Trầm Hương
Miêng
Nhà chúng tôi nằm trong con đường nhỏ yên tĩnh. Bên kia công viên um tùm cây trăm tuổi che mát lối đi điểm trang bằng đủ loại hoa. Ông nội quen nghiệp rông rừng tìm trầm nên ba thế hệ nhà tôi thường rảo công viên sau bữa cơm chiều, sợ nội đi một mình té. Trầy trật mua căn nhà cạnh công viên vì vậy. Với kinh nghiệm thực địa và nghề thuốc Bắc, nội khật khưỡng giảng cho chúng tôi nghe dược tính cây lá và bịnh tật của chúng. Đã thuộc nhuyễn môi, vẫn làm bộ lắng nghe. Tới góc nào nội cũng lức láo như thể có trầm ẩn dật đâu đó chờ nội moi ra ít nhất vài bao tải, phỉ chí giấc mơ biệt thự. Cô đe Này, khi nào có cơ ngơi mới đừng hòng ngủ ké giường tao nữa nhé. Tôi vênh váo con cóc thèm. Biệt thự là bự thiệt, con sẽ đòi một phòng to gấp đôi cái chuồng cô hiện tại, cấm cửa cô. Một lần tôi hái cái hoa đỏ tươi cánh mỏng như bướm, lạ hoắc, chưa kịp hỏi nội hoa gì đã bị cô bóp tay thổi vào tai: Mày có thấy anh chàng ngồi đọc sách trên băng đá kia không? Theo hướng mắt cô nhướng, tôi gật đầu. Khẽ hơn: Tao chịu anh chàng đó. Tôi thích thú tròn mắt: Mà... - Im mồm. Cấm thèo lẽo đấy nhé!
Đêm đó tôi leo vào giường sớm, bắt cô phơi lòng trải dạ. Tôi tự động tuyên thệ đủ điều, rằng con sẽ không mách lẻo, cạy miệng con cũng không mở, bố hay ông nội đánh con cũng không hé răng , ai mua chuộc gì con cũng im ... Tôi kéo Chúa làm chứng. Cô cười ngặt nghẽo. Cô Út không chim sa cá lặn nhưng được cái duyên cười và kể chuyện. Nghe cô cười đang tang lễ cũng quên khóc. Không phải thủy tinh loảng xoảng. Không phải suối nguồn róc rách. Không phải tơ lụa lao xao. Không phải gió chiều nghịch lá. Mà tất cả những âm thanh ấy cộng lại, oà vỡ, tràn lan, lây nhiễm. Cô kể chuyện thì kiến trong hang cũng bò ra ngóng. Phụ với miệng, mắt mũi tay chân đều râm ran, đủ thứ âm thanh và muôn vàn hình ảnh trước mắt người nghe, lao xao rộn ràng. Chỗ nào hấp dẫn ly kỳ nhất cô im, chờ giục. Tôi ôm riết, vòng tay nhỏ bé quấn không hết thân hình ai cũng cho là phục phịch. Thường nhiều điều chưa thể hiểu hết, hỏi thì cô bảo không hiểu rồi sẽ hiểu, bây giờ mày cứ nghe, không cần thắc mắc. Tôi nói cô xem con như cái thùng rác xổ bầu tâm sự. Cô cười to, bảo ừ đúng vậy, không chịu thì xéo. Nhưng tôi là cái đuôi, cái bóng, cái gót chân cô. Có bao giờ cái đuôi lìa phần hậu. Có bao giờ cái bóng tách khỏi người. Có bao giờ cái gót không dính vào chân. Bà Tư hàng xóm nói cô khuôn lớn, tôi khuôn nhỏ. Cô cười rót vào tai tôi, khẽ như thể có ai đứng sát bên giường hóng chuyện: Có gì đâu mà kể? Tao thấy anh chàng đó luôn luôn ngồi tư thế đó, trên băng đá đó, cầm quyển sách bằng tay trái. Không cái gì khác trừ quyển sách. Hình như nhà phía bên kia công viên, đố thấy đi đâu một bước. Người như vậy chắc là nhút nhát và chung thủy. Đó là loại đàn ông tao cần. Mà này, cấm thèo lẽo đấy nhé!
