Ông xã của mẹ tôi
Đynh Thy Thoa
Ông xã của mẹ tôi
CHA TÔI
Thuở nhỏ, cha tôi nhà rất nghèo, bố mất sớm. Mấy mẹ con sống trong một cái bè trên sông, bằng nghề đánh bắt cá. Tuy nghèo, ông được thiên phú rât thông minh, đĩnh ngộ. Điểm nổi bật ở ông, lòng thương người và yêu thương súc vật. Các con ông, chúng tôi cũng được thừa hưởng ít, nhiều tính chất này. Học hành không nhiều, nhưng thông minh, lại siêng năng cần cù, nên ông rất tháo vát. Không làm nghề sửa xe, mà ông có thể tháo tung chiếc “ếch bà” của ông ra vào như cơm bữa. Xe hơi cũng sửa được. Thậm chí, ông tự xây một cái nhà một tầng lầu cho vợ con ở, vào những ngày, giờ nghỉ việc. Đánh máy như mưa rào, sổ sách kế toán…
Vì công việc, gia đình thường xuyên thay đổi chỗ ở, mỗi chỗ vài năm từ Quảng Trị dài vào trong Nam. Được hòa lẫn nhiều với thiên nhiên, sông Hương Núi Ngự, miền đồng bằng sông Cửu long, biển Qui Nhơn, Vũng Tàu . Chúng tôi được tám anh em, cách nhau hai, ba năm. Gia đình tổng cộng mười, nhưng bây giờ chỉ còn năm Cha mẹ, người anh cả, người em thứ tư và thứ sáu đã ra đi mãi mãi. Anh cả lúc năm hai, cậu tư lúc bốn chục. Dì sáu lúc lên năm, mẹ lúc bảy bốn, cha lúc tám chục.
Những năm cuối đời, cha tôi vẫn rất khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn, nhưng tính khí thay đổi, trở nên nói nhìều và độc tài, chứ không trầm tĩnh, hiền hòa như trước. Miệt mài lao động vẫn không giảm sút. Những công việc chuyên môn lúc còn trẻ, cộng tác với cộng đồng xã hội, không còn phù hợp với tuổi tác nữa, mà chỉ còn làm những việc thu vén trong gia đình, chăm sóc cái thổ cư. Thổ cư có lẫn nhà, khoảng gần một công đất, đằng sau có một con suối chạy qua, trồng trọt, chăn nuôi nho nhỏ.
Ông nuôi gà, đàn gà sinh sôi nẩy nở, nhưng chẳng dám ăn con nào vì … thương. Đám chuột lang trắng, nâu, vàng chạy tung tăng trong vườn. Chăn nuôi nhưng chẳng được ăn con gì.
Có lần cô em mua một cái trứng vịt lộn về ăn, chưa kịp ăn, trứng nở ra con vịt, cô mang sang cho ông nuôi. Con vịt cũng lớn, ông đi đâu nó theo sau. Vịt ăn, ngủ rất đúng giờ, nhà sẵn ao, vịt ta bơi lội thỏa thích. Đúng 12 giờ trưa, lên lạch bạch vào nhà nghỉ ngơi. Ai đến nhà, nó chạy đến cắn mổ vào chân.
Ông rất quí con vịt, ngồi làm việc chẻ tre, đan lưới… vừa làm, vừa ngắm nghía … vịt. Một mình một ao, vịt tung tăng bay nhảy, nên màu sắc của nó sặc sỡ, đặc biệt hơn những con vịt được bán ngoài chợ. Màu đen tuyền trên đầu biêng biếc xanh e, nó đã trở thành một con vịt trời. Ai đến nhà cũng phải giật mình, vì dưới chân bị con gì mổ mổ, nhìn xuống là con vịt, nó cạp vào chân kéo ra rất tích cực, dữ dằn, mắt long lên sòng sọc. Cứ thấy vịt ta ở dưới ao đi lên, là biết đúng trưa hoặc 6 giờ chiều.
