Nàng vẫn đợi bên bàn thực khách như thường lệ dù hôm nay là ngày sinh nhật thứ hai mươi của nàng. Nàng luôn làm việc vào ngày thứ sáu nhưng nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch thì vào thứ sáu này nàng sẽ được nghỉ. Cô gái làm bán thời gian kia đã đồng ý đổi ca cho nàng như chuyện đương nhiên. Bởi, thật là không bình thường khi vào đúng ngày sinh nhật thứ hai mươi của mình mà phải bưng bê cho khách món gnocchi bí ngô và món fritto hải sản, lại còn phải nghe tiếng quát tháo của người đầu bếp. Nhưng cô kia bị cảm lạnh nặng phải nằm nhà, bị tiêu chảy liên tục và sốt cao, thế là rốt cuộc cô ta nghỉ làm sau lời thông báo ngắn ngủi.
Nàng cố gắng làm an lòng cô gái kia khi cô ta gọi điện xin lỗi. “Đừng lo”, nàng nói. “Mình cũng chẳng có dự tính làm gì đặc biệt đâu, dù hôm nay là ngày sinh nhật thứ hai mươi của mình”.
Mà thật, cũng chẳng phải nàng thất vọng gì lắm. Lý do là cách đây mấy ngày, nàng mới cãi nhau một trận kịch liệt với bạn trai khi anh ta yêu cầu qua đêm với nàng. Họ đã cặp với nhau từ hồi cấp ba và thường cãi nhau vì những chuyện nhỏ nhặt. Nhưng chuyện đó càng ngày càng tệ hại hơn cho đến khi trở thành một cuộc đấu khẩu kịch liệt kéo dài, kịch liệt đến nỗi khiến nàng đủ quyết tâm cắt đứt mối quan hệ dài lâu của hai người mãi mãi. Có điều gì trong nàng đã đông cứng, đã chết. Từ sau biến cố đó, chàng chẳng gọi điện cho nàng và nàng cũng chẳng muốn gọi điện cho chàng.
Nàng làm việc ở một trong chuỗi những nhà hàng Ý khá nổi tiếng ở quận Roppongi sang trọng ở Tokyo. Chỗ này đã bắt đầu kinh doanh từ cuối những năm sáu mươi. Mặc dù món ăn không phải là số một nhưng danh tiếng của nhà hàng luôn được bảo toàn. Có rất nhiều khách hàng đến thường xuyên và họ không bao giờ phải thất vọng. Phòng ăn có một bầu không khí êm ả và thanh thản, không chút phô trương. Nhà hàng thu hút những khách hàng già cả hơn là đám trẻ, trong đó có một số người nổi tiếng thuộc giới sân khấu và các nhà văn.
Nhà hàng có hai người phục vụ làm sáu ngày một tuần. Nàng và một nữ phục vụ bán thời gian là sinh viên thay nhau làm mỗi người ba ca. Thêm vào đó có một người quản lý dưới nhà và tại bàn tiếp tân có một người phụ nữ trung niên ốm nhom ốm nhách như có mặt ở đó từ khi nhà hàng bắt đầu khai trương - đúng nghĩa là chỉ ngồi ở một chỗ như một nhân vật u buồn già nua của Little Dorrit vậy. Chính xác là bà ta chỉ làm hai nhiệm vụ: thanh toán tiền ăn của khách và trả lời điện thoại. Bà ta chỉ nói khi nào cần thiết và luôn mặc bộ váy đen. Bà ta có một vẻ gì khô cứng và lạnh lùng. Nếu bạn để bà ta rơi vào biển đêm, bà ta chắc chắn sẽ chìm và một cái thuyền nào đó sẽ đụng phải bà ta.
Người quản lý dưới nhà có lẽ gần năm mươi. Ông ta cao, vai rộng. Hình thể của ông khiến ta có thể đoán rằng thời trai trẻ ông là người đam mê thể thao. Nhưng giờ đây những mảng thịt núc ních đã bắt đầu tích tụ lại ở bụng và trên cằm ông. Tóc ông ngắn, cứng lưa thưa trên đỉnh đầu. Một cái mùi đặc trưng của một người già chưa vợ luôn quấn lấy ông như một tờ báo in bị cất trong ngăn kéo lâu ngày với vài viên thuốc ho vậy. Nàng có một ông chú độc thân có mùi y như thế.
