Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Đóa hoa của Hương Thảo

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 331 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đóa hoa của Hương Thảo
Lê Thu

  

Thiếu nữ bên hoa huệ,
tác phẩm của Tô Ngọc Vân (1908-1954)

 

 

 Nàng định chắp hai tay lại, nhưng một tay nàng vẫn ôm cây đàn; thế là nàng ngoái tìm một chỗ gần nhất trong góc phòng, đặt nó xuống, kê vào tường; lần đầu tiên, phải, lần đầu tiên trong đời nàng tuyệt đối không có ý thức rằng phải đặt cây đàn xuống một cách nhẹ nhàng cẩn trọng như thế nào, để không làm tổn thương cái cơ thể nhạy cảm và mong manh của nó.

I.

- Chị ơi, ông em sắp đi rồi. 
- ... 
- Ông muốn nghe chị đàn. 
Nàng im lặng. 
- Chị biết phải đàn gì cho ông em đây?! 
- Gì mà không được hả chị, - cô bé nói, ứa nước mắt. - Ông em hầu như đã mê man rồi... 
Ngừng một chút, ngẩng nhìn nàng, cô bé vội nói thêm, sợ mình đã lỡ lời: 
- Ông bảo nếu không được nghe đàn, ông sẽ chết không nhắm mắt... Em bảo để em đàn cho ông nghe, nhưng ông khăng khăng đòi phải chính chị... Em khuyên nhủ thế nào ông cũng không chịu... Chị biết đó... xưa nay ông có bao giờ nghe ai đâu... Ông không thèm nói câu nào với em nữa, mắt cứ mở trừng trừng nhìn lên trần nhà... Thấy ông như thế làm sao em đành lòng cho được...  
Thấy nàng im lặng, cúi đầu, cô bé bỗng quỳ xuống, nắm chặt tay nàng bằng cả hai tay mình: 
- Em van chị! Chẳng lẽ chị sẽ không giúp em? - Cô nghẹn ngào nói, miệng méo xệch, chẳng mấy chốc nước mắt đã nhòe nhoẹt cả hai má. 
Kìa, sao em nói vậy! - nàng kêu lên, cảm thấy hổ thẹn với chính mình. Nàng đỡ cô bé dậy và mủi lòng thấy khuôn mặt bầu bĩnh ngước nhìn nàng ngời sáng vì sung sướng và biết ơn. 
- Mình đi ngay thôi, - nàng quả quyết đứng dậy nói. 
Cụ có lẽ là người bán vé số cao tuổi nhất người ta có thể gặp trong suốt cuộc đời họ. Một ông lão kỳ quặc, ương bướng, lạnh lùng và kiêu hãnh chống lại tất cả con cháu mình; một bóng ma hoàn toàn cô độc và gợi thương cảm còn sót lại từ một lớp hiền nhân phương Đông đã qua. 
Nàng gặp ông cụ lần đầu trong một quán cơm bình dân nơi nàng vẫn ăn trưa cùng các bạn đồng nghiệp. Tim nàng đã thắt lại trước mái tóc bạc trắng như bông và cây gậy bằng một thứ gỗ tốt màu nâu đỏ vẫn còn lên nước. Nàng kín đáo theo dõi ông, ngắm ông ngồi nghỉ trên một ghế trống thong thả hút thuốc; cổ tay và bàn tay không hề run lúc mồi lửa song có cái vẻ khô giòn của một bộ xương. 
Để bù đắp cho sự từ chối thô lỗ của một trong các đồng nghiệp trước lời mời của ông, nàng nhỏ nhẹ hỏi mua vài tấm vé số. Nếu chỉ có một mình, lẽ ra nàng đã mời ông ngồi, hỏi han đôi điều, có thể gọi cho ông một phần cơm nếu ông chưa ăn; song nàng không làm vậy ở đây, bởi hành động đó có vẻ như gián tiếp hạ thấp đồng nghiệp mình. 
Vả chăng, chính ông lão không cần sự hào hiệp đó thì phải? Những người như ông dường như từ rất lâu đã không còn trông mong vào sự hào hiệp của người đời. Thời gian và những sai lầm trong quan hệ với tha nhân đã dạy cho nàng biết nhận ra ai là kẻ thật sự cần được giúp đỡ. Trước ông lão này, nàng thấy thẹn thùng với những thiện ý của chính mình. 
Khi tay đồng nghiệp của nàng giật nảy lên trước xấp vé số như vô tình chạm phải con rắn và gắt lên bằng giọng hằn học: "Không ai mua đâu, ông già!", nàng thấy ông lão mỉm cười. Suốt mấy ngày sau, mỗi khi nhìn tay đồng nghiệp kia, nàng lại thấy nụ cười đó hiện ra mồn một trước mắt. Nụ cười đó, vẻ "bề trên", tự tại, trầm mặc, bí ẩn, lại có phần hóm hỉnh nữa, khiến nàng cứ băn khoăn không biết so sánh với cái gì nàng đã từng biết. Một hôm, nàng chợt nhớ đến những khuôn mặt Phật cười ở Angkor. Dĩ nhiên, nàng không đi xa đến mức vận khuôn mặt Phật vào ông lão. Nhưng khi đồng nghiệp bảo nụ cười đó không thích hợp với địa vị của ông lão, nàng chỉ nhẹ nhàng lên tiếng: "Anh nói về cái thứ địa vị nào vậy?". Nói xong nàng khoan thai bỏ đi, và có cảm giác ông lão nghe thấy tất cả và đang mỉm cười với nàng, cũng nụ cười đó. 
Từ đó trở đi nàng không gặp ông lão ở hàng cơm nữa. Nhưng chẳng hiểu sao, nụ cười của ông lão vẫn không ngừng đeo đuổi nàng. Có khi nàng chỉ khẽ mỉm cười và bỏ qua. Nhưng, nhiều lúc, nàng phải ngưng mọi ý nghĩ khác để tự hỏi: Tại sao vậy? Nàng không trả lời được. Tuy nhiên, nàng có linh cảm rằng số mệnh nàng là sẽ gặp lại ông lão. 

