Hồng cho cánh bướm
Nguyễn Triệu Nam
Điệp ngoạ bịnh đã ba năm nay. Gia đình cô không còn biết đến Tết Nguyên Đán là gì nữa. Không kể hai đứa con nhỏ, cả nhà không ai thiết ăn uống. Nuốt không vô. Tết năm 90, cánh HO ra đi lên tới con số 15. Sốt ruột, Điệp buồn bã hỏi chồng:
- Tết đã đến sau lưng. Ba nó tính sao đây?
- Tính toán gì nữa hả em? Hoàng ngao ngán đáp. Mồng một, anh với các con đi chúc tuổi ông bà nội. Rồi về nhà. Đóng cửa. Không tiếp ai cả. Dẹp cái Tết đi. Xong.
Hoàng là một thợ mây. Gia công cho nhiều tổ hợp tư nhân ở Bình Đa, Tam Hiệp. Hồi bấy giờ, sản phẩm mây được xuất khẩu sang Đông Âu. Năm 89, khối Đông Âu sụp đổ tan tành. Thợ xịn, tay nghề cao như Hoàng, anh đâu có chịu thúc thủ. Xoay ra làm hàng nội địa. Cung cấp hàng cho thầy Quý ỏ Hố Nai. Hàng đẹp và bền. Cho nên được ông thầy tu sĩ ấy biệt dụng. Khoán cho làm sa-lông mây. Kiểu Nữ Hoàng, mẫu mã thanh lịch do Hợp tác xã Thành Công đặc chế. Dạo ấy, Hoa Kỳ đã khởi sự mang sang Mỹ các sĩ quan cải tạo trên ba năm cùng với vợ con. Sau mấy năm ra sức thi công, Hoàng đã tạo được số vốn khả quan. Bốn cây vàng. Đủ để lập thủ tục xuất cảnh. Ngặt nỗi bà xã anh lại ngã bịnh. Sạn mật, thứ bịnh ác ôn, nan trị. Thế là bao nhiêu vốn liếng ký cóp đổ ra hêt để trị bịnh cho vợ. Cầy cục lắm mới đưa được Điệp vào bịnh viện Vì Dân. Nằm được đúng một tuần. Máy bắn tia laser bị hỏng. Hội Đồng Giám Định Y Khoa chào thua. Cho xuất viện. Đành điều trị theo kiểu cầm cự. Hoàng thường trấn an vợ mà bảo:
- Sớm muộn cũng rời khỏi Việt Nam thôi. Gọi rẻ cho là ba năm nữa đi. Gồng nổi qua năm 93 thì, sang bên Mỹ, sẽ trị. Nhất định khỏi bịnh. Em đừng bi quan. Đừng lo nghĩ gì hết.
Mỗi bận nghe chồng lặp lại cái điệp khúc nhàm chán ấy, Điệp không nói gì. Cô vẫn tỏ vẻ băn khoăn. Đôi khi cũng cười nhưng là cười gượng.
Trưa ngày 28 Tết. Yến, cô em họ của Hoàng, lại nhà trong lúc Điệp nằm dài trên giường bịnh. Ở cái đất Đồng Nai này, về mùa Đông, hoạ hoằn lắm trời mới se se lạnh. Tàn Đông rồi. Nhà lợp mái tôn, bắt nắng. Căn phòng chật chội, kín như bưng. Nóng ơi là nóng! Y như lò lửa cháy hừng hực. Ban đêm, ngủ trong phòng thì được. Ban ngày, muốn ngả lưng phải ra ngoài hè. Ấy vậy mà, chỉ vì bịnh, vạn bất đắc dĩ Điệp phải giam mình trong cái lò bát quái kinh niên ấy. Thường ngày, Hoàng chia thì giờ ra mà ngồi bên giường, cầm quạt phe phẩy cho vợ.
Cái Oanh, đứa con gái lớn, đứng ngoài, gọi vọng vào:
- Ba ơi, ba! Có cô Yến lại nhà nè.
- Ba đang bận. Con tiếp cô dùm ba đi.
- Ý! Không được đâu, ba. Cô mang biếu nhà ta cặp bánh chưng đấy. Bảo có chuyện cần kíp, đòi gặp ba cơ.
Hoàng phân vân. Rất ngại phải tiếp Yến. Điệp bèn nói:
- Yến đã lại nhà, mang theo quà cáp. Chẳng lẽ không tiếp. Khó coi. Anh cứ ra mà đáp lễ. Nhắm xem thế nào. Rồi em cho hay. Vả lại, nóng chảy mỡ ra. Hãy ra ngoài một chập cho mát. Tội nghiệp chồng tôi! Quạt cho vợ có mỏi tay không? Giải lao, lấy lại sức, còn uốn mây chớ, ông xã.
Hoàng ra ngoài phòng khách. Anh chưa kịp mở miệng, Yến đã đon đả lên tiếng trước:
- Anh hai, ba má sai em mang cho anh chị cặp bánh chưng đấy. Thế nào? Bịnh tình chị ra sao rồi? Cho em vào thăm chị nhá.
- Thật quý hoá quá, Yến. Nhờ em chuyển lời anh chị cảm ơn ba má nhá. Chị vẫn bịnh, có mòi nặng thêm nữa, em ơi! Chị cần tĩnh dưỡng. Em có lòng tốt nghĩ đến chị, vậy là đủ rồi. Không nên quấy rầy người bịnh. Thương chị thì để cho chị được yên. Đừng phá giấc ngủ của chị. Em cũng đừng buồn.
- Vâng, anh đã dạy vậy thì em đâu có buồn.
- Không buồn thì tươi tỉnh lên chớ. Chi mà mặt ủ, mày chau thế kia.
Nhỏn nụ cười duyên, Yến hỏi:
- Thế nào, anh Hoàng? Anh đã lập hồ sơ đăng ký xuất cảnh chưa nhỉ?
- Chưa. Cớ sao Yến cứ phải lo dùm cho anh chị như vậy?
Yến đáp rất xuông xẻ:
- Ồ! Có gì đâu mà anh không hiểu. Anh chị có sang được bên ấy thì, mai này, em mới có hy vọng được nhờ vả chớ. Cơ hội ngàn năm một thuở mà không nắm lấy, mà để mất thì uổng ghê lắm. Biết đâu đấy HO lại chẳng đình hoãn. Bãi bỏ luôn không chừng. Hết đi Mỹ.
