Một buổi chiều trời chuyển mưa, mây giăng mù mịt, gió thổi ào ào. Thầy thợ ra khỏi sở, ngó thấy quanh cảnh như vậy thì sợ mắc mưa, nên bươn bả đi riết về nhà. Ngoài đường người ta đi dập dìu, lại thêm xe hơi, xe ngựa, xe máy, chiếc xuống chiếc lên, tiếng chuông leng keng, tiếng còi te tét.
Cô Quế đi thêu ngoài nhà hàng, cô cũng đi về nhà như người ta và cũng như người ta cô đi xăng xớm, bộ như sợ mắc mưa. Thế mà cô không đi thẳng về nhà, cô lại ghé vô nhà cậu Xuân. Thấy cửa giữa đóng chặt, cô lại đứng chỗ cửa sổ mà kêu thằng Chí.
Chị Chín Thiện ra mở cửa và nói:
- Cô Hai đi thêu về sớm dữ. Thằng Chí mới đi ra chợ mua bánh mì. Cô Hai cần dùng nó đi đâu hay sao?
Cô Quế mau mắn đáp:
- Không, không… Anh Xuân chưa về hay sao?
- Thưa, chưa. Cậu tôi đi thi trong trường.
- Tôi biết… Thi đã cả tuần rồi chớ. Bữa nay vô trường đặng nghe xướng danh coi đậu hay rớt, sao tới chừng nầy mà chưa về!
- Tôi cầu khẩn cho cậu tôi đậu.
- Tôi cũng mong ước như vậy. Tôi vái van cho đậu hết, nếu có người nào rớt tôi buồn dữ lắm.
- Mời cô hai vô nhà chơi. Tối rồi chắc cậu tôi gần về…
- Dì đi nấu cơm đi dì Chín. Để tôi đứng ngoài nầy tôi chơi một chút.
Chị Chín trở vô bếp, cô Quế đứng trước hàng ba ngó ra đường có ý trông cậu Xuân.
Thằng Chí đi chợ về, tay cầm một ổ bánh mì.
Cô Quế thấy nó bước vô thì nói:
– Em coi nhà nghe không em Chí. Để qua về một chút rồi qua trở lại.
Thiệt quả cô về chẳng bao lâu thì cô lại nữa.
Bây giờ trời đã tan mây lặng gió. Thằng Chí thấy đã tối rồi, nên vặn đèn trong nhà cho sáng. Thế mà cô Quế không vô, cô đứng trên thềm nhà ngó mông, bỗng thấy Xuân với Triều đằng xa đi lại, bộ đi chậm rãi dường như không muốn tới nhà cho mau.
Cô Quế nóng nảy, muốn hay tin liền về cuộc thi, nên cô bước ra đường mà đón hai cậu. Chừng hai người đi gần tới thì cô lật đật hỏi: “Đậu hay không?”
Triều lắc đầu và chúm chím cười và đáp:
– Rớt!
– Hả? Rớt hết sao?
– Rớt hết!
– Trời ơi! Anh Quan cũng rớt nữa à?
– Quan mà rớt sao được. Nó đậu mà còn được lời khen của ban giám khảo nữa chớ.
Ba người đắt nhau vô nhà.
Xuân buồn hiu, quăng cái nón lên bàn rồi nằm ngửa trên ghế xích đu, mắt lim dim, không nói một tiếng chi hết, Triều quay máy hát dĩa “Trảm Trịnh Ân”, đứng hát tự nhiên, dường như không quan tâm đến việc thi rớt.
Cô Quế thấy cậu Xuân buồn thì nói:
– Người ta thường nói “Học tài thi mạng”. Kỳ nầy rủi rớt thì ráng học thêm nữa đặng kỳ sau thi lại. Phải kiên nhẫn, phải cố gắng, phải phấn chí luôn luôn, chẳng nên ngã lòng.
Xuân cứ nằm thiêm thiếp. Triều cứ đứng nghe máy hát.
Cô Quế muốn giải nỗi buồn cho hai cậu, cô bèn bước lại ngừng máy hát, mời Triều ngồi, kêu thằng Chí biểu dọn cơm. Cô đi lăng xăng, cô nói không ngớt chớ không tề chỉnh nghiêm nghị như trước nữa.
