Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Khiêu vũ với thần Chết

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1269 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Khiêu vũ với thần Chết
Peter S.Beagle

Phần I

Peter S. Beagle sinh tại New York năm 1939. Ông tốt nghiệp Đại học Pittsburgh năm 1959 và hành nghề viết báo chuyên nghiệp. Suốt một thập niên viết báo và tiểu luận cho các tạp chí, ông chuyên trách nhiều lĩnh vực, từ đá gà tại Bắc Carolina cho đến Chiến dịch người nghèo ở Washington D.C. Từ giữa thập niên 1970, ông viết kịch bản cho điện ảnh và truyền hình, trong đó có một phần của bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng Cuộc du hành giữa các vì sao (Star Trek) và phim hoạt hình dựa theo tiểu thuyết Chúa nhẫn (Lord of the Rings). Hai tiểu thuyết đầu tay của ông vẫn tiếp tục được in lại cho đến nay và xếp vào loại “kinh điển” của thể loại truyện bestseller. Tiểu thuyết Con kỳ lân cuối cùng (The Last Unicorn) được chuyển thành phim hoạt hình năm 1982, còn Một nơi đẹp đẽ riêng tư (A Fine and Private Place) được chuyển thành nhạc kịch. Năm 1993, vở opera Thiên thần nửa đêm (Midnight Angel) được dựng dựa theo truyện ngắn Khiêu vũ với thần Chết (nguyên tác: Come Lady Death) của ông.

Với bản dịch sau đây của Khiêu vũ với thần Chết, nhà Văn muốn giới thiệu với độc giả một truyện ngắn hấp dẫn và, ở một chừng mực nhất định, vẫn có giá trị văn học cao, khác với suy nghĩ thông thường của chúng ta về thể loại bestseller.

Chuyện này xảy ra ở Anh quốc lâu lắm rồi, từ thời ngài George nói tiếng Anh bằng giọng Đức nặng trịch, kẻ ghét con cái của chính mình, vẫn còn làm vua. Hồi đó ở thành London có một bà mệnh phụ không có việc gì khác để làm ngoài suốt ngày mở tiệc. Tên bà ta là Flora, Phu nhân Neville, bà ta góa chồng và cực giàu. Bà sống trong một ngôi nhà lớn không xa Điện Buckingham, bà có nhiều tôi tớ đến nỗi không thể nào nhớ hết tên họ; trong đám gia nhân có những người mà bà ta chẳng thấy mặt bao giờ. Bà có quá nhiều đồ ăn chẳng làm sao ăn hết, quá nhiều áo quần không thể nào mặc xuể, có nhiều rượu ủ trong hầm đến nỗi hết đời bà cũng chẳng ai uống xuể, trong hầm kín nhà bà đầy dẫy những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp mà bà không biết là mình có. Những năm cuối đời, bà chuyên tổ chức các buổi tiệc tùng và khiêu vũ mà khách mời là những vị tai to mặt lớn nhất London, đôi khi ngay cả Đức vua cũng thân hành đến, và bà nổi tiếng là người đàn bà thông thái và dí dỏm nhất thành London.

