Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Cầu nguyện

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 465 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cầu nguyện
Hoàng Thị Đáo Tiệp

Buổi tối tôi đang lên mạng để đọc điện thư với gửi điện thư thì điện thoại reng. Nhấc máy và thốt tiếng "Hello", tôi nghe bên đầu dây giọng nói trẻ trung vui vẻ của một thiếu nữ khoảng tuổi đôi mươi hỏi mình:

- Cô ơi! Chắc cô muốn biết ai gọi cô đấy? Vâng, cháu xin giới thiệu: Cháu gọi cô bằng cô tức cô là cô lớn chớ không như ông chú nọ gọi cô bằng cô mà mà cô em! Vậy cô biết cháu là ai chưa?

Tôi cười:

- Cám ơn cháu! Cô khen cháu có cách giới thiệu dễ yêu về mình mà cũng là an ủi cho tòa báo, cho người cầm bút. Cháu đã đọc Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ số tháng 7/2007 rồi?

- Vâng, cháu là bạn đọc Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ nhưng chỉ đọc ké báo của cô chủ tiệm cháu mua, chớ cháu không có mua. Không những cháu đọc báo số tháng 7/2007 rồi, mà luôn cả số tháng 8/2007 nữa. Đọc số tháng 7 thấy bài "Nếu Tôi Trẻ Lại" cháu đã muốn gọi cô, nhưng còn e ngại. Đọc thêm bài "Thuốc Độc" ở báo tháng 8 là cháu quyết phải gọi cô, chớ chẳng ngại chi nữa hết. Vì thấy cả hai bày nầy, cô viết giùm chuyện của người ta mà cháu rút được bài học nên cháu muốn nhờ cô viết giùm chuyện của cô chủ tiệm cháu. Bởi cháu học được bài học bổ ích lắm ở cô chủ tiệm "Nail" của cháu nên muốn "la làng" lên để nhiều người được học, kể cả cô luôn.

Được cháu mở lời tâm sự thế, tôi biết là câu chuyện sẽ thú vị với kéo dài. Tôi xin cháu chờ mấy phút cho mình đi tắt máy vi tính. Tắt xong, tôi trở lại bên điện thoại, cô phấn khởi nói tiếp:

- Cháu bảo đảm trăm phần trăm đây là chuyện của cô chủ tiệm cháu, cháu mới bạo gan ao ước cho nhiều người được biết để học, kể cả cô luôn. Vì cô chủ tiệm cháu đã có dâu có rể rồi, chớ cháu mới hai mươi bốn tuổi đâu làm gì có chuyện hay mà kể để cho ai học.

Coi đó! Thương cháu quá đi! Tôi nói thật lòng mình để cháu thêm phấn khởi:

- Cháu ạ! Không những chuyện của cô chủ cháu, chuyện của cháu, cô vẫn học. Cho nên cháu an tâm đi nhé, không phải rào đón hoặc lo ngại chi hết. Nầy! Cháu nghe cô nói đây! Cháu bảo cháu mới hai mươi bốn tuổi nên đâu làm gì có chuyện hay để cho ai học, nhưng cô đã nhìn thấy cái hay ở cháu. Đó là cái hay chịu học hỏi và muốn người khác cũng được học hỏi. Nói chung là cái hay của sự khiêm nhường và lòng yêu thương nên đáng quý lắm đấy, cháu ạ. Ngoài ra cô nhắc để cháu nhớ: Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu lìa đời lúc mới hai mươi bốn tuổi. Ngài đã được phong Thánh và được tôn vinh là tiến sĩ của Giáo Hội Chúa vì đã khai sáng nên "Con đường thơ ấu thiêng liêng" để tu đức cũng như để đối nhân xử thế.

Tôi nói thế, đúng là cô thêm phấn khởi, giọng cô reo vui:

- Ơi! Thật vậy sao cô? Vậy mà cháu đâu có biết! Thương cô ghê nhen!

Tôi cũng cười vui:

- "Thương" mà đến "ghê" thì cô rầu lắm đó!

- Thì đấy! Cô vừa mới bảo: Cô học ở cháu!