- Không đi thì ở lại! Hoàng gằn giọng nói. Chỉ vì trị bình cho Điệp, trị bịnh cầm chừng như cô đã biết mà tôi kẹt tiền. Đâu có làm giấy tờ cấp kỳ được. Tôi phải nhận thêm hàng. Làm không ngơi tay. Đầu tắt, mặt tối. Cả một đống mây kia, tính uốn thì cô tới.
Yến nhún vai. Nàng nói lớn tiếng:
- Anh Hoàng, anh nghĩ coi. Bốn cây vàng đã tiêu tùng. Những thứ anh làm toàn là hàng nội địa, giá hạ, lời ít. Đâu phải là hàng xuất khẩu, giá cao, lời nhiều. Dẫu cho anh có làm cố xác, làm chết bỏ, cũng chẳng kiếm được bao nhiêu. Ngã bịnh một cái là oan gia to. Chị đã bịnh nặng, anh cũng bịnh nữa, loay hoay ra làm sao đây. Đừng hòng đặt chân lên nước Mỹ.
- Không thì ở lại!
Hoàng nói như thét lên. Tiếng thét cuồng nộ trong thời điểm khẩn trương. Báo động đỏ về mối nguy cơ thọ tử của vợ anh sắp ập đến bất cứ giờ nào, phút nào.
Yến hạ thấp giọng. Ôn tồn, nhỏ nhẹ. Vì điều nàng sắp ngỏ chỉ nhắm đối tượng là Hoàng, chớ không phải là Điệp:
- Cứ gạt ra như anh thì còn bàn tính làm gì cho mệt. Người ta mong mua được cái thế để mà đi. Ném ra cả chục cây vàng mà không tiếc. Anh có cái thế. Hà cớ gì không lợi dụng cái thế đó? Liệu anh có tự lực đi được không? Biết đến bao giờ mới có nổi bốn cây vàng. Chạy vạ đâu ra. Chi bằng để em giúp cho. Không phải là bốn cây vàng. Sáu cây vàng lận.
- Cô tính mua chuộc tôi đấy à?
- Anh muốn nghĩ sao thì nghĩ. Chớ em đây, em chỉ có lòng thành thôi. Tin hay không tin, quyền anh.
Dứt lời, Yến nhìn Hoàng chầm bầm. Cái nhìn thôi miên, xiêu hồn, lạc phách. Một luồng gió mạnh từ bên ngoài thổi thốc vào làm bay tung mái tóc rối bòng mộng mị của cô gái. Nàng đưa tay gạt mái tóc sang hai bên. Không cho cái rèm tóc tiên ấy nó che lấy gương nga mỹ miều của nàng. Không cho nó biến thành rào cản tia mắt nhung long lanh như chất kim khí. Cần phóng tia nhìn xuyên xoáy của đôi mắt hồ ly nó áp đảo, nó bức chế, nó kích ái, nó sai khiến thần trí đối tượng. Hoàng rùng mình. Tâm tư rối loạn, anh càng lúng túng khi Yến đứng dậy, kéo ghế sát lại gần anh. Nàng thản nhiên ngồi xuống. Điệu bộ ngả ngớn, muốn lấn tới nữa. Thật liều lĩnh. Thật táo bạo. Nhà là nhà anh. Vợ anh nằm trong phòng kế cận. Không cách nào phản ứng khác hơn, Hoàng đứng phắt lên. Toan bước vội ra ngoài hè thì có tiếng gọi giật giọng. Bèn lật đật vào với vợ.
- Em đã nghe, đã thấy hết rồi. Hãy cứ biết vậy. Tính sau. Không tiếp Yến nữa. Mặc kệ cô ả. Bẽ bàng là mặc nhiên phải tháo lui thôi. Anh yêu, em đang cần anh. Ngồi đây với em. Trông coi em. Canh giấc ngủ cho em.
Điệp nũng nịu bảo chồng. Giọng trầm ấm, dịu dàng, êm ái dễ thương. Mỗi một tiếng nói của cô là một mệnh lệnh ban ra từ trái tim. Hoàng chấp hành liền. Ngoan ngoãn như một hoàng đế được sủng ái khi nữ hoàng hạ chỉ.
* *
Hoàng mồ côi mẹ năm mới lên bẩy. Cha anh ở vậy, nuôi anh. Sau tám năm truyền nghề mây cho đứa con độc nhất, ông Hai Hớn đột ngột lâm trọng bệnh. Phút lâm chung, trăn trối, gởi gắm cho vợ chồng người em ruột của vợ là bà Năm Cơ. Vì lẽ hiếm muộn, lại nôn nóng muốn có con trai nối dõi nên ông bà Năm đã nhận đứa cháu cận huyết làm con. Lập lại khai sinh cho Hoàng. Theo đó, anh mang họ Nguyễn. Mãi về sau này, mấy đứa con của dì dượng mới tuần tự chào đời. Còn Yến, nàng là cháu gọi ông Năm bằng cậu ruột. Vì nhà ở gần nên thường lui tới. Nàng có cảm tình với Hoàng. Tỏ ra thân mật với anh hơn là với mấy anh chị con cậu mợ. Tính lãng mạn, lẳng lơ, Yến kiếm đủ cớ để bắt chuyện với Hoàng.
Hoàng đậu tú tài toàn phần. Tốt nghiệp võ bị. Nhập ngũ, phục vụ trong một đơn vị tác chiến của Quân Đoàn 4. Năm ấy, anh được tăng phái cho Khu Chiến Tiền Giang. Tháp tùng phái đoàn Chiến Tranh Chính Trị ủy lạo một số cô nhi viện ở ba tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Định Tường. Trong dịp này, Hoàng đã gặp Điệp. Một cô nhi của Viện Long Thành, lúc đó là một hoa khôi, tuổi vừa đôi tám. Không biết Điệp là con của ai. Bà nào đó sinh ra cô nhưng lại không nuôi cô. Đem quẳng cô trước cổng cô nhi viện. Nơi này đã nuôi dưỡng cô, từ lúc còn là một hài nhi đỏ hỏn cho đến ngày trưởng thành. Vừa học hết lớp chín thì gặp Hoàng. Hạp duyên, hạp số nên mới hạnh ngộ lần đầu đã cảm mến nhau rồi. Hoàng cầu hôn. Điệp vui vẻ nhận lời. Hoàng trình lên cha mẹ, xin cưới Điệp. Thế là hôn lễ được tổ chức ngay trong Viện. Yến dự đám cưới với tích cách là phù dâu. Mắt cô đỏ hoe khi nhì người mà cô thầm yêu khoác tay Điệp.
