Lão đạo nhân vuốt ống tiêu trúc đỏ, từ từ thốt : - Nàng nói nàng tìm đã mấy hôm rồi, khắp thành Lạc Dương nhưng chẳng gặp người nào thổi tiêu cả. Chừng nàng gặp lão, nàng mừng trên chỗ tưởng tượng, nàng đinh ninh lão là người nàng muốn tìm Ha! Ha! Đúng là duyên pháp. Nếu vô duyên thì làm gì nàng gặp lão? Mỗi một câu, một chuyện nào, lão đạo nhân cũng lái vào cái duyên pháp của lão cả. Lái vào đó, lão sẽ có dịp làm tiền, lái vào đó, lão sẽ có dịp ba hoa trên trời dưới đất, cho đối phương mê man rồi lão có cơ hội làm tiền. Như vậy còn ai từ khước tặng cho lão ít tiền? Vưu sư phó nóng nảy hỏi dồn : - Thật sự vị cô nương đó tìm ai? Lão đạo nhân “Ạ” một tiếng : - Nàng bảo người nàng tìm họ Thương, lão lại có một người sư điệt tôn họ Thương! Có phải tấu xảo không? Vưu sư phó lẩm bẩm : - Thương! Thương, Tang Thương hay Tang? Vưu sư phó giật mình, nhưng cố giữ bình tĩnh hỏi tiếp : - Cô nương vừa gặp đạo trưởng là tưởng ngay lão là người nàng muốn tìm? Lão đạo nhân cười hì hì : - Nàng có biết mặt biết mày gì người nàng tìm đâu. Thật sự thì nàng không thể nhận thức được người nàng tìm như thế nào đúng hơn, bởi người đó biến đổi diện mạo bất thường, hôm nay thì thế này, ngày mai, ngày kia thì thế khác Người nàng tìm có biệt tài hay cải dung mạo, đến quỷ thần cũng không biết được. Vưu sư phó lại giật mình lượt nữa hỏi tiếp : - Rồi sau đó? Lão đạo nhân bình thảng thốt : - Sau đó, lão chỉ điểm cho nàng mấy điều, nàng tặng cho lão năm mươi lạng vàng rồi đi mất. Vưu sư phó kinh dị : - Đạo nhân làm cho nàng hài lòng mà tặng vàng, chắc cũng có căn cứ chứ? Lão đạo nhân gật đầu : - Dĩ nhiên là phải có! Lão đạo cho nàng biết người nàng tìm gần thì ở trước mắt, xa thì cách ngàn dặm. Vưu sư phó lại giật mình lần thứ ba Lão đạo nhân tiếp nói : - Bất quá lão chỉ muốn nói, nếu trước mắt mà tìm không gặp thì tìm đến chân trời mà chờ, sẽ gặp Vưu sư phó mỉm cười mất đi phần nào sự tự tin : - Đạo trưởng nói như thế, nàng hài lòng được ư? Lão đạo nhân “Hừ” một tiếng : - Nào phải chỉ có thế thôi mà nàng hài lòng tặng vàng. Lão kề miệng vào tai nàng rỉ một câu, nàng tin liền và vui vẻ mà đi ngay. Vưu sư phó lấy làm kỳ : - Đạo trưởng nói làm sao khiến cho nàng tin ngay? Lão đạo nhân nghiêm sắc mặt nói : - Thiên cơ bất khả lậu! Lão vì thương cảm mà tiết lộ một câu với nàng là quá lắm rồi, dám đâu nói lại cho người khác nghe nữa. Vưu sư phó trầm ngâm một lúc hỏi tiếp : - Hình dạng nàng như thế nào? Lão đạo chỉ Tiết Thiếu Hoa : - Niên kỷ suýt soát công tử! Tiết Thiếu Hoa vội kêu lên : - Sư phụ! Người nàng tìm rất có thể là Tang lão Vưu sư phó khẽ ho mấy tiếng, Tiết Thiếu Hoa liền im lặng. Lão đạo nhân đưa mắt nhìn chiếc thiết tiêu lủng lẳng bên hông Tiết Thiếu Hoa, vừa chỉ vừa hỏi : - Công tử cũng thích món tiêu khiển đó à? Tiết Thiếu Hoa gật đầu. Lão đạo nhân gằn giọng : - Cứ theo chỗ lão suy đoán, thì vật đó bất lợi cho ai đó mang nó bên