Nhưng cuối cùng, những buổi tiệc của chính bà khiến bà phát ngán. Dẫu bà có mời những người nổi tiếng nhất đất nước và thuê nào nghệ sĩ tung hứng, nghệ sĩ nhào lộn, nào vũ công và phù thủy để giúp vui cho khách, bà vẫn thấy những tiệc tùng của bà ngày một tẻ ngắt. Xưa nay bà vốn vẫn ưa nghe những chuyện ngồi lê đôi mách chốn cung đình, nhưng nay chúng chỉ khiến bà ngáp ngắn ngáp dài. Thứ âm nhạc tuyệt diệu nhất, những trò ảo thuật hấp dẫn nhất chỉ làm bà ngủ gật. Hễ ngắm một đôi trai gái đẹp đẽ khiêu vũ sát bên là bà lại buồn, mà bà chúa ghét cảm thấy buồn. Và do đó, một chiều hè nọ, bà gọi những bạn bè thân thiết nhất đến mà nói: “Càng ngày tôi càng cảm thấy những buổi tiệc của tôi làm mọi người thích thú ngoại trừ tôi. Bí mật cả cuộc đời dài của tôi, đó là chưa hề có cái gì tẻ nhạt đối với tôi. Suốt đời, tôi luôn quan tâm đến mọi sự tôi nhìn thấy và luôn luôn khao khát thấy nhiều hơn nữa. Nhưng buồn chán thì tôi không chịu nổi, và tôi sẽ không đi dự những buổi tiệc mà ở đó tôi biết mình sẽ chán, đặc biệt là nếu đó là tiệc của chính tôi. Vì vậy, cuộc vũ hội sắp tới, tôi sẽ mời một vị khách mà tôi tin chắc rằng không một ai, kể cả chính tôi, có thể cảm thấy chán. Các bạn, vị khách danh dự tôi muốn mời dự buổi tiệc kế tiếp của tôi chính là thần Chết!”.

Một nhà thơ trẻ cho đó là một ý tuyệt vời, nhưng mấy người bạn khác kinh sợ lùi lại. Họ không muốn chết, họ van nài bà như thế. Thần Chết sẽ đến với họ khi ngài sẵn sàng; sao bà lại mời ngài đến trước giờ đã định, mà giờ đó cũng có lâu nữa đâu? Nhưng Phu nhân Neville nói: "Đúng thế. Nếu thần Chết đã dự định bắt ai trong chúng ta vào đêm tiệc của tôi, ngài sẽ đến dù có được mời hay không. Nhưng nếu không ai trong chúng ta phải chết, tôi nghĩ sẽ rất hấp dẫn nếu thần Chết có mặt giữa chúng ta - thậm chí ngài sẽ làm một vài trò vui nho nhỏ nếu ngài đang vui vẻ. Và thử nghĩ xem, ta sẽ có thể nói rằng ta đã dự tiệc với thần Chết! Cả London sẽ ghen với chúng ta, cả nước Anh sẽ ghen với chúng ta!".
Ý nghĩ đó bắt đầu làm họ khoái chí, nhưng một quý ông trẻ tuổi, mới chân ướt chân ráo tới London, rụt rè lên tiếng: “Thần Chết rất bận. Ngộ nhỡ ngài có việc phải làm và không thể nhận lời mời của bà?”.
“Xưa nay chưa hề có ai từ chối lời mời của tôi,” Phu nhân Neville nói, “kể cả Đức Vua.” Và vị quý tộc trẻ không được mời dự tiệc.

Bà ngồi xuống thảo ngay thư mời. Bà tranh cãi đôi chút với các bạn về chuyện nên xưng hô ra sao với thần Chết. “Kính thưa thần Chết” nghe như thể đặt thần Chết chỉ ngang tầm một ông tử tước hay nam tước. “Thưa Tôn Ông thần Chết” được chấp nhận nhiều hơn, nhưng Phu nhân Neville nói, nghe nó giả tạo thế nào ấy. Còn “Muôn tâu thần Chết” thì lại khiến ngài ngang hàng với Đức vua Anh quốc, chuyện đó thì ngay Phu nhân Neville cũng chẳng dám. Cuối cùng tất cả quyết định họ sẽ gọi ngài là “Thưa Đức Ngài thần Chết”; hầu như ai cũng hài lòng. Đại úy Compson, vốn nổi tiếng là sĩ quan kỵ binh kiêu dũng nhất lại cũng lừng danh là kẻ chơi bời lịch lãm nhất nước Anh, lại nhận xét: “Thế là tốt rồi, nhưng làm sao đưa thư mời tới tay thần Chết? Có ai biết ngài ta sống ở đâu không?”.