Sau hai năm hợp hôn, Hoàng xin được hoán chuyển về Biên Hoà. Đơn vị mới là Chi Khu Châu Thành lại ở gần nhà, cho nên vợ chồng không phải xa nhau. Là vợ sĩ quan, Điệp không phải lo gì về sinh kế cả, dầu chỉ phụ với chồng. Đã có chồng lo. Ăn sung mặc sướng. Hai đứa con đẹp như hằng nga, ngọc nữ. Hạnh phúc chan hoà. Khi chồng vào tù, Điệp mới phải tự lực mưu sinh. Được cái cô là người đảm đương, lanh lợi. Thích ứng với nghịch cảnh trong cuộc đổi đời này. Lại có tinh thần tự lập. Không nhờ vả cha mẹ chồng. Từ chối sự giúp đỡ của các em. Không làm phiền bất cứ ai. Số là Điệp có trình độ văn hoá khá, lại biết đánh máy. Ngặt nỗi chồng là sĩ quan chế độ cũ. Rất khó xin việc bàn giấy. Không tư nhân nào dám mướn vì ngại liên lụy. Đành làm việc chân tay. Một nắng, hai sương, trầy da, tróc vẩy nuôi con. Toàn việc tạp nham. Nào là đào giếng, tát ao, cắt cỏ trâu. Nào là gánh nước thuê, bửa củi mướn, phụ thợ hồ. Quần quật như thế trong bốn năm đầu. Từ năm thứ năm trở đi cho đến ngày Hoàng được tha, mới đỡ lao đao, vất vả. Một hôm, Điệp đi qua cơ sở mây của thầy Quý ở Hố Nai. Thấy đám cạo mây, cô nẩy ra một ý định xin một chân thợ cạo. Bèn nhào vào xin việc. Nghe vợ của một đại úy kể lể nông nỗi, vị tu sĩ bảo:
- Ai ngán không dám nhận chị, chớ tôi không ngán. Sao chị không đến sớm hơn? Được. Chị có thể giúp việc ở đây cho đến ngày nào tổ hợp này bị giải thể mới thôi. Giao cho chị khâu bo chỉnh, sơn hàng. Việc nhẹ. Khỏi phải gởi con cho ai. Mang chúng theo. Tôi bao ăn luôn cho.
Mười năm, Hoàng phải đạp gai, đội bão trong tù, Điệp không ra Bắc thăm nuôi được vì không có điều kiện. Chỉ thư từ, quà cáp. Khi về đến nhà là Hoàng bắt tay vào nghề mây liền. Điệp nghỉ gia công cho thầy Quý. Ra sức phụ với chồng. Không ở nhà ông bà Năm Cơ nữa. Ở thì cũng được thôi. Nhưng ngại Yến hàng ngày lai vãng giở trò chim chuột, cua ông anh đẹp trai. Mặc dầu Hoàng đã có vợ con, cô ta vẫn nuôi ý đồ tranh đoạt. Lửa gần rơm ắt có ngày bén cháy. Ngăn chận trước vẫn hơn. Do đó, Điệp mướn nhà. Vợ chồng con cái ở riêng. Đứa con gái thứ hai mới ngày nào còn nhai vú mẹ. Nó đang tập nói bập bẹ. Nó khóc ré lên. Nó níu áo anh, nằng nặc không cho anh trình diện vào tù. Mười năm tù đầy cộng với năm năm tái hợp là mười lăm năm. Bé Lan giờ đây đã chớm tuổi trăng tròn lẻ. Cái Oanh, chị nó, tuổi bẻ gẫy sừng trâu. Kém cô Yến hai giáp. Không kể hai đứa nhỏ sinh sau này, hai đứa lớn đều được đi học. Điều khiến Hoàng xúc động hơn cả là, trong suốt thời gian vắng anh, Điệp đều cúng quải, đốt vàng cho cha mẹ ruột của chồng. Kế đến việc, trong những lá thơ gởi cho anh, cô không dám nói thật. Không dám ta thán, kể khổ. Thư nào cũng tỏ ra lạc quan, không có gì là cực khổ cả. Giờ, hỏi ra mới tỏ tường nông nỗi. Chỉ vì không muốn để cho chồng phải bận tâm lo lắng nên thư Điệp gửi cho anh mới phản ánh hoàn toàn trái ngược.
Sau hai năm đoàn tụ chan hoà hạnh phúc như xưa, Điệp bỗng thọ bịnh. Sinh mạng cô ví như ngàn cân treo sợi tóc. Cái chứng bịnh trầm kha, nan trị ấy nó diễn biến bất thường. Ba hồi tăng, bốn hồi giảm. Một đêm nọ, bị căn bịnh quái ác ấy nó hành xác, Điệp vật vã, lăn lộn, dẫu dụa. Hồn vía muốn lên mây, Hoàng phải cầu cứu cô y tá ở cùng khóm. Chích cho Điệp mấy mũi thuốc giảm đau. Tưởng đâu không thoát khỏi luỡi hái định mạng trong cái đêm kinh hoàng chưa từng thấy ấy. Nào ngờ, sáng hôm sau, thấy Điệp lần mò ra ngoài vườn, tay cầm một cành cây nhỏ. Sửng sốt đến bàng hoàng, Hoàng quăng cây mây-dã đang uốn, hớt hải chạy ra, dìu vợ mà hỏi:
- Gió máy. Em ra đây làm gì? Sao không nghỉ ngơi tĩnh dưỡng cho khoẻ? Hồi hôm, anh sợ quá đi mất.
- Tử thần phải cao chạy, xa bay rồi. Điệp thản nhiên đáp. Sợ gì nữa hả anh? Em thấy bớt nhiều. Nằm hoài, bịnh chỉ nặng thêm. Ra ngoài vườn cho thoáng mát.