Tôi không hiểu chuyện người lớn nhưng chẳng hỏi, cô sẽ trả lời không hiểu rồi sẽ hiểu. Tôi vui lòng chờ ngày xa xôi ấy, để hiểu vì sao mạnh bạo như cô lại thích người nhút nhát? Người chuyên môn tìm tòi phát minh các mẫu mã quần áo thời trang phải thay đổi mỗi ngày, lại thích người luôn luôn cùng tư thế? Hay là giữa bao thay đổi thường xuyên, người ta cần điểm gì bất dịch? Trong bóng đêm, bán diện xanh xao người đàn ông ngồi xeo xéo trên băng đá, mắt chăm vào sách, ăn mặc gọn gàng tươm tất lừng lững bước vào đầu tôi. Chiếc sơ mi trắng nổi bật trên đám cỏ xanh và xa xa, trông có vẻ lung linh huyễn hoặc. Ngoài vườn chim kêu đêm lanh lãnh buồn. Tôi nhắm mắt.
x
Bà nội thường chép miệng, thương cô gầy rộc từ ngày ông nội bất ngờ lìa đời. Hôm đó đang nằm đọc báo nghe tiếng cửa rục rịch, nội nhanh nhẩu bước ra. Không ai cả. Lần thứ hai cửa lại rục rịch, lại ra, cũng nhanh. Khi trở vào nội xùi bọt mép, mắt đứng tròng. Trên đường lên bịnh viện nội tắt thở. Bố la, mày làm việc nhiều gấp đôi, thức đêm thức hôm bảo không gầy tọp sao được. Bác Cả thỉnh thoảng ghé thăm kêu toáng, có mập gì cho cam mà ăn uống kiêng khem để sụt kí lô ngần ấy mà vẫn làm việc cần cù như kiến. Cô chỉ cười. Nhưng dạo này tiếng cười cô rất khác. Nó không còn âm thanh, lặng lẽ, nhìn mới thấy, nghĩ mới biết, nếu không chỉ là cái nhếch môi khó lòng đặt tên. Mắt cô bỗng dưng mơ màng. Thưa lời, cử chỉ không bão táp như xưa. Mẹ và tôi hiểu khác. Từ ngày ông nội mất, thói quen dạo công viên mỗi chiều chúng tôi không còn. Thằng Tí chẳng chờ bảo cũng cho cây tùng uống nước, một ly thôi nghe con, thằng cha mày mấy tuổi là cây tùng đó ở trong nhà từng ấy năm, bữa bứng nó tao suýt chết vì con bò cạp... Một lần cô ngất, tôi phải khai thật cho mẹ nghe chuyện riêng của cô. Chúng tôi đều nghĩ anh chàng cô thích gầy người, phải bớt kí lô cho xứng. Mẹ nhắc khéo: chẳng gì bằng sức khoẻ, cô cứ để thế thì chết mất. Cô cũng chỉ cười, nụ cười thoang thoảng buồn, loang loáng nhẹ như bông... Bây giờ đi đâu về, cô không ào vào nhà như gió miệng sôi nổi Úi trời, úi trời, nếu có thì cũng chẳng có gì theo sau hoặc ba hoa quá nhiều, toàn chuyện ba láp đâu đâu. Nhưng thường cô xa vắng, ngơ ngẩn.
Một hôm tôi tuông vào buồng chớp nhoáng, la:
-Úi trời, chuyện lạ bốn phương, cô ơi ra xem nè...
Tôi khựng ở cửa, cô giật mình đỏ mặt nhét vội mấy phong thư vào ngăn kéo, bóp khoá. Lần đầu tiên có khoá. Cô có gì giấu giếm khiến tôi tự ái, bất mãn. Tôi nhìn trân ổ khoá rồi ngúng nguẩy quay lưng nhanh khỏi phòng. Lẽ ra thư từ trao đổi với chú ngồi băng đá chẳng nên giấu giếm tôi, cho tới bây giờ tôi là người kín miệng mà. Hay với ai khác mà tôi không biết? Lẫy quá. Tôi vặt vài lá tùng ông nội cưng hơn cưng bà nội, cho bõ ghét. Cô ra đứng bên cạnh, nịnh:
- Cái gì mày la toáng lên rồi im? chuyện lạ gì vậy?
Tôi dấm dẳng:
- Chẳng chuyện gì cả.