Người quản lý luôn mặc bộ com lê đen, áo sơ mi trắng và thắt cravát không kẹp ghim. Thực ra thì ông tự tay mình thắt cravát. Một điều đáng nể là ông có thể thắt cravat rất chỉnh tề mà không phải soi gương. Công việc của ông là kiểm kê khách đến và khách đi, ghi nhớ những chỗ khách đã đặt trước, biết tên những khách hàng quen thuộc, mỉm cười chào họ, kính cẩn lắng nghe những lời than phiền của khách, khuyên thực khách nên dùng loại rượu nào một cách chuyên nghiệp, và xem xét công việc của những nam nữ phục vụ. Ông làm công việc của mình một cách khéo léo ngày này qua tháng khác. Ngoài ra ông còn có nhiệm vụ mang bữa tối lên phòng của chủ nhà hàng.
“Phòng ông chủ ở tầng sáu trên nhà hàng này”, nàng nói. “Một căn hộ, văn phòng hay cái gì đại loại vậy”.
Chẳng biết sao tôi và nàng lại quên đi dịp sinh nhật lần thứ hai mươi của mình. Một ngày đều xảy đến với mỗi người chúng ta. Hầu hết mọi người đều nhớ ngày họ bắt đầu hai mươi tuổi. Sinh nhật lần thứ hai mươi của nàng đã qua hơn mười năm trước.
“Tuy thế, chẳng bao giờ thấy mặt ông chủ ở nhà hàng. Chỉ duy có người quản lý thấy được mà thôi bởi vì công việc ông quản lý là mang cơm tối đến phòng ông chủ mà. Còn lại các nhân viên khác thì chẳng biết mặt mũi ông chủ ra sao cả”.
“Vậy, căn bản là ông chủ ở nhà nhận cơm của chính nhà hàng của mình ư?”
“Đúng thế đấy”, nàng nói. “Người quản lý phải mang bữa tối lên phòng ông chủ vào tám giờ mỗi tối. Đó là thời gian nhà hàng tất bật nhất, vì thế mà việc người quản lý đi vắng vào đúng lúc đó luôn là vấn đề với chúng tôi, nhưng chẳng còn cách nào khác vì bắt buộc phải vậy. Người ta đặt bữa tối vào một trong những cái xe đẩy của khách sạn dùng cho việc phục vụ phòng, rồi người quản lý, với vẻ kính cẩn, đẩy xe vào thang máy. Khoảng mười lăm phút sau, ông trở về tay không. Sau đó một tiếng, người quản lý lại trở lên và mang xuống chiếc xe đẩy với những chiếc đĩa và cốc chén không. Mỗi ngày, ông làm việc đó đúng răm rắp như đồng hồ vậy. Em nghĩ đây là điều kỳ quặc mà mình mới thấy lần đầu. Anh biết đấy. Nó giống như một loại lễ nghi tôn giáo vậy. Sau một thời gian, dù đã quen với điều đó, em vẫn nghĩ y như thế”.
Người chủ dùng món gà đều đặn mỗi ngày. Chỉ có cách nấu nướng và món rau là khác đôi chút. Nhưng phần chính vẫn luôn là gà. Một người đầu bếp trẻ tuổi có lần bảo nàng rằng anh ta đã thử nấu tù tì món gà nướng suốt một tuần liền chỉ để xem thử có chuyện gì xảy ra không nhưng chẳng nghe thấy một lời phàn nàn nào cả. Dĩ nhiên là đầu bếp luôn thử đủ cách nấu nướng khác nhau. Và mỗi người đầu bếp mới đều muốn tự thử thách mình bằng cách chế biến đủ kiểu nấu gà mà anh ta có thể nghĩ ra. Họ làm món nước xốt tinh tế hơn, thử lấy gà từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau. Nhưng không nỗ lực nào có hiệu quả. Như thể họ chỉ thảy những viên đá vào cái hang rỗng. Lần lượt mỗi người trong bọn họ dần bỏ cuộc và lại nấu phục vụ ông chủ món gà tiêu chuẩn cho mỗi ngày. Đó là tất cả những gì họ có thể nói”.
