Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Bức Tranh Màu Xám

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 3552 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bức Tranh Màu Xám
Ý Yên

Chương 4

Chú Ngọc ngồi dưới gốc cây, tôi thì đứng cách cây vú sữa khá xa. Tôi đang ghi lại nó trên khung vải bố và bằng những ống sơn dầu. Chính tôi cũng chả hiểu tại sao bức vẽ đầu tiên bằng sơn dầu tôi lại chọn cây vú sữa. Có lẽ tại một thúc đẩy nào đó trong tâm thức, bởi vì cây vú sữa là nơi từng chiều tôi vẫn ngồi với chú Ngọc.
Từ hôm tôi vẽ bức tranh này, tôi không cho chú Ngọc thấy. Tôi bắt chú ngồi xa và không được nhìn vào khi tôi chưa hoàn thành. Chú Ngọc hứa nhưng chú cũng có vẻ thắc mắc. Chắc chú còn nôn nóng lắm vì hôm nay là ngày cuối cùng, tôi sẽ hoàn thành họa phẩm đầu tay của tôi, và lẽ dĩ nhiên, chú Ngọc sẽ là người đầu tiên chiêm ngưỡng nó.
Khi cây cọ trên tay tôi chấm lên những đường nét cuối cùng, tôi buông vỉ màu xuống cỏ. Chú Ngọc hỏi :
- Sao vậy Vi ? …
Tôi đáp bằng sự thỏa mãn của một đứa con nít :
- Xong rồi chú.
Chú Ngọc đứng bật dậy.
- Chú xem được chứ hả Vi ?
Tôi gật đầu.
- Dạ, bây giờ thì Vi xin mời chú.
Chú Ngọc lớn bước lại phía tôi. Khi đứng trước bức tranh, nét ngạc nhiên hiện rõ trong mắt chú. Tôi hiểu vì sao : tôi vẽ cây vú sữa giống, phải nói là rất giống, nhưng nó lại màu xám thay vì màu xanh. Tôi tự hỏi tại sao mình lại pha trộn màu sắc một cách kỳ cục như vậy. Rồi tôi hiểu rằng bởi những bi quan tiềm ẩn trong chú Ngọc đã tác dụng sang tôi, khiến trong vô thức, tôi tự ý pha trộn cho bức tranh một màu sắc ảm đạm. Cũng chính bởi thế mà tôi không cho chú Ngọc coi lâu nay.
Giọng chú Ngọc thảng thốt :
- Kìa, Vi, sao lạ vậy ?
Tôi làm bộ ngạc nhiên.
- Tại sao lạ hả chú ?
- Vi pha lầm màu sao không nhờ chú pha hộ.
Tôi lắc đầu.
- Không, Vi có pha lầm đâu. Vi cố ý đấy chứ.
Chú Ngọc khẽ lắc đầu :
- Chú chịu, chả hiểu tại sao Vi lại pha mầu thế này. Thế Vi có thấy cây vú sữa màu gì không ?
- Màu xanh !
- Còn đây ?
- Màu xám !
Mãi đến sau này tôi mới thật sự hốt hoảng cho lời giải thích của mình hôm đó đối với chú Ngọc về màu sắc bức tranh. Tôi không ngờ mình đã can đảm và có cơ hội nói lên được những điều ấp ủ trong tâm hồn mình, dù sự nói lên đó rất mơ hồ.
Tôi bảo chú Ngọc :
- Chú có đoán được Vi nghĩ gì khi vẽ cây vú sữa màu xám không ?
Chú Ngọc lắc đầu. Tôi tiếp :
- Chú có thấy một vật thể nào khi ở trạng thái không vui thì sẽ ủ rũ. Vi không linh động hóa những gì chung quanh mình đâu, nhưng cứ thử đặt cho tất cả những vật thể chung quanh mình có linh hồn đi, để Vi có thể giải thích được bức tranh này.
Chú Ngọc gật đầu :
- Đồng ý, Vi cứ tiếp.
- Khi Vi vẽ, Vi đã tưởng tượng cây vú sữa cũng là một sự sống. Đúng chứ, nó là thực vật mà. Nhưng Vi đi xa hơn một chút, Vi cho nó có linh hồn. Rồi Vi đặt vào đó một niềm đau thương rất sâu kín. Có những người có sự đau khổ, mà không có cách nào tỏ lộ, họ thường gói ghém tâm sự vào những phương tiện để phô diễn được tâm hồn mình, dù là chỉ để phô diễn mà không cần ai hiểu. Vi cũng thế, Vi ở trong số những người đó. Vi không nói được nên Vi nhờ cây vú sữa mang dùm Vi một ít uẩn ức trong lòng Vi.
Chú Ngọc nhìn tôi thật sâu. Tôi nghĩ là chú đã hiểu tôi muốn nói gì. Chú Ngọc là một người đàn ông thông minh nhất trên đời, ít ra là dưới mắt tôi. Cho nên chỉ cần ánh mắt tôi nhìn chú chắc cũng đủ cho chú hiểu chứ cần gì đến những lời tôi nói xa xôi. Chú hiểu nhưng không đời nào chú nói ra. Chú giữ nó lại để phân chia cái giới hạn giữa tôi và chú, để mãi mãi tôi và chú không mất nhau.
Bên cạnh chú Ngọc, tôi quả thật chỉ là một đứa con nít lên hai. Nhưng khổ nỗi, tôi chỉ bằng lòng làm một đứa con nít trong tình thương của chú Ngọc. Tại sao tôi lại gặp chú để rồi khổ sở đa mang ? Chú Ngọc im lặng ngồi xuống cỏ. Chú gục đầu trong tay. Tôi nhìn chú mà nghe niềm đam mê đi về choàng phủ lấy thân thể. Chú ngồi bên cạnh mà sao tôi ngỡ như sắp xa tôi vời vợi. Chợt chú Ngọc ngẩng lên, chú nhìn về phía giá vẽ, chú gọi :