Rồi tất bật bỏ đi. Chợt hối tiếc ngay sao không vòi cô sự thực. Tôi quay ngoắt lại, cô đăm chiêu và khe khẽ thở dài khiến tôi chột dạ. Dù dỗi cô có gì giấu mình, thâm tâm tôi vẫn ân hận đã quá quắt nên không dám hỏi, cảm giác sẽ chạm vào điều kín đáo đau đớn của cô. Chắc cô nhớ nội lắm, có hôm bảo nếu nội còn, cô sẽ không cằn nhằn khổ quá ai cũng thuộc lòng cái con bò cạp suýt cạp cậu rồi mà cứ nói mãi. Cô cũng sẽ không dẹp cây cảnh nội đặt đầy trên cửa sổ, trên bàn nước. Theo khoa học, ban đêm cây nhả thán khí hại cho sức khoẻ, mà giường nội ngay đấy. Hễ cô dẹp thì nội bày lại, hai cha con cho mấy chậu cây chơi trò cút bắt. Nội ứ hự bây bày đặt khoa học với chả, ở đâu nhiều cây bằng rừng, vậy mà hồi xưa tao ngủ cả hai ba tháng trong đó nếu chết làm sao có tụi bây. May sẩy con bò cạp, không là chết vì nó chớ chẳng thán khí thán gió gì cả... Chẳng ai biết mặt mũi con bò cạp, nhưng cứ nghe nội kể thì nó có phép thần thông, mạnh mẽ hung hãn độc địa ghê gớm lắm mà nội thoát được là phúc đức bảy đời.
Buổi chiều xuống rất chậm. Không gian thời gian quyện vào nhau, chững lại. Tiếng chén bát cơm chiều từ bếp vẳng ra tận hè trước, mẹ sắp gọi vào bàn. Tôi nắm tay đập mạnh vào trán. Hình ảnh xiêu xiêu anh chàng của cô đi ngang trước nhà khi nãy tan loãng, tan loãng... bay vào mắt tôi cay xé.
x
Đám tang cô vào một sáng mùa thu tuyệt đẹp. Nắng mềm mại dịu dàng rải lên cây cỏ và lối đi một màu vàng trong suốt tơ trời. Gió hiu hiu vuốt ve các vòng hoa phúng điếu, phe phẩy vạt áo tang thằng Tí đi xà lui trước cỗ quan. Lừng lững trên vai sáu thanh niên rắn khoẻ, chiếc quan tài vàng sẫm như đi vào huyền thoại. Bên trong sáu tấm gỗ dọc ngang, thân hình cô tôi teo tóp tựa trẻ lên mười nằm bất động giữa bao gói thuốc lá cây và trà chèn ép. Hơn tuần nay bỗng dưng tôi vượt lớn nhanh hơn Thánh Gióng và hiểu ra nhiều điều. Sự hiểu biết đó dẫn tôi vào thế giới hy sinh lẫn cam chịu lặng lẽ táo bạo của cô.
Ngược thằng Tí khệnh khạng áo thụng mũ gai, tôi xênh xang lớp công chúa ngàn lẻ một đêm cải tiến giữa cái nhìn lạ lùng hai bên lối xóm. Việc này bố mẹ cũng đã lên giọng khá nhiều. Mẹ bảo không, bố ngần ngại. Tôi cứng rắn như có cô nhập, tuyên bố con sẽ vì cô làm điều cô muốn. Mẹ bảo mà con ơi quái dị lắm, ai lại ăn bận đẹp đẽ màu sắc cầu kỳ trong đám tang, thiên hạ cười chết. Tôi nói con không sợ thiên hạ cười, con chỉ muốn làm cô hài lòng vì cô dặn con như vậy. Bố trố mắt cô đã dặn con ư? Thế là bố bảo được, mẹ ngần ngại. Một hôm khuya rồi cô còn cặm cụi vẽ kiểu cho show thời trang, tôi giật mình vì cây kéo rơi, cô nửa đùa nửa thật khi nào cô chết, mày phải diện bộ cánh công chúa đưa tang cô đấy nhé. Lúc đó tôi tủm tỉm mỉa mai, nghĩ khi phải đưa tang cô thì mình cũng có cả đám lủ khủ theo sau, khuôn lớn ở vậy mang tiếng gái già chớ khuôn nhỏ sẽ chễm chệ xe hoa, tay vàng tay ngọc... Bây giờ tôi bước đi trong nắng, tà áo nhẹ hẫng thinh không và chiếc mũ công chúa quấn vành tang trắng lạc lõng cõi người.