Đến nước nầy tôi chỉ còn biết cười huề với cháu thôi! Cháu nói tiếp:

- Nói thật với cô, cháu là đứa "bán trời không văn tự" mà cháu tâm phục, khẩu phục cô chủ tiệm "Nail" của cháu thì cô đủ hiểu cô ấy hay đến chừng nào! Lại tiệm của người ta không thầy thợ ra vô cũng giành ăn! Nên "Cãi nhau như mổ bò" là chuyện cơm bữa, chuyện nhỏ! Còn bôi bác nói xấu làm hại thanh danh nhau, hay tố giác, đánh đấm, phá xe, tráo hóa chất... hại nhau chỉ vì "Miếng ăn là miếng tồi tàn. Mất đi một miếng thì lộn cái gan lên đầu" quả đáng tởm và tủi hỗ lắm, mà vẫn cứ xảy ra luôn! Trong khi tiệm cô chủ cháu trên thuận dưới hòa, sóng yên biển lặng, trong ấm ngoài êm...

- Cho cô hỏi nhé! Cháu làm ở tiệm cô chủ nầy được bao lâu rồi?

Tôi ngắt lời cô để hỏi thế. Cô cho biết:

- Bốn tháng rồi cô ạ! Mà lương cũng không nhiều, kém hơn mấy chỗ cháu làm trước đó nữa, nhưng cháu lại thích ở làm. Cô ơi, nếu cô biết rằng cháu có bằng hành nghề "Nail" mới được hai mươi lăm tháng mà đã nhảy tới hai mươi ba tiệm, nhưng lại ở làm tiệm nầy tới bốn tháng là đủ biết cháu chịu cô chủ nầy dữ lắm! Cho nên cô mà chịu học cách của cô chủ tiệm cháu thì cháu tin chắc ngoài việc tạo an vui cho tiệm cô, cô còn thu phục được nhân tâm nữa!

Tấm lòng và thiện chí của cháu, tôi hiểu. Tuy nhiên tôi thấy phải nêu ý của mình.

- Vấn đề thu phục nhân tâm cũng tùy thôi cháu ạ! Đấy, tỷ như cháu tự nhận biết mình "bán trời không văn tự" tức mình tội lỗi, ngang ngược, khốn nạn... chớ chẳng ra làm sao hết! Cháu có cái tinh thần tự phê và khiêm hạ thế, nên mới chịu đầu phục, chịu học hỏi khiến cô chủ cháu được thành công trong việc thu phục cháu. Những người khác nhất là thợ "Nail" và thợ "Hair" sẽ không dễ đâu! Vì nếu như họ đã không có cái tinh thần như cháu, còn nặng thói quen đổ lỗi với chê trách... Ngoài ra ông bà mình đã có dạy kiếp con người ta là luôn phải: "Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh". Đấy, nhìn vào gia đình "Thánh Gia" thì đủ rõ. Từ Thánh Giuse đến Đức Mẹ, rồi Chúa Giêsu hầu như cứ long đong với hoạn nạn luôn! Cho nên tại cháu mới đến làm ở tiệm cô chủ cháu có bốn tháng thôi, mới thấy là tiệm ấy an vui; chớ nếu cháu làm ở đấy lâu hơn thì đã có thấy xảy chuyện. Thế gian mà cháu, mọi sự an vui đều là tạm bợ. Hôm nay thấy yên ổn đấy, hôm khác sẽ có xảy chuyện.

- Thì vẫn có xảy chuyện luôn đấy chứ! Nhưng lại đâu vào đó. Tắt một điều là: an vui. Đây nhé, để cháu kể cô nghe. Cháu...

- Khoan kể! Cháu ơi cô sốt ruột muốn biết cái cách chi của cô chủ tiệm cháu! Nãy giờ cháu đâu đã nói!

Lại một lần nữa tôi ngắt lời cô và đề nghị thế. Vẫn giọng vui tươi và mau mắn, cô nói:

- Thì để cháu kể cô nghe rồi cô sẽ kết luận đấy là cách chi. Sau đó xin cô đặt cho cái tựa bài với chọn số báo nào thích hợp để đăng vì nguyện vọng cháu chỉ có như thế! Cháu đâu được hiểu biết như ông chú nọ mà đặt cái tựa bài hay cái tên cho cái cách! Cô làm ơn đồng ý giùm! Đừng có cắt ngang lời cháu, hỏi khó cháu tội nghiệp! Cháu đã nói cháu là đứa "bán trời không văn tự" nhưng cháu chịu học ở cô chủ nầy thì cô phải biết cái cách của cô ấy tuyệt hay!

- Vâng! Cháu nói thế thì cô chiều ý cháu! Xin cháu hãy kể, cô nghe. Có thắc mắc thế nào cô cũng ráng "nhịn", không ngắt ý cháu để hỏi han chi hết!

Tôi đáp vậy, tiếng cô cười vui bên đầy dây và cô bắt đầu kể...