"Thần Chết nhất định sống ở London," Phu nhân Neville nói, “cũng như bất cứ nhân vật quan trọng nào, mặc dù có thể ngài đi Deauville vào mùa hè. Thật ra, thần Chết phải sống khá gần nhà tôi. Đây chính là khu tốt nhất London! Làm sao một nhân vật quan trọng như thần Chết lại sống ở đâu khác cơ chứ? Khi tôi ngừng viết để nghĩ về chuyện đó, tôi thật sự lấy làm lạ tại sao chúng ta chưa gặp thần Chết trước đây, ngay giữa phố.”

Hầu hết bạn bè đồng ý với bà, nhưng nhà thơ, tên là David Lorimond, kêu lên: "Không, bà lầm rồi, thưa bà! Thần Chết sống giữa những người nghèo. Thần Chết sống trong những con phố bẩn thỉu tăm tối nhất của thành phố này, trong một túp lều kinh tởm lúc nhúc chuột nào đó luôn bốc mùi..." Đến đây chàng ngắc ngứ, một phần bởi Phu nhân Neville tỏ ra khó chịu, một phần bởi chàng chưa bao giờ ở trong một cái lều như thế hoặc nghĩ xem mùi của nó giống cái gì. "Thần Chết sống giữa những người nghèo," chàng nói tiếp, :và đến thăm họ hàng ngày, bởi ngài là người bạn duy nhất của họ".

Phu nhân Neville trả lời chàng cũng một cách lạnh lùng như với nhà quý tộc trẻ tuổi ban nãy: “Có thể ngài buộc phải giao du với họ, David ạ, nhưng tôi hầu như không nghĩ ngài coi họ là bầu bạn. Tôi chắc rằng, cũng như tôi, ngài khó lòng xem người nghèo như những cá nhân. Xét cho cùng, thần Chết là một nhà quý tộc”.

Các ông các bà chẳng cần tranh luận nhiều để thống nhất rằng thần Chết sống ở một khu vực ít nhất cũng đàng hoàng như khu của họ, nhưng chẳng ai có vẻ biết tên con đường nơi thần Chết ở, cũng chẳng ai từng thấy nhà của thần Chết.

Đại úy Compson nói: “Giá như có chiến tranh thì sẽ dễ tìm ra thần Chết. Các bạn biết đó, tôi đã gặp thần Chết, thậm chí đã nói chuyện với ông ta, nhưng ông ta chẳng bao giờ trả lời tôi”.
“Cũng đúng thôi,” Phu nhân Neville nói. “Thần Chết phải luôn luôn là người nói trước. Ngài thật chẳng biết cư xử cho phải phép, Đại úy ạ.” Nhưng bà cười với ông, như mọi phụ nữ khác.
Thế rồi bà nảy ra một ý. “Tay thợ làm đầu của tôi có đứa con đang bị bệnh,” bà nói. “Anh ta nói với tôi chuyện đó hồi hôm qua, dường như anh ta rất ủ dột và chẳng còn hy vọng gì. Tôi sẽ cho gọi anh ta tới và đưa thư mời cho anh ta; anh ta sẽ trao lại cho thần Chết khi Ngài đến bắt thằng quỷ nhỏ. Hơi bất tiện, tôi thừa nhận là thế, nhưng chẳng có cách nào khác.”
“Nếu ông ta từ chối?”, một quý ông hỏi. Ông ta vừa mới lấy vợ.
“Sao lại từ chối?”, Phu nhân Neville hỏi.

Một lần nữa, lại nhà thơ kêu lên giữa những lời tán đồng của mọi người rằng đây là một việc tàn nhẫn và tội lỗi. Nhưng chàng nín thinh khi Phu nhân Neville hỏi chàng một cách hồn nhiên: “Tại sao, hở David?”. Thế là người ta gọi tay thợ làm đầu đến, và khi anh ta đứng trước mặt họ, mỉm cười bối rối, vặn hai tay vào nhau vì phải ở trong cùng một căn phòng với quá nhiều những quý ông quý bà lịch lãm, Phu nhân Neville bảo anh ta về cái việc vặt mà anh phải làm. Và bà nói đúng, xưa nay vẫn thường thế, bởi anh ta không từ chối. Anh chỉ cầm thư mời và xin phép rút lui.

