Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Cái ô

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 506 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cái ô
Như Phong
Lòng tôi đã mang nhiều vết thương nho nhỏ nhưng khó chữa gây ra bởi những cái rất nhỏ mọn, tầm thường. Những cái tầm thường quá, nhỏ mọn quá, không đáng để ý đến: những sự gặp gỡ vô tình, những cảnh được nhìn thoáng thấy trong một phút, những vật rất vô nghĩa lý, những việc lẫn trong sự sống hàng ngày... Đã bao giờ chưa, các anh cảm thấy bùi ngùi, xúc động khi được nhìn cái bộ điệu thất thểu, mỏi mệt của một anh chàng thất nghiệp, chiếc khăn tang đội trên đầu một đứa trẻ ngây thơ, vẻ mặt thèm muốn của một thiếu nữ nghèo đi qua một cửa hiệu kim hoàn...? Đã bao giờ chưa, trái tim các anh se lại khi, giữa phố đông rạo rực, các anh gặp một chiếc áo màu đã bạc phếch đương lủi thủi đi tìm bóng tối hay, qua một góc đường vắng, các anh được nghe những tiếng nhị rời rạc của mấy người sẩm già...? Tất cả những cái ấy đã để lại trong lòng tôi một nỗi chua xót âm thầm, một vết thương có lẽ không bao giờ kín miệng, vì trong một phút, chúng đã để cho tôi nhìn, đoán thấy một cảnh đời hay một số phận trong đó đầy những nỗi đau khổ tối tăm, những cái ưu phiền lặng lẽ, cả một bi kịch não nùng, cay đắng diễn trong xó tối cuộc đời mà nếu không nhờ ở sự tình cờ, có lẽ không bao giờ tôi tưởng tượng đến.
Đây là một trong những chuyện - không phải là chuyện - đã có, với tôi, một giá trị đặc biệt hơn cả những cuốn tiểu thuyết cảm động bi thương nhất. Nhưng biết đâu nó sẽ không làm cho các anh mỉm cười vì một là các anh không cảm thấy như tôi đã cảm, hai là tôi đã vụng về không biết kể lại.
Một buổi sáng, tôi đi qua phố Hàng Đào. Vì không có việc gì vội lắm, tôi bước chầm chậm và đưa mắt nhìn cảnh phố xá nhộn nhịp, tấp nập. Lúc ấy đã hơn mười giờ sáng. ánh nắng chảy lan dần khắp mặt phố. Bóng rợp các nhà đã rút ngắn lại trên hè. Người qua lại đều có vẻ vội vàng. Dưới các mái hiên, những tấm màn cửa bị gió động bay phấp phới. Thỉnh thoảng, một chiếc xe nhà chạy qua, những gọng kền sáng loáng hắt ánh nắng vào mắt người đi bên đường. Đứng ngoài nắng trông vào các cửa hàng chỉ thấy một thứ bóng tối xanh mờ trong đó thấp thoáng những tấm cửa tủ kính.
Tôi thong thả bước đi giữa những tiếng náo nhiệt lộn xộn, không phân biệt của phố đông và có cái cảm giác bị vây phủ bởi làn sóng sinh hoạt ban ngày lớn lao và rộng rãi.
Đến đầu Hàng Ngang. Chợt tôi để ý đến một người đi ở trước mặt. Người ấy bé nhỏ, đã có tuổi, tay cầm một cái ô. Một cái áo the thâm không còn mới nữa vì ở vai đã hơi đỏ; một cái quần giặt ở nhà không có nếp phẳng; một đôi giầy ta gần mòn hết tuy đã thay gót ít nhất là một lần. Trông dáng đi hấp tấp đủ biết người ấy đương vội vàng. Cái ô cầm ở tay là một cái ô đã cũ lắm, cán làm bằng tre, vải lợp, trước trắng bây giờ ngả màu vàng bẩn và đầy những vết ẩm mốc. Vì bị hỏng mất hai cái gọng, nên giương lên coi nó méo xuệch méo xoạc một cách đáng thương.
Tôi vẫn không được nom tận mặt chủ nhân của cái ô già yếu ấy. Đi đằng sau, tôi chỉ nhận thấy hai cái vai nhỏ hẹp và một cái lưng mỏi mệt hơi còng.