Thấy Xuân cứ nằm trơ trơ, cô mới kêu mà nói:
– Anh Xuân dậy đi thay đồ rửa mặt rồi ăn cơm chớ. Em có thưa cho dì em rồi, bữa nay em ở đàng nầy đặng em ăn cơm với anh. Em đói bụng quá, dậy ăn cơm đặng em ăn với chớ.
Triều nói tiếp:
– Dậy ăn cơm toa, Xuân. Moa cũng đói bụng nữa.
Xuân thủng thẳng đứng dậy mà nói:
- Tôi hết muốn ăn cơm.
Cô Quế cười và nói:
- Trời ơi! Thi rớt rồi tính tuyệt thực hay sao? Làm trai mà yếu trí quá vậy? Thanh niên tân học ta phải có trí kiên nhẫn, có óc hùng cường. Đường đời đương nhiên có chông gai nhiều, mình phải lập thế tránh mà đi tới nơi tới chốn mới hợp. Đã biết thi rớt là một việc trắc trở đáng tiếc lắm. Nhưng mà sự trắc trở ấy nhỏ mọn không đáng cho mình sầu não. Thi rớt thì học thêm đặng thi lại, học hoài cho tới thi đậu mới nghe. Phải có cái trí như vậy mới được. Làm trai nếu gặp việc khó khăn rồi buồn rầu thất trí như thế có hơn đàn bà con gái chỗ nào đâu!
Có lẽ mấy lời cứng cỏi ấy làm cho Xuân hoặc phấn chí hoặc hổ thầm, bởi vậy cậu mau mau đi rửa mặt không ngẩn ngơ dã dượi nữa.
Triều ngồi hút gió rồi nói:
- Ai học nữa thì học, tôi xin kiếu; về cưới vợ, rồi làm ruộng đặng làm giàu đi xe hơi chơi.
Thình lình Quan từ ngoài bước vô nói:
- Hai anh rớt, tôi buồn quá, phải hai anh đậu hết tôi mới vui.
Cô Quế mừng nói:
- Em nghe anh đậu, em vui quá. Em mừng cho anh.
- Cảm ơn em.
- Anh Xuân với anh Triều nãy giờ buồn hiu. Em xin anh ở ăn cơm nói chuyện cho hai anh đó bớt buồn một chút.
- Thình lình quá, đâu có cơm sẵn mà ăn.
- Có mà. Để em sắp đặt mà mua đồ ăn thêm.
Cô Quế bỏ ba cậu ở ngoài nói chuyện, cô đi vô trong lo bữa cơm. Cách độ một hồi cô trở ra mời ba cậu đi ăn cơm, đồ ăn đã dọn đủ hết. Bốn người ngồi ăn cũng theo thứ tự Mai, Lan, Cúc, Trúc.
Triều hỏi Xuân:
– Bây giờ toa tính sao đây Xuân? Toa nói nghe thử coi.
– Tính giống gì?
– Toa nghe lời em Quế toa học nữa hay sao?
– Moa chưa nhứt định, để suy nghĩ ít bữa rồi sẽ hay.
– Moa tính như vầy hay lắm toa. Toa về Cần Thơ mà ở, moa về Bạc Liêu moa xin với tía moa kiếm hai cô con gái con nhà giàu, nói mà cưới vợ cho hai anh em nhà mình, rồi mình lo làm ruộng, buôn lúa, đặng làm nhà giàu.
– Moa không có chí làm nhà giàu.
– Toa cứ tính chuyện viễn vông hoài!
– Không phải viễn vông. Thuở nay moa đi học, moa quyết học thành tài, đặng moa dùng tài học cùa moa mà mở trí đồng bào, cải lương xã hội, làm cho quốc dân cao thượng, làm cho nước nhà chấn hưng. Moa đã nói với toa, moa nhứt định không cưới vợ mà moa cũng nhứt định không làm giàu. Vậy toa muốn làm việc gì thích ý toa, toa cứ làm, đừng rủ moa.
– Toa thích làm việc minh mông, đã mệt trí lại không ích gì cho toa hết.
– Nếu mỗi người đều chỉ biết lo cho mình, xã hội còn ra gì nữa. Moa giận rồi, có lẽ moa phải đi Pháp mà học.