Hai hôm sau anh ta không quay lại, nhưng khi anh xuất hiện, đấy là anh tự đến gặp Phu nhân Neville chứ không đợi bà gọi; anh đưa cho bà một phong bì nhỏ màu trắng. “Cám ơn anh rất nhiều, anh tử tế quá”, bà nói, rồi mở phong bì và thấy trong đó một tấm danh thiếp ghi vỏn vẹn mấy chữ: Thần Chết sẽ rất vui lòng dự vũ hội của Phu nhân Neville.

“Thần Chết đưa cái này cho anh à?”, bà vồ vập hỏi người thợ làm đầu. “Ông ta trông thế nào?” Nhưng người thợ làm đầu đứng im, nhìn qua đầu bà, chẳng nói gì, và bà ta, thật ra cũng chẳng đợi câu trả lời, bèn gọi một tá đầy tớ, sai họ chạy đi gọi bạn bè của bà đến. Vừa đi tới đi lui trong phòng chờ họ tới, bà lại hỏi: "Thần Chết trông ra làm sao?". Nhưng người thợ không trả lời.

Khi bạn bè của bà đến, họ xúc động chuyền tay nhau tấm danh thiếp cho đến khi nó ố vàng và cong queo vì những ngón tay họ. Nhưng tất cả thừa nhận rằng, ngoài cái thông điệp ra, nó chẳng có gì khác thường cả. Nó không nóng cũng chẳng lạnh, và cái mùi hương thoang thoảng của nó khá dễ chịu. Ai cũng nói nó là một mùi quen quen, nhưng không ai nói được tên. Nhà thơ bảo nó gợi chàng nhớ tới hoa tử đinh hương, nhưng không chắc.

Tuy nhiên, chính Đại úy Compson là người chỉ ra một điều mà không ai nhận thấy. "Nhìn nét chữ xem", ông nói. “Quý vị đã bao giờ thấy một cái gì duyên dáng hơn thế chưa? Những con chữ nhẹ như chim. Tôi nghĩ chúng ta đã phí thời gian nói về một Ông thần Chết này, Ngài thần Chết nọ. Kẻ viết dòng này là một người đàn bà.”

Mọi người liền om sòm lên và mạnh ai nấy nói, thế rồi tấm danh thiếp lại bị chuyền tay nhau để ai cũng có thể nhìn kỹ rồi kêu lên: “Lạy Chúa, đúng như vậy!”. Giữa tiếng ồn ào, giọng nhà thơ cất lên: “Nghĩ lại, quý vị sẽ thấy điều đó rất tự nhiên. Xét cho cùng, người Pháp chẳng nói “la Mort” (giống cái) là gì! “Bà” thần Chết. Thần Chết là phụ nữ thì tôi thích hơn”.

"Thần Chết cưỡi một con ngựa đen cực lớn," - Đại úy Compson nói chắc như đinh đóng cột - “và ngài mặc giáp trụ cùng màu. Thần Chết rất cao, cao hơn bất cứ ai. Kẻ tôi thấy giữa chiến trường, chém phải, đâm trái như một chiến binh, chẳng phải là mụ đàn bà nào hết. Có lẽ chính tay thợ làm đầu hoặc vợ hắn viết dòng này thôi." Nhưng người thợ làm đầu không chịu nói, mặc dù họ vây quanh anh ta, van nài anh ta nói ai đã đưa danh thiếp cho anh ta. Đầu tiên họ hứa hẹn với anh ta đủ thứ phần thưởng, về sau họ đe dọa làm những điều khủng khiếp với anh ta. “Tấm danh thiếp này có phải anh viết không?”, họ hỏi anh ta, và nữa: “Vậy ai viết? Có phải một người đàn bà bình thường? Có thật là thần Chết không? Thần Chết có nói gì với anh không? Làm sao anh biết đó là thần Chết? Thần Chết có phải là đàn bà không? Anh định biến tất cả chúng ta thành lũ ngốc hay sao chứ?”.