Đám tang rồng rắn bà con bạn bè qua công viên. Lá chín vàng còn đậu đầy cành, rực lửa trong nắng sáng đẹp dị kỳ. Tôi nhìn băng đá trống, hai chiếc lá vàng thin thít cạnh nhau. Hay cô lặng lẽ nán lại chờ chú đến chiều? Có lần cô kể bạn phản đối hôn nhân vì đã thương người khác, bị cha mẹ cấm cửa không cho đi đâu, cô ấy nằm rệp cả tháng tương tư lả người, cuối cùng phải cho bạn trai tới thăm. Hôm học về nghe cô ngất đi bịnh viện cấp cứu lần cuối, tôi chạy ra băng đá giật quyển sách hổn hển khẩn khoản chú ơi, chú đến bịnh viện thăm cô cháu một lát chú nhé, chú cháu mình đi ngay nhé. Chú nhìn tôi đăm đăm ngạc nhiên mặc tôi giải thích chẳng nói gì, rồi đứng lên với tay đòi quyển sách. Uất quá, tôi xé tung quyển sách ném vào mặt chú: Này đọc đi, đồ vô tâm, đọc đi, đọc đi, aller au diable, aller au diable! xéo đi, xéo đi (câu này học lõm bố). Tôi chạy vụt về nhà vùi đầu vào gối tức tưởi. Nhục cho cô. Thương cô quá. Và hận. Sáng hôm sau nhỏ bạn cùng lớp hỏi hôm qua mày bị chú Cảnh làm phiền gì vậy, nghe mày la tao chạy tới không kịp, chú ấy câm điếc thườnghiền queo mà... Tôi và mẹ tìm chìa khoá lục lọi nỗi niềm cô, sững sờ trước đống thư từ chẳng gì khác hơn là giấy tờ bịnh viện bao lâu nay cô kín đáo lo liệu một mình. Mẹ khóc rấm rứt. Tôi ân hận tột cùng đã lẫy cô vô cớ...
Hôm nay bác Cả gái ở nhà trông bà nội, lúc quan tài ra cửa nội hỏi bây đưa ông đi công viên đấy à. Bác Cả cắn môi dìu nội vào trong. Mùi trầm thoang thoảng ngạt ngào khu vườn nhỏ. Ông nội nói nhiều về mẻ trầm đặc biệt dạo ấy. Cố bảo quay về vì tao bị sốt mà rừng thì bây không biết đâu, lạnh rịt da, chích thấu xương. Nhiều nơi dày kịt mặt trời cố chen chân chân cách nào cũng không tới được, cái lạnh lưu cửu ngàn năm ấy mà, mới ghê. Nhưng tao nhất định đòi đi sâu thêm chút nữa, cứ như ma dắt. Rốt cuộc hai hôm sau gặp mẻ trầm cực kỳ tốt, cực kỳ thơm chưa từng biết. Tao tưởng bị mê sảng... Vậy là cơn sốt mừng trầm át cơn sốt bịnh. Khai sinh cô mới ba tháng đã làm lại, đổi tên Trầm Hương. Xuyên lớp gỗ, tôi thấy hình ảnh Trầm Hương trên giường bịnh viện tấm ra trắng nhờ nhờ nhiều lần giặt giũ, Trầm Hương không thể khô hơn được nữa. Như cả đời chỉ trải qua hai mùa nắng gió. Da tái nám đen bọc nhúm xương xốc xếch lụng thụng trong chiếc áo mẹ may vội vàng khỏi phải bận quần. Tóc lơ thơ dính trán chẳng khác những cộng len xám khâu vào chiếc váy cô tạo mẫu ngày thi hoa hậu, mắt chỉ là hai hốc tối lờ màu tro lốm đốm vàng, nhìn tôi mà không nhìn tôi...
Trên một thư bịnh viện, cô nguệch ngoạc: "Sáu tháng phải thay máu một lần, mỗi lần một trăm năm mươi triệu, tiền đâu? Mẹ bị đái đường gần mù". Và bố ghìm môi run nói nhỏ bên xác cô: "Phải chi anh như người ta, giấy tờ gì cũng ký thì có tiền chữa bịnh cho em" ... Tôi ngẩng cao đầu không khóc. Tất cả còn mới tinh mà đã hôm qua. Ngày mai sẽ khác. Bây giờ tôi bước đi trong nắng, tà áo nhẹ hẫng thinh không và chiếc mũ công chúa quấn vành tang trắng lạc lõng cõi người...