Hoàng chỉ cành cây, hỏi vợ:
- Em còn định làm gì cơ chớ?
Điệp bèn kể lại về xuất xứ của cành cây:
- Sáng hôm kia, bé Lan mang về nhà một cành hồng. Hoa đã tàn, lá đã héo. Giũ một cái là hoa với lá rụng hết. Em đoán chừng cành hoa ấy bẻ trong vườn ông Bẩy Gò Công. Vườn ở cách nhà ta lối một trăm thước. Nào biết được ai bẻ. Bẻ từ hôm nào. Vô tình hay hữu ý lại vất trước cửa nhà ta. Cành hồng chưa khô hẳn. Nhưng chỉ một nắng nữa thôi là thành que củi khô đét. Thế mà con nhỏ còn lượm. Ai khiến nó lượm. Hỏi, nó không nói. Em không buồn hỏi nữa. Em cắm cành hoa vào ly cối đầy nước. Nước mưa hứng để uống. Chứ không phải nước giếng hay nước phông-ten. Sáng hôm sau, thấy cành hồng héo hon ấy tươi hẳn lên. Y như mới bẻ trên cây vậy. Nghĩ cũng lạ. Em bỗng nẩy ra ý định trồng một cây hồng. Trồng gấp, kẻo nó lại héo. Cho nên mới mò ra ngoài vườn.
- Thì ra là thế đấy. Cứ việc cắm xuống đất. Giống hồng mau bén rễ lắm, em ơi! Biết đâu chẳng có một cây hồng đủ cung cấp hoa cho em hằng ngày.
Nghe chồng nói vậy, Điệp lặng thinh. Cô lơ đãng ngước mắt lên nhìn trời cao. Hoàng bảo:
- Điệp à, không chừng thần linh mách nước cho vợ chồng mình cũng nên. Này nhá, không phải là vô thức mà bé Lan lượm cành hoa héo về nhà. Em đã cứu sống cành hoa sắp chết ấy bằng nước mát từ trời cao đổ xuống. Với nó, nước mưa quả là nước phép. Thảo mộc còn thế, hà huống con người. Anh nghe thiên hạ đồn đại nhiều về Thánh Mác Tin. Ngài linh thiêng lắm. Từng làm phép lạ cứu sống vô số người. Dốc lòng cầu khấn, van xin Ngài thì người tàn tật được lành, kẻ mù loà được sáng mắt, kẻ câm điếc được nói, được nghe, ai khiếm muộn hoặc vô sinh được có con. Vợ chồng mình nên chạy đến với Ngài. Mình là người bên lương cầu xin dễ được ơn hơn là người bên giáo đấy, em.
- Thì em cũng có ý định ấy. Chưa kịp ngỏ thì anh đã nói trước rồi.
- Con gái chúng ta đã mớm ý cho vợ chồng mình đấy. Anh nghĩ rằng cầu nguyện xin ân là một lẽ. Em cũng nên gìn giữ sức khoẻ mới được. Chớ em ốm yếu, xanh xao quá. Sụt tới sáu ký lận. Cố gắng mỗi ngày ăn vài miếng cơm. Chớ toàn ăn cháo, nó đuối sức. Sẽ kiệt quệ. Lấy đâu ra khả năng đề kháng. Thỉnh thoảng hãy ra ngoài. Để cành hồng đấy, anh trồng cho. Trúng gió độc thì khốn. Vào thôi, vợ ngoan.
Điệp nép mình vào chồng. Cô bùi ngùi nói:
- Anh đối xử với em thật chu đáo quá. Thật có lâm lụy trong lúc này mới biết được lòng chồng. Vâng, Điệp nghe anh. Em cũng đang cần nghỉ.
* *
*
Hồi tưởng đến đây, Hoàng bật khóc. Quên khuấy mất việc phải giữ sự yên tịnh cho Điệp ngủ ngon giấc. Vô hình chung, anh đã phá giấc ngủ mê mệt đến thiếp liệm đi của vợ. Choàng thức giấc, Điệp mở to đôi mắt linh duơng, ngơ ngác:
- Anh yêu, có chuyện gì buồn mà mắt đỏ hoe vậy kìa? Cô hỏi.
- Có gì đâu, bà xã. Anh xin lỗi em vì đã phá giấc ngủ của em. Anh thật đoảng quá.
- Không đâu, anh. Em không thức giấc vì tiếng khóc của anh. Em đã ngủ đẫy giấc rồi. Vừa lúc hết ngủ nổi nữa đấy thôi. Đừng dấu em. Anh vừa nghĩ ngợi lan man gì vậy?
Hoàng đáp:
Anh nghĩ rằng, trong mười năm anh ở tù, em đã phải lao đao, vất vưởng nuôi con. Phải hứng chịu bao nhiêu nỗi khổ đau, vay đắng, thiệt thòi. Gái có công, chồng chẳng phụ. Vậy mà, từ bao nhiêu năm nay, kể từ ngày cưới, anh vẫn chưa sắm được cho em một sợi giây chuyền hay một cặp bông tai. Nói gì đến việc sang Mỹ. Nói gở, em mà có bề gì thì anh ân hận cả một đời. Cho nên, Điệp em ơi! Anh đã thề trước hương linh ba má là giả như em phải bỏ chồng, bỏ con mà ra đi vĩnh viễn thì anh sẽ ở vậy. Chấp nhận cảnh gà trống nuôi con. Không gá nghĩa với ai cả. Xoay xở, chạy vạy được tiền thì năm cha con đi Mỹ. Bằng không thì ở lại. No, đói, cha con có nhau.
Nhìn chồng sau lớp màn sương, Điệp nói:
- Đành rằng đi thì đi hết, ở lại thì ở lại hết. Nhưng em không an tâm. Không an tâm tí nào nếu như, trong giờ lâm tử, thấy anh cạn sạch tiền vì vụ mai táng cho vợ. Anh sẽ loay hoay ra sao cho có nổi tệ lắm ba cây vàng?
- Em yêu, anh đặt sinh mạng em lên trên việc đi Mỹ lận. Anh đã có cách. Nhận thêm hàng. Làm cho đến khuya. Có vậy mới mua được sữa Insure cho em. Loại sữa được coi là món xa xỉ phẩm đối với dân nghèo này nó có đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Dùng nó thay cơm mà vẫn sống, vẫn có sức cầm cự. Song song với yêu cầu số một ấy, vợ chồng mình cùng cầu khấn Thánh Mác Tin. Nhất định là Đức Thánh sẽ đoái thương, mở lượng từ bi cứu sống em. Anh tin vậy đó. Đừng lao tâm, khổ tứ suy nghĩ, có hại đến sức khoẻ, em à.