- Vi !
- Dạ.
Tiếng « dạ » của tôi nghe lạc lõng. Chú Ngọc giọng chậm lại.
- Vi bỏ đi những gởi gắm đó. Thực vật muôn đời vẫn là thực vật Vi ạ. Vi cho nó một linh hồn trong dự tưởng của Vi thì cũng không làm nó linh động được đâu. Vi đừng mong nhờ cậy một cái gì để bày tỏ một việc gì đó. Hãy trả cây vú sữa lại màu xanh cho nó. Nó không biết buồn thì hãy để nó sống tự nhiên. Đừng khoác cho nó một hình thái khác, điều đó vô ích.
Ngừng một giây, chú tiếp :
- Có những điều kiện không cần phải diễn tả người khác cũng hiểu Vi ạ. Nhưng đôi lúc, người ta không dám tỏ ra là mình đã hiểu, thế thôi. Vi là một cô gái thông mình và tế nhị lắm, nhưng Vi vẫn còn là một cô bé.
Tôi cảm nhận hai hàng lệ rưng rưng trên má. Chú Ngọc nhìn thẳng vào mắt tôi :
- Đừng khóc, Vi ạ. Giữa chú với Vi không có gì phải giấu diếm nhưng tốt hơn hết là nên tránh nói đến. Chú tự hiểu chú không thể làm gì được cho Vi cả. Dù sự thực chú mới là kẻ không xứng đáng để Vi lưu tâm tới. Vi còn nhỏ lắm, tuổi của Vi không phải là tuổi để vướng bận, để đau khổ. Một mai khi Vi lớn hơn nữa, Vi sẽ hối tiếc tại sao lại để cho hồn nhiên ra đi quá sớm.
Tôi lắc đầu :
- Không đâu, chú Ngọc …
Chú Ngọc đưa tay làm một cử chỉ ngăn chận.
- Để cho chú nói chứ, Vi. Tương lai Vi rất dài, hãy nhìn vào đó mà quên đi những gì Vi đang muốn nhớ. Vi nghe chú không ?
Tôi gật đầu nhè nhẹ. Nước mắt đã tuôn ướt đẫm má môi tôi. Chú Ngọc lấy khăn tay lau nhẹ trên má tôi. Tôi chợt nghe mình ước ao giây phút này sẽ kéo dài thiên thu, cho bàn tay chú Ngọc dừng lại trên má tôi vĩnh viễn. Nhưng chú Ngọc đã đứng lên :
- Vi nên quên chú. Có lẽ suốt đời Vi không làm sao biết được chú đối với Vi như thế nào. Nhưng cần gì. Có những điều người ta tránh nói đến mà lại hay. Về việc học vẽ, chú tin là từ nay Vi có thể tạm tìm hiểu một mình để tiến thêm. Vi không cần gì đến chú nữa đâu Vi ạ.
Tôi lắc đầu :
- Chú lầm rồi chú Ngọc, Vi cần chú hơn bao giờ hết.
Chú Ngọc cười buồn :
- Đó chỉ là một cách nói. Trong tương lai Vi sẽ ân hận vì đã lỡ thốt ra điều đó hôm nay. Bây giờ Vi hứa với chú một điều.
Tôi run giọng :
- Điều gì, thưa chú ?
- Từ nay Vi không đến học vẽ nữa.
Tôi nghe một sự sụp đổ nào dâng lên trong lòng nghèn nghẹn. Chú Ngọc tàn nhẫn đến mức độ nói lên được câu đó sao? Nhưng khi tôi nhìn vào mắt chú thì cả một sự tương phản rõ rệt với câu nói vừa rồi. Trong ánh nhìn của chú là nỗi mong chờ tôi trở lại và từ chối điều chú muốn. Có thể chú Ngọc cũng thương tôi như tôi thương chú vậy. Tại sao không chứ ? Nhưng chú không tiến lên như tôi đã làm. Chỉ vì chú cho tôi là một đứa con nít. Ừ, con nít. Tự ái con gái trong tôi đùng đùng nổi lên. Dù sao tôi cũng được rất nhiều người tìm đến tôi, mong nơi tôi một sự chấp nhận nhưng tôi đã lắc đầu từ chối. Không ai chối từ tôi khi tôi tìm đến cả. Chỉ có tôi chối từ người khác. Vậy mà hôm nay, chú Ngọc đã làm được điều đó, dù cho tôi có đặt tình thương vào chú nhiều đến bao nhiêu đi nữa thì tôi cũng không chịu đựng được một sự kiện tổn thương như vậy. Tôi gật đầu.
- Được, Vi hứa.
Trong chú Ngọc như vừa có một cái gì đổ vỡ, nhưng tôi quay phắt người đi. Bây giờ không phải là lúc tôi đứng phân tách trạng thái tình cảm nơi người khác nữa. Bây giờ chính là lúc tôi cần nằm một nơi riêng biệt để mà vùi đầu vào gối khóc nức nở. Sự việc xảy ra quá sức chịu đựng của tôi, nhưng tôi thực sự không muốn khóc trước mặt chú Ngọc. Tôi không muốn bị chú xem là đứa con nít một lần thứ hai. Tôi chạy lại thu xếp giá vẽ, khi tôi quay lại, chú Ngọc vẫn còn đứng im chỗ cũ. Tôi ôm đồ trong tay bước nhanh ra cổng không chào chú. Đúng hơn là tôi không có can đảm. Vì tôi hiểu nếu tôi đứng thêm một phút nữa chắc là tôi sẽ phục xuống chân chú Ngọc mà khóc và rút lại lời hứa. Tôi thương chú quá để có thể xa chú mà.