Không một lời hé ra từ người thợ làm đầu; không một chữ, và cuối cùng Phu nhân Neville gọi gia nhân đến quất roi anh ta rồi vứt anh ta ra đường. Anh ta không nhìn bà khi họ lôi anh ta đi, cũng không buông một tiếng.

Vẫy tay ra hiệu cho mọi người im lặng, Phu nhân Neville nói: “Vũ hội sẽ diễn ra trong hai tuần tới kể từ đêm nay. Cứ để thần Chết đến nếu Ngài thích, dù đàn ông hay đàn bà, hay một sinh vật lạ không giới tính”. Bà mỉm cười bình thản. “Thần Chết rất có thể là đàn bà”, bà nói. “Tôi không còn chắc chắn về hình dong của thần Chết như trước nữa, nhưng tôi cũng đã bớt sợ thần Chết. Tôi ngần này tuổi rồi; tôi đâu có sợ bất kỳ cái giống gì một khi giống đó có thể dùng bút lông ngỗng viết cho tôi một lá thư. Về nhà đi, và trong khi chuẩn bị cho đêm vũ hội, các bạn hãy kể cho tôi tớ của các bạn, để chúng đi rao truyền tin tức khắp London. Hãy để bàn dân thiên hạ biết rằng vào đêm nay sẽ không một ai trên thế giới này phải chết, bởi thần Chết bận khiêu vũ tại vũ hội của Phu nhân Neville.”
                        ° ° °
Suốt hai tuần sau, ngôi nhà đồ sộ của Phu nhân Neville run rẩy, rên rỉ và cọt kẹt như một cái cây già trong bão tố trong khi đám gia nhân nào quai búa, nào cọ rửa, đánh bóng, nào sơn, nào phết, chuẩn bị cho vũ hội. Phu nhân Neville luôn luôn tự hào về ngôi nhà của mình, nhưng càng gần đến ngày vũ hội, bà càng đâm sợ rằng nó chưa đủ huy hoàng đối với thần Chết; chắc hẳn ngài đã quen viếng nhà những người còn giàu có và hùng mạnh hơn bà. Sợ thần Chết khinh khi, bà giám sát suốt ngày đêm công việc chuẩn bị của đám đầy tớ. Rèm cửa và thảm phải giặt sạch tinh tươm, những bộ đồ vàng, đồ bạc phải đánh bóng đến khi tự chúng sáng lập lòe trong bóng tối. Cầu thang lớn dẫn thẳng xuống phòng khiêu vũ như một dòng thác được cọ rửa và chà bóng thường xuyên đến nỗi hễ bước lên là trượt. Còn bản thân phòng khiêu vũ, phải ba mươi hai đầy tớ cùng một lúc mới lau chùi xuể, ấy là chưa tính những tên có nhiệm vụ đánh bóng ngọn chúc đài cao quá đầu người và muời bốn ngọn đèn nhỏ hơn. Và khi tất cả đã xong xuôi đâu đó, bà bắt bọn gia nhân làm lại từ đầu; chẳng phải vì bà thấy có hạt bụi hay chút cáu nào ở bất cứ đâu, mà bởi bà tin chắc rằng thần Chết sẽ thấy.

