Giải Nhiệt
Liêm Trinh
Hạnh phúc nhiều khi chỉ đơn giản như một chiếc áo, và người phụ nữ trong câu chuyện đã tìm được chiếc áo của riêng mình, dù không rực rỡ hào nhoáng, nhưng lại vừa vặn, ấm áp, dễ chịu đến từng chi tiết nhỏ. Câu chuyện cũng chỉ với lối viết giản dị, nhưng đã mang đến thông điệp nhẹ nhàng về tình yêu, hạnh phúc trong cuộc sống hiện đại.
Hiệp không thuộc vào những người ủng hộ ý kiến giải phóng phụ nữ khỏi công việc bếp núc. Hiệp bảo, phụ nữ chăm chỉ nấu nướng sẽ tránh được nhiều thứ bệnh nguy hiểm, thí dụ như bệnh ung thư, tránh được thời gian nhàn rỗi vô ích chỉ tổ khiến cho đầu óc hay suy nghĩ vớ vẩn, và lợi ích hơn hết là giữ được tình yêu của chồng vì một ai đó đã đúc kết rằng, đường đến trái tim người đàn ông đi qua bao tử.
Yên có cảm tưởng mỗi khi nhìn Yên loay hoay với đống xoong chảo đen sì, Hiệp cũng khoái trá hệt như một tay họa sĩ đang ngắm nghía một kiệt tác tranh... Hiệp luôn tạo cho Yên mọi cơ hội thực hành những công thức chiên, xào, nấu, nướng. Tuy nhiên, anh cũng luôn đưa Yên vào cái thế sự đã rồi, không thể từ chối, buộc Yên phải tiến hành vô điều kiện ý muốn của anh. Từ bất kỳ một nơi nào đó Hiệp bất ngờ gọi điện cho Yên, thông báo về ngày giờ, số lượng khách mời, là xong. Yên chí. Chắc mẩm. Hệt như một ông vua chuyên chế, rất ý thức về quyền lực của mình, biết rằng chỉ cần ban ra một mệnh lệnh dù điên cuồng đến mấy thì quân hầu đầy tớ vẫn phải chạy như vịt. Không cần biết mặt mũi Yên lúc ấy tròn méo thế nào.
Chưa bao giờ Yên phản đối nên Hiệp quên mất khả năng bị chối từ. Nhưng, lần này, Yên nhất định phải đình công. Lần này, khách mời là ai chứ? Là người mà Yên mong không bao giờ gặp lại, đừng bao giờ trông thấy, dù là tình cờ, dù ở bất cứ đâu, vì bất cứ lý do gì.
Hiệp, chẳng lẽ anh vô tâm đến thế?
Yên định gạt phắt chuyện mời mọc, đãi đằng. Mặc kệ thiên hạ đem nhau đi đâu thì đi, làm gì thì làm, đừng phiền đến Yên. Nhưng, một điều gì đó trong lòng đã ngăn Yên lại. Ừ, thì cứ thử đối diện nhau một lần xem sao nào? Như Hiệp nói, dù sao cũng là bạn cũ. Và, đã rất lâu không gặp nhau.
Quả là lâu lắm rồi kể từ khi Yên quyết định đóng lại thiên tình sử của mình, thề nguyền vĩnh viễn đào sâu chôn chặt, mãi mãi lãng quên. Thế mà nay, bỗng dưng cánh cửa quá khứ bật mở toang, phơi bày một vùng ký ức vẫn y nguyên, tươi mới, như thể Yên chưa hề quên chút gì.