Công việc vẫn bắt đầu như thường lệ vào ngày mười bảy tháng mười một - ngày sinh nhật lần thứ hai mươi của nàng. Trời đổ mưa rải rác từ chiều, đến chập tối thì mưa như trút nước. Vào lúc năm giờ, người quản lý tập trung nhân viên lại để giải thích những công việc đặc biệt cho ngày hôm nay. Các phục vụ viên bắt buộc phải học thuộc lòng từng chữ mà không được dùng giấy để ghi nhớ: thịt bê vùng Milan, mì ống với cá mòi và cải bắp, kem hạt dẻ. Đôi khi người quản lý đến từng bàn để hỏi xem thực khách thấy thế nào. Sau đó đến bữa ăn của các nhân viên: ấy là để các nhân viên phục vụ khỏi than phiền đói bụng khi cứ phải đứng đó mà phục vụ thực khách.
Nhà hàng mở cửa lúc sáu giờ, nhưng vì mưa lớn nên khách đến chậm. Nhiều suất đặt trước bị hủy bỏ. Lý do đơn giản là vì quý bà không muốn mưa làm bẩn váy áo chẳng hạn. Người quản lý mím môi đi qua đi lại, các nhân viên phục vụ giết thời gian bằng cách lau chùi những hộp muối, hộp tiêu hay tán gẫu với mấy tay đầu bếp về việc nấu nướng. Nàng vừa phục vụ một cặp thực khách đang ngồi ở bàn trong phòng ăn vừa lắng nghe tiếng đàn clavico phát ra dè dặt từ cái loa trên trần nhà. Một làn hương nồng của cơn mưa cuối thu lan tỏa vào trong nhà hàng.
Khi người quản lý bắt đầu cảm thấy mệt là vào lúc hơn bảy giờ rưỡi. Ông loạng choạng đi về chiếc ghế và ngồi đó một lúc lâu, ôm chặt lấy bụng như thể vừa bị bắn một phát đạn. Mồ hôi trơn nhẫy dính chặt vào trán. Và ông lảm nhảm: “Chắc tôi phải đến bệnh viện thôi”. Đối với ông, việc sức khỏe không ổn là sự kiện bất thường nhất. Hơn mười năm nay, từ ngày ông bắt đầu làm việc tại nhà hàng này, chưa một lần ông vắng mặt. Đó là một điểm đáng nể khác nữa. Ông chưa từng nghỉ làm vì bị thương hay bệnh tật gì, nhưng sự nhăn nhó đau đớn của ông cho thấy rõ ràng là ông đang lâm vào một tình cảnh vô cùng tệ hại.
Nàng cầm ô bước ra ngoài gọi tắc xi. Một nam phục vụ bình tĩnh dìu người quản lý ra ngoài, leo lên xe tắc xi và đưa ông đến một bệnh viện gần đó. Trước khi cúi mình chui vào tắc xi, người quản lý nói với nàng bằng một giọng khàn khàn: “Tôi muốn cô mang bữa tối lên phòng 604 vào lúc tám giờ. Cô chỉ cần làm mỗi một việc là ấn chuông và nói “bữa ăn của ông đây ạ” rồi quay gót”.
“Phòng 604, đúng không?”, nàng nói.
“Lúc tám giờ”, ông ta lặp lại. “Nhớ đúng giờ đấy nhé”. Mặt mũi lại nhăn nhó, người quản lý bước lên xe và chiếc xe đưa ông đi mất hút.
Chẳng có dấu hiệu gì cho thấy mưa sẽ tạnh sau khi người quản lý đi khỏi và thực khách đến thưa thớt. Chỉ có một hai bàn là có khách ngồi riêng biệt mà thôi. Vì thế nếu người quản lý và một nhân viên phải vắng mặt vào lúc này thì cũng không thành vấn đề. Chứ như mọi khi thì mọi chuyện sẽ rối tinh rối mù đến mức nếu tất cả nhân viên có chút thời gian rảnh đủ để pho to một tờ giấy thì đúng là chuyện lạ.