Còn bản thân mình, bà chọn bộ đồ đẹp nhất và tự giặt là lấy. Bà cho gọi một thợ làm đầu khác, bảo anh này làm tóc cho bà theo kiểu xưa, ý muốn cho thần Chết thấy bà là một phụ nữ hài lòng với tuổi tác của mình và thấy chẳng việc gì phải bắt chước các bà các cô trẻ đẹp. Suốt ngày trước đêm vũ hội, bà ngồi trước gương, không trang điểm gì nhiều ngoài tô chút son môi, kẻ mắt và đánh chút phấn gạo như thường ngày, nhưng, ngắm khuôn mặt choắt già nua có từ thuở cha sinh mẹ đẻ, bà tự hỏi thần Chết sẽ cảm thấy gì khi gặp bà. Người quản gia đề nghị bà duyệt danh mục rượu mà ông đã chọn, nhưng bà đuổi ông ta đi và vẫn ngồi trước gương mãi tới khi đến giờ phải thay đồ để xuống nhà dưới đón khách.

Ai cũng đến sớm. Nhìn ra cửa sổ, Phu nhân Neville thấy lối vào nhà bà ken chặt nào xe, nào ngựa, toàn những trang tuấn mã. “Trông cứ như một đám tang to,” bà nói. Người hầu xướng tên các vị khách từ ngoài cửa; tiếng dội vang trong phòng vũ hội. “Đại úy Henry Compson, Kỵ sĩ ngự lâm của Đức vua! Ông David Lorimond! Ngài Torrance và phu nhân!” (Họ là cặp trẻ nhất ở đây, mới cưới nhau ba tháng trước.) “Ngài Roger Harbison! Nữ bá tước della Candini!” Phu nhân Neville cho phép tất cả bọn họ hôn tay bà và chúc mừng họ đã đến.

Bà đã thuê những nhạc công giỏi nhất bà có thể tìm ra để chơi cho đêm vũ hội, nhưng mặc dù họ đã bắt đầu chơi theo hiệu lệnh của bà, không một cặp nào bước ra sàn nhảy, không một trang nam tử nào đến gần mời bà nhảy bản đầu tiên như xưa nay phải thế. Họ cứ tụm vào nhau, họ lao xao, họ thì thầm, mắt họ dán vào cửa phòng khiêu vũ. Mỗi khi nghe một cỗ xe lóc cóc lại gần trên con đường dẫn vào nhà, họ như hơi nao núng và xích lại gần nhau hơn, mỗi khi tên hầu xướng tên một vị khách mới đến, tất cả lại khẽ thở dài và đổi thế đứng ra chiều nhẹ nhõm.

“Nếu họ sợ thì sao còn đến dự?”, Phu nhân Neville tự lầm bầm một cách khinh miệt. “Ta không sợ gặp thần Chết. Ta chỉ muốn thần Chết sẽ bị ấn tượng trước vẻ nguy nga của ngôi nhà ta, và vị thơm ngon của rượu nhà ta. Ta sẽ chết sớm hơn bất cứ ai ở đây, nhưng ta không sợ.”

Tin chắc rằng thần Chết sẽ không đến trước nửa đêm, bà đi giữa đám khách, thử làm yên lòng họ, không phải bằng lời, vì bà hiểu có nói họ cũng chẳng nghe thấy, mà bằng sắc thái của giọng nói bà, như thể họ là cả một bầy ngựa đang khiếp sợ. Nhưng dần dần, bà cũng lây sự bồn chồn của họ: hễ ngồi xuống ở đâu, bà lại lập tức đứng dậy, bà nếm hàng tá ly rượu mà không uống hết ly nào, và bà cứ không ngừng liếc cái đồng hồ bằng ngọc của bà, đầu tiên là muốn đợi cho nửa đêm mau tới và chấm dứt nỗi chờ đợi, về sau bà dùng ngón tay chà mặt đồng hồ, như muốn đẩy lùi đêm và kéo ngược vầng dương lên bầu trời. Khi sắp đúng nửa đêm, bà đang đứng với số khách còn lại, thở bằng miệng, hết đổi chân này đến chân kia, lắng nghe tiếng bánh xe lăn trên mặt sỏi.
° ° °