Đúng vào lúc Yên tưởng chừng tình cảm của Ninh với Yên đã đến thời kỳ thăng hoa, chín muồi thì đột nhiên Ninh biến mất. Không rào trước đón sau, không phân trần giải thích. Bị Ninh bỏ rơi, Yên đau còn hơn thi rớt đại học, cả nhà cứ sợ Yên tự tử, canh Yên như canh tù. Không tự tử được nhưng Yên cũng như chết rồi, lúc nào cũng lử khử, lừ đừ, chẳng còn chút sinh khí. Ngực cứ nhói lên từng cơn, hai con mắt lúc nào cũng sưng mọng, húp híp, hễ ngồi một mình một lúc là nước mắt lại ứa ra, không bao giờ cạn.
Lúc ấy, Yên đã đi làm. Thi rớt, Yên không đợi sang năm sau thi lại mà vào học trung cấp. Yên tính thời gian học trung cấp ngắn hơn, Yên có thể ra trường, đi làm sớm chừng nào hay chừng ấy. Nỗi buồn thất tình khiến Yên như một cái máy hỏng, tính toán cứ trật vuột. Chị B., kế toán trưởng, gọi Yên vào phòng, thét lên: "Mày định ngồi đấy khóc mãi à? Chẳng còn việc gì khác để làm nữa hay sao? Muốn làm tiếp hay là muốn nghỉ việc?".
Nghe đến hai tiếng "nghỉ việc", Yên hoảng hồn, đầu óc đang mê muội đột nhiên sáng bừng lên. Trời ơi, cả nhà trông cậy vào mỗi mình Yên, mẹ và các em trông cậy vào tiền lương của Yên. Yên bỗng thấy chuyện tình yêu tan vỡ, dẫu là tình đầu, trở nên nhẹ hều, tâm hồn Yên dù có tan nát thế nào cũng không thể so với nỗi khốn khổ của cả nhà nếu Yên bị mất việc. Yên thôi không khóc nữa, tỉnh táo trở lại, cố bắt mình nghĩ đến chuyện khác. Công việc bận rộn giúp người ta quên đi đau khổ. Theo thói quen nghề nghiệp hay là tính chi li, cắc củm của con nhà nghèo, Yên không biết, nhưng tự nhiên một ngày nọ, Yên thấy mình tính toán lại những khoản tiền đã bỏ ra mua cho Ninh những dụng cụ học tập suốt thời gian Ninh học đại học. Một con số đáng kể, tất nhiên, theo tình hình kinh tế nhà Yên lúc đó. Ninh sẽ phải quyết toán với Yên một ngày nào đó.
Thế mà bây giờ, Hiệp lại mời Ninh đến nhà. Lại còn bắt Yên chợ búa, cơm nước, cứ như là khách quý. Chẳng biết Hiệp nghĩ sao nữa? Chẳng lẽ anh muốn tạo cơ hội cho Yên bỏ thuốc độc ám sát kẻ bạc tình?
Ít lâu sau khi Yên "chia tay" với Ninh, Hiệp xuất ngũ trở về. Thời gian vắng mặt tại thành phố đủ để anh trở nên lạc lõng giữa bạn bè. Chưa tìm được việc làm, rảnh rang một cách bất đắc dĩ, Hiệp hay đến tìm Yên. Như sau này anh xác định, lúc ấy, đơn giản vì Yên thường xuyên có nhà vào buổi tối, sau giờ làm việc, hoặc nếu có đi vắng thì bao giờ người nhà cũng biết Yên đi đâu, làm gì, bao giờ về. Rõ ràng. Chính xác. Không giống như những người bạn khác, bay nhảy như chim, khi thì núi Bắc, khi thì bể Đông, mãi tận góc biển chân trời nào không biết.
Hiệp đang buồn, gặp Yên, cùng học lớp cũ có nhiều chuyện để nói, để nhắc lại, anh thấy vui. Hiệp chở Yên đi ăn kem, uống nước, thường là Yên giành trả tiền. Cho đến một hôm, Hiệp vui mừng báo cho Yên biết anh đã lãnh được tháng lương đầu tiên, chức vu... bảo vệ Ở một cơ quan. Anh mời Yên đi ăn tiệm, giao hẹn trước anh sẽ là người trả tiền, gọi là ăn khao cũng được mà trả nợ cũng được.
