Tháp Chuột
Georges G.Toudouze
Kỷ niệm nhớ đời ư ? Làm sao không có, một khi tôi đã kinh qua 35 năm làm nghề gác hải đăng? Cái nghề này tưởng chừng không có kỷ niệm, vì con người ta chỉ quanh quẩn trong cái tháp xây trên đá sỏi giữa biển, trên cao là trời vòi vọi, xung quanh là nước mênh mông. Thế mà tôi đã trải qua một cơn ác mộng dữ dội . Thuở ấy, tôi còn trẻ lắm, mới vào nghề... Tôi gác một ngọn hải đăng mới xây ở Guyane .
Xứ sở buồn tênh, khí hậu cũng buồn và cái ngọn đèn này càng buồn tợn. Khoảnh đá sỏi ấy có tên là Đá-Ba-Xương. Truyền thuyết kể rằng có ba người tù khổ sai ở ngục Cayenne đã đánh cắp một chiếc ca nô để đào thoát. Sau ba ngày lênh đênh, họ dạt vào khoảnh đá này, chết khát trong sự chờ đợi một bóng tàu . Người ta - mãi sau này - chỉ tìm được ba bộ xương khô . Chim biển đã rỉa hết thịt.
Mọi người đồn rằng những đêm bão biển, ba bộ xương lấp lánh lân tinh lại nhảy múa và than khóc. Các bạn biết đấy, dù sao, đó cũng chỉ là chuyện để con người "ấm" lên giữa biển trời mù mịt. Vừa đặt chân lên đấy, tôi đã nghe " câu chuyện làm quà" . Chẳng sai, Điều làm tôi quan tâm là cái tháp này cách bờ những 40 km, là những vỉa đá răng cưa nhô lởm chởm giữa những làn sóng dữ và những hàm cá mập nhung nhúc quanh ghềnh. Chúng tôi có 4 người. Ba người canh tháp và một người ở đất liền. Cứ 6 tuần, chiếc tàu Ponts-et-Chaussees lại ghé vào, chở đi một người đến kỳ nghỉ ở đất liền và thả một người .
Sau đó là lương thực và nước uống. Chấm hết. Tất cả đã thành điệp khúc. Nước và thức ăn lúc nào cũng dư dả, phòng khi biển động, tàu không ghé được.
Ban ngày, chúng tôi quét dọn trong tháp, ban đêm, thắp sáng 2 vạn ngọn nến để ngọn đèn cao 45m này làm tròn nhiệm vụ của nó. Những ngày trời quang mây tạnh, chúng tôi thấy đất liền ở chân trời, mảnh như sợi chỉ. Bạn thấy đấy, 12 tuần liền trên biển mới được vào đất liền, buồn lắm. Tôi đã qua 22 tháng ở Đá-Ba-Xương mà không gặp chuyện gì đáng kể.
Đến tháng thứ 23, câu chuyện đã xảy ra . Tám ngày đầu bình thản trôi qua . Đến đêm thứ 9, khoảng nửa đêm, anh chàng xứ Basque đánh thức chúng tôi dậy . Đó là Itchoua, hơn chúng tôi 12 năm lăn lộn, là trạm trưởng. Tôi và Glio bật dậy, chong mắt theo tay của Itchoua . Một con tàu, với ba cột buồn lớn, đang tiến thẳng về tháp. Đúng là kỳ lạ. Vì ở khỏang cách ấy, hẳn thuỷ thủ đoàn phải thấy rõ ánh sáng cực mạnh tỏa ra từ tháp rồi . Tôi phỏng đoán ngay: đây là tàu buôn, trọng tải 40.000 tấn, chở hàng từ nơi này sang nơi khác, không dừng lại bao giờ.
Có lẽ là tàu Hà Lan. Gleo nói ngay: " Điên hay sao thế? ánh sáng rõ mồn một thế này mà cứ lao vào à?" . Nhưng Itchoua khẽ lắc đầu: " Nhưng phải có người trên boong thì mới thấy tháp chứ..." Gleo rướn người, vặc ngay: " Sếp ạ, sếp định kể về một con tàu ma chăng?" . Derelict là một loại tàu vô chủ, lang thang vô định, mặc sóng gió đưa đẩy, trì kéo, mà người Anh vẫn gọi . Trong vòng 10 phút, con tàu lừng lững ập đến và một cơn gió thốc dữ thốc tới, bẻ nó sang hướng khác. Chúng tôi nghe rõ tiễng gỗ vặn răng rắc. Itchoua lẩm bẩm: " Sao thế nhỉ?