Khi bữa tối dành cho ông chủ sẵn sàng vào lúc tám giờ, nàng đẩy xe kéo vào trong thang máy lên tầng sáu. Đây là bữa ăn tiêu chuẩn dành cho ông ta: một nửa chai rượu vang đỏ đã mở nút, một bình cà phê nóng, phần gà với rau hấp, bánh mì và bơ. Mùi hương ngào ngạt của món gà nấu chín nhanh chóng lan tỏa khắp buồng thang máy nhỏ bé, lẫn với mùi mưa. Những giọt mưa rải rác trên sàn thang máy chứng tỏ có ai đó vừa bước vào đây với cây dù ướt.
Nàng đẩy xe ra hành lang. Dừng trước cửa phòng 604, nàng nhớ lại thêm một lần nữa: đúng là phòng 604. Đúng phòng này rồi. Nàng hắng giọng rồi nhấn chuông cửa.
Không có tiếng trả lời. Nàng đứng đó ít nhất là khoảng hai mươi giây. Và ngay khi nàng nghĩ mình cần phải ấn chuông thêm một lần nữa thì cửa bật mở vào trong, và một ông già ốm nhom xuất hiện. Ông ta thấp hơn nàng khoảng trên dưới mười phân. Ông ta mặc vét đen và thắt cà vạt. Tương phản với cái áo sơ mi trắng, chiếc cravát màu nâu vàng nổi bật hẳn lên như chiếc lá vàng khô. Người chủ cho nàng một ấn tượng rất sạch sẽ. Quần áo ông ta được là phẳng phiu hoàn hảo, mái tóc bạc chải mượt. Ông ta trông như thể sắp đi ngoài trời đêm để đến dự một cuộc tụ tập nào đó. Những nếp nhăn gấp khúc trên trán ông ta khiến nàng nghĩ đến những hẻm núi sâu trong một bức không ảnh 1.
“Bữa tối của ông đây ạ”, nàng nói bằng giọng khàn khàn và lại yên lặng đằng hắng. Nàng thường bị khàn giọng mỗi khi có chuyện gì căng thẳng.
“Bữa tối ư?”
“Vâng, thưa ông. Người quản lý bệnh đột ngột nên tôi phải làm thay ông ta ngày hôm nay. Đây là bữa tối của ông”.
“A, tôi hiểu rồi”. Người chủ già đáp lời như thể ông đang độc thoại với chính mình, tay vẫn đặt trên nắm xoay cửa. “Bệnh ư? Cô không đùa đấy chứ?”
“Ông quản lý đột nhiên bị đau dạ dày. Và ông ta đã đến bệnh viện. Oâng ta nghĩ mình bị đau ruột thừa”.
“Ồ, thật tệ quá”, người chủ già nói, đưa những ngón tay vuốt các nếp nhăn trên trán. “Thật là quá tệ”.
Nàng lại hắng giọng một lần nữa.
“Tôi mang bữa ăn vào phòng ông nhé”, nàng nói.
“À, vâng, dĩ nhiên rồi”.
Người chủ già đáp.
“Vâng, dĩ nhiên rồi, nếu đó là điều cô muốn. Thật tốt cho tôi”.
Nếu mình muốn ư? Nàng nghĩ thầm. Cách nói lạ lùng thật đấy. Mình phải muốn một điều gì ư?
Người đàn ông già mở cửa nhường lối, nàng đẩy xe vào trong. Sàn nhà được trải thảm màu xanh nhạt, không có lấy một chỗ để tháo giày. Căn phòng đầu tiên là một văn phòng lớn, như thể căn hộ này là chỗ làm việc hơn là một chốn ẩn cư. Cửa sổ căn phòng nhìn ra tháp Tokyo gần đó. Bộ khung thép của cái tháp hiện rõ trong ánh đèn. Một cái bàn làm việc lớn kê cạnh cửa sổ, cạnh đó là hai trường kỷ nằm đối mặt nhau. Người chủ chỉ cái bàn cà phê nhựa mỏng trước trường kỷ. Nàng đặt bữa ăn của ông ta lên bàn: chiếc khăn ăn màu trắng và đồ ăn bằng bạc, bình cà phê và chén, rượu và cốc rượu, bánh mì và bơ, đĩa gà nấu với rau hấp.
“Ông có thể vui lòng đặt mấy cái dĩa ra hành lang như thường lệ được không? Tôi sẽ quay lại lấy sau một tiếng nữa”.
