Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Phỉ bọp

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 598 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Phỉ bọp
Đặng Quang Tình

Ông Khiên đang gò nguời đan cái rương mây hay gọi là cái bem thì Von lên thang:

- Cháu chào bác Khiên. Ôi cái bem đẹp quá! Bác không quên việc gì ở bản cả.

- ờ, cháu khen làm bác vui. Việc bỏ lâu ngày cũng thành ngượng. Phải nắn mãi, bắt mãi mới khum, mới cân đấy. Thế nào, túi thuốc bản đã có đủ thuốc ỉa chảy chưa? Đầu mùa mà đã nhiều cháu bị rồi.

- Vâng, me mới trổ, muỗm mới đâm mà đã có năm cháu, cả người lớn - bác Liên - cũng bị rồi... Cái khó không phải là thuốc. Túi thuốc cháu có đủ. Khó là bà con không tin cháu mà tin mo Luông cúng cơ. Mo Luông bảo bản ta có phỉ bọp (Một khái niệm ma ở vùng đồng bào Thái-Lào - Tác giả). Phải mo cúng, mo trị mới khỏi.

- ừ, ừ... khó khăn đây!

Cà Văn Luông, ông Khiên đâu có lạ. Ông và Luông là lớp thanh niên đầu tiên của Huổi Xó được cử đi học ở trường Thanh niên Dân tộc tỉnh. Học thì thường thôi nhưng Luông rất láu, rình xem con gái tắm như ma. Con gái đứa nào cũng bảo "sợ cái mắt thằng Luông". Luông còn có tính cái gì cũng muốn hơn người, cũng cãi bằng được, hùng hổ như chó gầm sàn. Chó cậy gầm sàn là chó nhát. Luông cũng là một đứa nhát. Nhát nhưng ranh nên khối người vẫn sợ cái hùng hổ của nó.

Một tối, Khiên đang ngồi học bài thì nghe có tiếng chửi nhau và tiếng cửa xô dập ầm ầm. Hoá ra, Luông ở trong, Que (cũng là một đứa hùng hổ) ở ngoài; đứa đẩy, đứa kéo cái cửa liếp (thực chất đều giữ không cho cửa mở); mồm không ngớt: “Ông mà ra thì mày chết!", "Bố mày mà vào thì mày chết!". Ngứa mắt, Khiên bất ngờ chạy tới giật tung cánh cửa ra. Thế là, đứa "võ Lào" chui tọt vào góc sạp, đứa "võ Mông" nhảy tung ra khỏi nhà. Ký túc xá được một bữa cười vỡ bụng.

Đến năm lớp bảy thì Luông bị đuổi học vì tội chuyên chọc buồng con gái. Chả riêng cánh con gái mừng mà bọn con trai còn mừng hơn vì bớt được một đứa ăn hỗn. Cơm tập thể chỉ được hai lưng mà bao giờ nó cũng lèn chặt cái bát sắt Trung Quốc. Bát đầu, nó ăn rất nhanh. Bát thứ hai lèn rồi để đấy, quay ra ăn vã rau, canh; hết thức ăn rồi mới bốc muối ăn cơm. Xếp hàng vào mâm, đứa nào cũng tránh cùng hàng với nó.

Luông có ông chú làm ở Ty Thông tin - Văn hoá nên bị đuổi học lại được nhận vào đội ca múa Dân tộc. Nhưng rồi cũng chẳng đậu được lâu vì cái tính sờ soạng đàn bà con gái. Vô phúc thế nào lại sờ cả con chủ tịch tỉnh.

Không làm văn nghệ thì sang giao thông, rồi lại sang thương nghiệp... Ông chú chuyển lên phụ trách Dân Chính tỉnh đảm bảo cho Luông đến được mọi nơi nó muốn để cuối cùng trở về Huổi Xó với sổ mất sức, lương gấp đôi chủ tịch, bí thư xã.