Sao họ lại bỏ rơi con tàu ? Đâu có vết cháy hay vết nứt gì?" . Gleo reo lên: " Thượng lộ bình an nhé" . Nhưng Ithchua - vốn đã quen hướng gió - làu bàu: " Chưa chắc đâu nhá" . Mà đúng thật, sau một hồi do dự, con tàu hoang lắc lư, trở mũi và lại đâm thẳng về phía chúng tôi! Suốt 4 giờ đằng đẵng, nó cứ đùa cợt như vậy, đi rồi lại về, đánh võng liên miên như người say rượu . Rồi mặt trời lên. soi rõ ba cái cột buồm khổng lồ. Chúng tôi lao ra ban công, dùng ống nhòm quan sát. Một đống dây néo cột buồm thượng rối tung, trên đó là mớ vải bùng nhùng. Chữ đen hiện rõ trên nền trắng: Cornelis-de-Witt, Rotterdam. Đúng là tàu Hà Lan rồi . Đúng lúc đó, gió lại nổi lên, làm con tàu chao về hữu ngạn một chút rồi lại đâm thẳng về chúng tôi . Nhưng lần này, nó đến gần đến độ Gleo thét lên nhưn còi: " Trời ơi, nó..." . Itchoua vẫn bình thản: " Đừng lo, va vào rặng đá này, nó sẽ tan tành đấy" . Chúng tôi chỉ biết giương mắt nhìn, không làm gì được. Các bạn biết đấy, nhìn một con tàu đẹp như thế kia sắp tan xác, buồn lắm, đau lắm. Ba cái ống nhòm đều hướng thẳng về con tàu và đột nhiên, ba cài mồm đồng loạt gào lên: "Chuột!" .
Trong tích tắc, cả ba đều hiểu ngay tại sao thuỷ thủ đoàn Hà Lan đã bỏ trốn và cũng mường tượng ngay điều gì sắp xảy ra ở đây . Vâng, các bạn sắp bật cười . Nhưng các bạn ạ, thiên hạ chỉ quen thấy những con chuột từ chót đuôi đến mõm chỉ độ 30cm, thứ chột khốn khổ suốt ngày len lét ăn vụng, thấy động là bỏ chạy . Cái thứ chuột ấy chỉ là trò trẻ... Còn chuột biển mới đáng mặt chuột. chúng chào đời trên tàu bè, phá phách rồi chết đi . Thứ chuột ấy, so với chuột đất liền, là chiến hạm đứng cạnh thuyền chài! Chúng to như cối đá lỗ, cuồn cuộn bắp thịt, tinh ranh khủng khiếp, cứ như từng qua những trường hàng hài, có kỷ luật đến độ những đội quân tinh nhuệ nhất của loài người cũng phải sợ. Vâng. Chúng là những thuỷ thủ đầy kiêu hãnh và gan góc, dám ra khơi trong bất kỳ thời tiết nào, đánh hơi gió không thua gì phong vũ biểu. Chúng dữ như cọp, lại dai như đỉa . Bạn lỡ dại giẫm phải một con, một tiếng kêu đanh gọn vỡ ra và từ đầu đến chân bạn sẽ có hàng trăm con chuột, cho đến khi bạn chỉ còn là một bộ xương sạch sẽ!