Thế mà kẻ trộm, có lẽ mấy tay ăn nhậu cũng rình bắt mất. Ông buồn bã đi tìm suốt mấy ngày, nhưng nào có thấy. Ông viết một tấm bảng rao mất vịt, ai tìm thấy xin chuộc, cắm ngay trước cửa nhà, ai qua lại cũng chỉ trỏ. Có đứa trẻ nói nhìn thấy vịt, ông vội vàng đưa tiền trước nhưng vịt không thấy tiền cũng mất. Còn đâu nữa, bị… chén rồi. Ông ngẩn ngơ…
Bên cạnh nhà có con suối chảy ngang, ông có nghề bắt cá từ nhỏ, giăng một cái lưới ngang suối, không con cá nào thoát, mùa mưa nước lớn, bắt được cả gánh cá mỗi lần cá đi, khi thì toàn cá lóc, khi thì cá trê… tha hồ ăn, còn mang chợ bán. Thuở ấy, người ở thưa thớt, về sau, ngay từ đầu nguồn đã bị bắt sạch.
Cuộc sống càng khó khăn, tính khí ông cũng thay đổi theo nên cũng… mệt cho mẹ và các con. Còn trẻ, làm việc chuyên môn quen tay, việc càng ngày càng sắc sảo. Lương công chức đều đều nâng bậc, cuộc sống nhẹ nhàng, êm đềm.
Về già, không làm chuyên môn, bắt cá, trồng trọt chăn nuôi. Cá không còn để bắt, ông nghĩ cách nuôi, nuôi mãi không thành công. Ông đi bán thuốc gia truyền , nghề kinh doanh buôn bán đâu có thạo. Thuốc mang đi bao nhiêu cũng hết, nhưng tiền chẳng thu được, vì thương, bán uống trước lấy tiền sau, khỏi bệnh, không có tiền trả, ông… cho luôn.
Có lần nghe bà bán quần áo cũ mời chào, ông mua hết hàng của bà, mang về, giăng tới, giăng lui đầy nhà. Sau cùng … mang cho.
Khỏe mạnh lại siêng năng, bản tính cố hữu nên ông không chịu ngồi yên, nghĩ làm công việc này, công việc nọ… càng làm thì mẹ con … càng mệt. Con cái đã lớn, ông bà có tuổi, ăn uống chẳng hao tốn bao nhiêu, các con phụ giúp ông không phải bôn ba vất vả gì. Nhưng “Ngài” không thể ngồi yên, làm cả nhà cũng … không yên theo ông. Mấy mẹ con chỉ mong mỏi, cầu nguyện xin ông đừng làm gì cả. Chỉ cần ông hướng về “Cha trên trời” dọn mình sốt sắng “phòng khi Cha gọi” ông cũng đã cao niên rồi. Một việc cần thiết cho tất cả mọi người.
Ngày mẹ mất, ông về Sài Gòn sống với tôi, con gái lớn. Anh cả đã mất, những người con khác ông không hợp bằng. Ông “yên ắng” được một thời gian nửa năm, lại “sôi” lên “làm ăn”, bay về Phương Lâm, bay ra Vũng Tàu, nơi người em trai kế ở.
Tôi luôn luôn cầu nguyện, xin ơn trên ban cho ông được bình an trên đường đi, tuổi gần tám mươi, dọc đường, dọc xá, làm sao biết được. Lời cầu nguyện được chấp nhận, ông bình an trên những lần bay đi, bay về. Sau bốn năm, tôi được tin, cô em báo ông bị ngã, có lẽ không qua được. Lúc đầu, còn nói trọ trẹ. Sau đó từ từ hôn mê. Được một đêm, một ngày.
Ông qua đời, được lãnh tương đối đầy đủ các bí tích cuối cùng. Trước linh cữu ông, tôi lâm râm khấn ông xin phép “Cha” cho tôi biết “tin tức” của ông.