II.

Một hôm, ông cụ đột ngột xuất hiện ở lớp dạy đàn của nàng ở Nhà văn hóa. Nàng nhác thấy bóng dáng quen thuộc ngoài cửa sổ, chính là ông cụ, không thể lầm được; và bỗng dưng, nàng cảm thấy rằng mọi chuyện phải xảy ra đúng như thế. 
Tuy nhiên, đang bận bịu với học trò, nàng thấy không tiện bỏ lớp ra ngoài hành lang để chào hỏi ông, nói vài lời với ông. Nàng chỉ thầm mong, sau buổi học, nàng sẽ có thể tìm thấy ông cụ ở đâu đó trong Nhà văn hóa, dù không biết để làm gì.  
Cuối buổi học, nàng cùng cả lớp dượt lại lần nữa bản Văn Thiên Tường chuẩn bị cho buổi diễn vào cuối tháng. Khi học viên cuối cùng đã ra về, còn lại một mình trong phòng, nàng bất giác ngẩng lên và lại thấy, nơi khe hở giữa hai lá sách cửa sổ, đôi mắt của ông cụ, như đã đóng khung chặt vào đó và tự nãy đến giờ không hề rời khỏi nàng. 
Nàng chưa kịp nghĩ sẽ nói câu gì trước tiên, thì ông cụ đã rời cửa sổ bước vào phòng; nhưng dừng lại ngay chỗ ngưỡng cửa. Bằng giọng khe khẽ, hơi run rẩy, hai bàn tay ép chặt chiếc mũ cáu bẩn nhăn nhúm vào khuôn ngực lép kẹp lọt thỏm rất sâu sau chiếc áo pijama rộng thùng thình bằng vải tốt đã bắt đầu bạc màu, ông cụ nài nỉ nàng đánh lại lần nữa bản Văn Thiên Tường. 
Nàng không chờ đợi tình thế xoay chuyển theo hướng đó; nàng chưa sẵn lòng làm một việc như thế. Nàng đang không được khỏe, người gây gấy khó chịu. Nàng cảm thấy cần về nhà; nàng chỉ có thể trò chuyện dăm phút với ông cụ thôi. Cố lựa lời tế nhị, nàng nói với ông cụ điều đó, và, như để tạ lỗi, nàng hứa sẽ giữ vé mời cho ông cụ, không chỉ lần sắp tới mà cả các lần về sau. Dĩ nhiên, ông cụ hiểu tất cả và ngỏ lời xin lỗi.
Lúc quay lưng đi, ông chợt nói nhỏ như với chính mình: Đời người như hạt sương. Câu nói chẳng có gì mới mẻ ấy, không hiểu sao khiến lòng nàng xốn xang. Cảm xúc đó mạnh đến mức nàng bỗng hiểu mình phải làm một việc gì đó ngay bây giờ, tại đây; không phải mấy lời hứa vừa rồi của nàng. 
Ngước mắt lên giữa lúc đàn, nàng thấy hai dòng lệ lăn theo gò má khô xác của ông cụ như nước rỉ từ giữa khe đá, đọng lại nơi mép cằm thành hai giọt lớn đục như mắt chuồn chuồn, đặc như sáp. 