Điệp cắn môi. Bao giờ cô cũng nghe lời chồng. Nhưng tâm hồn chưa an định hẳn trong lúc này. Vẫn có một cái gì lợn cợn, vướng mắc. Bụng dạ cứ bồn chồn, áy náy làm sao. Vì vậy nên cô phải tống xuất ra khỏi tâm trí những mặc-ý mang ác tính độc hại. Mà Hoàng thì lại chỉ muốn mấy điều anh vừa phát biểu phải là một thứ định-tâm-thang có hiệu quả kịp thời. Điệp nói:
- Hoàng ơi! Anh hãy để cho em bàn lại về giả thiết em không thoát nổi cái chết. Cũng là đôi lời trăn trối trước. Anh đã thề rằng nếu vợ chết thì ở vậy, nuôi con. Em không bằng lòng cho anh ở vậy đâu. Anh phải tục huyền. Hồi em còn sống, anh đối xử với em thật sâu tình nặng nghĩa. Vậy đủ cho em mát lòng hả dạ rồi. Hà tất anh phải thủy chung mãi với người đã khuất mặt vắng lời. Anh phải tục huyền. Nhưng cần nhắm chỗ đàng hoàng đứng đắn, có thiện tâm, có tinh thần hỉ xả, có tính bao dung. Người đó sẽ thay em mà ủi an anh, săn sóc anh, lo cho anh. Em đã không bao giờ làm trái ý anh thì anh cũng đừng bao giờ làm trái ý em. Cho nên em đã khấn vái các đấng sinh thành hoá giải cho anh lời thề ấy rồi. Vạn nhất không xoay nổi tiền thì nên kết với một người nào đó. Chọn mặt mà gởi vàng. Kết để mà đi. Nhớ kỹ như thế. Vạn nhất không mang theo được cả bốn con, vì còn con người ta nữa chi. Nếu như vậy thì cho hai đứa lớn đi trước đã. Còn hai đứa nhỏ, hãy tạm thời gởi dì dượng Năm. Sẽ bảo lãnh, đón sang sau. Thượng hồi, đi Mỹ đã. Hạ hồi, hãy tính vụ tục huyền. Không gặp được người tâm đầu ở Việt Nam thì sẽ gặp ở Mỹ. Thành vợ, thành chồng là do duyên nợ. Có cơ duyên thì ở đâu mà định mạng chẳng khiến sui có cuộc hạnh ngộ.
Giờ, nói về Yến. Em đã biết rõ cái ý đồ bất chính của cô ả từ lâu rồi. Chả là hồi anh chưa về, Yến và em cùng gia công cho thầy Quý. Khi có chương trình HO, thấy Yến ló mòi muốn đoạt vị, em có nhờ Thủy, kế toán trưởng, bạn học cũ của Yến, điều tra về ả ta. Em còn nhờ một người nữa là Hoa, một tổ viên, cùng làm việc này. Không cho người nọ biết là em mướn người kia. Đề phòng họ, vì lý do gì đó, toa rập, chạy tội cho Yến. Phối kiểm thấy điều tố giác của hai điều tra viên bất đắc dĩ ấy đều ăn khớp với nhau. Có nghĩa là đúng sự thật. Sự thật như vầy:
Yến yêu anh. Chủ tâm chinh phục anh kỳ được. Chủ quan cho rằng, bịnh nặng thế này, em ắt không sống nổi. Cho nên, một mặt tung tiền ra mua chuộc cảm tình của anh. Coi số vàng là một thứ áp lực bất khả chế buộc anh phải nhượng bộ. Một mặt, rắp tâm dùng chính xác thân để dễ bề áp đảo. Cố ý cho em biết đến cái hành động tồi bại này nó khiến em phát uất lên mà chết. Em mà nằm xuống thì nó thế chỗ liền. Mặc nhiên anh phải mang nó theo. Lập hôn thú với nó. Anh sẽ bị ràng buộc bởi thứ văn bản có giá trị pháp lý ấy. Đã không tốn một đồng teng mà năm cha con được sang Mỹ. Anh lại có vợ đẹp nữa. Dại gì mà bỏ qua. Đấy, anh coi, Yến tính sát nút chưa? Cho nên nó mới canh me, rình rập. Đón đường, dẫn anh đến điểm hẹn. Điểm hẹn ở đâu? Ở nhà nó. Chỉ có hai mẹ con.
Lúc này, Điệp chú mục nhìn chồng, không bỏ sót một hành vi, cử chỉ nào của anh. Cô chờ một câu hỏi của chồng. Anh hỏi:
- Bà già Yến, và cả dì dượng Năm, có hay biết gì về vụ này không hả em?
- Không. Mấy bữa anh đi mua mây, họ có lại nhà thăm em. Em không hỏi thẳng mà hỏi vòng vo, hỏi xa xa. Không ai biết mô tê ất giáp gì cả. Yến kín mồm, kín miệng lắm. Gặp anh hay ai đó thì nó cười toe toét, chớ ở nhà nín khe. Đố ai cậy răng nó nổi. Chẳng thế mà cô Thủy phải giả bộ đồng cảnh với nó. Nỉ non tâm sự, thở ngắn than dài. Dùng mẹo mà hỏi. Cái kiểu vừa lấy cung, vừa mớm cung. Riết rồi móc được con giun ra khỏi lỗ mũi dễ ợt.
- Yến khoe có sáu cây vàng. Thật không hay chỉ xạo?
- Vào cái thời đất nước mở cửa này, những hạng con gái lang chạ như Yến có vài cây và là chuyện thường. Theo cô Thủy cho biết thì Yến cặp bồ với toàn cán bộ có tầm cỡ. Quan hệ giới tính bừa bãi. Vậy thì hỏi vàng ấy ở đâu ra?