Hoá ra, về quê mới là đất dụng võ của Luông. Bản Thái - Lào Huổi Xó heo hút tận góc rừng biên giới, bao đời sống theo nếp tự cung tự cấp nên hết sức bỡ ngỡ với việc giao tiếp. Cán bộ xã chỉ quen việc bản làng, nương ruộng; rất ngại ra huyện, lên tỉnh giao dịch, bán mua. Thế là tự nhiên Luông trở thành đại diện của bản làng. Mà dạo ngày lại đang nổi lên chuyện ưu tiên vùng sâu vùng xa. Huổi Xó thường ngày có cán bộ huyện, tỉnh đổ về và một lần có cả người từ tít tận trung ương. Không có đoàn nào tới, xã không mời Luông ra tiếp. Luông lĩnh hội vấn đề nhanh, có ý kiến hợp với các đoàn. Còn xã chỉ việc gật gù. Mà sao lại không gật gù? Toàn chuyện mang của đến cho. Nào là chương trình 327 phủ xanh đất trống đồi trọc; nào là tài trợ lập vườn rừng trang trại; lại còn làm đường ô tô, xây trường học, trạm xá, trụ sở. Toàn những tiền là tiền. Nguyên việc bảo vệ rừng nghe nói mỗi năm, mỗi héc ta được trả công tới 50 ngàn đồng... Lại còn đài nghe, ti vi xem toàn cho không.

Các đoàn đến, cán bộ xã chỉ lo việc săn nai, bẫy nhím (Luông bảo: ở phố người ta thích miếng rừng); tìm mật ong, mật gấu; kiếm cao khỉ, nhung nai (Luông bảo: phải mật ong hoa thuốc phiện, phải cao dẻo uốn không rạn, nhung phải mọng, mật phải trong). Luông còn bảo: Người thành phố sành thạo lắm. Miếng đáp phải xứng với miếng nhận. Tiền của Đảng, của Chính phủ nhưng phải có người mang đến. Bãi đáp không có mùi, kền kền bay qua thôi.

Bản làng háo hức, mong ngóng. Luông bảo không được nôn nóng, việc phải có trước có sau, có nghiên cứu khảo sát, có kế hoạch, có dự toán, rồi còn phải xét mới có cấp phát. Phải xuống thang từng bậc: trung ương xuống tỉnh, tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã, rồi xã mới đến bản. Phải biết đợi biết chờ, nhất là Huổi Xó lại ở tận cuối rừng cuối núi, tàu bay ô tô gì rồi cũng phải một ngày cuốc bộ mới tới được.

Rồi thì cái mong cũng tới. Trước hết là được năm cái đài nghe và một cái ti vi. Lễ đón nhận thật tưng bừng. Bà con nghỉ hẳn một ngày xoè, lăm vông đón quà chính phủ. Luông thay mặt dân bản nói lời cảm ơn thật cảm động, lời hứa thật hùng hồn.

Năm cái đài mà sáu bản, hơn hai trăm nóc nhà thì phân chia thế nào? Thôi thì đành phát cho cán bộ để còn biết ý kiến chính phủ mà làm việc. Chủ tịch là người Huổi Xó, coi như Huổi Xó được một cái đài. Còn ti vi, thì chỉ còn cách giao cho Luông giữ, vì cả xã, chỉ nhà Luông có được đầu máy thuỷ điện mà hôm ra huyện nhận ti vi, Luông tranh thủ mua luôn.

Các việc khác cũng lần lần tới nhưng đều lúc đầu thì ào ạt, sau cứ lặng dần... Rồi vườn rừng thì lại thả cho cỏ gianh và cây chó đẻ; trang trại thì trồng sắn vì mận, táo thì trồng làm gì khi đào muỗm rụng lợn ăn không xuể. Làm hàng hoá à?... ối ối, ai vào tận cái xó rừng này mà gánh mà thồ? Đường ô tô à?... ờ, cũng có một tý ở chỗ rẽ nhưng thành bãi bùn rồi, còn khó đi hơn trước. Trụ sở, trạm xá, trường học cũng dần dần có cả, nhưng có nhà mà không có cửa, tha hồ cho trâu, lợn, chó vào ra. Chỉ có nhà của Luông là khang trang: mái bằng, tường hoa, nền cao nửa thước, tám cái cửa lớn nhỏ đều cánh bức bàn. Lại còn giường, ghế véc ni đỏ au... Mà cũng phải thôi: chẳng lẽ để khách huyện, tỉnh rải trong nhà dân cho bọ chó đốt, bọ mát bò à?