III.
Kẹt xe mỗi ngày hai bận sáng và chiều là một trong nhiều lý do khiến ta không bao giờ có thể hoàn toàn yêu thích một thành phố lớn. Quá bối rối trước ý nguyện bất ngờ của kẻ sắp lâm chung, nàng quên hỏi bé Hằng họ phải đến nơi nào, họ cần theo tuyến đường nào để đến nhanh nhất. Vừa kịp nhận ra sai lầm của mình, họ đã lọt thỏm trong đám người đông đặc như một bầy ruồi khổng lồ lèn chặt cầu chữ Y. 
- Trời ơi! Trời ơi! - Hằng lặp đi lặp lại luôn miệng, không ra rền rĩ, không ra lẩm bẩm hoặc nức nở. 
Ruột gan nàng cũng như lửa đốt; trong khi xe của họ chỉ có thể nhích từng centimét một, dường như không bao giờ, không bao giờ thoát khỏi nơi này được, đồng thời lại cảm thấy rõ mồn một sự sống đang từng giọt thoát khỏi thể xác một người đang chờ đợi họ, như máu đặc từ vết thương ai đó nhểu dần từng giọt xuống mặt đường nhựa, không sao ngăn được; và điều đó, không cách nào cứu vãn được nữa, và họ, rất có thể sẽ không kịp làm bất cứ việc gì nữa; không bao giờ nữa. 
Cả bé Hằng, cả nàng không thể thét lên - cho dù rách toạc cả vòm họng đi nữa - với những người xung quanh, để họ hiểu rằng hơn ai hết bé Hằng và nàng cần phải thoát khỏi nơi này, khỏi đám kẹt xe bất tận và vô hạn định này; bởi nơi họ cần đến có một kẻ sắp chết. 
- Làm sao bây giờ hả chị? Làm sao bây giờ? Làm sao bây giờ? Làm sao bây giờ? - Hằng lặp đi lặp lại như mất trí, một bên má ngoảnh lại nhìn nàng nhòe nhoẹt nước mắt. 
- Hiện giờ có ai ở nhà bên cạnh ông...? 
- Không chị ơi! - Hằng nấc lên. - Chỉ mình em... Ông cấm không cho gọi ba mẹ... Em vẫn cứ gọi, nhưng ba mẹ em không về kịp nữa rồi... 
Nàng suy nghĩ rất nhanh. 
- Hay em cứ để chị lại đây... Ráng tìm đường khác về nhà... kêu xe ôm mà đi... làm sao kịp cho ông nhìn mặt lần cuối...  
- Không! Không! Không! - Cô bé xiết chặt hai tay lái, tì toàn bộ sức nặng cơ thể lên mặt trước xe, gần như gào lên. - Nếu chỉ một người đi thì chính chị phải đi!!! Nếu ông không nằng nặc bảo em đi đón chị thì giờ này em đang ở với ông rồi...  
Nàng biết Hằng có lý. Thế nhưng, chỉ hình dung cô bé còn lại một mình, với chiếc Chaly nhỏ bé trên cây cầu này, nước mắt ràn rụa, bị vây nghẹt giữa hàng ngàn kẻ tuyệt đối xa lạ, không ai quan tâm tới, không ai cần biết đến nỗi đau của cô, không ai nghĩ rằng chí ít không nên chửi bới cô hoặc lườm cô một cách căm giận khi cô vô tình để xe mình cọ quệt làm trầy sơn tróc bửng xe họ; chỉ hình dung như thế, nàng hiểu mình không thể đi được. 
Và đúng thật; họ về đến nơi thì ông cụ đã chết. 
Ngay khi thoát khỏi đám kẹt xe, Hằng lập tức rú ga vượt tất cả các đoạn đường còn lại bằng một tốc độ khủng khiếp đến nỗi mấy lần Thảo phải kêu to lên - tưởng như mỗi lần đều có thể làm quả tim cùng một lúc vọt bắn ra khỏi cửa miệng: "Chậm thôi em! Chậm thôi!!!" Dĩ nhiên, cô bé không nghe thấy nàng. Thế mà, đó không phải tất cả những gì nàng muốn thét lên. Để kịp chứng kiến cái chết của một con người, phải hy sinh sự an toàn cho mạng sống của hai con người khác, điều đó có công bằng không, có quá đắt không? Toàn bộ bản thể nàng muốn thét lên như thế, nhưng nàng im lặng.  
Khi đối diện cánh cửa mở toang vào căn nhà tối tăm như lối vào một hầm mộ, hai chân nàng như tê cứng lại hay vữa ra, tim nàng như ngừng đập một lúc. Không hỏi, cả hai người cảm thấy cái chết đã ở đó.  
Mặc cho Hằng hối hả, tức tưởi, quáng quàng chạy vào trước, với một tiếng thét chói lói "Ông ơi!" tưởng nhói lên thấu trời, nàng ôm đàn đứng sững ngay trước cửa một lúc. Đó là bởi cái chết, vừa mới sượt qua nàng mấy lần liên tiếp trong mấy phút trước, giờ lại đang hiện diện ở đây, một cách toàn triệt, trọn vẹn, hệt như sự sống, cách nàng chỉ vài mét, và dẫu nàng có làm gì, nó vẫn luôn luôn chiếm sẵn một phần sự sống của nàng, và một phần nào đó của chính nàng, chính bản thể nàng, ngay lúc này vẫn đang chết. 
Nhận thức đó, không có gì mới, nhưng bất ngờ và mãnh liệt đến mức trong một khoảnh khắc, nàng không thể nghĩ hay cảm nhận gì nữa. 