... Cháu lớn lên ở đồng ruộng, mà nơi khỉ ho cò gáy "hóc bà tó" quê mùa lắm! Ban ngày hầu như mọi người đều đi chân đất, tối tới thì đập đập hai chân vào nhau để lên giường ngủ. Đánh răng thì đánh bằng nước lã hay nước muối. Muốn "diện" cho răng trắng thì đánh bằng sơ cao tức bằng vỏ của trái cao để ăn trầu, muốn tóc bóng đẹp thì xức dầu dừa... Mấy cô gái dậy thì được "nổi ngực" đều phải lo "nịch" cho xẹp xuống, kẻo mấy bà già trầu trong làng trong xóm mắng là "con đĩ thúi để cái vú tưng tưng mà đi..."

Tôi nhìn đồng hồ thấy gần 11 giờ đêm, lại nghe cô kể mà... hởi ôi! Chuyện tít mù đâu của quê làng cô, nào phải chuyện của cô chủ tiệm cô! Trong khi cô bảo cô sẽ kể về cái cách chi đó thật hay của cô chủ nên tôi cũng sốt ruột được biết... Nhưng thôi, mở miệng sợ cô... rầy! Với lại tôi cũng đã trót hứa... nên tự khuyên mình hãy nhẫn nại nghe cô kể! Vì có thể cô thấy phải cần "giở trang sử" của đời cô là đứa "bán trời không văn tự" nhưng đã được cô chủ cảm hóa...

Bên đầu dây, cô vẫn giọng vui tươi phấn khởi kể thao thao...

... Trong cái làng "hóc bà tó" quê mùa đó của cháu, có một chị nọ được người quen giới thiệu cho lên thành phố ở đợ. Mỗi lần chị về thăm nhà, ăn mặc bảnh bao, chân đi dép thấy ham ghê! Rồi chị ấy được lấy chồng ở trên thành phố và sắp đẻ con nên má chị muốn kiếm đứa ở cho chị. Lúc đó cháu được mười bốn tuổi và má chị chọn cháu, cháu mừng ghê, nhưng ba má cháu không vui. Ba má muốn cháu ở nhà để năm cháu mười sáu tuổi sẽ gả cho anh nọ trong làng, vì hai gia đình đã nghoéo tay thề hứa sao đó từ lúc bọn cháu chưa chào đời. Cháu đâu có cảm tình với anh đó mà lấy! Hơn nữa cháu muốn thoát cái đời chân lấm tay bùn ở nhà quê, quyết phải ra thành phố nên xem đây là dịp. Cuối cùng ba má cháu chịu cho cháu đi... Chị ấy nằm đẻ, cháu thì lo các việc trong nhà từ giặt quần áo, lau dọn, nấu ăn... Nói thật cô thương, thấy anh chồng chị ấy có vẻ muốn muốn cháu, cháu đặt điều kiện thẳng với ảnh là nếu không chê cháu nhỏ thì cháu cho, nhưng phải cho tiền cháu để cháu uốn mái tóc quăn dợn sóng, với mua đôi giày và sắm ba bộ đồ mới. Anh ấy chịu và cháu cho ảnh. Cho một lần rồi hai lần và đến bao nhiêu lần cháu cũng không nhớ. Cho tới đúng một năm sau thì chị ấy bắt gặp, vưa đuổi cháu đi vừa bắn tin về quê, làm ba má cháu xấu hổ từ cháu, cấm cháu không được về làng. Đương nhiên cháu đâu có thích chui rúc về dưới làng quê để sống mà cấm. Một năm ở thành phố đủ cho cháu quen nhiều người trong khu phố, trong chợ... nên họ giới thiệu cháu đi ở những chỗ khác, để coi ông già bà lão. Và coi bà lão thì cháu cho con trai bà chơi cháu, còn ông lão thì cháu cho ông sờ soạng cháu để cho cháu tiền vì cháu muốn có tiền sắm nữ trang, áo quần, các thứ "diện" bằng thích. Bởi cháu thấy mình đâu có bị mất mát gì còn được lợi. Cháu đâu đã có kinh nguyệt nên đâu phải sợ chi chuyện bầu bì. Nhưng, đến khi cháu được mười sáu tuổi thì cháu có và bị dính bầu. Cháu vô bệnh viện sản xin phá thai thì gặp một bà hiền lành lắm, khuyên cháu đừng phá, hãy về ở với bà để bà lo cho. Cháu về với bà mới biết bà là bà sơ! Bà sơ với nhóm thiện nguyện của bà cũng đang giúp cho mươi chị em bạn gái nữa, bị dính bầu như cháu. Có người đẻ xong thì ở lại giúp bà sơ, coi đám trẻ. Cháu đẻ được đứa con gái thì bỏ nó đấy, trốn đi. Nữ trang cháu có, cháu bán một ít để đi học nghề làm tay chân nước, rồi sắm đồ nghề và xin vào làm trong một tiệm tóc. Tại đây cháu quen được anh Việt kiều lớn gấp đôi tuổi cháu. Anh ấy thật lòng yêu cháu và đưa cháu qua Mỹ đã bốn năm nay. Hiện chúng cháu có một bé trai cũng đã bốn tuổi vì đến Mỹ chỉ vài tháng thì cháu sinh bé...