***



Tôi chỉ kịp về đến nhà, quăng giá bút vào một góc phòng tôi vùi đầu vào gối và khóc nức nở để nguyên cả quần áo trên người. Bao nhiêu là ý tưởng xâm chiếm tôi. Những ý tưởng thật mâu thuẫn, thật phức tạp mà tôi không làm sao tự mình có thể tìm cho mình một lối thoát. Nỗi cô đơn khôn cùng chợt từ đâu choàng ập lấy tôi một cách khủng khiếp làm tôi thấy ngột ngạt. Vậy là đã hết, đã chấm dứt rồi. Mơ xa tuổi con gái điểm nương tựa cuối cùng cho những đam mê, tôi nồng nàn trao gởi đã thực sự vuột thoát khỏi đôi tay nhỏ bé của tôi. Chú Ngọc dịu dàng, chú Ngọc ưu ái, tôi đã mất chú trong tầm ý nghĩ và ngay cả trong thực tế trước mắt nữa.
Kể từ ngày mai, chắc tôi sẽ chẳng bao giờ còn trở lại căn nhà ở vùng ngoại ô của chú Ngọc để chiều chiều còn được ngồi bên chú, tựa lưng vào gốc cây vú sữa. Cây vú sữa thân yêu đã được tôi dùng như một phương tiện bộc lộ tình cảm. Cây vú sữa tôi biết ơn nhiều nhất nhưng cũng oán hận nhiều nhất. Bởi tại nó, tôi đã mất chú Ngọc. Những lời nói của chú Ngọc vang vang bên tai tôi : « cố gắng quên chú »…quên, làm sao tôi có thể dễ dàng quên chú được như thế chứ ? Chú quá vô tình để nói lên câu đó hay chú đã cố tình đưa tôi vào ngõ cụt để tự mình phải thoát ly ? Chú có thương tôi thật tình không hay tình thương trong chú chỉ là một thứ tình thương hại mà thôi ? Không có chú Ngọc, mỗi buổi chiều tôi sẽ làm gì cho hết giờ, những cảm nghĩ của tôi sẽ gởi đến cho ai đây khi mà chú Ngọc, người tôi thương mến đã chối từ ưu ái của tôi.
Bóng đêm xuống chầm chậm, tôi ngủ vùi trong chập choạng. Khi tôi tỉnh dậy, bên ngoài trời đang mưa tầm tã. Những hạt mưa thật lớn đập mạnh vào khung cửa kính tạo nên những âm thanh rời rạc nhưng chát chúa. Tôi ôm gối nhìn ra mặt đường khuya, dưới ánh đèn đường, những đường nước mưa đan nhau thật rõ. Thỉnh thoảng một cơn chớp lóe lên xé màn đêm tối và tiếp theo đó là những tiếng nổ đinh tai. Tôi cảm tưởng như con mưa đã thay tôi nhỏ những giọt nước mắt xuống cho tình yêu đầu tiên trong đời con gái phải dỡ dang. Tôi phải làm cách nào để quên chú Ngọc được nếu không phải là cách lao đầu vào những đam mê mới. Chung quanh tôi còn nhiều, còn nhiều người lắm mà. Tôi bắt buộc phải quên chú dù điều đó làm tôi đau đớn tới đâu. Điều quan trọng là sau những cố gắng đó, tôi có quên chú Ngọc hay không ?