Không biết tại sao tôi lại đâm ra tò mò đối với con người lạ mặt tiều tụy ấy. Tôi liền rảo bước để đi cho kịp y. Đến giữa Hàng Ngang, y rẽ vào một hiệu khách bán bào chế. Tôi liền đi thẳng lên đầu phố rồi quay lại, có ý đợi cho y ra khỏi hiệu.
ở hiệu ra, y có một gói thuốc treo lủng lẳng ở cán ô, chỗ tay cầm. Y lủi thủi đi sát tận ngoài vỉa hè để tránh mọi người. Giữa đám đông, cái dáng điệu chậm chạp, lù đù càng làm cho người y thêm nhỏ lại.
Đến lúc giáp mặt và y ngẩng lên nhìn tôi thì... Trời! Trí nhớ của tôi không phải làm việc lâu, tôi nhận ngay ra ông thầy giáo dạy chữ nho của tôi ngày trước, hồi mà cách đây bảy, tám năm, tôi còn là học sinh trường tiểu học: ông giáo Huy.
Tôi liền ngả đầu chào. Lẽ tất nhiên ông giáo không nhận ra tôi là ai cả. Ông cuống quít lên; ông chắp tay giả lời cái gật đầu của tôi bằng một cái vái rồi ông đi thẳng. Đã lâu lắm, chắc chắn ông không được chào bởi những học trò cũ. Những người mà có gặp ở ngoài đường ông cũng khép nép tránh sang bên, nhường đường cho họ đi.
Tính ông, ngày trước hiền lành quá hóa ra nhút nhát, cẩn thận quá hóa ra sợ sệt. Vì thế nên đối với ông, học trò ai cũng nhờn. Buổi học của ông là buổi học duy nhất trong tuần lễ mà những học trò sợ kỷ luật nhất cũng đâm ra "quấy", bởi lẽ họ biết không bị phạt bao giờ.
Tự nhiên, tôi lại nhớ đến những buổi sáng thứ năm học chữ Nho xưa kia... Một lớp học, lúc nào cũng rầm như chợ vỡ... Những bạn học hỗn láo, nghịch như quỷ...
Trông ông giáo Huy, ngày nay, vẫn không khác trước mấy tý. Vẫn đôi mắt nhỏ và sâu, lúc nào cũng đăm đăm buồn. Vẫn những vết giăn làm cho hai bên mồm gieo hẳn xuống. Vẫn cái nét mặt nhọc mệt, thê thảm. Vẫn cái dáng điệu sợ sệt, rụt rè, lúc nào cũng muốn thu nhỏ mình lại. Vẫn cái ô!
Cái ô ấy, ngày xưa, đã bao nhiêu lần hiến cho bọn học trò "quỷ sứ" trong lớp tôi những dịp buồn cười vỡ bụng. Tuổi trẻ hay chơi ác. Họ thấy ông giáo mới mua cái ô - trước ông vẫn quen dùng nón - là họ tìm hết cách lại hại nó để cười chơi. Những cách đùa ác độc ấy không thiếu gì. Họ hết bôi mực vào lại lấy ngòi bút đâm thủng nó ra từng chỗ, tuy ông giáo đã hết sức giữ gìn cái ô mới! Thật là một cái tội!
Một buổi, trong giờ học, nhân lúc ông giáo chấm bài, một anh lập tâm lấy trộm được cái ô đem về giấu vào ngăn bàn. Đến giờ về, lớp học vừa tan, ông giáo tìm đến ô... Thì hỡi ôi! Cái ô mới của ông đã mất. Ông tìm cuống quýt lên, hồi lâu vẫn không thấy.
- Các anh có anh nào trông thấy cái ô của tôi không?
- Thưa thày, không ạ.
Học trò đồng thanh trả lời. Một nụ cười ranh mãnh nấp trên cặp môi tinh nghịch. Ông giáo lại lúi húi đi tìm một hồi nữa. Tìm không thấy, ông càng thêm cuống quýt. "Lạ quá! Tôi chỉ để nó ở góc tường này!" Sau cùng, ông đứng thần người ra giữa lớp.
Để yên một lát như vậy để hưởng hết cái khôi hài của phút vui hiếm có ấy, rồi một anh trong bọn nghịch bỗng làm bộ soát trong ngăn bàn rồi hốt hoảng lôi cái ô ra:
- Thưa thày đây rồi. Không biết tại sao nó lại chạy vào ngăn bàn của con ạ.
Cả bọn thi nhau cười rúc rích. Ông giáo bấy giờ mới biết họ trêu mình nhưng ông không nói gì, chỉ cầm lấy cái ô phất nhẹ qua mấy cái rồi cắp cặp ra về.