Mà giống chuột đáng sợ nhất là chuột Hà Lan. Người ta từng kháo nhau rằng nhiều vị thuyền trưởng đã phải đem lên tàu những con chó bouledogue vạm vỡ. Vâng. Không thể đem mèo lên được, vì mèo là... mồi cho chuột, nhưng cũng chỉ trong vòng 24 giờ, nhiều con chó đã bị dằn ngửa xuống sàn ràu, bị rỉa thịt, trơ lại xương trắng. Khi không còn gì để xơi, lũ chuột sẽ phóng xuống biển, leo lên tàu khác. Chính vì thế mà toàn bộ thuỷ thủ đoàn tàu Cornelis-de-Witt phải bỏ của chạy lấy người . Mà biết đâu họ không kịp chạy, vì trên boong tàu, vẫn còn nguyên những chiếc canô kia ... Và trên cột buồm, trên sàn tàu, trên dây néo, đâu đâu cũng nhung nhúc những chấm đen đang riả róc. Chúng tôi, giờ đây, muốn trốn cũng không được, vì không có lấy nửa chiếc canô . Trong chớp mắt, dưới sức gió dữ dội, con tàu lao vào bờ đá như thỏi sắt dính vào nam châm. Nó chao đi, vỏ tàu nứt đôi, tiếng gỗ xé roàng roạc đến gai người . Ba cái cột buồm đồng loạt gãy gục như bị rìu phạt. Các bạn tưởng lũ chuột chết đuối ử Lầm to . Chúng bắt sóc trên cây và tóm cá dưới biển y như nhau thôi! Phân nửa binh đoàn chuột nhảy như chớp lên ghềnh, nửa kia rơi xuống biển. Ngay tức khắc, đội quân thiện chiến này xếp thành hàng ngũ, đầu ngóc, đuôi thẳng, chân bơi và... tiến vào ghềnh.
Cả ba chúng tôi há hốc, không động đậy nổi một ngón tay . Ba cái cột buồm uy nghi đã biến thành bó tăm xơ xác, còn lũ chuột thì lững thững hành quân về đây . Hơn một nghìn cái mõm đánh hơi, hít lấy hít để: mùi thịt tươi!
Đúng lúc đó, một tiếng rít phát lệnh, nghe tức ngực hơn cả lưỡi cưa nghiến vào thỏi sắt. Lũ chuột lăn xả vào cuộc tổng tấn công. Chúng tôi chả còn thì giời để mà lùi lại, để mà đóng cửa sổ và cửa kính, để mà chẹn lối cầu thang. May là cửa ở chân tháp đã đóng kín và đó là cánh cửa bằng đồng nguyên chất! Chỉ trong phút chốc, cái tháp bằng đá hoa cương được phủ chiếc áo khoác đen ngòm: lũ chuột đói đang leo lên! Vai kề vai, đầu nối đuôi, đẩy nhau trườn lên, chen nhau thật lực, lũ giặc bâu kính bệ cửa sổ. Chúng tôi đóng cửa kính lại là đã nghe tiếng móng cào kin kít vào mặt kính. Hàng nghìn cái mõm đen bóng chuyển động bên ngoài, những đôi mắt đỏ ngầu long lên sòng sọc vì đã thấy mồi mà không thể tiếp cận. Chỉ có lớp kính dày vài mm chia cách chúng tôi với những đôi mắt khát máu ấy, với những hàm răng nhọn hoắt và móng vuốt sắc lẻm ấy. Mùi tanh của chuột sộc vào, làm chúng tôi muốn mửa ...
Thế là cả ba trở thành tù nhân của binh đoàn chuột đói, vì lũ giặc sẽ không bao giờ bỏ đi một khi chưa nếm được máu . Cả ba sợ toát mồ hôi, dù chung quanh là những hoa cương, thuỷ tinh dày, đồng và thép. Phải qua mấy giờ, chúng tôi mới dám tin đấy là sự thật. Đêm đầu tiên, không ai chợp mắt nổi một phút. Lúc nào, chúng tôi cũng mường tượng: rồi một lối vào nào đấy sẽ đổ sụp, lũ chuột tràn vào và thế là hết. ánh sáng gay gắt cuả ngọn hải đăng không là gì cả trước lũ chuột đói . Ánh sáng xoay vòng chỉ làm chúng thêm điên tiết. Còn trong những vùng tối, hàng trăm con mắt đỏ đòng đọc đang long lên sòng sọc, như mắt thú hoang giữa rừng khuya . Tiếng móng cào vào kính và tiếng răng gậm đá cồm cộp nghe rõ mồn một. Cả sắt thép cũng rung lên bân bật và xen vào đó là tiếng gào thê lương cuả những cái mõm hung baọ, đến độ chúng tôi cũng phải thét theo .
Và chúng đánh nhau . Từng chùm chuột rơi tõm xuống biển như quả ủng. Chúng tôi thấy rõ những cái vây hình tam giác lồng lộn dưới ấy . Vâng. Cá mập đang xơi cỗ. Đêm đầu tiên trôi qua như vậy đó...