Về lại Sài Gòn một, vài ngày sau. Qua một đêm ngủ ngon giấc . Khoảng 4, 5 giờ sáng. Tôi tỉnh dậy, chợp mắt ngủ lại. Trong giấc ngủ chập chờn. Tôi thấy ông bước vào, y phục thường ngày ông vẫn mặc đi lễ, áo sơ mi trắng, quần tây đen”đóng thùng” lịch sự. Đầu đội mũ tây, ông hay đội, tay phải cầm dù, mở cửa bước vào, tay trái dở mũ. Mặt từ từ ngước mắt nhìn lên. Một nét mặt chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Chỉ một thoáng 2 giây, hình ảnh biến mất, nhưng những chi tiết rất rõ ràng.
Trưa hôm sau, trong giấc ngủ trưa, văng vẳng bên tai, tiếng nói của mẹ “dọn dẹp nhà cửa đọc kinh cho thầy”. Tôi gọi bố tôi là thầy, một tiếng xưng hô của người Bắc. Giọng nói rất rõ ràng.
Lúc còn sống bản tính ông sôi sục như thế, hẳn khi mất đi không ít thiếu sót, lầm lỗi, cần phải được xin Cha tha thứ, điều mà ít ai tránh khỏi.
Lần kế tiếp, tôi và người bạn đêm đang ngủ đều nhận thấy có người gõ ngón tay vào chân mình cùng một lúc. Những ngày này tôi có linh cảm ông luôn luôn ở bên cạnh tôi. Những sự trùng hợp kỳ lạ, nhiều lần, bước ra cửa đã có người chờ sẵn, tìm tôi trong những công việc thường ngày. Họ chưa kịp gọi, hoặc chuông bị mất điện. Ông tạo ra những cái vấp chân, hoặc những vết thương nho nhỏ trên tay, chân, nhắc nhở tôi đừng để lỗi đạo với Cha trên trời.
Chị bạn thân, chị cùng ở chung, thường ngày đi làm về khoảng 19 giờ.
Một buổi chiều, tôi đang ngồi trước máy vi tính. Lúc 16 giờ có tiếng bước chân chị về. Trong nhà, mỗi người có một nét đặc trưng riêng trong bước chân đi, không cần nhìn, cũng biết ai về. Con dâu bước chân nặng, chậm. Con trai bước chân đều đều, chị chủ nhà bước chân nhẹ, nhanh, lẫn với tiếng tằng hắng nhẹ, chào, gọi người trong nhà.
Chị về, nhưng tôi vẫn mải miết với màn hình vi tính, chỉ ngước nhìn đồng hồ lẩm bẩm “sao hôm nay chị về sớm quá mới 16 giờ”. Tiếng chân đi lên, đi xuống cầu thang hai, ba lần, cộng tiếng tằng hắng lần sau chót, từ trên lầu chạy xuống ngang phòng tôi, xuống cầu thang đi ra ngoài. Tôi nghĩ bụng “lại đi đâu nữa” .
Đúng 17 giờ tôi lên phòng trên lầu sửa soạn đi lễ, ghé qua phòng chị, mọi đồ đạc không hề xê dịch, êm ắng. “ủa, chị về rồi mà”. Tôi thầm nghĩ “lạ thật”. Suy nghĩ. Chưa bao giờ chị về nhà lại đi như vậy, vậy tiếng ai đi lên, đi xuống mấy lần từ nẫy, cách đây một giờ. Tôi hỏi con dâu có khách đến lúc 16g không? Con dâu đáp “dạ không” .
Trên đường đi lễ, tôi băn khoăn không hiểu có chuyện gì, nóng lòng chờ 19g chị về để hỏi. Trong bụng nghĩ dại “hay chị có chuyện gì về báo tin”. 19 giờ chị chủ nhà về, xác định bây giờ mới về, 16g không biết gì hết.