Nói đến đây, Điệp gằn giọng:
- Anh Hoàng, anh đừng tưởng em không ghen, em xí xoá vụ này đâu. Em ghen lắm chớ. Em phải làm cho ra lẽ. Đã làm phải có cơ sở. Giờ đã có cơ sở, em nhất quyết giải quyết vụ Yến trước ngày em nhắm mắt, xuôi tay. Vậy, nếu đụng đầu Yến, anh cứ việc vạch mặt nó. Cô ấy không ngán gì nó đâu. Em để anh xử lý trước. Nếu vì lý do bất khả kháng gì đó mà anh chưa kịp ra tay thì em sẽ làm.
* *
Sáng hôm sau, Hoàng qua Đền Thánh Mác Tin. Trình lên Cha Bề Trên điều thỉnh nguyện của vợ chồng anh. Được vị cha già chỉ bảo cặn kẽ. Đại ý là nên khấn vái, cầu xin vào buổi tối. Không nhất đán phải đến Đền. Ở nhà cũng được. Quỳ dưới bệ tượng Thánh Nhân, nếu ở Đền. Quỳ trước ảnh Ngài, nếu ở nhà. Đừng thức quá nửa đêm. Không bỏ một tối nào. Nhớ lần hạt mỗi tối một trăm năm mươi kinh. Nếu vợ bịnh căn bịnh hành xác thì chồng cầu nguyện, lần hạt thay. Thành tâm, liên lỷ. Tin tưởng tuyệt đối là đã van xin thì thể nào cũng được như ý. Chớ không phải là còn bán tín bán nghi, cho rằng may ra thì được. Có đi mới đến, có xin mới đuợc, có gõ cửa mới mở cho. Cha Bề Trên nhắc nhở như thế. Tặng vợ chồng Hoàng một tấm ảnh Thánh Mác Tin phóng lớn, hai cỗ tràng hạt. Chép cho mấy bài kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh và dạy cách lần hạt.
Về nhà, Hoàng thuật lại chi tiết cho vợ nghe những gì Cha chỉ thị. Anh bảo:
- Dạo này bớt mưa. Nên đến Đền mỗi tối. Học thuộc lòng mấy bài kinh đã. Tối mai hãy bắt đầy. Có mấy chú bộ đội phục viên ở kế bên nhà mình. Họ bất mãn với chế độ. Nhờ mấy chú ấy bảo vệ các con. Hữu sự tri hô lên. Họ can thiệp liền. Mình sẽ đền ơn họ sau.
Trong suốt thời gian cầu ân, không thấy bóng vía Yến đâu cả. Nàng không lai vãng nên không biết là Điệp cầu cứu với Thánh Mác Tin. Cũng ngại lại nhà nữa. Nể mặt Điệp. Không dám giở trò xuồng xã tán tỉnh Hoàng. Bài bản thì có lớp lang mà không thi thố được. Chỉ liếc mắt đưa tình. Chẳng làm nên cơm cháo gì. Chán. Yến không buồn lui tới nữa. Nhưng theo rõi Hoàng bén gót. Một hôm, Hoàng đi mua mây. Anh vừa cột xong một bó nặng, tính vác về thì cô gái vô công dỗi nghề nọ lù lù xuất hiện. Nàng hỏi tía lia:
- Thế nào, anh hai? Bịnh tình chị ra sao? Có bớt không? Gớm! Lóng rầy, em bận quá đi mất, không lại thăm chị được. Thấy áy náy, bứt rứt, không yên trong dạ tí nào. Cho em gởi lời hỏi thăm chị nhá, anh.
- Cảm ơn cô về sự quan tâm. Bịnh vợ tôi không bớt, có mòi nặng thêm. Nuôi bịnh như cô từng nói đấy.
Dứt lời, Hoàng nghiêm sắc mặt. Anh vừa tính lột trần cái tâm địa đen như mực tầu của Yến thì nàng đã đi thẳng vào chủ đề mà nói:
- Anh Hoàng, em có chuyện cần bàn với anh.
- Chuyện gì vậy? Nói đi.
- Lại nhà em cơ. Nhà chỉ có hai mẹ con. Má em đi vắng, chiều tối mới về lận. Chúng mình mặc sức mà. . .
Bỏ lửng mệnh đề, Yến nhìn thẳng vào mắt Hoàng. Cái nhìn hồ ly đáng ngại. Hoàng quay mặt đi. Yến nũng nịu nói:
- Chiều em một tí không được ư, anh? Em yêu anh mà.
- Cô yêu tôi? Cô có loạn trí không đấy? Này, tôi nói cho cô biết. Vợ tôi còn sống sờ sờ ra đấy mà cô đã lăm le tính thế vị rồi. Có phải vì nuôi mộng đi Mỹ mà cô cam tâm làm cái việc thất đức, phá hoại gia đạo người khác hay không?
Yến trợn tròn mắt, hỏi dồn:
Ô hay! Anh phát ngôn gì mà trắng trợn vậy? Con nào đã thậm thọt học lại với anh là em có ý dành chỗ của chị? Có bao giờ em nói là em muốn đi Mỹ đâu cơ chớ. Thật tức chết đi được. Con nào mỏng môi khéo dựng đứng chuyện lên như vậy? Con nào xấu bụng, điêu ngoa, bần tiện như vậy? Vạch mặt, chỉ tên nó coi.
- Yến, cô đừng chối. Cô Thủy đã cho tôi biết hết về cô rồi. Tôi đâu phải là kẻ nhu nhược, dễ siêu lòng mà cô mưu tính manh động hòng thủ lợi hả cô?
Yến tái sắc, toát mồ hôi, phát khóc. Mồ hôi, nước mắt hoà quyện đổ ra dàn dụa. Tưởng chừng sắp cuốn trôi hết lớp dầy phấn son. Không nỡ nặng lời với nàng, Hoàng dịu giọng bảo:
- Em đã bé cái lầm rồi, Yến ơi! Anh không giận, không trách gì em đâu. Chỉ thành thật khuyên em điều này. Em đã có sáu cây vàng. Thích đi Mỹ thì nhờ vào Dịch Vụ Xuất Nhập Cảnh họ kiếm mối cho. Thế nào mà chẳng toại ý. Mà dẫu cho không đạt chủ đích trong lúc này chăng nữa thì đời em còn dài, lo gì không gặp được người xứng đáng cho em trao thân, gởi phận. Đừng vì nôn nóng mà làm cái việc trái với lương tâm.