Ngày thứ hai, chúng tôi bình tĩnh lại . Trong khi đó, đàn quỷ vẫn điên dại húc đầu vào kính, không hiểu sao đã thấy mồi rồi mà chặn đứng. Vấn đề - đến ngày thứ ba - đã nảy sinh: thiếu dưỡng khí. Cửa mẹ cửa con đã đóng chặt. Mùi dầu hỏa nồng nặc trong tháp vẫn không át nổi mùi tởm lợm của chuột. Đến ngày thứ tư, tôi chợt điếng hồn khi thấy khung cửa sổ phòng tôi bắt đầu rền rĩ và sắp long ra vì trận bão chuột bên ngoàI . Cả ba tức tốc chèn vào một tấm tôn. Itchoua quả quyết: " Cách đây 13 ngày, tàu đã đến. Còn 29 ngày nữa. Nếu tấm tôn này sụp xuống trước ngày thứ 29 ấy, ta có thể gọi đây là tháp-sáu-xương rồi" . Không ai cười nổi, chỉ thấy rùng mình.
Bảy ngày bảy đêm đi qua như một thế kỷ. Khung cảnh vẫn như cũ. Thỉnh thoảng, một chùm chuột lại rơi tõm vào họng cá mập. Nhưng hình như quân số chuột chả giảm đi bao nhiêu. Để đỡ căng thẳng, chúng tôi thử đếm chuột, nhưng vô ích. Chúng vừa đông lại vừa chuyển động liên tục.
Rồi các cánh cửa sổ khác cũng bắt đầu chuyển động. Gleo bắt đầu mê sảng. Anh ta thấy ba bộ xương lấp lánh lân tinh đang khiêu vũ quanh mình và định ôm lấy cả bọn! Itchoua và tôi - nghe lời kể của Gleo - bắt đầu hoảng và cũng thấy như thế! Các bạn đừng hỏi tại sao chúng tôi không kêu cứu . Cột đèn tín hiệu gắn ở bên ngoài kia . Có điên mới mở cửa để đi ra . Mà trên cái cột ấy, mật độ chuột đang cao nhất! Đến ngày thứ chín, chúng tôi quyết định không đốt nến trong tháp nữa . Đây là một việc quan trọng, vì theo quy định ngành hàng hải, 15 phút sau khi mặt trời lặn, hải đăng phải có ánh sáng.
Nếu quá thời gian ấy, xem như người gác đã chết. Và tối hôm ấy, đèn đã không sáng, dù trên Đá-Ba-Xương, vẫn còn ba người đang thở. Khoảng 2 giờ sáng, cửa sổ phòng Itchoua bật tung. Anh đang ngủ chập chờn nên không còn thời gian bật dậy hoặc kêu cứu nữa . Lũ chuột bâu lấy anh ta cắn xé.... Qua cái lỗ thủng bị công phá ấy, cả ba điên cuồng chiến đấu với chuột bằng những thanh sắt. Chúng tôi, thương tích đấy mình, lùi dần. Rồi đến cửa cái cũng chào thua . Chúng tôi rút lên theo cái cầu thang hình trôn ốc, còn lũ chuột lại chạy nhanh hơn. Tôi không còn biết điều gì xảy ra nữa, chỉ nhớ là ba anh em đã bị hành hạ kinh hồn, hoàn thân đầy máu, quần áo tả tơi thành giẻ rách, không bỏ bụng được vụn bánh mì và giọt nước nào .
Chúng tôi đã đến trần hải đăng và lũ chuột - qua tấm lưới bê tông- đang nhung nhúc ngọn tháp đá. Có khoảng 20 con chuột đã lọt vào khoảnh đất cuối cùng này cùng lúc với chúng tôi . Cuộc chiến diễn ra với thanh sắt, gót giày, nắm đấm, răng và vuốt, dao và búa. Trong lúc đó, hàng nghìn tiếng kêu gào vẫn vang vọng trong lòng tháp, xoáy vào óc ba anh em... Itchoua không hé răng nửa lời, chỉ nhìn thân thể bê biết máu của mình, từ ngực đến tay, từ bụng đến chân. Còn Gleo, cũng đỏ lòm toàn thân, đang cười: " Tháp-Ba-Xương thành Tháp-Sáu-Xương! Hì hì! Sáu Xương! Sáu Xương!" . Tôi phải doạ sẽ đấm, Gleo mới thôi, nhưng lại bật khóc rưng rức như trẻ con.