***




Kể từ hôm tôi không đến nhà chú Ngọc nữa, cuộc sống của tôi hoàn toàn thay đổi. Tôi bắt buộc mình phải dung hòa trong một cuộc đời mới, một môi trường sống mà trước đó tôi vẫn ghét cay ghét đắng. Tôi đi dự những cuộc vui chơi của bạn bè và tụi nó ngạc nhiên khi không còn thấy nơi tôi vẻ xa lạ cố hữu nữa. Làm sao chúng nó biết được tôi đã dùng tất cả khả năng của mình để làm cho được việc đó ? Mẹ tôi ngạc nhiên một chút về sự thay đổi của tôi, nhưng chỉ ngạc nhiên một ít thôi vì tôi rất kín đáo không tỏ lộ ra nhiều những xáo trộn trong cuộc sống của mình.
Và mặc dù với bao nhiêu bạn bè và cuộc vui chung quanh, tôi vẫn không quên được chú Ngọc. Sau những giờ phút nói cười trong đám đông bằng hữu, tôi mệt nhọc trở về nhà, lê chân trên những bậc thang lầu và ngã nhoài người trên mặt nệm. Ở đó tôi bắt đầu cho cơn hồi tưởng những tháng ngày còn được gặp gỡ chú Ngọc. Buổi chiều bây giờ đối với tôi thật đáng sợ. Nó trống vắng một cách khủng khiếp. Nó không còn mong chóng đến giờ vác giá vẽ đi nữa mà tôi đếm từng khắc từng giây mong đêm mau xuống cho tôi thoát khỏi cái vị trí thời gian yêu thương cũ.
Buổi tối nào tôi ngồi học bài, hình ảnh chú Ngọc cũng hiện ra chập chờn. Chú Ngọc với đôi mắt buồn thật buồn và giọng nói người Huế hết sức dịu dàng và ấm nồng âu yếm. Tôi nghĩ đến những buổi tối lạnh lùng trong căn nhà yên tĩnh vùng ngoại ô đó, hai đứa bé chắc đã ngủ, dì Thương thì đang đọc báo hay làm một công việc vặt vãnh nào đó. Còn chú Ngọc ? Chú có ở nhà bên cạnh vợ con hay chú đang ngất ngưởng bên ánh đèn phòng trà tranh tối tranh sáng. Đôi khi tôi mơ ước điên cuồng được chắp vào đôi cánh bay đi tìm chú Ngọc, quỳ dưới chân chú van xin chú một tình thương. Nhưng tự ái con gái giữ tôi đứng lại. Không, tôi không cần ai thương hại tôi hết. Tôi có thể khổ suốt đời với niềm kiêu hãnh là mình đã chưa hề quỳ lụy một ai.
Cũng có rất nhiều lúc tôi đã tự kết án mình. Là đã yêu thương một người đàn ông có vợ có con rồi. Như thế, không nhiều thì ít tôi cũng đã làm xáo trộn trong gia đình người ta. Nhưng tôi lại biện minh cho sự kiện đó. Gia đình chú Ngọc đã tự nó đổ vỡ rồi, đổ vỡ ngay trong cách thế đối xử của người vợ đối với chồng. Nếu dì Thương yêu thương săn sóc chú Ngọc thì đâu đến nỗi mỗi tối chú phải lang thang tìm cuộc vui trong khi gia đình mới chính là nơi ấm cúng nhất ?
Và điều chắc chắn mà tôi biết là không phải tại tôi. Tôi ư?
Tôi chỉ là đứa con gái thua cuộc ngay trong bước khởi đầu …

<< Chương 3 | Chương 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 93

Return to top