Thì ra ông được phép Cha cho về đánh động tôi. Nhìn lên đồng hồ để xác nhận giờ, và tiếng chân đó và tiếng tằng hắng không ai khác là của ông, tiếng chân thật rõ ràng, tiếng ho thật rõ ràng, động tác nhìn đồng hồ thật rõ ràng. Tuy nhiên có một cái gì chôn chân tại chỗ, không cho tôi đứng chạy ra nhìn, ngồi bất động cảm nhận…
Vả lại, lúc sinh tiền ông cũng rất quý chị bạn của tôi. Qua những “nhắc nhở” ấy tôi mau mắn” lãnh bí tích “hòa giải” để cầu nguyện cho ông.
Trước khi dâng lễ cầu nguyện, phải thanh tẩy tâm hồn, sám hối, dốc lòng chừa những tính hư, tật xấu dù nhỏ nhất, vì Cha là đấng cực thanh, cực sạch. Của lễ dâng lên với tấm lòng ô uế ngài không nhận.
Em gái, trai , anh trai, mẹ, cha… đã ra đi… khiến tôi không còn “cột chặt” với thế gian như trước nữa. Thật mỏng manh, ngắn ngủi, một kiếp người. Bố nói ông sẽ đi vào tuổi 80, một cách nhanh chóng, có lẽ cha nhân từ nhận lời theo ước nguyện của ông. Còn người em gái ra đi chỉ mới bốn, năm tuổi.
Vào một ngày tháng 11,, tháng của các linh hồn. Tôi được tặng một cuốn sách về luyện ngục, nơi thanh tẩy những người đã ra đi, nói về những cơ cực các linh hồn phải chịu, các linh hồn được cha cho phép về để xin trợ giúp.
Cuốn sách đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi tích cực tìm hiểu thêm những sách nổi tiếng khác, cũng nói về thế giới sau của nước ngoài được dịch ra. Cụ thể là bà Maria Simma nổi tiếng ở Châu Âu, được Cha cho có khả năng tiếp xúc với các linh hồn, hiện nay còn sống. Cuốn sách cho tôi hiểu hết, những thắc mắc trong tôi suốt cả cuộc đời.
Ôi! Có những việc ở ngay trước mắt, nhưng không biết chỉ vì vô tâm… Cha trên trời cũng khao khát, cứu các linh hồn như chính các linh hồn. Ngài kêu gọi… khẩn thiết.
Nói về những cơ hội, của những người còn sống được có, để cứu các linh hồn, mà bây giờ họ không còn cơ hội lập công, thế là tôi lại càng ráo riết: Dâng lễ Misa, lần tràng hạt Mân côi, lòng thương xót Chúa… thêm chay tịnh, hãm mình đền tội, cầu cho bản thân mình, cho người thân, cho toàn thể mọi người, vô tín, mọi linh hồn… cho hòa bình…
Luôn giữ mình, không để tính hư, tật xấu theo bám bằng cách kêu xin sự trợ giúp của Cha, qua lời chuyển cầu của mẹ Maria và các Thánh.
Bản thân xác thịt yếu đuối, cộng thêm sự thúc đẩy của Bóng Tối, nên không thể tự mình làm được điều gì. Tội lỗi kéo ta ra xa cha nên những giờ cầu nguyện việc trước tiên là phải sám hối. Luôn luôn tỉnh thức và cảnh giác, kẻ thù lúc nào cũng rình rập, sẵn sàng bằng mọi âm mưu xảo quyệt. Nếu có sự chiến đấu, thì phần thắng luôn thuộc về mình.
Chay tịnh, cầu nguyện làm cho linh hồn tôi được sáng sủa, của lễ dâng lên cha được tinh tuyền. Không thể đến với cha với một tâm hồn kiêu căng, ích kỷ, ghen ghét, của lễ ấy cha không nhận.
Trong thời gian này, sau mỗi lần khấn, xin biết về tình trạng của bố tôi: một lần thấy ông trong một căn phòng, mặc chỉ một cái quần đùi, ngồi trước một bức tường trắng. Sau này, tôi được xem một cuốn sách, nói y như điều tôi đã thấy, của những người đã qua đời, phải trải qua trước một bức tường trắng, cho thấy những gì đã làm, trong lúc còn sống, và tôi lại được cho thấy lỗi ông đã phạm. Ông nói “ở đây buồn lắm” rõ mồn một. Những lấn ấy rất giống nhau, chỉ vài giây, rất rõ ràng chi tiết.