Ông Khiên trở về làm dân bản khi hỏi tới chuyện vừa qua, bà con chỉ còn mang máng: lồng lồng, ghép ghép gì đấy, những cái 135, 06, 327 cứ lộn xoè vào nhau. Huổi Xó vẫn nếp bao đời: hết ra ruộng lên nương thì vào rừng hái măng, nhặt nấm, đào củ mài, kiếm mật ong, con nhím, con chồn... Chỉ có đồi bãi là khác: nham nhở như đầu trẻ bị trốc lở. Con suối Huổi Xó thì dòng chảy vừa nhỏ vừa vàng khè... Đúng là rượu sâu chít rất bổ mà giao cho bợm rượu thì chỉ còn hũ. Những ngày còn công tác ở Hà Nội, ông đã tìm hiểu và được biết: Nhà nước đã đầu tư cho điển hình Huổi Xó đến trên trăm triệu bạc chứ có ít đâu.

***

- Bác Khiên ạ! Von nói- Bà con không tin cháu. Thuốc cháu phát, bà con dắt mái gianh. Bà con bảo: có phỉ bọp, phải cúng đuổi. Phải mo Luông cúng và cho thuốc, phỉ bọp mới sợ. Bác đến bảo ông Luông thôi nói bậy đi. Bác nói, may ra ông ấy mới nghe.

Hừ, khó khăn đây. Luông đã khôn ngoan dùng "chân gỗ" tác động chứ không bao giờ ra mặt. Có người còn phải nói khó vì Luông nói: "ngại chính quyền bảo mê tín bậy bạ". Chính cái điều "vì bà con mà phải buộc phải này" càng được bà con trọng. Mà Luông cũng có đòi tiền của ai đâu? Có phát thuốc cũng là cho không. Mà người Huổi Xó cũng có bao giờ chỉ biết ngửa tay nhận? Thành thử, chối từ đấy, mà gà vịt và cả lợn luôn đầy sân. Cả mật gấu, cao khỉ, cao nai... cũng "không thể phụ lòng bà con". Càng "không dám phụ" khi bà con đến giúp cày bừa, gặt hái, đào ao, lấy gỗ... Có lúc nhà Luông có tới chục người phục dịch, chả kém gì nhà phìa nhà tạo trước đây. Mà phìa tạo kiêm mo càng có uy. Thế mà cái uy có nguy cơ bị lung lay.

Von đi học lớp y tá sáu tháng ở tỉnh về thật mát tay. Huổi Xó bao đời ốm đau chỉ trông vào lá lảu, vỏ rễ nay có tý thuốc là hiệu nghiệm liền. Cảm sốt, chỉ mấy viên át-pi-rin là khỏi. Ho hen, chỉ mấy viên suyn-pha-mít là xong. Té re cũng chỉ mấy viên béc-bơ-rin là cầm... Thế là có lời phao: bản có phỉ bọp. Lời phao không chỉ ai, nhưng ai cũng biết là nói ai.

Một buổi sáng, ông Khiên đi một vòng rừng, thấy mấy đống phân mới có cành gai rấp. Như vậy là bà con lo sợ lắm rồi, làm thế để chống cái ma, cái phỉ bọp nó ăn phân rồi chui vào bụng người.

***

Huổi Xó họp bàn chuyện phòng chống bệnh mùa hè. Chuyện phỉ bọp sôi lên. Chính ông Khiên sục chuyện:

- Có người bảo Huổi Xó ta có phỉ bọp nên nhiều người đau bụng. Nếu đúng vậy phải trị ngay.

- Phải đấy! Phải đấy! - Tiếng nhao nhao như tằm ăn lên.

- Mà ai có phỉ bọp? Ai là phỉ bọp? Đã lâu bản ta không có chuyện này. Nay sao lại có? - Ông trưởng bản lên tiếng.

- Nghe người ta nói phỉ bọp ăn ruột, hút máu nên mặt lúc nào cũng đỏ, còn đỏ hơn cả mặt rượu phải không bác Luông? - Một bà ngồi khuất cột tham gia ý kiến.

- ờ, ờ...cũng nghe nói vậy, biết đúng? biết sai? - Ông Luông ỡm ờ.

- Hôm qua, ông còn bảo ông biết đích xác người nào có phỉ bọp. Sao bây giờ lại "biết đúng, biết sai”? - Anh Piền đứng vụt dậy- Ông đừng gieo tiếng ác. Cuối bản đầu mường đều nghe ông nói phỉ bọp là đàn bà. Phỉ bọp này ác hại lắm vì nó trẻ và đẹp. Nói vậy là ông nói ai? Nói thẳng ra xem .

Mọi người đổ dồn mắt vào góc bếp nơi Von ngồi.