Hoàng đã nói đến thế mà Yến vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Vì còn nước cờ chót. Biết đâu đấy, đi nước cờ này, lạy chẳng đổi thay được tình huống, chuyển bại thành thắng. Trong khi đó, hàng chục con mắt hiếu kỳ phóng về phía hai người. Hoàng thấy rát mặt. Yến không dấu nổi vẻ ngượng ngùng. Phải vọt thôi. Nhưng níu kéo kỳ được Hoàng theo mình:
- Vâng, em đã không qua mặt anh được. Em nhận lỗi. Cho em tạ lỗi vậy. Hãy gởi bó mây ở đây. Về nhà em. Em sẵn sàng. . . nếu anh thích. . . nếu anh muốn. . .
- Chuyện thì đã hết. Còn nói gì nữa? Tôi có bắt lỗi cô đâu mà cô phải xin lỗi. Vậy về nhà cô làm gì? Cô không phải sẵn sàng gì cả. Tôi không thích gì cả. Tôi không muốn gì cả. Tôi đi đây.
Dứt lời, Hoàng xốc bó mây lên vai, quay gót, xâm bước hối hả như bị ma rượt.
Về nhà, anh thuật lại vụ tống tình trơ trẽo cho vợ nghe. Điệp không nói gì. Vẻ mệt khiến bần thần tâm trí, cô ngồi dựa lưng vào vách. Dáng điệu uể oải, muốn nhập định mà không nổi.
* *
*
Cành hồng đã bén rễ. Nó mới thành cây non. Nhưng nó đang có trớn vươn lên. Tính ra thời gian tăng trưởng của nó không là bao nhiêu kể từ ngày cành hoa tốt phước ấy được cắm xuống môi sinh cho đến hôm chấm dứt trận bão rớt. Sau một tuần mưa gió liên miên, vơ chồng Hoàng phải ở nhà, trời nắng ráo trở lại. Buổi tối hôm đó, họ lại đến Đền Thánh Mác Tin. Sáu giờ chiều là hết xe lam. Xe đạp thì Hoàng không có. Mọi tối, anh phải dìu vợ đi. Suốt dọc đường dài tám cây số, cả đi lẫn về. Tối nay, khỏi dìu. Điệp đi được một mình. Hoàng mừng thầm. Hỏi thì cô bảo:
- Về nhà hẵng hay, anh.
Về đến nhà, Điệp không trả lời câu chồng hỏi về bịnh tình. Cô nói:
- Em buồn ngủ như khâu lấy mắt. Nằm xuống, anh. Ôm em cho em ngủ.
Qua một đêm thật êm ả. Sáng hôm sau, khi Hoàng thức giấc thì không thấy vợ nằm cạnh. Từ ngày làm bạn với nhau đến nay, có bao giờ Điệp dậy trước chồng đâu. Một đột biến bất ngờ, không đoán được duyên cớ khác thường khiến anh giật mình. Anh hớt hải ra khỏi nhà.
Điệp đang ngắm cây hồng non. Vẻ ưu tư biến mất, nhường chỗ cho vẻ hỉ hoan lần đầu tiên ngự trị trên gương nga kể từ ngày lâm bịnh đến nay. Cô hí hửng bảo chồng:
- Đi vào, ba xấp nhỏ. Em có chuyện muốn nói với anh và các con.
Trước mặt chồng con, Điệp hỉ hả báo tin:
- Em đã bình phục, anh ơi! Má đã được cứu sống, các con ơi!
Dứt lời, cô bật khóc. Khóc vì mừng vui và xúc động hoà quyện tràn lòng. Ngoại trừ hai đứa nhỏ chưa biết gì ra, chồng con Điệp đều cảm kích, không cầm được nước mắt.
- Em đã bình phục, cô nói tiếp với chồng. Em dám khẳng định như thế vì, hồi hôm, lúc em đang quỳ dưới bệ tượng Thánh Mác Tin thì văng vẳng bên tai có tiếng phán:
- "Này con, đức tin của con đã cứu sống con, đã giúp con được tả phù hữu bật, toại nguyện như ý."
Ngay buổi sáng hôm ấy, vợ chồng Hoàng gặp Cha Bề Trên, trình báo sự việc. Cha già mừng rỡ, dạy nên xin một lễ tạ ân. Hoàng bèn ngỏ ý:
- Thưa cha, con định bụng đưa vợ con vào Grall để khám nghiệm. Việc này tuyệt nhiên không có nghĩa là hoài nghi, cần sực xác nhận của bịnh viện. Trái lại, chủ ý của con là muốn cho tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, kể cả những phần tử vô thần, thâm hiểu rằng phép lạ đã làm được vô số việc phi thường. Những việc bất khả chế mà giới khoa học gia phải bó tay. Không phải là tự nhiên mà vợ con được khỏi bịnh. Phép lạ đã trị lành mà không cần đến tia laser. Đó là sự thật khách quan, cụ thể, sáng tỏ như ban ngày. Đại ý con là thế. Con xin cầu kiến với Cha. Cha thấy có nên không à?
- Nên lắm chớ. Chính cha cũng có ý ấy trước khi anh ra ý kiến. Vậy anh hãy đưa chị vào Grall. Rồi cho cha hay kết quả khám nghiệm. Để cha sẽ nói chuyện trong lễ Misa. Giáo dân sẽ phổ biến.
Chả là, khi ngã bịnh, Điệp được đưa vào bịnh viện Vì Dân. Hồ sơ ghi rõ là bịnh sạn mật. Giờ, tái khám ở Grall. Nơi đây cho biết mật không có sạn, toàn bộ cơ thể lành mạnh. Điệp không mắc một thứ bịnh gì cả. Hoàng bèn nói rõ sự thật, từ đầu đến cuối. Anh nhấn mạnh việc cầu khấn Thánh Mác Tin. Vị giáo sư thạc sĩ y khoa nọ sửng sốt. Ông nói với Hoàng, âu đó là sức mạnh thần linh, phép lạ siêu phàm. Lại là phép lạ của một bậc chân tu hiển thánh.
Báo cáo vụ việc với Cha Bề Trên xong, Hoàng ngỏ ý xin cho cả gia đình trở lại đạo. Thế là, sau hai tháng học giáo lý tân tòng, vợ chồng Điệp và hai đứa con lớn đã trở thành tín đồ của đạo Chúa. Hai đứa con nhỏ cũng được rửa tội.