Bẵng đi mấy tháng, tôi cố gắng tập trung, hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, dâng của lễ lên cha. Qua sách Thánh, qua chiêm nghiệm, tôi cảm thấy cha sẽ nhận lời, vì sự kêu xin khẩn thiết của tôi, tôi tin vào lòng nhân từ, thấu hiểu của cha. Một sự an bình, thanh thản, tràn ngập tâm hồn. Vào một buổi trưa, giờ nguyện kinh, tôi xin cha cho biết tình trạng của bố. Tuy hỏi, nhưng tôi vẫn an tâm, là ông đã được cha nhận lời, đã được hưởng phúc đời đời.
Sau giờ nguyện kinh, về nhà, trong giấc ngủ trưa. Tôi thấy đang đứng trước cánh đồng tối mênh mông, xa xa là biển lửa.
Bố tôi là một bóng mờ đen, tóc tai rũ rượi, chập choạng tiến về phía tôi. Chỉ thoàng vài giây, tôi bừng mắt ra giật mình hốt hoảng kêu: “như vậy là bố vẫn còn chịu tội, không như con nghĩ, con phải làm gì đây. Con xin chịu tất cả để đền tội cho bố”.
Tôi bình tĩnh, nhắm mắt hồi tưởng lại từng chi tiết được thấy trong giấc mơ: Bố tôi chập choạng tiến về phía tôi, đứng đối diện trong bóng tối, với biển lửa ở chân trời. Cách khoảng vài thước, tôi như một cục nam châm, hút một cục sắt là ông. Ông bị hút, chập mạnh vào tôi, đồng thời những tia lửa tung tóe văng ra, xung quanh ông như những tia chớp, cùng lúc, tôi choàng tỉnh. Như thế là kết quả không phải như trên. Không dám kết luận, chỉ ghi nhận.
Ít hôm sau, vẫn miệt mài trong cầu nguyện. Ngước mắt nhìn lên cha, tôi than thở: con chỉ biết cầu nguyện, cầu nguyện… và cầu nguyện. Ngoài ra không biết gì hơn.
Đáp lời than thở ấy. Cũng sau giờ nguyện, về nhà, trong giấc ngủ trưa tôi thấy: mình đang ngồi trong nhà, nhìn ra cửa. Mẹ tôi, trẻ đẹp chỉ hơn ba mươi, y phục áo dài trắng. Bố tôi cũng trẻ đẹp lớn hơn mẹ một chút khoảng dưới bốn mươi, y phục ông vẫn mặc vào tuổi ấy, đi cùng ba nữ tu bước vào nhà. Ông nói: “vào thăm con đi”. Cùng lúc đó, có một dây giăng ngang trong nhà bị cháy: ông bảo:” con dập tắt đi”, tôi dùng nước dập tắt lửa. Tới đó kết thúc, cũng chỉ vài giây.
Việc cầu nguyện của tôi đã có kết quả. Cha mẹ đã được gặp nhau. Tôi đã dập tắt được lửa cho bố.
Tất cả những giấc mơ trên, dù buổi trưa, hoặc tối, đều xảy ra sau khi đã tròn giấc ngủ, một giấc ngủ rất ngon, sâu. Nếu đầu giấc ngủ, ta sẽ không thể ngủ được cả đêm, cả buổi trưa, cha nhân từ không muốn như vậy. Chỉ vài giây, rất chi tiết, rất rõ ràng, để phân biệt với những giấc mơ khác, dài dòng, lộn xộn, mơ hồ…
Nét mặt ông bà tràn ngập sự bình an, hạnh phúc của cuộc sống vĩnh cửu
Ngày 15 tháng 12 năm 2010
M. Đinh Thị Thoa