IV.
Điều đó chỉ trong một khoảnh khắc. Ngay sau đó, như đạp đổ được một bức tường trước mặt, nàng vùng chạy vào trong nhà, đối diện với kẻ đã chết.
Hằng đang quỳ trước đầu giường người chết. Từ ngoài vào, chỉ thấy lưng cô bé. Không nghe tiếng cô khóc. 
Phía đầu giường bên kia, đối diện nàng, một bà phốp pháp, mặc đồ bộ, mười móng tay đỏ chót đang đứng, một tay chống nạnh, nhìn cô bé với vẻ sưng sỉa. Đó là bà chủ nhà. 
- Đi đâu giờ mới về? - Bà ta nói. - Tôi đâu phải là con ở của mấy cô để ở đây hầu ông già! Họ hàng, con cái chết rấp đâu cả rồi? Cô này là ai? Lại còn đàn với địch! Không muốn vào bệnh viện thì chết thối ngoài bến xe đi cho rồi. Ông già còn nợ hai tháng tiền nhà đó; mấy cô tính sao? 
"Câm đi, đồ rác rưởi!" Cơn phẫn uất trong nàng muốn thét lên như thế, song nàng kìm lại. - Dì ơi, đừng nói gì cả; cháu van dì... Dì về đi. Sự đã lỡ rồi... Nghĩa tử là nghĩa tận. Chúng cháu không để dì bị thiệt đâu... Cháu cầu xin dì... - Nàng định chắp hai tay lại, nhưng một tay nàng vẫn ôm cây đàn; thế là nàng ngoái tìm một chỗ gần nhất trong góc phòng, đặt nó xuống, kê vào tường; lần đầu tiên, phải, lần đầu tiên trong đời nàng tuyệt đối không có ý thức rằng phải đặt cây đàn xuống một cách nhẹ nhàng cẩn trọng như thế nào, để không làm tổn thương cái cơ thể nhạy cảm và mong manh của nó; lần đầu tiên nàng cảm thấy cây đàn thừa thãi, vướng víu và vô dụng như thế; lần đần tiên nàng cảm thấy dễ chịu như thế khi cây đàn rời tay mình. Nàng chắp hai tay lại: - Cháu xin thay mặt người đã khuất xin lỗi dì. Cháu cầu xin dì... hãy cho vong linh ông cụ được thanh thản. 
- Cái cô này, cô tưởng... - bà ta rít qua kẽ răng, đập hai tay vào nhau đánh đét, sấn sổ lại sát rạt trước mặt nàng, sẵn sàng mắng sa sả vào mặt nàng. Song, nhìn đôi mắt đột ngột nhòa lệ của nàng, bà ta như chợt cảm thấy mình đã đi quá đà... liền chững lại, hai khuỷu tay đang khuỳnh ra chầm chậm khép lại. Phân vân một chút, bà ta quay ngoắt đi, te tái ra khỏi nhà. 
Qua khỏi ngưỡng cửa, bà ta ngoảnh lại, xỉa ngón tay vào nàng: 
- Cô nói gì thì nhớ đấy nhé. Tôi hạn cho mấy cô, chậm nhất 12 giờ trưa mai phải đưa ông già ra khỏi đây. 