Đang vui vẻ như thế, Hiệp bỗng hỏi thăm về Ninh. Trước kia, hai người là bạn thân, nhưng từ hồi đi bộ đội về, Hiệp khó gặp Ninh quá. Ninh cứ đi vắng suốt. Hiệp hoàn toàn không ngờ Ninh là nỗi đau của Yên. Vết thương lòng chưa kịp lành lại bị bóc mày, Yên không kìm được, bật khóc. Sau này, thỉnh thoảng Hiệp vẫn nhắc cái cảnh Yên ngồi trước bàn ăn, mặt úp vào hai tay, đầm đìa nước mắt, khóc hu hu như đứa con nít bị đòn oan. Lúc ấy, anh bảo, trông Yên đáng thương, tội nghiệp lắm, và trong lòng tự nhiên nảy ra ý nghĩ từ rày về sau sẽ không để Yên phải khóc như thế thêm một lần nào nữa.
Thật ra, đó là những điều mà mãi sau này Hiệp mới nói. Và Yên thấy có vẻ như Hiệp không phải là người biết giữ lời hứa. Bởi vì, sau khi lấy Hiệp, Yên cũng vẫn phải khóc, khóc nhiều, khóc thi với một đứa con nít thật sự. Đó là khi Yên phải mổ vì thằng cu Ti không chịu ra đời êm thấm như người tạ Vết mổ đau, đau chảy nước mắt. Nhưng lạ thật, cũng là nước mắt ứa, cũng lai láng tràn trề, cũng vết thương mưng mưng mà sao Yên chẳng thấy khổ gì cả, ngược lại, hân hoan vô cùng.
Đôi khi nghĩ lại, Yên cũng không hiểu tại sao hồi đó mình lại có thể giãi bày tâm sự với Hiệp một cách thành thực, tự nhiên đến thế. Có lẽ vì cả hai cùng là bạn học cũ, biết nhau từ lâu chăng? Mối quan hệ này khác xa với mối quan hệ mà chị B. đã cố gắng tạo ra cho Yên và anh K. Dự đám cưới Yên về, chị B. mát mẻ: "Tao tưởng mày chê em tao lấy ai; rốt cuộc lấy cái thằng cũng chẳng có gì ngoài cái xác không".
Vì quý Yên mà chị B. giới thiệu em trai cho Yên. Yên không chịu làm em dâu chị, chị giận Yên là phải. Công bằng mà nói, quả là anh K. hơn Hiệp nhiều mặt, nhưng có lẽ Yên chỉ có duyên với những người "chẳng có gì ngoài cái xác không", biết làm thế nào?
* * *
Yên hỏi Hiệp: "Bây giờ người ta quyền cao chức trọng, quen với cao lương mỹ vị nhà hàng, biết nấu nướng sao đây?". Hiệp thản nhiên: "Đơn giản thôi, chủ yếu là không khí gia đình thôi mà!".
Hiệp chỉ giỏi suy bụng ta ra bụng người. Yên suy nghĩ, lựa chọn món ăn, chuẩn bị việc bếp núc kỹ lưỡng như một người đang dốc tâm trù tính một kế hoạch báo thù.
Ninh mà cần không khí gia đình ư? Hồi xưa, Yên đã nghĩ thế, cả nhà Yên ai cũng nghĩ thế. Ai cũng tưởng Ninh phải sống xa cha mẹ, anh em, một mình lủi thủi giữa chốn phồn hoa xa lạ chắc phải tủi thân lắm nên đối với mẹ Yên, Ninh là con trai, với lũ em Yên, Ninh là ông anh thân thiết. Nhưng có lẽ, mọi người đã hiểu sai hết cả, điều Ninh cần lại là điều hoàn toàn khác. Cho nên Ninh đã bỏ Yên. Ninh đi tìm điều ấy ở một nơi khác và đã tìm được.