mình, nó là một vật bất tường, công tử không nên mang nó bên mình. Lão bật cười ha hả : - Cũng là một duyên pháp nữa đấy! Lão đưa chiếc tiêu trúc đỏ ra trước mắt Tiết Thiếu Hoa, trịnh trọng đề nghị : - Chi bằng công tử đổi nó với chiếc tiêu của lão đi để tránh cái bất thường cho công tử. Chiếc tiêu của lão, lão mang nó bên mình bảy, tám mươi năm nay rồi, nó giúp lão gặp nhiều duyên phận tốt đẹp lắm. Vưu sư phó hừ nhẹ : - Đạo trưởng có biết lai lịch chiếc thiết tiêu này không? Lão đạo nhân cười mỉm : - Chừng như trong bọn sư điệt tôn của lão có người có một chiếc tiêu như vậy. Tiết Thiếu Hoa điềm nhiên : - Chiếc thiết tiêu này là vật của một bậc cha, chú để lại cho tại hạ, tại hạ không thể rời nó được! Đa tạ đạo trưởng có nhã ý muốn tránh điều bất thường cho tại hạ, song không thể vâng lời. Lão đạo nhân gật đầu : - Tùy công tử! Riêng lão thì lão rất tiếc bỏ dở một duyên pháp. Lão xin cáo từ công tử và lão quản gia. Lão đứng lên vòng tay xá hai thầy trò, cuối cùng nhìn Tiết Thiếu Hoa một thoáng rồi bước ra ngoài. Vưu sư phó giương mắt sáng ngời nhìn theo lão đạo, trầm lặng suy tư. Tiết Thiếu Hoa nhớ lại tiếng hừ nhẹ đêm hôm qua, hỏi : - Sư phụ! Lão đạo ấy có phải là người trong võ lâm không? Vưu sư phó ngưng trọng thần sắc, lắc lắc đầu : - Không thể ức đoán được! Lão cố ra vẻ huyền bí, bất quá mình chỉ hiểu lão là tay lão luyện giang hồ vậy thôi. Tiết Thiếu Hoa do dự một chút : - Sư phụ! Đêm qua trước khi mình rời miếu, đệ tử như có nghe tiếng hừ nhẹ, không rõ sư phụ có để ý không? Vưu sư phó nhìn sững chàng : - Có tiếng người hừ? Rồi lão tặc lưỡi : - Tại sao con không nói cho ta biết? Tiết Thiếu Hoa đáp : - Đệ tử thấy sư phụ điềm nhiên nên tưởng mình nghe lầm. Bây giờ gặp lão đạo này, đệ tử mới chắc chắn là có nghe tiếng hừ thật. Vưu sư phó trầm ngâm một lúc : - Con nghe được chẳng lẽ ta không nghe được? Mà thôi, bỏ qua việc đó đi, hãy nghĩ đến việc mình. Con ngồi xuống đây nghe ta nói một điều trọng yếu. Lão ngồi xuống trước, lấy tay chỉ chỗ bên cạnh, Tiết Thiếu Hoa ngồi theo. Chàng nhớ đến trường hợp cha bị kẻ lạ mặt bắt mất nóng nảy hỏi liền : - Sư phụ! Phụ thân đệ tử. Vưu sư phó cười nhẹ : - Đừng nóng nảy con ạ! Việc của phụ thân con đã có ta lo liệu, bảo đảm không có việc gì đáng ngại. Hiện tại, con phải khởi hành đến Trường Sa, tại Bạch Nhược Phố một phen. Tiết Thiếu Hoa hấp tấp chận lời : - Đệ tử đến Trường Sa làm gì hả sư phụ? Vưu sư phó lấy trong mình ra một bức cẩm nang cùng một tờ kê khai lộ trình trao cho Tiết Thiếu Hoa, nghiêm giọng tiếp : - Nếu đêm qua không xảy ra việc phụ thân con bị người bắt thì ta sẽ cùng đi với con. Nhưng, sự tình đã thế ta đành phải để con đi một mình. Lão dừng lại, đằng hắng mấy tiếng rồi tiếp : - Con nay đã mười tám tuổi, trưởng thành rồi không còn nhỏ dại nữa, võ công lại khá cao. Trừ mấy nhân vật thượng đỉnh ra, trên giang hồ rất hiếm người địch nổi con. Do đó, ta