. Con người ta cũng buồn cười nhỉ? Cũng hay nhỉ? Bà Bơ mặc áo dài lụa nâu, vấn khăn nhiễu nâu lại đi đôi hài cũ, món quà của bà cô tặng cô cháu tận tụy những năm nào. Theo sau chị là hai cô bé bưng hai mâm bánh chưng, đã bóc lá, với cá kho, với giò lụa, hành muối. Bà Bơ nói: "Cô Hoàng không thích ăn Tết, không cho gói bánh và làm các món ăn ngày Tết, nhưng chị còn tiền (lần đầu tiên chị xưng đúng danh vị của chị với chúng tôi) đủ để sửa soạn một bữa ăn thanh đạm nhưng thật là Tết, thật là bữa ăn của ông bà ngày Tết, mời các cô các chú. Năm mới chị chúc...". Cả mấy anh em chúng tôi đứng ngây ra, nước mắt rưng rưng khom người ồn ào chúc lại bà chị cả một đời hy sinh cho các em, dẫu đi tới góc biển chân trời nào vẫn nhớ tới chị, một bà chị ở Việt Nam, cái quê hương Việt Nam mỗi lần Tết đến, trong khói pháo thơm nồng, ngồi xắn từng miếng bánh chưng xanh mướt, ăn với giò lụa, với hành củ muối nén, nói với nhau nhưng hy vọng tốt đẹp nhất về một năm mới đã đến.
Và đúng vào lúc ồn ào, tưng bừng, ríu rít, vào cái lúc thật là Tết, rất là Tết, và rất là một cái Tết của Việt Nam, thì chị Hoàng từ phòng ngủ bước ra, mặc áo gấm dài thất thể màu xanh sẫm, quần Cẩm Châu đen, lại đi cả hài cườm. Như người từ đầu thế kỷ bước ra, hay nói cho đúng hơn, như từ trong hòm bước ra, một cái hòm gỗ tốt, có sơn thếp, có chạm trổ, theo thời giá khoảng ba ngàn đồng. Chị nhìn mọi người gườm gườm rồi nói to:
- Các người mở sâm-banh mà không đợi tôi hả? Tôi là người thừa của cái nhà này hả? Hay nhỉ? Hay thật đấy?
Anh Chương trố mắt nhìn bà chị:
- Bà này lại còn năm mới hơn cả bọn tôi? Bất ngờ nhỉ! Rất bất ngờ!
Anh Hảo cũng nói theo:
- Nom chị trang trọng như trong một bức ảnh chụp ấy. Chị đã thuộc về cái thế giới của những bức ảnh chụp rồi.
Quân mủm mỉm cười:
- Có treo lên được không nhỉ? Một bức hình cổ kính như thế thì treo lên ở chỗ nào cho hợp?
Thằng Bình cũng cười:
- Đến cái chỗ treo lên cũng không có hả chú? Làm người bình thường vậy. Làm người bình thường vẫn cứ thích hơn là bị treo lên!
Tôi đứng sát lại chị Hoàng, nói nhỏ:
- Chị đã chấp nhận cái hôm nay rồi phải không? Đấy là thái độ dứt khoát nhất của chị trước tình hình hiện tại, có phải không?
Chị Hoàng nhìn tôi buồn bã, vừa buồn bã vừa ngượng nghịu. Chị lại thất bại rồi, dự tính thì ghê gớm, nhưng bắt tay là thất bại. Có một lúc tôi đã thoáng lo sợ rằng chị có thể dám làm một chuyện gì đó. Liều mà! Nhưng chồng và em trai thì không hề lo, họ biết nhau quá, nhát cả, cái anh nhát dẫu có liều vẫn cứ nhát, nhiều lắm là nói thôi, nói cho hả, đâu có gan làm.
Chị Hoàng đi lướt qua mặt tôi, nói với cô em:
- Hình như cô Hảo cần thuốc ngủ, phải không? Tôi xin biếu cô một ống Véronal đây, loại này mạnh lắm, mỗi lần chỉ nên uống nửa viên thôi.
Rồi chị khệnh khạng kéo ghế ngồi vào bàn ăn, ngắm nhìn bà Bơ đang xắn riêng cho mình một miếng bánh thật ngon, nói phụng phịu:
- Có bánh chưang mà không có chè kho à? Cái nhà này làm ăn đến buồn cười, cứ được một cái lại hỏng một cái, có bánh chưng mà lại không có chè kho! Bây giờ tôi có thể ăn một lúc hết nhẵn hai đĩa chè kho!
(1) Bài thiếu quân
(2) Cô hầu
(3) Những kẻ tân tòng (tôn giáo)
(4) Nơi ở của sinh viên nội trú
(5) Huênh hoang
(6) Là người Việt Nam đầu tiên hiểu thấu đáo ngôn ngữ này
(7) Thế giới của chó
(8) Quan thầy
(9) Nếu Mao đến Hoa Thịnh Đốn
(10) Văn phòng
(11) Trường Quốc gia Hành chánh
(12) Dạy bảo không cần đến lời nói31-1-81