Nghe đến đây tôi... thở phào! Thì ra trang sử đời cô tự nhận mình "bán trời không văn tự" ở những ngày trẻ dại coi như tạm kết thúc mà kết thúc... vui. Tôi phấn khởi nghe cô vẫn đang kể thao thao...

... Tiếng Anh cháu nói không giỏi nhưng cháu làm "Nail" giỏi nên muốn mình phải "hốt" được nhiều tiền. Mà tức ghê! Cháu đi tiệm "Nail" nào cũng bị thợ cũ đì với bị chủ đì vì coi thường cháu đã dở tiếng Anh lại tay nghề mới! Nói thật cô thương, đời cháu là cuộc đời vô đạo vì quê cháu Chùa còn chưa có nói chi có Nhà Thờ! Gặp bà sơ cứu vớt đời mình thoát cảnh phá thai giết chết đứa con nhưng cháu lúc ấy vẫn chưa biết thương con mình đâu, mà cảm tình với đạo Chúa thì lại lai láng ở cháu, qua hình ảnh dịu hiền, tốt bụng của bà sơ. Vậy mà lăn lộn vô nghề "Nail" gặp từ chủ đến thợ "Nail" có đạo Chúa nhưng họ giành ăn, gian dối, tham lam còn hơn người vô đạo là cháu, khiến cháu hầu như không còn chút cảm tình nào với đạo Chúa! Cái hôm cháu gọi đến cô chủ nầy để xin việc, cháu đã lo hỏi trước tiên là cô ấy có đạo Chúa không? Cô ấy bảo có, cháu đã toan tính rút lui. Mà thấy cô ấy hứa bao lương, đồng lương cũng tương đối nên cháu mới tới làm. Định sẽ làm tạm để kiếm được chỗ khác là đi. Không ngờ ngày đầu tiên đến, cháu thấy cô ấy sao quá hiền lành! Khách cứ để cho ba người thợ làm và như cô bị ba người thợ này ăn hiếp! Vì khách vô dư, cứ thấy ba người thợ đẩy khách đi! Trong khi bao lương cho cháu lẽ ra cô phải giữ khách lại đưa cháu làm để cô không bị lỗ. Thú thật cháu vừa xót vừa tức anh ách trước cảnh ba người thợ kết với nhau đẩy khách đi mà cô chủ thản nhiên chẳng nói chi, còn rũ cháu vô phòng đóng cửa lại; lần chuỗi đọc kinh. Cháu không biết lần chuỗi đọc kinh và hoàn toàn đâu có muốn. Nhưng, thương cô chủ, cháu đành phải theo vô phòng với hơn nữa cũng lo bị đuổi vì cô bao lương cháu... Cô ấy cũng không đòi hỏi cháu phải đọc kinh, lần chuỗi mà chỉ nói là cần được cháu ngồi đó, để cùng hiệp ý với cô thì điều cô cầu xin dễ được Chúa nhận lời. Cháu không hỏi cô cầu xin điều chi chỉ biết là cô cầu xin cách say đắm lắm! Thấy vậy cháu lại tự ý xin cho cháu có khách làm để cô đừng bị lỗ vì bao lương cháu, và cũng xin cho có khách để cô làm. Chỉ sau hai mươi phút thì xong và rồi mừng ghê cả cháu và cô chủ đều có khách làm lai rai suốt! Hôm sau, rồi luôn hôm sau nữa, cứ thế mỗi ngày cháu theo cô vào phòng đóng cửa lại, ngồi yên trong ấy khoảng hai mươi phút với cô, để nhìn cô lần chuỗi, nghe cô đọc kinh mà đọc cách đắm say, rồi cô thinh lặng xin chi không biết; nhưng cháu thì xin cho cả cô với cháu đều có khách làm. Mà đúng, khách sau đó cứ vô cho cả hai cô cháu được làm vì ba người kia đã có khách của họ. Theo được mười hôm thì kinh nào cô chủ đọc, cháu cũng đều thuộc nên cháu đọc theo. Rồi cô cho cháu xâu chuỗi, cháu cũng biết cách lần chuỗi. Đến ngày thứ mười lăm thì cô chủ hoan hỷ cám ơn cháu, bảo rằng:

- Cháu thấy đó! Bây giờ cháu sung sướng được ở đây làm với cô rồi phải không? Nhớ hôm cháu vô, cô biết cháu có ít nhiều bất mãn và cũng biết tâm lý ba người thợ của mình thấy thợ mới vô thì sợ bị mất phần dù rằng làm không hết khách! Thêm nữa tiệm lúc ấy cũng đang có vấn đề vì anh thợ đàn ông duy nhất đó, vợ anh ta mới bị mổ cắt bỏ tử cung hãy nằm bệnh ở nhà mà anh ta lại xoay qua tán tỉnh cô thợ trong tiệm vốn đã bị chồng bỏ lâu năm. Rồi thấy cả hai anh chị có tình ý với nhau nên cô lo anh ta sẽ làm cái chuyện lỗi đạo! Cho anh ta nghỉ việc thì quá dễ. Nhưng, làm sao để cả hai người cùng thấy được vấn đề lỗi đạo để đừng tiếp tục tìm đến với nhau mới là nên... Cô cũng vốn biết chỉ có Chúa mới thay đổi được lòng người và vững tin ở lời Chúa dạy: "Nơi nào có hai người hợp lại vì danh Chúa để cầu xin là được Chúa nhận lời". Cô mới đăng báo cần thợ. Chuyện lỗ lả vì phải bao lương thợ, cô không lo vì tín thác đã có Chúa lo, mà cô muốn có người để cùng hiệp ý cầu xin... Nay thì thấy cô thợ không còn tình ý với anh thợ nữa, vì cô mới được quen với một anh chàng đã chết vợ và đạt yêu cầu của cô hơn. Rồi nhờ hai người không kết với nhau nữa, nên khách vô không đẩy đi để dành cho nhau, mà đưa cho cháu làm. Và cô thợ kia cũng thế, đưa khách cháu làm chớ chẳng đẩy đi...

Cô kết luận:

- Đấy, cái cách của cô chủ cháu là như vậy đó! Nếu cô viết, xin cô đặt tên xem cái tựa bài là gì. Cũng xin thú thật với cô, lúc đó cháu cũng có ý định bỏ quách ông xã cháu cho rồi. Vì qua đây mới biết ảnh nghèo rớt, nghề ngỏng chẳng ra làm sao! Thế nhưng bây giờ cháu thấy thương ảnh nhiều với biết ơn ảnh nữa! Cháu sẽ không bao giờ phụ tình ảnh. Cũng như cháu đã biết nghĩ lại, thương con gái cháu và nhất định sẽ tìm dịp đón nó qua với đền ơn bà sơ...

Tôi cho cháu biết sẽ đặt tên bài viết là CẦU NGUYỆN. Bởi cách đấy, đạo Chúa gọi là CẦU NGUYỆN. Có nhiều hình thức CẦU NGUYỆN mà hình thức thường thấy là đọc kinh với lần chuỗi Mân Côi. Bài viết sẽ đăng vào báo Mẹ số tháng 9-10 và được hợp với chủ đề của số báo nữa: Tháng Mân Côi Đức Mẹ. Đức Mẹ luôn thiế tha mời gọi mọi người cầu nguyện. Cầu nguyện bằng trái tim.

Tôi cũng hỏi cháu đã xin ý cô chủ chưa và cô ấy có ngại gì không? Cháu cho biết chính cô chủ đã mất bao nhiêu là thời gian gọi lòng vòng xin cho được số điện thoại tôi, để đưa cho cháu...

*****

Kính thưa quý bạn đọc nhất là những bạn đọc đang điều hành cơ sở thương mại dù lớn, dù nhỏ. Tôi xin làm chứng cho việc ở chỗ làm ăn mà có ít lắm hai người cùng họp lại CẦU NGUYỆN vài mươi phút mỗi ngày. Tiệm tôi đấy, từ vài tháng nay được cô bạn làm mới, cứ ngày ngày rủ tôi cùng cầu nguyện khoảng vài mươi phút. Ôi! Ơn Chúa, Mẹ, Thánh Cả thương ban, thầy thợ chúng tôi sống với nhau an bình, vui vẻ thay!

 

Hoàng Thị Đáo Tiệp



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 237

Return to top