không mấy lo ngại. Còn như đến Trường Sa làm gì thì ta có ghi rõ trong bức cẩm nang này, đến nơi con mở ra sẽ rõ và dò theo lộ trình của ta mà tuần tự hành động. Cần nhớ là đến Bạch Nhược Phố rồi mới được mở cẩm nang ra xem. Tiết Thiếu Hoa tỏ vẻ lo ngại : - Sự việc có trọng yếu lắm không, sư phụ? Vưu sư phó lại tiếp : - Đương nhiên là trọng yếu! Sau này con sẽ rõ. Tiết Thiếu Hoa lại hỏi : - Tại sao lại phải đến Bạch Nhược Phố mới được mở ra xem? Vưu sư phó trầm gương mặt : - Cũng phải có lý do gì mới được chứ, song con không nên tìm hiểu, cứ theo lời ta mà hành động. Tiết Thiếu Hoa còn muốn hỏi thêm, thấy ánh mắt nghiêm nghị của sư phụ lại thôi. Vưu sư phó điểm một nụ cười : - Con đừng suy nghĩ viễn vông, nếu bảo con đi như vậy là ta có an bài mọi việc. Về phần phụ thân con, con cứ yên tâm. Ta đã có chủ trương rồi. Tiết Thiếu Hoa gật đầu : - Đệ tử tuân theo lời sư phụ. Vưu sư phó lại tiếp : - Còn một việc này nữa, ta suýt quên mất. Từ nay, con đừng dùng tên Tiết Thiếu Hoa của con. Tiết Thiếu Hoa lấy làm lạ : - Tại sao thế sư phụ? Không xưng Tiết Thiếu Hoa thì xưng làm sao? Vưu sư phó mơ màng một lúc : - Ta đã dự liệu cho con một cái tên mới. Từ nay trở đi con cứ xưng là Thiếu Lăng. Tiết Thiếu Hoa càng kinh dị hơn : - Đệ tử tưởng... Vưu sư phó chận lại : - Cái tên đó không tốt à? Tiết Thiếu Hoa giải thích : - Tốt lắm chứ! Nhưng đệ tử muốn biết lý do đổi tên này. Vưu sư phó ngẩng mặt lên không, thần sắc dàu dàu, lâu lắm lão gật đầu thốt : - Phụ thân con tên Lăng, con cũng lấy tên Lăng cũng được lắm chứ? Tiết Thiếu Lăng con của Tiết Đạo Lăng... à. Tiết Thiếu Hoa lắc đầu : - Con không có ý phê phán cái tên như thế nào, con chỉ lấy làm lạ bỗng dưng sư phụ muốn con đổi tên khác chơi. Có phải tránh sự truy tầm của địch chăng? Vưu sư phó nhẹ đặt tay lên vai chàng cười gượng : - Ta đã bảo con không nên nghĩ ngợi xa xôi, sự cải tên đó hẳn có một nguyên nhân trọng đại mà hiện tại con không nên tìm hiểu. Bất quá, ta chỉ có thể cho con hiểu như thế này, khi con xưng là Tiết Thiếu Lăng thì ai ai cũng biết con là giọt máu của Tiết thần y. Sau này, con có thể khôi phục lại tên cũ là Tiết Thiếu Hoa, nếu con muốn sự thay đổi tên chỉ có tính cách tạm thời thôi. Lão lại nhắc : - Con hãy lên đường cho sớm, cứ vững tin ở ta. Ta cầu chúc cho con được bình an. Tiết Thiếu Hoa quyến luyến : - Sư phụ có thể cho con biết danh hiệu được không? Vưu sư phó mỉm cười nói : - Con đã hỏi ta câu đó bao nhiêu lần rồi? Không phải sư phụ cố tâm dấu diếm, chẳng qua chưa phải lúc tỏ rõ cho con biết đó thôi. Vả lại từ lâu rồi ta không dùng đến danh hiệu nữa, có nói ra cũng không ích lời gì cho con. Đến Trường Sa rồi, gặp được người con cần gặp, dù con không hỏi, người ta cũng tiết lộ ra sư phụ là ai. Tiết Thiếu Hoa đứng lên. Vưu sư phó nhìn lại một lượt, đột nhiên “Ạ” lên một tiếng : - Khoan đi con ạ! Tiết Thiếu Hoa hỏi nhanh : - Sư phụ có điều