– Tự ý toa. Moa chỉ xin nhắc cho toa nhớ rằng lúa gạo là vật báu trời ban cho xứ mình có nhiều. Vậy mình cứ níu cái hạnh phúc ấy mà sống, chẳng cần phải lo minh mông cho nhọc trí.
– Cái tâm hồn của toa là tâm hồn nhà quê. Toa không thể hiểu chí hướng của moa nổi. Đừng có nói chuyện ấy với moa nữa.
Triều rùn vai mà hỏi Quan;
- Quan, toa thi đậu rồi bây giờ toa tính làm việc gì?
- Có lẽ tôi sẽ kiếm chỗ mà làm việc nhà nước.
- Làm việc gì?
- Biết đâu. Để đợi cơ hội mở kỳ thi vào ngạch công chức nào thì tôi sẽ lập đơn dự thi chớ bây giờ biết đâu mà nói trước được.
Xuân liền nói với Quan:
- Toa đi Tây mà học thêm với moa.
- Ồ! Phận tôi nghèo, tôi đâu dám đèo bồng quá như vậy.
- Moa còn ba mươi bảy ngàn bạc gởi dưới băng. Số bạc ấy không đủ cho hai đứa mình ăn học bên Pháp năm mười năm hay sao? Toa đi với moa thì moa bao cho toa.
- Cảm ơn. Phận tôi mẹ goá con côi, tôi không thể tính việc xa vời.
- Toa là người không có đại chí, toa không có lợi ích cho nước nhà chi hết.
- Ở đời mình làm việc chi cũng phải lượng sức mình chớ.
- Moa tiếc cho toa lắm, tiếc vì tài lớn mà chí nhỏ. Chớ chí toa mà chí lớn như moa, thì toa quí không biết chừng.
Bây giờ cô Quế mới xen vô:
- Ba anh mỗi người có một chí riêng, không ai giống ai hết. Mới có ba người, lại là ba anh em thân thiết với nhau, mà cũng chưa đồng tâm được, thế thì mười mấy triệu đồng bang làm sao mà hiệp ý cùng nhau.
Mấy lời của Quế đây là lời bình luận nghe chơi cho vui, chớ không có ý chê bai hay nhạo báng. Thế mà ba cậu trai nghe qua, dường như ăn năn hay hổ thầm nên liếc mắt ngó nhau rồi ngồi gầm mà ăn không nói thêm một tiếng chi nữa hết. Có lẽ lời bình phẩm ấy động tới Xuân nhiều nhứt, bởi vì Xuân châu mày cúi mặt trầm tư nghiêm nghị lắm, làm cho không khí thêm nặng nề.
Cô Quế dòm thấy cái lỗi của cô, thì cô ăn năn muốn kiếm thế mà gây cuộc vui vẻ lại, song cô không tìm ra chước, bởi vậy khoảng sau bữa ăn có vẻ lãng đạm đìu hiu.
Ăm cơm rồi, Triều với Quan từ giã đi vô trường lo sửa soạn hành lý đặng sáng mai đi về nhà. Xuân với cô Quế đưa ra cửa. Chừng hai cậu đi rồi, cô Quế thấy Xuân có sắc trầm tư bèn hỏi cậu:
- Anh nhứt định đi qua Pháp học nữa hay sao?
- Đó là con đường qua chọn lâu rồi. Trước sau gì rồi qua cũng phải theo con đường ấy. Vậy nên đi liền bây giờ thì phải hơn.
- Nếu anh có trí un đúc cho có tài cao, thì anh qua Pháp mà học là phải. Học cho thiệt cao mới có ích.
- Em đồng ý với qua hay sao?
Cô Quế nhếch miệng cười rất có duyên; tuy ngoài hàng ba không có đèn, song Xuân thấy cô ngước mắt ngó mình và nói:
- Không phải em đồng ý. Vì anh có chí như vậy nên em phải trưởng chí cho anh chớ.
Xuân thở dài mà nói:
- Cảm ơn em.
Cô Quế muốn nói chuyện nữa, nhưng cô nghĩ thế nào không rõ, cô đứng dụ dự rồi nói:
- Thôi, để em về cho anh nghỉ. Em chào anh.
Cô Quế bước xuống thềm. Xuân đứng ngó theo tư lự châu mày.