Yên có thể nhận ra kết quả của sự tìm thấy này khi thoạt trông thấy Ninh xuất hiện trước cửa nhà. Hồng hào, phương phị Đẹp đẽ. Còn Ninh, chẳng biết Ninh nghĩ gì khi gặp lại Yên sau một quãng đời dài như thế? Chắc là chỉ già hơn thôi, chứ Yên thì lúc nào mà chả tầm thường như lúc nào. Chả thế mà có lần Yên tình cờ gặp lại thầy chủ nhiệm lớp cũ, già lắm rồi thế mà thầy vẫn nhớ Yên là đứa học trò luôn gắn với những lời phê "Bình thường. Chăm. Ngoan" trong học bạ. Một sự nhất trí cao giữa các thầy cô cho rằng đó là lời phê thích hợp nhất để ban cho Yên. Như đám bạn học thời phổ thông, lâu lâu gặp lại cũng bảo Yên giống như một cuộn băng cát-xét cũ, luôn phát ra một điệu nhạc êm dịu nhưng... cũ mèm.
Đám bạn gái của Yên, nay mỗi đứa đang tung hoành ở mỗi lĩnh vực khác nhau, gặp nhau chúng hót như khướu. Yên chỉ biết yên lặng ngơ ngác nghe bình luận về tiềm năng phát triển ở một khu dân cư mới, về những phần mềm máy tính, những chuyến đi công tác ở nước ngoài... Một kẻ chuyên du lịch qua ti-vi như Yên thì chẳng thể nói gì về Vạn Lý Trường Thành; không thể có cơ hội đứng chụp hình như đang giơ tay nâng đỡ tháp Pisa, cái nhà lầu tròn tròn, cao cao làm cho cả thế giới phải ngạc nhiên chỉ vì cái tư thế nghiêng nghiêng, lảo đảo như Điêu Thuyền Kim Cương đang nhõng nhẽo với Lã Bố Phùng Há. Yên chỉ thấy tháp Eiffel giống như một gã gầy nhom dạng chân dạng cẳng nghênh ngang đứng giữa trời đất, đâu có biết vé lên tham quan tăng dần theo độ cao. Đám bạn cười đùa, rúc rích nói cho nhau biết tên những khu phố toàn những cửa hàng bán công khai những sản phẩm đặc biệt dành cho đàn ông, đàn bà ở Pháp, ở Đức, ở Hà Lan, vân vân. Chúng nó bảo, ngày nay phụ nữ cần gì lấy chồng, chỉ rách việc. Độc lập, tự do mới hạnh phúc. Yên dựa cột mà nghe, thấy mình như một giống sinh vật cổ đại, ngượng ngùng trong lớp hoá thạch, rất sợ người ta nhớ đến mình.
Nghe nói vợ của Ninh cũng có học thức và địa vị cao, Yên bỗng thấy tủi thân. Thế giới tưng bừng và mới mẻ biết chừng nào, thế mà Hiệp bắt nạt Yên quá, lúc nào cũng chỉ muốn cột chặt chân Yên, bắt Yên quanh quẩn, ru rú nơi xó bếp. Có lần Yên tỏ ý muốn đi học thêm tiếng Anh "để mở mang kiến thức", "cho biết với người ta" nhưng Hiệp chả thèm nói năng gì. Chẳng ừ mà cũng chẳng không, Hiệp lại nhìn Yên với ánh mắt nghi ngại, đề phòng như thể Yên là một tên nô lệ sắp sửa nổi loạn. Có vẻ như Hiệp cũng thuộc loại người không hề có ý niệm gì về sự tiến bộ của phụ nữ. Có vẻ như Hiệp chẳng bao giờ muốn trở thành một "hậu phương vững mạnh" giống như Yên đã từng hậu thuẫn cho Hiệp trước đây. Nếu trước đây, Yên không khuyến khích, liệu Hiệp có chịu đi học lại, có lấy được bằng đại học không cơ chứ? Nếu không nhờ thế liệu công việc của Hiệp có tiến triển ngày một tốt hơn như thế này không? Ôi, thế mà bây giờ...