gì dặn thêm? Vưu sư phó tiếp : - Chuyến đi này đường không xa lắm mà cũng không thể gọi là gần, con lại xuất hiện lần đầu tiên trên giang hồ, vậy không nên để lộ chân tướng... Tiết Thiếu Hoa kinh dị : - Sư phụ muốn đệ tử cải dung mạo? Vưu sư phó mỉm cười nói : - Phải! Nếu không, chỉ cần nhìn thoáng qua là ai cũng biết con là con cừu non lạc lõng trên giòng đời. Theo ý ta, con nên điểm tô sắc diện cho sạm hơn một chút, màu sạm của dày dạn gió sương mưa nắng con ạ! Tiết Thiếu Hoa không tin lắm là sự cải sửa dung mạo rất cần, song không dám trái lời sư phụ, liền ngồi xuống, lấy hộp gấm đựng các vật dụng ra, bắt tay vào việc. Sau mấy phút, từ một công tử mặt ngọc, chàng biến thành một người có da mặt tím sẩm. Vưu sư phó gật đầu, tỏ vẻ hài lòng : - Được lắm đó! Bây giờ thì có thể đi được rồi, ta cũng đi luôn. Thu xếp các vật dụng xong, Tiết Thiếu Hoa cũng đứng lên theo Vưu sư phó ra ngoài đến chỗ cột ngựa. Thấy chàng lên ngựa xong, Vưu sư phó khoác một cử chỉ tay : - Ta cũng đi ngay bây giờ, con phải nhớ lời ta dặn từ nay con là Tiết Thiếu Lăng nhé! Lão cũng nhảy lên lưng ngựa, giục vó liền. Tiết Thiếu Hoa nhìn theo bóng lão, lòng chàng tràn ngập muôn ngàn nghi vấn. Tại sao bao nhiêu diễn biến dồn dập? Từ cái vụ giao đấu cùng Long Môn ngũ quái, đến việc chúng bị bắt rồi phụ thân chàng cũng bị bắt, sau cùng là cuộc viễn du đến Trường Sa của chàng. Ngần ấy việc có liên quan làm sao? Nó phát xuất từ nguyên nhân nào? Bao năm qua, chàng từng được Vưu sư phó kể cho nghe nhiều sự việc xảy ra trên giang hồ. Chàng không còn quá ngu xuẩn tưởng rằng có hạng người tài ba tuyệt đối. Cho nên chàng không lấy gì làm lạ khi bọn Long Môn ngũ quái cúi đầu chịu xích trước bọn nha dịch trá hình. Chàng tự hỏi bọn nha dịch thật sự là bọn người như thế nào mà Long Môn ngũ quái không dám kháng cự? Chàng lặng người suy tư một chút, đoạn ra roi cho ngựa chạy nhanh theo hướng Nam. Khi hoàng hôn rũ bóng, chàng đến Nhữ Châu. Nơi đây là chỗ giáp giới hai đường Nam, Bắc, tự nhiên khách du hành phải dừng chân lại đây lúc đêm về. Xe ngựa dập dìu, người đi đông đúc, náo nhiệt phi thường. Tiết Thiếu Lăng cho ngựa vào thành, ven theo đường phố định tìm khách sạn để nghỉ chân. Đến một con đường lớn, chàng thấy phía trước mặt một lão già tóc ngắn đến tai, bạc trắng, vận đạo bào rách rưới. Chàng nhìn kỹ hết sức kinh ngạc, nhận ra đó chính là đạo sĩ du phương chàng đã gặp buổi sớm mai tại miếu Thổ địa dưới chân gò Tả Gia. Chàng thầm nghĩ : - “Từ Lạc Dương đến đây đường xa hơn hai trăm dặm, tự chàng có tâm sự khẩn cấp bên mình lại đi bằng ngựa thế mà phải mất trọn một ngày. Còn lão đạo, làm sao lão lại đến Nhữ Châu trước chàng? Nếu lão dùng thuật khinh công, thì thuật đó phải luyện đến mức siêu thượng mới vượt được đoạn đường dài dễ dàng như vậy. Chàng cho ngựa đến gần lão đạo nhân, nghe lão vừa đi vừa cao giọng rao : - Đạo sĩ Mâu Sơn ngao du thiên