- ờ, ờ... Việc gì mà như chó ăn phải vôi vậy? - Ông Luông cười nhạt- có ai nói người yêu của anh là phỉ bọp đâu? Tự anh nói ra đấy nhá!... Người ta bảo là đàn bà..., bản ta có cả trăm đàn bà, sao anh lại vê vào cô Von? Người ta bảo mặt đỏ, bản ta có cả chục người mặt đỏ, sao anh lại xoắn vào cô Von? Ma quỷ là chuyện tín ngưỡng. Ai tin thì tin, không tin thì thôi. Anh chống lại chính sách tự do tín ngưỡng của chính phủ à?

Câu cuối của ông Luông hiểm quá, cuộc họp lặng đi. Người Huổi Xó rất sợ cái tiếng chống chính phủ. Mới năm ngoái, một người buôn thuốc phiện ở Huổi Lếc đã bị xử bắn vì tội chống "cái 06 của Chính phủ".

- Thưa bà con. - Ông Khiên lên tiếng: - Có có, không không; tin tin, ngờ ngờ là quyền mọi người. Nhưng cái hoang mang, cái nghi kỵ lẫn nhau làm hại cả bản. Tốt nhất cứ nói thẳng ra. Ai có phỉ bọp cứ nói ra rồi mo Luông cúng đuổi cho là xong thôi mà. Ai là phỉ bọp hãy tự nói ra.

Mọi người im lặng nhìn nhau. Ông Khiên lại nói tiếp:

- Không ai tự nhận thì phải thử thôi. - Mọi người rùng mình nghĩ đến cách thử: ông mo niệm thần chú rồi rót chì nóng vào tay người bị nghi. Chì ăn thủng tay phỉ bọp, còn người thường thì chẳng việc gì - Tôi có mang theo chì đây. Nào mo Luông, đốt chì, niệm chú đi.

Luông ngẩn người nhìn ông Khiên rồi thoăn thoắt làm theo lời. Ai nấy chết lặng nhìn vào góc bếp. Chợt Von vùng chạy, mồm thốt lên:

- Bác Khiên! Sao bác làm ác với cháu?

Chỉ một cái nhún, mo Luông đã nhảy tới, túm được tay Von:

- Không được chạy! Mà cũng đừng sợ! Nhận có phỉ bọp, ta sẽ cúng đuổi cho.

- Tôi không có phỉ bọp, tôi không phải phỉ bọp! ối bà con ơi...

- Thế thì phải thử thôi cô gái à. - Luông rỏ giọt chì nóng vào bát nước. Bát nước "xèo", khói khét lẹt.

- Thưa bà con! - Ông Khiên lên giọng - Phỉ bọp không chỉ là đàn bà, phải không bà con? Tôi nghi ông này- Bất thần, ông chỉ tay vào mo Luông - Phải thử ông trước, ông niệm thần chú đi.

- A, a... sao lại thử tôi?

- Thử chứ! Mặt đỏ thế này là phỉ bọp rồi. Tôi cũng sẽ thử ngay sau ông vì tôi uống rượu cũng mặt đỏ đấy!

- Ơ, ơ...

- Việc gì mà sợ! Ông vẫn bảo niệm thần chú thì trên tay người bình thường giọt chì chỉ liếng đi như nước rơi vào lá môn. Không đúng à?... Vậy thì cho ông nói lại: có thật bản ta có phỉ bọp, có ma không?

- ờ, ờ... Không, không... Không có phỉ bọp. Huổi Xó không có phỉ bọp... Vừa nói mo Luông vừa giằng tay rồi nhảy dúi vào góc cột. Ông Khiên bật cười vì nhớ lại cái cảnh hai mươi năm trước chàng Luông chúi vào góc sạp khi cái cửa liếp trường nội trú bất ngờ bị ông giật tung ra.

- Thưa bà con, - ông nói tiếp - chính mồm mo Luông nói Huổi Xó không có phỉ bọp nhá! Mà trên đời này làm gì có phỉ bọp!... à, à... mà có đấy...

Mọi người đang vui vẻ cười chợt sững lại. Tý nữa thì ông Khiên buột ra mồm: "Mo Luông, chính mày, chính bọn ăn hớt của dân, ăn bòn của nhà nước, bọn tham nhũng là phỉ bọp. Chúng mày có từ gì từ cứt đến máu của dân đâu”. Ông không nói, nhưng trước cái nhìn mo Luông của ông, bà con đều hiểu. Và tiếng cười rộ lên làm rung cả trời đêm Huổi Xó



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 594

Return to top