Khác với Hằng, khi nhìn thấy ở cự ly gần khuôn mặt của người chết, choắt lại, vàng ệch, hình tam giác nhọn hoắt, hai trũng mắt sâu hoắm, như chiếc mặt nạ thê thảm bị đám phường tuồng vứt không thương tiếc ngoài bãi chợ sau một đêm diễn không thành, bỗng dưng nàng bật khóc tức tưởi, gào lên đứt đoạn qua từng tiếng nấc nghẹn: "Ông ơi... Ông... Ông tha lỗi... cho con.." Chưa bao giờ trong đời nàng, kể cả khi cha nàng mất năm nàng mười bốn tuổi, nàng lại khóc người chết một cách ồn ào và ai oán như vậy. Nhưng có lẽ nàng khóc không phải vì ông cụ, mà đúng hơn cho chính mình, sự bất lực của con người trong mọi mưu toan vượt thắng những ngẫu nhiên khôn lường và khốc liệt của định mệnh; sự vô thường của cõi phù thế. Quả vậy, rốt cuộc thì nàng có mặt ở đây để làm gì nếu chỉ để chứng kiến ông cụ đã chết và không một bản đàn nào, không một thứ âm nhạc nào còn cần thiết ở đây nữa. 
Khi nàng đã hơi nguôi, chỉ còn khóc rấm rứt, Hằng lại gần, ôm vai Thảo. Nàng ngẩng lên, cảm thấy một sức mạnh không thể bẻ gẫy trong vòng ôm trìu mến và mềm mại đó. 
- Đừng khóc nữa, chị... Ông em chắc hẳn rất vui lòng... Dù sao đi nữa, chị đã đến... 
Nước mắt trào ra, song cô bé kịp trấn tĩnh, nuốt cục nghẹn nơi cổ họng. 
- Chị chẳng làm được gì cho ông... 
- Chị đừng nói vậy! Chẳng phải chị em mình đã cố hết sức hay sao? 
Cô ngừng một chút. 
- Chị đi rửa mặt đi. Có lu nước ngoài kia... Còn nhiều việc phải làm lắm. 
Trong vòng mấy giây Thảo ngẩn ra nhìn cô, không hiểu hai tiếng "rửa mặt" kia nghĩa là gì, chúng có liên quan gì tới nàng. Thế rồi nàng chợt tỉnh, gật đầu khẽ nói: "ờ..." và đứng lên. 
Khi cúi xuống chiếc lu nhỏ lầm vôi bên chái nhà, nàng thấy một đóa hoa sứ nổi vật vờ trên mặt nước. 
Ngẩng lên, nàng thấy mấy cành hoa sứ từ sân nhà bên cạnh chếch qua hàng rào. Một đóa hoa mọc đầu cành nhìn nàng bằng gương mặt trắng muốt.  
Thật ra, màu trắng của hoa đã chớm ngả sang màu tro vì trời đã tắt nắng. Tuy nhiên, vẻ tươi tắn, rực rỡ của hoa vẫn ngời ngời nguyên vẹn; mùi thơm của hoa, thật mãnh liệt, như thấm tận trong phổi và khiến nàng xốn xang; nàng lại cúi mặt xuống lu nước. 
Một cách vô thức, nàng vớt xác hoa lên, nhìn nó trong lòng bàn tay mình. Tự nhiên trong nàng thoáng ý nghĩ tìm một khoảnh đất nào đó để chôn hoa. Song, quanh nàng chỉ là một vuông sân gạch nhỏ xíu, sứt sẹo lở lói làm lộ ra từng mảng xà bần bên dưới. Ngần ngừ một chút, nàng thận trọng thả nó vào thùng rác trong góc sân, vốn là một cái xô bể.  



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 200

Return to top