Lời nói của nàng dường như làm người chủ từ bỏ một dự tính đáng khen khi ăn tối. “Ồ, vâng, dĩ nhiên rồi. Tôi sẽ đặt ra hành lang. Trên xe đẩy. Trong vòng một tiếng nữa. Nếu như cô muốn”.
Vâng, trong thâm tâm mình, lúc ấy nàng đáp lại như thế. Chính xác như điều tôi mong muốn. “Tôi còn có thể làm gì cho ông nữa không?”
“Không, không cần đâu”. Ông ta đáp sau một thoáng cân nhắc. Ông ta mang một đôi giày đen được đánh đến láng bóng. Đôi giày nhỏ và lịch thiệp. Ông ta là một người bảnh tỏn hợp thời trang, nàng nghĩ. Và ông ta trông rất hợp với tuổi tác.
“Vậy thì, thưa ông, tôi phải quay lại làm việc đây”.
“Không, đợi chút đã”, ông ta nói.
“Gì vậy, thưa ông?”
“Cô có thể dành cho tôi khoảng năm phút được không, thưa cô? Tôi có vài điều muốn nói với cô”.
Lời đề nghị của ông ta quá lịch sự đến mức làm nàng đỏ mặt. “Dạ, tôi nghĩ là được thôi ạ”, nàng nói. “Ý của tôi là nếu chỉ khoảng năm phút thì được ạ”. Nói gì thì nói, ông ta là chủ của nàng. Ông ta trả tiền làm theo giờ cho nàng mà. Đó đâu phải là câu hỏi cầu xin nàng hay lấy mất thời gian của nàng đâu. Với lại ông già này trông không có vẻ gì là sẽ làm hại nàng.
“Này, cô bao nhiêu tuổi?”, người chủ già hỏi. Ông ta khoanh tay đứng cạnh bàn, nhìn thẳng vào mắt nàng.
“Bây giờ tôi hai mươi tuổi”.
“Bây giờ là hai mươi tuổi à?”, ông ta lặp lại và nheo mắt như thể đang nhìn qua một cái khe nào đó. “Bây giờ là hai mươi tuổi à? Khi nào vậy?”
“À, tôi vừa mới hai mươi tuổi”, nàng nói. Sau một thoáng ngập ngừng, nàng nói thêm: “Hôm nay là sinh nhật tôi, thưa ông”.
“Tôi hiểu”, ông ta nói và xoa cằm như thể việc này có thể giải thích rất nhiều điều.
“Hôm nay phải không? Hôm nay là sinh nhật lần thứ hai mươi của cô à?”
Nàng im lặng gật đầu.
“Vậy là đời cô trên mặt đất này bắt đầu khởi sự đúng hai mươi năm về trước.”
“Vâng thưa ông”, nàng nói.
“Đúng như vậy đấy ạ”.
“Tôi hiểu, tôi hiểu”, ông ta nói. “Tuyệt quá. Vậy thì chúc mừng sinh nhật cô”
“Xin cám ơn ông nhiều”,
nàng nói. Và nàng cảm thấy vui vì lần đầu tiên trong ngày có người chúc mừng sinh nhật nàng. Dĩ nhiên nếu cha mẹ nàng đang sống ở Ota thì đã gọi điện cho nàng, và khi trở về nhà sau giờ làm việc nàng sẽ thấy một lời nhắn chúc mừng sinh nhật trong máy điện thoại để bàn.
“A, đây chắc hẳn là một cái cớ để tiệc tùng kỷ niệm đây”, ông ta nói.
“Chúng ta nâng cốc chúc mừng đi thôi. Chúng ta có thể uống chai rượu vang đỏ này”.
“Cám ơn ông. Nhưng tôi không thể. Tôi đang làm việc mà”.
“Ồ, làm một cốc nhỏ thì có hại gì đâu mà. Chẳng có ai phàn nàn cô nếu tôi nói rằng mọi chuyện đều ổn. Chỉ là một cốc kỷ niệm cho dịp này thôi mà”.
Người chủ già trượt cái nút chai ra, rót một ít rượu vào cốc của ông ta rồi mời nàng. Đoạn ông lấy một cái cốc rượu thường trong cái tủ kính và rót cho mình.
“Chúc mừng sinh nhật cô”,
ông ta nói.
“Chúc cô có một cuộc sống giàu sang, thành đạt và không có gì phủ bóng tối lên cuộc đời cô”.