Những trò trêu ghẹo này còn diễn ra nhiều lần sau nữa.
Hồi ấy, ở trong lớp, về môn nghịch ngợm thì kể ra tôi cũng không kém mấy. Thế nhưng không biết tại sao, đối với ông giáo, tôi cứ thấy hình như không nỡ giở ra trò đùa nghịch, tinh ranh. Điều này làm cho bọn "đồng chí" mọi khi của tôi phải lấy làm lạ. Theo như tôi biết, cảnh gia đình của ông giáo rất đáng buồn! Nhà đông con, lương ít, lại gặp phải bà vợ chỉ biết độc một việc đánh bạc, ông giáo đi làm còm cọm chỉ đủ để góp nợ nần. Ông không dám chơi bời gì, hà tiện từ đồng xu giở đi. Nhà ông thuê ở tận trên Yên Phụ mà xuống dạy ở trường Hàng Vôi, không bao giờ ông đi xe! Cả những hôm trời mưa cũng vậy!
Ông vốn nhà nho, tính người hiền lành, chậm chạp, vụng giao thiệp nên không có bạn. Vì không ai nói tốt cho ông cả, ông rất chậm ăn lên.
Nhiều lần, tôi đã tưởng tượng đến cái cảnh nhà thanh bạch của ông, đến tất cả bao sự cần dùng nặng nề đè trên đôi vai mỏng mảnh cũng như số tiền lương của ông mà tôi rùng mình thương hại. Cách sau hai năm tôi không học ông nữa thì, một hôm, giữa hai câu chuyện, một người bạn học của tôi biết tin là ông giáo Huy đã bị về vườn. Ông phải bắt buộc về hưu tuy ông còn mấy năm nữa mới hết hạn. Nghe đâu chuyện đó chỉ vì người con lớn của ông vừa bị bắt về tội có chân trong hội kín. Người bạn kể cho tôi nghe bằng một giọng lãnh đạm, tôi cũng nghe bằng một vẻ lãnh đạm, nhưng trong thâm tâm tôi thấy bứt rứt, thương xót quá chừng. Tôi như thấy ở trước mắt cái cảnh nghèo túng, thiếu thốn, nheo nhóc của gia đình ông giáo. Và cái hình ảnh rầu rĩ, yếu ớt của ông, như một điều hối hận cứ mãi mãi theo dõi tôi.
Lâu dần, tôi cũng quên ông đi.
Sự tình cờ, sau bảy năm, còn để cho tôi được gặp ông giáo Huy một cách không ngờ ở ngoài phố. Không! Trông ông giáo vẫn thế, không khác đi chút nào! Vẫn nét mặt ấy, vẫn dáng điệu ấy. Vẫn cái ô...! Cái ô mà ông dùng đã bảy năm nay vẫn không bỏ vì có lẽ ông không có tiền mua cái khác. Bây giờ trông nó đã "tàng" quá, ốm yếu quá, mỏi mệt quá: nó cũng giống như người ông vậy.
Ai biết đâu nó đã kể lể cho tôi nghe bao chuyện rất ngậm ngùi! Nó kể cho tôi biết những sự vận động xin ở lại nhưng không có kết quả của ông giáo, bao phen đi lại, chực chõm, đợi chờ - những cái mà bản tính nhút nhát của ông giáo vẫn coi như những hình phạt - nó nói cho tôi biết những nỗi nghèo túng, vất vả, cay đắng đã bổ vây lấy gia đình ông giáo từ khi ông phải ở nhà với một số lương hưu trí ít ỏi, nó nhắc cho tôi nghe những lời thúc giục của các chủ nợ và các sự cần dùng, những câu đay nghiến, trách móc của vợ ông, một người đàn bà không bao giờ để ý đến sự chồng đã khó nhọc cho mình sung sướng, nó còn cho tôi biết nhiều... nhiều nữa...
Một nỗi buồn thấm thía bỗng dưng len vào óc tôi. Sau bao nhiêu ngày, mỗi lần nhớ đến hôm gặp ông giáo Huy - gặp ông lủi thủi mang cái ô "tàng" và vẻ rầu rĩ, mỏi mệt của ông đi trong phố - lòng tôi lại như thắt lại.
Tiểu thuyết thứ bảy
Số 184 (12 - 1937)



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 674

Return to top