Tinh mơ hôm sau, quả nhiên, do không thấy ánh đèn biển, tàu Ponts-et-Chaussees đã ghé qua tháp, xem chuyện gì xảy ra và qua cửa kính, tôi thấy rõ nét mặt kinh hoàng của thuỷ thủ đoàn khi họ nhận ra ngọn tháp chuột! Nhưng đúng lúc ấy, lũ chuột cũng thấy tàu. Một số nhảy ngay xuống biển và định tấn công. Tàu đã tắt máy . Người thợ máy xịt ngay một luồng hơi nước vào mõm lũ chuột bơi đầu, làm chúng khựng lại. Đúng khoảng khắc ấy, tàu nổ máy và... chạy trốn. Còn lũ cá mập thì lướt đến, táp lấy táp để những cái đốm đen hung dữ kia . Biển loang máu và cuộn sóng...
Điên tiết, bọn còn lại răm rắp quay lại tháp và kêu lên ghê rợn. Lũ trên tháp đáp lại bằng những tiếng rít ghê rợn hơn. Con tàu - sau khi giữ khoảng cách an toàn - đi vòng quanh cái tháp đầy chuột. ánh đèn pha soi rõ những mõm, những râu, những đuôi, những vuốt đầy man dại và căm hờn. Cuối cùng, thấy rõ lũ chuột chui ra chui vào các cửa sổ như chỗ không người, thuỷ thủ đoàn nghĩ là chúng tôi đã chết. Tàu rời xa dần. Đúng lúc ấy, Itchoua quyết định đánh điện tín bằng ánh sáng đèn tháp, hồi dài hồi ngắm. May thay, người ta đã vẫy tay và hụ còi đáp lại! Bằng một ký hiệu, người ta cho biết: " Cố lên! Chúng tôi sẽ giúp..." . Và con tàu chạy hết tốc lực về phía đất liền. Chúng tôi ở lại với niềm hy vọng.
Đến trưa, nó quay lại, kéo theo một xà lan và một máy bơm. Quá trưa một chút, chuột và người khởi chiến. Tàu bơm phun những cột nước cực mạnh vào vách đá của tháp. Lũ chuột rơi thẳng vào họng cá mập, nhưng cứ 10 con rơi xuống thì 7 lại leo lên. Mà đó cũng chỉ là cuộc chiến với lũ chuột bên ngoài tháp, còn bên trong thì không thể... Một số con hung dữ lại nhào ra biển, tấn công thẳng vào tàu bơm nước và thuỷ thủ trên ấy lại quay ra đánh giáp lá cà với chúng. Tóm lại, không hổ mặt là chuột Hà Lan!
Một đêm nữa trôi qua trong cái ngục cao 45m. Gleo tiếp tục lảm nhảm và quay ra ... đếm xương, những bộ xương trong óc anh ta . Itchoua bắt đấu sốt cao do nhiễm trùng từ vết cắn của chuột. Còn tôi, chẳng khá gì hơn...
Trưa hôm sau, người ta nảy ra sáng kiến: bỏ hàng đống thịt tươi lên chiếc xà lan và kéo một vòng quanh tháp. Đánh hơi được mùi ấy, cả binh đoàn chuột không sót một con, bâu kín lấy xà lan và ra sức đánh chén. Tàu bơm chạy qua, phun dầu hoả lên lũ chuột. Một quả tên lửa nhỏ được bắn thẳng vào cái mồi lửa kinh dị ấy. Những con chuột tinh ranh nhào ngay xuống nước để đừng bị nướng chín, nhưng cá mập đã giải quyết tất cả. Đó là ngày thứ mười một ....
Gleo đã phát điên thật sự và được chở về đất liền. Itchoua qua đời mấy ngày sau vì những vết thương nhiễm trùng quá nặng. Còn tôi, tôi ở lại . Ở lại với Tháp-Ba-Xương, chứ không phải Tháp-Sáu-Xương...