Khi đồng hồ bắt đầu điểm nửa đêm, ngay cả Phu nhân Neville và Đại úy Compson gan dạ cũng khẽ kêu lên thảng thốt rồi lại nín bặt, lắng nghe tiếng đồng hồ điểm. Những cái đồng hồ nhỏ hơn ở lầu trên bắt đầu rung. Tai của Phu nhân Neville đau buốt. Bà nhìn thấy chính mình trong tấm gương phòng dạ hội, một khuôn mặt xám ngoét ngẩng lên trần nhà như đang cố hớp không khí, và bà nghĩ: “Thần Chết sẽ là một phụ nữ, một mụ già gớm guốc, dơ dáy, cao lớn, khỏe như đàn ông. Và điều khủng khiếp hơn hết sẽ là mụ ta có khuôn mặt của ta.” Mọi đồng hồ ngưng đánh, và Phu nhân Neville nhắm mắt lại.

Bà chỉ mở mắt ra lại khi nghe thấy tiếng thì thầm quanh bà bắt đầu mang một sắc thái khác, một sắc thái mà trong đó nỗi sợ trộn lẫn với sự nhẹ nhõm và một nỗi thất vọng nào đó. Bởi chẳng có chiếc xe mới nào dừng ở lối vào nhà. thần Chết không đến.

Tiếng ồn to dần, đây đó người ta bắt đầu cười ra tiếng. Gần bà, Phu nhân Neville nghe Ngài Torrance nói với vợ: “Thấy chưa, cưng, anh đã nói chẳng có quái gì phải sợ. Trò đùa thôi mà”.

“Mình tiêu rồi”, Phu nhân Neville nghĩ. Tiếng cười ngày càng dâng lên; nó như những cú đánh giộng vào tai bà, như tiếng chuông những cái đồng hồ. “Mình muốn tổ chức một vũ hội huy hoàng đến nỗi những ai không được mời sẽ phải hổ thẹn trước bàn dân thành phố, mà bây giờ mình được thế này đây. Mình tiêu rồi, thế là đáng đời lắm.”

Quay sang nhà thơ Lorimond, bà nói: “Nhảy với tôi nào, David”. Bà ra hiệu cho các nhạc công; họ liền nhất loạt trỗi nhạc. Khi Lorimond ngần ngừ, bà nói: “Nhảy với tôi đi. Anh sẽ không có cơ hội nào nữa đâu. Tôi sẽ không bao giờ mở tiệc nữa”.

Lorimond cúi chào và đưa bà lên sàn nhảy. Khách khứa tẽ ra nhường lối cho họ, và tiếng cười lặng đi một chút, nhưng Phu nhân Neville biết nó sẽ dâng lên trở lại ngay thôi. “Được, cứ để họ cười”, bà nghĩ. “Ta đã không sợ thần Chết trong khi bọn họ run như cầy sấy. Tại sao ta phải sợ tiếng cười của họ?”. Nhưng bà có thể cảm thấy cay cay nơi mi mắt, và khi bắt đầu nhảy với Lorimond, bà lại nhắm mắt lần nữa.

Thế rồi, hoàn toàn bất ngờ, tất cả bầy ngựa kéo xe bên ngoài nhà đồng thanh hí vang, chỉ một lần duy nhất, giống như khách khứa đã kêu lên khi đúng nửa đêm. Có quá nhiều ngựa, nên tiếng chào của chúng chát chúa đến nỗi mọi người trong phòng lập tức nín lặng. Họ nghe thấy tiếng bước chân nặng nề của người hầu lúc y đi ra mở cửa, và họ rùng mình như thể cảm thấy làn gió lạnh lùa vào trong nhà. Rồi họ nghe một giọng thanh tao cất lên: “Tôi có đến muộn không? Ôi, tôi xin lỗi. Lũ ngựa mệt quá”. Và người hầu kịp chưa kịp quay vào để báo tin có khách mới đến thì một cô gái xinh đẹp mặc áo dài trắng đã yêu kiều bước vào ngưỡng cửa phòng khiêu vũ rồi đứng đó mỉm cười.

Phần II >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 403

Return to top