Điệp tiếp tục được bồi dưỡng tối đa. Không mấy hồi mà đỏ da thắm thịt, lên cân. Sức khoẻ dồi dào, sung mãn. Cô cùng chồng và hai con gái tập trung toàn lực làm hàng. Họ cần hoàn thành gấp ba chục bộ sa-lông cho quý 4. Nhân công chỉ có bốn người. Hoàng là thợ chính. Ba mẹ con Điệp là thợ phụ. Thiếu một tay bo chỉnh, sơn hàng, Điệp mới bàn với chồng không mướn người ngoài. Dành cho Yến. Dầu sao Yến cũng là chỗ thân thuộc với Hoàng, lại từng cùng Điệp gia công cho thầy Quý. Đứa con gái lớn được cử làm sứ giả chuyển lời mời cộng tác. Thoạt đầu, Yến còn do dự. Vì mắc cở, vì mặc cảm. Sau đó, lại vui vẻ nhận lời. Nghĩ rằng nếu từ chối thì thế nào bà Tư Căn, mẹ nàng, cũng hỏi lý do. Sẽ lộ tẩy. Không ém nhẹm được cái ý đồ gian ác, xấu xa ấy nữa. Vả lại, dĩ hoà vi quý. Đây là cơ hội cho Yến giảng hoà với Điệp và phục hồi danh dự. Tới nhà Điệp, cô thợ chỉnh ấy chữa thẹn bằng cách sốt sắng bắt tay vào việc liền. Một tuần lễ trôi qua. Điệp không hề đả động đến chuyện cũ. Coi như không có chuyện đáng tiếc gì xẩy ra cả. Có lần, và là lần duy nhất, Yến gặp riêng Điệp, ngỏ lời xin lỗi. Điệp gạt đi mà bảo:
- Chị không chấp nhất gì đây mà em phải bận tâm.
Điệp không thích nói nhiều. Chỉ mỗi một câu ngắn gọn cũng đủ khiến Yến cảm động. Nàng cũng không biết nói gì hơn. Điệp quả là người đôn hậu, đại lượng, khoan dung. Phục Điệp sát đất.
Hai năm trôi qua. Số hàng thuộc đợt cuối đã hoàn chỉnh, giao cho tổ hợp. Hoàng tính sổ. Lợi tức tích lũy khá bộn đối với một người hành nghề tiểu thủ công như anh. Bốn cây vàng. Rồi tả phù hữu bật. Dì dượng biếu một cây. Cha mẹ đỡ đầu của anh, của vợ anh và mẹ đỡ đầu của hai đứa con gái lớn giúp cho hai cây. Thầy Quý thương anh cho nửa triệu đồng. Tiền thời đó, lương một bảo vệ chỉ được tám chục ngàn. Cả thẩy bẩy cây. Thừa khả năng vượt thắng trong trận giặc thủ tục. Khỏi phải làm gì cả. Cứ nghỉ ngơi, bồi dưỡng cho khoẻ, chờ đến ngày lên máy bay.
Đậu phỏng vấn. Chỉ còn chờ ngày lên đường. Năm ấy, gia đình Hoàng ăn một cái Tết rất xôm. Linh đình chưa từng thấy từ ngày cưới đến nay. Vì qua Tết là xuất cảnh. Mời cả cha mẹ nuôi, các em, các cháu tham dự. Bà Tư Căn cùng Yến cũng được mời chung vui. Coi như chia tay trước. Vì vợ chồng con cái Hoàng sẽ không ở Biên Hoà nữa. Về Sài Gòn cho tiện việc di chuyển.
Tết nhất qua đi. Mồng năm, Điệp sửa soạn hành lý. Hôm ấy, Yến lại nhà. Nàng bo chỉnh, sơn nốt cho xong chiếc xô-pha thực hiện cho gia đình nàng. Hai đứa con nhỏ đang ngủ. Hai đứa lớn ngồi cạnh Yến. Bé Lan ôn bài. Oanh đan áo len dành cho ba má sẽ dùng vào ngày ra phi trường. Vợ chồng Điệp ngồi trên đi-văng, trao đổi chuyện tâm tình. Vì có mặt các con và Yến nên họ rất ý tứ. Nói năng nhỏ nhẹ, vừa đủ nghe. Có một câu mà, từ ngày ra trại cho đến nay, anh mới hỏi. Mặc dầu anh thừa biết Điệp là người vợ đức hạnh. Cùng là vui chuyện mà hỏi thôi:
- Này em, trong suốt mười năm vắng anh, em có bao giờ ra khỏi nhà, ngoài việc làm ăn, hay không nhỉ?
Điệp tát yêu chồng mà bảo:
- Bộ anh ghen đấy hả? Thiếu gì kẻ cầu cạnh, dùng bạc tiền mua chuộc. Em đâu có thèm.
Cây hồng đã có hoa từ lâu. Điệp vừa thay hoa mới. Dán mắt vào mấy đoá hồng nhung, cô tấm tắc khen đẹp.Vẻ đẹp quý phái. Xứng đáng là Nữ Chúa của loài hoa. Hoa hồng đẹp thật. Nhưng Hoàng không thấy đẹp bằng vợ anh. Điệp là đoá hoa Vô Ưu mát tươi, rực rỡ. Thật đẹp người, đẹp nết. Thử hỏi anh không sở ái sao được.
Điệp nói:
- Có một bài thánh ca đã ví Chúa là cây hồng vĩ đại. Vô số là hoa. Tha hồ cho bướm hút nhụy. Ước gì em biến thành cánh bướm. Cánh bướm bất tử hút nhụy suốt mùa xuân bất tận.
- Chu choa! Điệp làm thơ đấy hả? Em mà biến thành bướm thì là chúng mình mất nhau đấy. Đức Thánh đã không để cho chúng mình mất nhau. Sao em còn đòi hoá thân?
Điệp cười mà không đáp. Tâm hồn cô nhẹ nhàng, thanh thoát, rung lên như cánh bướm non. Cô âu yếm nhìn chồng. Kể từ ngày hợp hôn đến nay, chưa bao giờ cô chan hoà hạnh phúc cho bằng lúc này.