Hiệp rỉ tai Yên: "Lẩu cay quá! Ninh có ăn được cay đâu!". Hiệp đang trách Yên đấy à? Nhưng... ừ đấy, thì sao nào, bảo Yên xấu bụng Yên cũng chịu. Cho đáng đời Ninh! Ừ thì Yên hẹp hòi, thế đấy, nhưng Yên chịu thôi, Yên không hợp tác với cái sự bao dung, hiếu khách quá đáng của Hiệp được. Yên chẳng hứng thú gì mà nấu nướng ngon lành phục vụ cho người xưa kia đã từng bắt mình phải uống chén đắng.
Nhưng, thực ra Ninh có ăn uống gì đâu. Đúng hơn là Ninh chỉ uống mà không ăn, rồi cứ ôm lấy thằng cu Ti mà cười, mà đùa với nó, lại còn nghêu ngao hát nữa chứ. Lần đầu tiên Yên nghe Ninh hát đấy. Bài hát gì nghe thật là trẻ con. Thằng bé có vẻ khoái chí lắm. Nó cũng bi bô hát theo lời hát ngộ nghĩnh.
Bỗng nhiên, Ninh giơ cao ly rượu về phía Hiệp lớn tiếng đòi Hiệp chúc mừng mình vừa thành công trong việc... ly hôn, từ giờ trở đi hoàn toàn tự do, hoàn toàn thoát khỏi một mối ràng buộc nặng nề. Có gì thật khó hiểu giống như một nỗi hả hê âm thầm dâng lên trong lòng Yên. Như một người bấy lâu ôm ấp nỗi thống hận thâm trầm không ngừng dằn vặt, cuối cùng cũng được thỏa mãn chứng kiến kẻ thù xưa quằn quại khốn đốn ngay dưới chân mình. Cuối cùng thì người đàn bà kia cũng đã bị Ninh ruồng rẫy, phũ phàng, y như tình cảnh của Yên ngày nào. Nhưng kể cũng lạ, một người vừa đẹp vừa khôn ngoan, sắc sảo, vẫn có thể bị chồng chê bỏ được sao? Mà sao người đàn ông vừa bỏ vợ kia lại vui mừng một cách quái gở, khóc cười lải nhải mãi bài hát ngô nghê như trẻ con?
Đêm ấy.. Ninh nằm lăn ra ngủ trên ghế sofạ Đêm ấy Yên mới biết Ninh đã bị "bể hợp đồng", vợ Ninh bỏ đi hợp đồng với một người khác, tất nhiên, là một "cái bánh" to hơn. Mấy tháng nay, Ninh sống lăn lóc cơm hàng cháo chợ, nhà cửa có cũng như không. Như Ninh nói, con chẳng có, vợ cũng không, về nhà mà làm gì. Yên ngỡ ngàng, chẳng lẽ Ninh đến đây, để cho Yên thấy kết cục chẳng mỹ mãn chút nào cho sự lựa chọn trước kia của mình? Chẳng cần đến nồi lẩu cay xè của Yên, Ninh cũng đã nếm đủ mùi quả báo đắng cay, chua xót lắm rồi.
Ninh thú nhận sai lầm ư? Ninh ân hận à? Thế thì xem như Ninh đã quyết toán xong, Ninh chẳng còn nợ nần gì Yên nữa. Hiệp thở dài, buồn bã nói: "Đàn bà mà rời xa cái bếp nhà mình thì... đàn ông rầu lắm! Ai bảo... ".
"Ai bảo... sao?", Yên hỏi nhưng Hiệp không trả lời, chỉ im lặng ôm Yên trong tay, chặt đến ngạt thở.
Hết