hạ, kẻ hữu duyên từ ngàn dặm đến, kẻ vô duyên trước mắt bỏ qua, man mác hồng trần biết ai là kẻ hữu duyên? Duyên pháp khó thành tựu thay! À! Đúng lão là một du phương đạo sĩ, chuyên hóa duyên khắp các nẻo đường. Lúc còn tại miếu Thổ địa, Tiết Thiếu Lăng kính phục lão bao nhiêu thì hiện tại, chàng khinh thường lão bấy nhiêu. Khinh thường vì lão khoát cái lốt đạo sĩ, chuyên làm tiền người trong thiên hạ. Chàng không lưu ý đến lão nữa, chuyên lo việc mình. Vào khách sạn, chọn phòng xong, gọi cơm nước. Chàng nghỉ ngơi một lúc, theo thường lệ, vận công phu lấy lại sức khỏe tiêu hao trên đường dài rồi lên giường đánh luôn một giấc. Sáng ra, chàng thức dậy, tìm chiếc bọc lấy y phục thay đổi, bất giác chàng sửng sốt. Chiếc bọc còn nguyên, tiền bạc còn nguyên, nhưng chiếc thiết tiêu đặt bên dưới chiếc bọc đã biến mất. Thay vào đó là chiếc thiết tiêu trúc đỏ của lão đạo sĩ du phương! Chiếc trúc tiêu dài độ ba thước màu đỏ bóng, bên ngoài có chiếc bao bố thô kệch. Tiết Thiếu Lăng vô cùng phẫn nộ, không còn nghi ngờ gì nữa, lão đạo sĩ đã thừa lúc đêm hôm đột nhập vào phòng, đánh tráo vật của chàng. Chàng cầm chiếc trúc tiêu lên, thấy bên dưới có một mảnh giấy nhỏ, bên dưới có một giòng chữ nhỏ : “Người trẻ tuổi! Ngươi với ta là hai kẻ hữu duyên nên mới cùng gặp nhau tại đất Nhữ Châu này. Chiếc tiêu của ta có chỗ diệu dụng lắm đó đừng khinh thường, sánh với thiết tiêu của ngươi còn trên xa mấy bực. Ta nào có muốn đổi chác gì đâu, chẳng qua vì cái hữu duyên với nhau nên buộc lòng ta phải rời vật quí của ta. Ngươi hãy lượng xét, chắc ngươi muốn biết chỗ diệu dụng của nó? Đao kiếm chém không đứt, lửa không cháy, nước không thấm, khi thổi lên, âm thanh huyền diệu khôn cùng. Nếu ngươi không tin cứ thí nghiệm xem. Trên thần tiêu có một đoạn khúc, ta soạn thành bằng tám mươi năm công phu đó. Ngươi cứ tập thổi đi sẽ thấy chỗ màu nhiệm”. Tiết Thiếu Lăng dù tức uất cùng cực cũng phải bật cười. Đã trộm của người lại còn khoác lác, nghĩ không còn ai trơ trẽn hơn lão. Rồi chàng nghĩ : - “Võ công của ta, gồm các tinh hoa của thân phụ, lại còn được sư phụ chỉ điểm tận tình, vậy mà không hay biết có người vào phòng đánh đổi vật dụng! Lão đạo này hẳn không phải là tay tầm thường!” Chàng nhìn lên nóc phòng, không thấy một dấu vết khả nghi, chàng nhìn ra khung cửa, then vẫn còn cài chặt. Chàng không khỏi kinh hãi, tự hỏi lão đạo sĩ do ngả nào vào phòng... Chàng căm hận lão đạo vô cùng. Vừa chen chân vào giang hồ mới được một ngày tròn, thì đã để mất một vật phụ thân rất quí, bởi đó là vật kỷ niệm của Tang lão tiền bối. Không còn làm gì hơn, chàng cầm trúc tiêu lên xem. Trên thân tiêu quả có một điệu khúc, gồm chín đoạn, mỗi đoạn chín câu, chữ khắc nhỏ như hạt mè. Nhưng, chàng còn thời giờ đâu đọc hết điệu khúc đó? Việc đến Trường Sa rất khẩn cấp, chàng thanh toán tiền nong ăn và trọ xong, mang hành trang và chiếc trúc tiêu lên đường.